Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Truyện ngắn vui PHÒNG THỦ-TẤN CÔNG

     PHÒNG THỦ-TẤN CÔNG

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Mới sáng ra hai bố con lão Cốc đã có chuyện ầm ĩ. Hai người vừa chăm sóc vườn rau trước cổng vừa tranh luận như cãi nhau. Ông Tô vừa đạp xe đến gần nhà lão Cốc bèn dừng ngay lại để nghe ngóng xem có chuyện gì xảy ra. Thằng Bất đang nói oang oang:
- Bố chả có “nguyên tắc” gì cả…
- Trồng rau mà cũng phải có… nguyên tắc à?
- Phải hết bố ạ! Làm cái gì bây giờ cũng phải có… nguyên tắc hết cụ ơi…
Lão Cốc cười nói vẻ dè bửu:
- Mày hồi này kể từ khi đi trực chốt Covid về nói năng cũng có vẻ… nguyên tắc gớm nhỉ? Trồng rau mà cũng… nguyên tắc, nguyên tiếc, rách việc quá!
- Thì bố không tuân thủ nguyên tắc. Mảnh đất này sát đường làng lẽ ra trồng rau muống bố lại gieo thêm mùng tơi thế là nó bò ra đường làng gây mất mỹ quan, bị trưởng thôn nhắc nhở… Thế có phải là vi phạm nguyên tắc, lệ làng không?
Ông Tô nghe vậy bấy giờ mới lên tiếng:
- Nguyên tắc này vi phạm thì còn sửa được, không sao!
Hai bố con lão Cốc cùng ngoảnh ra chào ông Tô. Thằng Bất cười cười nói thêm:
- Đúng là như vậy ông ạ! Nhưng có những nguyên tắc mà khi vi phạm thì không thể nào sửa chữa được nữa ông ạ!
Lão Cốc làu bàu:
- Nguyên tắc nào thế?
- Thì… nguyên tắc đang “phòng thủ mà tự ý chuyển sang tấn công” là thất bại luôn đấy ạ!
Ông Tô và lão Cốc ngơ ngác chẳng hiểu thằng Bất nói như vậy là có ý gì. Thằng Bất vừa ngắt mấy ngọn mùng tơi thò ra đường làng vừa ậm ừ nói tiếp:
- Thì đấy… chuyện cái ông chúa đảo Cô Cô gì đó. Bên quân sự người ta đang tổ chức cuộc “diễn tập phòng thủ” mà ông ta lại tự ý vận dụng “nguyên tắc tấn công”, thò luôn “vũ khí cá nhân” ra xâm nhập vào “trận địa” của nữ nhân viên. Thế là cả cuộc diễn tập phòng thủ của tập thể và cuộc tấn công của cá nhân ông chúa đảo đều có kết cục rất thảm hại, kỷ luật cả đống cán bộ đấy hai cụ ạ…
Ông Tô và lão Cốc bấy giờ mới hiểu thằng Bất nói chuyện gì. Lão Cốc làu bàu:
- Mày có cái tên hòn đảo cũng không nhớ để nói đúng mà lúc nào cũng cứ bàn đến nguyên tắc, nguyên tiếc?
Thằng Bất cười hì hì rồi ôm bó rau đi vào nhà. Ông Tô thì nói có vẻ buồn:
- Thằng Bất nó nói đúng đấy! Bây giờ nhiều chuyện sai lệch nguyên tắc lắm! Đấy như chuyện cái tay giáo sư gì ấy đòi trường học bây giờ không được “trồng người”, phải bỏ chuyện “tiên học lễ, hậu học văn”, cái bà tiến sĩ nào đó thì lên tận truyền hình VTV1 yêu cầu từ giã, rũ bỏ các giá trị truyền thống như “Bộ đội Cụ Hồ”… đấy ông ạ!
- Họ muốn xã hội ta rối loạn lộn tùng phèo lên đấy!
Ông Tô chép miệng:
- Cũng đang rối loạn rồi đấy ông ạ! Bao nhiêu chuyện tiêu cực, tham nhũng, trái nguyên tắc, đạo lý đến vô lý xảy ra rồi, nguyên nhân sâu xa cũng từ những quan niệm lạ lùng ấy đấy. Ví dụ như chuyện ở Thanh Hóa chẳng hạn… Quy luật của thực tiễn cuộc sống là “Ốm-chết” vậy mà họ dám đảo ngược lại là: “Chết-ốm”…
- Thế là thế nào hả ông?
- Thì đấy! Quy luật là người ta ốm nặng không chạy chữa được thì chết. Nhưng họ làm ngược lại là người chết rồi vẫn đi khám bệnh, nhận thuốc chữa bệnh, chi tiền bảo hiểm y tế. Báo chí vừa rồi nêu chuyện ở Thanh Hóa có đến 6 trường hợp người đã chết rồi vẫn bị... ốm và đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đấy!
Lão Cốc nói:
- Chuyện này tôi cũng đã đọc trên rồi. Đúng là họ liều thật, trái cả nguyên tắc, quy luật vẫn dám làm… Thôi ông vào nhà uống nước. Có lạng chè Thái ngon lắm ông ạ…
Vừa dẫn ông Tô vào nhà, lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ vừa ngâm nga đọc câu thơ ngẫu hứng về chuyện “phòng thủ- tấn công”:
“Một ông sướng cái con… cu
Bao nhiêu cán bộ bất ngờ vạ lây…”.
Hà Nội, 28/11/2021
Có thể là tranh biếm họa

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Ghi chép NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

     NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

8-ĐÊM BẢN CỐC VƯỜNG

Đêm bản Cốc Vường chợt yên ắng lạ. Đây là đêm thứ hai chúng tôi ở bản Cốc Vường. Trong bản chỉ có những ánh đèn dầu le lói trong những ngôi nhà có bộ đội trú quân. Mùa Xuân rồi mà trời còn lạnh. Phía cửa khẩu Bình Mãng đêm nay cũng không nhộn nhạo như mọi khi. Ánh điện tự bên kia biên giới hắt lên bầu trời một khoảng sáng. Cái khoảng sáng chứa đầy sự âu lo, chập chờn ma quái trong mắt những người đang ở gần đường biên giới. Bản Cốc Vường, ngay phía sau các điểm chốt tiền tiêu cây đa thứ nhất và chốt cây đa thứ hai của Đại đội 11, cách đường biên giới và cửa khẩu Bình Mãng độ hơn nửa ki-lô-mét đường chim bay. Mọi động tĩnh của bọn Trung Quốc bên kia biên giới đều được thông báo về chỉ huy Tiểu đoàn 3 đang ở bản Cốc Vường.
Tiểu đội vô tuyến của tôi ở trên căn nhà sàn nhô ra sát con đường lên cửa khẩu. Đứng trên sàn nhà có thế quan sát các điểm chốt của Đại đội 11 và thấy rõ cả đài quan sát của bọn Trung Quốc ở mỏm núi đá phía bên phải, trên đầu điểm chốt cây đa thứ nhất của Đại đội 11. Phía bên trái là trận địa Kéo Nghìn và bản Cốc Nghịu do Đại đội 9 phòng ngự. Trên dãy núi đá là trận địa hỏa lực của Đại đội 12 gồm các khẩu đội 12ly7 và cối 82 bố trí tại Lũng Mật, Lũng Vỉ. Từ trên trận địa của Đại đội 12 có thể quan sát rất rộng toàn bộ khu vực thị trấn Sóc Giang và thị trấn Bình Mãng của Trung Quốc bên kia biên giới. Đại đội 10 thì chốt giữ ở phía sau, trấn giữ con đường từ ngã ba Đôn Chương lên thị trấn Sóc Giang.
Do phải di chuyển vị trí đóng quân lên bản Cốc Vường nên tiểu đội vô tuyến sóng cực ngắn của tôi đều có mặt đầy đủ ở cơ quan tiểu đoàn bộ. Các tổ đài đi tăng cường đảm bảo thông tin cho chỉ huy các đại đội đều rút về. Ngày mai là chủ nhật, trừ bộ phận trực đảm bảo thông tin sẵn sàng chiến đấu số anh em còn lại của tiểu đội sẽ đi làm đất trồng ngô. Chúng tôi đã được bà con bản Cốc Vường cho mượn một vạt đất gần phía hang Ma Gà để tăng gia sản xuất. Mùa xuân đang tới. Mưa xuân tạo không khí ẩm ướt cho một vùng đất đai khô hạn. Cây cối đang lên chồi nảy lộc. Mùa xuân cũng là mùa cày cuốc gieo trồng trên vùng cao biên giới này.
Theo thói quen, khi mọi người bắt đầu đi ngủ, đi tuần tra canh gác thì tôi lại lôi cuốn sổ ra ghi chép lại tình hình trong ngày. Nhưng tôi chưa kịp viết gì thì tiểu đội trưởng truyền đạt Nguyễn Văn Đam đến. Tôi và thằng Đam ngồi nói chuyện với nhau. Đam bảo:
- Tao có linh cảm là chiến tranh sắp xảy ra mày ạ!
Tôi bảo:
- Thì… chắc chắn thế nào chiến tranh cũng sẽ xảy ra thôi. Tình hình như thế này chả sớm thì muộn hai bên cũng phải choảng nhau một trận chí tử mới xong mày ạ!
Nghe tôi nói vậy Đam có vẻ trầm ngâm rồi nói tiếp:
- Biết bao giờ chiến tranh mới kết thúc để bọn mình ra quân về nhà tiếp tục ôn thi vào đại học nhỉ?
Tôi ngập ngừng rồi nói:
- Cũng chả biết liệu bọn mình có còn cơ hội để học hành nữa hay không? Chiến tranh dù không xảy ra nhưng nếu cứ nhùng nhằng mãi thế này cũng khó mà xuất ngũ ra quân được… Hình như mày vẫn còn mang theo mấy cuốn sách giáo khoa để ôn thi đại học phải không?
Thằng Đam gật đầu. Tôi nhăn mặt nói:
- Tình hình thế này cũng đã đến lúc mày vứt mẹ mấy cuốn sách ấy đi cho nhẹ khi hành quân, để mang thêm mấy băng đạn, vài cân gạo. Bao giờ chiến tranh chấm dứt chúng mình tính sau?
Thằng Đam im lặng thở dài không nói gì. Nó xách khẩu AK đứng dậy bảo tôi:
- Thôi! Tao về đây, sắp đến phiên đổi gác rồi!
Tôi nhìn theo thằng Đam tụt xuống cầu thang. Trông nó gầy gò nhỏ bé. Khi bóng thằng Đam đã lẫn vào bóng đêm rồi tôi vẫn chưa thôi suy nghĩ về nó. Tôi và thằng Đam cùng quê Lập Thạch, Vĩnh Phúc, cùng nhập ngũ đợt tháng 2-1975, cùng huấn luyện chiến sĩ mới tại Trung đoàn 121 Vĩnh Phú dưới chân núi Đền Hùng, Lâm Thao, Phú Thọ. Rồi sau đó tôi và Đam lại cùng là lính của Đại đội Thông tin 17B, Trung đoàn 246, cùng được cử đi đào tạo tại Trường Sĩ quan Thông tin. Và, sau mấy tháng đóng gạch, làm nhà, xin tre, rẫy cỏ ở Hiệp Hòa, Hà Bắc tôi và Đam đều bị trả về đơn vị cũ vì yếu sức khỏe, không đủ điều kiện để đào tạo thành sĩ quan quân đội. Thằng Đam ham học, mong ngày ra quân thi vào đại học trở thành một kỹ sư. Tự dưng tôi thấy thương thằng Đam quá và cũng thấy bồn chồn khi nghĩ tới tương lai xa mờ của những người lính chiến. Ta và Tàu liền đất, liền trời, “núi liền núi, sông liền sông, chung một biển Đông” thế này nếu chiến tranh nổ ra thì biết đến bao giờ mới kết thúc?
Đêm khuya rồi, tôi không muốn viết nữa. Khi tôi vừa ngả người xuống sàn nhà định chợp mắt một lát thì trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi chạy đến gọi dậy và ra lệnh rất gấp gáp:
- Tiểu đội vô tuyến triển khai ngay các tổ đài xuống các đơn vị! Khẩn trương lên. Đúng 12 giờ đêm phải thông mạng liên lạc vô tuyến điện. Rõ chưa?
Tôi vừa dụi mắt vừa hỏi lại trung đội trưởng Mùi:
- Lại báo động để kiểm tra phương án sẵn sàng chiến đấu như những lần trước à?
- Kiểm tra gì? Mệnh lệnh chiến đấu thật đấy… - Mùi hạ giọng nói tiếp vẻ quan trọng: - Trinh sát bám đường biên vừa báo cáo bọn Trung Quốc đã cắt phá hàng chục mét rào dây thép gai của ta trên tuyến biên giới chỗ gần cửa khẩu Bình Mãng. Bọn chúng cũng xua đuổi gần chục con trâu sang đất ta để phát hiện bãi mìn rồi. Rất có khả năng bọn chúng sẽ tấn công chúng ta đêm nay đấy. Ông cho triển khai mạng liên lạc vô tuyến điện thật khẩn trương nhé!
Tôi lập tức gọi anh em trong tiểu đội dậy giao nhiệm vụ mang máy vô tuyến xuống ngay các đại đội. Đã có phương án sẵn sàng chiến đấu nên các tổ đài lập tức lên đường ngay. Tiểu đội phó Vũ Văn Tự và Hoàng Quy xuống chốt Đại đội 10, Nguyễn Văn Châu và Hoàng Văn Phủng lên chốt của Đại đội 11, Trần Đức Đình và Phùng Văn Minh lên trận địa Đại đội 12 hỏa lực trên đỉnh núi đá. Nguyễn Văn Kếch và một chiến sĩ sang Đại đội 9. Tại chỉ huy tiểu đoàn chỉ còn tôi và chiến sĩ Hoàng Văn Mông. Anh em chiến sĩ nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ. Hình như ai cũng hiểu là tình hình khẩn trương lắm rồi.
Trên con đường phía trước bản Cốc Vường các chiến sĩ công binh, vận tải đang gùi thuốc nổ lên biên giới. Họ sẽ phá hủy đoạn đường dưới chân chốt Đại đội 11 để ngăn chặn xe tăng, xe cơ giới quân xâm lược tấn công xuống thị trấn Sóc Giang.
Gần 12 giờ đêm, các tổ đài đã gọi về báo cáo đã đến đơn vị. Mạng liên lạc vô tuyến điện sóng cực ngắn trong toàn tiểu đoàn đã được thông suốt. Tôi dặn dò các tổ đài khi tình huống chiến đấu xảy ra phải kiên quyết giữ vững thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy chiến đấu. Đoạn, tôi chạy đi báo cáo tình hình với trung đội trưởng và chỉ huy tiểu đoàn. Xong xuôi, tôi quay về nhà thì đã hơn một giờ sáng ngày 17-2. Mệt mỏi và buồn ngủ quá. Tôi ngả lưng xuống sàn kéo chăn đắp cho đỡ lạnh rồi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn.
Vừa chợp mắt được một lát thì tôi bất chợt giật nảy mình tỉnh giấc bởi hàng loạt tiếng nổ ầm ầm rất lớn. Ngôi nhà sàn tôi đang nằm rung chuyển, chao đảo. Tôi lẩm bẩm chửi: "Mẹ cha thằng Tàu khựa! Sao hôm nay bọn bay nổ mìn phá đá làm hầm hào công sự sớm thế, không để các ông chúng mày ngủ một lát à?". Khi tôi vừa kéo cái chăn bông trùm kín đầu định ngủ tiếp thì nghe tiếng trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi quát rất to ở ngay dưới gầm nhà sàn:
- Bảo ơi! Bọn Trung Quốc đánh đến nơi rồi mà mày vẫn còn ngủ à?
Nghe thấy thế tôi vội vàng bật ngay dậy. Tôi vớ lấy khẩu AK, khoác ba lô lên vai lao ra ngoài sàn nhà. Một chùm đạn pháo nổ gần làm ngôi nhà chao đảo khiển tôi loạng choạng suýt ngã.
Những luồng đạn pháo từ phía bên kia biên giới bắn sang xé toạc màn đêm ken dày đặc trên trời. Bọn xâm lược Trung Quốc đã nổ súng tấn công nước ta thật rồi, vậy mà lúc nãy tôi còn nghĩ bọn chúng nổ mìn phá đá làm hầm hào công sự như mọi bữa. Tiếng đạn pháo nổ râm ran, đường đạn rít lên ghê rợn. Đạn địch bay rất gần, rất thấp, ánh chớp lửa bùng lên khắp xung quanh làm tôi hơi hoảng. Tôi vội mở khóa nòng khẩu AK lên đạn vì tưởng bộ binh của địch cũng đang tràn đến. Nhưng rồi tôi trấn tĩnh lại được ngay. Tôi nghĩ đến việc phải đảm bảo thông tin thông suốt nhanh chóng cho chỉ huy chiến đấu. Tôi liền nhảy ào xuống đất. Chiến sĩ Mông cũng đeo chiếc máy thông tin vô tuyến 884 nhảy theo.
Trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi tiếp tục gào to để tôi nghe rõ mệnh lệnh vì tiếng đạn pháo của bọn Trung Quốc nổ ầm ầm át cả tiếng người:
- Ra ngay hang Ma Gà! Vị trí của chỉ huy tiểu đoàn ở đấy. Khẩn trương triển khai thông tin phục vụ chỉ huy chiến đấu! Rõ chưa?
- Báo cáo, rõ!
Tôi cũng gào lên đáp lại rồi cùng chiến sĩ thông tin lao về hướng hang Ma Gà, nơi đặt vị trí chỉ huy chiến đấu của Tiểu đoàn 3. Chúng tôi vừa chạy gằn, vừa bò từng đoạn. Nhiều khi phải nằm ép người lết dưới lòng con mương dẫn nước, nấp sau các bờ ruộng cao trên cánh đồng trống trải để tránh làn đạn từ phía bên kia biên giới bắn sang. Chúng tôi cố gắng cơ động thật nhanh về vị trí chỉ huy của tiểu đoàn. Bốn bề mịt mù khói lửa, tiếng nổ râm ran. Đạn pháo của địch bắt đầu bắn vào bản Cốc Vường, lửa cháy rừng rực.
Bầu trời một vùng biên giới sáng rực lên như ban ngày bởi những luồng lửa đạn của quân thù. Những luồng đạn giặc bay xé nát cả màn đêm. Tiếng đạn pháo quân thù đinh tai, chói óc, tiếng đạn súng 12ly7 từ trên mỏm núi cao có lô cốt Tàu Tưởng ăn sâu vào đất ta bắt đầu quét ràn rạt trên cánh đồng các bản Cốc Vường, Cốc Nghịu. Tiếng nổ của đạn súng 12ly7 đáng sợ hơn cả tiếng pháo. Trong các bản làng tiếng người nháo nhác gào gọi nhau thảm thiết, tiếng kêu khóc hoảng loạn của những người dân chưa đi sơ tán. Tiếng chó sủa, gà kêu, bò rống tan tác, vỡ đàn. Tiếng tre nứa nổ lốp bốp từ những ngôi nhà trúng đạn đang bốc cháy rần rật. Mọi thứ âm thanh hỗn độn hoà vào nhau trong khói lửa, mùi thuốc súng và đất cát bụi mù mịt. Đó là những giờ phút đầu tiên của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc mà tôi đã được chứng kiến. Một cuộc chiến không thể lãng quên trong tâm trí của bao nhiêu người lính biên cương...
Lợi dụng ánh sáng của những luồng đạn bay trên bầu trời nên tôi và người chiến sĩ của mình định hướng được mỏm núi đá có hang Ma Gà. Chúng tôi nhanh chóng lao lên cửa hang mặc cho đạn địch bắn ầm ầm khắp thung lũng.
Thằng Mông đeo máy chạy sau tôi. Nó vấp ngã dúi dụi. Tôi vội đỡ chiếc máy vô tuyến 884 cho nó. Đến cửa hang chúng tôi nhanh chóng căng dây an-ten lên sườn núi, mở máy vô tuyến điện. Vừa mở máy tôi đã nghe thấy các hướng rối rít gọi về chỉ huy tiểu đoàn. Khi bọn Trung Quốc nổ súng, tất cả các tổ đài lập tức mở máy, chỉ có tổ đài vô tuyến ở chỉ huy tiểu đoàn là còn đang chạy ra hang Ma Gà là chưa mở máy. Tôi cũng không hiểu tại sao cơ quan tiểu đoàn bộ đêm ấy lại không ra vị trí chiến đấu mà vẫn ở trong bản Cốc Vường? May mà địch bắn pháo vào các trận địa xa trước, gần sau. Nếu bọn chúng bắn ngay vào bản Cốc Vường thì chưa biết chúng tôi sẽ ra sao?
Mạng thông tin vô tuyến điện sóng ngắn đã được thiết lập. Từ vị trí chỉ huy của tiểu đoàn đã thông liên lạc bằng mạng thông tin vô tuyến điện được với tất cả các hướng. Đêm Cốc Vường khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979 nổ ra sẽ là một ký ức không bao giờ phai nhòa trong tôi…
Cao Bằng – 1979
Hà Nội, 10-2021
Ghi chép của Trọng Bảo
Ảnh: Đền thờ Nùng Chí Cao, một vị tướng trấn giữ biên cương thời Nhà Lý tại bản Cốc Vường, Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng.
Có thể là hình ảnh về ngoài trời

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

Ghi chép NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

     NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

7-SỰ TÍCH MA GÀ

Buổi sáng hôm sau trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi và tôi xuất phát rất sớm. Chúng tôi đi lên bản Cốc Vường để tiền trạm cho đơn vị di chuyển lên đóng quân dã ngoại trong nhà dân. Sau đó lên trận địa của Đại đội 11 và vị trí tiền phương của chỉ huy tiểu đoàn. Mục đích của chúng tôi là trinh sát tuyến triển khai đường dây hữu tuyến, đường vận động của bộ phận truyền đạt và tìm hiểu địa hình ảnh hưởng đến việc đảm bảo thông tin liên lạc của máy vô tuyến điện. Trang bị của trung đội thông tin tiểu đoàn tôi là loại máy 884 do Trung Quốc sản xuất. Loại máy vô tuyến điện sóng cực ngắn này chỉ cẩn vướng địa hình một mỏm núi, một khe sâu là rất khó thậm chí không thể liên lạc được.
Đoạn đường cơ động lên biên giới chúng tôi cố gắng đi sát các chân núi, dưới lòng suối tránh tầm quan sát của các đài quan sát của Trung Quốc bên kia biên giới ở khu vực đồi thông và trên lô cốt Tàu Tưởng. Kể từ khi hai chiến sĩ của ta bị bọn địch bắn chết ở khu vực cột mốc 115-116 chúng tôi không còn dám đi lại nghênh ngang trên đường nữa. Đoạn đường từ thị trấn Sóc Giang lên cửa khẩu Bình Mãng không một bóng người dân. Bà con các bản Nà Sác, Cốc Vường, Cốc Nghịu đã đi sơ tán hết. Dọc đường từ trường cấp 1+2 lên biên giới chúng tôi chỉ gặp các chiến sĩ công binh đang đào sẵn các hố để đặt mìn chống tăng. Trong sân trường cấp 1+2 cũng có các hố mìn chờ gài các loại mìn. Đoạn đường dưới chân điểm chốt Đại đội 11 một bên là vách núi, một bên là suối sâu đã được đào sẵn các hố rất to. Hàng trăm ki-lô-gam thuốc nổ sẽ được nhồi xuống hố để phá hủy một đoạn đường, chặn xe tăng và xe cơ giới quân địch tràn xuống thị trấn.
Tôi và Phạm Hoa Mùi leo lên chốt cây đa thứ hai. Chúng tôi gặp thiếu úy Trần Hữu Hoàn, đại đội phó Đại đội 11 đang đi kiểm tra các bộ phận xây dựng công sự trận địa. Thiếu úy Trần Hữu Hoàn dẫn chúng tôi sang chốt cây đa thứ nhất. Đây là chốt tiền tiêu của Đại đội 11 và của Tiểu đoàn 3. Khi quân xâm lược Trung Quốc tấn công qua cửa khẩu Bình Mãng thì các chiến sĩ Đại đội 11 sẽ là những người lính nổ súng chiến đấu đầu tiên ngăn bước quân thù. Tôi nhìn xuống cánh đồng bản Nà Sác. Trạm kiểm soát của công an vũ trang không còn bóng người. Lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay trên cột cờ ở sân trạm kiểm soát.
Rời khỏi trận địa của Đại đội 11 tôi và Mùi quay về bản Cốc Vường. Chúng tôi vào các nhà dân, nơi sẽ đưa trung đội thông tin lên trú quân. Dân bản đã đi sơ tán triệt để. Buổi tối mới có một vài người về coi nhà. Nghe tin có bộ đội đến ở bà con mừng lắm. Họ để mở cửa nhà và nhắn lại chúng tôi khi đến không gặp chủ nhà thì cứ vào mà ở. Từ Cốc Vường chúng tôi đi theo con đường nhỏ sau bản ra hang Ma Gà. Đây là nơi đặt vị trí của chỉ huy Tiểu đoàn 3 khi chiến sự xảy ra. Hang Ma Gà đã được dọn dẹp sạch sẽ. Dù có ma ở hang thì cũng phải nhường lại nơi này cho bộ đội chặn giặc.
Tại sao lại gọi là hang Ma Gà? Câu chuyện bắt đầu từ những hủ tục mê tín thời xa xưa, mông muội, lạc hậu. Một trong những hủ tục khiến người ta kinh hãi và khốn khổ nhất là chuyện ma gà nhập vào con người để ám hại con người. Có một gia đình nọ bị đồn rằng có ma gà nhập vào con gái họ.
Thực ra người ta cũng chưa biết ma gà là gì, như thế nào và tại sao nó lại cứ hành người ta lâu dài đến thế? Những nơi có chuyện ma gà trong bản, trong vùng đều lo lắng, hoảng sợ. Luôn luôn xuất hiện những thông tin mới hàng ngày đồn đại xung quanh chuyện về ma. Chuyện ma ghê rợn ấy cứ rì rầm lan truyền từ miệng người này sang miệng người khác, từ tai nọ sang tai kia, loang ra rất nhanh như giọt dầu rơi trên mặt nước. Thực hư chả rõ ra sao. Nhưng chuyện ma gà người lớn nghe đã thấy sợ hãi, không dám đi đêm, trẻ con lại càng thêm khiếp đảm, chả đứa nào dám khóc to.
Những nhà có con gái, nhất là con gái xinh đẹp thường rất lo lắng. Bởi con gái xinh đẹp thế nào cũng bị con ma gà ám vào để ẩn thân. (Mà cũng lạ! Ma gà lại chỉ thích con gái đẹp, chỉ hiện thân trong những người con gái đẹp thôi!). Gia đình nọ có một người con gái càng lớn lên càng xinh đẹp khiến bố mẹ lại càng lo lắng. Khi cô tròn mười bảy tuổi xinh đẹp nhất bản thì xuất hiện những tin đồn vu vơ về chuyện bị ma gà ám.
Chuyện ma gà thầy cúng giỏi nhất vùng cũng phải bó tay không trị nổi. Lời đồn đại ấy lan rộng ra khắp bản và cả các làng bản xung quanh. Lời đồn đại khủng khiếp ấy đã làm cho cả nhà cô gái lâm vào cảnh khốn đốn. Mỗi khi ra đường họ không dám mở miệng chào ai. Đi qua bản không dám nhìn con trâu, con bò, con lợn, con gà, không dám khen trẻ nhỏ, không dám hỏi thăm người già, người ốm đau, tai nạn. Khi đi làm ruộng hay lên rừng đốt nương, hái măng, kiếm củi, thường là chỉ lẽo đẽo một thân, một mình. Không có ai trong bản dám đi cùng. Đang đi giữa đường gặp mưa to gió lớn, những người có ma gà không dám dừng lại trú chân ở gốc cây, đứng tránh mưa đầu nhà hàng xóm, láng giềng vì sợ có ai đó bất ngờ nhìn thấy. Khi người trong bản nhìn thấy người có ma gà họ sẽ lập tức đập sàn, gõ ống bương, réo tên lên mà gào thét để thông báo cho ông trời biết. Ông trời nghe tiếng kêu của dân bản sẽ lập tức sai thần sét hạ giới vung búa đánh chết tươi người có ma gà. Đồn rằng người có ma gà nhìn vào đồ vật sẽ làm cho vật đó bị hư hỏng, nhìn vào cây, cây chết, nhìn vào lá, lá khô, nhìn vào quả, quả thối, nhìn vào hoa, hoa tàn. Lời nói của người có ma gà như phun ra nọc độc, hơi thở ra toàn là âm khí làm héo úa hoa màu, cây cối, làm tiêu tan khí huyết đang chảy trong người tiếp xúc. Khi gặp người có ma gà trẻ con thì sinh biếng ăn, ốm bệnh, hay khóc đêm ngằn ngặt, người già thì đột nhiên phát tác chứng đau lưng, nhức xương, mỏi nhừ gân cốt, khó ngủ.
Mỗi khi trong thôn bản trâu bò lợn gà bỗng dưng lăn đùng ra chết, hay bị hỏa hoạn, tai nạn, dân bản lại bảo đó chính là lúc con ma gà thoát xác đi kiếm ăn gây nên. Ma gà thường giết hại gia súc, gia cầm, làm ra hỏa hoạn, gieo rắc tai nạn. Ma gà luôn luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng trong các bản làng vùng cao. Bản làng nào có ma gà còn đáng sợ hơn là có dịch hạch, bệnh truyền nhiễm. Đối với những người con gái đẹp nỗi ám ảnh ấy lại càng thêm khủng khiếp. Gia đình ma gà nọ đã phải rời bản lên trú ngụ trong cái hang này. Câu chuyện có lẽ đã qua mấy đời rồi. Nghe đồn người con gái đẹp bị ma gà nhập vào vì buồn đau mà chết. Gia đình từng cư trú trong hang cũng không ai còn biết họ đã ly tán đi đâu? Hang này mang tên Ma Gà từ bao giờ dân bản cũng chẳng ai biết, ít người dám bén mảng đến nhưng chúng tôi đã chọn làm vị trí chỉ huy của tiểu đoàn, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống quân bành trướng xâm lược. Đó là câu chuyện về sự tích về hang Ma Gà mà tôi đã nghe được…
Rời khỏi hang Ma Gà, chúng tôi đi qua khu vực UBND huyện Hà Quảng về trận địa của Đại đội 10 dưới chân núi đất án ngữ con đường từ Đôn Chương lên thị trấn Sóc Giang. Hạ sĩ Nguyễn Công Tâm đang cùng chiến sĩ đào công sự ở tuyến hào thứ nhất chỗ bụi tre sát mặt đường. Nhìn thấy tôi Tâm bảo:
-Nhớ sáng chủ nhật này gặp nhau ở chợ Sóc Giang nhé?
-Nhất định rồi. Hẹn ngày chủ nhật!
Tôi hiểu là Nguyễn Công Tâm nhắc tôi chuyện sẽ khao vợ vừa mới sinh con trai…
Cao Bằng – 1979
Hà Nội, 10-2021
Ghi chép của Trọng Bảo
Có thể là hình ảnh về cây và núi