Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

Truyện ngắn LÃO CỐNG (phần 2)

LÃO CỐNG (phần 2)
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Khi bà Bích Ngân đi rồi, lão Cống vẫn còn ngơ ngác. Bát mỳ tôm thằng Giản pha cho trương phềnh trên chõng. Lão không ngờ lại có một cuộc hội ngộ sau quá nhiều năm như vậy.
Chiều tối lại thấy anh chủ tịch xã phóng xe máy đến nhà lão Cống. Lần này thái độ của anh ta khác hẳn. Anh ta chào lão Cống thật lễ phép. Anh ta mời lão ngồi lên chõng để cùng bàn công việc. Lão Cống ngạc nhiên nhưng cũng ngồi xuống mép chõng. Anh chủ tịch đặt một cái gói giữa chõng rồi nói:
- Đây là bộ quần áo lụa bà Bích Ngân gửi biếu ông… - Anh ta rút từ trong túi ra tờ giấy bạc hai trăm nghìn đưa cho lão Cống rồi nói tiếp: - Bà ấy còn để lại mấy triệu đồng dặn chúng cháu hàng tháng trích đưa ông hai trăm nghìn tiêu pha.
Lão Cống không cầm tiền. Anh chủ tịch để tờ bạc trên gói quần áo. Lão Cống ngần ngừ nhìn tờ giấy bạc. Như chợt nhớ ra, lão liền cầm cả hai tay tờ hai trăm nghìn đồng đưa cho anh chủ tịch:
- Tôi… tôi… xin nộp phạt hành chính cho xã…
Anh chủ tịch xã vội xua xua tay:
- Xin ông bỏ qua cho chúng cháu chuyện trưa nay! Ông không phải nộp phạt gì nữa đâu. Xã đã huỷ bỏ tờ biên bản ấy rồi ông ạ!
Đoạn anh mở cặp lấy ra mấy tờ giấy rồi nói:
- Ông ạ! Bà Bích Ngân sau nhiều năm trở lại quê hương đã quyết định đầu tư cho xã ta xây dựng một trạm y tế với nhiều trang thiết bị hiện đại…
- Thế thì quý hóa quá!
- Vâng! Đúng thế ông ạ. Nhưng bà ấy yêu cầu xã phải xây cho ông một căn nhà trị giá hai mươi triệu đồng thì bà ấy mới chuyển tiền về đầu tư xây trạm y tế…
Lão Cống vội xua tay:
- Không cần đâu! Nếu bà ấy cho tiền thì xã cứ dành cả mà xây trạm y tế…
- Không được ông ơi! Bà ấy nói nếu không xây nhà cho ông thì bà ấy cũng không đầu tư cho xã…
Thấy lão Cống im lặng anh chủ tịch xã nói tiếp:
- Bây giờ xin ông ký vào bản hợp đồng này để chúng cháu chuyển cho bà ấy, để bà ấy yên tâm chuyển tiền về…
- Tại sao tôi lại phải ký?
- Bà ấy nói có chữ ký của ông là sẽ nhận nhà của xã xây cho thì bà ấy mới chuyển tiền về quê ạ!
Lão Cống cầm cây bút. Chợt nảy ra một ý nghĩ, lão hỏi lại:
- Xã sẽ xây nhà cho tôi thật chứ?
- Vâng đúng thế ạ!
- Nếu thế thì tôi xin có yêu cầu thế này!
- Vâng xin ông cứ nói!
- Tôi đề nghị xã cấp cho tôi một miếng đất để xây nhà chứ không xây ở chỗ này vì gần chợ lại nằm trong quy hoạch giải toả mở rộng đường nay mai.
- Vâng ông muốn xin đất ở khu nào ạ?
- Tôi xin xã cấp cho tôi chỗ hố bom đầu làng Thượng. Đề nghị xã san lấp và xây cho tôi căn nhà ngói ở đấy.
Anh chủ tịch xã nuốt ực một cái nghĩ: “Lão già này cứ tưởng là khù khờ mà khôn ranh đáo để. Chỗ hố bom ấy mình định khi san ủi làm trạm y tế sẽ cho đổ đất thừa ra lấp đi xây các ki-ốt cho thuê bán hàng, làm quán cà phê… thế mà…”. Anh ngần ngừ:
- Hay là xã cấp cho ông một miếng đất trong khu xóm Trại, yên tĩnh…
- Thế thì thôi vậy… tôi không làm nhà nữa!
Anh chủ tịch lại nuốt ực một cái. Cái yết hầu của anh ta nhô ra như có cái gì đang bị vướng trong cổ họng. Anh thấy khó chịu. Nhưng nhớ đến số tiền cả tỷ đồng mà bà Bích Ngân hứa sẽ đầu tư cho xã, anh ta đành chịu lui:
- Thôi thế cũng được ông ạ! Bây giờ ông ký vào giấy này để xã chuyển cho bà Bích Ngân.
Lão Cống phủi quần đứng dậy nói:
- Bao giờ xã cấp sổ đỏ và san lấp xong cái hố bom, giác móng làm nhà cho tôi thì tôi mới ký!
Anh chủ tịch xã cố năn nỉ nhưng không làm lão Cống lay chuyển. Anh ta đứng dậy ra về. Vừa đi anh ta vừa nguyền rủa: “Cái lão già chết tiệt…”.
*
Căn nhà của lão Cống ở đầu làng Thượng xây xong trước khi trạm y tế xã hoàn tất. Theo kế hoạch bà Bích Ngân sẽ về nước đem theo một số trang thiết bị khám chữa bệnh và thuốc men cho trạm và dự lễ cắt băng khánh thành.
Băng cờ khẩu hiệu đỏ rực con đường từ trụ sở uỷ ban xã đến khu vực trạm y tế. Các cấp, các ngành đã tề tựu đầy đủ. Chiếc xe chở bà Bích Ngân và con gái út từ từ dừng lại. Bà Bích Ngân dẫn con gái út theo anh chủ tịch đi về phía nhà lão Cống. Lần này bà về nước đem theo cả cô con gái út. Nó giống hệt bà thời bà còn trẻ. Bà muốn để lão Cống thấy lại hình ảnh của mình ngày nào.
Từ xa nhìn ngôi nhà mới xây của lão Cống ngay đầu làng quét ve hồng trông thật đẹp. Quả là một địa thế đắc địa. Bà Bích Ngân thấy rất hài lòng. Cô con gái giơ máy ảnh bấm tanh tách. Bà Bích Ngân vui vẻ. Vừa đi, bà vừa bàn với anh chủ tịch kế hoạch đầu tư thêm để mở rộng con đường chạy qua trung tâm xã.
Đến gần ngôi nhà lão Cống, bà Bích Ngân rất ngạc nhiên. Không thấy lão Cống ra đón như bà nghĩ. Từ trong nhà một lũ trẻ con mặc quần áo mới ùa ra líu lo chào khách. Bà Bích Ngân bước vào nhà nhìn quanh. Trên tường dán đầy nhưng hình chim, thú và hoa. Bà quay sang nhìn anh chủ tịch như muốn hỏi. Lúc này anh chủ tịch mới rút trong túi ra một phong bì dày đưa cho bà. Bà Bích Ngân mở ra xem. Có là một chiếc sổ đỏ ghi quyền sở hữu nhà đất của lão Cống, một cái ảnh lão Cống đang đứng giữa đám trẻ con lớp mẫu giáo và một mảnh giấy ghi dòng chữ: “Tôi tên là Nguyễn Văn Cống, tôi xin hiến tặng toàn bộ căn nhà và khu đất này làm lớp mẫu giáo cho làng Thượng. Ký tên…”.
Bà Bích Ngân thảng thốt hỏi:
- Thế ông ấy vẫn ở căn nhà cũ à?
Anh chủ tịch đáp:
- Ông ấy đi rồi bà ạ!
- Đi đâu?
- Chúng cháu cũng không rõ! Nghe nói thằng bé vẫn ở với ông ấy đã học được nghề và xin được việc làm ở một tỉnh phía Nam, nó đã đón ông ấy đi rồi…
Bà Bích Ngân thấy hơi hẫng hụt. Bà cầm cái ảnh lên xem và nhận ra trong ảnh lão Cống mặc bộ quần áo lụa bà tặng ông lần trước khi bà về nước...
(hết) Hà Nội, ngày 13/12/2009

Truyện ngắn Lão Cống đã đăng trên Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

Truyện ngắn LÃO CỐNG (phần 1)

LÃO CỐNG (phần 1)
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Lão Cống bị lôi xềnh xệch ra khỏi nhà. Mặt mũi lão tái xanh tái xám. Quần áo lão dính đầy tro trấu. Lão đang nấu cơm thì xảy ra chuyện. Đám đông xúm quanh lão xỉa xói. Một thằng thanh niên một tay chẹt cổ, một tay bẻ quặt tay lão ra sau lưng. Một thằng khác lôi từ đống sắt vụn sau nhà lão ra một cái nồi nấu cám lợn ngoác miệng gào lên:
- Đúng là cái nồi nấu cám nhà tao đây rồi!
- Phen này bắt quả tang lão chứa chấp đồ trộm cắp nhé!
Bọn thanh niên và mấy bà sồn sồn tiếp tục lục soát nhà lão Cống. Họ lôi ra từ góc bếp, xó nhà những cái xoong gãy quai, ấm nhôm cụt vòi, chậu thau thủng đáy… Đó là những thứ mà bọn trẻ con lấy trộm của nhà mình, hoặc nhà hàng xóm đem bán cho lão Cống lấy vài ngàn chơi games hoặc chọc bi-a. Nhà lão Cống gần chợ. Lão sống một mình, vợ con chả ai thấy bao giờ. Lão chuyên nhặt nhạnh, thu gom những đồ phế thải, sắt vụn bán kiếm sống qua ngày. Đám trẻ con trong xóm ham chơi trò chơi điện tử không từ một thứ gì bán được là không lấy. Nhiều nhà trong xóm lúc thì mất cái nồi, lúc thì mất cái kiềng gãy, khi thì mất cái chốt cổng bằng sắt nên bực lắm. Ông công an xóm cùng đám thanh niên theo dõi quyết bắt quả tang bọn trộm vặt và người tiêu thụ. Vì thế mà trưa nay họ bám theo được chân một thằng bé đang thu lu ôm cái nồi gang lẻn vào nhà lão Cống. Đó là cái nồi của bà Thặng đang đựng cám lợn ở bếp. Thằng oắt con đã lẻn vào bếp đổ cám đi rồi ôm cái nồi chui qua rào chạy về hướng nhà lão Cống.
Thường là rất ít khi lão Cống có tiền thanh toán ngay những thứ mua được. Lão ghi vào sổ. Khi có người đến thu mua sắt vụn lão mới có tiền trả cho bọn trẻ con. Chính vì thế mà đám người trong xóm đã thu được cả cuốn sổ ghi nợ của lão Cống khiến lão cứng họng hết đường chối cãi. Một thằng hét lên:
- Gô cổ lão này dẫn lên công an xã giải quyết!
- Đúng… đúng…
Nhiều người hưởng ứng. Mặc lão Cống van xin thằng thanh niên đang chẹt cổ lão rút ngay cái thắt lưng ra. Giữa lúc đó thì ông công an xóm mới hồng hộc chạy đến. Ông này có vẻ hiểu luật nên vội ngăn đám thanh niên lại và nói:
- Chưa có lệnh bắt giữ mà trói người là phạm luật đấy!
- Nhưng mà là bắt quả tang…
- Thôi không cần trói cũng được! Lão này có chạy đằng trời.
Một thằng với ngay một đoạn dây thừng trên bờ rào buộc vào hai quai cái nồi cám lợn rồi đeo luôn lên lưng lão Cống làm tang vật. Đoạn hai thằng hai bên chẹt cổ, túm tay đẩy lão Cống ra đường. Lão Cống tập tễnh bước đi. Quần áo lão tơi tả. Cám lợn còn dính trong cái nồi chảy phè ra be bét ướt đẫm cả lưng áo lão.
Lão Cống bị dẫn vào nhà làm việc của uỷ ban xã. Đang buổi trưa nên trụ sở vắng người. Có người chạy đi tìm anh chủ tịch và công an xã. Đám người bắt trộm nháo nhác tản vào các gốc cây tránh nắng. Lão Cống đứng giữa sân. Mồ hôi và nước mắt của lão chảy dài nhem nhuốc trên má.
Có tiếng xe máy rú ngoài cổng. Anh chủ tịch xã lướt xe vào sân. Vẫn còn ngồi trên yên anh chủ tịch đã cáu cẳn:
- Có chuyện gì mà náo loạn cả trụ sở xã thế hả?
Mọi người nhao nhao nói. Mỗi người một câu. Anh chủ tịch đã hiểu hết mọi chuyện. Anh ta chỉ tay vào mặt lão Cống gằn giọng:
- Ông già rồi mà còn làm bậy, tiếp tay cho bọn trộm cắp.
Lão Cống cúi gằm mặt. Không nhìn anh chủ tịch nhưng lão nhớ như in cái bận bố anh ta chết không ai dám đến gần vì sợ lây bệnh. Bởi trước khi chết mũi bố anh ta to lên và đỏ sần sùi như vỏ quả gấc. Dân làng bảo đó là biểu hiện của bệnh hủi. Ngày ấy quan niệm về bệnh hủi thật ghê gớm khiến ai cũng khiếp sợ. Chính lão Cống đã một tay khâm liệm cho bố anh chủ tịch khi chẳng ai dám đến gần.
Anh chủ tịch gọi anh trưởng công an xã giục nhanh chóng lập biên bản phạt hành chính rồi cho lão Cống về ngay. Chiều nay xã có khách đặc biệt. Mặt mũi lão Cống thêm tái mét nhợt nhạt khi nghe anh công an xã đọc khoản tiền phạt là 200 nghìn đồng vì chứa chấp, tiêu thụ của gian. Lão hốt hoảng. Có bán cả nhà lão đi cũng chả nổi hai trăm nghìn đồng.
Lão Cống được tha về. Lão bước thập thõm ra khỏi trụ sở uỷ ban xã. Có tiếng ai đó nói vóng theo đe:
- Nể lão già cả không thì tù mục xương đấy!
Về đến nhà, lão Cống chui vào căn nhà như tụp lều của mình rồi khép cánh cửa gỗ mọt lại. Lão ngồi thu lu trên cái chõng tre mãi vẫn chưa hoàn hồn. Chợt lão thấy đói. Cũng đã hơn một giờ chiều rồi, tiếng còi xe ca xuôi Hà Nội qua chợ toe toe gọi khách buôn chuyến. Lão Cống nhấc cái nồi cơm bị đám người khám nhà lật nghiêng trên bếp. Cơm bị đổ gần hết xuống đống tro, trong nồi chỉ còn dính một ít. Lão thò tay vét nhúm cơm dính ở đáy nồi đưa lên miệng nhai. Cơm chưa kịp chín, hạt gạo còn nguyên lõi ăn như có bột trong miệng.
Có tiếng cạch ở cửa nách. Lão Công giật mình ngoái lại. Thằng Giản lách người bước vào. Tay nó cầm gói mì tôm và hai củ khoai lang. Nó bảo:
- Ông đừng ăn chỗ cơm sống ấy. Ông ăn tạm củ khoai này rồi cháu đun nước pha cho bát mỳ tôm.
Thằng Giản là con một nữ thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc da cam. Bố mẹ nó mất, nó lang thang bới rác, rửa bát thuê ngoài chợ. Một bận lão Cống thấy nó sốt cao nằm mê man trong quán bán thịt lợn liền cõng nó về nhà tìm lá hạ sốt đắp cho nó. Từ đó nó ở với lão. Hai ông cháu sống dựa vào nhau, có gì ăn nấy, củ khoai, củ sắn xong bữa. Có lẽ đối với lão Cống và thằng Giản ngày ấy sướng nhất là thời kỳ có dịch cúm gia cầm. Những đàn vịt bán chẳng ai mua. Tiền đền bù hỗ trợ tiêu huỷ chẳng bõ nên người nuôi xua cả đàn ra bỏ ngoài đồng. Đàn vịt bỏ hoang ngoài đồng thành nguồn thực phẩm dồi dào của lão Cống và thằng Giản. Chỉ cần nhoáng một cái, thằng Giản đã vặn cổ hai con vịt xách về. Ngày nào hai ông cháu cũng chén thịt vịt. Ăn đến chán thì thôi. Lão Cống còn làm cả ruốc thịt vịt để tích chữ ăn dần nữa.
Thằng Giản ở với lão Cống được hơn hai năm thì được xã đưa lên nuôi dưỡng ở trại trẻ mồ côi của tỉnh vì nó là con một cựu thanh niên xung phong. Thằng Giản ở trường được ăn uống no đủ, lại được đi học chữ, học nghề nữa. Nó sáng sủa bảnh bao khác hẳn những ngày ở với lão Cống. Tuy thế nó vẫn luôn luôn nhớ tới lão Cống đã cưu mang nó lúc hoạn nạn. Hôm nào được nghỉ học là nó bắt xe khách về thăm lão. Hôm nay nó vừa về đến gần nhà thì lão Cống xảy ra chuyện. Nó lặng lẽ đi theo đám người áp giải lão Cống lên trụ sở uỷ ban xã. Khi lão Cống được tha về nó liền nhao về trước chạy ra chợ tìm cái gì cho lão ăn. Nó mua được mấy củ khoai luộc và gói mỳ tôm.
Lão Cống đang ăn khoai thì lại có tiếng xe máy và cả tiếng ô tô dừng ngoài cửa. Thằng Giản mở cửa rồi lùi lại, giọng có vẻ hốt hoảng:
- Công an xã lại đến ông ạ!
Lão Cống há hốc mồm ra vì sợ. Miệng lão còn ngậm đầy khoai lang lẫn cả vỏ. Đói quá, lão không kịp bóc. Anh chủ tịch xã bước vào nhìn quanh rồi quay ra nói:
- Mời bà vào đây ạ!
Lúc này lão Cống và thằng Giản mới nhìn thấy một bà đang mở cửa chiếc xe du lịch bóng lộn bước xuống. Bà này mặc một bộ đầm vẻ rất quý phái, sang trọng. Bà ta che mắt nhìn rồi chui vào căn nhà ẩm thấp, tăm tối. Anh chủ tịch lấy tay phủi phủi cái chõng tre rồi trải tờ báo ra bảo bà khách:
- Mời bà ngồi ạ!
Lúc này bà khách mới nhìn rõ mọi thứ trong nhà. Bà chăm chú nhìn lão Cống. Lão Cống vẫn há miệng ra ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì. Mồm lão vẫn ngậm đầy khoai lang và vỏ. Bà khách kêu lên:
- Anh ơi! Sao anh khổ thế anh ơi!
Lão Cống ngơ ngác. Bà khách buông cái túi xuống túm lấy tay lão Cống nức nở:
- Anh không nhận ra em à… Em là Bích Ngân, con cụ chánh Tiên đây mà…
- Ơ… ơ… - Lão Cống lờ mờ nhận ra một điều gì đó trong quá khứ sâu thẳm của cuộc đời mình. Lão cố nuối miếng khoai trong miệng rồi nhìn kỹ bà khách lạ. “Đúng là bà…là cô ấy rồi” - Lão nghĩ. Hơn năm mươi năm trước lão làm thuê cho nhà ông chánh Tiên. Cô con út của ông chánh hồi ấy mới mười sáu tuổi. Một lần cô bé leo lên cành ổi chìa ra ao hái quả chẳng may té ngã xuống nước. Lúc ấy lão đang rửa cày bên kia bờ nhìn thấy vội lao xuống bơi sang cứu. Sau bận ấy cô út nhà ông chánh có cảm tình và hay quan tâm đến lão khi ấy cũng là một thanh niên khá đẹp trai. Nhưng lão Cống hiểu rõ thân phận mình chả dám chòi cao. Lão chỉ coi cô út nhà ông chánh là cô chủ nhỏ. Năm 1954, cô út Bích Ngân theo gia đình vào Nam rồi qua Pháp. Bây giờ thì cô đã là một bà chủ lớn. Về thăm quê bà xin hiến tặng xã một khu trạm xá với những trang thiết bị hiện đại trị giá cả tỷ đồng. Khi bà hỏi về một anh tá điền tên là Cống thì anh chủ tịch xã mới biết đến lão. Anh đưa bà đến thăm lão...
(còn nữa) Hà Nội, ngày 13/12/2009