Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Truyện ngắn ĐƯA CON ĐI THI

        ĐƯA CON ĐI THI

           Truyện ngắn của Trọng Bảo

        

          1- Hai bố con ông Hoàn dậy từ bốn giờ sáng. Ăn uống xong xuôi, ông Hoàn dùng xe máy chở thằng con đi thi. Trường đại học giao thông mà thằng Hoan con ông thi chỉ cách nhà có hơn chục cây số. Nhưng để đề phòng tắc đường, hai bố con ông cứ xuất phát ra khỏi nhà từ lúc năm giờ sáng. Đến địa điểm thi còn hơn một tiếng nữa mới đến giờ vào phòng thi. Hai bố con ông Hoàn đứng chờ ở bên vỉa hè.
          Cổng trường đại học người đông như kiến cỏ. Người ngồi tràn cả xuống mặt đường. Phố xá kẹt cứng những người là người. Tiếng còi xe gắt gỏng. Mỗi thí sinh đi thi đều có một phụ huynh đưa đón nên lượng người khắp nơi đổ về thành phố tăng gấp hai. Không khí mùa hè thêm ngột ngạt.
          Ông Hoàn dựng xe đứng chờ trên hè phố.Thằng Hoan vẻ bồn chồn, lo lắng. Nó học hành cũng tốt, nhiều năm liền là học sinh giỏi, nhưng chuyện thi vào đại học chả biết thế nào, trăm người chọn một, học tài thi phận. Ông bảo nó cứ cố gắng. Không trúng tuyển năm nay thì sang năm thi tiếp. Không thì đi học nghề làm công nhân. Nhưng nó lại muốn theo chân bố vào trường đại học giao thông, làm kỹ sư thiết kế để bắc những cây cầu qua dòng sông mênh mông...
          Ông Hoàn định động viên thằng con vài câu cho nó yên tâm. Nhưng ông chợt há miệng ra ngạc nhiên. Có một người phụ nữ cùng một cô bé đang đi đến. Cô bé cầm trên tay sách vở và thước bút, máy tính. Chắc chắn họ là hai mẹ con và cũng đang đi thi như bố con ông. Ông Hoàn ú ớ:
          - Ơ... ơ...
          Người đàn bà cũng ú ớ:
          - Ơ... ơ... có phải...
          Ông Hoàn gật gật đầu:
          - Đúng... đúng... là tôi... tôi...
          Thằng Hoan giật giật tay áo bố hỏi:
          - Người quen hả bố?
          - Ừ...
          Cô bé đi cùng người đàn bà cũng hỏi:
          - Ai thế hả mẹ?
          - Bác ấy là người đã làm cây cầu bắc qua dòng sông Bạc ở ngay đầu bản nhà ông ngoại đấy!
          - Sao con chưa gặp bác ấy lần nào ạ?
          Người đàn bà hơi giật mình:
          - Thì... khi bác ấy lên quê mình bắc cầu thì con đã sinh ra đâu mà biết...
         Trả lời con xong người đàn bà vội nhìn lảng đi chỗ khác. Ánh mắt của chị vẻ lúng túng. Không để ý đến thái độ của mẹ, đứa con gái hỏi thằng con ông Hoàn:
         - Bạn cũng thi vào trường này à?
         - Ừ! Mình cũng muốn làm kỹ sư cầu đường như bố minh!
         - Thế thì hay quá! Mình cũng muốn làm những con đường băng qua sườn núi như bố mình...
         Có tiếng chuông báo giờ vào phòng thi. Đám thí sinh nhốn nháo xô nhau vào trường. Đứa con gái chào mẹ và bác rồi kéo tay thằng con trai. Hai đứa len lỏi trong đám đông vào cổng trường.
          Khi bọn trẻ đã vào trường hết rồi cánh phụ huynh mới ổn định chỗ để chờ các sĩ tử làm bài. Người thì ngồi đọc báo, người ngồi nhâm nhi chén chè nóng vỉa hè. Ông Hoàn ngập ngừng:
          - Hai mẹ con xuống Hà Nội từ hôm qua à?
          Người đàn bà đáp nhỏ:
          - Mẹ con em xuống từ hôm kia để còn tìm nhà ở trọ...
          - Con bé năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
          - Nó hơn... à không mới mười bảy tuổi...
          Ông Hoàn nhẩm tính:
          - Thế là nó sinh năm 1996. Vậy là đúng năm tôi rời khỏi Hà Giang thì Sinh đã...
          - Vâng...
          Ông Hoàn thấy hơi hụt hẫng, hoang mang. Vậy là Sinh đã cưới chồng ngay sau khi ông vừa rời khỏi cái công trường xây dựng cầu ở Hà Giang năm ấy. Cũng không thể trách được Sinh. Mà có trách là phải trách ông mới đúng. Ông đã không cố gắng nhiều trở lại Hà Giang tìm Sinh sau cái lần bị tai nạn ấy…
          Ông Hoàn định hỏi thêm chuyện của Sinh về những năm tháng đã qua thì cô bảo là về nhà trọ chuẩn bị cơm nước bữa trưa cho con gái. Nhà trọ chỉ các chỗ điểm thi của con gái chỉ vài trăm mét. Còn lại một mình, ông Hoàn lôi tờ báo Pháp luật từ trong cốp xe ra. Nhưng ông không thể đọc được chữ nào. Trong đầu ông kỷ niệm về những ngày xa ngái năm nào trên công trường xây dựng cây cầu bắc qua con sông Bạc trên miền rừng núi xa xôi cứ hiện về. 
          2- Năm ấy, công ty cầu số 2 của ông đảm nhiệm thi công cây cầu xi-măng nhỏ trên con đường tỉnh lộ bắc qua con sông Bạc, quê hương của cô Sinh. Ông có mặt từ những ngày đầu khởi công. Hai người quen rồi thân nhau qua những lần giao lưu văn nghệ giữa chi đoàn đội cầu và chi đoàn bản Vược. Ông hay đệm đàn ghi ta cho Sinh hát.
          Công trình xây dựng ròng dã cả năm trời mới chỉ xong vài mố cầu do vốn rót nhỏ giọt. Có những ngày thiếu vật liệu công nhân nằm chơi dài. Những ngày ấy ông Hoàn thường lang thang vào rừng tìm phong lan. Ông rất mê lan rừng. Phòng ông ở cuối dãy nhà cấp bốn, trước cửa và bên đầu nhà treo lủng lẳng những giò lan rừng hoa nở rất đẹp, hương thơm ngan ngát.
          Một hôm đang lang thang trong rừng thì ông gặp Sinh. Cô vào rừng tìm lá cây về cho mẹ nhuộm gạo nếp thổi xôi cúng con ma lúa. Gặp ông đang xách một khúc gỗ có một nhánh lan rừng Sinh bảo:
          - Em biết có một khóm lan thuỷ tiên đang nở hoa rất đẹp!
          - Ở đâu?
          - Anh thích thì em sẽ dẫn đi lấy..
          Ông Hoàn liền theo Sinh. Họ đi sâu vào trong rừng già. Lấy được cụm lan rừng quay về thì trời đổ mưa tầm tã. Dòng suối nhỏ lúc trước họ lội qua nước chỉ ngang bắp chân giờ lũ dâng lên cuồn cuộn. Hai người phải đi người lên phía thượng nguồn tìm chỗ có thể lội qua. Mưa vẫn như trút nước. Cả hai ướt sũng, quần áo dính sát vào người. Họ phải tạm chui vào một hốc đá để tránh mưa và chờ nước lũ rút xuống. Trong cái hang đá nhỏ ấy đã xảy ra một chuyện mà sau đó cả hai đều thấy ngỡ ngàng vì nó bất ngờ quá nhưng không ai cảm thấy hối hận dù họ không yêu nhau. Tuổi trẻ là thế. Sự khao khát không phải là tội lỗi… Vậy mà chuyện cũng đã hơn mười năm qua rồi. Sau hôm đi tìm phong lan rừng ấy thì ông Hoàn bị tai nạn. Ông bị thương nặng khi mảnh gỗ giàn giáo bất ngờ bị gẫy. Ông được đưa ra bệnh viện Bắc Quang cấp cứu rồi chuyển về Hà Nội chữa trị. Ông không thể trở lại đội cầu số 2 được nữa. Cuối năm ấy ông lấy vợ, năm sau cu Hoan ra đời. Và hôm nay sau gần mười bảy năm ông đưa con đi thi đại học…  
          3- Gần hết giờ thi môn toán cô Sinh mới quay ra. Ông Hoàn nhìn Sinh. Mười bảy năm rồi Sinh vẫn còn rất đẹp.
          Một lát sau, thằng Hoan và cô con gái của Sinh cũng ra chỗ bố mẹ chờ. Hình như cả hai đứa đều làm được bài nên chúng có vẻ vui lắm. Cô Sinh bảo đã nấu cơm rồi hai bố con về nhà trọ cùng ăn cơm. Ông Hoàn chần chừ. Theo kế hoạch thì hai bố con sẽ tìm một quán cơm bụi ăn xong sẽ ra công viên ngồi chờ môn thi buổi chiều. Nhưng rồi không thể từ chối hai bố con ông giong xe máy theo Sinh và con gái về nhà trọ.
          Bữa cơm thật ngon. Có cả món măng đắng Hà Giang mẹ con Sinh đem về. Suốt bữa, Sinh rất ít nói, chỉ lặng lẽ, lo gắp thức ăn cho hai đứa trẻ. Nhìn thằng Hoan và cái Chinh-con gái Sinh ngồi gần nhau ông Hoàn cứ giật mình thon thót. Sao hai đứa giống nhau đến thế?
          Hôm sau, Sinh lại nấu cơm mời bố con ông Hoàn về cùng ăn. Vẫn có món măng đắng. Thêm đĩa thịt gà đồi Ba Vì mà ông Hoàn đem theo. Sau bữa cơm họ chia tay. Hai mẹ con Sinh trả phòng trọ ra bến xe để ngược về quê. Ông Hoàn ngơ ngác.
          Hai mẹ con Sinh đi rồi ông mới thảng thốt bảo con:
          - Quên không mời hai mẹ con cô Sinh về nhà mình chơi!
          - Cô ấy không về nhà ta đâu!
          - Sao con lại nói thế?
          - Nhà cô ấy neo lắm, mẹ con cô ấy phải về ngay!
          - Thế à?
          - Bạn Chinh nói nhà chỉ có hai mẹ con. Nhưng bố bỏ nhà đi từ khi bạn ấy còn bé tý! Bạn ấy nói muốn theo nghề của bố để sau này có điều kiện đi tìm bố mình!
          - Bố bạn ấy là ngành nghề gì?
          - Thì… là ngành giao thông nên bạn ấy mới thi vào đại học giao thông mà bố!
          - Thế… con có xin số điện thoại của bạn ấy không?
          - Bạn ấy làm gì có điện thoại di động như học sinh Hà Nội hả bố. Nhưng bạn ấy cho con số điện thoại của mẹ rồi.
          Ông Hoàn cầm mảnh giấy ghi số điện thoại di động của thằng con đưa cho rồi bấm máy gọi thử. Một giọng phụ nữ dịu dàng đáp: “Số máy này hiện không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau”…
                                                                                               Hà Nội, 9-7-2013 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét