Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019

Truyện ngắn vui CÂY… THAM NHŨNG

CÂY… THAM NHŨNG
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: thực vật, cây, ngoài trời và thiên nhiên

Mới sáng sớm tinh mơ đã nghe loa truyền thanh của làng vang lên tiếng nhạc hiệu rộn ràng. Tiếng nhạc chưa dứt tiếng trưởng thôn Trần Kính đã oang oang thông báo: “Buổi sáng hôm nay toàn thể nhân dân làng ta sẽ tổ chức trồng cây trên khu đồi trọc phía sau làng. Kính mời các gia đình cử đại diện mang theo dụng cụ lao động, đúng 7 giờ 30 phút, tập trung ở nhà văn hóa để đi trồng cây…”. Sau thông báo của trưởng thôn là tiếng lão Cốc đọc thơ:
“Mùa Xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân…
Bây giờ không chỉ mùa Xuân,
Mùa nào ta cũng rất cần trồng cây…”.
Hai câu đầu là thơ của Bác Hồ. Lão Cốc này đã sáng tác nối thêm hai câu sau để kêu gọi dân làng hăng hái tham gia đi trồng cây. Ông Tô vừa nghĩ vừa đi tìm cái cuốc chuẩn bị đi ra nhà văn hóa. Làng tổ chức trồng cây đột xuất vào đầu mùa thu vì có người tài trợ. Ông phó giám đốc mới của lâm trường Tam Đảo vốn là bạn thân của trưởng thôn Trần Kính. Ông này về làng chơi thăm bạn. Biết ở đây đang có phong trào trồng cây gây rừng nhằm phủ xanh các khu đồi núi trọc phía sau làng nên ông quyết định “tài trợ khẩn cấp” cho làng các loại giống cây lấy gỗ, cây ăn quả. Vài năm nay làng đã có quy chế rất cụ thể về trồng cây gây rừng. Việc trồng cây, chăm sóc cây vì thế luôn được mọi người quan tâm. Đầu năm, nhà nào cũng phải đem cây trồng trên đồi. Mỗi khẩu trồng một cây. Các em học sinh khi chuyển cấp, thi đỗ vào đại học, cao đẳng đều lên đồi trồng một cây lưu niệm, con em đi công tác xa về làng đều trồng cây để ghi danh. Vì thế khu đồi trọc sau làng dần dần biến thành khu rừng trồng xanh tốt.
Khi ông Tô ra đến nhà văn hóa đã thấy dân làng đông đủ. Lại có cả các cháu thiếu nhi trống giong, cờ mở rộn ràng cổ vũ. Ông phó giám đốc lâm trường Tam Đảo mang về một ô tô các loại giống cây ăn quả, cây lấy gỗ, lại còn cử cả một cô kỹ sư trẻ về để hướng dẫn dân làng trồng và chăm sóc cây nữa.
Đoàn người mang theo cờ quạt, dụng cụ lao động và cây giống lên đồi. Khí thế lao động trồng cây thật sôi nổi.
Sau khi hàng nghìn cây đã trồng xong dân làng kéo nhau xuống khu đồi cây trồng những năm trước đang khép tán ngồi nghỉ. Dưới bóng cây trồng râm mát mọi người vừa uống nước vừa nghe trưởng thôn Trần Kính nhận xét, biểu dương dân làng tích cực tham gia trồng cây. Sau khi trưởng thôn phát biểu xong thì đột nhiên thằng Bất đứng dậy xin có ý kiến. Được trưởng thôn cho phép thằng Bất phát biểu:
- Làng ta là làng văn hóa. Việc trồng cây ở làng ta cũng đã trở thành một nét văn hóa đẹp cho nên cần phải gìn giữ, phát huy…
Mọi người ồn ào:
- Chuyện ấy ai mà chả biết! Thôi ngồi xuống cho mọi người nghỉ ngơi một chút…
Thằng Bất không ngồi xuống mà nó nói tiếp, giọng có vẻ rất nghiêm túc:
- Vì thế tôi đề nghị… chặt ngay cây gỗ lim to nhất ở khu đồi này đi… đào cả gốc vứt đi…
Dân làng bỗng trở nên nhốn nháo khi nghe thằng Bất nói như vậy. Trưởng thôn Trần Kính cũng giật mình sững sờ. Đó là một chuyện không ai nghĩ đến. Mọi người đứng dậy đi theo trưởng thôn Trần Kính và thằng Bất lên đỉnh đồi, đến chỗ cây lim xanh đang bắt đầu vươn cành tạo bóng mát. Lúc này ai cũng hiểu tại sao thằng Bất nói nên chặt bỏ cây lim xanh rất đẹp ấy. Đó là cây do ông Phạm Nhân trồng khi còn đương chức trong một dịp về làng. Một chiếc xe vận tải rất to chở cây lim xanh lớn về làng dùng cần cẩu đưa lên đồi để trồng. Dưới gốc cây còn có một tấm biển khắc bằng đá hoa cương ghi rõ dòng chữ: “Cây lưu niệm do ông Phạm Nhân, Ủy viên…, Thủ trưởng cơ quan… trồng ngày 15-2-2012”. Thằng Bất chỉ vào cái cái biển dưới gốc cây nói:
- Ông này phạm tội tham nhũng rất nặng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho đất nước, làm tổn hại thê thảm cho truyền thống tốt đẹp của làng ta. Bây giờ ông ấy đi tù chung thân. Cái cây này chính là “cây… tham nhũng” cũng phải nhổ vứt bỏ đi để cho đồi cây, rừng cây của làng ta luôn luôn xanh tươi và sạch sẽ…
- Đúng… đúng… phải nhổ bỏ, tiêu diệt tận gốc loài "cây tham nhũng" như thế này…
Mọi người xôn xao. Mỗi người một ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng cái cây là vô tội, cứ để nó lên cao làm bài học nhắc nhở mọi người... Ý kiến phải chặt ngay, ý kiến cứ nên để cây lim xanh cho nó phát triển tranh cãi với nhau bất phân thắng bại và có vẻ mỗi lúc càng thêm gay gắt. Trưởng thôn Trần Kính vốn là một người nhanh trí sáng tạo cũng đâm ra lúng túng như gà mắc tóc. Trưởng thôn Trần Kính đưa mắt nhìn ông Tô và lão Cốc cầu cứu. Ông Tô và lão Cốc cũng thấy lúng túng chả biết nên có ý kiến thế nào cho phải. Ông Tô thì nghĩ: “Ông nào khi làm cán bộ to chả đi trồng cây lưu niệm, ghi danh mình khắp nước. Khi họ dính vào tội tham nhũng, trở thành tội phạm nghiêm trọng, phải cách chức, mất cả quyền công dân đi tù rồi thì không biết các địa phương có nhổ bỏ các cây do họ trồng không nhỉ?”.
Giữa lúc dân làng đang tranh cãi rất căng thẳng bất phân thắng bại thì lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ đột nhiên ứng khẩu thành thơ. Lão đứng nép vào thân cây lim xanh rồi cất tiếng đọc rất to:
“Tôi - cây không có tội
Tội là của con người,
Xin để tôi được sống
Tôi chỉ là cây thôi…”.
Nghe lão Cốc đọc mấy câu thơ, mọi người thôi không tranh cãi nữa. Trường thôn Trần Kính kêu gọi mọi người ra về và hứa sẽ có giải pháp phù hợp và thông báo lại sau. Mọi người lục tục kéo nhau đi xuống dốc. Lúc đi ngang qua tấm biển đá hoa cương dưới gốc cây lim xanh thằng Nhỡ vung cuốc bổ một nhát thật mạnh. Tấm biển bị vỡ toác chỉ còn lại mấy chữ: “P… hân, Ủy viên…, thủ trưởng cơ quan…”.
Hà Nội, ngày 11-9-2019

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2019

Truyện ngắn vui PHẢI "TÌNH NGUYỆN" TUỐT

PHẢI "TÌNH NGUYỆN" TUỐT
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Không có mô tả ảnh.

Sáng nay, ông Tô sang thăm lão Cốc. Nhà lão Cốc ở đầu làng gần đường quốc lộ nên xe cộ luôn luôn ồn ào, đồng đúc. Lão Cốc bị tai nạn bỏng nặng nên ông Tô mới vội vã đến xem sao. Hóa ra lão này bị tai nạn vì... thơ. Giữa lúc lão đang nấu cám lợn thì "thi hứng" bỗng nổi lên. Lão mải suy nghĩ về một tứ thơ mừng năm học mới thì nồi cám lợn sôi sùng sụ. Lẽ ra lão phải dùng cái đũa cả để quấy nồi cám thì lão lại quên bẵng mất thò luôn tay vào đảo cám lợn. Thế là lão bị bỏng. May mà thằng Bất con lão đang ở nhà. Nó vội vã lấy ngay một chậu nước lạnh cho lão ngâm tay nên đỡ bị bỏng sâu.
Khi ông Tô đến thì thấy thằng Bất con lão Cốc vẫn còn đang càu nhàu:
- Đã dặn bố là lúc nào làm thơ phải ngồi vào bàn viết lách cho đàng hoàng, không đi ra đường ô tô, xe máy va phải, không lang thang vào rừng lạc quên mất lối về nhà thế mà...
- Thì đang nấu cám thi hứng nổi lên nên tao mới bị bỏng thế chứ!
- Mà bố làm thơ làm gì thế! Thơ có ăn được đâu mà làm nhiều?
- Thơ tao đăng báo có nhuận bút... hôm nọ chả mua được hai cân thịt lợn cả nhà ăn là gì...
- Thơ thẩn làm bạc cả tóc một bài được hai trăm ngàn nhuận bút chả bõ... Cái ông bộ trưởng "Bộ Thông thiên" gì đó làm có một vụ mà ẵm gọn những 3 triệu đô-la, tính ra tiền Việt bằng nhuận bút những 345.000 bài thơ. Giả sử mỗi năm các cụ làng ta sáng tác được 365 bài thơ (mỗi ngày 1 bài) và được đăng báo cả thì phải mất gần 1.000 năm các cụ làm thơ nhuận bút mới bằng tiền làm vụ AVG của ông bộ trưởng bộ... thông thiên ấy đấy?
Lão Cốc bực bội:
- Mày đúng là chả biết cái mẹ gì cả... Ông ấy là bộ trưởng bộ thông tin truyền thông, không phải là "bộ thông thiên" hiểu chưa?
Thằng Bất cười khì:
- Thì ông này dám vứt qua cửa sổ 300 triệu đô-la tiền của nhà nước để đút túi 3 triệu đô-la thì phải thông đồng với... trời mới dám cả gan làm như thế chứ? Ông ấy chính là bộ trưởng "bộ thông thiên" đấy cụ ạ?
Lão Cốc ậm ừ:
- Hừ... hừ... Thôi, mày liệu mà đi đón hai đứa trẻ con đi, chúng nó đến giờ tan lớp rồi đấy!
Thằng Bất bảo:
- Hôm nay mẹ chúng nó được nghỉ sớm đi đón rồi!
Thằng Bất chưa nói hết câu đã có tiếng trẻ con reo hò ngoài ngõ. Thằng con bé lớn cháu đích tôn của lão Cốc đang học lớp 5 chạy vào sân. Nó chào ông Tô và lão Cốc xong quay sang gọi bố:
- Bố ơi! Nhà ta đăng ký "tình nguyện" đóng góp mấy khoản ạ?
- Tình nguyện cái gì! Tại sao phải đóng góp?
- Dạ! Trường con có các loại đóng góp "tình nguyện" là các khoản: Phí bảo vệ chăm sóc cây xanh trong sân trường, 25 nghìn đồng một tháng, phí chống vẽ viết bậy trên bàn, 20 nghìn đồng một tháng, phí giảm tiếng ồn khi ra chơi 30 nghìn đồng, phí ...
Thằng Bất cắt lời con:
- Thôi... thôi...! Các khoản học phí, học thêm, học môn ngoại ngữ, môn năng khiếu đã quá nhiều rồi. Các khoản "tình nguyện" ấy nhà ta xin không đăng ký có được không?
- Ấy, không được bố ơi! Nhà ta cứ phải hăng hái tham gia "tình nguyện" đóng góp một số khoản. Tự nguyện đóng càng nhiều càng tốt. Nhà các bạn khác cũng vậy. Nhà ta mà không "tình nguyện" đóng góp thì con không đi học đâu, xấu hổ lắm...
Thằng Bất đang ngần ngừ thì thằng con nói thêm:
- À... còn một khoản "tình nguyện" rất quan trọng nữa con suýt quên. Đó là khoản phí "mở máy điều hòa nhiệt độ" nữa ạ!
Lão Cốc, ông Tô và thằng Bất đều ngạc nhiên:
- Khoản "tình nguyện" gì mà lạ thế?
Thằng bé giải thích:
- Chả là các lớp đều đã lắp máy điều hòa nhiệt độ rồi. Học sinh nào tự nguyện đóng góp thì buổi trưa được ngủ trong phòng có điều hòa nhiệt độ mát mẻ. Ai không đóng tiền thì sẽ ngủ ở các phòng không có máy điều hòa nhiệt độ rất nóng bức ạ! Khoản này 50 ngàn đồng một tháng bố ạ!
- Thôi được, nhà ta đành "tình nguyện" đóng góp các khoản phí chăm sóc cây xanh, phí chống viết vẽ bậy lên bàn và khoản "mở máy điều hòa nhiệt độ" nhé.
- Hoan... hô... bố... Vậy xin bố ký ngay vào lá đơn "tình nguyện" đã in sẵn này để ngày mai con nộp luôn cho cô giáo ạ!
Thằng Bất vừa ký xong lá đơn của thằng con lớn thì con bé học lớp 2 đi sau cùng mẹ cũng ào vào nhà reo lên:
- Bố ơi! Lớp con đề nghị phụ huynh vui vẻ "tình nguyện" đóng góp vào các khoản vận động học sinh viết chữ đẹp, khoản không nói chuyện riêng trong lớp, khoản giữ gìn quần áo, sách vở sạch sẽ... Mỗi khoản là 20 nghìn đồng một tháng... Bố đăng ký "tình nguyện" luôn cho con nhé!
Vừa nói, nó vừa lấy trong cặp ra một cái đơn đã được đánh vi tính ghi sẵn các khoản "tình nguyện" đóng góp, phụ huynh chỉ việc ký là xong.
Ông Tô, lão Cốc và thằng Bất đều há hốc mồm ngạc nhiên. Thằng Bất đành lại cầm cây bút để ký. Lão Cốc hỏi ông Tô:
- Ngày xưa đi học làm gì có nhiều khoản đóng góp "tình nguyện" thế này ông nhỉ?
Ông Tô lẩm bẩm:
- Quả là các thầy cô ngày nay lắm sáng kiến độc đáo thật!
Hà Nội Ngày 9/9/2019

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2019

Truyện ngắn vui NHỮNG TẤM GƯƠNG MỜ

NHỮNG TẤM GƯƠNG MỜ
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Trong hình ảnh có thể có: 6 người, mọi người đang cười, trẻ em

Ông Tô ngồi cắn bút trầm ngâm. Mảnh giấy trắng viết được mấy dòng để trên bàn. Cả một đời làm nghề dạy học, bao nhiêu lần tiến hành kiểm tra kiến thức học sinh, chứng kiến bao học trò lười cắn bút trước đề bài, bây giờ không ngờ lại đến lượt ông.
Giữa khi ông Tô đang ngồi trầm ngâm thì lão Cốc đến. Lão Cốc ngạc nhiên hỏi:
- Ông ngồi viết lách cái gì mà có vẻ trang trọng thế?
- Chậc... viết một bài kiểm tra ấy mà!
Lão Cốc trố mắt:
- Ông là thầy giáo thì viết kiểm tra cái gì?
- Tôi đang viết một bài... diễn văn...
- Ôi chà... ông có phải là lãnh đạo đâu mà viết... diễn văn? Mà có khó hơn tôi viết thơ không?
- Ông viết thơ là có thi hứng... còn bài diễn văn tôi đang viết hôm nay thì không có... hứng chút nào nên khó quá...
- Thế à?
Ông Tôi buông bút đi pha trà. Vừa rót nước mời lão Cốc ông vừa kể:
- Chả là mai 5-9 là ngày khai giảng năm học mới. Trường cũ mời tôi dự lễ khai giảng lại đề nghị tôi lên phát biểu để động viên, khuyến khích các em học sinh chăm chỉ học hành tu dưỡng để sau trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp... nhưng tôi thấy khó quá ông ạ?
- Khó lắm hả ông?
- Khó lắm... mình biết nói cái gì... những tấm gương cho các em học tập cùng quá lại chỉ nói đến những anh hùng thiếu niên như Kim Đồng, Vừ A Dính, Võ Thị Sáu, Nguyễn Bá Ngọc... Họ đều đã hy sinh rồi. Còn gương các bạn trẻ ngày nay thì khối em học giỏi đấy... thi lên đình Olympia giành hàng chục ngàn đô-la đấy (mà sao họ không dùng tiền Việt mà lại dùng đô-la làm giải thưởng nhỉ?). Nhưng khi đi du học nước ngoài có ai trở về xây dựng Tổ quốc đâu? Rồi các học sinh cũ trường làng ta xưa thì đấy... ông Nhân đi học 10 năm liền là học sinh giỏi, lớn lên thành cán bộ to nhất làng, nhất xã, nhất huyện, nhất tỉnh... ảnh được phóng thật to treo trong phòng truyền thống của nhà trường chưa lâu đã phải gỡ bỏ vì dính tội tham nhũng đi tù mọt gông... Vậy thì liệu có thể làm gương cho thế hệ học sinh hôm nay không?
- Gương gì... cái gương ấy soi vào mặt người thêm nhọ, thêm bẩn...
- Đúng thế... còn trong xã hội bao nhiêu ông học giỏi, thành tài, làm cán bộ miêng luôn leo lẻo thuyết trình đạo đức, phong cách nhưng lại không giữ được mình. Một ông bộ trưởng Bộ Công... mà một năm mang tiền ngân sách mồ hôi nước mắt của dân đi nước ngoài chơi bời đến cả nửa năm, một ông bộ trưởng Bộ Thông... nhận hối lộ đến 3 triệu đô-la, tính ra tiền Việt ngót nghét 80 tỷ đồng, làm thiệt hại đến 8000 ngàn tỷ đồng... liệu hỏi có làm gương cho các cháu học sinh cấp 1 được không?
- Không thể được...
Ông Tô nhăn mặt tựa như ngụm nước chè chát đắng quá:
- Thế mà họ còn viết cả sách để răn dạy mọi người cách làm người nữa đấy ông ạ!
- Thôi... không thèm nhắc đến "những tấm gương" ấy nữa, mất vui... Tôi lại mới có hai trăm nhuận bút bài thơ đăng trên báo tỉnh đây. Tôi sang rủ ông ra quán mụ Béo làm một đĩa thịt chó cho vui...
- Ơ... nhưng mà tôi còn phải chuẩn bị bài... diễn văn để phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới ngày mai ở trường cũ cơ mà...
Lão Cốc phẩy tay nói:
- Tình hình này ông phát biểu làm gì... ai người ta thèm nghe. Tại lễ khai giảng học sinh, thầy cô giáo chủ yếu nghe lãnh đạo cấp trên họ huấn thị, nghe ngóng xem có sự đầu tư gì không? Mình về hưu rồi họ mời lên phát biểu cho có đủ lệ bộ thôi...
- Nhưng lỡ tôi đến dự họ cứ mời lên phát biểu thì làm sao?
- Thì ông từ chối... À mà thôi, tôi có cái kế này rất hay... hôm nay trời nóng, ta ngồi trong phòng máy lạnh... uống rượu xong tôi gọi cho ông một cốc nước chanh đá vừa giải rượu vừa có lợi cho ông không phải lên phát biểu tại lễ khai giảng ngày mai...
- Sao lại thế?
- Thì ông uống nước chanh đá vào, trời nóng thế này từ phòng máy lạnh ra đường làng trải bê-tông thế nào mà chả bị viêm họng... Ngày mai ông bảo bị viêm họng xin không phát biểu chả tốt hơn à?
- Ờ... kế này nghe cũng có vẻ hay đấy... - Ông Tô nói và đi theo lão Cốc ra quán mụ Béo ở đầu làng. Vừa đi ông vừa lẩm bẩm như chỉ muốn nói với riêng mình: "Thôi thà làm vậy còn hơn là phải lên bục nói những điều sáo rỗng với các em học sinh...".
Hà Nội, 4-9-2019

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

Truyện ngắn vui TẠI THẰNG HÀNG XÓM (2)

TẠI THẰNG HÀNG XÓM (2)
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

Tình hình biển Đông vẫn hết sức căng thẳng. Ông bạn hàng xóm láng giềng phía Bắc chơi xấu quá, liên tiếp cho tàu thuyền xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thấy ông Tô có vẻ lo lắng, lão Cốc bảo:
- Rồi họ sẽ phải rút thôi! Lịch sử bao đời rồi vẫn thế ông ạ!
- Nhưng... họ cứ quấy rối mãi thế này chúng ta làm ăn, phát triển kinh tế thế nào được?
- Ôi dào... kẻ nào đi quấy rối hàng xóm láng giềng thì nhà nó cũng bất ổn. Đối ngoại mà chơi xấu thì nội bộ cũng chả ra gì. Đấy ông cứ ngẫm mà xem. Chuyện thế giới, chuyện quốc gia, chuyện làng ta, nhà ta cũng thế cả thôi ông ạ!
Ông Tô ngạc nhiên. Lão Cốc dạo này có vẻ triết lý ra phết. Từ ngày lão ta trở thành "nhà thơ Cốc Vũ" của làng thấy ít uống rượu bê tha lè nhè suốt ngày mà tích cực tham gia việc làng, việc xóm. Hóa ra thơ cũng có cái hay. Ngày xưa đói quá đọc thơ chợt thấy ấm dạ hơn, kinh tế kém phát triển thơ ca nở rộ cũng thấy yên tâm hơn. Từ ngày câu lạc bộ thơ của làng ra đời bớt hẳn chuyện hàng xóm láng giềng cãi cọ nhau. Chả lẽ vừa chửi nhau ỏm tỏi khi ra sinh hoạt câu lạc bộ đọc thơ tình cho nhau nghe thì ai còn thèm nghe nữa chứ? Ông Tô đang suy nghĩ như vậy thì lão Cốc bảo:
- Tôi với ông ra nhà văn hóa của làng đi!
- Ra làm gì? Tôi không phải là hội viên hội thơ thì ra đó làm gì?
- Không phải ra để đọc thơ... mà ra đó để họp bàn chuyện xây dựng làng ta luôn vững mạnh tiến lên đấy ông ạ!
- Nếu thế thì đi...
Ông Tô đồng ý. Làng xóm bây giờ nhiều chuyện cần bàn, cần quan tâm xây dựng. Làng này thời bao cấp chia làm hai thôn. đặt tên là thôn Quyết Thắng và thôn Quyết Chiến. Sau chiến tranh sáp nhập lấy lại tên cũ từ thời các cụ các kỵ là làng Đồi. Làng Đồi ngày xưa xung quanh là đồi cây rậm rạp vậy mà bây giờ cứ như phố núi mở rộng và không còn chuyên làm nông nghiệp nữa phát triển đủ ngành nghề. Ruộng bán hết để làm khu công nghiệp, khu chế xuất còn lại thì bỏ hoang. Dân làng bây giờ cũng đủ loại người sinh sống...
Ông Tô và lão Cốc đến nhà văn hóa của làng. Buổi họp làng chuyên đề để bàn về việc sinh đẻ có kế hoạch. Trưởng thôn Trần Kính đang bực lắm. Trưởng thôn đã cho triệu tập một số đối tượng ra nhà văn hóa để kiểm điểm về việc sinh con thứ ba làm ảnh hưởng đến danh hiệu "làng văn hóa". Khi trưởng thôn hỏi đôi vợ chồng thứ nhất lý do tại sao lịa "vỡ kế hoạch" sinh con thứ ba. Thằng chồng gãi đầu, gãi tai nói:
- Báo cáo trưởng thôn, phải cảnh cáo và phạt thật nặng thằng hàng xóm nhà em mới đúng! Vợ em sinh con thứ ba là tại nó đấy ạ!
Trưởng thôn Trần Kính trố mắt ngạc nhiên:
- Tại sao lại tại... thằng hàng xóm?
Chị vợ nhanh nhảu:
- Đúng là tại nó nên chúng em mới sinh con thứ ba đấy ạ!
Trưởng thôn Trần Kính càng không hiểu. Chị vợ giải thích:
- Tại là nó... làm nghề giết mổ. Nó chọc tiết lợn kêu eng éc suốt đêm khiến hai vợ chồng em không tài nào mà ngủ được. Mà không ngủ được thì lại làm cái... "chuyện ấy" cho nên... mới "vỡ kế hoạch" đấy ạ! Đề nghị làng phải phạt nó thật nặng...
- Hừ ... hừ... phạt thế nào không phải việc của chị, chỉ được cái lẻo mồm. Thế còn anh chị kia! - Trưởng thôn chỉ một đôi vợ chồng trẻ đang ngồi ở góc phòng: - Tại sao cũng bị vỡ kế hoạch sinh con thứ ba hả?
Anh chồng trẻ này thanh minh:
- Dạ! Cũng là tại thằng... hàng xóm của nhà em đấy ạ!
- Thằng hàng xóm nhà anh nó làm nghề gì?
- Báo cáo trưởng thôn nó là... nhạc sĩ ạ!
Trưởng thôn Trần Kính ngơ ngác tự hỏi: "Quái! Làng mình làm gì có thằng nào là nhạc sĩ đâu nhỉ?". Trưởng thôn chưa kịp hỏi lại cho rõ thì anh này giải thích:
- Nhà em ở tận ven đồi cuối làng phía sau đồi cây rậm rạp. Thằng hàng xóm nó là nhạc sĩ chuyên thổi kèn... đám ma. Đêm nào nó cũng tập thổi kèn và luyện giọng hát những bài hát đám ma do nó tự sáng tác. Vợ chồng em đã "quyết tâm" kế hoạch hoá nên mỗi người ngủ riêng một giường cho chắc chắn. Nhưng nghe tiếng kèn và bài hát đám ma rất rùng rợn của thằng hàng xóm là vợ em lại sợ hãi nên cứ lao sang ôm chặt lấy em. Có đêm nó chưa thổi kèn, chưa hát mà vợ em đã sợ rồi... Mà... mà... mà...
- Mà... mà làm sao?
- Dạ... - Anh ta gãi đầu, gãi tai ấp úng: - Là... là... tại vợ em có thói quen khi đi ngủ thường không... mặc gì trên người, nên khi bị cô ấy ôm chặt em lại cứ thấy mình lâng lâng... vì thế nên mới bị vỡ kế hoạch. Em xin thề là nếu không có cái thằng nhạc sĩ hàng xóm chuyên thổi kèn đám ma ấy thì nhất định vợ chồng em còn được khen thưởng về sinh đẻ ấy chứ!
Trưởng thôn Trần Kính càng bực:
- Chỉ được cái bẻm mép. Các anh chị phải có ý chí, quyết tâm cao chứ. Đêm hôm cán bộ nào mà đến tận từng nhà giám sát, nhắc nhở các anh chị được. Dứt khoát làng phải phạt nặng thì các anh chị mới chừa...
Khi trưởng thôn đang phát biểu thì ông Tô bảo Lão Cốc:
- Thôi ông ở lại mà họp, tôi về đọc báo xem tình hình thời sự đây! Không khéo "thằng hàng xóm láng giềng ở phía Bắc" nó lại giở trò gì nữa mới đây!
Hà Nội, ngày 21-8-2019

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

Truyện ngắn vui TẠI THẰNG HÀNG XÓM (1)

TẠI THẰNG HÀNG XÓM (1)
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Không có mô tả ảnh.

Buổi sáng, ông Tô dành thời gian để đọc báo. Ông rất quan tâm đến tình hình thời sự trong và ngoài nước. Nhờ việc thường xuyên theo dõi báo chí nên ông hay được trưởng thôn Trần Kính mời thông báo tình hình thời sự cho bà con trong làng mỗi lần hội họp. Sáng nay, khi ông Tô đang mải mê đọc báo thì lão Cốc đến. Lão Cốc hỏi:
- Báo chí có chuyện gì đặc biệt không ông?
- Toàn chuyện rất thời sự và rất đặc biệt ông ạ!
- Những chuyện gì thế?
- Thì... - Ông Tô hắng giọng: - Thì... toàn những chuyện lạ lùng thôi ông ạ!
- Chuyện lạ thế nào?
- Đây này... chuyện nhà máy chuyên việc in tiền mà lại lỗ chổng vó đấy!
- Nhà máy in tiền là của nhà nước, có kế hoạch hẳn hoi lỗ thế nào được... lạ quá nhỉ?
- Nhà máy thì lỗ mà lãnh đạo nhà máy lương lại cao vút trên trời cao đấy....
- Thế à... đúng là in tiền có khác... lương cao lỗ càng cao là phải?
- Còn một chuyện nữa cũng rất lạ ông ạ!
- Lại chuyện gì thế?
- Chuyện một doanh nghiêp nhà nước tổ chức hẳn một cuộc thi uống rượu giỏi trao "Cúp... vương tửu" hẳn hoi...
- Nhà máy này chắc là lãnh đạo ngáo... rượu rồi ông ạ!
- Chắc là thế?
- Còn tình hình gì nữa đặc biệt không ông?
- Tình hình... ông bạn nước lớn "hàng xóm láng giềng" lại đưa tàu thăm dò tái vi phạm vùng biển nước ta! Tình hình biển Đông có vẻ rất căng ông ạ!
- Liệu có xảy ra xung đột không?
- Chúng ta rất khôn khéo, bình tĩnh, đấu tranh theo phương pháp hòa bình, theo đúng luật pháp quốc tế. Đấu tranh hòa bình, không gây xung đột nhưng kiên quyết bảo vệ bằng được chủ quyền biển đảo nước ta ông ạ!
- Tôi nghĩ đấu tranh hòa bình nhưng cũng phải hết sức cảnh giác đề phòng các tình huống xấu xảy ra ông ạ... Ở gần "ông hàng xóm xấu chơi" thì không thể lơ là...
- Đúng thế...
Giữa lúc ông Tô và lão Cốc đang bàn luận thì trưởng thôn Trần Kính từ ngoài cổng đi vào. Trưởng thôn có vẻ vội vã. Ông Tô chưa kịp hỏi có chuyện gì thì trưởng thôn Trần Kính đã nói:
- Mời hai bác đi cùng chúng tôi một lát nhé!
- Đi đâu thế? - Ông Tô hỏi.
- Chả là thế này... - Trưởng thôn Trần Kính giải thích: - Mời bác là cán bộ nghỉ hưu, có uy tín ở làng đi cùng với tổ hòa giải sang nhà thằng Lố. Tôi hôm qua nó vừa choảng cho con vợ thâm tím cả mặt mày. Tổ hòa giải sang để "khảo sát" tình hình rồi tổ chức hòa giải chuyện vợ chồng nó kẻ ảnh ảnh hưởng đến danh hiệu “làng văn hoá”. Ông Tô chần chừ không muốn đi. Tính ông hiền lành ngại va chạm. Lão Cốc thì lại khác. Lão ta là thành viên tổ hòa giải của làng. Nhiều lần các gia đình, các họ hàng cãi cọ nhau rất cam go vậy mà lão chỉ đọc một bài thơ khiến cả họ cùng cười xòa và hòa giải luôn.
Khi đoàn hòa giải của làng đến thì vợ chồng thằng Lố vẫn còn đang hậm hực với nhau. Con vợ tuy mặt mũi còn sưng vù, còn giận chồng nhưng thấy có khách vẫn đi xuống bếp đun nước. Trưởng thôn Trần Kính hỏi lý do tại sao hai vợ chồng hay cãi nhau gây mất trật tự an ninh thôn xóm. Thằng Lố gãi đầu gãi tai bảo:
- Là tại thằng hàng xóm của nhà em đấy ạ!
Trưởng thôn trợn tròn mắt quát:
- Tại thằng hàng xóm! Nó làm gì mà vợ chồng cậu mâu thuẫn, xích mích, đánh nhau hả?
- Báo cáo đoàn hòa giải... tại… tại… là vì nhà nó mà vợ em đâm ra ghen tỵ ạ!
- Mày lại léng phéng tán tỉnh con vợ nó chứ gì?
- Không không! Em mà lại dám thế có mà con vợ “vua sư tử” của em nó tiến hành hoạn ngay. Chuyện là thế này ạ. Vợ chồng thằng này mới chuyển về ở cạnh nhà em. Vợ nó mảnh mai và xinh đẹp lắm. Thằng chồng nó lại là người rất tình cảm. Mỗi lần đi làm, hay về nhà nó đều ôm hôn vợ nó, bế vợ nó từ tầng một lên tầng hai… Vợ em nhìn thấy đâm ra ghen tỵ với vợ nó, hay cằn nhằn trách móc em nên… nên… em mới bạt tai cho một trận đấy ạ!
Trưởng thôn Trần Kính dịu giọng:
- Sao mày không “tình cảm” như vợ chồng thằng hàng xóm ấy?
Thằng Lố giãy nảy:
- Ối chết! Vợ thằng hàng xóm mảnh mai, xinh đẹp, thằng chồng nó bế mà cứ như đang ôm một bó hoa. Em mà có vợ như nó thì tầng hai chứ tầng 12 em cũng bế lên được. Còn con vợ em nó tròn chùng trục, nặng đến ngót một tạ. Em bế làm sao được. Bế nó leo lên tầng còn khó hơn là vác bao gạo. Bao gạo nặng thì em chọc cho một cái là thủng, gạo chảy ra bớt, càng lên cao càng nhẹ. Chứ con vợ em mà chọc vào nó một cái, nó gào lên có mà vỡ luôn cả xóm…
Trưởng thôn Trần Kính trợn mắt:
- Nhưng nhà mày cấp 4 làm quái gì có tầng mà phải bế vợ leo lên. Mày đừng có trí trá, bạo lực với phụ nữ là sẽ bị thôn bị phạt nặng đấy!
- Ấy chết! Em cũng xin báo cáo với trưởng thôn thêm thế này. Cũng còn tại con vợ thằng hàng xóm nó hát hay, ngâm thơ nghe rất tuyệt…
Lão Cốc vội nói:
- Nó hát hay thì càng tốt chứ sao! Sẽ đưa nó vào đội văn nghệ của thôn, khi nào câu lạc bộ thơ sinh hoạt sẽ cho nó ngâm các bài thơ tình của các cụ... Tại sao vợ thằng hàng xóm hát hay mà mày lại đánh vợ?
Thằng Lố giải thích:
- Cái chính là con vợ em nó cũng bắt chước hát theo. Mà mụ ấy hát không khác gì tàu hỏa phanh gấp nghe rít chói cả tai. Em nói mãi không chịu im nên bạt tai thêm vài ba lần nữa ạ…
- Đấy… đấy... mày đúng là một thằng chồng vũ phu, thích bạo lực… Nhưng không vì hàng xóm mà để trong nhà lục đục, bạo loạn hiểu chưa?
Thằng Lố gãi đầu gãi tai xin hứa sẽ nghiêm khắc sửa chữa khuyến điểm. Không biết nó sẽ sửa chữa được không? Chuyện hàng xóm láng giềng hóa ra cũng phức tạp thật...
Hà Nội, ngày 20-8-2019

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019

Truyện ngắn vui ĂN NHỜ CÁI GÌ?

ĂN NHỜ CÁI GÌ?
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 
Không có mô tả ảnh.


Ông Tô đang đi bộ trên đường làng thì bất ngờ gặp lão Cốc. Lão này đi đâu mà quần áo thẳng nếp, mũ phớt đội đầu, túi vải khoác vai cứ như là cán bộ về làng hẳn hoi. Ông Tô đang định hỏi thì lão Cốc đã hỉ hả nói:
- Tôi vừa đi lĩnh nhuận bút ở báo tỉnh về. Bài thơ trào phúng của tôi được những hai trăm ngàn đồng đấy. Gặp ông ở đây rồi hay quá. Ông và tôi vào quán mụ Béo, ta làm một chầu thịt chó nhé! Tôi khao… khao...
- Nhưng tôi phải bận đi đón cháu đây! Hôm nay con bé vào học lớp 1 đi tập trung chuẩn bị khai giảng nên tan trường sớm!
- Ôi dào! Bây giờ mới có gần 9 giờ sáng, phải đến 11 giờ chúng nó mới tan trường cơ. Song tôi cũng đi đón con bé út nhà thằng Bất luôn. Ta vào quán mụ Béo đi… Quán của mụ ấy bây giờ có cả phòng nhậu lắp máy lạnh, rượu Tây, rượu ta đủ loại đấy… hi… hi…
Ông Tô nể lão Cốc nên đi theo. Ông bảo lão Cốc làm vài chén qua loa rồi đi đón bọn trẻ ngay. Lão Cốc đồng ý. Hai người vào cái cửa hàng ăn uống đầu làng của mụ Béo. Thấy khách quen dù biết sẽ ít tiền nhưng mụ Béo vẫn đón tiếp cẩn thận. Mụ Béo dẫn hai người vào phòng nhậu có máy lạnh hẳn hoi. Buổi sáng, phòng máy lạnh còn chưa có nhiều khách.
Trong phòng đã có hai ông khách lạ đang ngồi nhậu. Họ có vẻ là cán bộ hoặc lãnh đạo doanh nghiệp. Hai ông này đã ngồi chén chú chén anh với nhau từ buổi sáng sớm. Họ chắc là từ thành phố đi qua làng thấy có quán thịt chó ngon nên ghé vào. Uống đã say lắm rồi mà một ông còn cứ định gọi thêm chai rượu ngoại trị giá hơn một triệu đồng nữa. Ông ít tuổi hơn vội ngăn lại:
- Thôi! Tiền đâu mà uống loại ấy, lãng phí quá?
Ông nhiều tuổi hơn ậm è:
- Thì... bữa nay là ta ăn nhờ dự án "xóa đói giảm nghèo" của các xã miền núi đấy!
Ông ít tuổi hơn tỏ vẻ băn khoăn:
- Nhưng... nhưng... ngày mai thì lấy gì mà ăn uống nữa hả?
Ông nhiều tuổi hơn gật gù bảo:
- Ngày mai... thì... thì... À... à…! Đúng rồi, ngày mai ta sẽ ăn ở khoản... dự án xử lý chất thải, khai thông cống rãnh, vệ sinh môi trường... Khoản này... ngon lành lắm... không ai biết đâu...
- Vậy còn ngày kia?
- Ngày kia ta ăn ở cái dự án xây nhà hộ sinh, phòng khám bệnh phụ khoa cho phụ nữ đấy cậu hiểu không?
Nghe hai ông khách lạ say xỉn nói với nhau như vậy ông Tô kéo lão Cốc đứng dậy ra ngoài. Ông bảo:
- Họ ăn nhờ dự án thì ngồi trong phòng máy lạnh, còn chúng ta ăn nhờ… nhuận bút thì ngồi ngoài vỉa hè này thôi cho sạch sẽ, thoáng mát…
Lão Cốc gật đầu và gọi to:
- Mụ Béo đâu! Mang ngay đĩa lòng dồi và nửa chai cuốc lủi ra đây. Hôm nay phải xả láng nhé… He… he..
Lão Cốc-nhà thơ Cốc Vũ bất ngờ xuất khẩu thành thơ:
“Ăn nhờ nhuận bút ngon lành
Ăn nhờ dự án thì nhanh “tu đì”…
Hà Nội, ngày 18-8-2019