Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

SÔNG LÔ XANH đăng báo QĐND

  
Trang văn học Báo Quân đội nhân dân, chủ nhật 24/2/2013 đã đăng tản văn Sông Lô xanh của tôi. Tác giả chân thành cảm ơn Phòng Biên tập Văn hóa của báo và xin post lại tản văn này trên blog (Trọng Bảo).
 
Sông Lô xanh
QĐND - Chủ Nhật, 24/02/2013, 20:42 (GMT+7)


QĐND - Tôi còn nhớ mùa Đông năm 1997, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chiến thắng Việt Bắc (1947-1997), Báo Quân khu 2 có "đặt hàng" tôi viết một truyện ngắn về sông Lô. Nhận lời, tôi khăn gói lên đường hành quân đi thực địa. Tôi tiếp cận sông Lô từ bến Then ngược lên vùng Phương Khoan, Đôn Nhân, Đôn Mục. Sông Lô mùa cạn nước trong xanh. Những chiếc thuyền vẫn giương buồm ngược xuôi theo dòng nước. Những chiếc sà lan lên Tuyên tiếng còi ủ nghe nằng nặng chuyến hàng.
Đứng trên bến Then, gió thổi hơi lành lạnh từ mặt sông, tự dưng trong tôi ngân lên những nốt nhạc trong Trường ca sông Lô của nhạc sĩ Văn Cao. Dòng sông trong xanh hiền hòa kia mà đã có một thời khói lửa chiến tranh. Cái thời mà đạn moọc-chê của quân Pháp xé tan tành từng con thuyền nhỏ đậu trên bến Then, khói lửa ngút trời bốc lên từ các xóm làng ven sông. Máu của dân lành hòa tan trong dòng nước chảy về xuôi. Nhưng cũng chính trên dòng sông Lô này những người lính pháo binh Việt Nam tuổi mười tám, đôi mươi đã dũng cảm kéo pháo ra sát mép nước, chờ tàu chiến của giặc tới. Có những người lính vệ quốc quân đã ngã xuống, máu của họ hòa vào dòng nước Lô giang.
Những hình ảnh đó chợt tái hiện lên trong tôi khi nhìn xác tàu chiến của quân giặc bị bắn chìm ngày ấy còn lập lờ ở ghềnh Khoan Bộ. Tôi nghĩ về một sông Lô xanh của cha anh ngày trước và một dòng sông Lô của hôm nay và mai sau.
Sông Lô là phụ lưu tả ngạn của sông Hồng. Dòng sông Lô bắt nguồn từ Vân Nam-Trung Quốc, chảy vào Việt Nam từ xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang. Phần đầu nguồn sông Lô nằm trên lãnh thổ Trung Quốc có tên là "Bàn Long Giang", phần chảy trên đất Việt Nam có tên là sông Lô, một cái tên thuần Việt. Có lẽ cũng bởi dòng sông Lô chủ yếu chảy trên đất Việt, với chiều dài là 274km. Lưu vực sông Lô hơn 22.600km2. Điểm cuối của sông Lô là ngã ba Việt Trì. Đây là nơi sông Lô đổ vào sông Hồng để góp phù sa cho vùng đồng bằng Bắc bộ. Đoạn sông Lô từ ngã ba Việt Trì (Phú Thọ) lên tới Tuyên Quang dài 156km, tàu thuyền có tải trọng đến 150 tấn vận tải hoạt động cả hai mùa. Theo Lê Quý Đôn viết trong sách Kiến Văn Lục, sông Lô còn có tên là Mã Giang. Một cái tên cho ta hình dung sự dữ dội, mạnh mẽ của sông Lô, một dòng nước chảy xiết, băng qua những ghềnh đá tung bọt trắng xóa như bờm con ngựa chiến đang phi nước đại. Trước sự hùng vĩ và bi tráng của sông Lô khiến tôi cứ bâng khuâng mãi.

"Chiều nay tôi đã đến sông Lô
Qua bến phà Then nhớ về chuyện cũ
Dòng sông xanh như tóc người thiếu nữ
Đổ dài trên bến bãi quê ta.
  
Ôi dòng sông chở nặng phù sa
Cho xanh ấm những nương ngô, bãi mía
Cho khuất lấp một thời chiến địa
Máu xương rơi nhuộm đỏ đất này..."
 
Mấy vần thơ trên vụt hiện lên trong đầu tôi khi ngồi nghe các đồng chí lãnh đạo xã Phương Khoan giới thiệu về lịch sử đấu tranh và xây dựng của xã nhà, một xã anh hùng trong kháng chiến chín năm trường kỳ.
Rời trụ sở xã Phương Khoan, tôi lên đê trở lại bến Then. Lúc bước lên phà qua sông thì trời đã buông chiều, khói lam bảng lảng quanh những bụi tre ven bờ. Con phà chuẩn bị rời bến. Tiếng xích sắt loảng xoảng, tiếng ca nô kéo phà hụ lên, tiếng người gọi nhau lao xao cũng không làm xáo động cái không khí thanh bình trên bến sông quê. Phà ra đến giữa sông. Tôi hít căng lồng ngực cái vị mát lạnh của hơi nước từ mặt sông bốc lên.
Trong đám đông những người đi chợ quê chiều về muộn, tôi chợt chú ý đến một ông già đeo chiếc ba lô cũ kỹ. Một bó sắn củ tươi, món quà quê trung du buộc trên nắp ba lô ông đang khoác trên vai. Hỏi chuyện mới biết ông là một người lính năm xưa từng hoạt động ở vùng Lập Thạch. Ông quê ở Nam Định. Nhân dịp lên Quân khu 2 dạm vợ cho anh con trai là cán bộ một đơn vị đóng quân ở đây, ông tranh thủ về thăm lại bà con nơi từng đùm bọc, gắn bó thời chiến tranh. Câu chuyện của ông với những kỷ niệm của mình khiến tôi vô cũng thích thú. Đó chính là cái cốt của một truyện ngắn. Đúng là tôi đã gặp may ngay trong chuyến đi thực tế ngắn ngủi. Truyện ngắn "Ký ức sông Lô" (*) tôi viết xong rất nhanh nhờ vậy.
Hôm nay khi đặt bút viết một tản văn về sông Lô, tôi lại nhớ về lần đi thực tế ấy. Con sông Lô vẫn ngày đêm chảy mãi, dòng nước đã để lại trong ký ức biết bao người những kỷ niệm thân thương. Dòng sông chảy về xuôi chở theo bao nỗi buồn nhân thế. Đã có những thân phận con người chìm xuống đáy sông, có những cảnh đời lênh đênh trên sóng nước. Sông cũng đau như lòng ta đau, sông cũng khóc như bao kiếp nhân sinh đã khóc. Dòng sông là dòng đời. Tôi chỉ mong sông Lô sẽ mãi mãi hiền hòa, xanh trong.

                                                                     Tản văn của TRỌNG BẢO

(*) Mời xem Truyện ngắn Ký ức sông Lô theo đường link dưới đây:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét