Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Truyện ngắn GÃ HOẠN LỢN (phần 2)

         
               

              Gã hoạn lợn
            Truyện ngắn của Trọng Bảo

           Phòng nông nghiệp huyện có hơn chục người. Phần đa toàn là những kỹ sư hoặc tốt nghiệp cao đẳng nông lâm nghiệp. Thế mà đột nhiên lại có một cử nhân ngành sử học được đưa về biên chế vào bộ phận chuyên phụ trách theo dõi, chỉ đạo công tác chăn nuôi, thú y. Khi được thông báo tiếp nhận cô nhân viên mới này về bộ phận của mình kỹ sư Khoa rất ngạc nhiên và bức xúc. Anh phản đối thì ông trưởng phòng vỗ vai tặc lưỡi:
          - Con bé này là cháu ông phó chủ tịch tỉnh đấy!
          - Nhưng là một người không đúng chuyên ngành đã đào tạo thì về phòng nông nghiệp biết làm được việc gì?
          - Ôi dào! Cần gì đúng chuyên ngành... nó về đây chỉ là kiếm một chỗ đậu tạm để lấy biên chế là viên chức nhà nước thôi! Cậu đừng có lo, chờ vài hôm nữa sau đại hội, ông phó chủ tịch tỉnh lên chức chủ tịch là nó sẽ lập tức bay vút đi ngay ấy mà!
          - Thế thì bác cho cô ấy vào bộ phận khác nhé. Bộ phận chăn nuôi, thú ý không cần cán bộ nghiên cứu về môn lịch sử... - Kỹ sư Khoa nhấm nhẳng.
          Ông trưởng phòng hơi bực vì thái độ của kỹ sư Khoa. Ông sẵng giọng:
          - Các bộ phận khác đã đủ và dư người rồi! Bộ phận của cậu đang thiếu biên chế nên mới đưa về đấy chứ!
          - Nhưng… biết giao cho cô ấy công việc gì?
          - Thì... thì... cậu cứ giao cho cô ấy hàng ngày vệ sinh phòng làm việc, chùi rửa ấm chén, đun nước sôi cho các bộ phận trong toàn phòng không được à!
          - Nhưng đấy đâu phải là công việc chuyên môn chính! Chả lẽ lại bảo cô ấy đi nghiên cứu lịch sử hình thành của loài lợn, chiến công của loài chó hay quá trình tiến hóa của loài ngỗng à?
          Ông trưởng phòng bật cười, dịu giọng:
          - Đấy! Cậu cũng đã biết nghĩ ra việc để giao cho cô ấy làm rồi còn gì! Hì... hì... Mà thôi cậu đừng có băn khoăn suy nghĩ mãi, hao tâm mệt não. Bên phòng văn hóa thể thao còn có một thằng là kỹ sư hóa chất, phòng công nghiệp còn có hai đứa vừa tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mới về nhận công tác đấy! Toàn là loại “CCCC” cả thôi, hiểu không!
          Thế là bộ phận chỉ đạo chăn nuôi, thú y có thêm một cô cử nhân đại học chuyên ngành nghiên cứu về lịch sử. Cô bé này tuy không thật xinh đẹp nhưng cũng ưa nhìn. Cô có nước da trắng như bột lọc, tính tình tuy hơi đành hanh nhưng cũng có vẻ chịu khó. Cô ta vừa học xong đại học tổng hợp chuyên ngành sử, được phân công về nhận công tác ở một tỉnh miền núi Tây bắc nhưng sợ khổ và không muốn đi xa nhà. Hàng ngày cô cử nhân lịch sử đến cơ quan sớm hơn mọi người để đun nước sôi cho các bộ phận. Cô đi từng phòng làm việc thu về mười cái phích rồi đun một nổi nước sôi to đổ đầy xong lại đem chia về các phòng. Hết giờ làm việc thì cô ta lại đi từng phòng để thu phích và tráng rửa ấm chén, đổ bô đựng bã chè. Còn trong giờ hành chính chủ yếu cô ta ngồi đan len và chờ ông trưởng phòng sai vặt việc chuyển thư từ, công văn, gọi người lên họp hành, hội ý... Kỹ sư Khoa rất bực vì tự dưng bộ phận của mình lại có thêm một nhân viên làm tạp vụ chung cho toàn cơ quan như thế trong khi người làm chuyên môn thì đang thiếu. Kỹ sư Khoa càng bực hơn khi một hôm tay phụ trách bộ phận kỹ thuật trồng trọt kéo anh cười cười bảo:
          - Cám ơn bộ phận của ông nhé!
          - Cám ơn vì việc gì?
          - Vì… từ ngày bộ phận của ông có một nhân viên chuyên trách việc đun nước sôi, vệ sinh chung cho cả phòng thì bộ phận của bọn mình cũng đỡ vất vả xì xụp đun nấu, cần nước sôi pha trà là có ngay. Thật thuận tiện quá…
          - Hừ… hừ…
          - Nhưng chúng tớ đề nghị ông phải chú ý tăng cường kiểm tra “trình độ chuyên môn” của nữ nhân viên mới này. Không hiểu nước sôi của bộ phận cậu cung cấp có đủ 100 độ hay không mà nhiều hôm uống vào đang họp mà cứ phải chạy đi đái rắt liên tục đấy… Ông là người phụ trách của cô ấy thì phải chịu trách nhiệm về chuyện này chứ? He he…
          Nghe tay phụ trách bộ phận trồng trọt nói như vậy kỹ sư Khoa tức đến nghẹn cả cổ họng nhưng không làm gì được hắn ta.
          Trong khi kỹ sư Khoa ghét cay ghét đắng cô nhân viên mới thì ngược lại cô ta lại có vẻ rất thích anh. Có lẽ là vì anh đẹp trai và thông minh, tài giỏi. Nhiều đề tài nghiên cứu về con giống, thức ăn chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm của kỹ sư Khoa được đánh giá cao, ứng dụng có hiệu quả. Uy tín của anh trong các hợp tác xã toàn huyện rất cao. Có tin đồn là khi ông trưởng phòng đến tuổi về nghỉ hưu anh sẽ được đề bạt thay thế. Ông trưởng phòng từ lâu đã rất tín nhiệm, tin tưởng và có ý định nâng đỡ, giới thiệu anh. Một hôm, anh gọi kỹ sư Khoa lên gặp. Rót cho anh một chén nước chè nóng ông bảo:
          - Ông chủ tịch tỉnh khen cậu lắm…
          - Ơ… làm sao mà ông ấy biết em là ai mà khen ạ?
          Ông trưởng phòng nháy mắt nhìn anh kỹ sư:
          - Này! Tớ hỏi thật nhé, cậu thích cô Thoa rồi hả?
          - Thích gì mà thích! - Kỹ sư Khoa bực: - Mà sao lần trước bác bảo là khi ông phó chủ tịch tỉnh lên chức chủ tịch thì cô ấy sẽ “bay vút ngay đi” cơ mà?
          - Nhưng bây giờ thì cô ấy sẽ không bay đi đâu nữa! Cô ấy sẽ ở lại lâu dài làm cán bộ ở phòng nông nghiệp đấy…
          - Sao lại thế được ạ?
          - Thế mà vẫn được đấy! Mà cậu đừng có ác cảm với cô ấy. Chính nhờ cô ấy luôn nói tốt, ca ngợi cậu nên ông chủ tịch tỉnh mới biết đến tài năng của cậu. Thời cơ ngàn năm có một đấy hiểu không?
          Nhìn vẻ mặt nhăn nhó đến thảm hại của kỹ sư Khoa, ông trưởng phòng an ủi:
          - Ở đời có những điều mình muốn cũng chả được, không mong mà nó vẫn cứ đến. Cái cô Thoa này có cái ô to, lại mê mẩn cậu. Thôi thế cũng là điều tốt. Vài hôm nữa tớ nghỉ hưu, cậu có ông chủ tịch nâng đỡ, thay chức trưởng phòng của tớ chả hay quá à?
          Kỹ sư Khoa bật dậy:
          - Em không cần ai nâng đỡ kiểu ấy! Thế thì sao ông ấy không để cho cô ấy lên mà làm trưởng phòng nông nghiệp luôn cho rồi…
          - Cậu ngồi xuống đi! - Ông trưởng phòng vẫn nhỏ nhẹ: - Cậu đừng có hấp tấp dại dột thế. Đúng là nếu cậu mà không thay tớ làm trưởng phòng thì cô ấy sẽ làm trưởng phòng đấy hiểu không?
          Kỹ sư Khoa trố mắt không hiểu. Ông trưởng phòng ngậm ngùi:
          - Tôi với cậu đều là dân chuyên làm khoa học thật thà, nhiệt tình với công việc chuyên môn thuần tuý mà không thấu hiểu hết những góc khuất, trúc trắc của cuộc sống, không biết những thủ thuật ở chốn quan trường. Cậu không biết chứ cánh tay của cô bé này dài lắm. Cô ấy mê cậu, có ý giúp cậu. Nếu cậu mà nhủng nhẳng lảng ra là hỏng bét hết cả đấy…- Ngừng một lát như để anh kỹ sư ngấm cái điều triết lý vừa nói, ông trưởng phòng bảo: - Từ tháng sau bộ phận của cậu phải bố trí, sắp xếp lại công việc, cô Thoa chỉ làm nửa buổi thôi còn nửa buổi chiều là cô ấy đi học đấy!
          - Cô ấy học cái gì nữa thế?
          - Cô ấy sẽ đi học đại học tại chức, ngành nông nghiệp...
          Kỹ sư Khoa há hốc miệng kinh ngạc. Thì ra quyết tâm ở lại làm cán bộ lâu dài tại phòng nông nghiệp huyện của cô Thoa là có thật. Kỹ sư Khoa đứng dậy chào ông trưởng phòng. Trước khi ra về anh định nói với ông trưởng phòng một điều gì đó nhưng lại thôi. Anh bước đi dọc theo con mương nước nhỏ về nhà nghỉ mà lòng ngổn ngang bao suy nghĩ. Anh nghĩ đến việc nhất định phải xin chuyển công tác đi nơi khác khi ông trưởng phòng về hưu. Bởi chắc chắn anh có ở lại thì sẽ khó làm việc nếu không lên được chức trưởng phòng. Thực ra anh chả ham hố gì cái chức trưởng phòng này. Có điều là nếu sau hơn một năm cái cô cử nhân đại học sử kia trở thành một kỹ sư nông nghiệp mà lên làm lãnh đạo thì anh không thể nào hợp tác được.
          Mấy ngày sau không hiểu làm sao mà cô Thoa biết khá chi tiết về buổi nói chuyện của anh kỹ sư với ông trưởng phòng. Cô hơi buồn. Nhất là khi thấy thái độ lạnh nhạt, coi thường của kỹ sư Khoa đối với cô. Nhưng cô Thoa vẫn hy vọng. Cô đã có một dự định khác.
          Cuối giờ làm việc hôm đó trời sắp mưa. Mây đen ùn ùn kéo đến nên bầu trời tối sập lại. Mọi người đã ra về hết nhưng kỹ sư Khoa vẫn còn cắm cúi mải mê ở phòng làm việc. Anh phải hoàn thành nốt bản báo cáo khoa học về dự án bảo tồn nguồn gien và phát triển đàn lợn cỏ bản địa có chất lượng tốt ở một xã ven chân núi Tam Đảo. Lúc anh định ra về thì cơn mưa to sầm sập đổ xuống. Tiếng sét đánh long trời, chớp loé lên lằng nhằng. Có tiếng như là cây đổ, đá lở ầm ầm trên núi. Anh kỹ sư vừa định rời bàn làm việc ra khép lại cánh cửa cho gió khỏi đập thì cô Thoa bước vào. Cô Thoa bao giờ cũng là người cuối cùng rời khỏi cơ quan vì còn phải làm các công việc tạp vụ của mình.
          Thấy cô Thoa vào, anh kỹ sư hỏi:
          - Cô chưa về à?
          - Em đang định về thì trời mưa to quá… mà… mà em thì sợ sấm sét lắm anh ạ!
          Kỹ sư Khoa hơi lo lo vì khu cơ quan vắng vẻ quá. Anh cảnh giác đứng dậy bảo:
          - Vậy thì cô ở lại rồi về sau nhé! Tôi về trước đây!
          - Nhưng trời còn đang mưa to lắm anh ạ!
          - Không sao! Tôi có áo mưa rồi.
          Nói đoạn, anh thu vội vã đống giấy tờ nhét vào cái cặp. Khi anh vừa với tay định lấy cái áo mưa treo trên vách thì có một tiếng sét nổ vang. Mặt đất chuyển rung. Đèn điện vụt tắt. Tiếng cô Thoa rú lên vẻ hoảng hốt. Kỹ sư Khoa nhào lại phía bàn làm việc định mở ngăn kéo tìm cái bật lửa và cây nến thì chạm ngay phải cô Thoa. Cô Thoa vội ôm chặt lấy anh kỹ sư. Kỹ sư Khoa hoảng quá ú ớ kêu không lên lời. Cô Thoa thở hổn hển và cũng kêu những tiếng không rõ ràng. Kỹ sư Khoa luống cuống gỡ hai cánh tay cô Thoa đang ôm riết rất chặt lấy mình. Bàn tay của anh chạm ngay vào cặp vú mềm mại căng tròn của Thoa. Anh giật mình vì hình như đó là da thịt thật chứ không phải là qua một lớp vải. Kỹ sư Khoa vội rụt ngay tay lại như vừa chạm vào than bỏng. Nhưng cô Thoa thì lại cứ cố chà sát ấn khuôn ngực của mình vào tay anh. Khi kỹ sư Khoa còn đang cố giằng thoát ra khỏi vòng tay của cô gái thì điện bỗng bật sáng. Kỹ sư Khoa hốt hoảng khi nhìn thấy cô Thoa đã mở phanh hết cả ngực áo ra. Cô không mang áo ngực, cũng không thấy cái thứ đó rơi xuống đất. Thì ra cô đã có ý định từ trước khi vào phòng của anh kỹ sư. Cô cũng không lấy tay che ngực khi ánh điện bật sáng. Làn da của cô trắng như bột lọc dưới ánh đèn điện nê-ông xanh lét.
          Rất nhanh, kỹ sư Khoa gạt cô gái sang một bên rồi lao ra khỏi phòng giống như một tên ăn trộm bị bắt quả tang phải tháo chạy thoát thân.
          Cô Thoa đứng như trời trồng giữa phòng một lúc rồi mới lặng lẽ cài lại khuy áo…
          Tái bút: Tác giả rất tiếc là phải kết thúc phần 2 mà chưa làm rõ được vì sao từ một kỹ sư nông nghiệp giỏi như Khoa lại trở thành một gã làm nghề hoạn lợn rong? Bởi vì thằng cháu nội yêu quý lại đòi bế và chơi với nó. Thế là tôi lại có lý do tạm dừng câu chuyện ở đây để kéo thêm một phần nữa rồi. Hi…(Trọng Bảo).

           (còn nữa)                                                     Hà Nội, tháng 3-2012

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Truyện ngắn GÃ HOẠN LỢN (phần 1)

             

           Gã hoạn lợn
             Truyện ngắn của Trọng Bảo
          
         Buổi trưa mùa hè vùng trung du dường như nóng hơn. Cái nóng hầm hập đổ xuống mặt đường sỏi bốc lên táp vào mặt người. Những con đường ven đồi giữa trưa thường ít người qua lại. Thỉnh thoảng mới có những người đi hàn nồi, đổi muối lấy phế, mua lông gà lông vịt, bán kem que đạp xe lọc cọc vào từng ngõ xóm. Họ phải đi giữa ban trưa vì lúc đó các gia đình mới có người ở nhà. Những tiếng rao “Ai bán đổi, hàn nồi không!”, “Ai bán lông gà lông vịt, đổi dép nhựa hỏng không!”, “Ai đổi muối, mua chiếu không!”… nghe như bị hụt hơi vì mệt và nóng. Mấy bà lễ mễ xách lỉnh kỉnh những thứ đồ nhựa hỏng, lông gà, tóc rối ra ngõ đón. Một đứa trẻ con ôm cái lưỡi cày gãy chờ đổi kẹo mạ, kem que. Tiếng mặc cả vài trăm, vài nghìn lao xao buổi trưa ở cái xóm vắng ven đồi cọ già.
          Có một người đàn ông đạp chiếc xe tồng tộc vào làng. Ông ta không có đôi sọt thồ hàng hóa mà chỉ có một cái thòng lọng buộc dọc theo khung xe và một cái túi dếp nhỏ đeo bên hông. “Chắc lại là một gã đi mua chó về làm phở!” - Có một bác đoán già, đoán non.
          Khi vào đến đầu xóm ông ta cất tiếng rao:
          - Hoạn lợn ơ… hoạn lợn ơ…
          Thì ra đó là một gã hoạn lợn. Một anh nhao ra đầu ngõ gọi to:
          - Vào nhà tôi… nhà tôi cần hoạn con lợn nái để vỗ béo bán cho cửa hàng thực phẩm…
          - Nhà tôi cần hoạn hai con lợn con... - Một bà khác lên tiếng.
          Thêm mấy người nữa nhao nhao gọi gã hoạn lợn. Gã ngoặt ngay xe vào ngõ. Vào đến đầu ngõ có bụi tre râm mát, gã ta trật ngay cái mũ lá rách ra sau lưng. Một ông đang cầm cái quạt lá cọ phe phẩy nhìn theo gã chợt thốt lên :
          - Ơ... tôi trông gã này hơi quen quen...
          Ông nông dân chưa kịp nhớ ra gã này là ai thì đã thấy tiếng lợn kêu eng éc thảm thiết trong một ngôi nhà bên lối đi. Gã thao tác rất nhanh. Chú lợn con được buộc túm hai chân sau treo lên cành cây bưởi thấp. Gã mở túi lấy con dao “chuyên ngành” ra. Chỉ với một động tác rất nhanh gọn gã rạch một đường ở cuối bụng con lợn lấy ra hai hòn cà vứt vào bát nước lã rồi khâu vết mổ lại. Đoạn lão bảo anh chủ nhà lấy cái chảo ra cạo một ít nhọ than xoa xoa vào vết thương con lợn để khử trùng. Con lợn nái to thì cần có người giúp sức trói lại rồi đặt nằm trên tấm ván nghiêng để gã xử lý lấy ra hai buồng trứng. Khi gã đang tiến hành “phẫu thuật” thì có ai đó bảo:
          - Cô Hoan ở cuối xóm có hai con lợn đực giò đang rất cần thiến ngay để vỗ béo đấy!
          - Vâng... vâng...
          Gã ậm ừ trong cổ họng. Có ai đó cười khi khí phía sau: “Không biết cô ấy có cần như thế này không nhỉ….”. Gã chẳng hiểu và không để ý câu nói ấy. Thiến xong hai con lợn con và một con lợn nái sổi gã rửa tay nhận tiền công. Uống bát nước chè xanh gia chủ mời, cài chiếc thòng lọng vào xe đạp rồi gã  phóng ra khỏi ngõ.
          Đạp xe lên một con dốc thoai thoải gã vào đúng ngõ nhà cô Hoan. Gã vừa cất tiếng: “Ai hoạn lợn ơ…” thì cô Hoan đã đứng chặn ngay trước mặt. Cô đang bẻ một quả dứa chín ở khuất sau mấy tàu lá cọ sát lối cổng vào. Gã hơi giật mình khi cô Hoan bước ra bất ngờ. Chiếc xe đạp đang lên dốc phanh kít dừng lại đột ngột loạng choạng. Cô Hoan tay xách hai quả dứa chín thơm phưng phức bảo gã:
          - Mời bác vào, nhà em có hai con cần thiến gấp…
          - Ấy… - Gã vội chữa lại: - Tôi chỉ chuyên thiến lợn thôi…
          Cô Hoan bật cười khanh khách:
          - Thì biết bác chuyên hoạn lợn nên em mới nói tắt thế, chứ ai lại…
          Cô Hoan đong đưa đôi mắt liếc nhìn gã nói rồi tong tả bước đi trước. Gã dắt chiếc xe đạp theo sau. Mắt gã tự do nhìn như hút vào tấm lưng tròn và mịn của cô Hoan. Chiếc áo lót mỏng thấm mồ hôi làm nổi rất rõ cả bộ đồ lót cô mặc bên trong. “Cô này đang mang cái xu-chiêng màu đen” - Gã thầm nghĩ và khe khẽ nuốt nước bọt ực một cái.
          Vào đến sân, cô Hoan bảo:
          - Để em múc chậu cám cho hai con lợn ăn bác dễ bắt…
          - Thế cũng được!
          Cô Hoan vào bếp. Gã dựng xe rút chiếc thòng lọng và mang đồ nghề ra cái chuồng lợn ở phía góc sân. Trong khi chờ cô Hoan, gã tranh thủ quan sát. Ngôi nhà của cô Hoan ở cuối xóm nên vắng vẻ. Hình như chỉ có một mình cô ở nhà. Lúc nãy thiến mấy con lợn ở đầu xóm gã nghe loáng thoáng mấy người nói cô Hoan này góa chồng, có một cậu con trai ở với ông bà nội và đang học cấp hai trên thành phố.
          Cô Hoan bưng chậu cám lợn ra. Hai con lợn đang đứng rúm dó ở góc chuồng vì nhìn thấy người lạ là gã. Ngửi thấy mùi cám chúng liền ụt ịt xô ra phía cửa chuồng. Cô Hoan xúc cám lợn đổ vào cái máng. Hai con lợn vội xô ngay đến. Gã thò chiếc thòng lọng vào chuồng lợn lựa chân hai con lợn. Nhưng tay gã chợt run bắn lên. Tim gã đập loạn. Cô Hoan đang đứng sát bên cạnh gã. Khi cô cúi xuống múc cám lợn đổ vào máng cái cổ áo rộng chùng xuống trông rõ gần hết cả hai vầng ngực to căng tròn mịn màng đang đung đưa theo hoạt động của cánh tay của cô. Gã khua khua cái thòng lọng lựa chân sau con lợn. Mu bàn tay trái của gã chợt chạm vào một bên ngực của cô Hoan. Cô Hoan hơi giật mình khẽ thu người lại. Chiếc thòng lọng vướng vào chân sau một con lợn. Con lợn hoảng hốt bỏ máng kéo cái thòng lọng chạy vút vào góc chuồng phía trong làm bàn tay phải của gã trườn ngang cọ sát mạnh vào ngực cô Hoan. Cô Hoan vội đứng thẳng người lên nhìn hắn. Hắn luống cuống. Cả hai đều đỏ mặt lúng túng. Nhưng vốn là một người từng trải, gã làm chủ được tình hình ngay tức thì. Gã nhìn chằm chằm vào bộ ngực nở nang của cô Hoan. Cô Hoan vội ấp hai bàn tay lên ngực để giảm bớt độ căng và sự lộ liễu của mình đi chút ít. Gã buông cái thòng lọng còn đang vướng vào chân con lợn rồi đặt bàn tay mình chồng lên bàn tay úp trên ngực của cô Hoan xoa nhẹ một cái. Cô Hoan hơi lùi lại nhớn nhác ngó ra ngoài cổng…
          Sau hôm thiến không công hai con lợn cho nhà cô Hoan gã thợ hoạn rất hay đến tiếp thị việc hoạn lợn tại cái xóm Trại miền đồi trung du này. Có lần chẳng thấy gã đem theo thòng lọng và đồ nghề, cũng không rao chào gì mà cắm cúi đạp xe về phía cuối xóm. Có hôm gã còn đi tắt từ phía xóm Bứa sang mà không qua xóm Trại để tránh trạm mặt người dân xóm Trại. Còn cô Hoan kể từ hôm hoạn hai con lợn tự dưng lại phây phây ra. Đặc biệt sau khi bán hai con lợn đực thiến tăng trọng rất nhanh ấy thì chuồng lợn của cô được mở rộng, nuôi thêm cả chục con lợn. Con nào con nấy đều hay ăn và lớn rất nhanh, chỉ độ vài tháng là đã có một lứa lợn xuất chuồng. Dần dà khi nông nghiệp chuyển sang cơ chế mới cô Hoan bỏ vốn đầu tư xây hẳn một dãy nhà làm khu chăn nuôi ở ven khu đồi cọ, thuê thêm hai cả người làm công chuyên lo cám bã cho lợn, vệ sinh chuồng trại nữa. Khi nhà cô Hoan hình thành một khu chăn nuôi mang tính công nghiệp dân làng vẫn thỉnh thoảng thấy gã hoạn lợn ở trong khu trang trại. Dân xóm Trại kháo nhau: “Hình như cô Hoan làm ăn, chăn nuôi thành công là nhờ gã hoạn lợn đã truyền cho bí quyết gì đó nên nuôi lợn mới nhanh lớn như thổi”. Ông Đông, là người ở đầu xóm mấy năm trước nghĩ gã là người quen quen chợt đập cái quạt lá cọ phạch một cái xuống chõng đang ngồi kêu lên:
          - A… a… tôi đã nhớ ra gã hoạn lợn này là ai rồi...
 *
          Đúng, gã hoạn lợn này không phải là một người quá xa lạ đối với dân vùng trung du này. Có điều là mọi người ít để ý nên không nhớ ra thôi.
          Ngày ấy còn chế độ sản xuất tập trung hợp tác xã nông nghiệp. Ruộng đất đều do hợp tác xã quản lý. Ngày ngày theo tiếng kẻng bà con vác cày cuốc, đưa trâu bò ra đồng cày cấy. Khí thế lao động thì hăng hái, phấn khởi, trống giong, cờ mở nhưng năng xuất lúa và hoa màu thì rất kém. Lúa cấy trổ bông mà chó chạy hở lưng. Mùa gặt sân kho chỉ thấy rơm, không thấy thóc. Hợp tác xã phát động thi đua lao động sản xuất giỏi để nâng cao đời sống cho xã viên. Thanh niên được chọn là lực lượng đi đầu xung kích. Phong trào phổ cập khoa học kỹ thuật được phát động trong các đội sản xuất. Bà con đội sản xuất xóm Trại rất tò mò khi thấy đám thanh niên say mê trao đổi học tập kiến thức khoa học và  chăm lo cày cấy, gieo trồng trên những thửa ruộng cao sản, lập trại chăn nuôi mang tên đoàn viên thanh niên. Cấp trên cử nhiều cán bộ về giúp đỡ hợp tác xã nông nghiệp. Trong số cán bộ trên cử về đội sản xuất xóm Trại có một anh kỹ sư trẻ. Anh này công tác ở phòng nông nghiệp huyện. Anh ngày đêm lăn lộn gắn bó với phong trào thanh niên xung kích trên mặt trận nông nghiệp của xã và của đội sản xuất xóm Trại. Thanh niên đội sản xuất xóm Trại đã tạo nên những thửa ruộng lúa có năng xuất cao, trại chăn nuôi có đàn lợn lớn nhanh, cho lượng thịt tăng hơn hẳn trước kia. Thế nhưng thành công của nhóm thanh niên xóm Trại chẳng có ý nghĩa gì khi cả một cơ chế quản lý sản xuất đã trì trệ lỗi thời. Hợp tác xã ngày càng đi xuống, thu nhập ngày công lao động ngày càng thấp, đời sống của nông dân ngày càng khốn khổ.
          Khi nông nghiệp chuyển sang cơ chế khoán 100 rồi khoán 10 thì bộ mặt nông thôn mới đổi mới, đời sống của người nông dân mới khấm khá dần lên. Anh kỹ sư nông nghiệp ấy thỉnh thoảng vẫn về xã hướng dẫn, giúp bà con sản xuất. Khi ruộng đất đã về tay nông dân thì năng xuất tăng cao hơn gấp bội. Người nông dân tự lo làm đất, phân giống, thuốc trừ sâu, tự tìm hiểu khoa học kỹ thuật để nâng cao năng xuất lao động. Và cũng kể từ đó ít thấy cán bộ cấp trên về lội ruộng, thăm đồng chỉ đạo nông dân như trước nữa. Bẵng đi một thời gian dài dân xóm Trại cũng không còn gặp anh kỹ sư nông nghiệp huyện trẻ trung, đẹp trai và năng nổ ấy nữa. Không ngờ sau hơn chục năm người kỹ sư ấy lại chính là gã hoạn lợn. Có lẽ người đã nhận ra gã đầu tiên chính là cô Hoan. Cô Hoan đã nhận ngay ra gã khi gã vừa bước vào cổng nhà mình. Khi gã về giúp thanh niên đội sản xuất xóm Trại nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng xuất lao động thì cô Hoan chỉ là một đội viên đội thiếu niên tiền phong đang học lớp 6 trường làng. Tuy còn bé tý nhưng cô Hoan lại rất hay ra ruộng xem các anh chị đoàn viên thụ phấn cho ngô, chăng dây cấy lúa thẳng hàng. Cô Hoan ngày ấy đã rất thích anh kỹ sư trẻ, đẹp trai nhiệt tình với làng xóm quê hương mình. Vì thế cô nhớ gã chứ gã làm sao mà nhớ nổi cô bé thiếu niên ở cái xóm Trại heo hút ngày nào. Có lẽ cũng vì nhận ngay ra gã hoạn lợn là ai nên hôm đầu tiên gặp lại cô Hoan đã cố ý để cho gã trông thấy và chạm vào cặp tuyết lê vẫn còn rất tuyệt vời của mình khi cùng gã bắt lợn để thiến buổi trưa hè ấy.
          Cũng chính sau lần ấy, gã hoạn lợn đã giúp cô Hoan thiết kế, xây dựng một khu chăn nuôi khá khoa học và quy củ. Gã tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho cô. Cái bằng kỹ sư nông nghiệp ngành chăn nuôi của gã ngày ấy là thật hột. Kiến thức chuyên ngành chăn nuôi của gã là kiến thức thực sự nên đã giúp nhiều cho cô Hoan. Từ khi trợ giúp cô Hoan xây dựng được một khu trang trại chăn nuôi rất có hiệu quả cao gã hoạn lợn mới chợt hiểu rằng cái kiến thức mình học được trong trường đại học, kinh nghiệm tích lũy được trong cuộc đời hóa ra bây giờ mới thực sự phát huy được hết tác dụng. Ngày còn trẻ, tương lai sáng tươi phơi phới gã cứ nghĩ mình sẽ trọn cuộc đời mang tri thức góp phần cho xã hội. Có ngờ đâu gã chả đóng góp được bao nhiêu. Cái vốn tri thức học được ở trường đại học nông nghiệp ấy sau này chỉ giúp gã trở thành một tay hoạn lợn giỏi nổi tiếng trong vùng mà thôi. Chính nhờ cái nghề hoạn lợn rong trong dân gian ấy đã nuôi sống gã qua cơn bĩ cực, đã giúp cho gã gặp lại một cô gái đã si mê mình từ khi còn là một cô bé thiếu niên quàng khăn đỏ ở một cái xóm núi xa xôi...
          Tái bút: Viết đến đây thì thằng cháu nội vô cùng yêu quý đã ọ ẹ đòi ông đến chơi và “nói chuyện” với nó. Vì thế nên phần tiếp theo của câu chuyện vì sao từ một anh kỹ sư nông nghiệp trẻ tương lai rạng rỡ vô cùng lại trở thành một gã hoạn lợn rong nơi các xóm làng vùng trung du sỏi đá cằn cỗi này thì phải chờ đến hôm sau tôi mới viết tiếp được! (Trọng Bảo).
          (còn nữa)                                      Hà Nội, tháng 3-2012

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Truyện cực ngắn SĂN LÙNG LÃNH ĐẠO (phần II)


        
Săn lùng lãnh đạo (II)
Truyện của Trọng Bảo

          Rồi thì quan đứng đầu bộ phận sơ tuyển cũng dâng lên nhà vua bản danh sách 101 ứng viên vào ngôi vương sau khi đã sàng lọc 1001 bộ hồ sơ dự thi. Nhà vua mừng lắm. Ngài nhìn danh sách thấy toàn là các quan giữ vị trí trọng yếu trong triều, có uy tín. Vị quan đứng đầu bộ phận sơ tuyển được vua ban thưởng rất hậu hỹ.
          101 ứng cử viên vào ngôi hoàng đế được triệu vào cung để bộ phận trung tuyển bắt đầu làm việc. Trưởng quan trung tuyển vốn là một nhân tài của đất nước. Tuy vậy vị quan đứng đầu bộ phận trung tuyển vẫn rất cẩn trọng khi tổ chức kỳ “thi vua”. Ông bèn dâng tấu biểu xin nhà vua trực tiếp làm chủ khảo vòng thi thứ nhất để chọn lấy 11 người đưa vào vòng sau cho bộ phận cao tuyển bỏ phiếu bầu lấy 1 người làm vua.
          Nhà vua vui vẻ nhận lời làm chủ khảo.
          Vòng thi vấn đáp diễn ra ngay tại sân rồng. Các quan lần lượt trả lời các câu hỏi về chính sách xây dựng đất nước, an dân, mưu kế về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thực hành việc giao đấu võ nghệ, thi thố tài năng bài binh bố trận.
          Ba vị quan sáng giá nhất vào đợt thi đầu tiên. Nhà vua đặt câu hỏi về chiến lược, sách lược trị quốc an dân và các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Các câu hỏi đều ngang với trình độ tiến sĩ nhưng không ai trả lời được. Nhà vua hạ cấp câu hỏi xuống trình độ thạc sĩ cũng không ai trả lời được. Hạ xuống trình độ đại học rồi cao đẳng, trung cấp cũng vậy. Nhà vua ngạc nhiên và nghĩ chắc là các quan “khiêm tốn”. Ngài liền hạ cấp các câu hỏi xuống bậc phổ thông, lớp 12, lớp 11, lớp 10, lớp 9, lớp 8 rồi lớp 7, lớp 6 cũng không một ai có câu trả lời đúng. Khi hỏi về kiến thức lớp 3 mới có một quan cấp đầu tỉnh trả lời được. Nhà vua vô cùng cáu tiết. Ngài đập bàn thét:
          - Lôi cổ quan sơ tuyển ra đây!
          Lính cấm vệ lập tức lôi ngay vị quan đứng đầu bộ phận sơ tuyển ra bắt quỳ giữa sân rồng. Vị quan sơ tuyển run cầm cập không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Vua quát:
          - Nhà ngươi thật đáng tội chết! Tại sao lại chọn toàn những kẻ bất tài thế này đưa vào trung tuyển làm vua hả. Có phải nhà ngươi đã ăn đút lót nên tổ chức việc sơ tuyển không kỹ phải không? Thật đáng tội xử trảm…
          Quan sơ tuyển mặt cắt không còn giọt máu lập cập thưa:
          - Muôn tâu bệ hạ! Bộ phận của thần chỉ có nhiệm vụ kiểm tra nhân thân, xác định lý lịch và rà soát bằng cấp thôi ạ!
          - Vậy nhà ngươi kiểm tra thế nào mà toàn là những người có bằng cấp cao nhưng lại mù tịt tri thức thế hả! Hay là bằng giả?
          - Thưa không phải ạ! Đây toàn là bằng thật thôi! Các loại bằng giả, bằng không đúng trình độ thần đều đã loại hết cả rồi ạ… Cúi xin bệ hạ suy xét.
          Nhà vua lại quát:
          - Gọi ngay giám đốc “Học viện Trị quốc an dân” ra đây!
          Quan giám đốc Học viện Trị quốc an dân là thành viên bộ phận trung tuyển đang đứng chầu vội chạy ra quỳ ngay xuống trước mặt vua. Nhà vua hỏi:
          - Khanh xem các tấm bằng này có phải đúng là do Học viện Trị quốc an dân của khanh đã cấp không?
          Giám đốc Học viện Trị quốc an dân lập cập cầm mấy tấm bằng lên xem. Đó toàn là những tấm bằng tốt nghiệp loại ưu tú cấp cho các quan có luận văn trị quốc, an dân đạt loại xuất sắc. Giám đốc Học viện Trị quốc an dân bèn tâu:
          - Thưa bệ hạ! Đây chính xác là các bằng do học viện của thân cấp cho các quan ạ!
          - Đúng là bằng thật chứ?
          - Thưa vâng! Không thể là bằng giả được vì mỗi tấm bằng này đều có một con chíp bé tý chỉ bằng hạt kê thần đặt mua của các nước tư bản gắn ở bên trong và được quản lý bằng công nghệ thông tin nên không thể nào mà làm giả được.
          - Thế tại sao các quan lại có kiến thức thấp đến như thế. Hay là đội ngũ giảng viên của học viện quá kém hoặc là do quy trình đào tạo có vấn đề?
          - Dạ thưa học viện của thần nghiêm túc lắm. Không có chuyện giảng dạy qua loa, quay cóp khi thi. Các luận văn tốt nghiệp đều chấm qua ba vòng, bảo vệ hai lượt, phản biện bốn lần, không thể nào lọt luận văn kém được ạ!
          - Vậy thì tại sao bây giờ trẫm hỏi các kiến thức về trị quốc, an dân các quan lại không ai trả lời được hả?
          - Thần cũng không hiểu. Hay là để thần thử vấn đáp thêm mấy quan nữa xem sao ạ!
          - Thôi không cần… - Nhà vua gạt đi rồi quay sang những thí sinh đang quỳ mọp dưới sân quát:
          - Các ngươi trả lời cho ta nghe xem tại sao lại như vậy? Các người hãy thành thật thì ta giảm tội cho!
          Các thí sinh im lặng. Vua hỏi mấy lần vẫn không ai lên tiếng. Ngài cáu quá quát to:
          - Gọi ngay 101 đao phủ vào đây! Tội này là tội “khi quân phạm thượng”, chém đầu không tha! Chém hết!
          101 đao phủ mặt mũi dữ tợn rầm rập chạy vào trình vua. Có người vừa mới thực thi việc chém đầu tội phạm xong, thanh đại đao của họ chưa kịp lau chùi còn ròng ròng máu đỏ khiến các quan tái xanh hết cả mặt mày. Nhà vua dịu giọng bảo:
          - Bây giờ ta cho các ngươi hai sự lựa chọn. Hoặc là không nói thật để bị chém đầu hoặc là nhận tội gian dối để bãi chức về quê…
          101 quan ứng thí rối rít xin nhận tội. Hoá ra sự thật rất đơn giản. Các quan khi đi học tại Học viện Trị quốc an dân đều mang một văn phòng đi theo. Trong thời gian học tập họ đều có người đi học thay, làm luận án thay, thậm chí còn đi thực tập thay để các quan nghỉ ngơi, tiệc tùng, du hý. Gặp đề tài nào khó thì họ bỏ ra vài chục, thậm chí vài trăm lạng vàng thuê mướn các giáo sư, tiến sĩ, bác học làm giúp. Khi bảo vệ luận án thì họ chỉ việc đọc văn bản cho trôi chảy là xong. Mà việc đọc các văn bản viết sẵn thì họ đã rất quen rồi…
          Vậy là đã rõ. Sau chuyện này, 101 vị quan bị bãi chức về quê làm thứ dân. Thế là vòng trung tuyển chọn vua thất bại. Cuộc săn lùng lãnh đạo tại vương quốc nọ càng khó khăn, bế tắc. Nhà vua buồn bã lâm bệnh nặng khiến triều đình càng thêm bối rối lo lắng.
          Câu chuyện tiếp theo thế nào hôm sau tôi sẽ xin dịch tiếp.
                                                                               Ngày 18/11/2011         
           

Truyện cực ngắn SĂN LÙNG LÃNH ĐẠO (phần I)

          

Săn lùng lãnh đạo (I)
Truyện của Trọng Bảo

          Chuyện này tôi cũng dịch được của nước ngoài.
          Tại một vương quốc nọ, nhà vua đã về già mà không có người kế vị. Hoàng hậu và các hoàng phi sinh ra toàn là con gái. Mà nhà vua thì lại không muốn thiết lập ra một chế độ nữ vương. Nam vương thì chỉ cần đội cái vương miện lên đầu, tay cầm quyền trượng là có thể thiết triều điều hành việc nước. Còn nữ vương thì khi thống lĩnh đại quân đi chinh phạt thiên hạ, đoàn quân có mười xe thì mất ba xe chở nữ trang, son phấn, chỉ có bảy xe kéo pháo và mang đạn dược nên rất khó thực thi nhiệm vụ. Khi giao đấu với quân địch mới chỉ được vài ba hiệp đã lui quân để chỉnh đốn lại… trang điểm.
          Có lẽ vì thế mà nhà vua quyết định phải tìm một nam nhi kế vị mình lãnh đạo đất nước. Cuộc tìm kiếm lãnh đạo diễn ra ráo riết vì nhà vua ngày càng già yếu mãi đi. Cuộc thi tài để tuyển chọn lãnh đạo được cáo thị khắp vương quốc. Từng đoàn trạng nguyên, giáo sư, tiến sĩ, bác học nườm nượp kéo về kinh đô để tham gia thi tuyển. Ai cũng háo hức. Ai cũng mong mình sẽ lên làm vua để một đời vinh hoa, phú quý, có cả hàng trăm mỹ nữ, cung tần. Cuộc đua tranh ngày càng quyết liệt. Một ban chỉ đạo được thành lập do nhà vua làm trưởng ban. Dưới ban chỉ đạo có ba bộ phận sơ tuyển, chung tuyển và cuối cùng là bộ phận cao tuyển. Bộ phận sơ tuyển sẽ soát xét nhân thân, lý lịch bảy đời, bằng cấp của người dự thi. Bộ phận chung tuyển tổ chức thi thố để chọn tài năng và cuối cùng là bộ phận cao tuyển sẽ thảo luận rồi bỏ phiếu chọn ra ba người đạt các danh hiệu: cao tài, trung tàisơ tài để trình ban chỉ đạo bỏ phiếu chọn ra vua.
          Quá trình làm việc của bộ phận sơ tuyển rất vất vả, mãi không xong danh sách chốt để đưa lên bộ phận trung tuyển. Nhà vua cáu lắm. Ngài cho triệu quan phụ trách sơ tuyển lên nhắc nhở:
          - Các khanh làm ăn lề mề quá! Qua hơn nửa năm rồi mà không xong khâu sơ tuyển. Các khanh định để khi ta băng hà đất nước không có vua à?
          - Muôn tâu bệ hạ… - Quan phụ trách bộ phận sơ tuyển báo cáo: - Bộ phận của thần phải thẩm định quá nhiều hồ sơ xin thi tuyển nên rất khó khăn,  vất vả, phức tạp ạ!
          - Khó khăn thế nào, phức tạp thế nào?
          - Thưa bệ hạ! Số người xin sơ tuyển quá đông. Phần lớn là các quan lại trong triều. Mà ai cũng đáng làm lãnh đạo cả. Họ trình lên rất nhiều loại bằng cấp nên phải xem xét rất cẩn thận, cụ thể, tỷ mỷ ạ!
          - Bằng cấp đã có nơi cấp, quyết định, dấu má, điểm chỉ rõ ràng việc gì mà phải mất thời gian thẩm định?
          - Không hẳn thế ạ! Bằng cấp của họ đủ chủng loại, trong nước, ngoài nước đều có. Có loại chữ La-tinh, chữ Ả-rập, chữ Hán, chữ Lào, chữ Mai-a và còn cả loại chữ, ký tự của người... tiền sử cách đây hàng triệu năm nữa ạ!
          - Thế họ không có bản dịch kèm theo à?
          - Có ạ! Nhưng bản dịch này không thể tin được đâu ạ!
          - Vì sao?
          - Vì theo bản dịch họ cung cấp thì toàn là những trình độ tiến sĩ, trên tiến sĩ hoặc siêu tiến sĩ thôi ạ!
          - Thế cơ à?
          - Vâng... hạ thần đã cho dịch lại toàn bộ các bằng cấp, thấy có rất nhiều bằng cấp của nước ngoài cấp cho quan lại của ta có trình độ rất thấp. Nó chỉ tương đương với bằng phổ thông trung học ở trong nước thôi ạ!
          - Vậy là các quan dám lừa dối trẫm. Tội này là "tội khi quân pham thượng chém đầu không tha", hiểu không!.
          - Đúng thế ạ! Qua sơ tuyển hạ thần phát hiện rất nhiều quan chức của ta, có người làm đến chức thượng thư bộ hình, thị lang bộ hộ đều có bằng cấp rất thấp ạ. Đây mời bệ hạ xem! Cái bằng tiến sĩ này do một học viện khoa học vũ trụ trên sao hỏa cấp mà thần vừa nhờ một đứa học sinh cấp ba dịch ra tiếng nước ta. Hóa ra nó chỉ tương đương với trình độ phổ thông cơ sở (cấp 2) của ta thôi ạ!
          Vua đập bàn quát:
          - Giáng chức hết những kẻ dối chá, sử dụng bằng cấp giả. Nhà người soạn ngay cho ta một bản chiếu thư giáng chức, tước hết bổng lộc của những quan lại này, hiểu không!
          Quan phụ trách bộ phận sơ tuyển hốt hoảng:
          - Muôn tâu bệ hạ! Không... không thể... được đâu ạ!
          - Tại sao thể?
          - Vì như vậy sẽ phải bãi chức rất nhiều quan lại. Triều đình không còn cán bộ để làm việc. Sẽ gây ra xáo trộn chốn quan trường, bất an trong thiên hạ và dẫn có thể tới đại loạn, nguy hiểm cho nước nhà...
          Nhà vua ngẫm nghĩ rồi gật đầu. Đoạn ngài buồn bã bảo:
          - Thôi được! Nhà ngươi tiếp tục làm cho tốt việc sơ tuyển, chọn ra các nhân tài thực sự vào vòng chung tuyển. Dù thế nào cũng phải tìm cho được một ông vua đức độ, tài năng thực sự hiểu không?
          - Tuân chỉ!
          Vị quan sơ tuyển đáp rồi lui ra để tiếp tục công việc của mình...
          Còn câu chuyện "chọn vua" tiếp tục diễn ra thế nào lần sau tôi sẽ xin dịch tiếp.
                                                                            Ngày 16/11/2011

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

CHIỀU QUÊ - thơ

                  

                    Chiều quê
 
                    Lang thang lối cũ, nẻo quê
          Con đường rơm rạ bờ đê ngày mùa,
                    Tần ngần trên bến sông xưa
          Gặp con đò cũ nắng mưa dãi dầu
                     Bến sông này đã rất lâu
          Có người mặc áo cô dâu lên thuyền!
                     Tháng năm ai nhớ, ai quên
           Riêng tôi kỷ niệm vẹn nguyên ngày nào…
                     Nhớ về cái thuở gian lao
           Bạn bè cầm súng đi vào chiến tranh,
                     Người nằm dưới cỏ yên lành
           Người thì tóc chẳng còn xanh trên đầu
                     Bây giờ chợt nhớ về nhau
           Lối xưa, nẻo cũ tìm đâu bóng người?
 
                     Chiều quê tôi bỗng gặp tôi,
           Con đường xa ngái rối bời rạ rơm…
                             Vĩnh Phúc, 24/9/2011
                                       TRỌNG BẢO
   

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Truyện cực ngắn Càng ốm nặng càng tốt

      
       
Càng ốm nặng càng tốt
Truyện của Trọng Bảo

         Bà mẹ già được ông con làm quan to đón từ quê lên tỉnh chơi. Vốn bản chất là một nông dân chăm chỉ nên lên thành phố không có việc gì làm bà cụ thấy chân tay như thừa thãi. Đã như thế ngày nào cụ cũng được ăn ngon, toàn những thứ khi còn ở quê cụ chưa được ăn bao giờ. Ông con làm quan to nhưng về quê tỏ ra rất khiêm tốn để khỏi bị dân làng nghị dị.
         Thấy ăn không ngồi rồi mãi bà cụ tỏ vẻ lo lắng nói với thằng cháu nội:
         - Cứ ăn mà không làm gì thế này thì sạt nghiệp mất cháu ạ!
         - Bà khỏi phải lo… - Thằng cháu lấc cấc nói: - Bố mẹ cháu đón bà lên đây là để bà sẽ “tạo nguồn thu tài chính mạnh” cho nhà mình đấy ạ!
         Bà cụ ngạc nhiên:
         - Bà già cả rồi còn làm được cái gì ra tiền nữa…
         - Ối… bà làm ra nhiều ấy chứ?
         - Nhưng bà cứ ốm yếu liên tục thế này thì còn làm gì được?
         - Thì chỉ cần bà cứ… ốm liên tục là được, càng ốm nặng càng tốt, càng làm ra nhiều tiền bà ạ! Hôm trước bố cháu bị "đau lưng" một tý vào viện mấy hôm "thu hoạch" đã bằng ngày xưa bà cấy một mẫu ruộng hai ba năm liền đấy!
         Bà cụ không hiểu thằng cháu nói như thế nghĩa là thế nào. Nhất là khi bà cụ nghe lỏm con dâu nói con trai bà:
         - Gay quá ông ạ! Bà lên đây được ăn uống sướng lại khỏe ra, chả ốm đau gì thế này khéo mà... lỗ vốn mất ông ạ!
         Ông con trai bảo:
         - Cứ yên tâm, cụ già rồi thể nào mà chả có lúc ốm! Hay là bà đưa cụ đi khám rồi nằm viện vài hôm để thông báo cho mọi người trong cơ quan đến thăm...
         - Nhưng cụ bảo chả ốm đau gì không chịu đi viện đâu!
         Ông con trai đành nói:
         - Thôi đành chờ vậy!
         Cụ nghe hai vợ chồng ông con trai trao đổi mà không hiểu gì. Một hôm do mắt kém lại sơ ý cụ bị ngã cầu thang gãy chân. Trong khi chờ xe cấp cứu đến thằng cháu gọi điện cho bố mẹ báo tin:
         - Tốt quá rồi bố mẹ ơi! Bà đã bị gãy chân, vỡ đầu chảy máu lênh láng rồi, bố mẹ về ngay để đưa bà đi viện nhé!
                                                                                               Ngày 16/2/2012

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

LÁ THƯ CÒN LẠI - thơ











Lá thư còn lại

Mọi người đã nhận hết thư rồi
Sao còn một lá thư để lại?
Nét chữ mềm của một người con gái
Địa chỉ ghi “Trường đại học y khoa”.
Tôi giật mình khi chợt nhận ra
Thư của người bạn thân học cùng một lớp
Và thấy trong tim mình lạnh buốt
Bạn đâu còn nữa để nhận thư!
Trận đánh hôm mùng một tháng ba,
Bọn bành trướng tấn công dữ dội
Anh bắn cháy chiếc xe tăng bầy sói
Rồi hy sinh giữa thửa ruộng ngô non…

Ôi phong thư mùi mực còn thơm
Từ thủ đô xa gửi lên biên giới,
Không người nhận, lá thư thành câu hỏi
Nhói trong lòng mỗi người lính chúng tôi…
                      Cao Bằng, tháng 3-1979
                                Trọng Bảo

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Giành cho em - thơ

 

















Giành cho em

Mùa Xuân này anh ở biên cương
Giữa bốn bề chập trùng núi dựng
Cánh hoa đào vương trên báng súng
Gợi bâng khuâng nối nhớ người xa.

Đường biên cương dọc cánh rừng già
Sương ướt áo mù giăng kín lối
Hương phong lan thoảng nơi đầu suối
Nhớ tóc em hương bưởi, hương chanh.

Rất thân quen như đất quê mình
Ruộng bậc thang xanh màu ngô lúa,
Cây gạo bật lên muôn ngọn lửa
Nẻo đường xa giục bước chân người

Biên cương thân thiết quá em ơi
Quây quần bên nhau anh và đồng đội,
Riêng nỗi nhớ khi mùa Xuân tới
Giành cho em trước lúc lên đường…
            Cao Bằng, 3-1979
                        TB

(Rút trong tập Dọc đường thơ-1979)

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

NHẬT KÝ THƠ
















Ảnh: Trang tập Dọc đường thơ-1979 có hai bài thơ
“Thiếu đạn” và “Người bắn B40”.


Thiếu đạn

Chốt tiền tiêu rộ lên tiếng súng
Tiếng giặc hò la, tiếng kèn đồng
Ở sở chi huy bao lo lắng,
Mười bốn người liệu giữ nổi không?
Bỗng chuông điện thoại reo ròn rã:
“Giặc bị đẩy lui xuống cánh đồng,
Bộ đội đói, nhưng khoan mang gạo
Vác đạn lên ngay! Chúng rất đông”.
                            Ngày 19/2/1979


Người bắn B40

Chiếc xe tăng quân giặc cuống cuồng
Cố lết ra khỏi vùng lửa đạn
Tiếng máy nổ rú lên hoảng loạn
Nòng pháo rũ xuống kéo theo sau…
Giữa vùng đạn lửa không hiểu từ đâu
Một chiến sĩ mang B40 lao vút ra mặt ruộng
Đạn cày xung quanh nhưng trước khi ngã xuống
Nhằm xe tăng anh đã kịp xiết cò
                           Ngày 20/2/1979
                              Trọng Bảo
              (Rút trong tập Dọc đường thơ-1979)


Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

MỘT CHIỀU BIÊN GIỚI - thơ


Một chiều biên giới
 
     
Có một buổi chiều biên giới
Tiếng súng bỗng lặng im
Trận địa tan dần khói đạn
Nắng nhạt loang trên thị trấn (*)
Gió đưa tàn lửa lên lưng trời.
Tôi lặng lẽ cắn môi
Nhìn anh bạn đếm lại từng viên đạn
Chính trị viên (**) gọi từng người căn dặn:
“Nhớ để chúng nó đến thật gần!”.
Nắm cơm trưa còn chửa kịp ăn
Mảnh đạn phạt bay đâu một nửa
Chúng tôi bẻ nhỏ chia nhau
Ăn chưa xong trận đánh lại bắt đầu.
Pháo địch gầm lên dữ dội
Trận địa chuyển rung, nắng chiều ám khói…
Bên cánh trái rộ lên tiếng kèn (***),
Những cái đầu đen đặc ngóc lên
Trên mặt đường đàn xe tăng gầm rú
Phía trên đỉnh đồi giặc phất cờ lố nhố
Bốn mặt bọn chúng xông vào…

Chúng tôi đặt lên bờ chiến hào
Những quả lựu đạn cuối cùng nóng bỏng
Chúng tôi đẩy lên nòng súng
Những viên đạn cuối cùng thiêng liêng,
Lưỡi lê nhất loạt bật lên
Ánh thép lạnh giữa chiến hào lóe sáng.
Những viên đạn bay thẳng
Găm rất đúng tim thù,
Trong khói bụi mịt mù
Tiếng đồng đội gọi nhau chia lửa
Trong tiếng đạn nổ chát chúa
Là tiếng thét “xung phong”
Át cả tiếng kèn đồng…
Tám chiếc xe tăng quân thù bốc lửa
Những tên giặc bị thương giẫy giụa
Nắng chiều nhợt nhạt trùm lên,
Xác 300 tên kẻ cướp bẩn đen
Nằm rải rác bên những ngôi nhà cháy dở,
Thị trấn cuối chiều rực lên màu đỏ
Lửa chiến tranh bỏng rát cả bầu trời…
             Ngày 20-2-79
                       TB
--------------------------
Bài thơ này ghi lại diễn biến trận đánh ngày 20/2/79 của đơn vị chúng tôi.
(*) Thị trấn Sóc Giang, huyện Hà Quảng, CB.
(**) Tức thượng uý HQD, chính trị viên tiểu đoàn 3.
(***) Bọn giặc thường thổi kèn đồng khi tấn công.
       Rút trong tập Dọc đường thơ-1979