Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Cuộc giải cứu "hoạ văn chương" ngoạn mục

        LTG: Lang thang trên mạng, thật bất ngờ tôi được đọc bài TẢN MẠN VỀ CUỘC GIẢI CỨU “HỌA VĂN CHƯƠNG” NGOẠN MỤC ĐẬM CHẤT BI HÀI của tác giả Nguyễn Nguyên Phượng viết về truyện ngắn Họa văn chương của tôi. Bài viết thật hay. Tôi xin được coppy bài viết về blogs của mình. Trân trọng cảm ơn tác giả Nguyễn Nguyên Phượng và Tạp chí Văn (Trọng Bảo). 
      

      CUỘC GIẢI CỨU “HỌA VĂN CHƯƠNG” NGOẠN MỤC ĐẬM CHẤT BI HÀI

      1. Có thể nói là khá lâu tôi mới đọc một câu chuyện có nhan đề “Họa văn chương” trên báo Văn Nghệ Thành phố (1) mà cứ cười khoái theo giọng cười “hề hề, he he” của nhân vật không tên vì người viết truyện chỉ gọi là gã cháo lòng tiết canh. Gã không tên ấy đã giải cứu tai ách chữ nghĩa, văn chương cho một “thầy giáo – nhà văn”  ở  một “tỉnh miền núi heo hút…Nghèo thì nghèo đấy nhưng lại lắm người thích văn chương”, “ngoạn mục” và cũng lắm bi hài. Tất nhiên đây là chuyện hư cấu mà tác giả Trọng Bảo dựng lên từ những vụ việc quy chụp tư tưởng văn học còn khá “nóng” gần đây như “Bóng anh hùng” (Doãn Dũng), “Lời những cây dầu…” (Đàm Chu Văn) hay xa hơn, “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư). Lôi cuốn chính là cách dẫn dắt, phát triển thắt nút truyện. Tâm nguyện của ông Diêu, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh được đền bù bằng việc cho ra mắt tờ báo văn chương, tiếng nói diễn đàn văn học của hội và của những người yêu văn chương trong tỉnh. Tờ báo như người tình của ông Chủ tịch hội trong những ngày cận kề nghỉ hưu. Tờ báo là một tác phẩm nghệ thuật của đời ông dù ông đến với văn chương, nghệ thuật bằng con đường âm nhạc. Trên báo là những bài viết của nhiều tác giả không thuộc dạng phải đạo thì cũng nhạt chán, đọc một câu biết cả bài… Văn, thơ  ôn lại thời trận mạc tuyên truyền nghị quyết chủ trương, đường lối! Sáng lên là một truyện ngắn hay của một giáo viên cấp ba, Lê Thi – “Cánh đồng thao thức”. Một tác giả trẻ mới tập tành viết lách nhưng đã hé lộ một tài năng văn học. Tả tâm trạng vui mừng của ông Diêu, nhà văn Trọng Bảo viết rất thực, “…Ông cảm thấy vui vui khi nghĩ đến cảnh cậu nhảy cẩng lên khi tác phẩm đầu tay của mình xuất hiện trên trang nhất của tờ báo văn chương của tỉnh”. Không sáng tạo được tác phẩm để người đọc yêu thích nhưng ở cương vị, chức trách đứng đầu hội, biên tập chọn bài ông đã làm “bà đỡ” cho tác phẩm có giá trị văn chương đến với công chúng cũng là đáng quý.       
       2. Niềm vui nào có tày gang. Chỉ một ngày sau, giữa trời xanh yên tĩnh, ông chủ tịch hội bị “sét đánh” vì truyện “Cánh đồng thao thức” có “vấn đề”! Ở những trang này, Trọng Bảo kết cấu chặt chẽ, văn phong nghiêm chỉnh để tỏ bày đôi điều nghiêm túc. “Sét” từ “trên” không phải búa thiên lôi trời cao hay điện thiên đình chập mạch mà “ trên tỉnh – văn phòng tỉnh ủy, ủy ban” có ý  kiến chỉ đạo nhưng “nhưng không rõ là ý kiến của đồng chi lãnh đạo nào” kiểm điểm hội, người duyệt chọn với “động cơ” nào đã cho đăng tác phẩm “Cánh đồng thao thức”. Vì đây là tác phẩm mang tư tưởng xấu, chống lại chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh… bêu riếu, nói xấu cán bộ tỉnh… ám chỉ một số cán bộ đầu ngành của tỉnh (trục lợi từ việc san ủi, chia lô bán cho cán bộ). Thực ra do vài vị chủ chốt (Sở Công nghiệp, Sở Kế hoạch-đầu tư) liên quan đến đất đai, nông nghiệp chột dạ, có tật giật mình, ra chiêu “cáo mượn oai hổ” trị đám văn nghệ dám lấy chuyện chữ nghĩa, văn chương nói khóe, nói cạnh nếu đến tai lãnh đạo thì mất ăn, mất ghế như chơi. Đúng là “tai họa văn chương” mà Trọng Bảo đặt tên cho truyện ngắn của mình. Đón nhận hung tin với tâm trạng hoảng loạn, ông Diêu chấp hành làm kiểm thảo nhận hết trách nhiệm nhưng cũng rất tỉnh táo và bản lĩnh viết cả một “bài phê bình văn học khá hoàn chỉnh” ngay sau phần kiểm điểm trên “phủ nhận hoàn toàn những điều đơm đặt không đúng mà người ta gán cho truyện ngắn” của tác giả Lê Thi. Chính bản lĩnh ấy, gợi người đọc suy ngẫm. Trước sự tấn công ác ý của “nhóm lợi ích” nào đó mượn danh cấp trên, tổ chức quy chụp người cầm bút diễn ra (dù không nhiều) trong đời sống văn hóa, văn nghệ rất cần những người có cái tâm, am hiểu thấu đáo giá trị thẩm mỹ văn chương và cả lòng dũng cảm để bảo vệ những tác giả, tác phẩm văn học chân chính như nhân vật chủ tịch hội văn nghệ của một tỉnh miền núi xa xôi kia. Đương nhiên tội ông Diêu thêm nặng nhưng làm ông sụp đổ hoàn toàn chính là sự xúc phạm của người vợ ham hố chức quyền với tiếng “quát”, tiếng gầm sư tử “…ông là kẻ xướng ca vô loài… già lõi đời mà còn dại, mắc mưu một thằng trẻ ranh, đăng giúp nó một bài viết phản động lên báo… đồ bám váy đàn bà…”. Ông nhập viện vì xúc động cực mạnh, nguyên cớ chính lại là từ “họa văn chương” giáng xuống.
     3. Như đã nói, nhà văn Trọng Bảo thành công trong việc phát triển cốt truyện, thắt gút điểm: họa văn chương gây ra bi kịch cho những số phận, người chọn đăng bài (ông Diêu) và người viết tác phẩm (tác giả Lê Thi). Là giáo viên tốt nghiệp Đại học Văn, dạy Văn và yêu mến văn chương mới trình làng truyện ngắn đầu tay đã gặp nạn, phạm tội “tày đình” dám viết bài “vu khống lãnh đạo tỉnh”(?). Hoang mang có nhưng tác giả - thầy giáo trẻ Lê Thi“ vẫn kiên quyết không nhận đã phạm khuyết điểm nghiêm trọng" mà người ta muốn gán cho anh. Thế là anh “mất dạy”, mất liên lạc với bạn gái. Con đường phía trước mù xám, “khả năng buộc thôi việc” đến rất gần. Đau nhất là đồng nghệp, học trò không dám tiếp xúc, ngay cả bảo vệ trường cũng gọi (dù sau lưng) anh là “quân phản động”! Mang “cái mũ” to đùng người khác chụp lên cho, nhà văn trẻ bước lang thang vô định giữa chiều thị trấn miền núi với tâm trạng chán chường, hụt hẫng. Mở gút cũng không ai khác cũng chính tác giả Trọng Bảo qua những trang văn trào lộng: “nhóm lợi ích” lợi dụng danh nghĩa “trên” để “gây án văn chương”, tháo gỡ “án” cũng phải từ “trên”. Có điều những người làm cuộc giải cứu “ngoạn mục” này lại từ bàn rượu quán cháo lòng tiết canh xập xệ, từ gã bán cháo, bán rượu có lý lịch đen đã hoàn lương. Biết được tác giả/ thầy giáo từng giúp con trai mình lêu lổng, ngổ ngáo thành con ngoan trò giỏi đang lận đận vì án văn chương thì gã ra tay trả ơn thông qua người em kết nghĩa đang làm tài xế cho sếp đầu tỉnh. Thẩm định giá trị một tác phẩm văn học đang vướng “sự cố” tất nhiên phải cần đến vai trò của ban Tuyên giáo nhiều cấp, có khi Hội đồng Lí Luận Trung ương phải vào cuộc… Đàng này lại là gã cháo lòng tiết canh và một anh lái xe! Ta thử nghe họ bình, họ luận xem sao: “…một truyện ngắn hay, nói lên được những khó khăn, trăn trở trên con đường đổi mới, phát triển của một vùng quê vốn dĩ thuần nông như tỉnh ta…”. Hóa ra chính những con người của đời thường này từng khắc giờ va đập với hiện thực cuộc sống mới đồng cảm, thấu hiểu tiếng lòng của người cầm bút. Rồi bước hai của cuộc giải cứu theo đó mà trơn tru. Dẫn thông tin vòng vèo từ thế giới rồi trở lại trong trong nước, tỉnh nhà anh Sang tài xế giúp sếp “nắm” thời sự đầu ngày, khéo léo đưa về nạn tai chữ nghĩa của thầy giáo Lê Thi. Cũng may vị đầu tỉnh này chịu tiếp thu. Sau khi đọc tác phẩm đã có ý kiến chỉ đạo kịp thời cho Hội văn nghệ “…Cánh đồng thao thức là một truyện ngắn hay, mạnh dạn, có cách nhìn mới, rất đáng được trân trọng, biểu dương. Ký tên…”. Số phận của tác giả và sản phẩm tinh thần làm ra xoay ngược vị thế 180 độ ngay tắp lự. Truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” được trao thưởng giải cao nhất kèm theo phong bì hai triệu đồng. Ban giám hiệu, giáo viên và học sinh trường nơi tác giả đứng lớp suýt bị đuổi việc giờ chào đón anh như người “anh hùng”!
      4. Kết truyện xem ra có hậu với nhà văn – thầy giáo Lê Thi nhưng với ông Chủ tịch hội văn nghệ lại đầy vị đắng. Sau mấy ngày hôn mê, ông Diêu rơi vào tình cảnh bi thảm, tâm thần điên loạn. Nửa đêm, về sáng chợt tỉnh là cất tiếng hát say sưa ca khúc của một thời lửa đạn xông pha do ông sáng tác. Bị cách li biệt lập, ông vẫn hát “mỗi ngày một tha thiết và hay hơn”. Lê Thi đến thăm, ông quát hỏi thúc giục, “Thanh niên là phải dũng cảm tiến lên, dù khó khăn gian khổ, hiểm nguy đến mấy cũng vẫn phải tiến lên…”. Ông Diêu tỉnh hay điên? Tôi cho là dụng ý của nhà văn Trọng Bảo. Và tôi nghĩ rằng, ông tỉnh sáo và tinh tường quá đi chứ! Văn phong lâu nay của Trọng Bảo được bạn đọc yêu thích qua tập truyện cười mới cho in, như nhận xét của một bạn văn hài hước, thâm thúy và sâu cay-Đỗ Xuân Thu(2) thì ở truyện ngắn này pha thêm chất bi lệ và chứa đựng nhiều gởi gắm. Trên con đường sáng tạo văn học nào chỉ có rải thảm hoa hồng mà cũng lắm chông gai. Người cầm bút không chỉ có niềm đam mê bằng tài năng, văn hóa học thuật gởi đến đời tác phẩm hay, mới còn phải có lòng tin vào chính mình, bản lĩnh đấu tranh bảo vệ mình và bảo vệ sự trong sáng, lành mạnh đời sống văn hóa, văn nghệ. Như một sự tương cầu. Âm vang của 6 kỳ hội thảo “Bàn tròn văn học”  (về truyện ngắn “Bóng anh hùng” của Doãn Dũng – Phú Yên) trên trang Web Hội. NVTP.HCM do nhà thơ Phan Hoàng(3) chủ xướng vẫn còn nóng ấm nhiệt tình của gần 40 nhà thơ, nhà văn, nhà lí luận văn học tên tuổi, lớp trước, lớp trẻ trãi rộng nhiều tỉnh, vùng sôi nổi tham gia. Anh chốt lại vụ quy chụp văn chương ở quê mình không “yên” cũng chẳng “ổn” chút nào, với mong ước chân thành đó là câu chuyện buồn cuối cùng!
       “Họa văn chương”, viết về loại đề tài không mới - án văn chương, văn tự - nhưng vẫn tạo hiệu ứng khá tốt với người đọc. Bởi lẽ khoảng trắng lạnh tình người, không một ai ở  “trên” nào  đến thăm hỏi vị Chủ tịch hội đã từng bị kẻ xấu lợi dụng quy chụp, dồn ép đến nước cùng. Người đã có “con mắt xanh” dũng cảm cùng bước chân của Lê Thi “…bước đi mà lòng nặng trĩu” cả những giọt cô đơn từ khóe mắt “…có giọt lệ tràn ra lăn xuống gò má” lẫn hòa trong tiếng hát mê sảng, nhiệt tình “Cuộc đời chúng ta/ Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà… Đối mặt quân thù/ Chiến đấu không lui…” của ông làm xốn xang lòng người khi tác giả trải tình ở những trang dòng cuối.
      “Họa văn chương”, một truyện ngắn đáng đọc của nhà nhà văn Trọng Bảo trào lộng chứa nhiều ngẫm ngợi về cuộc giải cứu văn chương “ngoạn mục”, chiến thắng trong khúc dư ba bi lệ.
                                                                                  TP.HCM, 12/6/2013
                                 NGUYỄN NGUYÊN PHƯỢNG
-----------------
1. Truyện ngắn “Họa văn chương” của Trọng Bảo, Văn Nghệ TP.HCM số 257, ngày 6/6/2013.
2. Tập truyện cười “Có tật giật mình” của Trọng Bảo - Nxb QĐND, 2012; bài viết  “Trọng Bảo – Hài hước, thâm thúy và sâu cay” - Đỗ Xuân Thu, ngày 10/4/2013.
3. “Ứng phó với quy chụp tư tưởng văn học”, 6 kỳ trên trang Web Hội Nhà văn TPHCM.

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Truyện ngắn ĐƯA CON ĐI THI

        ĐƯA CON ĐI THI

           Truyện ngắn của Trọng Bảo

        

          1- Hai bố con ông Hoàn dậy từ bốn giờ sáng. Ăn uống xong xuôi, ông Hoàn dùng xe máy chở thằng con đi thi. Trường đại học giao thông mà thằng Hoan con ông thi chỉ cách nhà có hơn chục cây số. Nhưng để đề phòng tắc đường, hai bố con ông cứ xuất phát ra khỏi nhà từ lúc năm giờ sáng. Đến địa điểm thi còn hơn một tiếng nữa mới đến giờ vào phòng thi. Hai bố con ông Hoàn đứng chờ ở bên vỉa hè.
          Cổng trường đại học người đông như kiến cỏ. Người ngồi tràn cả xuống mặt đường. Phố xá kẹt cứng những người là người. Tiếng còi xe gắt gỏng. Mỗi thí sinh đi thi đều có một phụ huynh đưa đón nên lượng người khắp nơi đổ về thành phố tăng gấp hai. Không khí mùa hè thêm ngột ngạt.
          Ông Hoàn dựng xe đứng chờ trên hè phố.Thằng Hoan vẻ bồn chồn, lo lắng. Nó học hành cũng tốt, nhiều năm liền là học sinh giỏi, nhưng chuyện thi vào đại học chả biết thế nào, trăm người chọn một, học tài thi phận. Ông bảo nó cứ cố gắng. Không trúng tuyển năm nay thì sang năm thi tiếp. Không thì đi học nghề làm công nhân. Nhưng nó lại muốn theo chân bố vào trường đại học giao thông, làm kỹ sư thiết kế để bắc những cây cầu qua dòng sông mênh mông...
          Ông Hoàn định động viên thằng con vài câu cho nó yên tâm. Nhưng ông chợt há miệng ra ngạc nhiên. Có một người phụ nữ cùng một cô bé đang đi đến. Cô bé cầm trên tay sách vở và thước bút, máy tính. Chắc chắn họ là hai mẹ con và cũng đang đi thi như bố con ông. Ông Hoàn ú ớ:
          - Ơ... ơ...
          Người đàn bà cũng ú ớ:
          - Ơ... ơ... có phải...
          Ông Hoàn gật gật đầu:
          - Đúng... đúng... là tôi... tôi...
          Thằng Hoan giật giật tay áo bố hỏi:
          - Người quen hả bố?
          - Ừ...
          Cô bé đi cùng người đàn bà cũng hỏi:
          - Ai thế hả mẹ?
          - Bác ấy là người đã làm cây cầu bắc qua dòng sông Bạc ở ngay đầu bản nhà ông ngoại đấy!
          - Sao con chưa gặp bác ấy lần nào ạ?
          Người đàn bà hơi giật mình:
          - Thì... khi bác ấy lên quê mình bắc cầu thì con đã sinh ra đâu mà biết...
         Trả lời con xong người đàn bà vội nhìn lảng đi chỗ khác. Ánh mắt của chị vẻ lúng túng. Không để ý đến thái độ của mẹ, đứa con gái hỏi thằng con ông Hoàn:
         - Bạn cũng thi vào trường này à?
         - Ừ! Mình cũng muốn làm kỹ sư cầu đường như bố minh!
         - Thế thì hay quá! Mình cũng muốn làm những con đường băng qua sườn núi như bố mình...
         Có tiếng chuông báo giờ vào phòng thi. Đám thí sinh nhốn nháo xô nhau vào trường. Đứa con gái chào mẹ và bác rồi kéo tay thằng con trai. Hai đứa len lỏi trong đám đông vào cổng trường.
          Khi bọn trẻ đã vào trường hết rồi cánh phụ huynh mới ổn định chỗ để chờ các sĩ tử làm bài. Người thì ngồi đọc báo, người ngồi nhâm nhi chén chè nóng vỉa hè. Ông Hoàn ngập ngừng:
          - Hai mẹ con xuống Hà Nội từ hôm qua à?
          Người đàn bà đáp nhỏ:
          - Mẹ con em xuống từ hôm kia để còn tìm nhà ở trọ...
          - Con bé năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
          - Nó hơn... à không mới mười bảy tuổi...
          Ông Hoàn nhẩm tính:
          - Thế là nó sinh năm 1996. Vậy là đúng năm tôi rời khỏi Hà Giang thì Sinh đã...
          - Vâng...
          Ông Hoàn thấy hơi hụt hẫng, hoang mang. Vậy là Sinh đã cưới chồng ngay sau khi ông vừa rời khỏi cái công trường xây dựng cầu ở Hà Giang năm ấy. Cũng không thể trách được Sinh. Mà có trách là phải trách ông mới đúng. Ông đã không cố gắng nhiều trở lại Hà Giang tìm Sinh sau cái lần bị tai nạn ấy…
          Ông Hoàn định hỏi thêm chuyện của Sinh về những năm tháng đã qua thì cô bảo là về nhà trọ chuẩn bị cơm nước bữa trưa cho con gái. Nhà trọ chỉ các chỗ điểm thi của con gái chỉ vài trăm mét. Còn lại một mình, ông Hoàn lôi tờ báo Pháp luật từ trong cốp xe ra. Nhưng ông không thể đọc được chữ nào. Trong đầu ông kỷ niệm về những ngày xa ngái năm nào trên công trường xây dựng cây cầu bắc qua con sông Bạc trên miền rừng núi xa xôi cứ hiện về. 
          2- Năm ấy, công ty cầu số 2 của ông đảm nhiệm thi công cây cầu xi-măng nhỏ trên con đường tỉnh lộ bắc qua con sông Bạc, quê hương của cô Sinh. Ông có mặt từ những ngày đầu khởi công. Hai người quen rồi thân nhau qua những lần giao lưu văn nghệ giữa chi đoàn đội cầu và chi đoàn bản Vược. Ông hay đệm đàn ghi ta cho Sinh hát.
          Công trình xây dựng ròng dã cả năm trời mới chỉ xong vài mố cầu do vốn rót nhỏ giọt. Có những ngày thiếu vật liệu công nhân nằm chơi dài. Những ngày ấy ông Hoàn thường lang thang vào rừng tìm phong lan. Ông rất mê lan rừng. Phòng ông ở cuối dãy nhà cấp bốn, trước cửa và bên đầu nhà treo lủng lẳng những giò lan rừng hoa nở rất đẹp, hương thơm ngan ngát.
          Một hôm đang lang thang trong rừng thì ông gặp Sinh. Cô vào rừng tìm lá cây về cho mẹ nhuộm gạo nếp thổi xôi cúng con ma lúa. Gặp ông đang xách một khúc gỗ có một nhánh lan rừng Sinh bảo:
          - Em biết có một khóm lan thuỷ tiên đang nở hoa rất đẹp!
          - Ở đâu?
          - Anh thích thì em sẽ dẫn đi lấy..
          Ông Hoàn liền theo Sinh. Họ đi sâu vào trong rừng già. Lấy được cụm lan rừng quay về thì trời đổ mưa tầm tã. Dòng suối nhỏ lúc trước họ lội qua nước chỉ ngang bắp chân giờ lũ dâng lên cuồn cuộn. Hai người phải đi người lên phía thượng nguồn tìm chỗ có thể lội qua. Mưa vẫn như trút nước. Cả hai ướt sũng, quần áo dính sát vào người. Họ phải tạm chui vào một hốc đá để tránh mưa và chờ nước lũ rút xuống. Trong cái hang đá nhỏ ấy đã xảy ra một chuyện mà sau đó cả hai đều thấy ngỡ ngàng vì nó bất ngờ quá nhưng không ai cảm thấy hối hận dù họ không yêu nhau. Tuổi trẻ là thế. Sự khao khát không phải là tội lỗi… Vậy mà chuyện cũng đã hơn mười năm qua rồi. Sau hôm đi tìm phong lan rừng ấy thì ông Hoàn bị tai nạn. Ông bị thương nặng khi mảnh gỗ giàn giáo bất ngờ bị gẫy. Ông được đưa ra bệnh viện Bắc Quang cấp cứu rồi chuyển về Hà Nội chữa trị. Ông không thể trở lại đội cầu số 2 được nữa. Cuối năm ấy ông lấy vợ, năm sau cu Hoan ra đời. Và hôm nay sau gần mười bảy năm ông đưa con đi thi đại học…  
          3- Gần hết giờ thi môn toán cô Sinh mới quay ra. Ông Hoàn nhìn Sinh. Mười bảy năm rồi Sinh vẫn còn rất đẹp.
          Một lát sau, thằng Hoan và cô con gái của Sinh cũng ra chỗ bố mẹ chờ. Hình như cả hai đứa đều làm được bài nên chúng có vẻ vui lắm. Cô Sinh bảo đã nấu cơm rồi hai bố con về nhà trọ cùng ăn cơm. Ông Hoàn chần chừ. Theo kế hoạch thì hai bố con sẽ tìm một quán cơm bụi ăn xong sẽ ra công viên ngồi chờ môn thi buổi chiều. Nhưng rồi không thể từ chối hai bố con ông giong xe máy theo Sinh và con gái về nhà trọ.
          Bữa cơm thật ngon. Có cả món măng đắng Hà Giang mẹ con Sinh đem về. Suốt bữa, Sinh rất ít nói, chỉ lặng lẽ, lo gắp thức ăn cho hai đứa trẻ. Nhìn thằng Hoan và cái Chinh-con gái Sinh ngồi gần nhau ông Hoàn cứ giật mình thon thót. Sao hai đứa giống nhau đến thế?
          Hôm sau, Sinh lại nấu cơm mời bố con ông Hoàn về cùng ăn. Vẫn có món măng đắng. Thêm đĩa thịt gà đồi Ba Vì mà ông Hoàn đem theo. Sau bữa cơm họ chia tay. Hai mẹ con Sinh trả phòng trọ ra bến xe để ngược về quê. Ông Hoàn ngơ ngác.
          Hai mẹ con Sinh đi rồi ông mới thảng thốt bảo con:
          - Quên không mời hai mẹ con cô Sinh về nhà mình chơi!
          - Cô ấy không về nhà ta đâu!
          - Sao con lại nói thế?
          - Nhà cô ấy neo lắm, mẹ con cô ấy phải về ngay!
          - Thế à?
          - Bạn Chinh nói nhà chỉ có hai mẹ con. Nhưng bố bỏ nhà đi từ khi bạn ấy còn bé tý! Bạn ấy nói muốn theo nghề của bố để sau này có điều kiện đi tìm bố mình!
          - Bố bạn ấy là ngành nghề gì?
          - Thì… là ngành giao thông nên bạn ấy mới thi vào đại học giao thông mà bố!
          - Thế… con có xin số điện thoại của bạn ấy không?
          - Bạn ấy làm gì có điện thoại di động như học sinh Hà Nội hả bố. Nhưng bạn ấy cho con số điện thoại của mẹ rồi.
          Ông Hoàn cầm mảnh giấy ghi số điện thoại di động của thằng con đưa cho rồi bấm máy gọi thử. Một giọng phụ nữ dịu dàng đáp: “Số máy này hiện không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau”…
                                                                                               Hà Nội, 9-7-2013 

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Truyện ngắn in trong “Truyện ngắn hay 2013”

                      
 
            Truyện ngắn in trong “Truyện ngắn hay 2013”

           Đến Bưu điện trung tâm Hà Nội lĩnh được một triệu đồng tiền nhuận bút truyện ngắn Họa văn chương do báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh gửi ra, tôi liền phóng ngay sang phố sách Đinh Lễ. Tại đây có đủ các loại sách đông tây, kim cổ, trong ngoài nước của đủ các nhà xuất bản. Giá sách thì cực rẻ. Giá giảm ít nhất là 40%, nhiều khi đến 60, 70%. Sách in lậu hay chính thống không ai rõ. Tất cả đều có tem nhãn bảo hành cẩn thận. Sách bày bán la liệt trên vỉa hè và trong các nhà ống sâu hun hút. Khách quen, hay các tay “nghiện sách” còn biết có những quán sách rất hay trên tầng hai, tầng ba nữa.
           Chưa hết tháng 6 mà các nhà xuất bản đã đua nhau tung ra thị trường các tập văn chương tuyển chọn của năm 2013. Tôi cầm xem những tập truyện ngắn hay, truyện ngắn đặc sắc, truyện ngắn chọn lọc, truyện ngắn của các cây bút nữ, truyện ngắn của các tác giả nam… của nhiều nhà xuất bản với những bìa sách khá bắt mắt. Lướt qua mục lục mấy tập sách, tôi chợt thấy một truyện ngắn của mình in trong “Truyện ngắn hay 2013” của NXB Hồng Đức. Đó là truyện ngắn “Không thể làm người tốt”. Trong tập sách còn có những tác giả quen thuộc như Nguyễn Quang Lập, Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, Đoàn Lê, Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Tiến Thụy, Vũ Đảm, Hồ Tĩnh Tâm, Phạm Duy Nghĩa, Hà Phương... Và, cũng giống hệt như tuyển tập truyện ngắn hay 2012 cũng do nhà xuất bản này tuyển chọn,  không thể tìm thấy địa chỉ, số điện thoại, emai của nhà xuất bản ghi ở đâu. Nghĩ cũng buồn cười, trong thời đại internet này thì có giấu giếm để lờ đi khoản sách biếu và nhuận bút của các tác giả thì cũng chả được. Chỉ cần vào Google là tìm thấy ngay thôi. Cầm cuốn “Truyện ngắn hay 2013”, tôi chợt nhớ tới cuốn “Truyện ngắn hay dành cho các bạn trẻ-2005”, cuối cuốn sách có ghi một dòng: “Do các truyện chọn lọc trên báo chí, kính mong các tác giả thông cảm và vui lòng liên hệ với nhà xuất bản qua số điện thoại…, chúng tôi sẽ gửi sách biếu và nhuận bút”. Tôi hơi nghi ngờ vì nhà xuất bản này ở một tỉnh rất xa. Trong tuyển tập này tôi cũng có một truyện ngắn được chọn. Tôi liền nhấc máy gọi thử vào số máy họ ghi trên bìa sách. Người nghe là tiếng một cô gái. Cô hỏi địa chỉ của tôi và hẹn một tiếng sau sẽ đem sách và nhuận bút đến. Hoá ra nhà xuất bản này có đại diện ở Hà Nội. Nhận cuốn sách biếu và một trăm nghìn đồng nhuận bút, số tiền nhỏ thôi nhưng tôi thấy vui vì mình còn được coi trọng là một tác giả, còn có… bản quyền.
          Tuy vậy, tôi trích nhuận bút của báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh mua một cuốn “Truyện ngắn hay 2013” và xin giới thiệu lại truyện ngắn “Không thể làm người tốt” in trong tuyển tập này với bạn đọc.
                                                                                                    Hà Nội, 23/6/2013
                                                                                                   Trọng Bảo

             Mời đọc: Truyện ngắn KHÔNG THỂ LÀM NGƯỜI TỐT