Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

Ghi chép NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

     NHỚ VỀ HÀ QUẢNG

6-HANG SÂU THĂM THẲM

Tình hình mỗi ngày một thêm căng thẳng. Sau Tết âm lịch nhưng trời còn rét lắm. Cái rét biên thùy cắt thịt da. Vị trí chỉ huy tiền phương của tiểu đoàn rời khỏi bản Nà Cháo dâng lên gần thị trấn Sóc Giang vào trong một cái hang ở sườn dãy núi đá nằm bên trái cánh đồng bản Nà Nghiềng. Sườn núi trơ trụi. Đường lên của hang dốc đứng, rất khó đi.
Phía bên kia cánh đồng là bản Nà Nghiềng, nơi đã sinh ra vị cách mạng tiền bối là ông Lê Quảng Ba, người đón Bác Hồ về Pác Bó năm 1941 và một vị tướng tài của quân đội là tướng Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu 1 (sau này ông là thượng tướng và là phó chủ tịch Hội đồng nhà nước). Hiện thì bà chị gái của tướng Đàm Quang Trung vẫn ở bản Nà Nghiềng. Khi quân Trung Quốc tràn sang bộ đội phải đến đưa bà và dân bản rút chạy lên núi. Tướng Đàm Quang Trung hay về thăm quê và đi kiểm tra các đơn vị biên giới một cách rất khác thường. Một lần, ông bị các chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 3 vây bắt khi nửa đêm mặc quần đùi áo lót soi ếch ở cánh đồng gần một điểm chốt. Họ lập tức dẫn giải ông về giao nộp cho chỉ huy tiểu đoàn vì nghi ngờ là thám báo Trung Quốc mò sang trinh sát trận địa của ta. Tại nhà ban chỉ huy Tiểu đoàn 3, khi một ông người dân tộc, dáng vẻ nông dân chân đất, một tay cầm đèn pin, một tay xách xâu ếch được dẫn giải vào, tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thiêm và chính trị viên Hoàng Quốc Doanh bị một phen hoảng hồn vì thấy quân lính của mình đã “bắt sống” được tư lệnh quân khu. Nhưng tướng Đàm Quang Trung thì lại khen ngợi: “Quân lính của các ông có ý thức cảnh giác cao như thế là rất tốt, chỉ phải cái là chửi bậy và nói tục quá! Phải chấn chỉnh ngay nhé”. Lúc nãy, trên đường dẫn giải ông về sở chỉ huy tiểu đoàn vì nghi ngờ ông chính là thám báo nên mấy chiến sĩ đã quát tháo, văng tục chửi bọn bành trướng. Bản Nà Nghiềng cũng là nơi sinh của ông Hoàng Văn Nhủng, là một trong 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đơn vị tiền thân của QĐND Việt Nam, thành lập ngày 22-12-1944. Ông Hoàng Văn Nhủng cũng là người liệt sĩ đầu tiên của quân đội ta.
Hang chỉ huy tiểu đoàn có rất nhiều ngõ ngách và sâu thăm thẳm. Gần cửa hang có một khoảng trống rộng, nhũ đá nhấp nhô rất đẹp. Ban chỉ huy tiểu đoàn và cơ quan tiểu đoàn bộ ở ngay gần cửa hang để tiện cơ động. Các bộ phận kê phản làm chỗ ngủ nghỉ trong các ngách hang. Chúng tôi dùng dây thông tin kéo điện từ thị trấn Sóc Giang vượt qua cánh đồng vào hang thắp sáng. Khi sinh hoạt cơ quan tiểu đoàn bộ, chúng tôi ngồi trên các gộp đá, bên cạnh các nhũ đá để nghe quán triệt nhiệm vụ. Trong ánh đèn điện lung linh, mờ ảo trông những người lính chiến chẳng khác gì các tượng phật đang ngồi thiền trên đài sen.
Phía trước cửa hang đá sở chỉ huy của Tiểu đoàn 3 là một con suối nhỏ chảy xuôi về phía bản Nà Cháo. Chúng tôi dọn dẹp biến dòng suối thành một chiến hào cơ động để đi lại mỗi khi về bản Nà Cháo lấy cơm hay lấy đạn, lương thực. Việc nấu nướng của cơ quan tiểu đoàn bộ vẫn ở bản Nà Cháo vì vị trí chỉ huy mới chỉ là một sườn núi đá trơ trụi không có chỗ làm bếp.
Một hôm, thằng Lợi nói với tôi:
-Tao với mày thử chui sâu vào trong cái hang này xem nó thế nào nhé!
Tôi bảo nó:
-Tao nghe nói cái hang này dài lắm. Nó thông sang tận bên kia dãy núi. Nghe dân bản Nà Nghiềng kể lại cái thời ông Lê Quảng Ba hoạt động cách mạng bị bọn Pháp truy lùng đã trốn vào trong hang này rồi chui luôn sang bên huyện Thông Nông đấy!
-Chắc là không sâu đến thế đâu?
-Thì chúng mình cứ thử chui vào xem sao nhé!
Tôi nói với thằng Lợi như thế vì nó có vẻ không tin. Thế là tính liều lĩnh, tò mò nổi lên, tôi và thằng Lợi quyết định phải chui vào sâu trong hang để “thám hiểm”. Chúng tôi chuẩn bị đuốc và đèn pin để đi sâu vào trong hang. Thằng Lợi đeo khẩu súng AK, tôi nhét quả lựu đạn và bao diêm vào cái túi phụ tùng của máy vô tuyến đeo lên vai. Chúng tôi gọi thêm thằng Hùng ở tiểu đội vô tuyến nữa cùng đi.
Để tiết kiệm pin đèn chúng tôi chỉ dùng đuốc. Đuốc soi đường vào trong hang là mấy thanh củi gỗ nghiến chưa khô hẳn. Thanh gỗ nghiến chưa khô đốt cháy rần rật như nến, khó tắt và lâu tàn. Ba thằng chúng tôi cứ đi, đi mãi, lòng hang càng vào sâu càng mở rộng ra. Có đoạn lòng hang rộng thênh thang và bằng phẳng, có thể tập trung cả tiểu đoàn ở đây cũng được. Trần hang rất cao, bấm đèn pin lên thấy các nhũ đá lờ mờ. Hóa ra cả một dãy núi hoành tráng, đồ sộ mà trong lòng lại trống rỗng như thế này. Đi sâu thêm một đoạn chúng tôi gặp một dòng suối chảy róc rách, nước trong veo. Dòng suối này chỉ xuất hiện một đoạn rồi chui vào một ngách hang mất hút. Đó là một dòng suối ngầm. Mạch ngầm trong lòng núi đá vôi không biết chúng chảy đi đâu. Ở đầu bản Nà Cháo có một mỏ nước sâu thăm thẳm, nước trong veo. Những năm hạn hán nặng dân bản Nà Cháo lấy nước ở mỏ nước này về dùng không bao giờ sợ cạn. Dân làng cũng bảo đã có người từng nối mấy chiếc dây thừng buộc đá ròng xuống vẫn không thấy đáy. Nước ở mỏ này có lúc bị hút cạn xuống, lúc lại dâng lên cao. Dân bản bảo thả một quả bưởi có đánh dấu xuống hôm sau thấy nó nổi lên ngoài dòng suối bên kia cánh đồng? Có thể mỏ nước đầu bản Nà Cháo ấy cũng thông với dòng suối ngầm trong hang này.
Đi đến đoạn trần hang thấp có những nhũ đá rất đẹp chúng tôi dừng lại. Tôi bảo thằng Lợi:
-Có lẽ chúng ta đã đi sâu vào trong hang đến cả cây số rồi. Hai bó đuốc cũng đã tàn, đèn sắp hết pin rồi chúng ta quay ra thôi kẻo đèn đuốc tắt hết lạc trong hang sâu thăm thẳm này thì nguy lắm!
Thằng Lợi và thằng Hùng cũng đồng ý vì chúng tôi không thể vào sâu mãi trong hang để “thám hiểm” thêm được nữa. Không còn đèn đuốc chúng tôi sẽ bị lạc trong hang sâu thăm thẳm như mê cung giữa lòng núi này thì nguy hiểm lắm. Chúng tôi quay ra đến gần cửa hang thì đèn cũng hết pin phải xòe nốt từng que trong bao diêm để soi đường. Khi nhìn thấy ánh sáng phía trước lờ mờ hắt vào mới biết là đã ra đúng cửa hang, không bị lạc đường. Sau này khi chúng tôi kể lại chuyện chui sâu vào trong hang ai cũng bảo là quá liều lĩnh vì có thể lạc và chết đói trong chốn hang sâu thăm thẳm ấy.
Trời đã sắp tối. Tôi leo ra ngoài trèo lên phía trên cửa hang nhìn lên hướng biên giới. Từ cửa hang nay có thể thấy cánh đồng trải rộng đến tận cửa khẩu Bình mãng. Mỏm núi có cái lô cốt Tàu Tưởng đen sì hiện ra rất rõ. Sườn núi có hang đá này hơi nghiêng về hướng biên giới. Bọn Trung Quốc bên kia biên giới có thể quan sát được khu vực cửa hang này. Cửa hang trơ trụi nên khó giữ bí mật khi bộ đội cơ động lên xuống. Cái hang này cũng không thể là nơi phòng ngự vì quân địch chỉ cần một hỏa lực nhỏ cũng có thể khống chế được. Tôi nghĩ hang Nà Nghiềng chỉ có thể là nơi giấu quân bí mật, làm kho để đạn dược, lương thực, không thế là một điểm chốt phòng ngự…
Buổi tối hôm ấy, sau khi hội ý trên ban chỉ huy tiểu đoàn về trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi khều tôi ra khỏi ngách hang nói nhỏ:
-Khả năng cơ quan tiểu đoàn bộ sẽ tiếp tục phải dâng lên phía trước, áp sáp cửa khẩu Bình Mãng. Ngày mai tao với mày sẽ đi lên bản Cốc Vường và các vị trí trên biên giới để trinh sát địa hình, chuẩn bị trước nhé!
-Mấy giờ thì đi?
-Sáng ra lợi dụng sương mù chúng ta đi luôn cho an toàn.
Vậy là đúng như tôi nghĩ. Hang Nà Nghiềng không thể là nơi đặt vị trí sở chỉ huy chiến đấu của tiểu đoàn được. Hang sâu thăm thẳm có thể che chở bom đạn, bảo vệ con người chứ không thể bảo vệ được Tổ quốc. Khi quân thù tấn công người lính sẽ phải đứng trong chiến hào. Họ đối diện với quân bành trướng, nổ súng ngăn chặn khi chúng tràn sang xâm lược nước ta…
Cao Bằng - 1979
Hà Nội, 10-2021
Ghi chép của Trọng Bảo
Có thể là hình ảnh về thiên nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét