Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

Ghi chép NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

     NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

7-SỰ TÍCH MA GÀ

Buổi sáng hôm sau trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi và tôi xuất phát rất sớm. Chúng tôi đi lên bản Cốc Vường để tiền trạm cho đơn vị di chuyển lên đóng quân dã ngoại trong nhà dân. Sau đó lên trận địa của Đại đội 11 và vị trí tiền phương của chỉ huy tiểu đoàn. Mục đích của chúng tôi là trinh sát tuyến triển khai đường dây hữu tuyến, đường vận động của bộ phận truyền đạt và tìm hiểu địa hình ảnh hưởng đến việc đảm bảo thông tin liên lạc của máy vô tuyến điện. Trang bị của trung đội thông tin tiểu đoàn tôi là loại máy 884 do Trung Quốc sản xuất. Loại máy vô tuyến điện sóng cực ngắn này chỉ cẩn vướng địa hình một mỏm núi, một khe sâu là rất khó thậm chí không thể liên lạc được.
Đoạn đường cơ động lên biên giới chúng tôi cố gắng đi sát các chân núi, dưới lòng suối tránh tầm quan sát của các đài quan sát của Trung Quốc bên kia biên giới ở khu vực đồi thông và trên lô cốt Tàu Tưởng. Kể từ khi hai chiến sĩ của ta bị bọn địch bắn chết ở khu vực cột mốc 115-116 chúng tôi không còn dám đi lại nghênh ngang trên đường nữa. Đoạn đường từ thị trấn Sóc Giang lên cửa khẩu Bình Mãng không một bóng người dân. Bà con các bản Nà Sác, Cốc Vường, Cốc Nghịu đã đi sơ tán hết. Dọc đường từ trường cấp 1+2 lên biên giới chúng tôi chỉ gặp các chiến sĩ công binh đang đào sẵn các hố để đặt mìn chống tăng. Trong sân trường cấp 1+2 cũng có các hố mìn chờ gài các loại mìn. Đoạn đường dưới chân điểm chốt Đại đội 11 một bên là vách núi, một bên là suối sâu đã được đào sẵn các hố rất to. Hàng trăm ki-lô-gam thuốc nổ sẽ được nhồi xuống hố để phá hủy một đoạn đường, chặn xe tăng và xe cơ giới quân địch tràn xuống thị trấn.
Tôi và Phạm Hoa Mùi leo lên chốt cây đa thứ hai. Chúng tôi gặp thiếu úy Trần Hữu Hoàn, đại đội phó Đại đội 11 đang đi kiểm tra các bộ phận xây dựng công sự trận địa. Thiếu úy Trần Hữu Hoàn dẫn chúng tôi sang chốt cây đa thứ nhất. Đây là chốt tiền tiêu của Đại đội 11 và của Tiểu đoàn 3. Khi quân xâm lược Trung Quốc tấn công qua cửa khẩu Bình Mãng thì các chiến sĩ Đại đội 11 sẽ là những người lính nổ súng chiến đấu đầu tiên ngăn bước quân thù. Tôi nhìn xuống cánh đồng bản Nà Sác. Trạm kiểm soát của công an vũ trang không còn bóng người. Lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay trên cột cờ ở sân trạm kiểm soát.
Rời khỏi trận địa của Đại đội 11 tôi và Mùi quay về bản Cốc Vường. Chúng tôi vào các nhà dân, nơi sẽ đưa trung đội thông tin lên trú quân. Dân bản đã đi sơ tán triệt để. Buổi tối mới có một vài người về coi nhà. Nghe tin có bộ đội đến ở bà con mừng lắm. Họ để mở cửa nhà và nhắn lại chúng tôi khi đến không gặp chủ nhà thì cứ vào mà ở. Từ Cốc Vường chúng tôi đi theo con đường nhỏ sau bản ra hang Ma Gà. Đây là nơi đặt vị trí của chỉ huy Tiểu đoàn 3 khi chiến sự xảy ra. Hang Ma Gà đã được dọn dẹp sạch sẽ. Dù có ma ở hang thì cũng phải nhường lại nơi này cho bộ đội chặn giặc.
Tại sao lại gọi là hang Ma Gà? Câu chuyện bắt đầu từ những hủ tục mê tín thời xa xưa, mông muội, lạc hậu. Một trong những hủ tục khiến người ta kinh hãi và khốn khổ nhất là chuyện ma gà nhập vào con người để ám hại con người. Có một gia đình nọ bị đồn rằng có ma gà nhập vào con gái họ.
Thực ra người ta cũng chưa biết ma gà là gì, như thế nào và tại sao nó lại cứ hành người ta lâu dài đến thế? Những nơi có chuyện ma gà trong bản, trong vùng đều lo lắng, hoảng sợ. Luôn luôn xuất hiện những thông tin mới hàng ngày đồn đại xung quanh chuyện về ma. Chuyện ma ghê rợn ấy cứ rì rầm lan truyền từ miệng người này sang miệng người khác, từ tai nọ sang tai kia, loang ra rất nhanh như giọt dầu rơi trên mặt nước. Thực hư chả rõ ra sao. Nhưng chuyện ma gà người lớn nghe đã thấy sợ hãi, không dám đi đêm, trẻ con lại càng thêm khiếp đảm, chả đứa nào dám khóc to.
Những nhà có con gái, nhất là con gái xinh đẹp thường rất lo lắng. Bởi con gái xinh đẹp thế nào cũng bị con ma gà ám vào để ẩn thân. (Mà cũng lạ! Ma gà lại chỉ thích con gái đẹp, chỉ hiện thân trong những người con gái đẹp thôi!). Gia đình nọ có một người con gái càng lớn lên càng xinh đẹp khiến bố mẹ lại càng lo lắng. Khi cô tròn mười bảy tuổi xinh đẹp nhất bản thì xuất hiện những tin đồn vu vơ về chuyện bị ma gà ám.
Chuyện ma gà thầy cúng giỏi nhất vùng cũng phải bó tay không trị nổi. Lời đồn đại ấy lan rộng ra khắp bản và cả các làng bản xung quanh. Lời đồn đại khủng khiếp ấy đã làm cho cả nhà cô gái lâm vào cảnh khốn đốn. Mỗi khi ra đường họ không dám mở miệng chào ai. Đi qua bản không dám nhìn con trâu, con bò, con lợn, con gà, không dám khen trẻ nhỏ, không dám hỏi thăm người già, người ốm đau, tai nạn. Khi đi làm ruộng hay lên rừng đốt nương, hái măng, kiếm củi, thường là chỉ lẽo đẽo một thân, một mình. Không có ai trong bản dám đi cùng. Đang đi giữa đường gặp mưa to gió lớn, những người có ma gà không dám dừng lại trú chân ở gốc cây, đứng tránh mưa đầu nhà hàng xóm, láng giềng vì sợ có ai đó bất ngờ nhìn thấy. Khi người trong bản nhìn thấy người có ma gà họ sẽ lập tức đập sàn, gõ ống bương, réo tên lên mà gào thét để thông báo cho ông trời biết. Ông trời nghe tiếng kêu của dân bản sẽ lập tức sai thần sét hạ giới vung búa đánh chết tươi người có ma gà. Đồn rằng người có ma gà nhìn vào đồ vật sẽ làm cho vật đó bị hư hỏng, nhìn vào cây, cây chết, nhìn vào lá, lá khô, nhìn vào quả, quả thối, nhìn vào hoa, hoa tàn. Lời nói của người có ma gà như phun ra nọc độc, hơi thở ra toàn là âm khí làm héo úa hoa màu, cây cối, làm tiêu tan khí huyết đang chảy trong người tiếp xúc. Khi gặp người có ma gà trẻ con thì sinh biếng ăn, ốm bệnh, hay khóc đêm ngằn ngặt, người già thì đột nhiên phát tác chứng đau lưng, nhức xương, mỏi nhừ gân cốt, khó ngủ.
Mỗi khi trong thôn bản trâu bò lợn gà bỗng dưng lăn đùng ra chết, hay bị hỏa hoạn, tai nạn, dân bản lại bảo đó chính là lúc con ma gà thoát xác đi kiếm ăn gây nên. Ma gà thường giết hại gia súc, gia cầm, làm ra hỏa hoạn, gieo rắc tai nạn. Ma gà luôn luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng trong các bản làng vùng cao. Bản làng nào có ma gà còn đáng sợ hơn là có dịch hạch, bệnh truyền nhiễm. Đối với những người con gái đẹp nỗi ám ảnh ấy lại càng thêm khủng khiếp. Gia đình ma gà nọ đã phải rời bản lên trú ngụ trong cái hang này. Câu chuyện có lẽ đã qua mấy đời rồi. Nghe đồn người con gái đẹp bị ma gà nhập vào vì buồn đau mà chết. Gia đình từng cư trú trong hang cũng không ai còn biết họ đã ly tán đi đâu? Hang này mang tên Ma Gà từ bao giờ dân bản cũng chẳng ai biết, ít người dám bén mảng đến nhưng chúng tôi đã chọn làm vị trí chỉ huy của tiểu đoàn, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống quân bành trướng xâm lược. Đó là câu chuyện về sự tích về hang Ma Gà mà tôi đã nghe được…
Rời khỏi hang Ma Gà, chúng tôi đi qua khu vực UBND huyện Hà Quảng về trận địa của Đại đội 10 dưới chân núi đất án ngữ con đường từ Đôn Chương lên thị trấn Sóc Giang. Hạ sĩ Nguyễn Công Tâm đang cùng chiến sĩ đào công sự ở tuyến hào thứ nhất chỗ bụi tre sát mặt đường. Nhìn thấy tôi Tâm bảo:
-Nhớ sáng chủ nhật này gặp nhau ở chợ Sóc Giang nhé?
-Nhất định rồi. Hẹn ngày chủ nhật!
Tôi hiểu là Nguyễn Công Tâm nhắc tôi chuyện sẽ khao vợ vừa mới sinh con trai…
Cao Bằng – 1979
Hà Nội, 10-2021
Ghi chép của Trọng Bảo
Có thể là hình ảnh về cây và núi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét