Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Truyện ngắn NGƯỜI BẠN ĐƯỜNG


Người bạn đường
Truyện ngắn của Trọng Bảo

         Chiều thứ bảy, Lập ra bến xe đi chuyến cuối cùng về huyện. Từ chỗ xuống xe, anh còn phải cuốc bộ gần 5 cây số nữa mới tới nhà. Trời mùa đông chóng tối. Mới có hơn 5 giờ chiều mà con đường rải đá dọc sườn núi Tam Đảo đã lẫn trong sương. Đơn vị đóng quân gần nhà nhưng sau mấy tháng huấn luyện, Lập mới được thủ trưởng cho về tranh thủ ngày chủ nhật.
        Giữa lúc Lập đang sải chân bước vội thì chợt nghe tiếng gọi của một cô gái:
        - Anh bộ đội ơi! Anh bộ đội...
        Lập ngoảnh mặt về tiếng người gọi và nhận ra một cô gái ăn mặc khá diện đang đứng ở bên đường, cạnh chiếc xe máy. Lập bước lại gần hỏi:                 
        - Bạn gọi tôi?
        - Vâng ạ! - Cô gái lúng túng với hai bàn tay lấm lem dầu mỡ, giọng nói đầy vẻ lo lắng:
        - Xe của em bị hỏng, đường về nhà còn xa... Anh có biết sửa xe giúp em với... 
       Bây giờ thì đến lượt Lập lúng túng vì xe máy anh còn chưa đi thạo chứ đừng nói đến sửa chữa. Hồi ở nhà, bố mẹ làm ruộng, có được chiếc xe đạp để đi học là may lắm rồi. Vào bộ đội, tuy là lính ở đơn vị xe tăng đấy nhưng mới nhập ngũ, vừa huấn luyện xong chương trình bộ binh, Lập đã biết gì đến xe pháo đâu. 
        Thấy Lập lúng túng, cô gái càng lo, giọng cô như sắp khóc:
        - Xe máy em cũng đi mượn lại hỏng giữa đường thế này... Lúc nãy có mấy người thấy em hỏng xe cứ xán lại xin chữa giúp, nhìn cách ăn mặc của họ, em sợ quá, không dám nhờ...
      
- Tôi cũng không biết sửa chữa xe máy. Trên phố huyện mới có nơi sửa nhưng phải gần 4 cây số nữa, hay là bạn đưa xe lên đó chữa...
        Thấy cô gái có vẻ lo lắng nhìn con đường rải đá lổm ngổm đang chìm dần vào bóng tối. Lập bảo:
        - Bạn đừng sợ! Tôi sẽ đi cùng bạn quay lại phố huyện.
        Thấy không còn cách nào khác, cô gái đành nghe theo. Vừa định dắt xe đi, cô lại hỏi:
        - Thế anh về đâu ạ?
        - À! Nhà tôi cách đây một đoạn ngắn thôi, tôi được về tranh thủ ngày nghỉ... À! Hay là thế này, nếu không ngại thì bạn cứ về nhà tôi nghỉ, ngày mai chủ nhật hãy quay lên phố huyện sửa xe. Bây giờ có sửa được xe, trời tối rồi, con gái cũng không nên đi xe máy trên đường vắng. Mà bạn còn về tận đâu?
        - Em về Hà Nội...
        Thế rồi, cô gái đành phải đồng ý về nhà Lập. Lập giúp cô dắt chiếc xe máy hỏng. Lúc này anh mới dám nhìn kỹ cô gái. Quả là một người con gái rất đẹp. Đôi mắt to sáng vẻ thông minh, đôi môi mọng đỏ và cách ăn mặc hợp mốt của cô. Lập thầm đoán có lẽ cô là một sinh viên. Quả đúng vậy, trên đường về nhà mình, Lập đã biết tên cô gái là Thúy, sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm.
        Về đến nhà thì trời đã tối. Cô em gái Lập chạy ra mở rổng. Rồi chưa rõ nếp tẻ thế nào, con bé chạy vụt vào nhà gọi toáng lên:
        - Mẹ ơi! Anh Lập về phép, đưa cả người yêu về nữa! Xinh đẹp hết ý mẹ nhé!
        Nghe cô em gái nói vậy cả Lập và Thúy đều ngượng ngập, lúng túng. Dưới ánh điện, mặt Thúy đỏ bừng trông cô càng đẹp hơn. Bà mẹ từ trong bếp bước ra. Thúy ấp úng cùng chào. Bà gật đầu. Còn cô em gái chưa chi đã rối rít túm lấy tay Thúy kéo ra giếng rửa mặt vẻ như đã thân tình từ lâu. Lập vội giải thích:
        - Mẹ ạ! Đây là Thúy, người Hà Nội, là sinh viên, bạn ấy lên vùng ta có việc, bị hỏng xe nên...
        Bà gật đầu bảo:
        - Mẹ hiểu rồi! Thôi các con cứ đi rửa mặt rồi ăn cơm kẻo đói.
        Trong bữa cơm tối, Thúy kể rằng ngày trước bố cô là bộ đội đóng quân ở vùng này, quen cụ lang Thảo ở Sơn Dương có bài thuốc chữa khớp hay lắm, hôm nay cô lên lấy thuốc cho bố, dọc đường về bị hỏng xe.
        Nghe vậy, bà hỏi:
        - Thế bố cháu đóng quân ở đây hồi nào?     
        - Bố cháu bảo... - Thúy cố nhớ lại: - Hồi ấy là chiến tranh phá hoại của Mỹ, khoảng những năm 71, 72, bố cháu là bộ đội cao xạ. Lúc ấy cháu còn chưa đẻ bác ạ!
        Bà cười chỉ tay vào Lập bảo:
        - Nếu hồi ấy thì cu Lập này cũng còn chưa đẻ... Mà bố cháu tên là gì nhỉ?
        - Dạ! Bố cháu tên là Hải ạ!
        - Hải à! - Bà nhíu mày suy nghĩ rồi bảo: - Có phải bố cháu người cao to, chỗ đuôi lông mày bên phải có một vết sẹo phải không?
        - Đúng rồi ạ! Thúy reo lên: - Thế ra bác cũng biết bố cháu ạ!
        Bà chậm rãi kể:
        - Hồi đại đội cao xạ đóng quân ở đây xây dựng trận địa để bảo vệ cầu Việt Trì có hai người tên là Hải, một chú trẻ hơn thì đã hy sinh trong trận đánh B52, còn bố cháu khi ấy là đại đội trưởng cũng bị thương...
        Nói đến đây, bà đứng dậy đi vào trong buồng, có tiếng mở khóa tủ lách cách. Một lúc sau bà đi ra, tay cầm một cái gói ni-lông nhỏ. Bà mở gói đưa cho Thúy xem một tấm ảnh đen trắng nhỏ đã ố vàng. Trong ảnh là một chiến sĩ đeo quân hàm binh nhất, khuôn mặt tròn bầu bĩnh như con gái. Bà nói:
        - Đây là chú Hải "con". Chú ấy đã hy sinh rồi. Khi về đây đóng quân, chú ấy suốt này hát hò hát vui vẻ, chạy khắp xóm, nhà nào có việc gì chú ấy cũng giúp, chú ấy lợp nhà cho ông Đông, gánh lúa giúp bà Nghĩa, nửa đêm cõng cụ Ngát bị cảm nặng đi viện Ai cũng quý, cũng thương vì chú ấy nhỏ nhất đơn vị nhưng chăm làm, chịu khó, khi chú ấy hy sinh ai cũng khóc. Lúc tắm rửa, khâm liệm cho chú ấy, thấy trong túi áo của chú có đến bốn, năm tấm ảnh nhỏ như thế này, chắc là mới chụp xong chưa kịp gửi về nhà và cho bạn bè, bác đã xin được giữ một tấm, các anh ấy đồng ý.
        Bà rút ra một tấm ảnh to hơn đưa cho Thúy:
        - Còn đây là tấm ảnh chụp chung giữa trung đội dân quân và đơn vị cao xạ. Cháu thử nhìn xem có thấy bố không?
        Thúy đưa hai tay đón tấm ảnh chăm chú xem rồi reo lên:
        - Đúng là bố cháu đây rồi! - Thúy chỉ vào một người đeo xà cột đứng giữa ảnh và hỏi bà: - Có phải bác đeo súng đứng bên trái bố cháu phải không ạ ?
        Bà gật đầu và kể tiếp:
        - Đây là tấm ảnh anh phóng viên nhà báo chụp giữa hôm trung đội dân quân lên giúp đơn vị xây dựng trận địa... Hồi ấy, bác cũng ở trong trung đội dân quân, ngày nào cũng giúp đơn vị thổi cơm, gánh nước lên trận địa trực chiến, tối đến thì giúp anh em giặt giũ, khâu vá hoặc lấy lá nguỵ trang, đào công sự. Bố cháu nói: "Chị mới sinh cháu - chả là hồi ấy bác mới đẻ anh Lâm, anh trai cu Lập - nên thỉnh thoảng chị hãy lên trận địa và làm việc nhẹ thôi. Ban ngày chị đừng có lên nguy hiểm lắm!". Mặc cho bố cháu nói như vậy, bác và trung đội dân quân vẫn thường xuyên có mặt trên trận địa cao xạ cùng đào công sự, xây dựng hầm hố, vận chuyển đạn dược, sẵn sàng chiến đấu. Một buổi tối, bác và mấy cô vừa đem lá nguỵ trang lên thì bố cháu chạy đến bảo: "Chị và các cô để lá ngụy trang lại rồi về ngay, không nên ở lại nguy hiểm lắm, trên thông báo đêm nay khả năng địch sẽ đưa B52 ra đánh phá miền Bắc đấy!". "Mặc xác nó anh ạ!" - Các cô dân quân đáp rồi chạy ra chiến hào, tiếng cười nói, hò hát vui vẻ khắp trận địa. Giữa lúc đó thì báo động, có tiếng người hô to: "Có máy bay địch, các khẩu đội sẵn sàng chiến đấu!".
        Máy bay địch ập đến. Chúng đánh phá ác liệt lắm. Bom đạn đổ xuống cầu Việt Trì và khu vực xung quanh. Đơn vị của bố cháu chiến đấu dũng cảm, đánh trả máy bay địch có chiếc bị bốc cháy sáng rực cả bầu trời, tiếng reo hò của bộ đội, dân quân và nhân dân vang lên. Nhưng rồi B52 đến, trận địa bị đánh phá, các làng mạc xung quanh nhà cháy, cây cối, những bụi tre bật gốc. Nhân dân đã sơ tán triệt để nên ít thiệt hại về người. Đơn vị cao xạ của bố cháu, có khẩu đội bị bom địch vùi lấp, hỏng cả pháo. Chú Hải "con" bị thương rất nặng cần phải được tiếp máu, bác và nhiều anh chị em trong trung đội dân quân xin được cho máu. Sau khi thử máu, chỉ có bác cùng nhóm máu với chú Hải "con". Giữa lúc đó thì bố cháu đến, đầu quấn băng kín do một mảnh bom chém sượt đuôi lông mày bên phải. Bố cháu gạt bác ra bảo: "Chị đang nuôi cháu nhỏ không cho máu được. Tôi cùng nhóm máu với cậu Hải, để tôi cho máu". Bác không chịu vì bố cháu cũng đang bị thương. Bác sĩ đành lấy của mỗi người một ít. Nhưng rồi cũng không cứu được chú Hải "con"...
        Bà kể đến đây thì lặng đi. Thúy lên tiếng:
        - Thế mà bố cháu chả kể lại chuyện này bao giờ cả. Bố cháu chỉ bảo trước  đóng quân ở vùng này, có cụ lang bốc thuốc hay lắm. Gần đây, sau khi về hưu, bố cháu hay bị đau các khớp nên cháu mấy lần lên trên này lấy thuốc cho bố.
        Bà bảo:
          - Bố cháu là bộ đội, đóng quân ở nhiều nơi, đánh bao nhiêu trận, kể làm sao xiết được.
        Lập nhìn mẹ. Quả đúng như lời Thúy nói, ngay như chuyện của mẹ, bây giờ Lập cũng mới được nghe. Khi lớp anh sinh ra, quê hương không còn bom đạn. Những hố bom cũng  dần biến mất, nhường chỗ cho đồng lúa, nhà cửa mọc lên. Lập vẫn biết có một thời đất nước chiến tranh, bom rơi, đạn nổ và bao nhiêu người đã ngã xuống... Song, bây giờ nghe mẹ kể, Lập mới hiểu về những ác liệt của chiến tranh và về những con người đã đổ máu hy sinh để bảo vệ Tổ quốc ngày ấy. Họ vẫn đang ở xung quanh ta, bình thường, giản dị như mẹ thế thôi.
        Lập cứ suy nghĩ miên man như vậy nên mãi không ngủ được. Trong buồng, tiếng cô em gái và Thúy cũng cứ rúc rích mãi.
        Sáng hôm sau, khi đang chuẩn bị dắt xe giúp Thúy lên thị trấn sửa chữa thì có anh Tuấn sang mượn trâu đi bừa - anh vốn là một chiến sĩ lái xe về phục viên. Anh Tuấn xem giúp chiếc xe máy của Thuý. Anh hì hục một lúc thì tiếng máy xe vang lên ròn tan. Thúy mừng quá cám ơn và chào mọi người để về Hà Nội. Cô em gái Lập chợt nảy ra "sáng kiến" bảo:
        - Hay là, anh Lập đi sớm một chút cùng chị Thúy. Tiện đường, sẵn xe máy, chị ấy đưa anh về đơn vị, lát nữa em khỏi phải đèo lên thị trấn đón ô tô khách.
        Bà mẹ và anh Tuấn đều nói: "Phải đấy!". Còn Thúy thì nhìn Lập có vẻ chờ. Lập cũng muốn đi cùng với Thuý nhưng hơi ngượng là vì đi xe máy chưa thạo, phải để Thúy đèo thì ngại quá.
        Nhưng rồi, Lập cũng cùng đi với Thúy. Dọc đường Thúy bảo về đến nhà sẽ kể lại chuyện với bố và nhất định sẽ đưa bố lên thăm lại vùng quê này...
                                                                                                      
                                                                             Mùa đông 1993
                     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét