Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

MẸ & CON - thơ


Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang ngồi

MẸ & CON

Người con đã đi xa rồi,
Mà sao mẹ vẫn chưa nguôi đợi chờ
Lưng còng, hai mắt đã mờ,
Mẹ đi như thể trong mơ tháng ngày…
Con về với mẹ chiều nay,
Hắt hưu làn khói hương bay giữa trời.
“- Mẹ còn khỏe không, mẹ ơi!
Tiếng con sao chẳng thành lời như xưa?”.
Trời chiều sắp đổ cơn mưa,
Liêu xiêu dáng mẹ già nua yếu gầy
“- Mẹ ơi, con đã về đây
Sao không cầm được bàn tay của người?”…
Nghĩa trang bóng mẹ lẻ loi,
Mẹ tìm con giữa đất trời bao la…

Hà Nội, 27/7/2019
TRỌNG BẢO

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

Truyện ngắn vui ÔI... LÀNG VĂN HÓA

ÔI... LÀNG VĂN HÓA
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Buổi sáng, lão Cốc đã sang nhà ông Tô chơi. Vừa nhìn thấy lão Cốc tay cầm một cái gói nhỏ đi vào cổng ông Tô đã hơi lo lo. Hôm nay, ông có chút việc chuẩn bị sang nhà ông thông gia ăn giỗ. Ông lo lão Cốc đến chơi mà ngồi dai và đọc thơ thì bỏ mẹ. Ông Tô cảm thấy sợ... thơ lắm rồi. Đã có câu thơ lan truyền trong làng trong xã là: "Những khi hội họp gặp nhau/Rất lo lại có ông nào đọc thơ". Đúng là lo nhất bởi nhiều hôm hội họp, sinh hoạt có những ông lên bục đọc những bài thơ dài dằng dặc mất cả thời gian, sốt cả ruột...
Nhưng cái gói giấy lão Cốc đang cầm ở tay không phải là thơ. Lão bảo:
- Thằng cháu vừa ở Thái Nguyên về chơi cho mấy lạng chè Tân Cương, biếu ông một lạng uống thử!
- Cám ơn ông! Sẵn có phích nước sôi vừa đun, tôi pha một ấm ta cùng uống nhé?
- Cũng được! Nhưng uống một chén thôi nhé. Tôi có việc phải sang nhà trưởng thôn Trần Kính ngay bây giờ đây.
- Có việc gì mà vội thế?
- Chậc... việc chung ấy mà!
Thấy lão Cốc ậm ừ ông Tô cũng không hỏi thêm. Ông Tô tráng ấm pha chè. Hai người ngồi ngay ở thềm nhà cho mát. Giữa lúc hai ông đang ngồi nhâm nhi chén trà thơm thì trưởng thôn Trần Kính đến. Lão Cốc bảo:
- Đang định sang nhà ông... Thôi vào đây làm chén chè Thái đã!
- May quá! Gặp luôn cả hai ông ở đây rồi...
- Có việc gì thế? - Ông Tô hỏi. Trưởng thôn Trần Kính vui vẻ bảo:
- Cũng chả có việc gì quan trọng đâu. Định mời bác cùng sang nhà ông Cốc để nghe một bài thơ ấy mà...
Ông Tô giật nảy mình khi nghe anh trưởng thôn nói như vậy. Anh trưởng thôn nói tiếp:
- Thế này bác ạ! Đến nay làng ta đã có 100% các gia đình được trên công nhận và cấp bằng "Gia đình văn hóa". Đó là một sự cố gắng, là niềm tự hào và vinh dự của làng ta. Do đó, ban lãnh đạo của thôn có "đặt hàng" ông Cốc... À... à quên, đặt hàng nhà thơ Cốc Vũ sáng tác cho một bài thơ về làng văn hóa để đọc trên loa truyền thanh hằng ngày biểu dương, động viên nhân dân ra sức chăm lo xây dựng làng ta ngày càng phát triển hơn, văn hóa, văn minh hơn... Đề nghị ông Cốc đọc luôn để ông Tô cùng nghe rồi góp ý cho ạ!
Ông Tô hoảng quá. Ông định thoái thác thì lão Cốc đã rút từ trong túi ra một tờ giấy gấp mở ra và bắt đầu đọc:
"Ôi... làng văn hóa quê ta
Quanh năm no ấm, nhà nhà an vui
Đêm trăng rộn rã tiếng cười..."
Lão Cốc-nhà thơ Cốc Vũ đang sang sảng đọc thơ thì bỗng có tiếng gì đổ vỡ rầm rầm rồi tiếng người gào khóc thảm thiết:
- Ối... làng nước ơi... làng nước ơi... thằng say... thằng nát rượu... nó đánh tôi... ới làng nước ơi...
- Có chuyện gì xảy ra thế?
Lão Cốc và anh trưởng thôn hỏi. Ông Tô giỏng tai lên nghe rồi bảo:
- Lại thằng Bơ nốc rượu vào say đánh vợ đấy...
- Lúc nãy tôi thấy nó ngồi ngất ngư ở quán thịt chó mụ béo đầu làng...
Lão Cốc bảo. Lão định đọc tiếp bài thơ "Làng văn hóa" thì lại nghe tiếng bát đĩa vỡ, tiếng vợ thằng Bơ gào lên thất thanh:
- Ối... làng xóm ơi... cứu tôi với... thằng say, thằng nát rượu nó giết tôi rồi... ới... làng... nước... ơi...
Trưởng thôn Trần Kính, ông Tô, lão Cốc vội vã chạy sang nhà thằng Bơ. Vừa vào đến ngõ ba người thấy một thằng bé đang cõng đứa em chạy ra. Trưởng thôn Trần Kính túm lấy nó hỏi:
- Thằng Sữa phải không? Nhà mày xảy ra chuyện gì thế?
Thằng Sữa dừng lại thở gấp:
- Bố cháu đánh mẹ cháu. Cháu vội cõng em Pho-mát chạy thoát thân ra cổng ạ!
- Tại sao bố mày lại đánh mẹ mày?
Thằng Sữa vẫn cõng con em trên lưng với tư thế sẵn sàng chạy đi. Nó hổn hển đáp:
- Tại... tại... vì... vì... là... là...
- Tại là cái gì? Mày nói ngay, sao cứ ấp úng mãi thế?
- Tại vì... vì... nhà cháu được cấp cái bằng "Gia đình văn hóa" đấy ạ?
Trưởng thôn Trần Kính trợn mắt quát:
- Láo! Nhà mày được cấp bằng "Gia đình văn hóa" tại sao lại đánh nhau? Mày kể rõ đầu đuôi tao nghe xem nào?
Thằng Sữa đặt con em xuống lau mồ hôi. Đoạn, nó cố gắng định thần kể lại mạch lạc hơn:
- Lúc nãy, bố cháu lảo đảo từ quán rượu trở về, nách cắp cái vỏ chai rỗng. Vừa đến cổng bố cháu đã phấn khởi gọi to:
- Mẹ nó đâu? Thằng Sữa, con Pho-mát đâu rồi! Hôm nay, nhà ta phải tổ chức ăn mừng thật to nhé!
- Ăn mừng cái gì?
Mẹ cháu rất bực khi thấy mặt mũi bố cháu đỏ căng, miệng thở ra toàn mùi rượu. Bố cháu giơ cái vỏ chai rỗng lên hể hả:
- Ăn... ăn... mừng nhà ta đã được công nhận là "Gia đình văn hóa" rồi! Hiểu không?
Mẹ cháu liền vặc lại:
- Văn... văn hóa cái gì! Văn hoá mà ông cứ suốt ngày say xỉn lè nhè bê tha bệ rạc thế này hả?
- Thế... mà nhà ta vẫn được công nhận "văn hóa" mới... oai chứ! Bác trưởng thôn nói nhà ta là gia đình cuối cùng của làng ta được công nhận danh hiệu này đấy. Nhờ vậy mà làng ta đã có 100% các nhà đạt tiêu chuẩn "gia đình văn hóa". Làng ta trở thành "làng văn hóa kiểu mẫu" của xã ta đấy. Vì thế, nhất định hôm nay nhà ta phải tổ chức ăn mừng thật hoành tráng mới được. Bà ra chuồng bắt ngay con gà mái đang dọn ổ đẻ làm thịt đi…
- Ông đừng có mà mơ! Con gà ấy tôi để nuôi cho nó đẻ lấy trứng cho con Pho-mát đấy!
- Thế... thế... nhà ta biết ăn mừng bằng cái gì hả?
Bố cháu hỏi lại. Mẹ cháu suy nghĩ rồi nói:
- Để tôi bảo thằng Sữa nó chui rào lẻn sang vườn nhà bà Mít vặt trộm mấy quả chuối xanh đem về cho ông nhắm rượu ăn mừng vậy nhé?
Bố cháu cáu:
- Chuối xanh chát xít nhắm rượu thế quái nào được hả?
Mẹ cháu bảo:
- Thì... thì... thằng Chí Phèo ngày xưa nó vẫn nhắm rượu bằng chuối xanh đấy thôi...
Bố cháu tức quá quát to:
- Nhưng tôi không phải là thằng Chí Phèo mà uống rượu với chuối xanh? Tôi... tôi nhắm rượu với thịt gà mái tơ cơ. Đi bắt gà giết thịt ngay đi. Nhanh nhanh lên, trưa rồi. Vợ với viếc gì mà chồng mới nói có một câu đã cãi lại đến ba bốn câu, thế thì còn ra cái thể thống gì nữa. Bà nên nhớ rằng, kể từ ngày hôm nay trở đi gia đình ta là "gia đình văn hóa" đấy! Hiểu không?
Mẹ cháu không chịu được nữa liền quát lại:
- Có mà là vô văn hóa! Cứ như ông thì nên đổi lấy danh hiệu "gia đình vô văn hóa" thì hơn. Ông đi đổi cái bằng "gia đình vô văn hóa" ngay về cho tôi...
- Á... à... mày... dám... dám chống lại văn hóa à?
Bố cháu gào lên và đập cái vỏ chai xuống sân nhà "choang" một cái vỡ tan làm em Pho-mát hoảng sợ khóc thét lên. Đoạn, bố cháu lao đến đánh mẹ cháu. Cháu vội lao đến cõng em Pho-mát chạy thoát thân ra ngoài cổng... Các ông, các bác vào... vào cứu mẹ cháu và ngăn bố cháu với... Bố cháu đang đi tìm bật lửa để đốt nhà đấy...
Trưởng thôn Trần Kính, ông Tô và lão Cốc vội xông vào nhà thằng Bơ. Sân nhà thằng Bơ như một bãi chiến trường. Mảnh bát đĩa vỡ vung vãi khắp nơi. Vợ thằng Bơ đầu tóc rũ rượi đang ngồi ở góc sân gào khóc. Thấy ba người vào nhà thằng Bơ lảo đảo từ trong bếp chạy ra chào và nói:
- Các bác đến để mừng cho nhà em được công nhân là "Gia đình văn hóa" ạ? Mời các bác vào trong nhà... vào... trong... nhà... nhà...
Chưa nói hết câu thằng Bơ đã ngã lăn ra thềm. Mọi người vội xúm đến. Tưởng nó bị thế nào. Hóa ra nó say quá nằm ngủ luôn trên đống mảnh bát đĩa vỡ rồi...
Hà Nội, ngày 22-7-2019

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

Truyện ngắn vui THẾ LÀ CÔNG CỐC

THẾ LÀ CÔNG CỐC
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Trong hình ảnh có thể có: chim, thực vật, ngoài trời, thiên nhiên và nước

Cuộc họp bàn việc chống ô nhiễm của làng kết thúc mà không tìm ra được biện pháp nào có tính kha thi. Trưởng thôn Trần Kính rất lo lắng vì tình hình ô nhiễm ngày càng tăng. Đi trên đường làng bây giờ phải mang băng khẩu vì mùi hôi thối bốc lên, nhất là những ngày nắng nóng. Con mương thủy lợi chảy quanh làng ngày xưa nước trong mát. Mùa hè trẻ con tha hồ mà vùng vẫy, tắm mát. Thế mà bây giờ con mương ấy đen kịt, đặc quánh và bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Nước thải chăn nuôi, nước thải của các hộ làm nghề thủ công trong làng đổ xuống biến con mương thành đen kịt.
Trưởng thôn Trần Kính chạy ngược chạy xuôi tìm các xử lý ô nhiễm trong làng. May sao có thằng cháu làm cán bộ trên tỉnh môi giới, dẫn lối mời được một đoàn cán bộ viện nghiên cứu môi trường về làng. Sau khi khảo sát đoàn cán bộ quyết định sẽ giúp làng xử lý ô nhiễm con kênh thủy lợi. Họ đang có một công trình nghiên cứu về chống ô nhiễm. Con kênh của làng sẽ được trồng một loại tảo, nuôi một loại vi khuẩn để xử lý nước. Họ sẽ miễn toàn bộ chi phí cho làng vì đây đang là một thử nghiệm.
Các thử nghiệm nuôi trồng tảo và vi khuẩn chống ô nhiễm tại con mương làng đem lại kết quả khả quan. Con mương quanh làng trong dần, tôm cá bắt đầu bơi tung tăng. Hằng ngày dân làng kéo ra bờ mương xem các thí nghiệm và vui chơi giải trí, không còn phải bịt mũi vì mùi hôi thối nữa. Vậy mà một buổi sáng cả làng bỗng nhốn nháo, xôn xao. Ông Tô đang tập thể dục ở sân định chạy ra đầu làng xem sao thì bà Tô hớt hải chạy về gọi to:
- Ông chạy ra ngay mà xem... thế là công cốc rồi ông ơi!
- Có việc gì thế? Mà bà chưa đi chợ à?
- Tôi vừa ra đến đầu làng thì biết chuyện vội chạy về bảo ông ra mà xem...
- Xem chuyện gì thế?
- Xem chuyện... công cốc ông ạ!
- Chuyện công cốc là chuyện gì? Sao hôm nay bà cứ ấp a ấp úng thế?
- Là... là cái chuyện chống... chống ô nhiễm ấy...
Ông Tô bảo:
- Thôi bà ở nhà trông các cháu. Để tôi ra xem sao...
Ông Tô nói rồi đi ngay. Ra đến đầu làng ông Tô thấy bà con đang nhốn nháo xúm đen xúm đỏ ở hai bên bờ mương. Ông Tô vội len vào thì lão Cốc kéo lại bảo:
- Thôi xem làm gì! Về nhà tôi làm ly rượu đi!
- Vậy chuyện là thế nào?
- Thì... cái công trình chống ô nhiễm môi trường của cái viện môi trường trở thành công cốc rồi ông ạ!
- Tại sao lại thế?
- Đêm hôm qua có thằng nào đó nó đổ xuống mương một thùng thuốc diệt cỏ, thuốc độc gì đó mà các loại tảo, vi khuẩn làm sạch dòng nước ô nhiễm và cả tôm cua, cá ốc đều chết sạch rồi. Nước mương lại đen thui, thối um, ông còn xem làm gì nữa?
- Thằng nào ở đâu đến làm hại làng ta thế hả? Phải tìm ra và trừng trị thích đáng ngay.
Lão Cốc cười hề hề:
- Làm gì có thằng nào ở đâu đến đây? Là dân ở làng ta đấy!
- Ông nói thế nào chứ! Tại sao dân làng ta lại tự phá hoại làng ta. Xử lý được ô nhiễm thì cả làng ta đều có lợi, đều vui mừng chứ. Đây chắc chắn là người ngoài đến phá?
Lão Cốc lại cười:
- Ông đúng là chả hiểu gì cả! Thằng nào ở làng khác rỗi hơi mà đem thuốc độc đến phá làng ta. Chỉ có người làng ta mới làm như vậy thôi...
Ông Tô vẫn không tin là người làng mình lại tự hại chính mình như thế. Lão Cốc lại phải giải thích:
- Có những người trong làng ta không muốn con kênh này hết ô nhiễm vì sẽ không có lợi cho họ. Khi con kênh còn ô nhiễm thì họ còn có lợi, còn làm ăn, còn kiếm tiền được chứ!
- Sao lại lạ thế?
- Thì họ chăn nuôi, làm nghề thủ công... nước thải, chất thải cứ xả thẳng ra mương. Mương thối cả làng cùng ngửi nhưng họ lại có lợi. Nếu con mương sạch họ mà xả nước bẩn vào sẽ bị phát hiện, bị phạt ngay. Thế nên họ mong cứ ô nhiễm, cứ bẩn vẫn hơn ông ạ!
- Thì ra thế...
Ông Tô chán nản lắc đầu. Lão Cốc nói thêm:
- Ông đừng hy vọng là làng mình sẽ hết ô nhiễm, sẽ hết bẩn. Hết ô nhiễm, hết bẩn thì họ ăn gì. Các cụ vẫn bảo "đục nước béo cò" nước có bẩn, có đục, có ô nhiễm thì mới "béo cò" được chứ? Không riêng gì làng ta mà xã ta, huyện ta, tỉnh ta và cả nước ta nữa đều có những chuyện như thế này đấy ông ạ?
Thấy ông Tô có vẻ chưa hiểu, lão Cốc nói tiếp:
- Ông đọc báo thì biết rồi đấy, Hà Nội mời cả chuyên gia tận bên Nhật Bản sang xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, kết quả rất tốt, sắp thành công rồi thế mà có người còn cho tháo nước Hồ Tây vào làm trôi mất hết kết quả thí nghiệm đấy!
- Sao lại có chuyện "người làm, người phá" thế nhỉ?
- Thì... làm cho sông Tô Lịch trong sạch, hết ô nhiễm thì họ còn kiếm ăn gì được nữa? Cứ để sông Tô Lịch bẩn thì họ mới kiếm ăn được chứ! Sông còn ô nhiễm thì hằng năm mới có kinh phí chống ô nhiễm chứ. Sông trong sạch rồi thì lấy đâu ra nguồn kinh phí ấy nữa? Họ ăn là ăn ở cái nước luôn bẩn ấy đấy. Mà tôi được biết không phải chỉ có lần này mà nhiều lần rồi các nhà khoa học, những người có tâm huyết muốn xử lý ô nhiễm, cứu sông Tô Lịch đều bị họ dùng cách ấy để phá hoại kết quả thí nghiệm. Họ tháo nước một phát là toi mất hàng tỷ đồng đấy?
Ông Tô chép miệng:
- May mà làng ta được tài trợ chứ không thì chết?
- Những thí nghiệm ở làng ta cái viện môi trường kia cũng mất khối tiền mà vẫn thành công cốc đấy ông ạ! Đúng là "kẻ làm, người phá" chuyện ở xứ ta không biết còn tiếp diễn đến tận bao giờ?
Hà Nội, 19-7-2019

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

Truyện ngắn vui MỘT CUỘC HỌP LÀNG

MỘT CUỘC HỌP LÀNG
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo
  
Không có mô tả ảnh.

Trưởng thôn Trần Kính triệu tập một cuộc họp khẩn toàn thể nhân dân trong làng. Ông Tô vội vàng đi họp ngay. Vừa đến nhà văn hóa ông gặp lão Cốc cũng đang ngất ngư đi đến. Vấn đề ô nhiễm môi trường là chủ đề của cuộc họp. Làng xã phát triển, nông thôn hóa thành thị, bê tông hóa đường làng, đời sống nhân dân nâng cao nhưng ô nhiễm môi trường cũng tăng lên rất nhanh. Chất thải chăn nuôi hằng ngay không còn đất để ngấm xuống như trước mà cứ tuôn thẳng ra đường làng láng bê tông. Mùi hôi thối bốc lên ngào ngạt. Cuộc họp hôm nay là để bàn biện pháp khắc phục.
Cuộc họp làng khai mạc. Sau khi trưởng thôn nêu chủ đề cuộc họp đại diện các ban ngành trong làng bắt đầu nêu sáng kiến để khắc phục tình hình ô nhiễm môi trường. Đầu tiên là ý kiến của ông chủ nhiệm hội khuyến học của làng:
- Tôi thấy giải pháp tối ưu, căn cơ và bền vững nhất là phải có kiến thức, phải có tri thức thì mới giải quyết được triệt để việc gia tăng ô nhiễm ở làng ta. Tri thức sẽ cho ta một tầm nhìn, một hành trang, một phương hướng đúng để xử lý mọi vấn để nảy sinh trong cuộc sống…
Nhiều người nhao nhao:
- Thì… cụ thể thế nào nói mẹ nó ra… cứ quanh co mãi?
Trưởng thôn Trần Kính thì cầu thị:
- Xin bác cho ý kiến cụ thể ạ?
- Thì… - Ông chủ tịch hội khuyến học điềm đĩnh: - Thì… chúng ta phải đầu tư cho thế hệ trẻ không ngừng học tập nâng cao trình độ học vấn. Khi thế hệ trẻ có học vấn cao thì sẽ có các phát minh, sáng kiến giải quyết được mọi vấn đề phức tạp như ô nhiễm chẳng hạn… Vì thế nhân buổi họp này tôi kêu gọi cả làng hãy tích cực ủng hộ nhiều hơn nữa, tăng cường kinh phí cho hội khuyến học!
Mọi người ồ lên, lắc đầu. Đến lượt bà hội trưởng hội phụ nữ nêu ý kiến:
- Theo tôi thì để giảm ô nhiễm làng ta phải chú ý đến vấn đề “bình đẳng giới”, phải giải phóng cho phụ nữ ạ!
- Thế là thế nào?
Mọi người lại nhao nhao. Bà hội trưởng phụ nữ nói tiếp:
- Nguyên nhân chính là do “bất bình đẳng giới” nên gây ra ô nhiễm môi trường. Việc chăn nuôi lợn gây ô nhiễm nhất. Mà chăn nuôi lợn chủ yếu là do phụ nữ đảm nhiệm, cám bã rau bèo phân trấu cả ngày, không còn thời gian sinh hoạt, hội họp phụ nữ nữa. Vì thế tôi đề nghị từ bây giờ trở đi đàn ông trong làng nên đảm nhiệm việc chăn nuôi cho đỡ ô nhiễm ạ!
- Tại sao lại thế?
Bà hội trưởng phụ nữ giải thích:
- Vì đàn ông chăn nuôi họ sẽ không nuôi lợn mà chỉ nuôi chim cảnh, cá cảnh, hoặc… nuôi mấy… “con lô đề” thì làm gì gây ra ô nhiễm môi trường chứ…
Mọi người vỗ tay rào rào. Ý kiến của bà hội trưởng phụ nữ rất có lý nhưng khó thực hiện. Thằng Bất xin phát biểu. Thằng này hay có những ý kiến rất “độc đáo”. Ông trưởng thôn gật đầu. Thằng Bất đứng dậy nói:
- Tôi thấy sáng kiến của cái bà “dân biểu” gì đó ở trong Nam là có lý, hay nhất.
- Sáng kiến ấy thế nào?
- Bà ấy có sáng kiến mỗi nhà nên mua một cái lu để chống ngập. Làng ta ô nhiễm và mùa mưa cũng hay ngập lụt. Vì vậy, các nhà cũng nên mua lu để chống ô nhiễm và chống ngập lụt ạ?
- Vậy quy trình “vận hành” cái lu ấy như thế nào?
- Thì… mùa khô nhà nào chăn nuôi thì cho phân, nước thải vào lu hàn xi măng kín lại đỡ chảy ra môi trường và đỡ mùi hôi thối bốc lên. Khi lu đầy thì lăn ra ngoài đồng lấy phân bón ruộng. Mùa mưa thì ta dùng lu đựng nước mưa chống lụt như ý kiến của bà tiến sĩ ở trong Nam…
Mọi người lại nhao nhao:
- Vậy cần bao nhiêu cái lu cho đủ?
- Cứ mỗi nhân khẩu bắt buộc phải có một cái lu. Con gái đi lấy chồng phải để lu lại ở làng. Con trai làng khác đến làm rể làng ta phải nộp hai cái lu mới được đón dâu…
Mọi người ồn ào bàn tán về ý kiến của thằng Bất. Thằng Nhỡ đứng bật dậy đề nghị:
- Nhà tôi chăn nuôi nhiều lợn. Tôi xin mua mười cái lu, mỗi cái có đường kính từ bốn đến năm mét có được không ạ?
Nghe thằng Nhỡ nói vậy lão Cốc lẩm bẩm:
- Cái lu mà đường kính đến bốn, năm mét thì bố mày cũng chả làm nổi, chả có cái lò gốm nào nung nổi?
Bà Mía đứng dậy mếu máo:
- Nhà tôi đông nhân khẩu, sân nhà thì bé tý ti làm thế nào để được những chín cái lu bây giờ?
- Để ra đường làng… - Có ai đó kêu lên. Mọi người lại nhao nhao:
- Đúng…. đúng… Trưởng thôn phải chia đường làng ra cho từng gia đình để lu nhé! Phải chia thật công bằng nếu không chúng tôi sẽ kiện đấy?
Trưởng thôn Trần Kính vỗ tay để mọi người trật tự rồi nói to:
- Sáng kiến dùng… lu để xử lý ô nhiễm ta tạm gác lại để nghiên cứu sau đã. Bây giờ ai còn ý kiến khác không?
Lão Cốc đập đập vào tay ông Tô nói:
- Bác có ý kiến đi?
Ông Tô lắc đầu:
- Tôi chỉ là giáo viên tiểu học, trình độ thấp làm sao có ý kiến gì được. Phải là các giáo sư, tiến sĩ họ chuyên tâm nghiên cứu mới có những phát minh, sáng kiến có giá trị chứ?
- Thế thì tôi phát biểu vậy!
Lão Cốc nói và giơ tay. Ông trưởng thôn mời lão Cốc. Lão đứng dậy trịnh trọng:
- Tôi xin thay mặt cho hội thơ và câu lạc bộ thơ làng ta xin phát biểu… Theo tôi, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề ngập lụt rồi những khó khăn trong cuộc sống ta thấy khó chịu, khó vượt qua chính là do chúng ta không có một tâm hồn vị tha, rộng mở, một… tâm hồn thơ… Như tôi đây đi trên đường làng bốc mùi phân lợn nhưng tôi không nghĩ, không quan tâm đến sự ô nhiễm mà chỉ luôn tập trung suy nghĩ, luôn quan tâm đến “nàng thơ”. Thế là tôi không thấy khó chịu. Mọi người hãy thử suy nghĩ về thơ, làm thơ khi đi trên đường làng xem tôi nói có đúng không? Và… nhân đây, tôi xin đọc một bài thơ phục vụ hội nghị làng ta…
Mọi người ồn ào phản đối nên lão Cốc-nhà thơ Cốc Vũ không đọc được bài thơ mới sáng tác. Lão Cốc bực bội kéo ông Tô đứng dậy đi ra ngoài phòng họp và bảo: “Về thôi ông ạ! Họp làm gì cho mất thời gian. Có đến đời mục thất cũng chả giải quyết nổi nạn ô nhiễm của làng ta đâu…”.
Hà Nội, ngày 13-7-2019

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2019

Truyện ngắn RỪNG THẲM (phần cuối)

RỪNG THẲM (phần cuối)
Truyện ngắn của Trọng Bảo 

Trong hình ảnh có thể có: núi, ngoài trời và thiên nhiên

Thời gian cứ thế xa dần, xa dần mãi. Bước chân người lính chúng tôi đi qua thêm bao miền đất mới, gặp gỡ thêm bao nhiêu con người cùng những số phận khác nhau. Tuy vậy, tôi vẫn đau đáu nhớ về Hà Giang một thuở gian lao trong cuộc đời quân ngũ của mình. Hôm nay, sau hơn bốn mươi năm tôi mới lại có dịp về lại Bắc Quang và bất ngờ gặp lại Dung. Chuyện bốn mươi năm được kể lại trong một ngày...
Dung kể lại câu chuyện ngày ấy cùng Tú đưa con về bản Luồng gặp bố. Ông bố đóng cửa không cho vào nhà. Dung và Tú cùng thằng bé con phải ngồi ở ngoài sàn nhà. Đêm đến mưa gió, thằng bé đói gào khóc ghê quá lão Phủng mới cho phép bà vợ mở cửa ra bế đón cháu vào nhà. Dung bước vào theo. Khi thằng Tú vừa bước chân qua bậu cửa thì lão Phủng chĩa khẩu súng kíp cản lại bắt lùi ra. Đoạn, đích thân lão đầu trần, chân đất đội mưa gió, tay lăm lăm khẩu súng kíp đã nạp đạn sẵn dẫn giải Tú ra tận bờ suối như dẫn giải một kẻ thù, một thằng ăn cắp.
Ra đến bờ suối, lão nghiến răng hầm hè bảo:
- Tao... tao cấm mày đến gần nhà tao. Nếu mày thực sự muốn chết thì hẵng đến gần nhà tao...
- Bố ơi... con xin...
Tú cố nói thêm một câu gì đó. Nhưng không thèm nghe Tú giãi bày, lão Phủng lùi lũi quay lại nhà. Thằng Tú đành chui vào một cái chòi canh ngô ven bờ suối để tránh mưa. Mưa rừng dầm dề lạnh lẽo. Dù mưa gió, đói khát nhưng Tú đành cắn răng chịu đựng, hy vọng lão Phủng sẽ nghĩ lại. Nhưng lão Phủng không thèm nghĩ lại. Tính lão cổ hủ, cố chấp. Lão cấm tiệt con gái không được ra gặp thằng thợ mộc, cũng không được tiếp tế thức ăn đồ uống gì. Thằng Tú đói quá phải xuống suối mò cua ốc nướng ăn. Ngày qua ngày, không chịu được nó định quay về lâm trường Vĩnh Hảo để tiếp tục xin làm công nhân thời vụ trồng rừng, khai thác tre luồng. Song vì thương Dung và nhớ thằng con nên Tú cố chịu đựng thêm vài ngày nữa. May là có thằng Lủ, em của Dung vốn rất nhanh nhẹn. Thằng Lủ nhanh như sóc đeo túi cơm lủi qua rừng đem ra bờ suối tiếp tế cho "anh rể" hờ. Nhưng được vài bữa lão Phủng phát hiện ra. Lão bí mật liền xách súng bám theo chân thằng Lủ.
Khi thằng Lủ đang đưa gói cơm cho Tú thì lão Phủng giương súng lên bắn một phát. Phát súng chỉ thiên làm hai anh em bị bất ngờ nên vô cùng hoảng sợ. Cả hai vội vứt gói cơm nhảy ào xuống dòng suối thoát thân. Đang mùa mưa lũ nên nước suối chảy cuồn cuộn hung dữ. Thằng Lủ treo cây, luồn rừng thì giỏi nhưng bơi lội thì lại rất kém. Nó bị dòng nước xiết nhấn chìm rồi cuốn đi luôn. Còn thằng Tú thì dòng suối này chả là gì so với dòng sông Hồng cuồn cuộn sóng ở quê nhà. Tú bơi một mạch sang bên kia bờ suối. Nhưng khi ngoảnh lại không thấy thằng Lủ đâu Tú vô cùng hốt hoảng. Nó nhớn nhác nhìn xuống phía hạ lưu và nhận ra cái đầu bù sù của thằng Lủ đang bị dòng nước xiết xô về phía thác. Thằng Lủ cố giơ hai tay lên cầu cứu. Tú vội nhao người phóng theo. Với sức rướn của chàng trai sông Hồng lại bơi xuôi theo dòng nước xiết nên chả mất thời gian gì nhiều Tú đã đuổi kịp thằng Lủ. Thằng Lủ bị ngạt nước sắp chìm xuống đáy suối sâu thì Tú bơi đến kịp. Tú nhanh chóng sải tay túm lấy tóc thằng Lủ lôi vào bờ. Sắp đến đầu con thác nên dòng nước chảy rất mạnh. Phải rất vất vả vận lộn Tú mới đưa được thằng Lủ lên bờ. Quá mệt nhưng vừa ôm thằng Lủ lên bờ suối Tú phải tiến hành hà hơi thổi ngạt, cấp cứu cho nó ngay. Thằng Lủ đã uống quá nhiều nước. Tú xốc hai chân thằng Lủ lên vai chạy vài vòng cho nó nôn bớt nước ra. Đoạn, Tú đặt thằng Lủ xuống bãi cỏ rồi tiến hành hô hấp nhân tạo, ghé miệng hút đờm dãi cho nó.
Thằng Lủ vẫn cứ nằm im trên bãi cỏ. Trông nó như một tàu lá chuối héo rũ không còn sự sống. Tú tiếp tục làm động tác hô hấp nhân tạo cho thằng Lủ. Giữa lúc đó thì lão Phủng cuống cuồng vừa gào gọi tên thằng Lủ vừa chạy đến. Tú đứng phắt dậy chỉ tay về phía lão Phủng hét to:
- Ông đứng ngay lại! Không được đến gần thằng Lủ... không... được...
- Ơ... ơ...
Lão Phủng đứng sững lại ở phía xa. Lão Phủng hiểu ngay ý của thằng Tú. Thằng Tú không cho lão lại gần chỗ thằng Lủ đang nằm. Vì người bị đuối nước đang bất tỉnh mà có người thân cùng máu mủ đến gần thất khiếu sẽ ứa máu ra lúc ấy thì vô phương cứu chữa.
Biết chắc lão Phủng không dám chạy đến nữa Tú tiếp tục cấp cứu cho thằng Lủ. May quá, sau nhiều lần cố gắng của Tú thằng Lũ mới "hộc" lên được một tiếng rồi nôn ra toàn nước là nước. Tú đỡ nó ngồi dậy. Cả hai anh em cùng ngồi thở hổn hển một lúc lâu. Khi đã hơi lấy lại sức, Tú đỡ thằng Lủ đứng dậy. Nó lảo đảo khụy xuống không bước đi nổi. Tú ghé lưng cõng thằng Lủ loạng choạng đi về phía cái chòi canh ngô. Lão Phủng lúc này mới hoàn hồn. Lão vẫn chưa dám chạy đến gần thằng Lủ. Lão đứng mãi tít ở phía xa giơ giơ khẩu súng kíp chỉ về phía bản Luồng gào lên:
- Đưa nó về bản... bản...
Tú cõng thằng Lủ chạy thẳng về bản Luồng...
Thế là kể từ hôm ấy thằng Tú mới được bước chân vào nhà lão Phủng với tư cách là khách. Sau đó nhờ ông giám đốc lâm trường Vĩnh Hảo đứng ra làm chủ hôn, mang đồ cưới hỏi đến lão Phủng mới công nhận thằng Tú là con rể... Tú ở rể nhà lão Phủng một thời gian thì xin đất làm nhà đưa vợ con ra ở ngoài ngã ba Việt Vinh. Ngã ba Việt Vinh ngày ấy nhà cửa thưa thớt. Tú và Dung sau đó vẫn làm công nhân trồng rừng, khai thác lâm sản cho lâm trường Vĩnh Hảo.
Tôi hỏi Dung:
- Tú mất như thế nào?
Dung lặng người đi một lát rồi mới trả lời, giọng nhỏ đi chùng xuống:
- Anh ấy đang đóng bè luồng trên sông Bạc thì có ba cô bé chèo mảng qua sông đào măng đắng. Đến giữa sông mảng va vào mỏm đá ngầm lật úp. Nghe tiếng kêu cứu anh ấy lao ra. Cứu được hai đứa đưa vào bờ anh ấy đã mệt lắm rồi. Anh ấy đã cao tuổi lại mới ốm dậy nên khi bơi ra đưa được bé thứ ba vào đến bờ thì kiệt sức, bị dòng nước xiết nhấn chìm và cuốn đi mãi mãi...
Dung chỉ nói tóm tắt về cái chết của Tú như vậy. Tôi cũng không muốn hỏi thêm dễ khoét sâu vào nỗi đau đớn nhất trong cuộc đời của Dung. Tôi bùi ngùi nhớ về một người bạn, một người anh em cùng quê đã gửi trọn cuộc đời ở nơi núi cao rừng thẳm này. Cho đến lúc ra đi mãi mãi, hồn phách Tú mới theo dòng sông Bạc ra sông Lô để về với bến sông Hồng nơi quê hương bản quán của mình...
Chợt nhớ ra tôi hỏi tiếp:
- Còn thằng Lủ hiện nay thế nào rồi?
- Chú Lủ hiện vẫn ở bản Luồng. Bản Luồng bây giờ toàn nhà tầng, không còn nhà sàn vách gỗ như ngày xưa nữa anh ạ!
- Lủ vẫn khỏe chứ?
- Chú ấy khỏe! Hiện chú ấy là phó chủ tịch xã đấy. Con cái cũng lớn, có gia đình cả rồi...
Nói đến đây Dung như chợt nhớ ra. Dung gọi con gái đem điện thoại ra và bấm số. Dung nói với người máy bên kia bằng tiếng dân tộc xong quay sang bảo tôi:
- Chú Lủ nói sẽ ra thăm anh ngay bây giờ đấy!
Tôi vội nói:
- Bọn anh phải đi bây giờ rồi. Từ bản Luồng ra đây hơn năm cây số đường rừng bao giờ Lủ mới ra đến nơi?
Dung bật cười bảo:
- Anh đã đi xa bốn mươi năm rồi không biết, con đường vào bản Luồng bây giờ đã mở xuyên qua núi thẳng tắp trải nhựa phẳng lì, dài chưa đến bốn cây số, một cái cầu đã bắc qua suối, xe máy chạy chỉ hơn mười phút là ra đến nơi thôi...
Dung chưa nói xong đã nghe có tiếng xe máy ngoài cổng. Một người đàn ông vẻ chững chạc đi chiếc xe ga nhẹ lướt vào sân. Hai bên ghi đông chiếc xe máy là hai giò phong lan treo lủng lẳng. Tôi nhận ngay ra Lủ. Mặc dù Lủ bây giờ khác hẳn thằng bé Lủ đen nhẻm trèo cây nhanh như con sóc ngày nào.
Lủ cũng rất vui mừng khi gặp lại tôi. Hai chúng tôi ồn ào hỏi thăm nhau. Biết tôi sắp phải đi Lủ cứ tiếc là không mời được tôi vào thăm lại bản Luồng. Tôi hẹn Lủ một dịp khác. Chợt nhớ ra, Lủ vội gỡ hai giò phong lan đang treo trên ghi đông xe máy đưa cho tôi và nói:
- Em tặng anh hai giò phong lan đem về xuôi chơi. Đây đều là các loài phong lan của núi rừng Hà Giang đấy anh ạ!
Tôi cầm hai giò phong lan rừng. Có một giò lan đang nở hoa rất đẹp. Đã bao nhiêu năm qua rồi mà Lủ vẫn nhớ chuyện tôi rất thích hoa phong lan rừng. Tôi bảo Lủ:
- Giò quế lan hương thì mình xin nhận. Còn giò phi điệp tím này thì Lủ tách cho mình xin một nhánh hoặc một mầm thôi. Cả một giò to khủng thế này hàng chục triệu đồng đấy, mình không dám lấy cả đâu?
Lủ gạt đi:
- Em tặng anh... Giá cả, tiền nong bao nhiêu không biết? Anh vào bản Luồng thăm nhà em thì thấy, em đã sưu tầm trồng được một vườn đầy phong lan, hàng mấy trăm giò. Riêng loài lan phi điệp tím này cũng phải đến gần cả trăm giò...
Dung cũng nói:
- Khu vườn của bố mẹ em bây giờ chú Lủ làm giàn trồng phong lan. chú ấy xây một ngôi nhà hai tầng ra sát đường, gần cổng. Ngôi nhà sàn cũ được sơn sửa lại làm nơi chú ấy và khách ngồi chơi, uống trà và ngắm hoa lan khi hết giờ làm việc đấy anh ạ!
Lủ nói tiếp:
- Em bị lây cái sự đam mê sắc đẹp của loài hoa phong lan rừng từ anh đấy. Mấy cây lan kiếm anh ghép trên cây nhãn, cây mít trong vườn nhà em từ ngày ấy vẫn còn sống, phát triển và hằng năm vẫn ra hoa đấy. Em rất quý những bụi hoa lan ngày xưa của các anh để lại...
Tôi ngỡ ngàng nhìn hai chị em Dung. Thời gian đã qua lâu rồi mà họ vẫn không quên những người lính chúng tôi, những người đã sống và lao động vô cùng gian khổ để mở một con đường xuyên qua núi cao, rừng thẳm trên quê hương của họ năm xưa...
(hết) Hà Nội, tháng 6-2019
TB: Truyện ngắn này tôi viết tặng các đồng đội của tôi ở Trung đoàn 246 để cùng nhớ về một thời gian khổ phá đá, mở đường ở miền núi cao, rừng thẳm Hà Giang (Trọng Bảo).

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

Truyện ngắn RỪNG THẲM (phần 2)

RỪNG THẲM (phần 2)
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, đang ngồi, râu, ngoài trời, thiên nhiên và văn bản

Sau buổi trưa hôm ấy tôi thấy ngại ngùng mỗi lần gặp Dung. Còn Dung thì vẫn vô tư vì không biết đã có chuyện gì xảy ra. Thời gian sau, Dung và thằng Tú thợ mộc có vẻ quấn quýt với nhau. Tôi thầm mừng cho họ nếu nên duyên. Sau đó, do đoạn nền đường gần bản Luồng đã làm xong nên đơn vị chúng tôi di chuyển sâu vào phía rừng già dựng lán trại để thi công tiếp đoạn tiếp theo. Lão Phủng bảo cô Dung thịt gà làm một bữa cơm chia tay tiểu đội chúng tôi. Bữa cơm hôm ấy có cả toán thợ mộc của Tú. Cái chuồng dê đã làm xong lão Phủng lại muốn xẻ gỗ đóng thêm một số đồ mộc trong nhà nữa.
Đến vị trí trú quân mới anh em trong tiểu đội tôi tiến hành làm lán trại để ở tạm vì không gần bản làng nào cả. Tôi quay lại bản Luồng để lấy một số dụng cụ lao động còn gửi lại nhà lão Phủng. Khi tôi đang vừa đi vừa nghển cổ nhìn những cành hoa phong lan nở rực rỡ trên cành cây cao ven lối mòn thì chợt nghe có tiếng chân người chạy đến. Tôi nhận ra là Dung và thằng Tú. Hai người quần áo tả tơi và có vẻ hốt hoảng. Họ vừa chạy vừa ngoảnh lại trông chừng phía sau. Vừa nhác nhìn thấy tôi Dung vội kêu lên:
- Anh Thảo ơi! Cứu chúng em với…
- Có chuyện gì thế?
Tôi vội hỏi. Dung vừa thở vừa nói, giọng đứt quãng:
- Bố… bố… định giết chúng em…
Thằng Tú mặt cũng cắt mặt không còn hột máu lập bập nói:
- Chúng… chúng em yêu nhau… nhưng nhưng ông ấy... ông ấy... không… không… đồng ý…
Hai người nói chả rõ ràng gì nhưng tôi đã hiểu lờ mờ câu chuyện. Tôi cũng không dám hỏi thêm vì có tiếng chân người đang đuổi đến. Tôi vội giục:
- Hai đứa chạy ngay đi…
Dung và thằng Tú chạy đến ngã ba lối mòn. Họ dùng dằng một lúc rồi kéo nhau chạy thục mạng theo lối rẽ vào hướng rừng sâu. Tôi vừa quay lại thì lão Phủng lao đến. Lão vừa chạy vừa nhồi thuốc súng vào khẩu súng kíp. Nhìn thấy tôi lão dừng lại thở hồng hộc và hỏi:
- Bộ đội Thảo! Mày có thấy hai... hai đứa mất dạy ấy chạy theo lối nào không?
Tôi giữ lão Phủng lại hỏi:
- Có chuyện gì thế ông?
Lão Phủng gầm gừ:
- Tao… tao… phải bắn chết hai đứa chúng nó… Mày nhìn thấy chúng nó chạy theo lối nào hả?
- Nhưng đã có chuyện gì xảy ra thế ạ?
Lão Phủng bực bội nói:
- Nó… cái thằng thợ mộc… nó chưa được cái con ma nhà tao công nhận, vậy mà nó dám làm cho cái bụng con gái tao to lên. Nó dám cho cái thằng người vào trong bụng con gái tao… Tao phải bắn chết nó…
- Ông ơi! - Tôi cố tìm cách hoãn binh: - Hai đứa nó thích nhau, yêu nhau thì tốt quá rồi ông ạ!
- Tốt gì mà tốt? Con ma nhà tao đã được ăn cỗ đâu mà nó dám cho cái thằng người nhà nó vào làm tổ trong bụng con gái nhà tao hả?
Tôi bịt miệng cố nhịn cười vì cách nói của lão Phủng. Thấy tôi cứ ấp a ấp úng không trả lời, lão Phủng hỏi lại:
- Hai đứa chúng nó chạy theo lối ra thị trấn Bắc Quang phải không?
Tôi ậm ừ. Lão Phủng nghiến răng:
- Cái thằng thợ mộc láo quá! Nó định đem con gái tao về xuôi đấy! Tao sẽ bắn... bắn...
Nói đoạn, lão liền xách súng chạy đi ngay. Lão lao theo cái lối mòn dẫn ra phía thị trấn Bắc Quang. Tôi thấy hơi yên tâm. lão có đuổi đến mai cũng chả gặp hai đứa. Nhưng tôi vừa đi được mấy bước về phía nhà lão Phủng thì nghe có tiếng súng nổ rất đanh. Tiếng súng vọng vang trong thung lũng làm đàn chim trên cây hoảng sợ bay hất lên bầu trời. Tôi giật nảy mình hốt hoảng nghĩ: “Thôi chết! Lão này bắn hai đứa thật rồi?”. Tôi liền quay lại lao ngay về hướng súng nổ. Vừa chạy, tôi vừa lo hai đứa này đổi ý chạy ra hướng thị trấn Bắc Quang nên đã bị bắn.
Tôi vội chạy theo lối mòn hướng về phía thị trấn. Được một đoạn, tôi gặp lão Phủng đang ngồi phệt ở giữa đường. Tôi hốt hoảng hỏi ngay:
- Ông... ông... bắn chết hai đứa chúng nó rồi à?
Vừa hỏi, tôi vừa nhớn nhác nhìn lên phía trước. Lão Phủng càu nhàu:
- Bắn đâu mà bắn… Tao bị vấp ngã làm súng cướp cò… đạn bay cháy sém cả tóc, suýt nữa thì toi mạng đấy!
Nghe lão Phủng nói như vậy tôi mới yên tâm. Tôi khẽ thở phào nhìn lão Phủng. Lão đang nhăn nhó ngồi ôm bên chân trái bị trẹo. Khẩu súng kíp nằm lăn lóc bên cạnh. Tôi liền đỡ lão đứng lên. Nhìn thấy cái túi đựng thuốc súng và đạn ghém văng ra nằm cạnh lối đi tôi liền dùng chân gạt nhanh xuống cái hố vết chân trâu. Lão Phủng cầm khẩu súng kíp níu tay tôi loạng choạng đứng dậy. Lão ngó xung quanh tìm cái túi đựng thuốc súng nhưng không thấy. Lão bảo:
- Mày tìm giúp cho tao cái túi đựng thuốc súng. Không biết nó rơi chỗ nào? Nhanh lên! Nhất định tao phải đuổi theo hai đứa này bằng được…
Tôi giẫm một chân lên che cái lỗ chân trâu có cái túi thuốc súng và bảo lão Phủng:
- Không thấy! Chắc là ông làm rơi ở đâu mất rồi!
- Thế thì tao đành phải quay về nhà để lấy túi thuốc súng khác thôi?
Tôi và lão Phủng cùng quay về nhà. Về đến nhà, tôi bảo lão có đuổi theo cũng chẳng kịp hai đứa mà trời thì lại sắp tối và sắp mưa to rồi. Lão Phủng tuy còn rất tức giận nhưng đành nghe theo lời tôi. Lão cất khẩu súng kíp và không đi tìm Dung và thằng Tú nữa…
*
Đơn vị chúng tôi tiếp tục tiến sâu hơn vào vùng rừng núi rậm rạp phát tuyến, làm nền đường. Cuộc sống lao động giữa rừng gian khổ, vất vả. Tôi không có điều kiện quay lại bản Luồng nên cũng không biết gì thêm về câu chuyện tình của Dung và Tú nữa. Một lần, tôi bắt gặp lão Phủng đang vác khẩu súng kíp đi săn giữa rừng già. Tôi cố dò hỏi lão ậm ừ không nói. Lão chỉ dặn tôi hôm nào được nghỉ thì về bản Luồng chơi.
Khi nền đường làm xong, đại đội tôi được chuyển sang thi công rải cấp phối mặt đường. Một hôm, đang làm tại đoạn đường gần Vĩnh Tuy thì tôi gặp Dung và thằng Tú đi ngược theo con đường mới mở về hướng bản Luồng. Thằng Tú đeo cái ba lô bộ đội cũ còn Dung thì đang địu một đứa trẻ con trên lưng. Nhận ra tôi cả hai đều vui mừng. Tôi hỏi:
- Hai người đang đi đâu đấy?
- Chúng em về bản Luồng thăm bố ạ!
Dung và Tú cùng trả lời. Tôi hỏi thêm:
- Thời gian vừa rồi hai đứa đi đâu vậy?
Thằng Tú đáp:
- Chúng em chạy vào rừng rồi làm bè theo sông Bạc ra sông Lô, đến lâm trường Vĩnh Hảo thì lên bờ. Ở lâm trường Vĩnh Hảo em có người quen. Bác ấy là cán bộ lâm trường nên xin cho chúng em làm công nhân trồng rừng ở đây. Dung sinh con được gần nửa năm rồi. Hôm nay, chúng em quyết định đưa cháu về thăm ông bà ngoại anh ạ.
Tôi vội gàn:
- Lão Phủng chắc còn đang giận hai đứa lắm, không nên về nhà lúc này đâu, lỡ ra…
Dung quả quyết:
- Chúng em cứ về. Bố em có giận, có đánh mắng gì chúng em sẽ xin chịu hết!
Chắc là Dung và Tú chưa biết chuyện hôm hai đứa chạy trốn lão Phủng đã vác súng đi tìm mấy ngày liền. Tôi vẫn thấy lo lắng dặn thêm:
- Dung nên qua nhà anh trai trước rồi bảo anh ấy đưa về nhà mình nhé?
- Vâng ạ!
Dung và Tú chào tôi để đi tiếp. Tôi cầm bàn tay nhỏ xíu của thằng bé Dung đang địu trên lưng. Thằng bé thật kháu khỉnh. Nó nhoẻn miệng cười với tôi như là đã quen biết từ rất lâu rồi vậy.
Tôi nhìn theo hút Dung và thằng Tú đi hết con dốc trong lòng vẫn cứ thấy vô cùng lo lắng cho hai đứa. Lão Phủng là một người cố chấp, cổ hủ, gia trưởng. Không biết lão ấy có tha thứ cho hai đứa không. Thời gian dài sau tôi không gặp lại Dung và Tú. Hai đứa cũng không có tin tức gì, không nhắn lại gì cho tôi. Tôi dự định hôm nào được nghỉ sẽ bám theo xe chở vật liệu của đơn vị ngược lên Bắc Quang về bản Luồng thăm lão Phủng xem tình hình ra sao. Nhưng rồi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc rập rình ập đến, kẻ thù phương Bắc sắp tràn sang. Trung đoàn 246 chúng tôi lật cánh sang hướng Cao Bằng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc…
(hết phần 2) Hà Nội, tháng 6-2019

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2019

Truyện ngắn RỪNG THẲM (phần 1)

RỪNG THẲM (phần 1)
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Trong hình ảnh có thể có: núi, bầu trời, ngoài trời và thiên nhiên


Lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở về vùng đất Bắc Quang, Hà Giang. Ký ức của một thời lính tráng, một thời trai trẻ lại ùa về. Vùng đất Bắc Quang năm xưa heo hút bây giờ đổi thay nhiều quá. Con đường lên biên giới không còn gập ghềnh như ngày nào nữa. Những quán xá ngày xưa, những người xưa cũ cũng không còn nữa. Chỗ ngã ba Việt Vinh, nơi đơn vị chúng tôi khởi đầu tuyến đường lâm nghiệp ngày nào bây giờ khác thế. Nhà cửa san sát. Tôi cố nhớ nơi mình đã đóng quân trong một cái bản nhỏ ven bờ suối nhưng không hình dung nổi, không tìm nổi. Địa hình đã thay đổi, chắc gì còn những người xưa cũ ở đây…
Giữa lúc tôi đang ngơ ngác bên dòng suối cũ thì có tiếng hỏi:
- Chú định tìm nhà ai ạ?
Một cô gái khoảng ngoài đôi mươi đang xới cỏ trong khu vườn ven đường hỏi. Chắc là cô bé thấy tôi cứ ngơ ngác nhìn quanh. Tôi giật mình đáp:
- Tôi... tôi không tìm nhà ai cả. Hơn bốn mươi năm trước tôi đóng quân làm đường ở đây, giờ đi qua dừng lại ngắm cảnh cũ chút thôi...
- Vâng ạ!
Cô gái nói rồi lại cúi xuống xới cỏ. Có tiếng một người đàn bà hỏi từ trong ngôi nhà hỏi vọng ra:
- Ai hỏi thăm nhà ta hở con?
- Không ạ! Chú ấy là bộ đội ngày xưa đóng quân ở vùng này. Chú ấy đi qua thôi mẹ ạ!
Cô gái trả lời. Người đàn bà luống tuổi từ trong nhà bước ra. Tôi và người đàn bà nhìn nhau. Tôi nhận thấy trên khuôn mặt của người đàn bà luống tuổi có nét gì đó quen quen nhưng chịu không nhận ra là ai. Người đàn bà cũng chăm chú nhìn tôi. Tôi định quay đi thì người đàn bà khẽ thốt lên hỏi:
- Có phải là... anh Thảo không ạ?
Tôi ngạc nhiên nhưng vẫn chưa nhận ra là ai. Người đàn bà tiến ra gần cổng rồi nói tiếp:
- Đúng là anh Thảo rồi... em... em là Dung ở bản Luồng ngày xưa đây... anh không nhận ra à?
- Ô... đúng là cô Dung rồi... nhưng sao bây giờ nhà lại ở đây?
- Nhà em chuyển ra đây lâu rồi...
Cô gái đang xới cỏ vườn cây ăn quả cũng buông cái cuốc chạy ra đứng cạnh mẹ. Dung cầm cánh tay cô gái giới thiệu:
- Con gái út của em đấy!
Lúc này tôi mới nhận thấy cô bé rất giống mẹ hơn bốn mươi năm trước. Mẹ con Dung mời tôi vào nhà. Vừa bước vào trong nhà tôi giật mình nhìn thấy tấm ảnh một người quen đặt trên ban thờ. Thấy tôi cứ chăm chú nhìn bức ảnh, Dung nói vẻ ngậm ngùi:
- Anh ấy mất được gần chục năm nay rồi anh ạ!
- Chú ấy bị bệnh gì thế?
- Anh ấy bị tai nạn khi cứu người bị lũ cuốn giữa rừng sâu anh ạ!
Tôi tiến lại gần ban thờ. Tôi rút một nén nhang. Dung vội tìm đưa cho tôi cái bật lửa. Tôi châm nén nhang cắm vào cái bát hương trên bàn thờ. Khói nhang thơm thơm lan tỏa khắp mấy gian nhà nhỏ.
Trong làn khói sương mờ tỏ chuyện ngày xưa xa ngái với bao ký ức thời trai trẻ bỗng ùa về trong tôi...
*
Ngày ấy, khi mới hành quân lên Hà Giang làm kinh tế đại đội tôi phải ở nhờ trong các nhà dân những bản làng dọc theo tuyến đường lâm nghiệp sẽ mở. Chúng tôi thuộc bộ phận thi công nền đường chịu trách nhiệm phát tuyến, đào đất, phá đá. Khi con đường hình thành thì bàn giao cho đơn vị làm mặt đường đổ đá rải cấp phối. Bộ phận làm cầu cống cũng riêng. Đó là những đơn vị có kỹ thuật cao. Nói tóm lại là cánh lính bộ binh chúng tôi là bọn "ăn no vác nặng, làm những công việc thô sơ vất vả khó nhọc". Nhưng hồi ấy chỉ có vác nặng mà chẳng được ăn no bao giờ. Đoạn nào trên tuyến nếu không có nhà dân thì chúng tôi sẽ làm các lán trại ở tạm giữa rừng để thi công nền đường.
Khi bắt đầu mở tuyến, tiểu đội tôi ở nhờ trong nhà lão Phủng, người dân tộc Tày ở bản Luồng. Bản làng ngày ấy đơn sơ giữa rừng. Những ngôi nhà sàn nhỏ nằm bên bờ suối. Khi không mưa lũ con suối trong veo nhìn thấy cả đá cuội và tôm cá bơi lội dưới đáy. Lão Phủng có ba người con. Anh con lớn đi bộ đội về lấy vợ ở riêng. Ở nhà chỉ còn hai vợ chồng lão và hai người con. Dung là con gái thứ hai và một thằng em đang đi học phổ thông. Dung không thật đẹp nhưng có khuôn mặt dễ coi và thân hình nở nang, cân đối. Lão Phủng trông vẻ cũ kỹ, cục mịch nhưng tính tình rất tốt.
Sau chiến tranh đời sống khó khăn, thiếu thốn. Cánh lính chúng tôi ăn uống kham khổ lại lao động vất vả. Nhiều bữa chỉ có hai lưng bát bo bo hoặc hai nắm mỳ luộc nhỏ hơn nắm tay. Vậy mà ngày ngày vẫn vác choòng, xà beng leo lên vách đá xả núi mở đường. Lão Phủng là một người săn bắn rất giỏi. Thỉnh thoảng bắn được con cầy, con cáo lão đều bảo cả tiểu đội tôi lấy cơm về ăn chung với gia đình. Lão thương bộ đội vất vả. Nghe nói thời trai trẻ lão từng là dân quân vác súng kíp cùng bộ đội đi tiễu phỉ trên cao nguyên Đồng Văn. Lão Phủng nói đã từng quen biết mấy anh bộ đội Trung đoàn 246 ngày ấy khi đi tiễu phỉ. Còn cô Dung ngày ấy cũng đã hai mươi tuổi nhưng vẫn chưa lấy chồng. Con gái dân tộc thiểu số vùng cao hai mươi tuổi vẫn chưa lấy chồng, chưa có người dạm ngõ là muộn rồi. Nghe nói chuyện tình duyên của cô Dung có gì đó trục trặc. Dung cũng rất hay giúp đỡ bộ đội chúng tôi những việc như nấu cơm, đun nước hay khâu vá quần áo. Cậu em út của Dung tên là Lủ rất nhanh nhẹn, leo trèo cây như con sóc. Tôi rất thích cậu bé này vì thỉnh thoảng ngày nghỉ Lủ hay dẫn tôi vào rừng lấy phong lan. Những giò phong lan rất đẹp tít trên ngọn cây cao tôi thích là Lủ leo lên lấy xuống ngay một cách dễ dàng. Quan hệ giữa tiểu đội tôi và gia đình lão Phủng rất tốt. Nhưng tôi cũng rất lo vì mấy thằng lúc nào cũng cười đùa với cô Dung. Lính tráng lao động vất vả, mùa hè về quần đùi áo lót nằm lăn lóc ở sàn nhà. Nhà lại có con gái lớn nên tôi rất lo. Lỡ xảy ra chuyện gì thì gay go, phức tạp lắm.
Một hôm lão Phủng dẫn về nhà một tốp thợ mộc là người dưới xuôi. Lão bảo với chúng tôi:
- Tao định làm một cái chuồng để nuôi dê phía sau nhà. Thêm ba người ở nữa, nhà chật, bộ đội chúng mày thông cảm nhé?
Tôi bảo lão:
- Ông cứ yên tâm! Cánh lính chúng cháu nằm đâu chả được. Nếu chật quá chúng cháu sẽ làm sạp nứa ngủ dưới gầm sàn ông ạ!
- Bộ đội chịu khó một chút nhé! Cánh thợ mộc này chỉ làm độ mươi ngày là xong cái chuồng dê ngay thôi…
- Vâng ạ!
Thế là ngôi nhà sàn nhỏ của lão Phủng có thêm ba người. Ông thợ cả là người đứng tuổi, một anh hơn tuổi và một cậu sàn sàn tuổi chúng tôi. Cậu này tên là Tú, thợ mới học việc. Toán thợ mộc chặt cây, đục đẽo dựng cái chuồng dê phía sau nhà, sát chân núi đá. Buổi sáng, chúng tôi vác cuốc xẻng ra công trường thì toán thợ mộc cũng mang cưa đục đi ra phía chân núi. Tối về, chúng tôi mới gặp nhau trên nhà sàn cùng ngồi uống nước chè và trò chuyện. Hóa ra tốp thợ mộc này ở huyện Yên Lạc, cùng quê Vĩnh Phúc với tôi.
Khi đang làm đường thì chúng tôi lại nhận được lệnh chuẩn bị một đợt huấn luyện quân sự. Một buổi trưa, tôi đang lúi húi ở bờ suối đẽo một quả lựu đạn gỗ thì Tú mò ra xem. Tú bảo:
- Anh để em làm cho!
- Mày cũng biết đẽo lựu đạn gỗ à?
- Có chứ! Ở nhà em cũng là dân quân mà.
- Thế à?
Tú giúp tôi đẽo mấy quả lựu đạn gỗ. Nó có tay nghề mộc nên làm rất nhanh và đẹp, lại biết chọn loại gỗ để quả lựu đạn đủ trọng lượng.
Giúp tôi làm xong mấy quả lựu đạn Tú về trước vì đến giờ làm buổi chiều, ông thợ cả đang réo gọi. Tôi để mấy quả lựu đạn trên hòn đá bên bờ rồi lội xuống suối. Tôi lội ngược dòng nước mát lạnh lên phía trên. Nước suối chảy rào rào. Phía trên vách đá có một bụi phong lan hoa đang nở rất đẹp. Tôi vừa bám vào vách đá rướn người định gỡ bụi phong lan thì nghe có tiếng ai khỏa nước ở bên kia gộp đá. Tôi vội nhìn sang. Tôi nhận ra đó chính là Dung. Dung đang quay lưng về phía tôi. Tôi hơi hoảng vì nhận ra Dung đang khỏa thân giữa làn nước suối trong veo. Khi tôi định tụt xuống suối để chuồi người xuôi dòng nước lui về phía sau thì Dung quay người lại. Tôi vội ép sát người vào lùm cây rậm rạp lòa xòa bên bờ suối. May mà Dung không nhìn thấy tôi. Cô đang mải vớt nước xoa xoa lên khuôn ngực nở nang căng tròn của mình. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy khuôn ngực tuyệt đẹp của một người con gái giữa chốn rừng sâu núi thẳm thế này… Khi Dung vừa quay đi tôi vội tụt ngay xuống dòng suối toài về phía sau. Tôi bơi xuống tít phía dưới hạ lưu bỏ cả hai quả lựu đạn gỗ ở mỏm đá phía trên gần nhà, đến tối mới dám mò ra lấy về...
(hết phần 1) Hà Nội, tháng 6-2019

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

Truyện ngắn vui ĐẠI HỌC D.O.T

ĐẠI HỌC D.O.T
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Không có mô tả ảnh.

Lão Cốc về đến nhà thì gặp thằng cháu đang đứng đợi ở sân. Thằng cháu này là con út cô em gái lão. Nó học rất giỏi. Năm nay nó thi hết phổ thông trung học, đang chờ thông báo kết quả chính thức để đăng ký tuyển sinh vào trường đại học. Vừa thấy lão Cốc về nó vội vã chào và nói:
- Cháu chờ bác mãi! Bác đi đâu mà lâu thế?
Lão hỏi:
- Chờ tao có việc gì hả?
- Cháu chờ để xin bác “tư vấn” cho một vấn đề hệ trọng ạ!
- Có vấn đề gì mà hệ trọng thế hả?
Thằng cháu vẻ rất phấn khởi đáp:
- Thế này bác ạ! Cháu vừa nhờ người “xem trước” cho kết quả đợt thi vừa rồi…
Vừa nghe đến hai từ “xem trước” lão Cốc đã giật nảy người. Lão nghĩ ngay đến chuyện ông giám đốc sở giáo dục Sơn La nhờ cấp dưới “xem trước” kết quả thi mà khiến bao nhiêu người dính vòng lao lý. Lão lập cập hỏi thằng cháu:
- “Xem trước” là thế nào? Không khéo mà đi tù cả nút đấy!
Thằng cháu bật cười. Nó vội giải thích để lão Cốc yên tâm:
- Xem trước là để biết sơ bộ kết quả thi thôi bác ạ! Không có chuyện gì tiêu cực, nguy hiểm đâu!
Lão Cốc thở phào:
- Thế kết quả sơ bộ thế nào? Tốt chứ?
- Đúng như cháu đã dự tính ngay sau khi thi xong. Các bài thi của cháu đều được điểm giỏi cả ạ!
- Thế thì tốt quá rồi!
- Vâng! Chính vì thế mà hôm nay cháu muốn bác tư vấn cho cháu xem nên học ngành nghề nào là tốt nhất, ra trường dễ kiếm việc làm lại có lương cao ạ?
Lão Cốc trầm ngâm suy nghĩ. Quả là một bài toán hóc búa. Bây giờ hàng trăm trường đại học, mỗi năm hàng vạn sinh viên tốt nghiệp ra trường, toàn bằng đỏ cả mà xin không nổi việc. Có đứa phải giấu bằng kỹ sư đi để xin vào công nhân, làm những công việc bình thường, lao công đơn giản. Rồi đầy đường bọn xe ôm hỏi ra thằng nào cũng bằng đại học cả. Học ngành nghề gì bây giờ ra trường xin được việc làm quả là một câu hỏi khó. Việc làm đã ít mà lũ “5C” (con cháu các cụ cả) lại quá đông. Có tỉnh, con cháu anh em lãnh đạo rải khắp, chiếm hết các chức danh. Trong khi đó người ta lại đang định kéo dài thời gian công tác để giữ chỗ trong biên chế, để bảo vệ cái ghế của mình thì lớp trẻ thật khó mà bon chen…
Giữa lúc lão Cốc và thằng cháu đang tính toán sẽ đăng ký tuyển sinh vào trường đại học nào cho hợp lý thì thằng Bất con lão Cốc đi làm thuê về. Khi biết rõ câu chuyện của hai bác cháu, thằng Bất thủng thẳng bảo:
- Thời buổi bây giờ cứ vào “Trường đại học D.O.T” là hay nhất, học hành nhàn nhã mà thu nhập lại cao ngất ngưởng!
Lão Cốc trố mắt ngạc nhiên:
- Trường đại học D.O.T là cái trường quái nào thế? Tại sao tao lại không biết nhỉ?
Thằng Bất cười ngặt nghẽo:
- Bố hay đọc báo, làm thơ mà cái trường đại học ấy lại không biết à?
Lão Cốc có vẻ cáu:
- Tao chỉ thấy có trường đại học FPT và các dự án BOT của ngành giao thông vận tải thôi. Các BOT quả đúng là hái ra tiền. Họ làm đường BOT ở chỗ này lại xây trạm thu phí (có lúc còn gọi là trạm thu giá) ở chỗ khác, nhiều phương tiện qua lại hơn. Người không đi đường BOT cũng cứ phải nộp tiền nên mới xảy ra loạn ở nhiều trạm thu phí giao thông đấy? Ăn tiền của người ta kiểu ấy thì giàu để làm gì?
Thằng Bất bảo:
- Bố ơi! Con không bàn đến các BOT, chuyện ấy là của nhà nước họ lo…
- Thế còn cái trường đại học D.O.T mà mày nói nó là trường nào, ngành đào tạo gì mà tao chưa hiểu. DOT có phải là tên viết tắt của tiếng Anh không hả?
Thằng Bất xua tay:
- Không phải đâu, đây là tên tiếng Việt hoàn toàn bố ạ! Đó là một trường, một ngành đào tạo giúp người ta làm giàu nhanh nhất đấy!
- Vậy nó là trường đại học gì? Ở đâu? Mày nói mẹ ra đi, tao sốt ruột lắm rồi!
Thằng Bất giờ mới nói:
- Thế bố có biết chuyện cái ông giám đốc sở gì đó ở tít trên một tỉnh miền núi không?
- Cái ông giám đốc ấy thế nào?
- Thì… ông ấy học ngành DOT mà xây được biệt phủ nguy nga đấy!
- À… có phải là cái tay buôn… chổi đót xây biệt thự không?
- Đúng rồi bố ạ!
Lão Cốc hầm hè:
- Mày bây giờ cũng nói năng văn vẻ, bay bướm quá nhỉ! Buôn chổi đót, làm chổi đót thì nói mẹ nó ra là chổi đót, lại cứ D.O.T nghe cứ như là tên viết tắt tiếng Anh, tiếng Pháp ấy. Mà này, cái trường đại học D.O.T mà do cái tay giám đốc sở ấy làm hiệu trưởng có khi sinh viên lại đăng ký vào đông đảo, điểm chuẩn cao ngất ngưởng đấy mày ạ! Thằng cháu nhà mình chưa chắc đã chen chân nổi...
Lão Cốc và thằng con đều phá lên cười khiến thằng cháu ngơ ngác không hiểu là chuyện gì?
Hà Nội, 3-7-2019

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Truyện ngắn vui "CỔ TÍCH" THỜI NAY

"CỔ TÍCH” THỜI NAY
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Không có mô tả ảnh.

Ông Tô đi lĩnh lương hưu. Từ 1-7-2019, lương hưu hằng tháng của ông tăng thêm được hơn hai trăm ngàn đồng. Nhận tiền xong, ông Tô quyết định mua cho các cháu một món quà nhỏ. Các cháu ông đang nghỉ hè ở nhà, đứa nào cũng học giỏi. Ông Tô đạp xe ra thị trấn phố huyện. Ông đến hiệu sách tìm mua một cuốn truyện cổ tích Việt Nam. Khi ông đem sách về đến nhà lũ cháu rất thích thú. Thằng bé lớn sắp vào học lớp 3 háo hức nhận cuốn truyện cổ tích và bắt đầu ê a đọc cho các em nghe. Mấy đứa em và hai thằng bé hàng xóm ngồi im lặng lắng nghe quên cả cái nóng mùa hè rừng rực như đổ lửa.
Thấy các cháu ngoan ngoãn, ông Tô bảo:
- Các cháu chịu khó học hành, ngoan ngoãn vài hôm nữa tiết trời dịu mát bố mẹ về sẽ cho đi chơi Hà Nội…
Thằng bé lớn vội dừng đọc truyện giãy nảy lên nói:
- Chúng cháu không đi Hà Nội đâu! Chúng cháu ở nhà với ông bà thôi…
- Đúng… đúng… chúng cháu không đi Hà Nội đâu ông ạ?
Hai đứa cháu bé hơn cũng vội nói. Ông Tô ngạc nhiên:
- Sao mấy lần trước bố mẹ về các cháu cứ đòi theo lên Hà Nội để đi thăm vườn bách thú cơ mà?
- Chúng cháu không đi nữa… sợ lắm ông ạ!
Thấy các cháu run rẩy vì sợ, ông Tô trấn an:
- Việc gì mà sợ! Các loài thú dữ như sư tử, hổ báo, trăn rắn, cá sấu đều bị nhốt trong chuồng sắt rất chắc chắn rồi. Các cháu không phải sợ gì cả?
Bọn trẻ nói:
- Chúng cháu không sợ bọn thú dữ đã bị nhốt trong chuồng ở vườn bách thú mà rất sợ một con khác cơ…
- Sợ con gì vậy?
Thằng cháu lớn vội nói:
- Chúng cháu sợ là sợ con… quái vật khổng lồ ở Hà Nội ông ạ!
Ông Tô cười xoa đầu thằng bé bảo:
- Làm gì có quát vật? Quái vật chỉ có trong những truyện cổ tích “ngày xửa, ngày xưa” thôi. Ngày nay không có “quái vật” đâu các cháu ạ!
- Có… có đấy ông ạ! - Thằng bé giải thích: - Bố cháu nói, con quái vật này mới xuất hiện ở thủ đô. Nó rất to, rất khổng lồ, dài loằng ngoằng, thân nó toàn bằng sắt thép, xi-măng bê tông. Nó có hai đầu, một đầu ở Hà Đông, một đầu ở Cát Linh đấy ông ạ!
Ông Tô lẩm bẩm nói:
- Đấy không phải là “con quái vật” mà là con đường sắt đô thị trên cao… Mẹ cha cái thằng bố chúng mày chỉ được cái tài dọa trẻ con…
Ông Tô đang định nói tiếp thì lão Cốc đi vào sân. Lão hỏi:
- Có chuyện gì mà ông tranh luận với bọn trẻ con ghê thế?
Ông Tô kể lại câu chuyện, lão Cốc liền nói:
- Tôi vừa đi Hà Nội chữa bệnh về. Bệnh viện ở ngay cạnh con đường sắt đô thị Hà Đông-Cát Linh ấy. Tôi cũng nghe dân Hà Nội họ bảo đó chính là con “quái vật thủ đô” đấy!
- Tại sao họ lại nói như vậy?
- Thì… tuyến đường ấy đội vốn lên gấp đôi, thời gian kéo dài gấp đôi. Số tiền đã chi khổng lồ mà chưa biết đến bao giờ mới xong, mà làm xong rồi thì cũng chưa chắc đã dùng được ông ạ!
Ông Tô băn khoăn:
- Vậy người ta cứ để thế mãi à! Tiền ngân sách của nhà nước sao cứ như là tiền… vô chủ, vô thừa nhận thế?
Lão Cốc cũng băn khoăn, nhưng rồi lão nói:
- Thì dân trên mạng, dân trên phố họ đều đã góp ý rồi đấy, ông không đọc, không nghe thấy à?
Ông Tô hỏi lại:
- Họ góp ý xử lý cái công trình khổng lồ này như thế nào?
- Thì… họ bảo hãy xây dựng thành một cái “bảo tàng” khổng lồ về kinh nghiệm… thất bại ông ạ!
- Nói thế thì nói làm gì? Không khéo lại bị quy là thiếu ý thức xây dựng, theo đuôi kẻ xấu xuyên tạc đấy?
- Đúng vậy! Nhưng cũng có các ý kiến khác ông ạ!
- Ý kiến thế nào?
- Tôi thấy cái lão bán quán nước cổng bệnh viện tôi điều trị có ý kiến rất hay. Lão ấy bảo nên cải tạo thành một con đường đi bộ trên cao để hằng ngày người dân vừa đi bộ vừa ngắm cảnh thủ đô…
Ông Tô góp ý:
- Sao họ không sửa lại thành đường ô tô trên cao nhỉ?
Lão Cốc có vẻ am hiểu:
- Không thể làm đường ô tô, đường xe máy trên cao vì đường ngắn, bọn lái xe nó phóng ẩu, ô tô xe, máy bay xuống phía dưới chết oan những người khác. Làm thành đường đi bộ trên cao có cái hay là giúp dân ta có chỗ rèn luyện thể dục thể thao, đi bộ, leo núi ngay giữa thủ đô… rồi tổ chức các “tour du lịch đặc biệt” dành cho du khách nước ngoài đi bộ khám phá Hà Nội từ trên cao. Biết đâu hiệu quả kinh tế lại cao hơn hẳn cả việc chạy tàu điện chuyên chở hành khách ấy chứ!
Ông Tô chép miệng:
- Hừ… có lẽ đành phải thế thôi… Thất bại của ngành giao thông có khi lại là thành công của ngành du lịch đấy ông ạ!
- Đúng thế! - Lão Cốc trầm ngâm rồi nói tiếp: - Giá mà làng ta có được một đoạn khoảng hai đến ba cây số cái đường trên cao ấy mà đặt xung quanh làng cho các cụ hằng ngày đi bộ, tập thể dục đỡ lo bị xe máy, ô tô nó đâm va phải thì tốt quá…
Nói đến đây đột nhiên lão Cốc lặng người đi. Nét mặt của lão chợt trở nên bừng bừng hứng khởi. Ông Tô định hỏi thì lão Cốc đứng dậy bảo:
- Tôi… tôi phải về đây! Tôi vừa bất chợt nảy ra một tứ thơ về con “quái vật thủ đô” này… Tôi phải về để “sáng tác” bài thơ mới ngay không thì mất "thi hứng" mất…
Ông Tô dặn lão Cốc:
- Ông về đến nhà rồi hẵng “sáng tác” nhé, đừng lơ ngơ cùng với “nàng thơ” đi ngoài đường lỡ ô tô, xe máy nó va phải thì khốn…
Không biết lão Cốc-nhà thơ Cốc Vũ có nghe được những lời ông Tô dặn không. Còn ông Tô thì nghe rất rõ tiếng lão Cốc vừa ngất ngư đi ra cổng vừa lẩm nhẩm đọc thơ:
“Thạch Sanh chắc đã ngủ quên
Để cho quái vật hiện lên thế này,
Phải chém ngay… phải chém ngay…
Đừng để lâu ngày quái vật thành tinh…”.
Hà Nội, 1-7-2019