Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Truyện ngắn CHUYỆN Ở LÀNG


           
   
         Chuyện ở làng
         Truyện ngắn của Trọng Bảo

        Về đến nhà, vợ con đi vắng cả, tôi chưa kịp tháo chiếc ba lô lộn buộc ở xe đạp ra thì có một cô gái xuất hiện ở cổng.
        - Cháu chào chú!
        Tôi chưa kịp nhận ra con cái nhà ai thì cô bé nói tiếp:
        - Bố mẹ cháu cho cháu sang mời cô chú và em đến dự đám cưới của cháu...
        - Cháu là... - Tôi ngập ngừng, cô bé nói ngay:
        - Cháu là con gái mẹ Phương ạ!
        - Thế à?
        Tôi nhìn cô bé. Cô bé này thừa kế được nhiều nét đẹp của Phương thế mà tôi không nhận ra. Với lại trẻ con làng tôi tuy vất vả lam lũ nhưng chúng lớn nhanh lắm. Vừa ngày nào tôi còn thấy chúng đen nhẻm, vắt vẻo trên lưng trâu mà thoáng đã thành vợ, thành chồng trong khi mình vẫn cứ nghĩ chúng còn là trẻ con. Tôi bảo cô bé:
        - Vừa mới hôm nào chú còn dựng rạp đám cưới mẹ cháu thế mà thấp thoáng nay lại đến lượt cháu, nhanh thật!
        Cô bé đỏ mặt, ngượng nghịu chào rồi xin phép đi.
        Giữa lúc đó thì thằng Quân - con tôi, từ đâu phóng về. Nó vừa chào tôi vừa hổn hển nói:
        - Đánh nhau ác liệt lắm bố nhé!
        - Đánh nhau ở đâu?
        - Ở… ở video bên đám cưới chị Lan nhà cô Phương ấy!
        - Ờ... có thế mà... thôi nấu cơm đi. Tối nay, hai bố con mình còn sang bên ấy chơi.
        Thằng bé vâng dạ rồi chạy đi. Tiếng nó múa võ huỳnh huỵch dưới bếp. 
                                                                *
       Buổi tối tôi và thằng Quân sang nhà Phương. 
         Rạp dựng che kín cả cái sân rộng. Đèn điện sáng choang. Tiếng nhạc xập xình. Bàn ghế được kê theo hình chữ U, để trống ở giữa lấy chỗ cho đám thanh niên nhảy nhót. Trong nhà, video đang chiếu một bộ phim trưởng đánh đấm loạn xị.
         Nhận ra tôi, Phương đon đả chạy ra đón. Chờ tôi chào mọi người xong, Phương kéo tôi ra góc rạp chỉ vào một người và hỏi:
        - Nhận ra ai không?
        - Ngọc! - Tôi buột miệng kêu lên. Ngọc mỉm cười gật đầu chào lại tôi.
        Tôi ngồi xuống ghế bên cạnh. Ngọc thay đổi nhiều quá. Nhìn dáng người mỏng mảnh với nước da sốt rét xanh mướt của Ngọc thêm tái đi dưới ánh đèn nê-ông, tôi không thể hình dung nổi đó là một cô Ngọc căng đầy sức sống của hai mươi năm trước. Tôi khẽ hỏi:
        - Ngọc có khỏe không?
        - Khỏe! - Ngọc gật đầu cố khẳng định cái điều không có ấy ở mình. 
        Phương bưng nước, trầu thuốc và đĩa kẹo đến mời chúng tôi và bảo:
        - Ngày mai hai người phải đến uống rượu mừng cho cháu nhé, đừng như đám cưới của mình ngày xưa...
        Nói đến đây, nét mặt Phương xịu đi. Ngọc mắng át ngay:
        - Cái con này... Thôi không nhắc lại mãi chuyện ngày xưa nữa...
        Phương định nói thêm câu gì nữa thì lại có khách đến nên vội ra đón. Cái dáng người gầy yếu nghiêng nghiêng của một người mẹ năm con như chao đi giữa đám thanh niên đang nhảy nhót loạn xị trên sân.  
                                                                *
         Mới đấy mà đã hơn hai mươi năm.
         Ngày ấy, tôi, Ngọc, Phương và Hùng-bốn học sinh duy nhất cùng khóa ở xóm Hạ này đủ điểm vào học cấp 3. Tình bạn giữa chúng tôi thêm gắn bó với nhau những ngày đi sơ tán, lớp học giữa rừng sâu. Những ngày tới trường, khi một chiếc xe đạp thủng săm cả bốn đều lo cuống cả lên, có củ sắn nướng cũng để phần nhau... Tất cả những kỷ niệm ấy còn in trong tâm trí tôi.
         Cuối năm 1972, giặc Mỹ ném bom bắn phá ác liệt miền Bắc. Lớp học của chúng tôi có lúc phải nghỉ. Tôi nhớ một buổi chiều đông giá lạnh, trên bãi cỏ ven rừng, bọn học sinh cấp 3 chúng tôi ngồi im phăng phắc nghe một anh cán bộ huyện đội nói chuyện chiến sự. Anh đội một cái mũ cối, xà cột, quai súng ngắn đeo chéo qua vai, miếng vải dù ngụy trang bay phơ phất trong gió bắc. Tiếng anh dõng dạc, hùng hồn: “Các bạn trẻ! Chúng ta phải quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Lúc này đây tất cả tuổi trẻ chúng ta phải lao ra phía trước, xông ra chiến trường, vì miền Nam thân yêu... Nơi đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù...”.
         Sau lần nghe diễn thuyết ấy gần như cả lớp chúng tôi con trai thì đăng ký tình nguyện nhập ngũ, con gái ghi tên vào thanh niên xung phong. Sách vở xếp lại, ra trận trước đã. Bốn đứa chúng tôi lúc nào cũng chỉ bàn đến chuyện ra chiến trường, đi chiến đấu. Mọi công việc đều được chuẩn bị chờ lệnh lên đường. Nào là đóng sổ để ghi nhật ký, mua sẵn hàng xấp phong bì, tem thư, giấy pơ-luya rồi viết lưu bút cho nhau.    
        Nhưng một buổi sáng, Phương tìm gặp chúng tôi. Cô buồn bã thông báo:
        - Mình không đi cùng các bạn được nữa đâu!
        - Sao thế?
        Tôi hỏi. Phương ấp úng:
        - Bố mẹ mình không cho đi! Bố mình đã lên xã rút đơn xin đi thanh niên xung phong của mình rồi... bắt phải ở nhà... lấy chồng, vài hôm nữa là cưới rồi…
         Ba chúng tôi lặng đi với cái tin ấy. Lúc này tôi mới nhìn kỹ Phương. Đôi mắt cô sưng húp, má cũng sưng tím. Thì ra hôm qua, Phương bị một trận đòn chí tử vì tội tự ý viết đơn vào thanh niên xung phong.
        Việc Phương không được ra trận khiến khí thế của chúng tôi xẹp hẳn đi. Ngọc thì xị mặt không nói gì. Hùng ngập ngừng mãi mới bảo:
        - Sao cưới nhanh thế! Cưới chạy... giặc à?
        Câu nói của Hùng như một ngọn roi quất ngang mặt, Phương ngẩng lên đau đớn, nước mắt chảy dài xuống má. Rồi, cô ôm mặt chạy đi.
         Phương bị ép gả cho một anh chàng lùn tịt, chân lại thọt, hơn cô những gần chục tuổi nhưng là con nhà khá giả. Cô khóc như mưa như gió mong ông bố nghĩ lại. Ông bố sau khi ra đòn làm con gái gãy mất hai cái răng cửa thản nhiên ngồi hút thuốc lào rồi bảo:
         - Ngu! Mày ngu lắm con ạ! Nó lùn, nó thọt nhưng nhờ vậy mà nó không phải đi bộ đội. Lấy nó nhà cửa đàng hoàng, có vợ, có chồng lo mà làm ăn chả hơn à?
         Hôm cưới Phương, Hùng và Ngọc dứt khoát không đến. Tôi sang giúp dựng rạp, khênh bàn ghế suốt buổi chiều hôm trước. Hôm sau, đúng ngày cưới của Phương thì tôi phải lên thị trấn huyện tập trung nhập ngũ. Chúng tôi ra trận. Năm tháng chiến tranh qua đi, Hùng hy sinh ở Tây Nguyên cuối năm bảy tư. Ngọc vào thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn. Chỉ sau vài năm gian khổ vất vả, ngã nước, sốt rét đã cướp mất vẻ đẹp và sức sống tràn căng của người con gái. 
          Hết chiến tranh, Ngọc chuyển về một xí nghiệp cầu đường miền Trung. Rồi bệnh tật, giảm biên chế đã đưa cô trở về làng cô đơn, lẻ loi. 
         Tôi lặng người không biết hỏi thêm Ngọc câu gì nữa. Gặp nhau ở chỗ vui chả lẽ chỉ nói chuyện buồn. Giữa lúc ấy, thằng Quân chui qua bàn trồi lên giữa tôi và Ngọc, tay nó cầm một nắm kẹo và hạt hướng dương. Tôi nhắc:
        - Quân! Không chào cô Ngọc à?
        - Cháu chào cô Ngọc!
        Nó láu táu thật nhanh rồi phồng mồm nhai kẹo. Ngọc xoa đầu nó bảo:
        - Sao lâu rồi không thấy cu Quân ra nhà cô chơi?
        - Ra nhà cô sợ lắm! 
        Thằng Quân trợn mắt lắc đầu rụt cổ lại nói tiếp:
        - Bọn nó bảo, nhà cô có rất nhiều ma quỷ. Lũ ma kêu khóc u... u... u... suốt ngày...
        - Bậy nào!
        Tôi mắng và cốc cho nó một cái. Thằng Quân vội buông nắm hạt hướng dương xoa đầu. Ngọc cũng xoa xoa mãi lên chỗ đầu thằng Quân vừa bị cốc. Tôi chợt nhận thấy trong ánh mắt cô chứa đầy một nỗi buồn xa vắng... 
                                                            *
        Mấy hôm sau tôi cùng thằng Quân ra thăm Ngọc. Ngọc sống một mình trong ngôi nhà nhỏ của bố mẹ để lại ở rìa làng. Từ mãi ngoài cổng thằng Quân đã réo gọi: "Cô Ngọc ơi!". Ngọc từ trong vườn chạy ra đón. Cô đang xới cỏ, tay áo sắn cao, mồ hôi lấm tấm trên má nên trông có vẻ khoẻ khoắn hơn. .
         Ngọc đưa bố con tôi vào nhà. Chợt nhớ ra điều gì, Ngọc lại quay ra vườn. Một lát sau cô trở vào bưng một lưng nón táo vừa hái. Những quả táo to tròn vàng ươm. Mắt thằng Quân sáng lên. Ngọc mời chưa dứt lời thì trong tay nó đã có hai quả to nhất.
        Tôi nhìn ngôi nhà của Ngọc. Mái ngói vênh lên do đòn tay bằng tre cong nứt. Hai đầu đốc nhà trát bằng vôi cát bị bung ra, gió lùa vào nhà thổi qua những đòn tay tre nứt vỡ tạo nên nhưng âm thanh u u không dứt, thỉnh thoảng lại rú lên khi gió mạnh.
        Thằng Quân vừa ăn táo vừa nghển cổ lên nhìn mái nhà vẻ suy nghĩ. Ngọc vừa pha nước vừa bảo tôi:
        - Mình ốm mãi, sốt rét vừa dứt cơn thì cái gối bị khớp lại sưng lên. Thành thử, đã mua được mấy tấm cót ép và vài thanh gỗ định che chắn hai đầu đốc cho đỡ gió nhưng chưa làm được.
        - Để bố con mình làm cho, một loáng là xong chứ mấy!
        Tôi nói và giúp Ngọc lôi mấy tấm cót ra. Ngọc sang nhà hàng xóm mượn dụng cụ và nhờ thêm một cậu thanh niên đến giúp. Chúng tôi hì hục đo cắt, làm đến trưa thì xong hai tấm phên hình tam giác đưa lên buộc chặt vào hai đầu đốc nhà. Căn nhà được che kín, tối hẳn đi nhưng gió không lùa vào được nữa, những tiếng u u  mất hẳn.
        Khi bố con tôi ra về, thằng Quân đến bên cô Ngọc thì thào vẻ bí mật:
        - Cô Ngọc ơi! Cháu sẽ không nói chuyện này cho bọn chúng nó biết đâu!
        - Cháu không nói chuyện gì nào? - Ngọc bẹo má nó rồi hỏi lại.
        - Chuyện không phải là nhà cô có... ma! Vì... nếu biết là nhà cô không có ma, bọn chúng nó sẽ lẻn vào vườn vặt trụi hết táo của cô mất...
        Ngọc nắm tay thằng Quân lặng đi. Đoạn, cô nói với thằng Quân giọng run run:
        - Cháu cứ nói với các bạn điều ấy cũng được nhưng phải hứa là thỉnh thoảng đến chơi với cô nhé!
        Thằng Quân ngạc nhiên nhìn cô Ngọc rồi gật đầu.
        Ngọc tiễn bố con tôi ra tận cổng. Nhìn Ngọc nhỏ nhoi, mỏng mảnh giữa chiều gió bắc, lại nhớ đến cái dáng xơ xác của Phương hôm làm đám cưới cho con gái, tôi chợt nhận ra một điều thì ra chiến tranh đã đi qua rất lâu trên mảnh đất này rồi nhưng nó vẫn ở lại trong cuộc đời bao người phụ nữ, cho dù họ đã ở bất cứ đâu khi cuộc chiến ấy diễn ra...         
                                                                                           Vĩnh Phúc - 1993
                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét