Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2019

Truyện ngắn vui CHUYỆN CỦA LÃO CỐC

CHUYỆN CỦA LÃO CỐC
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Không có mô tả ảnh.

Ông Tô đang hướng dẫn thằng cháu học ôn tập hè thì lão Cốc đến. Ông Tô thấy ngạc nhiên vì lão này hôm nay ăn mặc chỉnh tề, quần áo sạch sẽ, thẳng nếp, đầu chải óng mượt. Lạ hơn là nách lão Cốc không cắp chai rượu, tay không cầm gói lạc rang hay bọc thịt chó mà tay lão lại cầm một cuộn giấy. Trông nét mặt lão có vẻ hứng khởi, ông Tô hỏi:
- Hôm nay ông đi đâu mà trông có vẻ trịnh trọng thế?
- Tôi sang để nhờ ông một việc!
- Có việc gì mà cần đến tôi thế?
- Thì... ông góp ý cho... bài thơ tôi vừa mới sáng tác...
Ông Tô trố mắt nhìn lão Cốc. Lão này chuyên uống rượu, tu bia rồi ngâm nga linh tinh sao hôm nay lại "sáng tác" được cả thơ thế này? Nghĩ vậy nhưng ông Tô lại lắc đầu:
- Tôi... tôi có biết thơ phú gì đâu mà góp ý chứ?
- Chậc... ở cái làng này chỉ có ông từng là thầy giáo, là người học hành cơ bản... Ông mà không góp ý được thì ai góp ý được chứ?
- Ông nói thế chứ... ông Nhân ông ấy còn là tiến sĩ, phó giáo sư đấy...
- Chấp gì cái lão tù ấy... chưa biết chừng lão ấy toàn là bằng cấp mua bằng tiền cả... thế nên lão ấy mới mạt vận thế chứ!
Ông Tô ấp úng:
- Nhưng mà ông sáng tác thơ để làm gì?
- Ơ... ông từ trên trời rơi xuống à? Làng ta đã thành lập câu lạc bộ, hội thơ rồi đấy. Có hơn ba chục người tham gia rồi... Ông cũng phải làm đơn gia nhập câu lạc bộ và hội thơ của làng ta đi...
Ông Tôi vội chối ngay:
- Tôi vốn là giáo viên chuyên dạy môn toán, biết quái gì về thơ ca đâu mà ra nhập câu lạc bộ với hội thơ chứ?
- Ôi dào... câu lạc bộ thơ của các cụ về hưu, các cụ cao tuổi có phải là một tổ chức chuyên nghiệp đâu mà cần tiêu chuẩn này nọ... Đấy ông Xu, người suốt ngày gánh đất đóng gạch, bà Mùa quanh năm chổng tĩ cấy lúa ngoài đồng, cô Thé bán bán cuốn ngoài chợ, rồi các cựu chiến binh, các cụ về hưu ở làng đều tham gia câu lạc bộ thơ làng ta đấy. Bác Tân, chủ nhiệm câu lạc bộ một hôm ngồi uống bia ở đầu làng nghe thấy tôi ngâm nga lẩy Kiều đã tha thiết mời tôi vào câu lạc bộ và hội thơ làng ta đấy. Mỗi tháng sinh hoạt một lần, mỗi người đọc một bài thơ rồi liên hoan vui đáo để...
Thấy ông Tô có vẻ không mặn mà với cái câu lạc bộ thơ của làng, lão Cốc cố nói thêm:
- Bây giờ cả nước đều có các câu lạc bộ, các hội thơ ca rồi ông ạ. Không tham gia sinh hoạt tôi cứ thấy nó "cô đơn" thế nào ấy ông ạ... Thôi! Ông cứ xem thử bài thơ này của tôi xem sao nhé.
Lão Cốc nói và ấn tờ giấy vào tay ông Tô. Ông Tô đành mở ra xem. Trên tờ giấy khổ A4 in vi tính trang trọng bài thơ "Làng ta đổi mới". Ông Tô liếc qua rồi ngạc nhiên hỏi lại:
- Bài thơ này ông vừa nói là do mình "sáng tác" sao lại ghi tên tác giả là "Cốc Vũ" thế này?
Lão Cốc cười hề hề:
- Khi vào hội thơ của làng ai cũng lấy bút danh cho nó có vẻ văn chương một chút. Đấy bà Mùa lấy bút danh là "Mùa Thu", lão Xu bút danh là "Anh Thư", cụ Mịt bút danh là "Ánh Sáng" còn cô Thé bút danh là "Trăng Vàng" đấy. Tôi tên là Vũ Cốc đọc lên nó cứ như là "ngũ cốc" là các loại lương thực, thực phẩm tầm thường ấy nên tôi đảo lại, lấy bút danh là "Cốc Vũ" cho nó hoành tráng, thi hứng tuôn trào như mưa rào mùa hạ đấy ông ạ!
Ông Tô không hỏi nữa mà đọc bài thơ của lão Cốc:
"Làng ta nay đổi thay rồi
Cũng bê tông hóa như nơi thị thành
Gái làng môi đỏ, mắt xanh
Trai làng xăm trổ khắp mình rất oai,
Cơm không còn độn ngô, khoai
Muốn ăn bánh cuốn, bánh dày thì ăn...".
Thấy ông Tô đọc xong bài thơ cứ im lặng không nói gì lão Cốc liền bảo:
- Tôi cứ băn khoăn mãi chưa chọn được từ và gieo vần cho phù hợp. Vần "oai" trong "ngô khoai" mà gieo với vần "ày" trong "bánh dày" có vẻ không ổn lắm. Ông góp ý cho tôi nên sửa câu thơ này thế nào nhé?
Ông Tô đưa trả bài thơ cho lão Cốc rồi lắc đầu:
-Ông thông cảm! Đúng là cái khoản thơ ca lục bát này thì tôi chịu hẳn...
Lão Cốc cố năn nỉ nhưng ông Tô vẫn lắc đầu. Lão đành đứng dậy nói:
- Thôi thế thì... tôi về đây. Sáng mai sinh hoạt câu lạc bộ thơ làng ta ông ra nghe cho vui nhé!
Ông Tô ậm ừ cho lão Cốc yên tâm. Lão Cốc ra về, vừa đi vừa lẩm nhẩm đọc thơ. Khi lão bước vừa vào cồng nhà mình thì đụng ngay thằng Bất con lão. Thằng Bất càu nhàu:
- Lần sau khi nào định "sáng tác thơ" bố nhớ khóa chặt cổng lại rồi hãy sáng tác cho con nhờ nhé?
- Tại sao lại phải đóng khóa cổng lại! Đóng cổng lại thì "nàng thơ" vào nhà thế nào được chứ? Tao lấy đâu ra thi hứng mà sáng tác hả?
Thằng Bất bảo:
- Đóng cổng cho an toàn, bố lâng lâng như trên mây, trên gió khi làm thơ mà ra đường xe cộ nó va vào thì khốn. Khổ quá! Các cụ già rồi thì nghỉ đi cho con cháu nó nhờ. Đang yên đang lành tự dưng lại thành lập ra cái câu lạc bộ và hội thơ của làng, suốt ngày lơ nga lơ ngơ sáng tác rồi ngâm nga thơ phú, bỏ bê con cháu kêu khóc, gà vịt đói khát vì thơ. Đấy ông Nghính ở đầu làng vừa đạp xe vừa sáng tác đi lấn cả ra giữa đường bị xe máy nó va phải ngã gãy đùi phải đi bệnh viện tỉnh bó bột. Rồi cụ Sâm tuổi ngót chín mươi đến kỳ sinh hoạt phải có bài thơ mới, nghĩ mãi không ra huyết áp nó tăng vọt lên đột quỵ nằm liệt giường khổ cả đám con cháu... Mà thơ thẩn thì có ăn no được đâu? Già khú cả mà viết thơ tình vẫn anh anh em em, rồi đăng lên mạng lắm em tý tuổi đọc mê như điếu đổ.... he... he...
Lão Cốc cắt lời thằng con:
- Mày chỉ láo... dám phỉ báng thơ của các cụ làng ta hả? Mày thì biết mẹ gì về thơ ca văn chương mà bàn luận láo... Đấy cụ Sâm làng ta gần chín mươi tuổi thế mà bài thơ "Trăng sáng sân đình" cụ sáng tác có những câu thơ để đời đấy!
- Ghê thế cơ ạ?
- Mày giỏng tai lên mà nghe thơ của cụ Sâm đây:
"Sao em nấp dưới ánh trăng,
Để anh cứ ngỡ chị Hằng xuống chơi?".
Lão Cốc đọc xong hai câu thơ tình của cụ Sâm liền hỏi:
- Mày có thấy hay không?
- Con không biết! Nhưng cứ thấy cảnh các cụ, cụ thì lơ mơ suốt cả ngày tìm vần, tìm tứ thơ, cụ thì mùa hè nóng như nung đánh trần trùng trục ngồi viết thơ quạt điện không dám bật vì sợ tiền điện tăng, cụ thì ngã gãy chân, đột quỵ vì thơ con chán lắm...
- Chán mà được à? Bây giờ cả nước làm thơ. Ngày xưa chiến tranh ra ngõ gặp anh hùng, bây giờ hòa bình ra ngõ là gặp mấy nhà thơ liền là đúng rồi còn gì. Đất nước an hòa nên mới ra thơ, ra nhạc đấy hiểu không?
- Con không hiểu! Thôi con đi làm thuê đây.
- Mày thì hiểu cái gì... À mà quên. Đứng lại ngay tao bảo cái này đã?
Thằng Bất dừng lại. Lão Cốc dịu giọng:
- Mày cho tao xin một triệu... mà hai triệu càng tốt!
- Bố cần tiền nhiều thế làm gì thế? Tiền ăn sáng, tiền uống bia hằng ngày con đưa rồi mà?
- Tao cần tiền để nộp cho ông chủ nhiệm câu lạc bộ thơ. Sắp tới câu lạc bộ, hội thơ làng ta sẽ xuất bản một tập thơ. In hẳn 100 cuốn, mỗi người được những hai cuốn nhé. Phen này bố mày trở thành một nhà thơ là cái chắc. Vì thế, mỗi hội viên đóng góp một triệu còn thiếu đâu thì đi vận động các mạnh thường quân là doanh nghiệp và con em thành đạt trong làng, trong xã...
Thằng Bất há hốc mồm nhìn bố. Rồi nó run run mở ví đếm hết cả nắm tiền lẻ mới đủ một triệu đồng đưa cho lão Cốc...
Hà Nội, 5-6-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét