Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Truyện ngắn NGƯỜI BẠN ĐƯỜNG


Người bạn đường
Truyện ngắn của Trọng Bảo

         Chiều thứ bảy, Lập ra bến xe đi chuyến cuối cùng về huyện. Từ chỗ xuống xe, anh còn phải cuốc bộ gần 5 cây số nữa mới tới nhà. Trời mùa đông chóng tối. Mới có hơn 5 giờ chiều mà con đường rải đá dọc sườn núi Tam Đảo đã lẫn trong sương. Đơn vị đóng quân gần nhà nhưng sau mấy tháng huấn luyện, Lập mới được thủ trưởng cho về tranh thủ ngày chủ nhật.
        Giữa lúc Lập đang sải chân bước vội thì chợt nghe tiếng gọi của một cô gái:
        - Anh bộ đội ơi! Anh bộ đội...
        Lập ngoảnh mặt về tiếng người gọi và nhận ra một cô gái ăn mặc khá diện đang đứng ở bên đường, cạnh chiếc xe máy. Lập bước lại gần hỏi:                 
        - Bạn gọi tôi?
        - Vâng ạ! - Cô gái lúng túng với hai bàn tay lấm lem dầu mỡ, giọng nói đầy vẻ lo lắng:
        - Xe của em bị hỏng, đường về nhà còn xa... Anh có biết sửa xe giúp em với... 
       Bây giờ thì đến lượt Lập lúng túng vì xe máy anh còn chưa đi thạo chứ đừng nói đến sửa chữa. Hồi ở nhà, bố mẹ làm ruộng, có được chiếc xe đạp để đi học là may lắm rồi. Vào bộ đội, tuy là lính ở đơn vị xe tăng đấy nhưng mới nhập ngũ, vừa huấn luyện xong chương trình bộ binh, Lập đã biết gì đến xe pháo đâu. 
        Thấy Lập lúng túng, cô gái càng lo, giọng cô như sắp khóc:
        - Xe máy em cũng đi mượn lại hỏng giữa đường thế này... Lúc nãy có mấy người thấy em hỏng xe cứ xán lại xin chữa giúp, nhìn cách ăn mặc của họ, em sợ quá, không dám nhờ...
      
- Tôi cũng không biết sửa chữa xe máy. Trên phố huyện mới có nơi sửa nhưng phải gần 4 cây số nữa, hay là bạn đưa xe lên đó chữa...
        Thấy cô gái có vẻ lo lắng nhìn con đường rải đá lổm ngổm đang chìm dần vào bóng tối. Lập bảo:
        - Bạn đừng sợ! Tôi sẽ đi cùng bạn quay lại phố huyện.
        Thấy không còn cách nào khác, cô gái đành nghe theo. Vừa định dắt xe đi, cô lại hỏi:
        - Thế anh về đâu ạ?
        - À! Nhà tôi cách đây một đoạn ngắn thôi, tôi được về tranh thủ ngày nghỉ... À! Hay là thế này, nếu không ngại thì bạn cứ về nhà tôi nghỉ, ngày mai chủ nhật hãy quay lên phố huyện sửa xe. Bây giờ có sửa được xe, trời tối rồi, con gái cũng không nên đi xe máy trên đường vắng. Mà bạn còn về tận đâu?
        - Em về Hà Nội...
        Thế rồi, cô gái đành phải đồng ý về nhà Lập. Lập giúp cô dắt chiếc xe máy hỏng. Lúc này anh mới dám nhìn kỹ cô gái. Quả là một người con gái rất đẹp. Đôi mắt to sáng vẻ thông minh, đôi môi mọng đỏ và cách ăn mặc hợp mốt của cô. Lập thầm đoán có lẽ cô là một sinh viên. Quả đúng vậy, trên đường về nhà mình, Lập đã biết tên cô gái là Thúy, sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm.
        Về đến nhà thì trời đã tối. Cô em gái Lập chạy ra mở rổng. Rồi chưa rõ nếp tẻ thế nào, con bé chạy vụt vào nhà gọi toáng lên:
        - Mẹ ơi! Anh Lập về phép, đưa cả người yêu về nữa! Xinh đẹp hết ý mẹ nhé!
        Nghe cô em gái nói vậy cả Lập và Thúy đều ngượng ngập, lúng túng. Dưới ánh điện, mặt Thúy đỏ bừng trông cô càng đẹp hơn. Bà mẹ từ trong bếp bước ra. Thúy ấp úng cùng chào. Bà gật đầu. Còn cô em gái chưa chi đã rối rít túm lấy tay Thúy kéo ra giếng rửa mặt vẻ như đã thân tình từ lâu. Lập vội giải thích:
        - Mẹ ạ! Đây là Thúy, người Hà Nội, là sinh viên, bạn ấy lên vùng ta có việc, bị hỏng xe nên...
        Bà gật đầu bảo:
        - Mẹ hiểu rồi! Thôi các con cứ đi rửa mặt rồi ăn cơm kẻo đói.
        Trong bữa cơm tối, Thúy kể rằng ngày trước bố cô là bộ đội đóng quân ở vùng này, quen cụ lang Thảo ở Sơn Dương có bài thuốc chữa khớp hay lắm, hôm nay cô lên lấy thuốc cho bố, dọc đường về bị hỏng xe.
        Nghe vậy, bà hỏi:
        - Thế bố cháu đóng quân ở đây hồi nào?     
        - Bố cháu bảo... - Thúy cố nhớ lại: - Hồi ấy là chiến tranh phá hoại của Mỹ, khoảng những năm 71, 72, bố cháu là bộ đội cao xạ. Lúc ấy cháu còn chưa đẻ bác ạ!
        Bà cười chỉ tay vào Lập bảo:
        - Nếu hồi ấy thì cu Lập này cũng còn chưa đẻ... Mà bố cháu tên là gì nhỉ?
        - Dạ! Bố cháu tên là Hải ạ!
        - Hải à! - Bà nhíu mày suy nghĩ rồi bảo: - Có phải bố cháu người cao to, chỗ đuôi lông mày bên phải có một vết sẹo phải không?
        - Đúng rồi ạ! Thúy reo lên: - Thế ra bác cũng biết bố cháu ạ!
        Bà chậm rãi kể:
        - Hồi đại đội cao xạ đóng quân ở đây xây dựng trận địa để bảo vệ cầu Việt Trì có hai người tên là Hải, một chú trẻ hơn thì đã hy sinh trong trận đánh B52, còn bố cháu khi ấy là đại đội trưởng cũng bị thương...
        Nói đến đây, bà đứng dậy đi vào trong buồng, có tiếng mở khóa tủ lách cách. Một lúc sau bà đi ra, tay cầm một cái gói ni-lông nhỏ. Bà mở gói đưa cho Thúy xem một tấm ảnh đen trắng nhỏ đã ố vàng. Trong ảnh là một chiến sĩ đeo quân hàm binh nhất, khuôn mặt tròn bầu bĩnh như con gái. Bà nói:
        - Đây là chú Hải "con". Chú ấy đã hy sinh rồi. Khi về đây đóng quân, chú ấy suốt này hát hò hát vui vẻ, chạy khắp xóm, nhà nào có việc gì chú ấy cũng giúp, chú ấy lợp nhà cho ông Đông, gánh lúa giúp bà Nghĩa, nửa đêm cõng cụ Ngát bị cảm nặng đi viện Ai cũng quý, cũng thương vì chú ấy nhỏ nhất đơn vị nhưng chăm làm, chịu khó, khi chú ấy hy sinh ai cũng khóc. Lúc tắm rửa, khâm liệm cho chú ấy, thấy trong túi áo của chú có đến bốn, năm tấm ảnh nhỏ như thế này, chắc là mới chụp xong chưa kịp gửi về nhà và cho bạn bè, bác đã xin được giữ một tấm, các anh ấy đồng ý.
        Bà rút ra một tấm ảnh to hơn đưa cho Thúy:
        - Còn đây là tấm ảnh chụp chung giữa trung đội dân quân và đơn vị cao xạ. Cháu thử nhìn xem có thấy bố không?
        Thúy đưa hai tay đón tấm ảnh chăm chú xem rồi reo lên:
        - Đúng là bố cháu đây rồi! - Thúy chỉ vào một người đeo xà cột đứng giữa ảnh và hỏi bà: - Có phải bác đeo súng đứng bên trái bố cháu phải không ạ ?
        Bà gật đầu và kể tiếp:
        - Đây là tấm ảnh anh phóng viên nhà báo chụp giữa hôm trung đội dân quân lên giúp đơn vị xây dựng trận địa... Hồi ấy, bác cũng ở trong trung đội dân quân, ngày nào cũng giúp đơn vị thổi cơm, gánh nước lên trận địa trực chiến, tối đến thì giúp anh em giặt giũ, khâu vá hoặc lấy lá nguỵ trang, đào công sự. Bố cháu nói: "Chị mới sinh cháu - chả là hồi ấy bác mới đẻ anh Lâm, anh trai cu Lập - nên thỉnh thoảng chị hãy lên trận địa và làm việc nhẹ thôi. Ban ngày chị đừng có lên nguy hiểm lắm!". Mặc cho bố cháu nói như vậy, bác và trung đội dân quân vẫn thường xuyên có mặt trên trận địa cao xạ cùng đào công sự, xây dựng hầm hố, vận chuyển đạn dược, sẵn sàng chiến đấu. Một buổi tối, bác và mấy cô vừa đem lá nguỵ trang lên thì bố cháu chạy đến bảo: "Chị và các cô để lá ngụy trang lại rồi về ngay, không nên ở lại nguy hiểm lắm, trên thông báo đêm nay khả năng địch sẽ đưa B52 ra đánh phá miền Bắc đấy!". "Mặc xác nó anh ạ!" - Các cô dân quân đáp rồi chạy ra chiến hào, tiếng cười nói, hò hát vui vẻ khắp trận địa. Giữa lúc đó thì báo động, có tiếng người hô to: "Có máy bay địch, các khẩu đội sẵn sàng chiến đấu!".
        Máy bay địch ập đến. Chúng đánh phá ác liệt lắm. Bom đạn đổ xuống cầu Việt Trì và khu vực xung quanh. Đơn vị của bố cháu chiến đấu dũng cảm, đánh trả máy bay địch có chiếc bị bốc cháy sáng rực cả bầu trời, tiếng reo hò của bộ đội, dân quân và nhân dân vang lên. Nhưng rồi B52 đến, trận địa bị đánh phá, các làng mạc xung quanh nhà cháy, cây cối, những bụi tre bật gốc. Nhân dân đã sơ tán triệt để nên ít thiệt hại về người. Đơn vị cao xạ của bố cháu, có khẩu đội bị bom địch vùi lấp, hỏng cả pháo. Chú Hải "con" bị thương rất nặng cần phải được tiếp máu, bác và nhiều anh chị em trong trung đội dân quân xin được cho máu. Sau khi thử máu, chỉ có bác cùng nhóm máu với chú Hải "con". Giữa lúc đó thì bố cháu đến, đầu quấn băng kín do một mảnh bom chém sượt đuôi lông mày bên phải. Bố cháu gạt bác ra bảo: "Chị đang nuôi cháu nhỏ không cho máu được. Tôi cùng nhóm máu với cậu Hải, để tôi cho máu". Bác không chịu vì bố cháu cũng đang bị thương. Bác sĩ đành lấy của mỗi người một ít. Nhưng rồi cũng không cứu được chú Hải "con"...
        Bà kể đến đây thì lặng đi. Thúy lên tiếng:
        - Thế mà bố cháu chả kể lại chuyện này bao giờ cả. Bố cháu chỉ bảo trước  đóng quân ở vùng này, có cụ lang bốc thuốc hay lắm. Gần đây, sau khi về hưu, bố cháu hay bị đau các khớp nên cháu mấy lần lên trên này lấy thuốc cho bố.
        Bà bảo:
          - Bố cháu là bộ đội, đóng quân ở nhiều nơi, đánh bao nhiêu trận, kể làm sao xiết được.
        Lập nhìn mẹ. Quả đúng như lời Thúy nói, ngay như chuyện của mẹ, bây giờ Lập cũng mới được nghe. Khi lớp anh sinh ra, quê hương không còn bom đạn. Những hố bom cũng  dần biến mất, nhường chỗ cho đồng lúa, nhà cửa mọc lên. Lập vẫn biết có một thời đất nước chiến tranh, bom rơi, đạn nổ và bao nhiêu người đã ngã xuống... Song, bây giờ nghe mẹ kể, Lập mới hiểu về những ác liệt của chiến tranh và về những con người đã đổ máu hy sinh để bảo vệ Tổ quốc ngày ấy. Họ vẫn đang ở xung quanh ta, bình thường, giản dị như mẹ thế thôi.
        Lập cứ suy nghĩ miên man như vậy nên mãi không ngủ được. Trong buồng, tiếng cô em gái và Thúy cũng cứ rúc rích mãi.
        Sáng hôm sau, khi đang chuẩn bị dắt xe giúp Thúy lên thị trấn sửa chữa thì có anh Tuấn sang mượn trâu đi bừa - anh vốn là một chiến sĩ lái xe về phục viên. Anh Tuấn xem giúp chiếc xe máy của Thuý. Anh hì hục một lúc thì tiếng máy xe vang lên ròn tan. Thúy mừng quá cám ơn và chào mọi người để về Hà Nội. Cô em gái Lập chợt nảy ra "sáng kiến" bảo:
        - Hay là, anh Lập đi sớm một chút cùng chị Thúy. Tiện đường, sẵn xe máy, chị ấy đưa anh về đơn vị, lát nữa em khỏi phải đèo lên thị trấn đón ô tô khách.
        Bà mẹ và anh Tuấn đều nói: "Phải đấy!". Còn Thúy thì nhìn Lập có vẻ chờ. Lập cũng muốn đi cùng với Thuý nhưng hơi ngượng là vì đi xe máy chưa thạo, phải để Thúy đèo thì ngại quá.
        Nhưng rồi, Lập cũng cùng đi với Thúy. Dọc đường Thúy bảo về đến nhà sẽ kể lại chuyện với bố và nhất định sẽ đưa bố lên thăm lại vùng quê này...
                                                                                                      
                                                                             Mùa đông 1993
                     

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Truyện ngắn MƯA RỪNG

        LTG: Tình cở tôi gặp lại một anh bạn cùng đơn vị cũ thời phá đá, đào đất làm đường gian khổ, đói khát ở giữa núi rừng Hà Giang hoang vu. Anh và tôi ôn lại những kỷ niệm về những ngày ấy. Tôi xin đăng truyện ngắn này để gửi tặng anh. (Trọng Bảo)

        

           Mưa rừng 
           Truyện ngắn của Trọng Bảo     
     
         Chiếc xe quay ngoặt vào lối rẽ mà không giảm ga. Mấy người ngồi trên xe xô dúi dụi vào nhau. Ông Tân va cộp một cái vào thành xe, choàng tỉnh. Chị Dung, cán bộ tài chính làu bàu: "Đi với đứng ẩu quá!”. Cậu Huy, kỹ sư thì bô bô, boa loa: “Đúng là chuyến xe bão táp!”. Lái xe Thiện vừa đạp phanh cho chiếc xe từ từ dừng lại trước uỷ ban nhân dân huyện vừa bỗ bã: 
        - Làm một cua gấp để các vị tỉnh ngủ. Lái xe đường dài ngại nhất là không có người nói chuyện, lỡ mà cũng buồn ngủ theo thì có mà vèo xuống vực. 
        - Thế là tới nơi rồi…
        Anh kỹ sư vừa mở cửa nhảy xuống vừa kêu lên. Ông Tân ngó quanh quất. Cái thị trấn miền núi này thay đổi nhiều quá. Cũng đường đôi, một chiều rải nhựa hẳn hoi. Nhà cửa cũng bốn năm tầng choáng lộn. Ông Tân chợt nhớ những năm còn đóng quân ở đây, hầu như tháng nào cũng có mặt ở thị trấn này chờ nhận gạo. Con đường ngày xưa đất đá lổm ngổm, lăn lóc phân ngựa. Ông không quên những đêm dựng lều bạt trên bến sông đợi sà lan chở lương thực từ Việt Trì lên. Thị trấn ngày ấy chưa có điện, ánh đèn dầu tù mù. Đêm đến yên tĩnh, dãy phố nhỏ cũ kỹ chìm lút giữa rừng xanh. Chỉ nghe tiếng sông Lô se sẽ rì rào như tiếng thở dài trăn trở chảy về xuôi.    
        - Bác Tân ơi! - Tiếng cậu kỹ sư lại réo lên: - Có người của phòng nông nghiệp huyện ra đón đấy!    
        Ông Tân giật mình trở lại với thực tiễn. Mọi người theo cô gái ra đón vào phòng nông nghiệp. “Cả phòng đi vắng” - Cô bé ra đón nói vậy. Ông Tân uể oải ngồi xuống ghế. Cô gái vừa xăng xái đi pha nước vừa nói thêm:   
        - Anh trưởng phòng dặn cháu thưa với bác và các anh chị cứ nghỉ ngơi, lát nữa về sẽ trao đổi thêm.     
        - Ờ... ờ… - Ông Tân lơ đễnh hỏi lại: - Đang giờ làm việc đi đâu cả thế?  
        - Dạ! Tất cả đi dự mít tinh bên hội trường uỷ ban rồi tham gia mua công trái giáo dục ạ! Mời bác và các anh chị xơi nước.    
         Ông Tân vừa đỡ chén nước, vừa hỏi: 
         - Cháu là cán bộ của phòng nông nghiệp à?  
         - Ấy chết! - Cô gái giờ mới sực nhớ: - Cháu quên chưa giới thiệu với bác và các anh chị, cháu tên là Huyền, cán bộ của phòng nông nghiệp huyện, cháu vừa tốt nghiệp trung cấp nông lâm. Cháu được phân công giúp đỡ đoàn trong thời gian công tác ở trên này.   
         - Thế hả! - Ông Tân giới thiệu mình xong, chỉ từng người nói: - Đây là cậu Huy, kỹ sư, kia là cô Dung, cán bộ tài chính và cậu Thiện, lái xe của đoàn. Đoàn chúng tôi có bốn người, giờ thêm cháu nữa là năm. Năm anh em trên một chiếc xe tăng, mạnh phải biết.    
          Cô gái e thẹn:   
          - Cháu… cháu chỉ là người giúp việc, phục vụ thôi…  
         - Phục vụ là thế nào? Là thành viên chính thức của đoàn đấy!   
         Anh kỹ sư chêm vào:   
         - Đã là thành viên chính thức thì lúc làm việc không được “bênh” và thiên vị địa phương đâu nhé!     
         - Mà cũng không được giấu giếm chúng tôi điều gì đâu nhé! 
         Chị cán bộ tài chính nói thêm. Giữa lúc mọi người đang ồn ào trò chuyện thì ông chủ tịch huyện, ông phó chủ tịch phụ trách nông lâm và anh trưởng phòng nông nghiệp bước vào. Mọi người hồ hởi, tay bắt mặt mừng, giới thiệu, trao đổi sơ bộ về công việc. Ông chủ tịch huyện nói:   
        - Chúng tôi rất vui mừng và cảm ơn đoàn công tác của bộ lên tận nơi giám sát, giúp đỡ chúng tôi thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế cho các xã nghèo miền núi…
        - Ơn huệ gì, là nhiệm vụ cả thôi… - Ông Tân ngắt lời ông chủ tịch huyện: - Chúng tôi phải cảm ơn đồng bào miền núi, bà con đã bao năm chịu đựng gian khổ, đi trước về sau ấy chứ! Bây giờ kinh tế khá lên, đầu tư được một chút cho miền núi cũng đã thấm tháp gì đâu.   
         Giọng ông Tân bỗng trở nên bùi ngùi:    
         - Chính tôi cũng đã sống ở vùng rừng núi này những năm sau giải phóng miền Nam. Bà con vùng sâu, vùng xa còn nghèo lắm…      
*   
         Đó là những năm tháng khó khăn của đất nước. Sau năm bảy lăm, đơn vị Tân rời đồng bằng lên vùng rừng núi này làm nhiệm vụ mở đường. Ngày ấy các phương tiện cơ giới còn ít ỏi. Lính mở đường chủ yếu bằng sức người với phương tiện cuốc xẻng, xà beng là chính. Tuyến đường mới mở chạy bên bờ con sông Bạc - một nhánh nhỏ của sông Lô. Trong những ngày gian khổ đó, Tân đã làm quen được với Len - một cô gái Tày ở bản Cốc Vường, gần nơi đơn vị đóng quân. Len là một cô gái đẹp. Cô là người duy nhất ở bản học hết cấp 3. Cô mơ thi đỗ vào trường trung cấp nông nghiệp. Giữa hai người có lẽ vẫn chỉ là tình bạn. Len hay cùng chi đoàn đến đơn vị Tân trong những buổi giao lưu văn nghệ hay sinh hoạt chung. Họ càng thân với nhau hơn khi cung đường của đơn vị Tân thi công qua bản của Len.   
          Một bữa, Tân được thủ trưởng đơn vị giao cho nhiệm vụ ra trạm quân bưu đặt tại thị trấn Bắc Quang để nhận thư báo. Đường xa, Tân đi từ sớm, vượt qua sông Bạc, nước nông, lội chỉ đến đầu gối. Đến thị trấn, nhận thư báo xong, Tân rẽ qua chợ. Phiên chợ vùng cao rực rỡ sắc màu, réo rắt tiếng khèn bè, rậm rịch tiếng vó ngựa. Tân bất ngờ gặp Len giữa chợ. Cô ra thị trấn cắt thuốc cho mẹ. Len kéo Tân đi “xem” chợ. Quá trưa, trời bắt đầu đổi gió, tiếng sấm đầu mùa lục bục phía chân trời. Hai người vội vã trở về bản.    
          Mưa rừng. Cơn mưa như vỡ oà từ bầu trời căng mọng nước. Đầu tiên là những hạt mưa ném xuống ràn rạt trên tán lá cây. Sau đó là nước trút ào ào trên sườn núi. Tiếng sông suối chảy ầm ầm. Con sông Bạc buổi sáng còn trong veo nhìn thấy cả cá lượn lờ trong khe đá giờ đây đục ngầu, sủi bọt. Nước lũ dâng lên nhanh quá. Chiếc cầu bằng mấy mảnh bìa gỗ bắc giữa hai hòn đá chỗ khúc sông hẹp bị cuốn phăng. Những thân cây bị bứng cả rễ lao vun vút giữa dòng nước xiết.  
          Tân và Len chạy ào vào một cái chòi coi ngô trên sườn núi. Quần áo hai người ướt rượi. Nhưng may, thư báo bọc trong mảnh ni lông mỏng vẫn còn khô nguyên. Len gỡ cái túi đang đeo bên sườn ra. Nước chảy tong tong xuống sạp nứa. áo quần Len dính sát vào người làm nổi lên những đường nét căng tròn của người thiếu nữ. Len e thẹn. Cô kín đáo tìm cách kéo lớp vải tách ra khỏi thân mình. Nhưng bộ quần áo ướt không chiều theo ý người.    
         Trời bắt đầu sậm dần. Sắp tối. Cơn mưa rừng hình như chưa thể ngớt. Tiếng mưa râm ran cả một vùng rừng núi đại ngàn. Tân bảo:    
         - Có lẽ chúng mình không vượt được qua suối đâu. Phải đốt lửa lên hong khô quần áo thôi.     
         Len khẽ gật đầu. Tân gom bẹ ngô khô và mấy gộc củi đốt dở trong lều lại chụm bếp. ánh lửa bùng lên khi trời đã sụp tối. Hai người ngồi bên đống lửa. Len lúng búng bảo Tân quay mặt đi để cô cởi áo vắt bớt nước. Không khí trong lều ấm lên. Hơi nước từ quần áo toả ra tưởng hai người như sắp sửa bốc cháy. Tân đùa:    
         - Cơn mưa bất ngờ lại hoá hay!     
         - Sao lại hay! Đêm nay mà không về đến bản thì bố em mắng chết!    
         - Thế sao lại dám đi chợ một mình?    
         Len cười không nói. Cơn mưa rừng vẫn râm ran mang điệu nhạc ngàn đời của rừng núi. Tiếng mưa rơi triền miên không dứt. Câu chuyện của hai người rời rạc vô đề không liền mạch. Nhưng mỗi lúc họ ngồi xích lại gần nhau hơn. Hơi ấm của lửa hay hơi ấm của cơ thể con người thật khó phân biệt. Đêm về khuya. Tiếng mưa với vũ điệu tưng bừng của nước râm ran giữa rừng già. Trời và đất như hoà vào với nhau trong cơn mưa rừng dữ dội. Len và Tân cùng nhặt những mảnh bẹ ngô đẩy vào bếp nuôi ngọn lửa. Những sự đụng chạm tưởng như vô tình nhưng đều hữu ý. Rồi như một lẽ thường tình mà tạo hoá đã ban tặng cho con người, họ hoà vào nhau, thâm nhập vào nhau trong sự kỳ diệu của thịt da mà cả hai lần đầu tiên mới biết, mới cảm nhận được. Mưa rừng vẫn rả rích. Nước vẫn réo sôi ồn ào tràn trề, sung mãn… 
          Hồi lâu, Len áp khuôn ngực trần ấm nóng vào vai Tân khe khẽ hát:     
           “Sông Bạc ơi,  
            Nước chảy về xuôi    
            Về nơi phương trời.   
            Lòng sông có như lòng người.   
            Dù gập ghềnh bao lũ thác.   
            Song, chẳng bao giờ đổi khác 
            Nước ơi, chảy mãi đá mòn.   
            Nước đi rồi lại về non    
            Người đi có còn trở lại…  
            Sông Bạc ơi,   
            Nước chảy về xuôi,    
            Về nơi phương trời…”. 
*
          Sau cái đêm mưa rừng ấy, đơn vị ông Tân lật cánh sang hướng Cao Bằng. Chiến tranh biên giới nổ ra. Ông Tân bị thương nặng được chuyển về xuôi điều trị. Mấy lần ông viết thư cho Len nhưng không có hồi âm. Có lẽ địa chỉ không rõ ràng. Kỷ niệm về một đêm mưa rừng trong ông dần dần nguôi quên. Rồi ông chuyển ngành, lấy vợ. Vợ ông đi xuất khẩu lao động ở Đức. Ông vất vả nuôi con một mình, chờ vợ. Khi đứa con đang học lớp 5 thì vợ ông về đón nó đi. Cả hai mất hút luôn. Theo những người quen từ  Đức về thăm quê cho biết thì ra vợ ông đã có gia đình riêng ở bên ấy.    
         Ông Tân trở thành kẻ không gia đình. Nhiều lúc ông chẳng buồn về căn hộ trống vắng. Bữa tối, ông làm một gói mỳ tôm rồi ngủ ngay tại cơ quan. Chuyến đi công tác lên miền núi trở về nơi năm xưa từng đóng quân khiến ông chợt nhớ lại kỷ niệm của một đêm mưa rừng…   
         - Bác ơi! Cháu mời bác xuống nhà ăn dùng bữa chiều ạ!    
         Ông Tân bừng tỉnh. Huyền nhanh nhẹn đỡ cái túi đựng hành lý của ông Tân. Ông hỏi:     
          - Hôm nào thì đi Khâu Vai?    
          - Thưa bác! Tối nay mời đoàn nghỉ ở nhà khách uỷ ban. Nếu lũ rút, ngày kia cháu sẽ đưa đoàn đi kiểm tra việc thi công đập nước Khâu Vai.    
          - Thế cũng được!    
         Ông Tân nói. Tự dưng ông thấy cô bé này có vẻ gần gũi. Huyền thì tất bật lo nơi ăn, chỗ nghỉ cho đoàn công tác của bộ. Tính tình cô vui vẻ, dễ mến, ai cũng quý.    
          Công trình thuỷ lợi Khâu Vai được đầu tư hơn chục tỷ đồng theo chương trình 135 sắp hoàn thành. Một con đập chặn ngang thung lũng, tạo nên một hồ chứa nước. Đây là một công trình thuỷ lợi, thuỷ điện nhỏ. Nước từ sông Bạc sẽ được dẫn về tích trong hồ đảm bảo tưới tiêu cho một vùng đồng ruộng mấy trăm héc-ta phía hạ lưu và chạy máy phát điện đủ thắp sáng cho hai xã vùng cao.     
         Ông Tân và đoàn công tác kiểm tra việc thi công đắp đập, đào mương dẫn và dọn dẹp, giải phóng lòng hồ chứa, chuẩn bị tích nước vào mùa mưa. Huyền hướng dẫn ông làm việc với từng bộ phận kỹ thuật và đi thị sát hiện trường. Cô bé rất thích khi được chụp ảnh chung với đoàn công tác ngay trên đập nước đang thi công.   
          Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Nhưng khi đoàn công tác chuẩn bị về Hà Nội thì có chuyện không may. Buổi đó, Huyền dẫn ông đi kiểm tra mương dẫn nước thì xảy ra tại nạn. Trận mưa đầu mùa đã gây ra sạt lở. Khi hai người đang đi dưới lòng mương, một hòn đá mồ côi lỏng chân bất ngờ rời khỏi vị trí trên ta-luy lăn xuống. Đi sau ông Tân, Huyền hét lên một tiếng rồi lao lên xô ông về phía trước. Huyền ngã sấp xuống lòng mương. Hòn đá rơi trúng chân trái của cô. Máu từ chân cô ứa ra ướt đẫm cả nền đất mới đào. Ông Tân cuống quýt bế xốc cô gái cố chạy xa chỗ ta-luy đang có nguy cơ đổ ụp xuống.    
         Cũng không hiểu bằng cách nào ông Tân đã lấy được dây rừng ga-rô vết thương và cõng Huyền về đến chỗ lán đám công nhân đang nghỉ trưa. Nghe tiếng ông kêu cứu, cánh công nhân chạy túa ra. Họ dìu ông vào lán và nhanh chóng đưa cô gái đi cấp cứu.    
         Huyền nằm điều trị ở bệnh viện đa khoa huyện. Cô bị gẫy xương chân phải bó bột. Cô bé xinh đẹp luôn có người đến thăm. Đám công nhân công trường chưa vợ được dịp bày tỏ sự quan tâm đối với người đẹp. Hàng ngày nếu không bận việc gì, ông Tân đều đến thăm Huyền. Một hôm, ông đến thì cô bé bảo:   
         - Bố mẹ cháu vừa đến thăm cháu đấy!    
         - Bố mẹ cháu đâu rồi?    
         - Bố cháu chở mẹ xuống bằng xe máy rồi phải về ngay vì còn các em ở nhà. Mẹ cháu còn ở lại với cháu vài hôm.    
         - Thế mẹ cháu đi đâu?
         - Mẹ nói ra chợ mua cho cháu miếng thịt quay. Cháu rất thích thịt lợn quay ăn với lá mắc mật!
         Cô gái nói và che miệng cười vẻ xấu hổ vì vô tình để lộ tính háu ăn của mình. Ông Tân ngồi nói chuyện với Huyền hồi lâu mà bà mẹ cô gái vẫn chưa về. Ông có ý nấn ná muốn chờ gặp người nhà của Huyền để nói vài câu cảm ơn. Hôm đó nếu không có cô thì tảng đá ấy đã rơi trúng đầu ông rồi cũng nên. Hôm sau vừa thấy ông đến, Huyền đã dớn dác:
         - Mẹ cháu nói muốn gặp bác đấy! 
         Huyền ngó quanh:
         - Ơ! Mẹ vừa quanh quẩn đâu đây cơ mà… Mẹ! Mẹ… ơi… 
         Huyền gọi và định tụt khỏi giường. Ông Tân vội đỡ cô ngồi dựa vào tường:   
         - Chân chưa tháo bột, cháu không được cử động mạnh!    
         - Nhưng mẹ đâu rồi…    
         - Chắc mẹ cháu lại loanh quanh đâu đấy thôi.   
         - Không hiểu sao từ hôm qua đến giờ mẹ cháu lạ lắm bác ạ!  
         Huyền lại ríu rít kể chuyện mẹ, chuyện nhà. Ông Tân đã hứa sẽ theo Huyền về thăm nhà cô. Nhưng ấy là lúc Huyền chưa bị gãy chân. Bây giờ thì không được rồi bởi vì chỉ vài ngày nữa ông cùng đoàn công tác sẽ trở về Hà Nội.   
          Hôm sau nữa, ông Tân đến bệnh viện để chia tay với Huyền trước khi về xuôi, kết thúc chuyến công tác. Vừa thấy ông đến, Huyền nói ngay, giọng cô có vẻ tiếc:    
         - Mẹ cháu về rồi bác ạ! Bố cháu vừa xuống đón xong!   
         - Thế hả?   
         - Bác Tân này! Mẹ cháu có gửi cho bác một bức thư đấy!   
         Ông Tân ngạc nhiên. Huyền thò tay xuống dưới gối tìm lá thư đưa cho ông Tân. Lá thư được dán kín. Ông Tân ngồi xuống mép giường bóc thư. Càng đọc, mặt ông càng tái đi. Thư viết:   
         “Anh Tân!   
          Chắc là anh sẽ bất ngờ khi đọc thư này. Bởi vì người viết thư cho anh chính là con bé Len năm xưa ở bản Cốc Vường. Tháng trước, xem bức ảnh con gái mang về chụp với đoàn công tác ở đập nước Khâu Vai, tôi đã ngờ ngợ. Khi nhìn thấy anh ở bệnh viện thì tôi mới chắc là mình không nhầm. Tôi cũng định gặp anh nhưng sau lại thấy không nên. Sau cái đêm mưa rừng năm ấy, tôi cứ chờ anh mãi, chờ mãi. Nhưng con gái vùng cao làm sao có thể chờ người miền xuôi một cách vô vọng mãi được. Tôi đã gặp và xây dựng gia đình với anh Tụ. Anh ấy là người tốt, hết lòng thương yêu vợ con. Tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại nhưng thấy cần phải viết thư này cho anh. Bởi lẽ, tôi muốn để anh biết một điều đó là cái Huyền chính là con gái của anh. Chuyện này trước sau gì cũng phải nói với con. Tôi muốn tự anh sẽ nói với nó. Từ lâu nó cũng đã biết không phải là con đẻ của bố Tục, nhưng chắc là sẽ rất bất ngờ vì chuyện này…”.    
         Mặt ông Tân tái mét rồi trắng bệch đi. Huyền hốt hoảng:   
         - Bác… bác… bác bị làm sao thế?    
         Ông Tân lập cập, buông rơi lá thư. Huyền cố gượng cúi xuống nhặt lá thư lên xem. Đọc thư, mặt cô cũng tái đi, hai tay cầm lá thư run cầm cập. Nước mắt Huyền chảy giàn giụa trên má. Hồi lâu, cô mới thốt lên được một câu: “Bố…bố ơi! Sao mãi đến tận bây giờ…”.  
                                                           Hà Nội, 8/2003
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Truyện ngắn mi ni NGƯỜI KẾ CẬN

                           
Người kế cận
Truyện ngắn mi ni của Trọng Bảo

           Cục trưởng Ngô sắp đến tuổi về hưu. Ông muốn tìm một người kế cận mình. Đầu tiên ông nhắm anh trưởng phòng văn hóa thể thao. Anh này vốn là người trưởng thành từ một đoàn văn công, có tài tổ chức. Ấy là ông mới có ý định thế thôi nhưng toàn cơ quan đã đồn ầm lên là cục trưởng “rất sáng suốt”, khi chọn người kế cận. Gặp ông họ cười cười chào rồi xì xào sau lưng. Cục trưởng Ngô bực lắm. Ông cho gọi anh trưởng ban hành chính kiêm phục trách công tác bảo vệ cơ quan lên hỏi:
         - Cậu có biết họ đang xì xào bàn tán gì sau lưng tôi không?
         - Họ bàn tán về… công tác cán bộ đấy ạ!
         - Công tác cán bộ của cơ quan ta có vấn đề à?
         Anh trưởng ban hành chính ngần ngừ không dám nói. Cục trưởng phải giục mãi anh trưởng ban mới rụt rè hỏi lại:
         - Thủ trưởng có biết anh trưởng phòng văn hóa thể thao trước đây làm gì không ạ?
         - Sao lại không biết! Nó là nhạc sĩ trong đoàn văn công của tỉnh ta…
         - Anh ấy chỉ là nhạc công thôi ạ!
         - Nhạc công hay nhạc sĩ đều thế cả thôi!
         - Không hẳn thế ạ! Anh ấy là nhạc công, lại là người chuyên môn thổi… kèn trong dàn nhạc. Thỉnh thoảng về quê gặp có đám ma, anh ấy vẫn giúp đoàn nhạc hiếu thổi kèn… Nay thủ trưởng có ý định đề bạt nên anh em họ nói bóng, nói gió thủ trưởng lo xa, sau này khi đến lúc… “ò… í… e…” thì sẵn có người phục vụ chu đáo…
          - Láo… láo quá! - Cục trưởng Ngô đỏ mặt tía tai đập bàn, tức giận quát rồi bảo anh trưởng ban hành chính: - Cậu lập tức đi điều tra ngay xem ai tung ra tin này để tôi trị cho nó một trận!
          - Vâng ạ!
          Anh trưởng ban hành chính kiêm phụ trách bảo vệ đáp quấy quá rồi lui ra. Cục trưởng Ngô vẫn chưa hết tức giận. Tuy thế, ông cũng thôi không có ý định đề bạt anh trưởng phòng văn hóa thể thao nữa. Ông quay sang nhắm chị trưởng phòng quản lý văn học. Chị này là nhà văn cấp tỉnh, có tài vận động thuyết phục quần chúng, Chị ta đã có mấy tác phẩm văn thơ được xuất bản. Cả cơ quan lại ầm ĩ lên. Tin đồn đến tai là ông đang chuẩn bị để viết di chúc và hồi ký. Ông lại chuyển sang dự kiến đề bạt anh trưởng phòng vật tư. Anh này rất có năng khiếu công tác quản lý, răng mọc quặp vào, đừng hòng ai tơ hào được của công. Nhưng anh ta vốn xuất thân gia đình chuyên làm nghề mộc, có cái cửa hàng bán quan tài to nhất thị trấn. Lập tức cơ quan xì xầm là sếp đang chuẩn bị sắm sửa… quan tài khiến cục trưởng Ngô lại càng cáu hơn.
           Vậy là công tác xây dựng và phát triển nguồn nhân sự kế cận của cục trưởng Ngô bị dư luận cơ quan thao túng, điều khiển. Nhiều cán bộ, nhân viên chân chính phê phán ông không có lập trường kiên định trong công tác tạo nguồn kế cận. Vì thế nguồn phát triển cán bộ trong cơ quan ông lúc thì mạch chảy dồi dào, lúc thì tắc tị mà ngày nhận sổ hưu của ông cứ mỗi lúc một gần. Trong tình hình đó thì có người nêu sáng kiến nghị là nên tổ chức một hội nghị bàn bạc dân chủ về công tác cán bộ. Ai có tài năng, tín nhiệm thì đề cử vào nguồn phát triển lâu dài. Cả cơ quan lại ồn lên chuyện tiêu chuẩn cán bộ phải “thực đức-thực tâm-thực tài”. Nghe rất là khoa học. Cục trưởng Ngô thấy đây đúng là một ý kiến hay, dân chủ. Một cuộc sinh hoạt về xây dựng nguồn cán bộ được mở ra. Mọi người đều được tham gia phát biểu ý kiến để tạo nên sự nhất trí cao về định hướng phát triển cán bộ của cơ quan.
           Sau cuộc họp ai ai cũng hồ hởi phấn khởi. Trong cơ quan không còn những bàn tán xì xầm lung tung về công tác cán bộ nữa. Mọi người đều tin tưởng ở lãnh đạo. Cục trưởng Ngô yên tâm đợi ngày hạ cánh, an toàn rời ghế về quê.
           Trước ngày cục trưởng Ngô nhận sổ hưu thì có một người được bổ nhiệm chức vụ thay ông. Mọi người đều ngã ngửa ra. Đó không phải là các “nguồn” dày công vun đắp có sẵn trong cơ quan mà lại là một người lạ hoắc từ nơi khác đến. Mọi người ồn ào bán tán, hỏi nhau về xuất thân của ông cục trưởng mới. Hóa ra anh này không có tý ti nghiệp vụ gì về ngành văn hóa thể thao du lịch, lại chả nằm trong một nguồn nào. Anh ta xuất thân chỉ là lái xe riêng của ông chủ tịch tỉnh đi học tại chức ngành cơ khí sau đó được bổ nhiệm việc trông coi công trình lắp máy phát sóng của đài phát thanh-truyền hình tỉnh. Tuy thế anh này có công một thời gian dài tận tình phục vụ chủ tịch tỉnh nên được đề bạt. Anh ta tài năng thì chả có, tính tình lại bần tiện, xu nịnh có tiếng ở tỉnh. Chủ tịch tỉnh đã có ý bảo cục trưởng Ngô cho anh ta vào nguồn kế cận đã từ lâu rồi.
           Cục trưởng Ngô bàn giao công việc xong sách cặp ra về. Mọi người trong cơ quan nhìn theo ông với vẻ trách cứ. Hiểu rõ ánh mắt của mọi người, ông vừa đi vừa lầm rầm trong miệng: “Cho chúng bay chết, cứ nói xấu ông mãi đi! Ông đã tạo “nguồn giả” đã bấy lâu nay rồi mà chúng mày không biết! He… he… he...”.
                                                                         Hà Nội, ngày 9/9/2011


Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Truyện cực ngắn LÊN CHỨC


Lên chức
Truyện cực ngắn của Trọng Bảo

          Chạy chọt mãi, lão Hỗ cũng được bổ nhiệm chức trưởng Ban Tài vật (tức là tài chính và vật tư). Tuy đó chỉ là một cái ban thuộc loại tẹp nhẹp nhất của Cục Đầu tư Văn hoá của Bộ B. nhưng lão Hỗ cũng vẫn thấy lâng lâng trong lòng. Vì đến bốn đời nhà lão cũng chưa có ai giữ chức vụ cao như lão. Ban Tài vật của lão chỉ có hai nhân viên. Một người là thủ kho, một người là thủ quỹ. Ông cục trưởng khi giao quyết định đã động viên lão và khẳng định:
          - Ông cứ yên tâm! Tương lai ban của ông sẽ phát triển lên thành một ban quy mô nhất cục. Vì nền văn hoá của tỉnh ta có phát triển được hay không dứt khoát phải có tiền đầu tư, phải có vật tư trang thiết bị. Ban của ông nắm cả hai nguồn đó nên cực kỳ quan trọng, hiểu không?
          - Vâng! Tôi hiểu rồi ạ!
          Lão Hỗ đáp và bắt tay ngay vào việc chấn chỉnh lề lối làm việc của ban. Lão tự tay kẻ một khẩu hiệu dán ở phòng làm việc của ban: "Ban Tài vật chấp hành đúng nguyên tắc tài chính-vật tư". Nhưng khi lão đòi xem và ký duyệt sổ chi tiêu thì cô thủ quỹ dứt khoát không chịu. Cô bảo:
          - Sổ sách tài chính chỉ có cục trưởng được xem. Cứ có chữ ký của sếp trưởng cục là tôi chi tiền, không cần trưởng ban ký làm gì nữa cho thêm rắc rối!
          Anh thủ kho thì nói:
          - Bác cũng không được kiểm tra hàng hoá và sổ sách xuất nhập. Không có lệnh của cục trưởng thì không ai được vào kiểm tra kho tàng và xem sổ sách!
          - Vậy tôi làm gì ở đây hả?   
  
        - Thì... bác cứ làm trưởng ban! Có ai cắt chức, hạ lương, rút tiền trách nhiệm chức vụ của bác đâu!
          Cô thủ quỹ và anh thủ kho đều đồng thanh nói. Lão Hỗ nổi cáu:
          - Trưởng... trưởng cái con khỉ! Chả có chút quyền hành nào thì làm đ... gì cái chức trưởng ban này hả?
  Nói xong, lão Hỗ đùng đùng bỏ đi tìm ông cục trưởng để hỏi cho rõ ngô khoai. Đi được một đoạn lão vẫn còn nghe thấy cô thủ quỹ và anh thủ kho cười ngặt nghẽo và nói với nhau: "Cái đồ đút lót để lên chức nên có một điều đơn giản là "thủ kho to hơn thủ trưởng" mà không chịu hiểu... hi... hi... hi...".
                                            Ngày 7/5/2010

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Truyện cực ngắn VẪN LÀ NGUYÊN KHÍ...

Vẫn là nguyên khí...
Truyện cực ngắn của Trọng Bảo

        Phòng làm việc của ông Cục trưởng Cục Phát triển tài năng thuộc Bộ X. có một tấm biển rất đẹp ghi trang trọng lời dạy của tiền nhân "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Mấy chữ này có từ đời ông cục trưởng tiền nhiệm. Nhìn dòng chữ, tân cục trưởng Ngô cứ suy nghĩ mãi về lời dạy của tiền nhân để áp dụng vào chiến lược cán bộ của cục mình. Một cục độ hơn một trăm người mà phần đa là tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư. Người bét nhất cũng là thạc sĩ. Nguyên khí của Cục Phát triển tài năng ngùn ngụt thế này phải biết cách điều chỉnh, gìn giữ cho được. Vì đó là nguồn vốn vô cùng quý giá của nước nhà.
          Trong khi các tiến sĩ, giáo sư thuộc Cục Phát triển tài năng vẫn cần cù, ra sức nghiên cứu về các loại chiến lược phát triển thì đùng một cái có liền mấy ông cán bộ cấp cục, cấp phòng về nhận nhiệm vụ tại cục. Họ là cấp trên của các cán bộ thuộc Cục Phát triển tài năng. Nhiều ý kiến thắc mắc ầm ĩ. Ông tiến sĩ phụ trách công trình nghiên cứu khoa học "Phát triển đội ngũ cán bộ đến năm 2101" vừa bảo vệ thành công đạt loại xuất sắc lên tiếng trước:
          - Ông Q. vốn là học trò tại chức chưa tốt nghiệp đại học đã làm luôn luận văn thạc sĩ, do tôi hướng dẫn, làm đi, làm lại mấy lần không xong, sao bây giờ về là cấp trên trực tiếp của tôi?
          Bà giáo sư chủ nhiệm đề tài "Đề bạt cán bộ lãnh đạo dựa trên cơ sở tài năng và trí tuệ" thì thắc mắc:
          - Anh U. chỉ là một cán bộ quản lý hành chính đơn thuần, chuyên điều hành xe cộ đám ma, đám cưới nay về làm lãnh đạo cấp cục một cơ quan nghiên cứu khoa học như cơ quan ta liệu có xứng đáng không?
          Vv và vv...
          Chờ các ý kiến nêu hết thắc mắc, cục trưởng Ngô mới từ tốn giải thích:
          - Cục ta là cơ quan khoa học cấp chiến lược. Công tác nghiên cứu khoa học rất cần những người thật giỏi về chuyên môn, thật chuyên tâm, chuyên nghiệp và chuyên sâu. Các đồng chí là những người rất tài giỏi, mãi vẫn là nguồn "nguyên khí của quốc gia", là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia. Cũng chính vì thế, phương châm công tác cán bộ của lãnh đạo cục là bất cứ giá nào cũng không được động đến "tài sản của quốc gia" cho nên mới đưa những người từ nơi khác về lãnh đạo, chỉ huy cục ta để các đồng chí chuyên tâm nghiên cứu, cống hiến được thật nhiều cho quốc gia. Bộ phận cán bộ mới về này hoàn toàn không phải là "nguyên khí" như các đồng chí...
          Mọi người xầm xì có vẻ chưa thông nhưng rồi cũng đành chịu vì đây là "phương châm công tác cán bộ" của cục cơ mà. Mọi người ra về, ông cục trưởng liền thò tay vào túi quần nắn nắn mấy cái phong bì đầy đặn vừa nhận. Đột nhiên ông xuất khẩu thành thơ:
                         "
Hiền tài nguyên khí quốc gia,
                 Tiền tài nguyên khí của...nhà ông đây!
 

                         He... he... he....".
                                                           Ngày 4/5/2010
           

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Nhớ ngày mười bảy tháng hai - thơ


             
   
          Nhớ ngày mười bảy tháng hai
 
            Nhớ ngày mười bảy tháng hai
          Lũ chúng tôi ở nơi biên giới
          Trận đánh đầu Xuân mịt mù cát bụi
          Máu xương rơi thấm đẫm đất này.
 
          Người lính trẻ súng ghì chặt trong tay
          Quanh anh xác quân thù tơi tả
          Phút hy sinh anh vẫn cười ha hả
          Quả lựu đạn cuối cùng chia với bọn xâm lăng.
 
          Cô thanh niên xung phong không chịu đầu hàng
          Gieo mình xuống từ trên vách núi
          Một vệt máu tươi thay lời trăn chối
          Chảy dài in trên đá rưng rưng…
 
          Chúng tôi đi trong đêm tối mịt mùng
          Bản làng cháy phía sau lưng nức nở
          Cuộc phá vây thêm bao người gục ngã
          Các anh về lòng đất mẹ Việt Nam…
 
          Vậy mà cũng đã ba mươi ba năm
          Ngày mười bảy tháng hai ai nhớ, ai quên?…
 
                                           HN, 17/2/2012 
                                                     TB
 

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Truyện cực ngắn MUA ĐƯỢC CẢ À!

MUA ĐƯỢC CẢ À?
Truyện cực ngắn của Trọng Bảo




          Ông Bường là một người thật thà. Ông có tài tổ chức làm kinh tế. Ông có công đưa nghề thủ công đan lát xuất khẩu về làng làm thay đổi cả một vùng quê nghèo khó. Tính ông xuề xoà, hay thương người. Ông hay giúp đỡ bà con láng giềng nên tín nhiệm rất cao. Mọi người tin tưởng muốn đề nghị ông đảm nhiệm chức trưởng thôn để dẫn dắt bà con làm ăn.
          Mọi việc cứ ngỡ là hiển nhiên. Ai cũng bảo: "Ông Bường làm trưởng thôn là rất xứng đáng!". "Xứng đáng quá đi chứ. Ông ấy là "cứu tinh" của làng ta đấy!". Chả ai không nghĩ thế. Ấy vậy mà đến lúc đưa tên ông vào danh sách bầu trưởng thôn thì lại rất khó khăn. Lãnh đạo xã chỉ đạo: "Ông này tính tình dễ dãi, thiếu kiên quyết, không thể làm trưởng thôn được!". Đồng chí phụ trách đoàn thể thì nhận xét: "Ông này thiếu tính thuyết phục quần chúng. Lẽ ra hô hào mọi người hăng hái thi đua tự mình vươn lên làm giàu thì lại đem tiền túi ra trợ giúp cho họ khiến họ ỉ nại. Như thế là không khuyến khích được tính sáng tạo, tự lực tự cường của quần chúng!". Bà chủ tịch hội nông dân lại cho rằng: "Ông này thiếu quan điểm "tam nông", tự dưng rước cái nghề đan lát mây tre về khiến cho nông dân mê mẩn ham làm giàu, không chịu chăm lo ruộng đồng...". vv và vv...
          Thế là ông Bường không qua được vòng "hiệp thương" để lọt vào danh sách bầu trưởng thôn. Hôm bỏ phiếu, có nhiều bà con vẫn cứ ghi tên ông vào phiếu bầu. Theo luật như vậy là phiếu không hợp lệ. Mà đã không hợp lệ thì phiếu phải loại bỏ ngay. Trong khi đó thằng Cuông - một tên chuyên cầm đồ, cho vay nặng lãi khi bà con bị hoạn nạn, thiên tai mất mùa thì lại trúng cử chức trưởng thôn. Nó tổ chức một bữa khao linh đình các ngành các cấp.
Trong bữa tiệc rượu, tự dưng có một thằng ngứa miệng lên mặt dạy bảo nó:
          - Ông cần cố gắng rèn luyện phấn đấu, tạo thêm uy tín nếu không thì khó làm việc lắm...
          - Uy tín cái con mẹ gì! - Thằng Cuông đang say nên nổi khùng: - Tao đếch cần uy tín... tao chỉ cần nhiều tiền... Tiền... tiền... tiền... có thật nhiều tiền thì cái chức trưởng thôn đã là gì... cả những cái chức ở trên... trên... trên... cao... cao hơn nữa tao cũng sẽ mua được tất... Đấy chỉ có mấy triệu mà tao đã thành trưởng thôn... thế thì chỉ cần mấy chục triệu tao sẽ là trưởng xã... mấy trăm triệu tao sẽ là trưởng huyện... mấy nghìn triệu tao sẽ là trưởng tỉnh... ha... ha... ha... uống... uống... uống... uống...
           Lãnh đạo các ban ngành nghe nó nói thế thì tái mặt. Một số lặng lẽ rút êm.
          Chuyện "mua được tất" của thằng Cuông ầm ĩ cả làng. Mấy người đem chuyện này kể lại cho ông Bường nghe. Ông bèn mắng:
          - Mua rau, mua thịt, mua cá chứ ai lại mua quan, mua chức bao giờ... đừng nghe thằng say nó nói bậy ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo!
          Mọi người cười ầm lên:
          - Ôi... bác thật thà quá bác ơi! Bây giờ cái gì mà chả mua được chứ?
          Ông Bường ngẩn người ra một lúc rồi hỏi lại:
          - Thế thì... cứ có tiền là mua được tất cả à?!
                                     Ngày 4/5/2010