Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

NHỮNG NGƯỜI LƯƠNG CAO - thơ

NHỮNG NGƯỜI LƯƠNG CAO
Có những người “lương cao”
Đêm ngủ trong chiến hào
Bữa cơm ăn trên chốt,
Những đêm đông lạnh buốt
Hành quân giữa rừng già
Bao ngày không về nhà
Nhớ con lòng quặn thắt...
Có những người “lương cao”
Quanh năm nơi sóng gió
Nhà giàn trong bão tố
Sóng dữ dội nhấn chìm
Xương cốt không thể tìm
Giữa mênh mông sóng cả,
Đáy biển sâu lạnh giá...
Còn bao người “lương cao”
Vẫn đang vượt gian lao
Gánh trên vai Tổ quốc,
Chẳng so đo sau, trước
Có lệnh là lên đường
Bởi còn đó biên cương,
Và ngoài kia biển đảo
Quân thù vẫn quẩn quanh...
Hà Nội, 31-5-2020
TRỌNG BẢO

Ảnh: Bữa cơm của những người lính "lương cao" ở chốt phòng dịch Covid-19 nơi biên giới.

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

NHỚ THUỞ BIÊN THÙY - thơ


NHỚ THUỞ BIÊN THÙY
Thơ Trọng Bảo

Những hình ảnh không thể quên về cuộc Chiến tranh Biên giới 1979 ...

Nhớ thuở biên thùy năm ấy
Mịt mù khói lửa chiến tranh
Chúng tôi hành quân ra trận
Mái đầu lính trẻ xanh xanh.

Trận đánh bốn bề lửa đạn
Máu hồng chảy đỏ đường biên,
Người chết nằm bên người sống
Cùng nhau chặn bọn giặc lên.

Bạn tôi gò lưng ghì súng
Bắn đến viên đạn cuối cùng
Hai tay xiết cổ thằng giặc
Cùng lao xuống vực mênh mông.

Vòng vây quân thù khép chặt
Em gái lựu đạn cầm tay
Hoa lửa bùng lên trong mắt
Hồn thiêng ở lại đất này...

Biên thùy chập trùng đá núi
Như bao nấm mộ vô danh
Bao máu, bao xương đồng đội
Đã vùi dưới lớp cỏ xanh?

Hôm nay chúng tôi trở lại
Nhớ sao một thuở quân hành....

          Hà Nội, 27/7/2014
            TRỌNG BẢO




Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Truyện ngắn vui ĐI TÙ “TRẢ GÓP”

ĐI TÙ “TRẢ GÓP”
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo
Không có mô tả ảnh.













Thằng Bất phóng chiếc xe máy cà tàng xồng xộc vào sân. Nó dựng xe rồi lao vào trong nhà vớ cái ấm nhôm đựng nước đun sôi để nguội ngửa cổ tu ừng ực. Trời hôm nay ngoài đường chắc phải nóng đến hơn bốn mươi độ C. Đầu tóc, mặt mũi, quần áo thằng Bất ướt sũng. Lão Cốc dừng tay quét nhà hỏi:
- Hôm nay mày đi làm thuê ở đâu mà về sớm thế?
- Làm ở trên thị trấn huyện... mà lỗ vốn, mất cà chì lẫn chài rồi bố ạ!
Lão Cốc bảo:
- Mày đi làm thuê bán sức kiếm tiền, làm nhiều, ăn nhiều, có đi buôn bán gì đâu mà lỗ vốn?
Thằng Bất càu nhàu:
- Nhưng con làm thuê cả ngày chỉ được có hai trăm ngàn đồng, bị mất luôn nó những bốn trăm ngàn đồng. Thế có phải là lỗ vốn thì còn gì nữa?
Lão Cốc bực:
- Mày lại đề đóm, bài bạc chứ gì? Liệu cái thần hồn đấy!
- Con không bài bạc, đề đóm mà là bị phạt khi tham gia giao thông đấy bố ạ!
- Chắc là mấy thằng chúng mày đi làm thuê về bỗng nổi hứng lên lạng lách đua xe bị công an phạt chứ gì?
- Không phải! Mà là chúng con bị phạt do chạy xe máy thiếu giấy bảo hiểm đấy bố ạ!
- Tại sao chúng mày đi xe máy mà không mua bảo hiểm? Không may mà xảy ra tai nạn hoặc bị mất xe được bồi thường rất cao đấy...
Thằng Bất lắc đầu:
- Là bố nghe ngành bảo hiểm họ tuyên truyền thôi! Lỡ xảy ra tai nạn, mất, hỏng xe có mà đến tết cũng chả đòi được tiền bảo hiểm?
- Tại sao lại thế! Mình mua bảo hiểm thì họ phải có trách nhiệm “bảo hiểm” cho mình chứ?
Thằng Bất cười to:
- Ối cụ bô ơi. Cụ ngây thơ quá! Họ bán được bảo hiểm cho mình xong là họ xong trách nhiệm. Chẳng may xảy ra va chạm, bị thương, chết người, hỏng hóc xe máy thì... leo lên gặp ông trời kêu cứu, xin bồi thường còn dễ hơn là gặp cán bộ bảo hiểm đòi tiền bảo hiểm đấy bố ạ!
Lão Cốc băn khoăn:
- Sao họ lại vô trách nhiệm thế nhỉ... Nếu bán bảo hiểm mà không bảo hiểm cho người ta thì bán làm gì?
- Bố ơi! Họ bán bảo hiểm để lấy tiền chứ còn làm gì nữa? Trên báo đã viết, ngành bảo hiểm họ thu 800 tỷ mà chỉ són ra bồi thường hết có 50 tỷ đồng thôi... Ngành bảo hiểm lợi nhuận cao như thế thảo nào họ bày bán đầy đường, đến từng nhà chào mua bảo hiểm đấy bố ạ.
Lão Cốc trợn mắt:
- Nói thế chả hóa ra họ... họ... ăn không tiền của người mua bảo hiểm à? Làm “nghề bảo hiểm” ăn tiền của dân ngon quá nhỉ?
- Bố cũng không nên nói thế. Nói thế là vi phạm pháp luật đấy!
Nghe thằng Bất nói thế lão Cốc giật mình lo lo:
- Tại sao lại thế?
- Vì pháp luật đã quy định cho họ được phép hành nghề bảo hiểm mà...
- Nhưng pháp luật cũng quy định họ phải bồi thường cho dân, không thực hiện hoặc trốn tránh không thực hiện thì chính là họ đang vi phạm pháp luật đấy! Vậy mà biết vi phạm pháp luật mà họ vẫn trốn tránh và tồn tại được thì thật là lạ...
Thằng Bất đồng tình rồi nói thêm:
- Hiện nay còn có một chuyện rất lạ nữa bố ạ!
- Còn chuyện gì thế?
- Là chuyện một ông phó chủ tịch thành phố Nha Trang bị khởi tố, xét xử vả bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 9 tháng tù mà vẫn “bảo toàn” chức vụ cùng các chế độ lương bổng đấy!
- Có chuyện lạ thế à? Ông ấy đi tù mà vẫn còn giữ chức phó chủ tịch thì ông ấy làm việc thế nào được hả?
Thằng Bất ngập ngừng:
- Chắc là từ trong tù ông ấy “làm việc trực tuyến” bố ạ! Từ dạo có dịch Covid-19 các cơ quan họ quen với việc làm việc trực tuyến, không phải đến cơ quan rồi. Chỉ cần một cái điện thoại thông minh là từ trong tù ông ấy vẫn họp hành, chỉ đạo công tác ngon lành.
- Nhưng là phó chủ tịch thành phố có lúc còn phải tiếp khách, tiếp dân, liên hoan, gặp gỡ nữa chứ?
- Thì... ông ấy ngồi trong tù... tiếp dân, tiếp khách trực tuyến cũng được. Bây giờ phòng dịch tránh tiếp xúc gần, tránh ôm hôn, bắt tay càng tốt bố ạ!
- Mày nói thế nào chứ như thế không ổn! Một ông lãnh đạo ngồi trong tù, mặc áo tù thì tiếp dân, tiếp khách thế quái nào được chứ?
Thằng Bất vò đầu vò tai rồi reo lên:
- A... con nghĩ ra rồi. Có lẽ nhà tù họ thực hiện giải pháp “đi tù trả góp” đấy bố ạ!
Lão Cốc ngạc nhiên:
- “Đi tù trả góp” là cái gì vậy?
- Thì cũng giống như mua hàng trả góp thôi bố ạ! Quan chức, lãnh đạo nếu phạm tội phải thi hành án tù thì có thể áp dụng phương pháp “trả góp”, khi nào rảnh rỗi, ít công việc thì tranh thủ... đi tù, xin nghỉ phép để đi tù, hoặc xin đi học tại chức để đi tù... Mỗi năm đi tù một ít thời gian, đến khi nào hết thời hạn phải ngồi tù thì thôi. Làm như thế thì sẽ vẫn giữ được nguyên chức vụ, lương bổng. Ở bên Tây họ còn cho “đi tù tại gia” đấy bố ạ!
Lão Cốc gật gù:
- Mày học hành lôm côm mà cũng phát kiến ra một giải pháp rất mới, rất độc đáo. Mày nên viết thành “Đề án đi tù trả góp” rồi gửi ngay cho ngành tư pháp nghiên cứu thực hiện có khi được khen thưởng lớn đấy, đỡ phải đi làm thuê...
Lão Cốc nói xong phá lên cười. Thằng Bất làu bàu:
- Bố cũng thật là hài hước... Thôi bố ở nhà, con ra ngoài đường mua lấy một cái giấy bảo hiểm xe máy kẻo ngày mai đi làm thuê công an họ lại phạt thì có mà chết đói bố ạ...
Hà Nội, ngày 23-5-2020

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

Truyện ngắn vui BUỒN QUÁ ÔNG Ạ!

BUỒN QUÁ ÔNG Ạ!
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: 9 người, mọi người đang đứng và ngoài trời
Ảnh: Các thầy cô giáo "bán điểm ăn tiền" cười vui khi ra khỏi phiên tòa ở Hòa Bình.

Ông Tô tay cầm tờ báo vội vã đi tìm lão Cốc. Trong sâu thẳm cõi lòng của một nhà giáo chân chính ông Tô thấy một nỗi buồn đang trào lên dữ dội. Vừa gặp lão Cốc ông Tô đã giơ tờ báo lên, miệng ông ú ớ mãi mới nói được thành lời:
- Ông đã đọc báo mới chưa?
- Tôi đọc rồi... mà có chuyện gì khiến ông bức xúc quá thế?
- Thì... thì cái chuyện ngành giáo dục của tôi đấy!
- Ngành giáo dục hay ngành nào thì chả có chuyện hả ông? Bức xúc làm gì cho tổn thọ. Việc tiêu cực hãy để cho lãnh đạo, cho lớp trẻ họ lo lắng tiếp ông ạ!
- Nhưng chuyện cái cô giáo làm công tác quản lý giáo dục ra tòa mà lại đi ngụy biện "ai cũng gù mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật" thì quả là một sự ngụy biện không còn gì để nói nữa ông ạ! Thế thì có phải là một sự hèn nhát hay chính là sự đồng lõa với cái xấu, cái tiêu cực hay không hả?
Lão Cốc nói:
- Điều ấy thì chính xác quá rồi! Họ "bán điểm ăn tiền", nuốt không trôi nên "lý luận" một tý cho đỡ dơ mặt ấy mà?
Ông Tô lắc đầu:
- Nhưng mà buồn ông ạ! Làm người thầy mà suy vi như thế thì còn dạy dỗ học trò thế nào được chứ...
Lão Cốc cũng lắc đầu:
- Cái cô giáo ấy ngụy biện đã xấu nhưng các thầy cô giáo khác sau phiên tòa gian lận, bán điểm thi ở Hòa Bình bước ra khỏi vành móng ngựa để trở về nhà giam, giữa một rừng công an lại ngẩng cao đầu cười ngạo nghễ như những người chiến thắng mới đáng nói, đáng chê trách và thật đáng khinh bỉ, coi thường về phẩm cách con người, nhân cách một nhà giáo dục ông ạ!
- Lại còn có chuyện như thế nữa hả ông?
Lão Cốc gật đầu quay vào nhà tìm một tờ báo khác mở ra đưa cho ông Tô xem. Ông Tô trố mắt kinh ngạc khi nhìn bức ảnh... Ông ngồi bệt xuống thềm nhà mãi sau mới nói được một câu:
- Thôi... ông cất tờ báo đi... thật đáng xấu hổ cho những kẻ từng mang danh nhà giáo này quá.
Lão Cốc gập tờ báo lại bảo:
- Bây giờ nhiều người đâu còn danh dự, còn lòng tự trọng và sự xấu hổ nữa hả ông? Ông không đọc báo chuyện ở thành phố Hồ Chí Minh họ ăn chặn cả chút tiền hàng của những trẻ em tàn tật ở trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật à?
- Chuyện ấy tôi cũng đã đọc rồi... nhưng một chút tiền là thế nào? Những 760 triệu đồng đấy! Đúng là lắm chuyện buồn quá... đọc báo ngày nào cũng thấy chuyện tiêu cực, buồn quá ông ạ!
- Nhưng trái lại với những chuyện buồn, những kẻ bán điểm ăn tiền, những kẻ ăn chặn tiền từ thiện vẫn có những chuyện vui, đáng quý đấy ông giáo ạ...
- Là chuyện gì vậy?
- Thì chuyện hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo ở Thanh Hóa viết đơn xin không nhận tiền hỗ trợ của nhà nước do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, dành tiền cho những người nghèo khổ hơn. Đấy chả phải là chuyện đáng trân trọng hay sao?
Ông Tô gật đầu:
- Đúng đó là chuyện đáng trân trọng... những người nông dân nghèo ấy tuy cuộc sống còn đói khổ tư cách của họ còn gấp vạn lần những kẻ chuyên ăn cắp, sống phè phỡn trên tiền tài, công quỹ đấy ông ạ!
Lão Cốc bảo:
- Thôi gác lại những chuyện buồn thiên hạ, tôi với ông ta cùng ra đình làng xem đã tìm ra con mối chúa phá hoại chưa nhé?
Ông Tô theo lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ đi ra đình làng. Vừa đi, lão Cốc vừa ngâm nga một câu thơ mới sáng tác khi xem bài báo có bức ảnh "nụ cười của các nhà giáo bán điểm":
"Ở đời thật lắm chuyện hay
Kẻ gian mà cũng mặt mày vênh vang..."
Hà Nội, ngày 14-5-2020

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

Truyện ngắn vui KHÓC VÌ... HÓC

KHÓC VÌ... HÓC
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Không có mô tả ảnh.

Làng bắt đầu nhộn nhịp vì quy định giãn cách phòng chống dịch được nới lỏng. Đường làng bắt đầu xuất hiện bọn trẻ con đạp xe, đá bóng. Chưa có quyết định đi học nên bọn trẻ con vẫn phải ở nhà học trực tuyến. Làng còn nghèo nên việc học trực tuyến của lũ trẻ con cũng khó khăn. Nhà có một cái máy tính mà hai, ba đứa đi học lại trùng giờ thì biết đứa nào học đứa nào không? Bọn trẻ con vừa ngồi học vừa tranh thủ gặm bắp ngô luộc, lúc lúc chúng lại xin đi vệ sinh khiến thầy cô giáo mỏi cả mồm. Học trực tuyến nên không thể phạt đứng góc lớp những đứa hay quậy phá.
Khi thằng cháu bắt đầu học trực tuyến ông Tô đeo khẩu trang đi dạo trên đường làng một chút cho thư giãn. Cách ly xã hội do bệnh dịch nên ông không được hằng ngày đi bộ tập thể dục mấy tháng rồi. Đến giữa làng thì ông Tô gặp lão Cốc. Lão Cốc đang đi vào ngõ nhà anh trưởng thôn. Tay lão Cốc đang cầm một tờ giấy. Ông Tô chột dạ hơi lo lo nghĩ: “Không khéo lão này lại đọc thơ cho mình nghe thì nguy?”. Nhưng lão Cốc lại giơ tờ giấy lên nói:
- Ông chưa đi nộp bản kê khai à?
- Kê khai cái gì thế?
- Thì... kê khai là hộ nghèo, bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 để nhận tiền hỗ trợ của nhà nước ấy mà!
Ông Tô ngạc nhiên:
- Nhưng... nhà tôi có phải là hộ nghèo đâu mà kê khai?
Lão Cốc bảo:
- Thì... nhà tôi cũng chỉ là hộ cận nghèo... Nhưng tôi cứ kê khai, biết đâu vẫn được hỗ trợ?
Ông Tô nói:
- Không phải hộ nghèo mà nhận tiền hỗ trợ là vi phạm chính sách đấy!
- Ôi dào... họ còn xem xét nghiên cứu chán. Nhà nào không đủ tiêu chuẩn thì ai họ hỗ trợ mà ông vội lo lắng thế?
- Thì tôi sợ sẽ có chuyện tiêu cực. Không thấy ông bộ trưởng bộ lao động đã nói à. Ai mà đụng vào gói cứu trợ Covid-19 thì sẽ mang nhục suốt đời đấy?
- Vẫn biết thế, nhưng thực tế có khối kẻ lợi dụng dịch bệnh Covid để kiếm chút đỉnh đấy ông ạ! Họ ăn quen rồi. Thấy khoản nào ngon ngon là ăn... Chả thế mà cái máy xét nghiệm có hơn hai tỷ mà nhiều tỉnh gửi giá lên đến hơn bảy tỷ đồng đấy.
- Thế nên mới có chuyện khi công an vào cuộc nhiều máy giảm giá đi hẳn một nửa, nhiều doanh nghiệp bán máy bỗng nhân ái “tốt lên” đột xuất, nói là cho địa phương “mượn để chống dịch cứu dân” đấy ông ạ.
- Đó chỉ là một thủ đoạn chạy tội thôi ông ơi!
Ông Tô gật đầu:
- Có ông giám đốc sở y tế tỉnh đã... khóc vì mua máy xét nghiệm Covid giá quá cao đấy?
Lão Cốc bật cười:
- Ông ấy khóc là vì... hóc đấy!
- Tại sao thế?
- Vì nuốt không trôi, bị hóc nên mới khóc... Nhân gặp ông ở đây tôi xin đọc cho ông nghe bài thơ tôi vừa mới viết về việc này nhé!
Rồi chẳng đợi ông Tô có đồng ý hay không, lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ liền đọc luôn:
“KHÓC VÌ... HÓC
Máy xét nghiệm hai tỷ
Nâng lên thành gấp ba
Tiền chia nhau không xuể,
Cả bọn cười... ha... ha...
Cảm ơn con Cô-vít
Đem “lộc” đến tận nhà?
Nào ngờ lại bị hóc
Miếng ngon nuốt không trôi,
Ông giám đốc bật khóc
Nước mắt lã chã rơi...
Nhiều quan tham lộ mặt
Nhờ mày Cô-vít ơi...”.
Ông Tô gật gù khi nghe xong bài thơ của lão Cốc. Lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ biết ông Tô là người rất kiệm lời khen nên không hỏi xem ông có nhận xét như thế nào về bài thơ “hóc” của mình. Lão Cốc bảo:
- Ông về nhà tôi làm chén rượu ngâm thuốc đi?
Ông Tô hỏi lại:
- Thế ông không vào nhà trưởng thôn để nộp bản kê khai xin hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19 à?
Lão Cốc vo tờ giấy kê khai lại rồi ném xuống rãnh nước và nói:
- Không nộp nữa... nhà mình đến nỗi nào đâu mà phải xin hỗ trợ của nhà nước chứ? Để cho những người khó khăn hơn ông ạ!
Hà Nội, ngày 2-5-2020

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

MỘT KHÚC QUÂN HÀNH

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, ngoài trời và thiên nhiên

Chiều ngày 30-4-1975, chúng tôi nghe tin miền Nam được giải phóng khi đang đóng quân huấn luyện dã ngoại ở xóm Bình Khang, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái. Chỉ huy đơn vị cho bộ đội dừng tập cùng nhân dân trong xóm reo hò, ăn mừng đại thắng. Trước đó mấy hôm Trung đoàn 246 chúng tôi đã làm lễ xuất quân vào miền Nam chiến đấu tại một khu đồi bạch đàn gần vị trí đóng quân. Đại đội chúng tôi được trao một lá cờ mặt trận giải phóng miền Nam nửa xanh nửa đỏ. Vậy là chúng tôi chưa kịp lên đường miền Nam đã giải phóng, đất nước đã thống nhất.
Sau những ngày chiến thắng từng bừng ấy, Trung đoàn 246 chúng tôi chia làm hai. Một nửa về Hà Nội tham gia xây dựng Lăng Bác, một nửa hành quân bộ vượt qua dãy núi Tam Đảo sang Vĩnh Phú làm nhiệm vụ hộ đê, chống lụt. Sau đó là những ngày hòa bình nhưng đầy sự gian lao, vất vả. Chúng tôi chặt cây làm trại tù ở Văn Chấn, Yên Bái rồi về Hà Giang đào đất, phá đá mở đường. Tôi không bao giờ quên những cơn mưa rừng, trận lũ lớn trên ngòi Lao, Văn Chấn. Chặt nứa, đan tranh lợp nhà mòn hết cả móng tay thấu đến tận thịt. Rồi những cơn đói cồn cào khi vác choòng, xà-beng leo lên vách núi giữa rừng Hà Giang đục đá mở đường. Người lính làm kinh tế, mong làm giàu cho đất nước nhưng trải qua bao nhiêu đói khát, gian lao giữa chốn đại ngàn. Trong thời gian ấy tôi có một lần được cử đi đào tạo tại Trường sĩ quan Thông tin. Mấy tháng liền đào đất, đóng cay, dẫy cỏ, trồng rau tăng gia ở Hiệp Hòa, Hà Bắc rồi tôi quay trở lại lên với Hà Giang cùng đồng đội xẻ núi mở đường.
Cuối năm 1978, đơn vị tôi lật cánh sang hướng Cao Bằng. Những người lính Trung đoàn 246 chúng tôi rời cái xẻng, cái cuốc đào đất làm kinh tế nhận lại khẩu súng chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc. Khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979 nổ ra tôi có mặt ở khu vực cửa khẩu Bình Mãng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Trải qua những trận đánh ác liệt, những ngày đêm thất lạc trong vòng vây khép chặt của quân Trung Quốc xâm lược, đói khát và kiệt sức. Có lúc tôi thấy vô cùng bi quan khi nhìn quanh mình chỉ còn vài chiến sĩ quần áo tả tơi, tay cầm những khẩu súng hết đạn, chiếc ba lô lép kẹp trên vai không còn một chút lương thực. Nhưng rồi chúng tôi cũng vượt qua được vòng vây của quân thù trở về với đơn vị. Sau chiến tranh biên giới tôi được về xuôi đi học. Hoàn thành khóa học tôi được điều lên Lạng Sơn làm cán bộ đại đội rồi về Hà Nội làm báo, viết văn. Bốn mươi năm- một khúc quân hành tôi đã đi qua. Không bao giờ tôi quên những người từng chia sẻ gian lao trong cuộc đời quân ngũ, trong cuộc chiến đấu ở Cao Bằng, trong những ngày tháng nằm hầm trực chiến ở Lạng Sơn, không quên những người đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh khốc liệt và những người đã mất trong hòa bình vì tuổi cao, bệnh nặng... Bạn bè, đồng đội tôi có nhiều người trở về quê trở thành nông dân, mỗi lần gặp lại nhau là cười vui hể hả. Có người lên cấp chức cao hơn tôi rất nhiều nhưng khi gặp lại cái bắt tay cũng lỏng. Có người lên đến chức thứ trưởng, bộ trưởng, song cũng có người hiện đang ngồi trong tù vì sai phạm...
Thế đấy, cuộc sống vẫn trôi đi, dòng đời như dòng sông không bao giờ ngừng chảy. Trong dòng chảy đó tôi cảm thấy lòng mình thanh thản bình yên khi đã đi trọn một khúc quân hành kể từ mùa Xuân năm 1975 ấy...
Hà Nội, 30/4/2020
TRỌNG BẢO

Truyện ngắn vui NGƯỜI SÂU


NGƯỜI SÂUTruyện ngắn vui của Trọng Bảo
Việc ấy cứ giao cho Diêm Vương - Giao thông
Lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ vừa viết xong bài thơ "12 con mọt" nói về chuyện 12 ông, bà quan về vườn rồi không chịu trả lại nhà công vụ cho nhà nước đang bị dư luận lên án. Lão Cốc đang định sang nhà đọc cho ông Tô nghe bài thơ mới này thì thằng cháu nội mặc bộ quần áo người nhện tay cầm một thanh đại đao bằng nhựa xông vào phòng múa may loạn xạ. Lão Cốc giật nảy mình quát:- Mày quậy phá vừa vừa thôi!Thằng bé vội khoe:- Bộ quần áo "người dơi" và thanh đại đao này bố cháu vừa mua cho đấy. Bố cháu bảo chịu khó học giỏi sẽ mua cho thêm một bộ quần áo "người nhện" nữa!Lão Cốc trừng mắt bảo:- Học hành cho giỏi, cho tài để mà làm người thật, người tốt con ạ. Đừng làm người dơi, người nhện hay người sói chả hay ho gì đâu?Thằng Bất từ ngoài vườn vào nghe thấy hai ông cháu nói chuyện liền lên tiếng:- Bây giờ nhiều người giỏi, người tài nhưng họ lại không muốn làm "người thật" đâu hai ông cháu ạ!- Không làm người thì làm gì hả?- Thì... họ muốn làm người này, người nọ... Thì đấy, hôm qua con chuẩn bị máy vi tính cho các cháu học trực tuyến thấy bố đang viết dở bài thơ "12 con mọt". Bố cũng ví họ là con mọt đấy thôi:"12 vị quan toĐược cấp nhà công vụVề hưu rồi cố thủÂm mưu chiếm đoạt luônKhi đương chức luôn mồmGiáo dục dân gương mẫuNhưng chính mình thối nẫuLòng tham đã thâm sì..."Lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ vội xua tay:- Thôi... thôi... bài thơ này tao vẫn chưa công bố mày đừng đọc nữa. Không được để lũ trẻ con bị ảnh hưởng tư tưởng khi nghe về những tiêu cực của người lớn, hiểu không? Thằng Bất cười hi hi:- Con thích nhất hai câu cuối của bài thơ:"Rõ ràng đang là ngườiBỗng biến thành con... mọt".Lão Cốc đành ậm ừ bảo thằng Bất:- Thôi mày mở máy tính cho thằng bé học trực tuyến đi. Đến giờ cô giáo lên lớp điểm danh rồi. Mà từ bây giờ mày không được mua các loại quần áo người nhện, người dơi cho bọn trẻ nữa nhé. Tao rất ghét nhìn thấy các loại trang phục như thế này...Thằng Bất vẫn cố cãi:- Thế thì con sẽ mua cho nó bộ quần áo của... "người sâu" vậy?- "Người sâu" là loại người gì? Tao chỉ nghe nói đến "người dơi", "người nhện", "người sói", "người tuyết" và "người rừng" thôi... Bọn "người sâu" này ở đâu vậy. Họ sống ở trong rừng sâu hả?- Họ sống ngay tại thủ đô Hà Nội chứ không ở xa xôi trong rừng sâu núi thẳm đâu bố ạ!- Thế à?- Họ tồn tại đã lâu trong nhiều cơ quan nhà nước. Hôm qua, có bác "người sâu" là giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội và một số ông, bà "người sâu" ở các cơ quan khác đã bị bắt vì tham nhũng, nâng giá khống để chiếm đoạt tiền ngân sách dành cho việc mua sắm thiết bị xét nghiệm virus Covid-19 đấy bố ạ!Lão Cốc có vẻ bức bối bảo:- Bọn này đúng là sâu mọt thật sự. Nhưng sao mà chúng tàn nhẫn và ác đến thế mày nhỉ? Trong khi tất cả dốc sức, căng mình chống dịch. Có các cụ già, mẹ liệt sĩ hơn trăm tuổi còn đóng góp chút tiền trợ cấp ủng hộ lực lượng chống dịch, giúp đỡ người nghèo bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Có những em bé dành tiền tiết kiệm mua khẩu trang tặng người đi đường. Vậy mà bọn chúng là cán bộ, có tránh nhiệm xã hội hẳn hoi mà lại đang tâm nâng giá để tham nhũng tiền mua trang bị xét nghiệm, chữa trị bệnh dịch cho bệnh nhân... Bọn chúng đúng là không còn là con người nữa rồi...Đến lượt thằng Bất tâm đắc nói với bố:- Đấy! Con đã nói rồi mà. Bây giờ có người không phải là người nữa rồi bố ạ!Lão Cốc gấp tờ giấy in bài thơ "12 con mọt" vào túi áo để đi sang nhà ông Tô. Vừa bước ra cửa lão vừa lẩm bẩm: "Đúng là một bọn "người sâu", nguy hiểm và xấu xa hơn cả bọn Covid-19"...
Vĩnh Phúc, ngày 23-4-2020