Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

ĐƯỢC LÊN TI VI

    ĐƯỢC LÊN TI VI

LTG: Tiểu thuyết “Năm người cùng làng” in xong, nhuận bút là 120 cuốn sách. Nhà sách “giao nhiệm vụ” tác giả tự phát hành (bán) 100 cuốn. Thôi thì cứ biếu tặng anh em bạn bè đã, bán sau. Sách gửi tặng gần hết thì tôi nhận được điện thoại của nữ trưởng ban biên tập chương trình văn hóa của một kênh truyền hình đề nghị giới thiệu tác phẩm “Năm người cùng làng”. Tôi chợt nghĩ: “Thế thì tốt quá! Giới thiệu lên truyền hình thế nào mà chả bán được hết sách!” (Đến nay tôi đã bán được 3 cuốn rồi). Tôi liền đồng ý. Hóa ra không như tôi nghĩ, truyền hình họ không đưa cái bìa sách, tên nhà xuất bản, bao nhiêu trang, giá bao nhiêu tiền? Mà họ tổ chức làm một chương trình phỏng vấn hẳn hoi, rồi có các phóng sự linh kiện, lại thêm cả hai nhà văn nổi tiếng nhận xét thêm nữa. Quả là hoành tráng. Dưới đây chỉ là phần tôi trả lời phỏng vấn của phóng viên:
1. Ông có thể cho biết rõ hơn, cuộc đời quân ngũ của mình đã bắt đầu như thế nào?
Trọng Bảo: Đầu năm 1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang đi đến thắng lợi cuối cùng thì tôi được gọi nhập ngũ. Bạn bè cùng trang lứa với tôi nhập ngũ sớm hơn. Họ đã có mặt ở chiến trường. Tôi vào bộ đội muộn hơn vì người anh đầu của tôi vừa mới có giấy báo tử hy sinh ở chiến trường Miền Nam. Có lẽ vì thế mà tôi được tạm hoãn chăng? Đên cuối tháng 2-1975 tôi mới được gọi vào bộ đội.
2. Vậy thì điều gì đã khiến ông cầm bút để cày xới trên cánh đồng văn chương?
TB: Tôi là một người viết báo. Khi còn là binh nhì, binh nhất tôi đã có bài đăng trên báo QĐND, báo ND. Khi được chuyển sang làm báo chuyên nghiệp, tôi về cơ quan Thông tấn quân sự. Mà bạn biết đấy! Thông tấn quân sự là một cơ quan đưa tin, anh về các hoạt động quân sự, quốc phòng. Trong chiến tranh các phóng viên Thông tấn quân sự có mặt ở các chiến trường ác liệt để viết tin, chụp ảnh chiến sự. Có những phóng viên Thông tấn quân sự đã hy sinh ở mặt trận. Thông tấn quân sự có nhiều thành tích, thông tin kịp thời tình hình chiến sự, những chiến thắng của quân dân ta trong kháng chiến… Tuy vậy, trong chiến tranh, trong cuộc sống có nhiều sự kiện, nhiều số phận, nhiều tình huống mà thông tấn quân sự do chức năng, nhiệm vụ của mình không thể phản ánh được. Do đó, tôi mới suy nghĩ đến việc phải viết lại, ghi chép lại, phải thể hiện bằng văn học mới truyền tải hết được. Do đó, ngay từ khi đang là phóng viên thông tấn, tôi đã “mon men” sang lĩnh vực văn chương…
3. Và tác phẩm đầu tay của nhà văn Trọng Bảo là tác phẩm nào ạ?
TB: Tác phẩm đầu tay trong lĩnh vực văn chương của tôi là Tập truyện ngắn NGỌN GIÓ SÂN CHÙA do NXB Thanh niên ấn hành năm 2003. Tại sao cuốn sách này được ra đời và “lôi kéo” tôi liều lĩnh sang lĩnh vực văn chương? Như trên tôi đã nói, quá trình vừa làm báo vừa “mon men” sang lĩnh vực văn chương, một vài truyện ngắn, bút ký của tôi được đăng trên tạp chí VNQĐ, Báo QĐND và phát trong chương trình Phát thanh QĐND đã “lọt vào mắt xanh” các nhà văn chuyên theo dõi văn học về đề tài chiến tranh cách mạng, như các nhà văn Đào Thắng, nhà văn Bùi Thanh Minh ở Phòng VHVN, Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị. Đặc biệt là nhà văn Phạm Hoa, Cục phó Cục Tuyên huấn TCCT. Các nhà văn này luôn khuyến khích tôi viết văn. Tôi được mời đi dự trại viết văn do Bộ Quốc phòng tổ chức. Và sau đó là tập truyện ngắn đầu tiên “Ngọn gió sân chùa” được xuất bản…
4. Nỗi nhớ đồng đội, những nhánh lan rừng mà cụ thể là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã đi vào trang văn của ông như thế nào?
TB: Đơn vị tôi được trao quân kỳ Quyết thắng và lá cờ quyết thắng nửa đỏ nửa xanh của Quân giải phóng miền Nam, chuẩn bị lên đường vào Miền Nam chiến đấu. Lễ xuất quân ở một khu đồi bạch đàn Đại Từ, Thái Nguyên. Nhưng chúng tôi chưa kịp lên đường thì Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Đơn vị tôi chuyển sang lao động, làm kinh tế ở vùng miền núi phía Bắc. Đó là những tháng năm vô cùng gian khổ, thiếu thốn sau chiến tranh. Tuy vậy ngày ấy ở những khu rừng già Tây Bắc, Việt Bắc những cánh hoa phong lan như giúp những người lính chúng tôi quên bớt đi những khó khăn, gian khổ. Tôi luôn nhớ đến những người đồng đội của tôi. Gian lao chia sẻ, vui buồn có nhau. Khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979 xảy ra, chúng tôi sát cánh bên nhau, sống chết có nhau… Tình đồng đội ấy mãi mãi không thể nào quên, và họ đi vào từng trang viết của tôi một cách tự nhiên. Tôi trò chuyện với họ bằng nhưng trang viết của mình. Họ dù còn sống hay đã hy sinh vẫn ở bên tôi thân thiết như những ngày cùng trên đường hành quân, trong hầm hào chiến đấu, lúc cùng nhau đói khát, gian khổ chiến đấu trong vòng vây quân thù...
5- Là một người lính chiến, ấn tượng về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979 mà ông muốn thể hiện trong trang viết là gì?
TB: Chiến tranh không ai mong nó xảy ra. Đó là sự tàn phá khốc liệt, sự hy sinh mất mát to lớn. Rạng sáng ngày 17-2-1979 khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, tôi đang ở gần cửa khẩu Bình Mãng, Hà Quảng, Cao Bằng. Đơn vị, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 chúng tôi đã chiến đấu quyết liệt ngăn chặn quân bành trướng Trung Quốc xâm lược, lập được nhiều chiến công. Ấn tượng chiến tranh ám ảnh mãi trong tôi là khi tuyến trước không còn giữ được trước sự tấn công ác liệt của quân xâm lược, chúng tôi được lệnh rút về phía sau. Khi tôi chạy qua một thung lũng gặp các chiến sĩ vận tải đang đào huyệt chôn cất những người vừa hy sinh lúc chiều. Mỗi lần đạn pháo địch bắn nổ gần các chiến sĩ vận tải lại nhảy xuống, nằm xuống cái hố mình đang đào để tránh mảnh đạn pháo. Một chiến sĩ nhìn thấy tôi chạy qua liền quát: “Mày không nhảy xuống đây mà tránh đạn à? Đừng để tao phải đào thêm một cái hố nữa nhé!”. Đúng là người chết phù hộ cho người sống, đồng đội che chở cho nhau như thế đấy. Ấn tượng thứ hai đó là ngày 20-2-1979, đơn vị chúng tôi bị bọn được bào vây chặt và tấn công dữ dội ở thị trấn Sóc Giang, Hà Quảng. Khi tình hình vô cùng nguy ngập thượng úy Hoàng Quốc Doanh, Chính trị viên Tiểu đoàn 3, người chỉ huy duy nhất ở vị trí chỉ huy của tiểu đoàn từ cửa hang đi vào, một tay cầm khẩu súng ngắn chỉ huy, một tay xách lựu đạn nói với chúng tôi: “Có thế hôm nay tất cả chúng ta sẽ hy sinh. Bây giờ đã đến lúc chúng ta quyết một trận sống chết với quân thù!”. Anh chưa nói dứt lời chúng tôi, những người lính đảm bảo thông tin liên lạc, nuôi quân, vận tải và các thương binh ở trong hang lập tức cầm vũ khi lao ra phía cửa hang đang mịt mù lửa khói. Có một thương binh nặng bò lết trên nền hang tay giữ chặt quả lựu đạn ở bụng sẵn sàng hy sinh không để lọt vào tay quân giặc. Chúng tôi được lệnh: “Bắn đến viên đạn cuối cùng nhưng phải để lại cho mình quả lựu đạn cuối cùng, không được để quân địch bắt!”. Đơn vị tôi trong chiến tranh không ai bị địch bắt vì thế. Đó là nhưng ấn tượng của chiến tranh mà tôi không bao giờ quên…
6. Được biết, nhiều nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Trọng Bảo có cơ sở từ nguyên mẫu trong thực tế. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
TB: Văn học là sáng tạo, nhà văn có quyền hư cấu. Nhưng mọi sự hư cấu đều bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống. Các nhân vật trong văn chương luôn có hình mẫu trong cuộc sống, Nhiều nhân vật trong các sáng tác của tôi có nguyên mẫu trong đời thực nhưng đã được điển hình hóa. Nhưng có một cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc 2-1979 mà tôi đã viết, toàn bộ các nhân vật đều lấy nguyên mẫu thực tế ở một đơn vị. Đó là tiểu thuyết, nhưng cũng là các sự kiện xảy ra thật, con người thật. Nhiều bạn đọc là đồng đội của tôi ngày ấy khi đọc được một số chương trên mạng đều nhận ra mình và người chỉ huy, người đồng đội của mình, không ai phản ứng bởi các chi tiết hư cấu. Hoặc như tiểu thuyết “Năm người cùng làng” cũng vậy. Miền quê trung du của tôi những năm tháng chiến tranh là nơi luyện quân ra trận và cũng là nơi an dưỡng, chữa trị thương binh từ mặt trận trở về. Gần nhà tôi có một khu điều trị thương binh nặng bị chấn thương sọ não (thường gọi là thương binh tâm thần). Những thương binh này khi tỉnh táo rất hiền lành, vui vẻ. Nhưng khi lên cơn chấn động tâm thần những khi trái gió, trở trời thì chỉ nghĩ mình đang ở mặt trận, lăn lê, bò toài dưới mương nước bẩn để “chiến đấu” đánh địch, thậm chí phá phách doanh trại, đánh người nếu nghĩ là “địch”. Nhân vật Vũ Phương có nguyên mẫu là một thương binh tâm thần ngày ấy tôi từng biết…
7. Qua các tác phẩm của nhà văn Trọng Bảo thì có thể thấy, hình ảnh người phụ nữ luôn tạo một dấu ấn nhất định. Dường như những nhân vật này luôn gánh một “trọng trách” trong văn chương của ông, qua đó là một ẩn dụ, một quan niệm, một suy nghĩ, một cảm nhận của ông về cuộc sống?
TB: Hình ảnh, số phận của người phụ nữ trong các tác phẩm của tôi thật là buồn. Đúng như một bạn đọc từng nhận xét. Những người phụ nữ ấy dù họ ở đâu khi chiến tranh xảy ra cũng không thể thoát khỏi cái “vòng kim cô” của cuộc chiến. Sau chiến tranh số phận của họ là cuộc sống cô đơn giữa căn “nhà có ma”, gió lùa lạnh lẽo, hay một kiếp ni sư cô đơn như “ngọn gió sân chùa”, một ô-sin nơi phố phường hoặc một “chị Thân” sống cô đơn trong hẻm núi. Tiểu thuyết Trăng quê viết về những nữ dân quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tôi yêu quý những người nữ chiến sĩ ấy nhưng, hình ảnh của họ luôn ám ảnh trong tôi. Có bạn đọc đã nhận xét số phận những người phụ nữ trong truyện của anh buồn quá, cô đơn và bất hạnh quá. Tôi sẽ cố thay đổi cách nhìn về thân phận của những người phụ nữ trong chiến tranh. Sẽ viết về những cái kết có hậu cho người phụ nữ. Nhưng dù có cố bao nhiêu thì cũng phải thấy rằng khi chiến tranh xảy ra, người phụ nữ sẽ phải chịu hậu quả lớn nhất dù họ có mặt ở vị trí nào của cuộc chiến tranh ấy…
8. Ông mong muốn truyền tải thông điệp gì qua các tác phẩm viết về đề tài hậu chiến?
TB: Chiến tranh người lính, người dân nhất là những người mẹ, người vợ đã quá khổ rồi mong rằng thời hậu chiến họ sẽ vơi bớt đi nỗi khổ đau đó. Hãy làm hết sức mình để không xảy ra chiến tranh, và hãy làm hết lòng mình đền ơn đáp nghĩa những người đã chịu nhiều hy sinh mất mát trong chiến tranh. Họ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, có được hòa bình, ổn định và phát triển như hôm nay của đất nước là công lao đầu tiên của những người lính năm xưa ra trận và hiện vẫn đang cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
8. Nếu bây giờ ngồi đếm lại, nhà văn Trọng Bảo có thể tính được là mình đã cho ra đời bao nhiêu tác phẩm văn học không ạ?
TB: Tôi đã in ra mắt bạn đọc được 5 tập truyện ngắn, 1 tập truyện thiếu nhi, 3 tập tiểu thuyết. Nhiều truyện ngắn, truyện thiếu nhi đã được chuyển thể thành kịch bản phim truyện, câu chuyện truyền thanh, đọc truyện đêm khuya. Một số truyện ngắn được tuyển chọn in trong các tuyển tập và trong SGK phổ thông. Hiện nay, tôi cũng đã viết xong 1 tiểu thuyết, một tập truyện ngắn, một tập tản văn & bút ký. Chưa in thành sách được thôi chứ bạn đọc đã được đọc nó trên mạng Interrnet rồi.
9. Đến nay thì nhà văn Trọng Bảo đã có một lượng độc giả nhất định, có rất nhiều độc giả háo hức đón đợi các tác phẩm của ông. Đó chắc chắn là một trong những động lực để nhà văn Trọng Bảo tiếp tục cho ra đời các sáng tác tiếp theo?
TB: Đúng là như vậy! Viết văn mà có bạn đọc mong chờ là hạnh phúc của người cầm bút. Đó cũng là động lực cho người viết. Tôi còn nhớ một chuyện vừa vui vừa buồn… (Chuyện này chỉ kể ngoài lề phỏng vấn).
MC: Vâng xin chúc đại tá, nhà văn Trọng Bảo với bút lực dồi dào của mình sẽ có thêm nhiều nhiều thành công trên con đường văn chương của mình. Chương trình của chúng tôi cũng xin được khép lại tại đây. Cảm ơn quý khán giả và các đồng chí đã quan tâm theo dõi! Xin kính chào tạm biệt!
(Mời xem lại Chương tình Văn hóa, văn nghệ quân đội trên VTV1 lúc 16 giờ 15 phút, ngày 22/5/2022)
Có thể là hình ảnh về 7 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

BẠN LÊN BIÊN GIỚI - thơ

     BẠN LÊN BIÊN GIỚI

Bạn lên biên giới sáng nay
Như đang về lại những ngày tuổi xanh,
Cái thời áo lính mong manh
Bàn chân rớm máu đường hành quân xa
Mưa rừng, rét cắt thịt da,
Quân thù trước mặt, quê nhà phía sau,
Cái thời gian khổ chia nhau
Căng mình giữ đất hai đầu biên cương,
Cái thời chẳng tiếc máu xương,
Tuổi hai mươi ấy coi thường hiểm nguy,
Biết bao đồng đội ra đi
Vùi thân vào đất không về quê hương.
Hôm nay trở lại biên cương
Bạn đi trên những nẻo đường năm xưa,
Nén nhang thắp giữa gió mưa
Gọi tên đồng đội còn chưa trở về…
Hà Nội, 29/4/2022
TRỌNG BẢO
Viết tặng các CCB Trung đoàn 246 trở lại thăm chiến trường xưa Hà Quảng, Cao Bằng.
Có thể là hình ảnh về 1 người, cây và đường