Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019

Truyện ngắn vui CÂY… THAM NHŨNG

CÂY… THAM NHŨNG
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: thực vật, cây, ngoài trời và thiên nhiên

Mới sáng sớm tinh mơ đã nghe loa truyền thanh của làng vang lên tiếng nhạc hiệu rộn ràng. Tiếng nhạc chưa dứt tiếng trưởng thôn Trần Kính đã oang oang thông báo: “Buổi sáng hôm nay toàn thể nhân dân làng ta sẽ tổ chức trồng cây trên khu đồi trọc phía sau làng. Kính mời các gia đình cử đại diện mang theo dụng cụ lao động, đúng 7 giờ 30 phút, tập trung ở nhà văn hóa để đi trồng cây…”. Sau thông báo của trưởng thôn là tiếng lão Cốc đọc thơ:
“Mùa Xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân…
Bây giờ không chỉ mùa Xuân,
Mùa nào ta cũng rất cần trồng cây…”.
Hai câu đầu là thơ của Bác Hồ. Lão Cốc này đã sáng tác nối thêm hai câu sau để kêu gọi dân làng hăng hái tham gia đi trồng cây. Ông Tô vừa nghĩ vừa đi tìm cái cuốc chuẩn bị đi ra nhà văn hóa. Làng tổ chức trồng cây đột xuất vào đầu mùa thu vì có người tài trợ. Ông phó giám đốc mới của lâm trường Tam Đảo vốn là bạn thân của trưởng thôn Trần Kính. Ông này về làng chơi thăm bạn. Biết ở đây đang có phong trào trồng cây gây rừng nhằm phủ xanh các khu đồi núi trọc phía sau làng nên ông quyết định “tài trợ khẩn cấp” cho làng các loại giống cây lấy gỗ, cây ăn quả. Vài năm nay làng đã có quy chế rất cụ thể về trồng cây gây rừng. Việc trồng cây, chăm sóc cây vì thế luôn được mọi người quan tâm. Đầu năm, nhà nào cũng phải đem cây trồng trên đồi. Mỗi khẩu trồng một cây. Các em học sinh khi chuyển cấp, thi đỗ vào đại học, cao đẳng đều lên đồi trồng một cây lưu niệm, con em đi công tác xa về làng đều trồng cây để ghi danh. Vì thế khu đồi trọc sau làng dần dần biến thành khu rừng trồng xanh tốt.
Khi ông Tô ra đến nhà văn hóa đã thấy dân làng đông đủ. Lại có cả các cháu thiếu nhi trống giong, cờ mở rộn ràng cổ vũ. Ông phó giám đốc lâm trường Tam Đảo mang về một ô tô các loại giống cây ăn quả, cây lấy gỗ, lại còn cử cả một cô kỹ sư trẻ về để hướng dẫn dân làng trồng và chăm sóc cây nữa.
Đoàn người mang theo cờ quạt, dụng cụ lao động và cây giống lên đồi. Khí thế lao động trồng cây thật sôi nổi.
Sau khi hàng nghìn cây đã trồng xong dân làng kéo nhau xuống khu đồi cây trồng những năm trước đang khép tán ngồi nghỉ. Dưới bóng cây trồng râm mát mọi người vừa uống nước vừa nghe trưởng thôn Trần Kính nhận xét, biểu dương dân làng tích cực tham gia trồng cây. Sau khi trưởng thôn phát biểu xong thì đột nhiên thằng Bất đứng dậy xin có ý kiến. Được trưởng thôn cho phép thằng Bất phát biểu:
- Làng ta là làng văn hóa. Việc trồng cây ở làng ta cũng đã trở thành một nét văn hóa đẹp cho nên cần phải gìn giữ, phát huy…
Mọi người ồn ào:
- Chuyện ấy ai mà chả biết! Thôi ngồi xuống cho mọi người nghỉ ngơi một chút…
Thằng Bất không ngồi xuống mà nó nói tiếp, giọng có vẻ rất nghiêm túc:
- Vì thế tôi đề nghị… chặt ngay cây gỗ lim to nhất ở khu đồi này đi… đào cả gốc vứt đi…
Dân làng bỗng trở nên nhốn nháo khi nghe thằng Bất nói như vậy. Trưởng thôn Trần Kính cũng giật mình sững sờ. Đó là một chuyện không ai nghĩ đến. Mọi người đứng dậy đi theo trưởng thôn Trần Kính và thằng Bất lên đỉnh đồi, đến chỗ cây lim xanh đang bắt đầu vươn cành tạo bóng mát. Lúc này ai cũng hiểu tại sao thằng Bất nói nên chặt bỏ cây lim xanh rất đẹp ấy. Đó là cây do ông Phạm Nhân trồng khi còn đương chức trong một dịp về làng. Một chiếc xe vận tải rất to chở cây lim xanh lớn về làng dùng cần cẩu đưa lên đồi để trồng. Dưới gốc cây còn có một tấm biển khắc bằng đá hoa cương ghi rõ dòng chữ: “Cây lưu niệm do ông Phạm Nhân, Ủy viên…, Thủ trưởng cơ quan… trồng ngày 15-2-2012”. Thằng Bất chỉ vào cái cái biển dưới gốc cây nói:
- Ông này phạm tội tham nhũng rất nặng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho đất nước, làm tổn hại thê thảm cho truyền thống tốt đẹp của làng ta. Bây giờ ông ấy đi tù chung thân. Cái cây này chính là “cây… tham nhũng” cũng phải nhổ vứt bỏ đi để cho đồi cây, rừng cây của làng ta luôn luôn xanh tươi và sạch sẽ…
- Đúng… đúng… phải nhổ bỏ, tiêu diệt tận gốc loài "cây tham nhũng" như thế này…
Mọi người xôn xao. Mỗi người một ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng cái cây là vô tội, cứ để nó lên cao làm bài học nhắc nhở mọi người... Ý kiến phải chặt ngay, ý kiến cứ nên để cây lim xanh cho nó phát triển tranh cãi với nhau bất phân thắng bại và có vẻ mỗi lúc càng thêm gay gắt. Trưởng thôn Trần Kính vốn là một người nhanh trí sáng tạo cũng đâm ra lúng túng như gà mắc tóc. Trưởng thôn Trần Kính đưa mắt nhìn ông Tô và lão Cốc cầu cứu. Ông Tô và lão Cốc cũng thấy lúng túng chả biết nên có ý kiến thế nào cho phải. Ông Tô thì nghĩ: “Ông nào khi làm cán bộ to chả đi trồng cây lưu niệm, ghi danh mình khắp nước. Khi họ dính vào tội tham nhũng, trở thành tội phạm nghiêm trọng, phải cách chức, mất cả quyền công dân đi tù rồi thì không biết các địa phương có nhổ bỏ các cây do họ trồng không nhỉ?”.
Giữa lúc dân làng đang tranh cãi rất căng thẳng bất phân thắng bại thì lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ đột nhiên ứng khẩu thành thơ. Lão đứng nép vào thân cây lim xanh rồi cất tiếng đọc rất to:
“Tôi - cây không có tội
Tội là của con người,
Xin để tôi được sống
Tôi chỉ là cây thôi…”.
Nghe lão Cốc đọc mấy câu thơ, mọi người thôi không tranh cãi nữa. Trường thôn Trần Kính kêu gọi mọi người ra về và hứa sẽ có giải pháp phù hợp và thông báo lại sau. Mọi người lục tục kéo nhau đi xuống dốc. Lúc đi ngang qua tấm biển đá hoa cương dưới gốc cây lim xanh thằng Nhỡ vung cuốc bổ một nhát thật mạnh. Tấm biển bị vỡ toác chỉ còn lại mấy chữ: “P… hân, Ủy viên…, thủ trưởng cơ quan…”.
Hà Nội, ngày 11-9-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét