Thứ Ba, 21 tháng 6, 2022

NGÀY ẤY TÔI KHÔNG PHẢI NHÀ BÁO

    NGÀY ẤY TÔI KHÔNG PHẢI NHÀ BÁO

Tôi là người hay viết lách, ghi chép. Thời binh nhất, binh nhì chặt cây làm nhà ở Yên Bái, đào đất mở đường giữa rừng sâu măng đắng Hà Giang và đập đá núi xây công sự chiến đấu ở biên giới Cao Bằng. Dù hoàn cảnh nào tôi cũng không quên ghi chép lại. Đó không hoàn toàn là “nhật ký”. Tôi không chỉ ghi chuyện của riêng mình mà cả chuyện của đồng đội và những sự kiện xảy ra mình biết, mình chứng kiến. Những cuốn sổ ghi chép xếp đầy cóc ba lô. Khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc có nguy cơ nổ ra. Bọn bành trướng Trung Quốc lăm le “dạy cho Việt Nam một bài học” để rửa nỗi hận thua đau ở phía biên giới Tây Nam. “Sớm muộn rồi thì chiến tranh cũng sẽ nổ ra” - Tôi nghĩ. Những cuốn sổ bìa cứng dày cộp bạn bè tặng khi nhập ngũ tôi ghi chép đủ chuyện, lưu giữ các sáng tác truyện ngắn, thơ ca nếu chiến tranh xảy ra thì không thể đem theo trên đường hành quân chiến đấu được. Thế là tôi tìm mua được một tập giấy đen, tự đóng lấy một cuốn sổ nhỏ dùng để ghi tóm tắt những chuyện đáng nhớ nhất, còn chi tiết, cụ thể thì phải ghi vào trong đầu.
Đúng như tôi nghĩ. Khi chiến tranh xảy ra tôi phải giấu trong hang đá một cuốn sổ bìa cứng dày cộp ghi chép đủ chuyện, đủ các sáng tác trong một hốc đá trên Lũng Vài (Hà Quảng, Cao Bằng) trước cuộc phá vây rút qua huyện Thông Nông để về huyện Nguyên Bình. Theo mệnh lệnh của chỉ huy là “phải đốt hết" để đảm bảo bí mật. Nhưng tôi tiếc những ghi chép, sáng tác của mình. Tiếc nhất là trong cuốn sổ này có bức tranh vẽ khá tỉ mỉ nơi tôi đóng quân làm đường ở Hà Giang và bức ký họa cửa khẩu Bình Mãng. Sau chiến tranh tôi có ý định tìm lại nhưng không thực hiện được. Nội dung ghi chép, các sáng tác thì tôi nhớ lại được, nhưng những ký họa thì chịu không vẽ lại được. Cuốn sổ nhỏ tôi tự làm sau này ghi chép gần đủ một tháng của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979. Cuốn sổ ấy tôi bí mật giấu trong người khi vượt vòng vây quân thù. Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh cũng biết chuyện này. Sau chiến tranh, khi viết lại diễn biến cuộc chiến đấu và thành tích của Tiểu đoàn 3 để làm bản báo cáo đề nghị phong danh hiệu anh hùng cho đơn vị anh bảo tôi mang cuốn sổ này ra để so sánh lại các số liệu, diễn biến của những ngày khói lửa ấy. Ngày ấy, tôi không phải là nhà báo, chỉ là một người lính chiến nhưng cũng cứ ghi chép lại mọi việc đã diễn ra như vậy. Sau này trở thành một nhà báo nghiệp dư, rồi làm báo chuyên nghiệp tôi luôn nhớ cuốn sổ ghi chép ngày ấy.
Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 và cũng sắp đến kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Trung đoàn 246 (30/6/1948-30/6/2022) tôi viết lại chuyện này để nhớ mãi không quên…
Hà Nội, ngày 21-6-2022
TRỌNG BẢO
Ảnh: Một trang ghi chép của tôi về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979, trong đó có sơ đồ trận đánh ác liệt nhất với quân Trung Quốc xâm lược của Tiểu đoàn 3 tại thị trấn Sóc Giang, Hà Quảng, Cao Bằng ngày 20-2-1979.
Có thể là hình minh họa