Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

SÔNG LÔ XANH đăng báo QĐND

  
Trang văn học Báo Quân đội nhân dân, chủ nhật 24/2/2013 đã đăng tản văn Sông Lô xanh của tôi. Tác giả chân thành cảm ơn Phòng Biên tập Văn hóa của báo và xin post lại tản văn này trên blog (Trọng Bảo).
 
Sông Lô xanh
QĐND - Chủ Nhật, 24/02/2013, 20:42 (GMT+7)


QĐND - Tôi còn nhớ mùa Đông năm 1997, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chiến thắng Việt Bắc (1947-1997), Báo Quân khu 2 có "đặt hàng" tôi viết một truyện ngắn về sông Lô. Nhận lời, tôi khăn gói lên đường hành quân đi thực địa. Tôi tiếp cận sông Lô từ bến Then ngược lên vùng Phương Khoan, Đôn Nhân, Đôn Mục. Sông Lô mùa cạn nước trong xanh. Những chiếc thuyền vẫn giương buồm ngược xuôi theo dòng nước. Những chiếc sà lan lên Tuyên tiếng còi ủ nghe nằng nặng chuyến hàng.
Đứng trên bến Then, gió thổi hơi lành lạnh từ mặt sông, tự dưng trong tôi ngân lên những nốt nhạc trong Trường ca sông Lô của nhạc sĩ Văn Cao. Dòng sông trong xanh hiền hòa kia mà đã có một thời khói lửa chiến tranh. Cái thời mà đạn moọc-chê của quân Pháp xé tan tành từng con thuyền nhỏ đậu trên bến Then, khói lửa ngút trời bốc lên từ các xóm làng ven sông. Máu của dân lành hòa tan trong dòng nước chảy về xuôi. Nhưng cũng chính trên dòng sông Lô này những người lính pháo binh Việt Nam tuổi mười tám, đôi mươi đã dũng cảm kéo pháo ra sát mép nước, chờ tàu chiến của giặc tới. Có những người lính vệ quốc quân đã ngã xuống, máu của họ hòa vào dòng nước Lô giang.
Những hình ảnh đó chợt tái hiện lên trong tôi khi nhìn xác tàu chiến của quân giặc bị bắn chìm ngày ấy còn lập lờ ở ghềnh Khoan Bộ. Tôi nghĩ về một sông Lô xanh của cha anh ngày trước và một dòng sông Lô của hôm nay và mai sau.
Sông Lô là phụ lưu tả ngạn của sông Hồng. Dòng sông Lô bắt nguồn từ Vân Nam-Trung Quốc, chảy vào Việt Nam từ xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang. Phần đầu nguồn sông Lô nằm trên lãnh thổ Trung Quốc có tên là "Bàn Long Giang", phần chảy trên đất Việt Nam có tên là sông Lô, một cái tên thuần Việt. Có lẽ cũng bởi dòng sông Lô chủ yếu chảy trên đất Việt, với chiều dài là 274km. Lưu vực sông Lô hơn 22.600km2. Điểm cuối của sông Lô là ngã ba Việt Trì. Đây là nơi sông Lô đổ vào sông Hồng để góp phù sa cho vùng đồng bằng Bắc bộ. Đoạn sông Lô từ ngã ba Việt Trì (Phú Thọ) lên tới Tuyên Quang dài 156km, tàu thuyền có tải trọng đến 150 tấn vận tải hoạt động cả hai mùa. Theo Lê Quý Đôn viết trong sách Kiến Văn Lục, sông Lô còn có tên là Mã Giang. Một cái tên cho ta hình dung sự dữ dội, mạnh mẽ của sông Lô, một dòng nước chảy xiết, băng qua những ghềnh đá tung bọt trắng xóa như bờm con ngựa chiến đang phi nước đại. Trước sự hùng vĩ và bi tráng của sông Lô khiến tôi cứ bâng khuâng mãi.

"Chiều nay tôi đã đến sông Lô
Qua bến phà Then nhớ về chuyện cũ
Dòng sông xanh như tóc người thiếu nữ
Đổ dài trên bến bãi quê ta.
  
Ôi dòng sông chở nặng phù sa
Cho xanh ấm những nương ngô, bãi mía
Cho khuất lấp một thời chiến địa
Máu xương rơi nhuộm đỏ đất này..."
 
Mấy vần thơ trên vụt hiện lên trong đầu tôi khi ngồi nghe các đồng chí lãnh đạo xã Phương Khoan giới thiệu về lịch sử đấu tranh và xây dựng của xã nhà, một xã anh hùng trong kháng chiến chín năm trường kỳ.
Rời trụ sở xã Phương Khoan, tôi lên đê trở lại bến Then. Lúc bước lên phà qua sông thì trời đã buông chiều, khói lam bảng lảng quanh những bụi tre ven bờ. Con phà chuẩn bị rời bến. Tiếng xích sắt loảng xoảng, tiếng ca nô kéo phà hụ lên, tiếng người gọi nhau lao xao cũng không làm xáo động cái không khí thanh bình trên bến sông quê. Phà ra đến giữa sông. Tôi hít căng lồng ngực cái vị mát lạnh của hơi nước từ mặt sông bốc lên.
Trong đám đông những người đi chợ quê chiều về muộn, tôi chợt chú ý đến một ông già đeo chiếc ba lô cũ kỹ. Một bó sắn củ tươi, món quà quê trung du buộc trên nắp ba lô ông đang khoác trên vai. Hỏi chuyện mới biết ông là một người lính năm xưa từng hoạt động ở vùng Lập Thạch. Ông quê ở Nam Định. Nhân dịp lên Quân khu 2 dạm vợ cho anh con trai là cán bộ một đơn vị đóng quân ở đây, ông tranh thủ về thăm lại bà con nơi từng đùm bọc, gắn bó thời chiến tranh. Câu chuyện của ông với những kỷ niệm của mình khiến tôi vô cũng thích thú. Đó chính là cái cốt của một truyện ngắn. Đúng là tôi đã gặp may ngay trong chuyến đi thực tế ngắn ngủi. Truyện ngắn "Ký ức sông Lô" (*) tôi viết xong rất nhanh nhờ vậy.
Hôm nay khi đặt bút viết một tản văn về sông Lô, tôi lại nhớ về lần đi thực tế ấy. Con sông Lô vẫn ngày đêm chảy mãi, dòng nước đã để lại trong ký ức biết bao người những kỷ niệm thân thương. Dòng sông chảy về xuôi chở theo bao nỗi buồn nhân thế. Đã có những thân phận con người chìm xuống đáy sông, có những cảnh đời lênh đênh trên sóng nước. Sông cũng đau như lòng ta đau, sông cũng khóc như bao kiếp nhân sinh đã khóc. Dòng sông là dòng đời. Tôi chỉ mong sông Lô sẽ mãi mãi hiền hòa, xanh trong.

                                                                     Tản văn của TRỌNG BẢO

(*) Mời xem Truyện ngắn Ký ức sông Lô theo đường link dưới đây:

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Ngày thơ không chỉ có thơ

   Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI tại Hà Nội

 
   Sân thơ già với một làn điệu dân ca truyền thống.
 
 
    Sân thơ trẻ với một điệu múa trẻ trung. 
   
   Thơ hay thì thả lên trời...
  
    Sách bán tại ngày thơ Hà Nội (ảnh Trọng Bảo)

              Ngày thơ không chỉ có thơ

            Tôi đến dự Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) hơi muộn. Lễ khai mạc đã xong, ở sân thơ già và sân thơ trẻ các tác giả đang đọc thơ. Những bài thơ đọc oang oang phía sau Khuê Văn Các trong tiếng ồn ào trò chuyện của người nghe, người xem. Tôi tranh thủ đảo một vòng cả hai sân thơ, nghe một vài bài thơ, bài hát. Cảm nhận đầu tiên của tôi là ngày thơ cấp trung ương năm nay cũng không có gì mới hơn so với nhiều năm trước. Có sự khác là sân thơ trẻ năm nay chủ yếu dành cho sinh viên các trường đại học, có nhiều tiết mục trẻ trung, hấp dẫn, ít những sự phô diễn, “trình diễn thơ" ồn ào theo kiểu tạp kỹ như những năm trước. Ở sân thơ già vẫn có các nhà thơ quốc tế lên đọc thơ qua phiên dịch. Song xem chừng thơ quốc tế đọc ở ngày thơ Việt, lại ở nơi Văn Miếu không hợp lắm. Nhưng thôi, thời mở cửa, mọi thứ đều phải mang tính toàn cầu thì mới hội nhập.
            Cũng vẫn như mọi năm, ngày thơ vẫn là một nơi cho bạn bè gặp gỡ, giao lưu, là nơi nhiều nhà sách tranh thủ quảng cáo bán sách. Sách bán ở ngày thơ không chỉ có thơ, không chỉ có văn chương mà có cả sách khoa học và sách phi khoa học. Tức là sách nghiên cứu và sách bói toán, mê tín…
            Hơn 11 giờ (15 tháng Giêng, Quý Tỵ) thì Ngày thơ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội bế mạc sau khi 50 câu thơ hay đã được thả bay lên trời. “Thơ hay thì thả lên giời/Vậy còn thơ dở thì người thả đâu?”. Có một bác già đứng phía sau tôi đột nhiên ứng khẩu đọc lên một câu thơ như thế khi nghển cổ nhìn những chiếc bóng bay đem theo những câu thơ bay lên trời cao. Nghe câu thơ ứng khẩu của một tác giả không biết nhà thơ hay là độc giả bình thường, tôi cảm thấy hơi phân tâm. Vài năm nay Hội Nhà văn tặng giải thưởng cho những tập thơ gây nhiều tranh cãi, khen ít, chê nhiều. Khi quay ra đến lầu Khuê Văn, tôi chợt giật mình khi nghe một cô bé có lẽ là một học sinh PTTH hoặc sinh viên níu tay hỏi: “Hôm nay là ngày gì mà ở đây đông người thế chú nhỉ?”. Hoá ra không phải ai cũng biết hôm nay là Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI?

                                                                                         Bài và ảnh Trọng Bảo

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

MAI EM CÓ ĐI HỘI LIM - thơ

 

     

 
Mai em có đi hội Lim
 
Mai em có đi hội Lim
Tìm lại liền anh ngày ấy,
Sông Cầu vẫn lơ thơ chảy
Qua làng quan họ lao xao…
 
Một đời những ước cùng ao
Bao lần hát câu giã bạn
Chia tay nhớ lời người dặn
Hội sau đến hẹn lại lên.
 
Có người trai đã lãng quên
Mùa Xuân không về nghe hát
Để câu: “mây trôi, bèo dạt…”
Rưng rưng mãi trên môi em.
 
Mai em có đi hội Lim…
 
    Hà Nội, 12 tháng Giêng Quý Tỵ
              TRỌNG BẢO

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Ghi chép MỘT NGÀY KHÔNG QUÊN

 

        
        Ảnh: Đường qua huyện Hà Quảng (Cao Bằng) hôm nay.
     
         Một ngày không quên
           Ghi chép của Trọng Bảo

           Sáng 17 tháng 2, anh Hoàng Quốc Doanh, người chỉ huy cũ tiểu đoàn 3 của tôi thời chiến tranh biên giới 1979 từ Cẩm Khê-Phú Thọ điện thoại cho tôi. Tôi vừa nhấc máy anh đã nói ngay:
          - Lúc ba giờ sáng ngày này ba mươi tư năm trước bọn địch bắt đầu nổ súng tấn công ta đấy!
          Tôi đáp:
          - Vâng, em vẫn nhớ! Em vừa viết một bài về ngày mười bảy tháng hai năm ấy đưa lên mạng Internet rồi…
          - Thế à? - Anh lại hỏi tiếp: - Mày có còn nhớ ngày 20 tháng 2 năm 1979 không? Hôm đó tiểu đoàn 3 chúng ta đã đánh thắng một trận rất đáng mặt anh hùng, tiêu diệt hơn bốn trăm tên địch, bắn cháy tám xe tăng của bọn chúng…
          - Em vẫn nhớ! Quên làm sao được cái ngày quyết tử ấy! Hôm ấy chỉ còn có mình anh chỉ huy chiến đấu, em luôn ở bên cạnh anh lúc bọn địch tấn công ác liệt nhất mà!
          Tôi nói với anh Doanh là sẽ viết một bài về ngày hai mươi tháng hai năm bảy chín không bao giờ quên ấy. Anh Doanh là lớp cán bộ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh đã về hưu đã lâu lại ở vùng sâu, vùng xa nên chưa chắc đã có máy vi tính nối mạng nên chắc là anh không đọc được các bài của tôi viết.
*
          Mặc dù cuốn nhật ký chiến tranh có ghi chép đầy đủ diễn biến và có cả sơ đồ trận đánh hôm 20-2-1979 tôi đang để ở Hà Nội. Nhưng tôi vẫn nhớ như in cái ngày oanh liệt và bi hùng ấy.
          Ngày hôm ấy tự dưng trời hửng nắng.
          Sau ba ngày chiến đấu quyết liệt với quân xâm lược đông đảo, đại đội 11 của tiểu đoàn 3 chúng tôi bị đánh bật khỏi các chốt cây đa số một và cây đa số hai hướng cửa khẩu Bình Mãng. Cán bộ, chiến sĩ đại đội 11 bị thương vong quá nhiều phải rút lui về phòng ngự ở trường cấp 1 Sóc Giang. Đại đội 9 cũng phải bỏ trận địa co cụm ở khu vực uỷ ban nhân dân huyện. Đại đội 10 thì vẫn phòng ngự ở mỏm đồi đất bên dưới điểm cao 505 án ngữ con đường từ thị xã Cao Bằng lên thị trấn huyện lỵ Hà Quảng.
          Buổi sáng, bọn địch từ hướng Đôn Chương nống lên chỉ bắn pháo và tổ chức hai đợt tấn công có tính chất thăm dò vào trận địa của đại đội 10. Đài quan sát báo cáo phát hiện nhiều xe tăng địch đang tập kết ở khu vực các bản Cốc Sâu, Kép Ké. Phía cửa khẩu bộ binh và xe cơ giới Trung Quốc đang tiến xuống. Hướng Mỏ Sắt bộ binh địch đang hành quân lên. Đã phát hiện có bọn thám báo trên điểm cao 505. Tại sở chỉ huy tiểu đoàn trong hang huyện uỷ lúc này chỉ còn có thượng uý Hoàng Quốc Doanh, chính trị viên tiểu đoàn là người chỉ huy cao nhất. Tiểu đoàn trưởng T. từ tối hôm trước nói là đi kiểm tra các đơn vị đã bỏ vị trí chỉ huy lên trận địa của đại đội 12 hoả lực trên lũng Mật. Lũng Mật nằm trên dãy núi đá cao, vách núi dựng đứng, bọn địch chưa thể tấn công lên được.
           Buổi chiều, bọn địch từ hướng Đôn Chương bắt đầu tổ chức tấn công trận địa của đại đội 10, mở đường tiến vào đánh chiếm thị trấn Sóc Giang. Bộ binh và xe tăng địch lúc nhúc trên cánh đồng trồng thuốc lá. Đại đội 10 xin hoả lực bắn chi viện. Anh Doanh bảo tôi:
         - Hỏi xem 12 còn bao nhiêu đạn cối 82?
         Tôi lập tức điện hỏi. Đại đội 12 báo cáo chỉ còn chưa đầy ba mươi quả cối 82. Anh Doanh bảo tôi:
         - Bảo không được bắn! Khi nào có lệnh mới được bắn hiểu không!
         - Vâng ạ! - Tôi đáp. Anh Doanh đi ra phía cửa chính của hang quan sát. Đại đội 10 đã nổ súng. Trận địa mịt mù khói lửa. Tiếng quân giặc hô hét ầm ĩ: “Tả… tả… tả…”. Tiếng kèn đồng thúc quân xung trận của bọn chúng nghe rất rõ trong tiếng đạn nổ râm ran. Đại đội 10 liên tục xin hoả lực cối 82 của tiểu đoàn bắn vào đội hình tấn công của địch chi viện cho đơn vị chiến đấu bảo vệ chốt. Tôi báo cáo anh Doanh. Anh bảo tôi:
          - Lệnh cho 12 bắn năm quả cối 82 chi viện cho Xê 10! Chỉ bắn đúng năm quả thôi nhé!
          Tôi thông báo ngay cho đại đội 12. Trung uý Hoàng Văn Bào, đại đội trưởng đại đội 12 ngứa mắt thấy quân giặc vào đông lúc nhúc đã cho rót cấp tập liền mười lăm quả đạn cối 82 vào đội hình xung phong của chúng. Bọn địch đã áp sát trận địa của đại đội 10. Lũ bành chướng xâm lược này cũng lạ, bộ binh chúng chết và bị thương nằm đầy cánh đồng, đầy mặt đường mà xe tăng chúng cứ nghiến qua xác lính để tiến vào thị trấn. Xích sắt những chiếc xe tăng nhuộn đỏ màu máu. Gần chục chiếc xe tăng đã tiến sát chỗ bụi tre dưới chân chốt đại đội 10, mấy chiếc đã vượt qua suối sang phía cửa hàng thực phẩm, có ba chiếc đã lao vào khu ruộng ngô phía trước bản Nà Nghiềng tiến sát nhà bưu điện thị trấn hướng nòng pháo lên cửa hang huyện uỷ. Chỉ huy đại đội 10 liên tục xin hoả lực chi viện. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh bảo tôi:
         - Lệnh cho Xê 10 cử hai tổ xuống bắn xe tăng địch ngay!
         Tôi vội điện cho chỉ huy đại đội 10. Anh Doanh lại bảo:
         - Lệnh cho 9 tổ chức cơ động một trung đội chặn quân địch tiến vào khu vực trụ sở uỷ ban nhân dân huyện!
          Tôi đang truyền đạt mệnh lệnh thì có nhiều tiếng nổ dữ dội ở phía cửa hang chính. Những chiếc xe tăng của địch ở đám ruộng ngô phía trước nhà bưu điện thị trấn đã xác định được cửa hang huyện uỷ. Pháo trên xe tăng căn chỉnh nhằm bắn thẳng vào cửa hang. Khói bụi xộc vào trong hang mù mịt. Bọn bộ binh địch đã tiến vào khu vực chợ Sóc Giang. Tiếng anh Doanh hạ lệnh:
          - Thương binh nặng ở lại còn tất cả ra vị trí chiến đấu bảo vệ hang!
          Tôi vội giao tổ hợp máy VTĐ cho chiến sĩ thông tin 2W rồi xách súng lao ra cửa hang chính. Ở cửa hang chính tiểu đoàn phó Trần Quang Cương, chính trị viên phó Bùi Đức Hòe và trợ lý tham mưu Thọ đang tổ chức cho các chiến sĩ cơ quan tiểu đoàn bộ phòng ngự bảo vệ hang. Anh Thọ chỉ cho tôi thấy vị trí mấy chiếc xe tăng địch đang rê chỉnh nòng pháo bắn thẳng vào cửa hang huyện uỷ. Tôi đang nấp sau một gộp đá tìm vị trí ngắm bắn về phía nhà bưu điện thì có tiếng anh Doanh gọi. Tôi vội quay vào trong hang. Anh Doanh vừa nhìn thấy tôi đã gắt:
          - Nhiệm vụ của mày là đảm bảo liên lạc hiểu không! Mất liên lạc với các hướng lúc này là chết hết đấy!
          Thì ra lúc tôi không có mặt, người chiến sĩ thông tin xử lý không tốt một mệnh lệnh chiến đấu khiến anh rất bực. Tôi đeo tai nghe nhận điện và bật reo lên:
          - Đại đội 10 báo cáo bắn cháy bốn xe tăng địch!
          Gần như cùng lúc với báo cáo của tôi anh em phía ngoài cửa hang cũng reo lên vui mừng vì họ nhìn rõ những chiếc xe tăng bốc cháy ngay trên đoạn đường quanh dưới chân chốt của đại đội 10. Một chiếc cháy và phát nổ rất dữ dội. Có lẽ đạn pháo trong xe tăng bị kích hoạt. Đại đội 10 báo cáo cụ thể hơn: Chiến sĩ Nguyễn Xuân Quý bắn cháy hai xe tăng địch, Hạ sĩ, tiểu đội trưởng Tâm bắn cháy một chiếc xe tăng và hy sinh. Chính trị viên đại đội trung uý Trần Xuân Tương chỉ huy các tổ xuống bắn xe tăng cũng đã hy sinh… Cả sở chỉ huy lặng đi. Mấy chiếc xe tăng địch ở đám ruộng ngô trước bản Nà Nghiềng vẫn liên tục nã pháo vào cửa hang của chúng tôi. Một chiến sĩ mang súng B41 lao ra tìm cách tiếp cận xe tăng địch. Anh bị trúng đạn ngã gục xuống rãng ngô non. Từ vị trí chỉ huy của tiểu đoàn mấy chiến sĩ thông tin và vận tải nhanh chóng tụt xuống chân núi. Họ bò lê trên mặt ruộng cố tiếp cận vị trí người lính B41 hy sinh để lấy súng và bắn xe tăng địch. Giữa lúc đó tôi nhận được điện báo cáo của đại đội 9: “Trung đội trưởng La Quang Tuyến đã chỉ huy trung đội bắn cháy hai xe tăng và tiêu diệt nhiều bộ binh quân địch ở phía cửa hàng thực phẩm và sân uỷ ban nhân dân huyện. Tôi vừa báo cáo anh Doanh xong thì nhận được điện của đại đội 10 đề nghị hoả lực của tiểu đoàn bắn trực tiếp trùm lên trận địa của đơn vị. Bộ binh địch đã tràn lên, lực lượng tinh nhuệ của chúng từ điểm cao 505 đã đánh ập xuống trận địa của đại đội 10. Tình hình đại đội 10 vô cùng nguy cấp. Bộ đội đang đánh giáp la cà với bọn địch. Tiếng lựu đạn nổ lục bục trong chiến hào. Anh Doanh bảo tôi lệnh cho đại đội 10 bất cứ giá nào cũng phải “kiên quyết chiến đấu giữ vững trận địa”.
          Tôi vừa truyền đạt xong mệnh lệnh thì mất liên lạc với đại đội 10. Hướng biên giới đại đội 9 và đại đội 11 báo cáo bọn địch từ biên giới hành quân xuống đã áp sát trận địa. Phía con đường mòn từ Mỏ Sắt lên có tiếng súng nổ. Như vậy là cả bốn phía quân địch đang tiến về thị trấn Sóc Giang. Trong khi đó thì cuộc chiến đấu trước cửa ngõ thị trấn Sóc Giang vẫn vô cùng ác liệt. Trận địa của đại đội 10 mịt mù khói lửa, râm ran tiếng súng chả còn phân biệt đâu là tiếng súng của quân ta, đâu là tiếng súng của quân địch nữa. Đạn pháo của địch thì không ngừng nã vào mỏm núi và vị trí cửa hang của chúng tôi. Hang đá rung chuyển chao đảo như một con thuyền nhỏ trên sóng lớn. Pháo địch bắn làm những tảng đá từ trên đỉnh núi lăn xuống ầm ầm rất nguy hiểm cho bộ phận phòng ngự bên ngoài cửa hang. Tiếng súng bộ binh đã vang lên khắp thị trấn. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vẫn bình tĩnh nghe các đơn vị thông báo tình hình của ta và của địch. Đơn vị nào cũng xin chi viện hoả lực và đạn dược. Nhưng làm gì còn đạn dược nữa mà chi viện! Anh Doanh lặng người đi mỗi khi nhận tin cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Quân số thương vong không ngừng tăng lên. Cả sở chỉ huy đều lo lắng, căng thẳng, nhưng không ai tỏ vẻ hoảng sợ. Anh Doanh hạ lệnh cho đại đội 9 và đại đội 11 chiến đấu chặn địch. Có tiếng hò reo ngoài cửa hang. Thêm hai chiếc xe tăng của quân địch bị bắn cháy ngay trên đám ruộng phía trước bản Nà Nghiềng.
          Có lẽ đã hơn ba giờ chiều. Cả thị trấn Sóc Giang ngập chìm trong khói lửa. Bốn phía bọn địch vẫn đang ào ạt xông đến áp sát vị trí chỉ huy của tiểu đoàn chúng tôi. Anh Doanh mím môi nhìn số người ít ỏi đang có mặt trong hang rồi đanh giọng nói:
         - Bây giờ đã đến lúc chúng ta sẽ quyết một trận sống chết với quân thù!
         Tôi cùng số anh em làm nhiệm vụ đảm bảo công tác chỉ huy trong hang lập tức vớ lấy súng và lựu đạn lao ra phía cửa hang mịt mù khói bụi. Thị trấn Sóc Giang vẫn đang ngùn ngụt bốc cháy. Khói lửa chiến tranh che khuất cả một khoảng trời biên giới...

                                                                      Vĩnh Phúc,19/2/2013

(*) Mời xem diễn biến những ngày chiến tranh biên giới phía Bắc tại hướng phòng ngự của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 qua Truyện dài TRONG VÒNG LỬA, đăng trong mục "tiểu thuyết" của blog này (Trọng Bảo)
  

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Tạp văn NGÀY MƯỜI BẢY THÁNG HAI NĂM ẤY

 

        

Ngày mười bảy tháng hai năm ấy
Tạp văn của Trọng Bảo

          Ba mươi tư năm trước, ngày 17 tháng 2 cũng đúng vào chủ nhật như năm nay. Hồi ấy, sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, chúng tôi được cấp trên phổ biến là Trung Quốc đánh sang Việt Nam chọn đúng ngày chủ nhật để giảm dư luận quốc tế phản đối vì ngày cuối tuần ở phương Tây họ thường đi nghỉ, ít chú ý đến vấn đề thời sự. Khi sang ngày thứ hai thì việc nổ ra một cuộc chiến tranh là chuyện đã rồi.
           Ngày 17 tháng 2 năm 1979, cách nay vừa tròn ba mươi tư năm, tôi có mặt ở khu vực cửa khẩu Bình Mãng (Hà Quảng-Cao Bằng). Trung đội thông tin chúng tôi trú quân ở bản Cốc Vườn, cách đường biên giới chưa đầy năm trăm mét đường chim bay. Đứng trên sàn trước cửa ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc tôi nhìn rõ vị trí đặt súng 12ly7 của đối phương ở trên một mỏm núi đá ăn sâu vào đất ta. Buổi tối ngày thứ bảy (16-2-1979), chúng tôi còn chuẩn bị để ngày mai chủ nhật được nghỉ toàn đơn vị sẽ đi cuốc đất trồng ngô. Nhưng đến nửa đêm thì có lệnh báo động chiến đấu, các bộ phận nhanh chóng cơ động lực lượng lên trận địa phòng ngự. Lợi dụng đêm tối, bọn địch đã cắt phá mấy chục mét rào biên giới, lùa hàng chục con trâu sang để phát hiện vị trí các bãi mìn của ta. Trung đội thông tin tiểu đoàn 3 chúng tôi được lệnh triển khai tổ chức các hướng đảm bảo liên lạc cho các điểm chốt của bộ binh và trận địa hoả lực. Anh em đi hết, trong ngôi nhà sàn rộng thênh thang chỉ con một mình tôi và một chiến sĩ vô tuyến 2W. Suốt đêm tôi không ngủ được vì bận canh thông máy vô tuyến cho các hướng liên lạc. Gần sáng, tôi vừa chợp mắt thì giật nảy mình bởi những tiếng nổ dữ dội. Tôi bật dậy vớ vội khẩu súng, khoác ba lô lao ra cửa nhà thì nghe tiếng trung đội trưởng Mùi quát gọi:
          - Bọn giặc tấn công rồi! Ra trận địa phòng ngự ngay!
          - Rõ! - Tôi đáp và nhảy ào xuống khỏi sàn nhà. Người chiến sĩ thông tin 2W cũng đeo máy phóng theo. Chúng tôi vừa chạy vừa nằm ép người bò lết theo lòng mương nước, bờ ruộng trên cánh đồng trống trải để tránh đạn và chạy về vị trí chỉ huy của tiểu đoàn. Bầu trời sáng rực lên bởi những luồng lửa đạn từ phía bên kia biên giới bắn sang. Luồng đạn bay đỏ rực, xé nát cả bầu trời đêm. Tiếng đạn pháo đinh tai, chói óc, tiếng đạn 12ly7 quét ràn rạt nổ toang toác trên cánh đồng tróng trải. Tiếng người nháo nhác gào gọi nhau thảm thiết, tiếng kêu khóc hoảng loạn của những người dân chưa kịp đi sơ tán. Tiếng chó sủa, gà kêu, bò rống tan tác, vỡ đàn. Tiếng tre nứa nổ lốp bốp từ những ngôi nhà trúng đạn đang bốc cháy rần rật. Mọi thứ âm thanh, ánh sáng hỗn độn hoà vào nhau trong lửa cháy, đất đá văng, khói bụi mù mịt. Đó là ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc mà tôi đã được chứng kiến và tham gia. Cuộc chiến tranh ấy đến hôm nay vừa tròn ba mươi tư năm chẵn. Một cuộc chiến không thể lãng quên trong tâm trí của bao nhiêu người lính biên cương.
           Ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt trên các hướng. Bọn địch tấn công như vũ bão. Chúng chọc thủng tuyến phòng ngự của quân ta phía Thông Nông, Trà Lĩnh. Xe tăng nhãn hiệu “bát nhất” của địch tiến rất nhanh về hướng thị xã Cao Bằng. Khu vực trung đoàn chúng tôi phòng ngự địch cũng vượt qua được phòng tuyến của tiểu đoàn 2 ở Pác Bó tiến xuống ngã ba Đôn Chương. Vậy là tiểu đoàn 3 chúng tôi nằm giữa vòng vây bốn bề của quân giặc. Đạn địch từ phía biên giới bắn thẳng xuống, pháo địch từ phía sau nã lên và hai bên sườn là bộ binh và các đơn vị đặc nhiệm, thám báo Trung Quốc ép sát. Tuy nhiên, hướng phòng ngự chính diện của tiểu đoàn 3 chúng tôi bọn địch từ bên kia biên giới tràn sang không thể tiến sâu xuống được thị trấn Sóc Giang. Bọn chúng bị chặn đứng ở khu vực chốt cây đa của đại đội 11. Hàng trăm tên địch bị tiêu diệt, hàng chục chiếc xe tăng cuả bọn chúng bị bắn cháy, Trận địa của các đơn vị lở lói tan hoang, đất đá, hầm hào bị tróc hết sau những đợt nã pháo và tấn công dữ dội của quân địch. Vậy mà sau hàng chục đợt xung phong của bọn xâm lược trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh đại đội 11 vẫn bảo vệ được chốt cây đa thứ nhất và chốt cây đa thứ hai. Song tình hình của tiểu đoàn 3 chúng tôi cũng vô cùng khó khăn, nguy hiểm trước sức ép tiến công của một lực lượng bộ binh, cơ giới đông đảo của quân xâm lược và trước sự chi viện ngày càng thưa thớt, ít ỏi dần rồi mất hẳn của cấp trên.
           Đến đêm ngày 17 tháng 2, chúng tôi được lệnh chuyển vị trí chỉ huy tiểu đoàn xuống hang Huyện uỷ ở giữa thị trấn Sóc Giang. Hang nằm lưng chừng một mỏm núi đá trơ chọi giữa thị trấn. Nơi mà mấy ngày hôm sau đã diễn ra những trận đánh rất ác liệt khi quân địch từ phía sau đánh ngược lên thị trấn Sóc Giang. Chúng tôi lặng lẽ bám sát nhau đi theo lối mòn chân núi. Qua nghĩa trang thị trấn chúng tôi gặp các chiến sĩ trung đội vận tải của tiểu đoàn đang hì hục đào huyệt chôn cất liệt sĩ. Có gần mười cán bộ, chiến sĩ là những người hy sinh trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh đã được đưa về đây. Họ được gói trong những tấm vải liệm còn mới tinh, trong những túi ni-lông. Họ được vùi vào trong lòng đất. Không có hương nhang, không có hoa, chỉ có những cành lá xanh cắm lên nấm đất ướt đẫm sương đêm nơi biên giới. Những ngày sau đó khi thị trấn Sóc Giang bị quân địch chiếm, bọn chúng đã cho đào các nấm mồ của các anh chị lên để tìm vũ khí. Sau chiến tranh chúng tôi chôn cất, đắp lại mồ cho các anh chị ấy. Vậy mà đã tròn ba mươi tư năm. Khi các anh chị ngã xuống tuổi đời vừa mới mười tám, đôi mươi. Bây giờ “tuổi làm liệt sĩ” của các anh chị đã gần gấp đôi tuổi đời của mình khi ấy.
           Ba mươi tư năm trôi qua, hơn một phần ba thế kỷ, nhưng năm nào đến ngày 17 tháng 2 tôi cũng đều nhớ về những người đồng đội của mình mùa Xuân năm ấy. Đó là một mùa Xuân lạnh lẽo, đau thương, cánh hoa đào rừng vương trên báng súng của những người lính trong một cuộc chiến đấu không cân sức với quân thù để bảo vệ biên giới của Tổ quốc thân yêu.   
                                                                 Vĩnh Phúc, 17/2/2013

(*) Mời xem diễn biến những ngày chiến tranh biên giới phía Bắc tại hướng phòng ngự của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 qua Truyện dài TRONG VÒNG LỬA, đăng trong mục "tiểu thuyết" của blog này (Trọng Bảo)

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

MÙA XUÂN ĐẾN - thơ

 

Cây đào nhà nhà tôi ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc (ảnh Trọng Bảo)

Mùa Xuân đến
 
Lúc giao thừa em đi hái lộc
Bước chân rón rén nhẹ trên đường
Chút gió lạnh vương trên mái tóc
Đôi vai mềm còn thấm hơi sương.
 
Sáng mùng một dang tay mở cửa
Sắc hoa đào trước ngõ bừng lên
Mở máy tính tìm câu thơ viết dở
Khi mùa Xuân đã đến bên thềm…
 
              Mùng 1 Tết Quý Tỵ
                Trọng Bảo