Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

Truyện ngắn LÃO CỐNG (phần 2)

LÃO CỐNG (phần 2)
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Khi bà Bích Ngân đi rồi, lão Cống vẫn còn ngơ ngác. Bát mỳ tôm thằng Giản pha cho trương phềnh trên chõng. Lão không ngờ lại có một cuộc hội ngộ sau quá nhiều năm như vậy.
Chiều tối lại thấy anh chủ tịch xã phóng xe máy đến nhà lão Cống. Lần này thái độ của anh ta khác hẳn. Anh ta chào lão Cống thật lễ phép. Anh ta mời lão ngồi lên chõng để cùng bàn công việc. Lão Cống ngạc nhiên nhưng cũng ngồi xuống mép chõng. Anh chủ tịch đặt một cái gói giữa chõng rồi nói:
- Đây là bộ quần áo lụa bà Bích Ngân gửi biếu ông… - Anh ta rút từ trong túi ra tờ giấy bạc hai trăm nghìn đưa cho lão Cống rồi nói tiếp: - Bà ấy còn để lại mấy triệu đồng dặn chúng cháu hàng tháng trích đưa ông hai trăm nghìn tiêu pha.
Lão Cống không cầm tiền. Anh chủ tịch để tờ bạc trên gói quần áo. Lão Cống ngần ngừ nhìn tờ giấy bạc. Như chợt nhớ ra, lão liền cầm cả hai tay tờ hai trăm nghìn đồng đưa cho anh chủ tịch:
- Tôi… tôi… xin nộp phạt hành chính cho xã…
Anh chủ tịch xã vội xua xua tay:
- Xin ông bỏ qua cho chúng cháu chuyện trưa nay! Ông không phải nộp phạt gì nữa đâu. Xã đã huỷ bỏ tờ biên bản ấy rồi ông ạ!
Đoạn anh mở cặp lấy ra mấy tờ giấy rồi nói:
- Ông ạ! Bà Bích Ngân sau nhiều năm trở lại quê hương đã quyết định đầu tư cho xã ta xây dựng một trạm y tế với nhiều trang thiết bị hiện đại…
- Thế thì quý hóa quá!
- Vâng! Đúng thế ông ạ. Nhưng bà ấy yêu cầu xã phải xây cho ông một căn nhà trị giá hai mươi triệu đồng thì bà ấy mới chuyển tiền về đầu tư xây trạm y tế…
Lão Cống vội xua tay:
- Không cần đâu! Nếu bà ấy cho tiền thì xã cứ dành cả mà xây trạm y tế…
- Không được ông ơi! Bà ấy nói nếu không xây nhà cho ông thì bà ấy cũng không đầu tư cho xã…
Thấy lão Cống im lặng anh chủ tịch xã nói tiếp:
- Bây giờ xin ông ký vào bản hợp đồng này để chúng cháu chuyển cho bà ấy, để bà ấy yên tâm chuyển tiền về…
- Tại sao tôi lại phải ký?
- Bà ấy nói có chữ ký của ông là sẽ nhận nhà của xã xây cho thì bà ấy mới chuyển tiền về quê ạ!
Lão Cống cầm cây bút. Chợt nảy ra một ý nghĩ, lão hỏi lại:
- Xã sẽ xây nhà cho tôi thật chứ?
- Vâng đúng thế ạ!
- Nếu thế thì tôi xin có yêu cầu thế này!
- Vâng xin ông cứ nói!
- Tôi đề nghị xã cấp cho tôi một miếng đất để xây nhà chứ không xây ở chỗ này vì gần chợ lại nằm trong quy hoạch giải toả mở rộng đường nay mai.
- Vâng ông muốn xin đất ở khu nào ạ?
- Tôi xin xã cấp cho tôi chỗ hố bom đầu làng Thượng. Đề nghị xã san lấp và xây cho tôi căn nhà ngói ở đấy.
Anh chủ tịch xã nuốt ực một cái nghĩ: “Lão già này cứ tưởng là khù khờ mà khôn ranh đáo để. Chỗ hố bom ấy mình định khi san ủi làm trạm y tế sẽ cho đổ đất thừa ra lấp đi xây các ki-ốt cho thuê bán hàng, làm quán cà phê… thế mà…”. Anh ngần ngừ:
- Hay là xã cấp cho ông một miếng đất trong khu xóm Trại, yên tĩnh…
- Thế thì thôi vậy… tôi không làm nhà nữa!
Anh chủ tịch lại nuốt ực một cái. Cái yết hầu của anh ta nhô ra như có cái gì đang bị vướng trong cổ họng. Anh thấy khó chịu. Nhưng nhớ đến số tiền cả tỷ đồng mà bà Bích Ngân hứa sẽ đầu tư cho xã, anh ta đành chịu lui:
- Thôi thế cũng được ông ạ! Bây giờ ông ký vào giấy này để xã chuyển cho bà Bích Ngân.
Lão Cống phủi quần đứng dậy nói:
- Bao giờ xã cấp sổ đỏ và san lấp xong cái hố bom, giác móng làm nhà cho tôi thì tôi mới ký!
Anh chủ tịch xã cố năn nỉ nhưng không làm lão Cống lay chuyển. Anh ta đứng dậy ra về. Vừa đi anh ta vừa nguyền rủa: “Cái lão già chết tiệt…”.
*
Căn nhà của lão Cống ở đầu làng Thượng xây xong trước khi trạm y tế xã hoàn tất. Theo kế hoạch bà Bích Ngân sẽ về nước đem theo một số trang thiết bị khám chữa bệnh và thuốc men cho trạm và dự lễ cắt băng khánh thành.
Băng cờ khẩu hiệu đỏ rực con đường từ trụ sở uỷ ban xã đến khu vực trạm y tế. Các cấp, các ngành đã tề tựu đầy đủ. Chiếc xe chở bà Bích Ngân và con gái út từ từ dừng lại. Bà Bích Ngân dẫn con gái út theo anh chủ tịch đi về phía nhà lão Cống. Lần này bà về nước đem theo cả cô con gái út. Nó giống hệt bà thời bà còn trẻ. Bà muốn để lão Cống thấy lại hình ảnh của mình ngày nào.
Từ xa nhìn ngôi nhà mới xây của lão Cống ngay đầu làng quét ve hồng trông thật đẹp. Quả là một địa thế đắc địa. Bà Bích Ngân thấy rất hài lòng. Cô con gái giơ máy ảnh bấm tanh tách. Bà Bích Ngân vui vẻ. Vừa đi, bà vừa bàn với anh chủ tịch kế hoạch đầu tư thêm để mở rộng con đường chạy qua trung tâm xã.
Đến gần ngôi nhà lão Cống, bà Bích Ngân rất ngạc nhiên. Không thấy lão Cống ra đón như bà nghĩ. Từ trong nhà một lũ trẻ con mặc quần áo mới ùa ra líu lo chào khách. Bà Bích Ngân bước vào nhà nhìn quanh. Trên tường dán đầy nhưng hình chim, thú và hoa. Bà quay sang nhìn anh chủ tịch như muốn hỏi. Lúc này anh chủ tịch mới rút trong túi ra một phong bì dày đưa cho bà. Bà Bích Ngân mở ra xem. Có là một chiếc sổ đỏ ghi quyền sở hữu nhà đất của lão Cống, một cái ảnh lão Cống đang đứng giữa đám trẻ con lớp mẫu giáo và một mảnh giấy ghi dòng chữ: “Tôi tên là Nguyễn Văn Cống, tôi xin hiến tặng toàn bộ căn nhà và khu đất này làm lớp mẫu giáo cho làng Thượng. Ký tên…”.
Bà Bích Ngân thảng thốt hỏi:
- Thế ông ấy vẫn ở căn nhà cũ à?
Anh chủ tịch đáp:
- Ông ấy đi rồi bà ạ!
- Đi đâu?
- Chúng cháu cũng không rõ! Nghe nói thằng bé vẫn ở với ông ấy đã học được nghề và xin được việc làm ở một tỉnh phía Nam, nó đã đón ông ấy đi rồi…
Bà Bích Ngân thấy hơi hẫng hụt. Bà cầm cái ảnh lên xem và nhận ra trong ảnh lão Cống mặc bộ quần áo lụa bà tặng ông lần trước khi bà về nước...
(hết) Hà Nội, ngày 13/12/2009

Truyện ngắn Lão Cống đã đăng trên Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét