Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

Truyện ngắn vui BUỒN CHO SỰ HỌC

BUỒN CHO SỰ HỌC
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ngồi và trong nhà

Đường làng thưa vắng bóng người. Lũ trẻ con tiếp tục được nghỉ học nhưng chỉ chơi trong sân nhà ít chạy ra ngoài đường để đề phòng lây nhiễm dịch Corona. Khu chợ đầu làng cũng vắng hơn nhiều. Người ta mua nhanh, bán nhanh rồi về nhanh, tránh tụ tập đông người theo thông báo của xã. Ông Tô đi bộ ra đầu làng. Buôn bán thời dịch bệnh lờ lãi chả bao nhiêu nên bà Tô ở nhà quản lý mấy đứa cháu nội ngoại được nghỉ học.
Ông Tô ra nhà lão Cốc chơi. Lão Cốc cũng đang phải quản lý hai đứa cháu nội, một cháu ngoại nghỉ học ở nhà. Ba đứa trẻ đang dán mắt vào màn hình ti vi xem phim hoạt hình.
Ông Tô vừa cầm chén nước lão Cốc đưa cho vừa nói :
- Buồn cho cái "sự học" bây giờ quá ông ạ!
Lão Cốc gật gù :
- Đúng là buồn quá! Học sinh lại phải nghỉ thêm một tuần nữa đấy!
Ông Tô lắc đầu :
- Ý tôi không phải như vậy! Học sinh phải nghỉ học là do đề phòng dịch viêm phổi cấp lây lan. Đó là yếu tố khách quan và là cần thiết. Ý tôi nói là bây giờ nhiều người học hành cao, kiến thức đầy mình, toàn những y bác sĩ, dược sĩ vậy mà khi có dịch bệnh lại tìm cách găm hàng, gom hàng, nâng bán giá khẩu trang cao gấp hai ba lần, thậm chí gấp cả mười lần để thu lời đấy ông ạ!
Lão Cốc cũng bức xúc:
- Loại người ấy chỉ coi tiền là trên hết, xem thường tính mạng, hiểm nguy của con người, của đồng loại khi dịch bệnh xảy ra. Họ không đáng được coi là người có học…
Ông Tô trầm ngâm :
- Họ vẫn có học đấy nhưng họ không có tâm ông ạ!
- Có học gì mà không bằng một thằng bé lớp 3 dành hết số tiền được lì xì tết, một ông già nghèo ít học đem tiền tiết kiệm đi mua khẩu trang phát miễn phí cho người đi đường thế?
- Thì họ là… con buôn mà lại?
- Buôn bán cũng khối người khi xảy ra dịch bệnh thế này đem tiền mua khẩu trang phát miễn phí đấy!
Ông Tôi nói thêm :
- Đúng vậy. Tôi đọc báo, xem mạng xã hội thấy bọn người này kêu gọi nhau liên kết lại găm hàng không bán khẩu trang, nước rửa tay khử trùng đúng giá cho nhân dân đấy!
- Đúng là học nhiều mà hành động lại như kẻ vô học như thế, thật buồn quá… Nhưng thôi, đã có nhiều người bị xử phạt thích đáng rồi! Tôi thấy cái "sự học" còn có điều buồn hơn nữa ông ạ!
- Điều gì thế?
- Thì… ông không thấy cái ông tiến sĩ lý luận gì gì đó viết một bài báo chữ nghĩa lủng củng, ý tứ mù mịt, dư luận đang bàn tán xôn xao lên đấy à?
- À… cái ông tiến sĩ coi "đảng là một dân tộc" ấy à?
- Đúng rồi!
Ông Tô giải thích:
- Câu ấy không phải của ông ấy, mà là câu dịch thuật từ tiếng Đức ra tiếng ta không sát, không đúng nghĩa. Điều đáng buồn là cái ông tiến sĩ này rập khuôn máy móc, quen lối tầm chương trích cú, công thức, giáo điều, không phân biệt được đâu là ngôn từ chuẩn xác, thuần Việt nên mới bị dư luận xôn xao phê phán. Từ văn ngoại chuyển sang văn ta, từ văn ta dịch sang văn ngoại nhiều khi nó ngô nghê lắm, nếu không tỉnh thì mình cũng nghê ngô theo đấy. Ông không nghe chuyện có một anh Tây dịch hai câu thơ: "Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương" ra tiếng nước ngoài, khi dịch ngược trở lại tiếng Việt thì lại thành ra là: "Cuồng phong xô cành trúc/ Đổ xuống tà vẹt đường/ Vợ già đánh một hồi chuông/ Canh gà húp vội hóc xương mấy lần" đấy à?
Lão Cốc thích chí gật gù:
- Đúng là ông giáo biết nhiều thật. Nhưng còn cái ông tiến sĩ kinh tế phê phán chính phủ quy định "bắt các hiệu thuốc bán khẩu trang đúng giá là nông cạn, là dốt nát" cũng thật là đáng buồn, đáng lo hơn cho cái "sự học" ngày nay đấy ông ạ!
Ông Tô lại nói:
- Tôi thì lại nghĩ khác! Cái điều ông tiến sĩ lý luận kia viết ra mới đáng lo hơn. Vì ông ta ở cơ quan chiến lược, tầm vĩ mô, viết không chuẩn thì sẽ kéo theo hành động không chuẩn của cả một phong trào. Còn cái ông tiến sĩ kinh tế chỉ có ý kiến về một giải pháp ở tầm vi mô, về một sự việc cụ thể, vừa nói ra ai cũng biết là sai, chả ai làm theo nên ảnh hưởng không lớn. Chỉ buồn một điều là ông ấy học nhiều, trong đầu kiến thức khoa học thì nhiều mà ý thức xã hội thì lại quá ít thôi.
Lão Cốc bảo:
- Ông nói rất đúng! Bây giờ nước ta nhiều người học vị cao, nhiều tiến sĩ quá nhưng ít thấy có nhiều những công trình nghiên cứu giúp cho việc phát triển đất nước, ngược lại còn có những vị đưa ra những nghiên cứu gây rối rắm xã hội như ông tiến sĩ "chế tạo" ra loại chữ viết mới thay chữ quốc ngữ mà nếu áp dụng thì toàn dân ta sẽ trở thành mù chữ, rồi cái bà tiến sĩ ở trong nam phát minh ra sáng kiến đội lu hứng nước mưa chống lụt nhưng không nơi nào làm theo được… he… he…
Giữa lúc ông Tô và lão Cốc đang nói chuyện sôi nổi thì thằng Bất và thằng Lố vác cuốc xẻng từ ngoài cổng đi vào. Thằng Bất - con lão Cốc cười bảo:
- Hai cụ tranh luận gì mà sôi nổi thế? Hai cụ tạm dừng để nghe con thông báo một tin rất vui mừng nhé!
- Có tin gì mà vui mừng thế?
Lão Cốc hỏi lại. Thằng Lố ném cái xẻng ra góc sân rồi hớn hở đáp:
- Chúng con đã tiêu diệt được tên "phó chúa" rồi hai cụ ạ!
Ông Tô ngạc nhiên:
- Tên "phó chúa" là tên nào thế?
Thằng Bất bật cười:
- Thế này hai cụ ạ! Chúng con vừa phát hiện và đào được ở góc đình làng ta một tổ mối rất lớn. Trong đám mối bị tiêu diệt có một con mối khá to. Nhưng chúng con nhận định đó chưa phải là con mối chúa mà nó chỉ là con "phó mối chúa" thôi…
Lão Cốc trợn mắt:
- Chúng mày học hành thì lôm côm mà cũng văn vẻ, lắm chuyện quá nhỉ? Mối mọt mà cũng có cấp trưởng, cấp phó cơ à?
- Hì… thì đàn mối đông đảo đang hoạt động phá hoại đình làng ta mạnh thế thì con mối chúa cũng phải có các cấp phó giúp việc chứ. Nhưng dù con mối chúa kia có ẩn trốn ở đâu thì nhất định chúng con cũng sẽ tìm ra tiêu diệt nó để cứu lấy đình làng ta các cụ ạ… Bây giờ chúng con nghỉ ngơi đi làm vài chén tửu cho ấm bụng cái đã.
Lạo Cốc hỏi:
- Thế chúng mày không sợ công an kiểm tra nồng độ cồn à?
- Chúng con uống xong đi bộ trong đường làng ai kiểm tra đo nồng độ cồn mà lo!
Nói xong, thằng Bất và thằng Lố kéo nhau sang quán thịt chó của mụ Béo. Ông Tô cũng đứng dậy chào lão Cốc ra về. Vừa đủng đỉnh đi trên con đường làng lát bê tông ông Tô vừa ngẫm ngợi bao điều. Ông thấy vui vui vì đã tiêu diệt được con "phó chúa mối" phá hoại đình làng nhưng lại chợt thấy chạnh buồn cho cái "sự học" ngày nay…
Hà Nội, ngày 9-2-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét