Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Truyện ngắn CÁI CHẾT CỦA LÃO DỞ NGƯỜI

CÁI CHẾT CỦA LÃO DỞ NGƯỜI 
Truyện ngắn của Trọng Bảo 

Không có mô tả ảnh.

Lão dở người vác cái bao tải rách lên vai. Hôm nay lão gặp may. Một ngôi nhà là trụ sở công ty tư nhân đang đục phá, sửa chữa. Đám thợ vứt ra hè đường một đống sắt vụn cong queo. Ông chủ công ty nhìn thấy lão đang móc tìm kiếm ở cái thùng rác bên đường liền gọi sang và hào phóng cho lão luôn đống sắt vụn. Chỗ sắt vụn đầy sét gỉ phải đến hai chục cân. Lão oằn lưng vác cái bao tải nặng ra phía bờ sông. Số sắt vụn này lão kiếm được hơn trăm ngàn là cái chắc.
Cân xong bao tải sắt vụn, lão dở người lại vào phố. Con mụ Béo chuyên thu mua đồ phế liệu chê ỏng chê eo sắt gỉ quá chỉ đưa cho lão một trăm hai mươi ngàn đồng. Thôi thế cũng tốt. Lão nghĩ. Lão sẽ vào phố chén một bát phở ngon hết hai mươi ngàn đồng. Còn một trăm ngàn lão sẽ cất kỹ dành dụm thành một khoản để đem về quê. Ở quê, lão còn một thằng cháu là con cô em gái út. Nó ốm yếu thường xuyên phải đi viện. Lão thương nó lắm. Lão ra thành phố bới rác kiếm tiền, dành dụm từng trăm gửi về giúp em gái chữa bệnh cho cháu. Hôm lão đi, thằng bé cứ túm lấy áo lão rơm rớm nước mắt:
- Bác đi Tết nhớ về với cháu nhé!
- Ừ! - Lão xoa đầu nó và dặn: - Ở nhà cu nhớ không được ra bờ ao chơi, nhỡ ngã xuống ao thì khốn đấy!
Thằng bé bị bệnh tim. Một hôm lão vừa đi bắt cua về xuống cái ao đầu ngõ rửa chân thì thấy thằng cháu đang ngớp ngớp vùng vẫy ở dưới cầu ao. Lão vứt cả giỏ cua nhào xuống ao lôi nó lên. May mà nó mới ngã xuống chỉ uống vài ngụm nước. Bệnh tim của nó nặng dần. Năm lên lớp bốn thì hay bị ngã ngất nên không tiếp tục đi học được nữa. Nghe nói muốn mổ tim phải mất hàng chục triệu đồng. Chồng cô em gái út tai nạn sập lò gạch chết sớm, nhà nghèo lấy đâu ra mấy chục triệu đồng để chữa bệnh cho con. Tiền mua thuốc hàng tháng còn chả đủ nữa là. Lão nghe người ta nói thành phố dễ kiếm tiền. Thế là lão bỏ sào ruộng lại cho cô em gái út rồi theo đám thanh niên lên thành phố. Lão sẽ kiếm tiền, thật nhiều tiền để giúp cô em út chữa bệnh cho con.
Lên đến thành phố lão ra ngay chỗ "chợ người" tìm việc. Nhưng những người tìm thuê "cửu vạn" thường chẳng bao giờ để ý đến lão. Có lẽ họ nghĩ là lão già cả chả làm nổi những việc nặng nhọc. Thế nên lão đành phải đi bới rác, nhặt nhạnh những đồ phế thải bán cho bọn thu mua sắt vụn. Nhặt những bao túi ni-lông, vỏ bia, vỏ chai, sắt vụn người ta vứt đi bán cho bọn ve chai mỗi ngày lão cũng kiếm được ngày nhiều ba chục, ngày ít hai chục, ăn uống rồi cũng để dành được chục ngàn mỗi ngày, hơn cả làm ruộng ở quê mỗi vụ được vài tạ thóc ăn chả đủ làm gì dám đem bán lấy tiền.
Bọn trẻ con, phụ nữ chuyên làm nghề nhặt rác thường tụ tập ngoài bãi sông Hồng. Họ gọi lão là lão dở người vì một chuyện xảy ra đối với lão. Hôm đó lão bới móc một cái túi rác cổng một ngôi biệt thự. Lão tìm thấy trong cái túi rác đầy vỏ hộp mỹ phẩm ấy một cái dây chuyền vàng. Lão cầm sợi dây chuyền đứng co ro chịu rét chờ bằng được bà chủ ngôi biệt thự ra đóng cổng để trả lại. Nhận lại sợi dây chuyền đến năm chỉ bà chủ nhà chả cảm ơn thì thôi còn xỉa xói, nghi lão là quân trộm cắp. Biết chuyện, đám "công nhân nhặt rác" cư trú ngoài bãi sông đều cười nhạo lão mãi. Chả ai khen lão thật thà mà họ bảo lão là đồ dở người. Từ đó cái tên lão Dở thành tên gọi của lão.
Lão Dở cũng có người con khá thành đạt. Đó là ông con trai duy nhất của lão. Vợ lão mất sớm, lão ở vậy nuôi con khôn lớn. Thằng con lão là chủ một doanh nghiệp lớn ở phía Nam. Ông con trai muốn đón lão vào Nam sinh sống nhưng lão không chịu. Lão giận con, nhất là từ khi ông con về quê đóng góp cả mấy trăm triệu đồng cho một công trình văn hoá của huyện để được tạc tên trên bia đá ghi công thế mà không dám cho thằng cháu bị bệnh nặng được lấy một đồng để chữa bệnh. Lão có ý nhắc nhưng nó làm thinh không nói gì.
Ăn xong bát phở, lão Dở tìm về chỗ mình vẫn ngủ qua đêm.
Năm nay trời sao mà rét đến thế. Các hàng quán đóng cửa nghỉ sớm. Gió lạnh thổi ù ù trên phố. Lão Dở lủi thủi đi về phía làng ven Hồ Tây. Mấy ngày nay lão không ra khu nhà trọ ngoài bãi sông nữa. Trọ ở nhà trọ bãi sông mất năm ngàn mỗi tối. Trước đây chỉ có ba ngàn một tối nhưng gần tết họ nâng giá lên năm ngàn đồng. Nói là nhà trọ thực ra chỉ có vài manh chiếu rách trải lên sạp, cả chục, cả trăm người-toàn dân cửu vạn chen chúc nhau nằm lăn lóc đầu chân lẫn lộn ngủ cho qua đêm. Mà có nhiều người chưa đến nửa đêm đã lồm cồm bò dậy đi gánh hàng thuê cho những người buôn hoa quả, rau ở các chợ đêm. Lão Dở ít ngủ và thính ngủ. Có khi đêm vừa chợp mắt được một lát đã giật mình vì tiếng lục sục gọi nhau của những người đi làm đêm. Vì thế lão chả dại gì mà mất thêm năm ngàn đồng mỗi đêm. Lão đã có một cách hay.
Lão đi về phía khu biệt thự ven hồ. Chỗ ngủ đêm của lão là cái cổng của một ngôi biệt thự rất sang trọng. Chủ ngôi biệt thự chắc là một người rất giàu có nên cái cổng xây rất hoành tráng. Mái cổng vươn chìa ra tạo thành một khoảng che mưa nắng rất rộng. Lão Dở trải manh chiếu rách ra góc cổng, cạnh gốc cây sấu sù sì. Thế là lão đã có một chỗ ngủ rất kín gió và ấm. Năm nay sao mà trời rét thế. Còn đúng hai mươi mốt ngày nữa là đến Tết. Lão Dở nhẩm tính. Trong cái bọc ni lông bẩn thỉu lão vẫn buộc chặt ở bụng đã có gần hai triệu đồng rồi. Đó là công sức mấy tháng trời nhặt nhạnh phế liệu của lão. Lão quyết định ngày mai sẽ về quê. Có gần hai triệu đồng mua thuốc cho thằng cháu cũng tốt rồi. Với lại cũng chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày giỗ của vợ lão. Lão phải về để còn ra mộ thắp cho bà ấy nén hương.
Đang thiu thiu ngủ thì có ánh đèn ô-tô rọi thẳng vào mặt. Một chiếc xe con bóng lộn rì rì chạy vào cổng. Lão Dở lồm cồm ngồi dậy. Chiếc xe bấm còi rồi dừng lại chờ mở cổng. Kính xe hạ xuống. Lão nghe rõ tiếng một người đàn ông gắt với người từ trong nhà ra mở cổng:
- Sao lại để cho một thằng ăn xin nó nằm ngay ở cổng thế hả?
- Dạ! Thưa bác đó là một ông già nhặt rác đấy ạ!
- Đuổi cổ đi! Không khéo lại là quân trộm cắp rình mò đấy, hiểu không?
- Vâng ạ!
Kính xe lại được kéo lên. Chiếc xe từ từ lăn bánh vào trong sân. Người vừa ra mở cổng đến chỗ lão Dở đang nằm khe khẽ nói:
- Cụ ơi! Cụ chuyển sang bên kia gốc cây mà nằm ngủ chứ cụ nằm ngay ở cổng thế này ông chủ nhìn thấy lại mắng cháu!
Nghe anh ta nói, lão Dở hiểu anh ta cũng chỉ là một người giúp việc cho ở ngôi biệt thự này. Anh ta nói mấy hôm trước ông chủ đi công tác vắng nên anh để cho lão được buổi tối đến nằm ngủ ở cổng. Ông chủ về rồi anh đành phải bảo lão đi tìm chỗ khác. Nghe anh ta năn nỉ như vậy lão Dở lồm cồm đứng dậy. Lão lôi mảnh chiếu rách sang phía bên kia gốc cây sấu già. Chỗ nằm mới của lão trúng hướng gió bắc, lại không được che nên mưa phùn lất phất bay nên càng lạnh. Lão Dở quấn cái chăn chiên rách thật chặt vào người cho đỡ rét. Suốt đêm lão Dở không ngủ được vì lạnh quá. Lão lẩm bẩm mong trời bớt lạnh cho đám cửu vạn ngoài bờ sông đêm dậy đi làm đỡ rét mướt. Ngày mai lão về quê rồi còn họ thì có lẽ phải làm thuê hoặc nhặt rác cho đến gần tết mới về. Lão tính, rét thế này ngày mai nhất định sẽ mua cho thằng cháu một cái áo khoác thật ấm. Rét mướt thế này trẻ con bị bệnh tim phải mặc thật ấm. Cái áo mà họ chất đống ở vỉa hè nói là hàng SIDA ấy chỉ đến một trăm ngàn là cùng thôi.
Gần sáng khi lão Dở vừa chợp mắt thì nghe có tiếng quát tháo ầm ĩ trong ngôi biệt thự. Hình như có tiếng kêu: "Trộm... trộm...". Rồi lão lại nghe "huỵch" một cái như là tiếng người nhảy qua tường. Lão Dở mở mắt ra nhìn. Tên trộm vừa trèo qua cái cành cây bên kia cổng nhảy xuống hè đường. Nó lẩn qua phía lão nép vào gốc cây sấu quan sát rồi co giò định chạy. Lão nhỏm ngay dậy nhoài người quờ tay ôm riết được một chân của thằng trộm. Nó bị tóm chân bất ngờ nên chới với ngã lăn xuống hè đường. Cái hộp nhỏ nó đang cầm trên tay văng ra xa. Thằng trộm lồm cồm bật dậy. Nó càng cố giật chân thì lão lại càng cố ôm ghì thật chặt. Trong ngôi biệt thự có ánh đèn và tiếng chân nhiều người lao ra. Từ phía đầu phố có tiếng còi ủ của xe cảnh sát. Thằng trộm tống một quả đấm thật mạnh vào mặt lão Dở. Lão Dở đau điếng nhưng vẫn kiên quyết không buông rời chân thằng trộm. Một ánh thép loé lên. Lão Dở chới với buông chân thằng trộm gục xuống. Nhát dao của thằng lưu manh xỉa thẳng vào cổ lão Dở. Khi công an và mọi người chạy đến thì thằng trộm đã biến mất tăm vào bóng tối mịt mùng trong ngõ hẻm.
Lão Dở thấy mình chơi vơi như đang bay trên mây. Đúng là lão đang bay. Lão bay lên thật nhẹ nhàng.
Lão nghe thấy tiếng bà chủ ngôi biệt thự rú lên vui mừng vì tìm thấy cái hộp nữ trang cả chục cây vàng mà tên trộm bị lão Dỡ bất ngờ tóm chân ngã rơi văng chỗ rãnh nước bên đường. Lão lại nghe thấy tiếng ông chủ biệt thự. Vẫn cái giọng hách dịch như lúc tối mắng anh chàng giúp việc ra mở cổng. Ông ta đang nói với mấy anh công an:
- Các đồng chí kiểm tra ngay lão ăn mày này! Nhất định lão ta là đồng bọn với thằng ăn trộm đã đột nhập vào nhà tôi. Mấy ngày nay tối nào lão cũng lảng vảng ở cổng nhà tôi đấy!
Có lẽ ông chủ ngôi biệt thự là sếp lớn nên các anh công an răm rắp chấp hành mệnh lệnh. Họ nhanh chóng khám nghiệm hiện trường rồi lập biên bản. Lão Dở cũng lờ mờ nhận ra người đang cố gắng băng bó, cầm máu cho mình chính là cái anh đã ra mở cổng ngôi biệt thự lúc buổi tối hôm qua. Lão cố nói để anh ta biết quê quán của mình và số tiền ki cóp được lão đang giấu trong bụng. Lão muốn nhờ anh ta đem về cho thằng cháu ở quê. Nhưng tiếng của lão sao lại bé hơn cả tiếng gió, tiếng mưa thế này. Hình như chẳng ai nghe được tiếng lão nói nữa.
Lão Dở cố mở mắt ra. Nhưng lão cũng chẳng còn nhìn rõ gì nữa cả. Trước mắt lão sao mọi thứ cứ mờ mờ ảo ảo, méo mó, dị dạng hết đi thế nhỉ?. "Thôi chết! Thế này thì làm sao ngày mai mình về quê được đây!". - Đó là ý nghĩ cuối cùng của lão...
Hà Nội, 9/1/2011

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019

THƠ VIẾT CHO MỘT NGƯỜI - Trọng Bảo

THƠ VIẾT CHO MỘT NGƯỜI 
Truyện của Trọng Bảo  
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười
Em sinh ra ở Yên Phong, Bắc Ninh, bên dòng sông Cầu lơ thơ nước chảy. Quê em có chợ Chờ, chợ Núi, có những xóm làng xanh mát lũy tre xanh, mùa hè đến âm vọng tiếng sáo diều vi vu. Trên những triền đê có những đàn bò thẩn thơ gặm cỏ trong tiếng cười nô đùa của đám trẻ mục đồng. Đặc biệt là quê em có làn điệu dân ca qua họ mượt mà, thiết tha, xao động lòng người.
Từ miền quê thanh bình ấy em lên đường, trở thành một người chiến sĩ. Chiếc áo chiến binh màu xanh em khoác lên mình thay cho màu áo trắng sinh viên. Tôi quen biết em tình cờ trong một lần lên trung đoàn bộ nhận pin và ác-quy máy thông tin. Từ đơn vị tôi lên trung đoàn bộ gần ba mươi cây số. Tôi xuống bếp thanh toán gạo và thực phẩm bữa trưa để tự nấu ăn dọc đường. Đi bộ từ sáng sớm đến gần trưa tôi mới đến trung đoàn bộ. Nhận xong các loại vật tư, tôi đeo ba lô ra bờ con suối nhỏ. Tôi dự định nấu cơm ăn xong sẽ trở về đơn vị. Khi tôi đang lúi húi chụm bếp bắc cái nồi nhỏ nấu cơm bên bờ suối thì có một nữ chiến sĩ từ nơi trú quân của cơ quan trung đoàn đi đến. Giờ nghỉ trưa, cô bé bưng một chậu quần áo ra suối giặt. Khi đi qua nhìn cái nồi tôi vừa đặt lên cái bếp kê bằng ba hòn đá cô bé bảo tôi:
- Có ít gạo mà anh cho nhiều nước thế thì cơm nhão mất!
Tôi lúng túng. Cô bé dừng lại giúp tôi gạn bớt nước trong nồi cơm. Rồi vừa vò quần áo cô bé vừa trông chừng nồi cơm giúp tôi. Cùng là lính tráng nơi biên giới nên chúng tôi làm quen với nhau rất nhanh. Tôi biết quê quán và tên nữ chiến sĩ ấy là M. Cô bé là văn thư bảo mật của trung đoàn. Sau này cô bé chính là nguyên mẫu nhân vật Mai trong truyện dài "Cơn lũ đen" của tôi. M. giúp tôi nấu cơm, xào tý thịt lợn. Tôi đùa:
- Hay hai anh em mình đổi công! Em nấu cơm giúp anh, anh sẽ giặt quần áo cho em?
- Nhưng đồ của con gái có thứ anh không giặt được đâu! Hì…
Cô bé cười rất tươi. Sau bận ấy mỗi lần lên trung đoàn bộ nhận trang bị, vũ khí tôi đều tìm cách gặp M. Có lần M. dẫn tôi vào chỗ trú quân rồi lấy cơm nhà bếp về mời tôi cùng ăn với hai chị em bộ phận văn thư luôn. Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979 xảy ra. Cơ quan trung đoàn bộ bị quân địch tập kích bất ngờ và đánh phá dữ dội. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ cơ quan trung đoàn bộ đều hy sinh. Hai cô gái bộ phận văn thư trung đoàn đã chiến đấu vô cùng dũng cảm. Họ đã huỷ được hết các tài liệu quan trọng, không để rơi vào tay quân giặc. Hai người đã bắn đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng. Hôm đó là một ngày đầu tháng ba. Khi nghe tin M. hy sinh tôi đã viết bài thơ “Tiếng gọi”.
TIẾNG GỌI
Trước lúc hy sinh em cố gọi: "Mẹ ơi!"
Tiếng gọi chìm trong tiếng súng.
Tiếng gọi tắt nửa trên môi.
Người em gái tuổi chớm đôi mươi
Chưa một lần hò hẹn
Chưa biết đến nụ hôn
Em mang cả trinh nguyên vào lòng đất.
Trái tim em đạn thù găm nát
Nỗi đau từ đó vỡ ra,
Tình yêu từ đó vỡ oà
Em gửi lại cho những người ở lại.
Chúng tôi đứng sát bên nhau
Nòng súng vươn cao lặng lẽ cúi đầu
Phút cuối cùng tiễn đưa người em gái.
Đặt một cành lá xanh
Trên nấm mộ gió mưa tê tái
Tôi chợt nghe như em vẫn còn gọi mãi:
"Mẹ... mẹ ơi!".
Cuối tháng bảy năm 1979, tôi có quyết định về tập trung tại trường văn hoá của quân khu để ôn thi đại học. Trước khi rời Cao Bằng về xuôi, tôi và một người bạn của M. đến thăm nơi em đang yên nghỉ. Tôi đã viết cho em một bài thơ “Thôi em ở lại” để thay lời tạm biệt người con gái ấy.
Trước nấm mộ người con gái Kinh Bắc, tôi đọc bài thơ thứ hai này cho em nghe.
THÔI EM Ở LẠI
Vậy thôi em ở lại,
Bọn anh ngày mai về xuôi.
Hôm lên chúng mình có ba người
Một mình em con gái,
Quê em ở bến sông Cầu.
Em nói ngày ra quân năm sau
Đưa bọn anh về làng Lim đi hội
Nghe quan họ hát thâu đêm...
Thế mà bây giờ chỉ một mình em
Ở lại đây với núi rừng biên giới.
Trận đánh ấy vô cùng dữ dội
Giữa vòng vây quân giặc trùng trùng
Quả lựu đạn cuối cùng
Trên tay em chớp lửa
Quân thù kinh hoàng, tơi tả,
Em hoá thân vào trời đất bao la,
Nên ngày về xuôi chẳng còn đủ ba
Khuyết mất người em gái nhỏ.
Hai đứa anh ngồi bên nấm mộ
Bùi ngùi dặn em trước lúc chia tay:
"Thôi em ở lại đây
Với chập trùng núi đá
Với bạt ngàn hoa lau,
Để mùa Xuân trên bến sông Cầu
Thiếu một người đội nón quai thao đi hội...".
Đọc xong, tôi liền châm lửa đốt tờ giấy chép bài thơ thay một nén nhang tưởng nhớ và từ biệt người liệt nữ. Bài thơ cháy bỏng trên tay tôi, tàn tro rắc rơi trên mặt cỏ xanh.
Một năm sau, tôi về học tại một trường sĩ quan ở Bắc Ninh. Lần đầu tiên đi Hội Lim, giữa dòng người trẩy hội đông nghẹt, tôi lại nhớ đến M. Tôi cứ nghĩ như là em đang đưa tôi đi xem hội, nghe hát quan họ. Em vẫn ở đâu đó quanh đây, giấu khuôn mặt xinh đẹp sau vành nón nhỏ và sẽ bất ngờ xuất hiện ngay bên cạnh tôi với ánh mắt sáng long lanh, nụ cười tinh nghịch trên môi...
Và, tôi đã viết cho em bài thơ thứ ba này.
HỘI LIM TÔI LẠI ĐI TÌM
Hội Lim tôi lại đi tìm
Mong sao gặp ánh mắt em hôm nào,
Trốn sau vành nón quai thao
Thoảng nghe tiếng gọi ngọt ngào: "Người ơi..."
Hội đông, người chạm vai người
Không em tôi vẫn lẻ loi một mình
Cô đơn khóm trúc đầu đình
Buồn trông liền chị, liền anh dập dìu
Đêm cho câu hát liêu xiêu
Tay nâng vạt áo bao nhiêu hẹn hò.
Riêng tôi mong sự bất ngờ
Mà quên hội tự bao giờ đã tan...?.
Cả ba bài thơ trên có trong truyện dài "Cơn lũ đen" đã đăng trên Fb này. Và cả ba bài thơ ấy đều dành cho một cô gái, một người chiến sĩ quê miền quan họ Bắc Ninh, một người đồng đội dũng cảm của chúng tôi.
Viết thêm: Riêng bài thơ “Hội Lim tôi lại đi tìm” đã được đăng trên Báo Giáo dục & Thời đại và số Tết báo Pháp luật Việt Nam.
Hà Nội, 8-3-2017

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

Truyện thiếu nhi CHUỒN CHUỒN BAY THẤP

CHUỒN CHUỒN BAY THẤP 
Truyện thiếu nhi của Trọng Bảo

Không có mô tả ảnh.

Cái My đứng tựa cửa nhìn ra sân. Những con chuồn chuồn đang bay rất thấp. Vậy là trời sắp mưa. Cái My chợt nhớ tới bà nội và mẹ. Khi còn sống bà hay bảo: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa”. Bà gọi bé My vào nhà ngay kẻo mưa ướt dễ bị cảm. Năm My lên sáu tuổi thì bà mất. Nó còn nhớ bữa theo mẹ ra thăm mộ bà trời âm u, chuồn chuồn bay rất thấp. Mẹ vẫn cứ lúi húi vun đất đắp mộ cho bà, My phải nhắc mẹ. Hai mẹ con vội vã thắp hương cho bà rồi về thế mà dọc đường vẫn bị mưa ướt. My càng không quên hôm ra đắp mộ cho mẹ chuồn chuồn cũng bay thấp nhưng nó không về. Mặc cho mưa rơi ướt sũng cả người My vẫn ngồi bên cạnh mộ mẹ không muốn về. Mẹ nó mất do tai nạn giao thông. Chiều hôm đó bố đèo mẹ lên thị trấn để vay tiền sửa nhà lúc về thì gặp mưa. Bố vội phóng xe vội vã chạy tránh mưa nên va phải phía sau một chiếc xe tải. Mẹ nó văng ra đập đầu xuống mặt đường. Vào đến bệnh viện thì mẹ mất. Bố bị thương nặng phải điểu trị mấy tháng liền mới khỏi.
Gần hai năm sau, bố lấy dì Tân. Ban đầu dì đối xử với My cũng không có gì ghê gớm lắm. Nhưng từ khi sinh cu Bi thì dì chẳng bao giờ còn ngó ngàng đến cái My nữa. Dì chỉ chú ý đến nó khi cần nó bế cu Bi. Dì không cho My đi học thêm để còn ở nhà chăm sóc cu Bi lại đỡ tốn tiền học. Bố cũng không phản đối. Từ ngày bị ngã xe bố cũng ốm yếu luôn nên chả dám quyết điều gì. Nhất nhất mọi việc bố đều nghe theo sự sắp đặt của dì.
Một hôm hai chị em ở nhà. Cu Bi khóc đòi chị bắt cho một con chuồn chuồn để chơi. Cái My phải để em ngồi trên thềm ra vườn xem có con chuồn chuồn nào đậu ở luống đậu đũa không. Khi My vừa tóm được đuôi một con chuồn chuồn thì nghe tiếng cu Bi khóc thét lên. Nó hốt hoảng chạy vào. Cu Bi bị ngã lao đầu xuống sân, sứt trán máu chảy ướt cả mặt. Cái My sợ quá gào to gọi chú Tuyên hàng xóm sang cứu. Chú Tuyên không ở nhà. Cái My vội bế xốc em lên chạy ra cổng. Giữa lúc đó thì dì về. Dì giằng lấy cu Bi rồi thẳng tay tát mạnh vào mặt nó mấy cái. Dì ôm cu Bi chạy ra trạm y tế xã. Cái My tối tăm mặt mũi. Nó lảo đảo ngã sấp xuống, đầu đập mạnh vào bậc thềm. Cái My ngất đi. Nó tỉnh lại được là nhờ những hạt mưa lạnh tạt vào mặt.
Sau bận ấy dì càng ghét nó. Những lúc bố đi vắng không có cơn cớ gì dì cũng đánh nó. Mỗi lần cái My bị đánh cu Bi đều khóc thét lên:
- Mẹ… đừng đánh chị My… để chị bắt chuồn chuồn cho cu…
Đêm ngủ cu Bi cũng mê sảng khóc: “Mẹ đừng… đánh… chị… My… đừng… đánh… chị… My…”.
Cái My ngày một gầy yếu. Nó cắn răng chịu những trận đòn của dì mà không hé răng, không kêu khóc. Nó luôn mặc quần áo dài để bố về khỏi nhìn thấy những vết thâm tím do bị đánh. Nhưng trong khi bố nó suốt ngày say rượu không biết gì thì cô Hiên nó lại biết. Cô Hiên là em gái ruột của bố. Cô đang công tác ở trên tỉnh. Cô phóng xe máy về giữa lúc trời đang nắng nóng oi bức. Cô đỗ xe ngay giữa sân rồi nhào vào nhà. Không chào anh trai đang ngồi uống nước ở xa-lông, cô lôi cái My đang ngồi học ở gian bên cạnh ra giữa nhà. Vừa vạch áo nó ra cô vừa gào lên:
- Anh nhìn đi… nhìn đi… anh để con bé nó khốn khổ thế này à! Anh có còn là bố nó nữa không?
Bố My lúng túng. Gần đây bố cũng nghe chuyện dì ghẻ, con chồng nhưng cũng không ngờ cái My lại bị đánh đập, đối xử quá tàn tệ đến thế.
Cô Hiên kiên quyết:
- Lần này tôi về tôi sẽ đưa cái My đi ở với tôi!
- Thôi thì tùy cô… tôi… tôi… cũng không còn đủ sức lo cho nó nữa rồi.
Cô Hiên kêu cái My gấp quần áo để đi với cô luôn. Bố cũng bảo nó đi với cô cho đỡ khổ. Cái My ngần ngừ:
- Con chờ dì và em về đã!
- Dì và em sang bên ngoại chiều mới về, chờ làm gì?
Bố gàn. Cái My mếu máo:
- Nhưng con đã hứa với em là chiều nay sẽ bắt cho nó một con chuồn chuồn để chơi bố ạ! Chiều em về không có nó sẽ khóc và giận con…
- Vớ vẩn! Nó còn bé biết gì. Thôi hai cô cháu đi đi, chuồn chuồn bay thấp là trời sắp mưa rồi đấy!
Cái My đi theo cô Hiên. Ngồi sau xe của cô ra đến giữa cánh đồng cái My vẫn ngoảnh lại chùi mắt và khe khẽ nói: “Đừng giận chị cu Bi nhé! Nhất định chị sẽ về bắt cho em một con chuồn chuồn ớt thật đẹp để em chơi!”.
Hà Nội, 17/8/2010