Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Truyện ngắn vui ĂN MIẾNG, TRẢ MIẾNG

ĂN MIẾNG, TRẢ MIẾNG
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Không có mô tả ảnh.

Lâu lâu không gặp lão Cốc tự dưng ông Tô lại thấy nhớ. Sáng nay các cháu đi học hè hết nên ông Tô đi bộ ra phía đầu làng. Trời mùa hè buổi sáng đã oi nóng. Ông Tô dự định đi bộ một lát rồi về ngay kẻo lại bị bà vợ nhắc nhở vi phạm "nguyên tắc 3 không". Ra đến đầu làng, ông Tô chạm ngay lão Cốc đang ngồi nhâm nhi chén rượu cuốc lủi ở quán thịt chó của mụ Béo. Ông nói đùa:
- Nhà thơ có nhuận bút thơ đăng báo mà không khao tôi à?
- Có mà nhuận... gút? Tôi nghe ông suýt nữa thì toi đấy!
- Sao lại thế?
Lão Cốc vẻ buồn:
- Thì... nghe ông tôi về bảo thằng cháu đánh vi tính giúp bài thơ: "Hoan hô công an" để gửi cho báo tỉnh. Thằng cháu đánh vi tính xong in ra làm mấy bản cho tôi gửi cho báo. Nó đem một bản ra lớp cùng các bạn truyền tay đọc thuộc bài thơ. Nào ngờ thầy giáo biết thu được bài thơ ấy báo cho ông hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng lập tức nộp ngay cho công an xã...
- Nộp cho công an để làm gì?
Ông Tô giật mình hỏi lại. Lão Cốc ậm ừ giải thích:
- Thì họ bảo đây là một loại tài liệu... xấu... rất xấu đấy?
Ông Tô ngạc nhiên:
- Bài thơ châm biếm tham nhũng thế sao lại là tài liệu xấu được?
- Thì... châm biếm, đả kích đoàn thanh tra của bộ tức là là... tài liệu xấu, phản động đấy? Công an xã liền họ gọi tôi lên cảnh cáo lần sau không được viết lách như thế này nữa? Không khéo vì bài thơ này tôi có tên trong "sổ đen" của xã đấy!
- Hừ... vô lý... Tôi thấy bài thơ của ông rất hay. Trong lúc cuộc đấu tranh chống tham nhũng thế này cần phải có có những tác phẩm như thế chứ?
- Ai cũng nghĩ như ông thì xã hội này mọi thứ đều tốt đẹp cả...
- Thế... thế... báo tỉnh họ có đăng bài thơ ấy không?
Lão Cốc đặt chén rượu uống dở xuống bàn kéo tay ông Tô ngồi xuống ghế. Đoạn lão rút trong túi ra một cái phong bì nhỏ và thì thào:
- Tòa soạn họ gửi thư cho tôi rồi. Ông xem đi. Họ bảo bài thơ rất hay, rất thời sự nhưng... "nhạy cảm" không đăng báo được đâu?
- Thế à?
Ông Tô xem nội dung cái phiếu báo nhận bài của tòa soạn báo thấy đúng như lời lão Cốc nói. Ông trả lại cái phong bì có cái phiếu nhận bài cho lão Cốc. Tự dưng ông Tô thấy buồn quá. Hóa ra chuyện không đơn giản như ông và lão Cốc nghĩ. Đấu tranh phê phán bằng văn chương, chữ nghĩa không cẩn thận dễ bị suy diễn, quy chụp rất nguy hiểm. Ông thẫn thờ đứng dậy định ra về thì lão Cốc lại kéo ông ngồi xuống thì thào:
-Tôi nghe nói bộ họ lập tức thành lập một đoàn thanh tra khác xuống huyện ta đấy!
- Chuyện này tôi đã đọc trên báo rồi!
- Phen này thì quê ta toi hẳn rồi ông ạ!
- Sao lại toi... thanh tra họ xuống để tiếp tục công việc còn dang dở mà...
Lão Cốc lặng thinh một lúc rồi ngập ngưng bảo:
- Tôi vừa viết xong một bài thơ mới...
- Thế hả! Chúc mừng ông nhé!
- Bài thơ này... tôi chỉ đọc riêng cho ông nghe thôi nhé! Ông không được "phổ biến" cho ai khác mà tôi toi luôn đấy?
Ông Tô gật đầu. Lão Cốc đọc nhỏ chỉ để ông Tô nghe được thôi. Giọng lão có vẻ run run:
- Bài thơ: "Ăn miếng, trả miếng" hay còn gọi là "Trận cầu nốc ao":
"Hiệp một nghiêng về tỉnh ta
1 – 0, thủng lưới thanh tra rõ ràng,
Nhưng niềm vui chẳng tày gang
Hiệp hai bộ cử một đoàn gấp đôi
Tỉnh ta chắc chắn thua rồi
Phen này lưới tỉnh tơi bời tan hoang,
Đúng là trận đấu kinh hoàng
Ăn miếng, trả miếng rõ ràng thắng, thua...".
Lão Cốc đọc xong bài thơ thì dừng lại bảo ông Tô:
- Ông nghe thì nghe biết thôi nhé, đừng đọc lại cho ai nghe kẻo tôi lại bị công an gọi lên nhắc nhở đấy!
Ông Tô gật đầu rồi đứng dậy ra về. Ông chợt thấy trong lòng mình một nỗi buồn sâu thẳm cứ dâng dâng lên mãi...
Hà Nội, 20-6-2019

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

Truyện ngắn vui HOAN HÔ CÔNG AN

HOAN HÔ CÔNG AN
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Không có mô tả ảnh.

Buổi sáng, ông Tô đang lúi húi xới cây ngoài vườn thì lão Cốc đến. Tay lão cầm một cuốn sách dày cộp giơ lên từ ngoài cổng như muốn khoe với ông Tô. Đó là tập thơ vừa mới in xong của hội thơ và câu lạc bộ thơ làng. Lão Cốc hể hả gọi to:
- Ông Tô ơi! Ra mà xem tác phẩm thơ của làng ta đây này! Tôi có những ba bài thơ được chọn in trong sách nhé!
Ông Tô buông cái cuốc cùn đi vào sân. Ông bắt tay chúc mừng lão Cốc. Lão Cốc bảo:
- Ông lại cho tôi mượn cái đĩa và hai cái ly nhé! Hôm nay, tôi và ông phải uống thật say để chào mừng tuyển tập thơ của hội thơ làng ta ra mắt nhé!
Lúc này ông Tô mới nhận ra ngoài tập thơ dày cộp lão Cốc còn ôm theo một chai rượu và gói lạc rang to. Ông bảo:
- Thì uống để chúc mừng ông và hội thơ làng ta… nhưng uống vui chút thôi kẻo say xỉn trông bệ rạc lắm!
Lão Cốc gật đầu nhưng lại nói:
- Lỡ có say chút thì cũng không sao! Hôm nay tôi vui quá vì đã chính thức trở thành “nhà thơ” của làng ta rồi!
- Xin chúc mừng nhà thơ Cốc Vũ!
Lão Cốc cười mãn nguyện:
- Cảm ơn ông vẫn nhớ “bút danh” của tôi… Nào chúng ta cùng cạn ly…
Lão Cốc ngửa cổ làm một hơi hết luôn ly rượu. Rồi như chợt nhớ ra, lão bảo:
- Tập thơ này là tôi đề tặng ông. Ông là người tôi quý nhất nên mới tặng sách. Tổng số in có 100 cuốn. Mỗi người chỉ được có hai cuốn thơ thôi ông ạ!
- Thế thì tôi vinh hạnh quá…
Nói đoạn, ông Tô giơ cả hai tay đỡ cuốn sách lão Cốc trịnh trọng trao tặng. Ông mở tập thơ ra xem. Trong sách có in thơ và cả ảnh chân dung, tóm tắt tiểu sử các tác giả nữa. Ông Tô lật tìm trang có in thơ của Lão Cốc để đọc thì lão ta bảo:
- Thôi… thơ in trong sách thì ông đọc sau. Hôm nay, tôi vừa sáng tác được một bài thơ mới, tôi xin ngâm đọc để ông nghe nhé?
- Thế cùng được!
Ông Tô đáp và đặt cuốn sách xuống chiếu. Lão Cốc rút từ trong túi áo ra một tờ giấy gấp viết tay mở ra và bắt đầu đọc:
- Bài thơ: Hoan hô công an…
Ông Tô ngạc nhiên:
- Thơ phú gì mà giống như hô khẩu hiệu thế?
Lão Cốc bảo:
- Thì ông cứ nghe tôi đọc xong rồi góp ý sau nhé!
Nói xong, lão Cốc hắng giọng rồi đọc to bài thơ:
“HOAN HÔ CÔNG AN
Thanh tra xây dựng về đây
Kiểm tra quy hoạch tỉnh này ra sao?
Người nách thước, kẻ tay dao
Hằm hằm rà xét đã bao nhiêu ngày,
Nhiều ông tái mét mặt mày
Lo từng sai phạm phen này lộ ra,
Trưởng đoàn một vị “nữ oa”
Chuyên chống tham nhũng (chắc là thanh liêm?)
Ai ngờ toàn bọn moi tiền
Đòi hai lăm tỷ phải liền “chung chi”,
Cả đoàn năm vị lăm le
Thanh tra một chuyến no nê Vĩnh Tường…
Nào ngờ “đứt gánh” giữa đường
Công an bắt được khi đương vòi tiền
Thanh tra mặt mũi xám đen
(Đeo mo cho cả cấp trên của mình),
Thói quen làm chuyện bất minh
Để mang tiếng xấu cả ngành thanh tra…
Hoan hô công an quê ta
Chiến công bắt sống bọn ma ăn tiền…”.
Đọc xong bài thơ lão Cốc hỏi ông Tô:
- Ông thấy bài thơ này của tôi thế nào?
Ông Tô gật gù:
- Bài thơ hay và rất thời sự. Chuyện vừa mới xảy ra thế mà ông đã có ngay thơ thì giỏi quá. Bài thơ này ông gửi cho báo tỉnh có khi được đăng đấy!
Lão Cốc phấn khởi:
- Ông nói rất đúng! Để tôi về bảo thằng cháu nó “vi tính” ngay rồi gửi cho báo tỉnh luôn. Bài thơ này mà được đăng báo, có nhuận bút tôi sẽ khao ông một bữa thật hoành tráng ngoài quán thịt chó của mụ béo đầu làng nhé!
Ông Tô cười cười gật đầu.
Lão Cốc - nhà thơ Cốc Vũ đứng dậy ra về để gửi bài thơ cho báo tỉnh. Lão bước đi hơi liêu xiêu nhưng không bị vấp ngã.
Ông Tôi đứng ở sân nhìn theo lão Cốc. Tự dưng hôm nay ông thấy lão Cốc này sao mà đáng yêu đến thế…
Hà Nội, 14-6-2019

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2019

Truyện ngắn vui LỊCH SỬ LÀNG TA

LỊCH SỬ LÀNG TA
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Không có mô tả ảnh.

Ông Tô được thằng cháu từ Hà Nội về đem cho một ít sách báo mới. Ông thích lắm. Ở làng ít có cách loại báo chí thế này. Dân làng, nhất là đám thanh niên bây giờ chủ yếu đọc báo mạng bằng điện thoại thông minh. Báo mạng đọc chán họ truy cập mạng xã hội, có nhiều tin tức không chính thống, tin thất thiệt rồi cả những tin tức xấu độc xuyên tạc nữa. Vì thế, trong làng luôn có những luồng dư luận, những quan điểm khác nhau...
Trong mớ sách báo thằng cháu cho ông Tô thấy có một cuốn tiểu thuyết về lịch sử. Ông vừa mở ra xem thì ngoài cổng có tiếng người gọi. Ông đặt cuốn sách xuống bàn ra mở cổng. Khách chả phải ai khác chính là ông trưởng thôn Trần Kính. Ông trưởng thôn chào ông Tô và nói:
- Tôi đến có việc bàn với bác đây!
Ông Tô nhìn cuộn giấy trưởng thôn đang cầm trong tay chột dạ nghĩ: "Ông này lại đến nhờ góp ý thơ như lão Cốc bữa trước thì nguy?". Trưởng thôn Trần Kính bước vào nhà. Ông Tô định đi đổ bã chè pha nước thì trưởng thôn Trần Kính vội xua tay:
- Thôi bác ạ! Chúng ta bàn việc trước đã...
- Có chuyện gì thế?
Trưởng thôn Trần Kính mở cuộn giấy ra rồi nói:
- Hôm nay, tôi muốn bàn với bác chuyện về "lịch sử làng ta"...
Ông Tô ngơ ngác:
- Lịch sử làng ta nghĩa là như thế nào ạ?
- Nghĩa là làng ta sẽ "xuất bản" một cuốn lịch sử về sự hình thành và phát triển của làng, ghi lại những truyền thống tốt đẹp, những gương sáng của làng ta để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ...
- Thế thì hay quá! Đây là một việc nên làm đấy!
Ông trưởng thôn lắc đầu:
- Không đơn giản thế đâu bác ạ!
- Có gì mà phức tạp thế. Lịch sử truyền thống làng ta là rất vẻ vang. Như tôi được biết kể từ khi làng hình thành đã có những nhân tài ra giúp nước được tôn thờ là thành hoàng làng. Sau này truyền thống ấy vẫn được giữ vững, người làng ta tham gia kháng chiến, tham gia xây dựng đất nước, nhiều người hy sinh anh dũng, nhiều người thành đạt trong xã hội, đáng viết thành sử sách để răn dạy con cháu sau này.
Trưởng thôn Trần Kính thở dài:
- Đúng là như thế! Nhưng như bác biết đấy, làng ta chủ yếu có hai dòng họ lớn. Họ Phạm và họ Vũ. Hai dòng họ này bao đời nay sống chung với nhau cùng một làng nhưng hòa hợp thì ít mà cạnh tranh, mâu thuẫn với nhau thì nhiều. Khi soạn thảo lịch sử truyền thống làng ta tôi đã mời người cả hai họ càng tham gia cùng viết, cùng sửa chữa bản thảo. Nhưng người họ Phạm mà viết thì công lao lớn nhất xây dựng làng này là của họ. Khi người họ Vũ đọc sửa lại thì lại công lao toàn bộ lại là của họ Vũ. Chả bên nào chịu bên nào. Đưa ra dân làng thảo luận biểu quyết về các chi tiết sự kiện thì luôn luôn có 50% đồng ý và 50% phản đối. Hai họ đòi ghi công vào lịch sử của làng ngang bằng nhau, nếu không sẽ không cho xuất bản để tuyên truyền. Mà nếu như thế thì lịch sử còn gì là khách quan nữa. Có người khuyên tôi: "Lịch sử của làng có hơi sai sai một chút cũng không sao. Lịch sử quốc gia dân tộc họ còn làm xô lệch, còn viết sai nữa là? Cứ xuất bản đi rồi chỉnh lý sau". Nhưng tôi thấy không yên tâm nên muốn đến trao đổi, tham khảo ý kiến của bác.
Ông Tô trầm ngâm:
- Hóa ra cũng phức tạp nhỉ?
- Phức tạp lắm bác ạ! Bác là giáo viên mới về làng nghỉ hưu nên chưa biết đấy thôi. Có thằng khi biết tôi viết lịch sử làng ta đã đe: "Ông mà bắn súng lục vào lịch sử thì chẳng cần phải chờ đến tương lai mà ngay hiện tại chúng tôi sẽ bắn vào ông bằng bom nguyên tử đấy!"...
- Hừ... thằng nào mà láo thế?
- Cái thằng Bất nhà lão Cốc chứ ai nữa... Nhưng ngẫm ra nó nói cũng đúng ông ạ. Viết lịch sử của làng mà sai lệch thì hỏng hẳn. Làng xóm là cái gốc, là đơn vị cơ sở nhỏ nhất của xã hội mà không chuẩn thì càng lên cao sẽ càng sai lệch lớn...
- Vậy trưởng thôn định thế nào?
- Chán quá ông ạ! Chỉnh lý mãi bản thảo lịch sử làng ta mới được hai họ Phạm, Vũ chấp nhận thì lại xảy ra chuyện ông Phạm Nhân tham nhũng bị bắt thế là lịch sử lại phải viết lại, phải xóa tên ông ta ra khỏi phần danh nhân, người thành đạt của làng, các tác phẩm, các công trình ông ấy viết về quê hương, về làng và để răn dạy người ta đều phải gạch bỏ đi. Không những thế đám họ Vũ cho rằng họ Phạm làm hỏng truyền thống tốt đẹp của làng ta. Tội phạm này phải được ghi vào lịch sử?
Ông Tô thấy bí không biết góp ý như thế nào cho đúng nhất. Ông trưởng thôn đột nhiên hỏi sang một chuyện khác:
- Bác có biết tại sao dân làng lại bầu tôi làm trưởng thôn với số phiếu tín nhiệm cao không?
- Chắc là ông có uy tín với dân làng?
- Không hẳn là thế. Nguyên nhân chính là tôi họ Trần, không phải là họ Vũ hay họ Phạm!
- Tại sao lại như vậy?
- Tại vì là hai họ lớn ở làng ta không họ nào muốn bị họ kia "lãnh đạo" mình nên họ mới bầu cho tôi là người họ Trần, trong làng chỉ có mỗi nhà tôi thôi.
- Thì ra vậy? - Ông Tô góp ý: - Bây giờ điều quan trọng là phải giải quyết cho được mâu thuẫn giữa hai dòng họ lớn ở làng ta thì lịch sử mới xong xuôi đúng đắn được ông ạ!
Ông trưởng thôn gật đầu:
- Đúng thế bác ạ!
Nhưng chuyện ở làng thì biết bao giờ mới giải quyết xong được đây? Ông Tô và ông trưởng thôn đều im lặng. Họ cùng trầm ngâm bên dòng lịch sử của làng...
Hà Nội, 13-6-2019

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2019

Truyện ngắn vui CHUYỆN CỦA LÃO CỐC

CHUYỆN CỦA LÃO CỐC
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Không có mô tả ảnh.

Ông Tô đang hướng dẫn thằng cháu học ôn tập hè thì lão Cốc đến. Ông Tô thấy ngạc nhiên vì lão này hôm nay ăn mặc chỉnh tề, quần áo sạch sẽ, thẳng nếp, đầu chải óng mượt. Lạ hơn là nách lão Cốc không cắp chai rượu, tay không cầm gói lạc rang hay bọc thịt chó mà tay lão lại cầm một cuộn giấy. Trông nét mặt lão có vẻ hứng khởi, ông Tô hỏi:
- Hôm nay ông đi đâu mà trông có vẻ trịnh trọng thế?
- Tôi sang để nhờ ông một việc!
- Có việc gì mà cần đến tôi thế?
- Thì... ông góp ý cho... bài thơ tôi vừa mới sáng tác...
Ông Tô trố mắt nhìn lão Cốc. Lão này chuyên uống rượu, tu bia rồi ngâm nga linh tinh sao hôm nay lại "sáng tác" được cả thơ thế này? Nghĩ vậy nhưng ông Tô lại lắc đầu:
- Tôi... tôi có biết thơ phú gì đâu mà góp ý chứ?
- Chậc... ở cái làng này chỉ có ông từng là thầy giáo, là người học hành cơ bản... Ông mà không góp ý được thì ai góp ý được chứ?
- Ông nói thế chứ... ông Nhân ông ấy còn là tiến sĩ, phó giáo sư đấy...
- Chấp gì cái lão tù ấy... chưa biết chừng lão ấy toàn là bằng cấp mua bằng tiền cả... thế nên lão ấy mới mạt vận thế chứ!
Ông Tô ấp úng:
- Nhưng mà ông sáng tác thơ để làm gì?
- Ơ... ông từ trên trời rơi xuống à? Làng ta đã thành lập câu lạc bộ, hội thơ rồi đấy. Có hơn ba chục người tham gia rồi... Ông cũng phải làm đơn gia nhập câu lạc bộ và hội thơ của làng ta đi...
Ông Tôi vội chối ngay:
- Tôi vốn là giáo viên chuyên dạy môn toán, biết quái gì về thơ ca đâu mà ra nhập câu lạc bộ với hội thơ chứ?
- Ôi dào... câu lạc bộ thơ của các cụ về hưu, các cụ cao tuổi có phải là một tổ chức chuyên nghiệp đâu mà cần tiêu chuẩn này nọ... Đấy ông Xu, người suốt ngày gánh đất đóng gạch, bà Mùa quanh năm chổng tĩ cấy lúa ngoài đồng, cô Thé bán bán cuốn ngoài chợ, rồi các cựu chiến binh, các cụ về hưu ở làng đều tham gia câu lạc bộ thơ làng ta đấy. Bác Tân, chủ nhiệm câu lạc bộ một hôm ngồi uống bia ở đầu làng nghe thấy tôi ngâm nga lẩy Kiều đã tha thiết mời tôi vào câu lạc bộ và hội thơ làng ta đấy. Mỗi tháng sinh hoạt một lần, mỗi người đọc một bài thơ rồi liên hoan vui đáo để...
Thấy ông Tô có vẻ không mặn mà với cái câu lạc bộ thơ của làng, lão Cốc cố nói thêm:
- Bây giờ cả nước đều có các câu lạc bộ, các hội thơ ca rồi ông ạ. Không tham gia sinh hoạt tôi cứ thấy nó "cô đơn" thế nào ấy ông ạ... Thôi! Ông cứ xem thử bài thơ này của tôi xem sao nhé.
Lão Cốc nói và ấn tờ giấy vào tay ông Tô. Ông Tô đành mở ra xem. Trên tờ giấy khổ A4 in vi tính trang trọng bài thơ "Làng ta đổi mới". Ông Tô liếc qua rồi ngạc nhiên hỏi lại:
- Bài thơ này ông vừa nói là do mình "sáng tác" sao lại ghi tên tác giả là "Cốc Vũ" thế này?
Lão Cốc cười hề hề:
- Khi vào hội thơ của làng ai cũng lấy bút danh cho nó có vẻ văn chương một chút. Đấy bà Mùa lấy bút danh là "Mùa Thu", lão Xu bút danh là "Anh Thư", cụ Mịt bút danh là "Ánh Sáng" còn cô Thé bút danh là "Trăng Vàng" đấy. Tôi tên là Vũ Cốc đọc lên nó cứ như là "ngũ cốc" là các loại lương thực, thực phẩm tầm thường ấy nên tôi đảo lại, lấy bút danh là "Cốc Vũ" cho nó hoành tráng, thi hứng tuôn trào như mưa rào mùa hạ đấy ông ạ!
Ông Tô không hỏi nữa mà đọc bài thơ của lão Cốc:
"Làng ta nay đổi thay rồi
Cũng bê tông hóa như nơi thị thành
Gái làng môi đỏ, mắt xanh
Trai làng xăm trổ khắp mình rất oai,
Cơm không còn độn ngô, khoai
Muốn ăn bánh cuốn, bánh dày thì ăn...".
Thấy ông Tô đọc xong bài thơ cứ im lặng không nói gì lão Cốc liền bảo:
- Tôi cứ băn khoăn mãi chưa chọn được từ và gieo vần cho phù hợp. Vần "oai" trong "ngô khoai" mà gieo với vần "ày" trong "bánh dày" có vẻ không ổn lắm. Ông góp ý cho tôi nên sửa câu thơ này thế nào nhé?
Ông Tô đưa trả bài thơ cho lão Cốc rồi lắc đầu:
-Ông thông cảm! Đúng là cái khoản thơ ca lục bát này thì tôi chịu hẳn...
Lão Cốc cố năn nỉ nhưng ông Tô vẫn lắc đầu. Lão đành đứng dậy nói:
- Thôi thế thì... tôi về đây. Sáng mai sinh hoạt câu lạc bộ thơ làng ta ông ra nghe cho vui nhé!
Ông Tô ậm ừ cho lão Cốc yên tâm. Lão Cốc ra về, vừa đi vừa lẩm nhẩm đọc thơ. Khi lão bước vừa vào cồng nhà mình thì đụng ngay thằng Bất con lão. Thằng Bất càu nhàu:
- Lần sau khi nào định "sáng tác thơ" bố nhớ khóa chặt cổng lại rồi hãy sáng tác cho con nhờ nhé?
- Tại sao lại phải đóng khóa cổng lại! Đóng cổng lại thì "nàng thơ" vào nhà thế nào được chứ? Tao lấy đâu ra thi hứng mà sáng tác hả?
Thằng Bất bảo:
- Đóng cổng cho an toàn, bố lâng lâng như trên mây, trên gió khi làm thơ mà ra đường xe cộ nó va vào thì khốn. Khổ quá! Các cụ già rồi thì nghỉ đi cho con cháu nó nhờ. Đang yên đang lành tự dưng lại thành lập ra cái câu lạc bộ và hội thơ của làng, suốt ngày lơ nga lơ ngơ sáng tác rồi ngâm nga thơ phú, bỏ bê con cháu kêu khóc, gà vịt đói khát vì thơ. Đấy ông Nghính ở đầu làng vừa đạp xe vừa sáng tác đi lấn cả ra giữa đường bị xe máy nó va phải ngã gãy đùi phải đi bệnh viện tỉnh bó bột. Rồi cụ Sâm tuổi ngót chín mươi đến kỳ sinh hoạt phải có bài thơ mới, nghĩ mãi không ra huyết áp nó tăng vọt lên đột quỵ nằm liệt giường khổ cả đám con cháu... Mà thơ thẩn thì có ăn no được đâu? Già khú cả mà viết thơ tình vẫn anh anh em em, rồi đăng lên mạng lắm em tý tuổi đọc mê như điếu đổ.... he... he...
Lão Cốc cắt lời thằng con:
- Mày chỉ láo... dám phỉ báng thơ của các cụ làng ta hả? Mày thì biết mẹ gì về thơ ca văn chương mà bàn luận láo... Đấy cụ Sâm làng ta gần chín mươi tuổi thế mà bài thơ "Trăng sáng sân đình" cụ sáng tác có những câu thơ để đời đấy!
- Ghê thế cơ ạ?
- Mày giỏng tai lên mà nghe thơ của cụ Sâm đây:
"Sao em nấp dưới ánh trăng,
Để anh cứ ngỡ chị Hằng xuống chơi?".
Lão Cốc đọc xong hai câu thơ tình của cụ Sâm liền hỏi:
- Mày có thấy hay không?
- Con không biết! Nhưng cứ thấy cảnh các cụ, cụ thì lơ mơ suốt cả ngày tìm vần, tìm tứ thơ, cụ thì mùa hè nóng như nung đánh trần trùng trục ngồi viết thơ quạt điện không dám bật vì sợ tiền điện tăng, cụ thì ngã gãy chân, đột quỵ vì thơ con chán lắm...
- Chán mà được à? Bây giờ cả nước làm thơ. Ngày xưa chiến tranh ra ngõ gặp anh hùng, bây giờ hòa bình ra ngõ là gặp mấy nhà thơ liền là đúng rồi còn gì. Đất nước an hòa nên mới ra thơ, ra nhạc đấy hiểu không?
- Con không hiểu! Thôi con đi làm thuê đây.
- Mày thì hiểu cái gì... À mà quên. Đứng lại ngay tao bảo cái này đã?
Thằng Bất dừng lại. Lão Cốc dịu giọng:
- Mày cho tao xin một triệu... mà hai triệu càng tốt!
- Bố cần tiền nhiều thế làm gì thế? Tiền ăn sáng, tiền uống bia hằng ngày con đưa rồi mà?
- Tao cần tiền để nộp cho ông chủ nhiệm câu lạc bộ thơ. Sắp tới câu lạc bộ, hội thơ làng ta sẽ xuất bản một tập thơ. In hẳn 100 cuốn, mỗi người được những hai cuốn nhé. Phen này bố mày trở thành một nhà thơ là cái chắc. Vì thế, mỗi hội viên đóng góp một triệu còn thiếu đâu thì đi vận động các mạnh thường quân là doanh nghiệp và con em thành đạt trong làng, trong xã...
Thằng Bất há hốc mồm nhìn bố. Rồi nó run run mở ví đếm hết cả nắm tiền lẻ mới đủ một triệu đồng đưa cho lão Cốc...
Hà Nội, 5-6-2019

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

Truyện ngắn vui CÀNG HỌC, CÀNG DỐT

CÀNG HỌC, CÀNG DỐT
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Không có mô tả ảnh.

Ông Tô đang chạy tập thể dục loanh quanh ở sân nhà thì lão Cốc đến. Lão Cốc đủng đỉnh đi vào cổng. Nách lão kẹp một cái chai, tay cầm một cái gói nhỏ. Cái chai của lão chắc chắn là đựng đầy rượu rồi. Vừa nhìn thấy ông Tô lão Cốc đã hể hả bảo:
- Ông cho mượn một cái đĩa và hai cái chén nhé!
- Để làm gì thế?
Ông Tô hỏi cho có chuyện chứ ông đã hiểu việc lão Cốc đến chơi là vì chuyện gì rồi. Hôm nay bà Tô cùng hai cháu về bên ngoại. Bọn trẻ vừa nghỉ hè và bên ngoại có cậu em đang bị ốm. Biết ông Tô ở nhà một mình lão Cốc đem rượu đến chơi cùng uống. Lão khoe:
- Chai rượu này là "đặc sản" thằng con mới cho đấy!
- Ông thì loại nào mà chả là đặc sản?
- Chai rượu mía này thằng Bất vừa đi làm thuê trên vùng cao đem về cho tôi đấy. Tôi mang đến mời ông một chén cho vui.
Vừa nói, lão Cốc vừa mở cái gói giấy báo đổ nắm lạc rang ra đĩa và rót rượu ra hai cái chén. Hai người ngồi ngay ở thềm nhà cho mát. Lão Cốc bảo ông Tô:
- Nào... ta nâng li chúc mừng...
- Chúc mừng cái gì hả...?
Ông Tô vừa cầm chén rượu vừa hỏi lại. Lão Cốc dốc chén rượu vào họng rồi lủng bủng trả lời:
- Thì... chúc mừng sức khỏe... chúc mừng con cái trưởng thành... À mà thằng cháu ông và thằng cháu tôi vừa kết thúc năm học đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, đáng để chúc mừng lắm chứ...
- Bọn trẻ con bây giờ đứa nào mà chả đạt danh hiệu học sinh xuất sắc cả... Đọc báo tôi thấy một lớp có 44 học sinh thì đến 43 đứa là học sinh tiên tiến xuất sắc đấy ông ạ!
- Ôi dào... cái bệnh thành tích của ngành giáo dục bấy lâu nay ấy mà... Các thầy cô đua với nhau, nếu lớp nào tỷ lệ học sinh xuất sắc thấp thì kém điểm thi đua, ít tiền thưởng... he... he... nào uống... uống cái đã...
Lão Cốc lại ngửa cổ dốc chén rượu vào họng. Đoạn lão đặt "cạch" cái chén xuống nền gạch nói vẻ nghiêm túc:
- Nhưng mà này. Tôi nghiệm thấy người ta càng học nhiều thì lại càng dốt ông ạ!
- Thì... bao giờ chả thế. Học càng nhiều, tiếp xúc với kho tri thức khổng lồ của nhân loại càng nhiều thì lại càng thấy mình còn thiếu nhiều tri thức... chuyện ấy có gì là lạ đâu?
- Không... Tôi nói là nói ở khía cạnh khác cơ...
- Ông định nói về khía cạnh nào thế?
- Tôi nói là có nhiều người càng học thì lại càng dốt...
- Loại người ấy là những ai vậy?
- Thì... như lão Nhân làng ta vừa bị công an bắt chẳng hạn. Lão ấy học hành nhiều, tu luyện cả trong nước lẫn ngoài nước, có bằng tiến sĩ khoa học hẳn hoi, hơn hẳn tôi chỉ mới "tốt nghiệp" cấp 2 và ông tốt nghiệp trung cấp sư phạm 10+1. Thế mà lão ấy lại... dốt quá... dốt quá...
- Dốt mà ông ấy là cán bộ cấp cao, tôi với ông chỉ là "phó thường dân"?
- Nhưng... lão ấy dốt... ngu dốt... tham nhũng nhiều, nhà cửa tiền của lắm để làm gì, cuối cùng đi tù thì chả bằng hai thằng nông dân chúng ta... Mà nghe nói lão ấy tổng hợp mấy vụ án lĩnh những hơn 30 năm "bóc lịch" đấy!
- Đúng là như vậy...
- Lão ấy dốt... giá như chỉ tham nhũng vài chục tỷ thôi, rồi cố tìm cách mà "hạ cánh an toàn" về quê mà hưởng thụ có phải hơn không? Đằng này lão lại tham nhũng và làm thất thoát đến hàng ngàn tỷ... không dựa cột là còn may đấy! Đúng là đồ ngu dốt... trình độ càng cao lại càng ngu dốt...
Ông Tô bảo:
- Có lẽ ông ấy khi đã vào trong vòng xoáy của quyền lực và tham nhũng, muốn "tham nhũng ít", muốn dừng lại cũng không dừng được ông ạ!
- Thế nên... càng học nhiều lại càng ngu dốt là ở chỗ đó... Học ít, làm quan nhỏ, tham nhũng vặt, ai hỏi, cấp trên thanh tra thì bảo biệt thự có được là nhờ thời trẻ ra sức chặt chổi đót, nuôi lợn, chạy xe ôm có phải hơn không?
- Hừ... nói như ông tức là càng ít học thì càng tốt à?
- Tôi cũng không nói thế... Tôi chỉ muốn nói rằng học nhiều, bằng nhiều mà không giữ được tư cách thì chỉ là những kẻ ngu dốt mà thôi... Đấy! Học nhiều làm thầy, làm lãnh đạo ngành giáo dục còn dám làm cái chuyện tày trời sửa chữa bài thi, mua bán điểm thì có phải là người thông minh không? Họ bán điểm, một tỷ đồng một trường hợp đủ điểm vào đại học đấy...
- Đúng vậy! Điểm liệt mà vẫn trúng thủ khoa thì loạn thật ông ạ?
- Loạn... loạn hết cả rồi... Vì tiền mà họ quên tất cả tư cách làm thầy, biến mình thành một kẻ thiêu thân... Đồng tiền đã biến các nhà sư phạm thành tội phạm đấy ông ạ! Mỗi trường hợp họ thu một tỷ đồng. Liệu cả đời làm nhà giáo trường làng như ông có bằng họ bán một xuất vào đại học không?
Ông Tô lắc đầu:
- Làm sao được! Hơn bốn mươi năm tôi dạy học tiết kiệm được 10 triệu đồng gửi tiết kiệm. Vừa rồi cậu em ốm nặng cần tiền phẫu thuật, phải rút trước thời hạn để giúp nên bị mất gần năm trăm ngàn tiền lãi, bà nhà tôi cứ tiếc ngẩn ngơ mãi đấy...
Nghe vậy tự dưng lão Cốc trở nên trầm ngâm. Rồi lão bảo:
- Chúng ta ít học nhưng chúng ta còn hơn khối người nhiều học, hơn khối kẻ đeo đầy mình bằng cấp mà đánh mất tư cách. Thôi... tôi... tôi về đây ông ạ!
Ông Tô gật gật đầu. Lão Cốc đứng dậy cắp cái vỏ chai vào nách lảo đảo đi ra phía cổng. Vừa đi lão vừa ê a lẩy Kiều:
"Học nhiều làm đến quan to,
Dính luôn tham nhũng vào tù ngồi chơi,
Tao không chức tước nhẹ người
Ngày ngày bia cỏ vẫn xơi đều đều...".
Hà Nội, 29-5-2019