Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Truyện ngắn vui NHÂN TỐ TÍCH CỰC

NHÂN TỐ TÍCH CỰC
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Từ ngoài cổng ông Tô đã nghe tiếng lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ vừa xới cây, nhổ cỏ ngoài vườn rau bên hông nhà vừa ngâm nga:
“Ngày xưa là miền quan họ
Bây giờ cả họ làm quan
Người ơi đừng về (hưu), cứ ở
Để nhà ta mãi hân hoan...”
Ông Tô hỏi:
- Ông lại vừa có một sáng tác mới à?
Nhận ra tiếng ông Tô, lão Cốc đứng dậy buông nắm cỏ rồi đưa ông Tô vào nhà. Khi cả hai đã đã yên vị ngồi bên ấm nước chè tươi lão Cốc mới cười cười nói:
- Bài thơ lúc nãy không phải là thơ của tôi. Đây là một bài thơ tôi đọc được trên mạng xã hội đấy!
Ông Tô bảo:
- Hừ... mạng xã hội mấy ngày nay ồn ào chuyện ông bố lãnh đạo tỉnh bổ nhiệm con lên làm lãnh đạo thành phố chứ gì? Tôi cũng đọc rồi. Có cả một báo điện tử nổi tiếng đã viết bài cho rằng đây là “một nước cờ nhân sự ngoạn mục” nữa đấy. Họ còn bàn luận rôm rả rất xa xôi là nếu một địa phương mà cả nhà, cả họ làm quan khi có một người... chết thì tất cả các cơ quan trong huyện, trong tỉnh đều nghỉ để đưa tang ảnh hưởng đến công việc hằng ngày...
Lão Cốc thôi cười, vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ rồi nói vẻ ậm ờ, bí hiểm:
- Mạng xã hội thì có nhiều khi bàn luận hơi quá. Theo tôi, chuyện ở một địa phương nào đó mà có cả nhà, cả họ làm quan thì cũng có những “nhân tố tích cực” đấy chứ!
Ông Tô ngạc nhiên:
- Tích cực như thế nào?
- Thì... trước hết là ở tỉnh đó, địa phương đó sẽ chấm dứt được tệ nạn chạy chức, chạy quyền... Vì chả lẽ con lại chạy chức bằng cách đưa tiền cho bố, em đút tiền cho anh, vợ biếu tiền cho chồng, cháu nộp tiền cho ông à?
Ông Tô ngắc ngứ:
- Hừ... thế còn các “nhân tố tích cực” khác?
- Nhân tố tích cực thứ hai khi cả nhà, cả họ làm quan là sẽ chấm dứt được chuyện đưa và nhận hối lộ, biếu xén quà cáp, ăn đút lót... Vì chả lẽ bố lại nhận hối lộ, quà biếu xén của con cái, vợ lại nhận hối lộ của chồng, anh nhận hối lộ của em, ông nhận hối lộ của cháu hay sao. Còn mặt mũi nào?
Ông Tô thấy cách lý giải của lão Cốc cũng hơi có lý. Lão Cốc nói tiếp:
- Nhân tố tích cực thứ ba là... là... cả nhà làm cán bộ, cả họ làm quan sẽ... tăng cường được sự đoàn kết nội bộ...
- Tại sao lại như thế?
Ông Tô vặn hỏi, lão Cốc giải thích:
- Thì... bố con, anh em, vợ chồng, ông cháu đều là cán bộ cùng cơ quan, cùng địa phương chả lẽ lại tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau à? Mà cả nhà, cả họ phải luôn luôn đoàn kết nhất trí với nhau để bảo vệ và duy trì quyền lực chứ! Có phải như vậy là sẽ tăng cường được sự đoàn kết trong đội ngũ cán bộ đúng không ông?
Ông Tô thắc mắc:
- Nếu cả nhà làm cán bộ, cả họ làm quan thì... công tác tổ chức cán bộ sẽ phải làm như thế nào?
- Thì phải đổi mới! Việc đào tạo, thi tuyển công chức cũng phải đổi mới...
- Đổi mới như thế nào?
- Thì ai muốn làm cán bộ thì cả họ, cả nhà phải cùng có chí làm cán bộ, phải cùng nhau đi học, học gì cũng được, cốt là có bằng cấp. Khi thi tuyển công chức thì cả nhà, cả họ phải cùng đi thi. Nhà nào, họ nào đăng ký thi tuyển và trúng tuyển được vào nhiều chức danh, chức vụ ở địa phương nhất thì cả nhà, cả họ đó thắng và cùng nhau lên làm quan. Khi ở cơ quan thì toàn nhìn thấy đồng chí bố, đồng chí chồng, đồng chí vợ, đồng chí con, đồng chí cháu, kính thưa, kính gửi đàng hoàng, nghiêm túc. Khi về nhà vợ lại là vợ, con vẫn là con, anh vẫn là anh, cháu vẫn là cháu... he... he... he...
Ông Tô thấy câu chuyện “nhân tố tích cực” của việc cả nhà làm cán bộ, cả họ làm quan mà lão Cốc nêu lên này lằng nhằng, mù mờ và u ám quá. Ông Tô đứng dậy bảo:
- Không biết các “nhân tố tích cực” này có... tích cực đúng như ông phân tích không? Thôi tôi về đây, trưa rồi!
Lão Cốc tiễn ông Tô ra tận cổng rồi quay vào vườn rau. Ông Tô ra đến trục đường chính trong làng vẫn nghe tiếng lão Cốc ngâm nga:
“Cả nhà, cả họ làm quan
Như sâu một đàn cùng phá vườn rau...”.
Ông Tô nghe vậy gật gù nghĩ: “Đấy mới đích thực là thơ và tư tưởng của nhà thơ châm biếm Cốc Vũ! Hóa ra lúc nãy lão này toàn nói ngược”.
Hà Nội, ngày 29-7-2020

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

Truyện ngắn vui MONG CÓ CÁI CHUỒNG BÒ

MONG CÓ CÁI CHUỒNG BÒ
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Ông Tô đang định đi sang nhà anh trưởng thôn thì thấy lão Cốc -nhà thơ Cốc Vũ đi vào cổng. Tay phải lão Cốc đang cầm một cuộn giấy to. Ông Tô chột dạ lo lắng nghĩ: “Lão Cốc vừa được hội văn nghệ tỉnh mời đi dự trại sáng tác văn học tận trên đỉnh núi Tam Đảo. Nghe nói lão ta đi trại để hoàn thành bản thảo một trường ca về quê hương. Hôm nay mà lão ta đến đọc cho mình nghe cả cái trường ca dài dằng dặc ấy thì nguy to...”.
Lão Cốc vừa nhìn thấy ông Tô đã nói ngay:
- May quá! Gặp ông ở nhà... mà ông đang định đi đâu đấy?
- Tôi sang nhà anh trưởng thôn. Ông mới đi trại sáng tác về à?
- Vâng tôi mới về tối hôm qua. Được đi trại sáng tác, ăn thì ngon, ở thì phòng có máy lạnh mà không làm sao “sáng tác” được ông ạ!
- Tại sao lại thế?
- Có lẽ là tại mình là nông dân khổ mãi quen rồi, làm thơ, viết văn cũng phải khổ mới làm nổi...
Ông Tô cười bảo:
Làm gì có chuyện lạ thế! Con người ta khi càng sung sướng thì lại càng thăng hoa chứ?
- Không hẳn thế ông ạ! Cả tháng ở trại sáng tác, ngồi trong phòng máy lạnh chật vật mãi chả đẻ ra được một “tứ thơ” nào cho ra hồn, cái trường ca thì cũng chỉ sửa chữa tàm tạm. Vậy mà tối hôm qua về đến nhà trời nóng nực như nung tôi lại sáng tác được ngay một bài thơ đấy ông ạ!
- Thật thế cơ à?
- Đúng vậy! Để tôi đọc cho ông nghe nhé!
Lão Cốc -nhà thơ Cốc Vũ nói và mở cuộn giấy ra. Ông Tô chưa kịp phản ứng gì thì lão Cốc đã sang sảng đọc luôn:
“Tưởng là “hạ cánh an toàn”
Nào ngờ lại thấy công an đến tìm
Túi đang lèn chặt “Mỹ kim”
Bàng hoàng khi cửa nhà lim đang chờ,
Đương quyền đã giở đủ trò
Trời Tây đã trải, gái tơ đã từng
Quỹ công thoải mái vãi vung
Ngờ đâu chẳng được ung dung hết đời...
Mụ kia nhanh cẳng chạy rồi
Thân ông chân chậm vào nơi cửa... tù
Thôi thì kêu bị... ung thư
Mong tòa thương xót giảm trừ án giam,
Thật buồn cho kiếp quan tham...”.
Đọc xong bài thơ, lão Cốc nói:
- Bài thơ này tôi còn chưa kịp đặt tên ông ạ!
Ông Tô bảo:
- Lấy luôn câu cuối làm tựa đề cho bài thơ là được ông ạ!
Lão Cốc -nhà thơ Cốc Vũ gật gù:
- Đúng! Tên bài thơ là “Thật buồn cho kiếp quan tham” hay! Rất hay. Tôi sẽ gửi ngay cho báo tỉnh. Nếu bài thơ này được đăng có nhuận bút chúng ta lại được một bữa bia thịt chó thật ngon lành ông ạ!
Ông Tô lại bảo:
- Thế thì ông phải gửi ngay cho báo đi...
Lão Cốc gật đầu:
- Trưa nay về tôi sẽ vi tính và gửi cho báo. Bây giờ tôi và ông cùng sang nhà anh trưởng thôn luôn.
Ông Tô hỏi:
- Ông cũng sang bên ấy à! Không biết có chuyện gì mà trưởng thôn Trần Kính triệu tập thế nhỉ?
Lão Cốc thủng thẳng:
- Là để bàn việc chuyện làm “nhà đại đoàn kết” cho bà Mùa. Bà Mùa sống một mình, không có con cái, lại luôn đau ốm là hộ nghèo nhất làng đấy! Tôi nghe thằng Bất nó nói thế. Nó và đám thanh niên trong làng đã kéo sang bên ấy hết rồi. Nó còn nói với tôi là có một doanh nghiệp tài trợ 50 triệu đồng, vận động bà con làng xóm giúp thêm để làm cho bà ấy lấy hai gian nhà chắc chắn đỡ lo mùa mưa bão tới. Làng mình còn khó khăn nên bà con cũng phải chắt bóp để giúp đỡ bà Mùa làm nhà...
- Thế hả! Hôm qua trưởng thôn đến tôi đi vắng nên không rõ chuyện. Lúc về chỉ thấy thằng cháu nói ông sáng nay sang nhà trưởng thôn để họp thôi...
- Việc thế đấy ông ạ! Thằng Bất và cánh thợ nề trong làng nói sẽ nhận việc xây nhà miễn phí cho bà Mùa. Căn nhà của bà Mùa chưa đến một trăm triệu, chỉ đủ tiền mua vật liệu thôi. Lúc nãy nói đến chuyện xây nhà đại đoàn kết nó còn bảo tôi “ước gì có một cái chuồng bò bố ạ!”.
Ông Tô ngạc nhiên:
- Tại sao thằng Bất lại “ước có một cái chuồng bò”. Bên nhà ông đã có chuồng bò và cả chuồng lợn, chuồng gà rồi cơ mà?
Lão Cốc phá lên cười:
- Thế ông không nghe câu chuyện rất lạ là ở trong Nghệ An họ xây chuồng bò cho một hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi cái chuồng bò kinh phí hết đến... 236 triệu đồng à? Số tiền này ở quê ta làm được một ngôi nhà khá to cho người ở đấy?
Ông Tô bảo:
- Tôi cũng đã đọc báo biết chuyện ấy rồi. Họ xây những 67 cái “biệt thự cho bò”, mỗi cái hết đến hơn hai trăm triệu đồng, tổng dự án chuồng bò lên tới 12,5 tỷ đồng ngân sách của nhà nước. Thật đúng là một sự tham ô trắng trợn và quá tàn bạo ông ạ!
Lão Cốc lẩm bẩm:
- Mẹ kiếp! Ước gì mà làng ta bây giờ có một cái chuồng bò như thế!
Hà Nội, ngày 22-7-2020

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Truyện ngắn vui PHIẾU "CỤ HƯ"

PHIẾU "CỤ HƯ"
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo
Thấy thằng cháu đang học lớp mẫu giáo lớn vừa được bố đón từ trường về tay đang cầm mấy cái phiếu “bé ngoan”, lão Cốc vui lắm. Lão hỏi thằng bé:
- Cháu được nhiều phiếu “bé ngoan” không?
- Tuần nào cháu cũng được tặng phiếu “bé ngoan”. Bố mẹ cháu nói có nhiều phiếu bé ngoan thì sẽ có thưởng ạ!
- Đúng rồi! Ông cũng sẽ có thưởng cho các cháu!
Thằng bé lớn đang học lớp 3 thì nói:
- Cháu thì chỉ có giấy khen thôi ông ạ!
Lão Cốc vui vẻ:
- Giấy khen cũng sẽ có thưởng...
Thằng bé lớn chợt nhớ ra bỗng hỏi ông:
- Thế ông có phiếu “cụ ngoan” không ạ?
Lão Cốc bật cười:
- Ông già rồi thì làm gì có phiếu... ngoan nữa!
- Thế mà cháu nghe bố cháu bảo bé phải ngoan thì có phiếu “bé ngoan” còn lớn thì có giấy khen, phải cố gắng liên tục nếu không sẽ phải nhận phiếu “bé hư” đấy... Người lớn già rồi như ông cũng vậy nếu không có phiếu “cụ ngoan” thì sẽ phải nhận phiếu “cụ hư” đấy...
Lão Cốc giật mình khi nghe thằng bé nói như vậy. Lão vội bảo hai cháu ra ngõ chơi với bạn rồi gọi thằng Bất vào trong nhà khẽ quát:
- Mày đừng dạy bọn trẻ con những điều nhảm nhí như thế nhé!
Từ nãy giờ thằng Bất ngồi ngoài thềm đã nghe hết câu chuyện của ba ông cháu rồi. Thằng Bất gãi tai bảo:
- Con có nói với các cháu gì đâu. Lúc nãy đứng chờ ở cổng trường mẫu giáo, thấy bọn trẻ con cầm phiếu “bé ngoan” chạy ra khoe với bố mẹ, mấy anh em phụ huynh mới bàn luận với nhau: “Trẻ con vào đời thì có phiếu bé ngoan, người lớn đến cuối đời lại toàn là phiếu “cụ hư” thôi...”. Nào ngờ bọn trẻ con nghe thấy...
- Chuyện phiếu “cụ hư” là thế nào?
- Thì đấy... bố đọc báo hàng ngày không thấy à... hàng loạt các bác, các cụ công tác, phấn đấu cả đời đến khi sắp về hưu hoặc đã về hưu rồi vẫn bị khai trừ khỏi Đảng, bị cảnh cáo, cho thôi chức rồi xóa tư cách nguyên bộ trưởng, nguyên thứ trưởng, nguyên bí thư, nguyên chủ tịch, nguyên giám đốc sở... Có bác, có cụ còn tiếp tục tham gia “bóc lịch” trong tù đến chung thân nữa... Như thế chả phải là các cụ cũng cần có phiếu “cụ hư” thì còn là gì nữa chứ?
- Hừ... chuyện ấy thì tao lạ gì. Nhưng mày không được nói linh tinh làm ô nhiễm tâm hồn trong sáng của bọn trẻ rõ chưa?
- Vâng ạ! Nhưng thực tế nó cứ diễn ra hàng ngày thế này thì trẻ em tránh sao khỏi bị ảnh hưởng ạ!
- Biết thế nhưng làm thế nào được! Người lớn bây giờ nhiều người sa ngã quá, không còn làm gương cho lớp trẻ được nữa.
Thằng Bất suy nghĩ một lát rồi nói:
- Có lẽ các cấp, các ngành từ trung ương xuống đến địa phương nên có một loại phiếu để đánh giá người lớn giống như phiếu “bé ngoan” của trẻ con bố ạ!
- Phiếu thế nào?
- Thì... phiếu “cán bộ hư” dành cho cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, phiếu “quan tham” dành cho người tham ô, tham nhũng... rồi các phiếu “cụ hư”, “ông hư” dành cho các cụ, các ông sắp nghỉ hưu, về hưu rồi không giữ được phẩm chất, tư cách của mình hoặc là vi phạm khi còn đương chức...
- Nhưng những loại phiếu này đem trao tặng ai người ta nhận chứ?
- Không cần họ chịu nhận, mà không nhận cũng không được, cứ công bố công khai trên báo chí, các kênh thông tin cho toàn dân biết bố ạ!
Lão Cốc ậm ừ rồi bảo:
- Giá mà làm được như mày nói thì tốt quá... Mong sao cho có nhiều cái phiếu “cán bộ hư”, phiếu “quan tham”, phiếu “cụ hư” được công bố, công khai trên báo chí, ghi rõ tên người cho toàn dân đều biết mà phòng tránh như chống bão, chống dịch...
Hà Nội, ngày 9-7-2020