Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Truyện ngắn CHỨNG TỪ SỐNG

 
CHỨNG TỪ SỐNG
Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Cuối năm đã bận tối mắt, tối mũi tôi lại nhận được quá nhiều giấy mời họp. Mà giấy nào cũng quan trọng cả. Chưa kể cấp trên ủy quyền đi họp thay nhiều cuộc nữa.              
          Một hôm, tôi được lệnh thay sếp đi dự một cuộc họp quan trọng. Lên cơ quan trung ương họp thì phải chỉnh tề. Tôi đánh một bộ com-lê là thẳng nếp, xách một cái cặp khóa số phóng xe máy đến bấm thang máy lên tầng 10 bước vào phòng họp. Nhận tài liệu, ngồi yên vị, tôi giật nảy mình nhìn lên tấm bảng ghi "Hội thảo về quy trình số hóa quản lý vi mô, điều hành vĩ mô". Tôi hoảng hồn ghé tai anh bạn thân cùng dân làm báo ngồi bên cạnh thì thào:
          - Bỏ mẹ! Mình là dân văn chương, báo chí biết gì về "số hóa" đâu mà tham gia hội thảo?
          Anh bạn thân tặc lưỡi khẽ bảo:
          - Chúng mình chỉ là "quân xanh", là những "chứng từ sống" cho các vị ở cái ban nghiên cứu đề tài "số hóa..." ấy họ quyết toán cuối năm cho hết kinh phí được đầu tư thôi! Ông cứ yên tâm chén hết đĩa hoa quả và bánh kẹo để trước mặt rồi ta tìm cách chuồn...
          - Chuồn thế quái nào được! Phòng họp có mấy người, lại xếp theo kiểu bàn tròn, họ làm một cái biển to tổ bố ghi tên cơ quan mình đặt ở trước mặt thế này bỏ họp giữa chừng thì ngại quá!
          - Ờ nhỉ! Mà họ còn để sẵn cả một tờ lịch năm mới kính biếu các đại biểu ở trên bàn. Tự dưng mình bỏ cuộc họp thì cũng ngại thật. Thôi cứ cố ngồi một lúc xem sao.
          Tôi cố nghe diễn giả trình bày xem có hiểu được chút gì không nhưng chịu. Anh bạn thân lại quay sang nói nhỏ:
          - Mỗi ông kiếm được vài triệu tiền tham luận đấy!
         Nghe anh nói vậy tôi phấn khởi thò tay vào túi quần nắn nắn cái phong bì "ăn trưa" dán kín mà ban tổ chức đưa cho lúc nãy rồi thì thào:

         - Thế thì cánh ta cũng kha khá ông ạ, phong bì thấy dày dặn lắm!
         Anh bạn bữu môi:
         - Ăn thua mẹ gì! Lúc nãy tôi tranh thủ chui vào toa-lét kiểm tra rồi. Được có 50 nghìn đồng kèm theo một cái thiếp "Chúc mừng năm mới" nên nó mới dày cộp thế.
         - Thôi chết! Thế này đúng là mình làm "chứng từ sống" cho họ thật rồi! Giải lao giữa giờ là ta lập tức chuồn ngay ông nhé?
         - Làm gì có giải lao! Cái kiểu hội thảo thế này họ làm luôn một mạch cho đến tận quá trưa. Ai muốn ra ngoài đi vệ sinh thì cứ đi, đói khát thì đã có đồ ăn, nước uống ở ngay trên bàn rồi...
         Nghe anh bạn nói vậy, tôi chán quá. Thôi thì đành tranh thủ ăn mấy quả táo và miếng bánh cái đã. Vừa ăn tôi vừa quan sát xung quanh và nghĩ cách chuồn ra ngoài. Anh bạn lại ghé tai tôi thì thào:
         - Ông có thấy cái tay ngồi đối diện đầu hói bóng lộn chỉ có mấy sợi tóc lơ thơ vắt ngang trên đầu kia không?
         - Có, nhưng sao?
        - Tôi để ý thấy lão này cứ chằm chằm nhìn tụi mình mãi. Chắc lão ta là cán bộ cấp cao, thấy tụi mình thiếu tập trung nghe thuyết trình nên có vẻ khó chịu lắm.
         Tôi bực:
         - Kệ xác lão ta! Mình làm sao mà chuồn ra được bây giờ? 
         - Thì cũng chỉ tại ông cả đấy!
         - Sao lại tại tôi?
         - Thì tôi bảo đi họp chỉ cần đem theo một cuốn sổ nhỏ. Lựa lúc không ai để ý thì tống luôn cuốn sổ vào trong ngực áo rồi đứng dậy giả vờ ra ngoài đi vệ sinh hoặc nghe điện thoại rồi chuồn luôn. Đằng này ông lại cứ bảo phải diện com-lê, ca vát, xách cặp khóa số cho oai. Bây giờ mà tự dưng mình đứng dậy xách cặp bỏ ra ngoài thì còn ra cái thể thống gì nữa...
         - Nhưng mà đi họp ở nơi quan trọng thế này mà chỉ cầm mỗi cuốn sổ thì...
         - Đấy, ông cứ hay sĩ diện hão thế nên mới khổ... Thôi cố mà ngồi cho đến hết giờ vậy!
         Tôi đành im lặng chén nốt quả táo cuối cùng.
         Giữa lúc một vị trong hội đồng khoa học đang thao thao bất tuyệt giải thích các mô hình bằng phim đèn chiếu thì điện vụt tắt. Mất điện. Phòng họp tối om om. Anh bạn lập tức đứng bật dậy vơ luôn hai cái biển ghi tên cơ quan tôi và cơ quan anh nhét sâu vào trong gầm bàn rồi kéo tay tôi khẽ nói: "Thời cơ có một không hai đây rồi! Chuồn thôi!". Tôi cũng nhanh như chớp vớ vội cái cặp khóa số theo anh lách qua cánh cửa bên phóng ra ngoài hành lang rồi tụt cầu thang bộ từ tầng 10 xuống tầng âm để lấy xe máy.

          Đang mở khóa xe máy thì điện bật sáng. Tôi giật mình thấy người đang lúi húi bên cạnh trong hầm xe chính là cái ông đầu hói bóng lộn ngồi đối diện trong phòng hội thảo lúc nãy. Ông ta một tay xách cặp, nách kẹp tờ lịch, một tay cầm cái biển tên cơ quan. Nhận ra hai chúng tôi ông ta cười hề hề:
          - Vội quá, tớ cầm luôn theo cả cái biển tên để phi tang, khi có điện ban tổ chức không biết là đại biểu cơ quan mình bỏ dở cuộc hội thảo. Mà tớ cũng còn kịp vớ luôn cả tờ lịch kính biếu họ để sẵn trên bàn đây này... He... he... he... Các cậu tay không chạy ra hả?
          Ba chúng tôi cùng phá lên cười. Hóa ra tất cả chúng tôi toàn là những người đi họp thay, "hình nhân thế mạng" cho thủ trưởng cơ quan và cũng đều là những "chứng từ sống" cả.
                                                                                                     T.B              

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Truyện thiếu nhi BẦU LÃNH ĐẠO

 
Bầu lãnh đạo
Truyện thiếu nhi của Trọng Bảo
 
            Khu rừng nọ có nhiều loại muông thú cùng chung sống. Mỗi loại một cách kiếm ăn sinh hoạt khác nhau. Tuy vậy chúng đều phải tuân thủ sự lãnh đạo của chúa tể khu rừng. Đó là lão Gấu già. Muôn loài phục tùng lão răm rắp. Lão Gấu quanh năm chẳng phải làm gì vẫn có bọn dê cừu hươu nai cáo chồn chim chóc ong bướm phục dịch. Lão thèm ăn cái gì là bọn chúng đều phải đem đến cung phụng. Chỉ cần lão kêu nhạt miệng là lũ ong dâng mật. Lão bảo đói bụng là bọn khỉ tê tê chuột chũi đưa các loại quả củ ngon lành tới ngay.
             Chính vì thế mà vị trí lãnh đạo khu rừng của lão rất nhiều người mong được ngồi vào. Năm nay lão Gấu đã quá già và ốm yếu lắm rồi. Nhất là sau cái bận lão sơ ý bị bọn thợ săn bắn thuốc mê rồi hút gần hết túi mật. Vì thế lão muốn từ chức nhường vị trí lãnh đạo cho con khác trong khu rừng. Ý lão muốn bàn giao quyền lực cho anh Hổ. Nhưng anh Hổ cứ khăng khăng từ chối. Lâu nay anh rất ngại xuất hiện trước đám đông. Anh thường trốn biệt tận hang sâu nơi rừng xanh núi đỏ. Anh sợ bọn thợ săn nhìn thấy "đòm" cho một phát rồi đưa vào nồi nấu cao. Vì nghe nói xương của anh chữa được bách bệnh. Anh Tê Giác cũng vậy. Sừng của anh chữa được ung thư nên khi làm lãnh đạo đi lại nghênh ngang nhỡ con người mà bắt gặp thì khó mà tháo chạy. Trong khi Hổ và Tê Giác từ chối ngôi vị chủ soái khu rừng thì các loài khác lại tranh nhau đòi lên làm lãnh đạo. Loài này ra sức nói xấu chê bai hạ uy tín loài kia. Khỉ chê chó ăn bẩn. Mèo chê cáo gian manh. Bò chê trâu chậm chạp. Rùa chê thỏ hèn nhát... Lão Gấu đâm lúng túng khó nghĩ không biết chỉ định ai kế vị. Vì thế cuộc tìm kiếm lựa chọn lãnh đạo khu rừng càng trở nên khó khăn. Chú sóc con thông minh bèn rỉ tai lão Gấu:
              - Bác cứ tổ chức bầu cử là hay nhất! Vừa thể hiện dân chủ lại đảm bảo công bằng. Ai có phiếu cao thì sẽ lên làm lãnh đạo!
              Lão Gấu gật gù khen:
              - Đúng... đúng... sáng kiến của chú mày thật hay!
 
             Thế là quyết định bầu lãnh đạo được ban bố niêm yết khắp khu rừng. Mỗi loài sẽ được cử một đại diện tham gia tranh cử. Tuy vậy đến ngày chốt danh sách có nhiều loài không ứng cử. Bọn voi đắc chí vì chúng nghĩ chỉ có mình mới xứng đáng chắc chắn phen này sẽ lên làm lãnh đạo. Lũ trăn cũng chủ quan nghĩ rằng chỉ có chúng đủ sức mạnh trị vì. Đám khỉ ngồi ngất ngưởng trên cành cây cao thì cho rằng chỉ có chúng mới đủ trí thông minh để cai quản khu rừng. Voi trăn khỉ quảng bá ầm ầm khắp rừng về chương trình hành động của chúng nhằm lôi kéo các cử tri.

               Trong khi đó thì thằng Chuột Trù lặng lẽ đi đến từng nhà. Với vẻ mặt buồn bã nó nói với đàn hươu:
               - Các bác thương em cả đời gặm nhấm chui lủi không ngẩng mặt lên được. Em làm sao mà sánh được bác Voi to lớn anh Khỉ thông minh và chú Trăn dẻo dai. Em không thể làm lãnh đạo được đâu... Nhưng em đã lỡ ứng cử rồi cũng xin các bác bỏ cho "một phiếu danh dự" để khi thất cử cũng đỡ xấu hổ.
    
            Gặp lũ trâu đàn bò bọn cầy đám sơn dương lợn rừng Chuột Trù đều năn nỉ nói như vậy. Tất cả bọn này cũng đều nhận thấy Chuột Trù không thể làm lãnh đạo được. Tuy vậy lúc bỏ phiếu chúng đều thương hại bỏ cho Chuột Trù một phiếu. Bởi chúng nghĩ chỉ với một lá phiếu của mình Chuột Trù không thể trúng cử được. Nhưng khi kiểm phiếu bọn chúng mới ngã ngửa ra là Chuột Trù có số phiếu cao nhất. Thì ra tất cả các loài đều bỏ cho Chuột Trù một lá "phiếu danh dự" thế là nó có số phiếu cao nhất.

               Chuột Trù trở thành chúa tể khu rừng nhờ vậy. Với tính cách của loài chuyên gặm nhấm ăn bẩn như Chuột Trù làm lãnh đạo thì chỉ làm tình hình khu rừng ngày càng trở nên hỗn loạn hơn.
 
                                                                         Ngày 6/4/2010


Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Truyện thiếu nhi LỜI THỀ CHÓ SÓI

 

Lời thề chó sói
Truyện thiếu nhi của Trọng Bảo

         Trong khu rừng nọ có nhiều loài chung sống. Bọn chúng sống hoà hợp, thương yêu nhau. Duy chỉ có thằng chó sói là cả rừng ai cũng ghét vì nhà nào sơ hở là nó lẻn vào ăn cắp ngay. Chó sói bị cô lập, thui thủi một mình, chả ai thèm chơi với nó.
          Một hôm, chó sói đi lang thang trong rừng tìm bạn. Nhưng các loài vừa nhìn thấy nó là lảng tránh ngay. Nhiều loài còn ném theo ánh mắt khinh bỉ và những lời dè bửu khiến nó vừa nhục lại vừa tức. Đến cuối khu rừng nó chợt gặp lão cáo già ốm yếu hom hem đang ngồi gặm một khúc xương khô. Lão này cũng là một tên gian manh, thủ đoạn nhất ở trong rừng. Nhìn điệu bộ của sói, lão biết ngay là nó đang bị các loài khinh ghét, cô lập. Lão bèn ậm è hắng giọng rồi bảo:
          - Đi kiếm cho tao cái gì ăn được rồi tao bày cách cho...
          - Bác bày cách gì ạ?
          - Cách để mày được mọi loài trong rừng kính nể, tôn trọng!
          - Thế ạ! Có đúng là bác giúp cháu được như vậy không ạ!
          - Được chứ! Mày không tin tao à?
          - Tin... cháu tin... tin...
          Thằng chó sói đáp rồi phóng đi luôn. Chỉ một lát sau nó đã xoáy được của gà rừng một ổ trứng, của lũ khỉ vài nải chuối, của đàn ong mấy bầu mật ngọt đem về cho lão cáo già. Lão cáo cười tít cả mắt vồ ngay lấy những thứ thằng chó sói vừa ăn cắp được. Ăn uống ngon lành, no nê xong lão mới bảo:
          - Để được mọi loài tôn trọng dứt khoát chú mày phải lên làm lãnh đạo...
          Thằng sói vừa nghe đã giãy nảy kêu lên:
          - Cháu... cháu làm sao mà lên làm lãnh đạo được! Mà có muốn thì các loài trong rừng cũng chả ai tín nhiệm cháu đâu!
          - Vấn đề là ở chỗ đó! Mày quen ăn cắp vặt nên mới mất uy tín. Mày đã biết câu chuyện về con mèo cắp miếng thịt và con hổ tha con lợn chưa?
          - Có, cháu có biết ạ!
          - Thế đấy! Làm quan lấy cả con lợn chả sao, làm dân ăn vụng một miếng thịt thì bị đập chết ngay. Hiểu không?
          - Vâng...
          - Vậy nên... bây giờ tao bày cho mày cách thế này. Tại buổi họp toàn khu rừng sắp tới mày phải kiểm điểm nghiêm túc và xin thề sẽ tu tỉnh lại mình, không bao giờ trộm cắp nữa. Sau đó mày phải làm đúng như thế. Từ từ rồi tao sẽ tìm cách giới thiệu để mày làm trợ lý cho ngài sư tử chúa rừng.
          Tại buổi kiểm điểm, thằng sói khóc lóc vẻ ân hận và luôn miệng xin thề sẽ sửa chữa khuyết điểm khiến muôn loài đều thương cảm. Riêng mụ cá sấu thì bữu môi cười nhạo. Quả đúng như lão cáo già tính toán, một thời gian sau không còn ai ghét và xa lánh chó sói nữa. Muôn loài đã cả tin vào lời thề chó sói. Lão cáo già tìm cách tiếp cận giới thiệu, thuyết phục chúa sơn lâm thu nhận nó làm trợ lý. Chó sói oai hẳn. Nó cung phụng chúa sơn lâm rất chu đáo nên ngày càng được tin dùng. Bây giờ thì nó chẳng thèm ăn cắp vặt nữa. Dựa thế sư tử nó làm toàn những phi vụ lớn. Mọi loài đều biết nhưng không làm gì được chó sói vì chứng cứ không đầy đủ và cũng sợ uy của chúa sơn lâm nữa. Đánh chó phải ngó mặt chủ. Mụ cá sấu vốn liều lĩnh mấy lần phục kích định trị cho nó một trận. Nhưng chó sói biết và tránh được. Nó nghĩ cách xúi bẩy để chúa sơn lâm điều cả nhà cá sấu đi canh đê ở mãi tận dưới đồng bằng nên bị con người săn lùng đến gần tiệt chủng.
          Tình hình khu rừng ngày càng thêm xấu đi. Chúa rừng bị che mắt bởi thằng sói gian manh thao túng. Nó tranh thủ vơ vét nhiều khoản đóng góp của các loài nói là để phục vụ chúa rừng, nhưng sư tử được một thì nó ăn hai. Trước tình hình ấy, chú sóc thông minh bèn hiến kế:
- Hiện nay loài người đang chống tham nhũng. Họ có rất nhiều kinh nghiệm tốt, chúng ta nên cử chuyên gia đi gặp loài người để học hỏi kinh nghiệm.
Muôn loài trong rừng đều cho đó là ý kiến hay. Bọn chúng quyết định cử một số loài thông minh nhất khu rừng như hổ, báo, khỉ, thỏ, rắn, rùa đi học tập kinh nghiệm chống tham nhũng. Chú vẹt biết ngoại ngữ, nói được tiếng người nên được giao nhiệm vụ làm phiên dịch.
Không biết đoàn đi học chống tham nhũng của loài vật kết quả thế nào thì phải đến hồi sau mới rõ.
                 Ngày 10/5/2010

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Truyện ngắn TẤM VẢI LIỆM



2126303823_019e4e37c3


Tấm vải liệm
Truyện ngắn của Trọng Bảo
 
       1- Tôi và Nam cùng nhập ngũ lại là người cùng làng. Nam kém tôi một tuổi. Nếu xét về họ hàng xa bắn "ba tầm súng đại bác" thì Nam còn phải gọi tôi là anh họ. Nhưng vì cùng lớn lên chung ngõ học với nhau từ lớp một cho đến hết cấp ba nên chúng tôi cứ mày tao quen rồi. Khi cùng học phổ thông Nam học môn toán rất giỏi. Nhiều lần nếu không có nó cho nhìn bài thì chỉ còn nước nộp giấy trắng.
        Tôi chỉ bực tính tình Nam nhút nhát hay sợ ma. Ngày xưa ở làng quê không có điện. Đêm đến quanh năm ánh đèn dầu lù mù. Buổi tối ngồi học chúng tôi cũng chỉ có ánh sáng của những cái đèn dầu nhỏ như hạt đỗ. Tối nào học nhóm nếu tôi đi qua cổng không gọi thì Nam không dám đi vì con đường sang xóm bên với các bạn cùng nhóm phải đi qua một bãi tha ma chi chít mả cũ mả mới có những con đom đóm to bằng hạt ngô bay chập chờn xanh lét. Vào bộ đội tôi và thằng Nam vẫn ở cùng tiểu đội. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới nhờ năng nổ xông xáo xung phong nhận các nhiệm vụ nên tôi được bổ nhiệm giữ chức vụ tiểu đội phó. Còn thằng Nam đã là quân nhân rồi mà mãi cũng không bớt được cái tính nhút nhát. Những ca gác đêm một mình một vị trí hay đi chuyển công văn khẩn qua cánh rừng hoang vắng là nó rất ngại. Nhiều lần tôi phải đổi phiên gác cho nó tránh bớt những thời điểm đêm khuya thanh vắng hay các vị trí đứng gác gần bãi tha ma hoặc chỗ ngôi miếu cổ cạnh doanh trại.
         Thằng Nam vẫn có ước mơ làm sinh viên đại học. Đi bộ đội nó còn đem theo đến nửa ba lô sách giáo khoa lớp 10 để ôn tập. Nó bảo tôi: "Khi nào ra quân nhất định sẽ thi vào đại học. Em sẽ học ngành nông nghiệp để tìm ra một giống lúa mới có năng xuất thật cao phù hợp với vùng đất phèn chua lầy thụt quê mình". Tôi bảo: "Mày chỉ viển vông chiến tranh đến nơi rồi còn học hành gì nữa! Vứt mẹ mấy cuốn sách đi mà đeo thêm vài cân gạo...". Thằng Nam im lặng không tranh cãi với tôi nữa.
         Tình hình biên giới căng thẳng, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mọi sự chuẩn bị cho cuộc chiến đều rất khẩn trương. Để phòng tình huống xấu xảy ra trong chiến đấu mỗi người chúng tôi đều có một mã số riêng thêu trên nắp túi áo bên trái và in vào mảnh giấy nhỏ bằng ba đầu ngón tay ép plastic để trong túi quần, túi áo. Chẳng may ai hy sinh thì chôn theo để sau này bốc mộ xác định danh tính. Một hôm nhận quân trang chiến đấu gồm các loại tăng võng bi đông về tiểu đội trưởng Quân tập trung cả tiểu đội lại cấp phát cho mọi người. Còn một cuộn vải cuối cùng anh bảo:
        - Đây là hai tấm vải dùng để khâm liệm liệt sĩ! Tiểu đội giao cho đồng chí Nam và đồng chí Tuấn mỗi người giữ một cái.
         Nghe vậy cả tiểu đội đều lặng đi. Thằng Nam mặt cắt không còn giọt máu. Tôi cũng hơi thảng thốt nhưng định thần được ngay. Chiến tranh là như vậy. Khi nó chưa nổ ra thì công tác chuẩn bị phải thật chu đáo tỷ mỷ đến mức tối đa để người chiến sĩ khi vào trận có thể chiến đấu tốt nhất.
         Nghe tiểu đội trưởng giao nhiệm vụ thằng Nam chối đây đẩy:
         - Em không... không giữ cái đấy đâu...
         Nhìn mặt nó tái dại đôi mắt hoảng hốt và như sắp phát khóc tôi thấy thương nó quá. Anh em khác trong tiểu đội cũng ngại phải giữ tấm vải liệm nên tìm cách lảng đi. Tôi bảo:
         - Thôi được! Không ai muốn giữ tấm vải này thì để tôi giữ cả cho.
         Tôi nhận vì tôi là tiểu đội phó phải có trách nhiệm về công tác hậu cần của cả tiểu đội. Tôi trải hai tấm vải liệm ra để gấp lại cho gọn. Đó là những tấm vải mỏng gần giống cái vỏ chăn đơn nhưng người ta chỉ may kín hai cạnh để hở hai cạnh. Tấm vải có đính sẵn ba giải dây vải ở giữa và hai đầu. Khi dùng khâm liệm liệt sĩ chỉ cần gấp lại và dùng ba giải dây đó để bó buộc.
         Tôi nhét hai tấm vải liệm vào ba lô đeo về nhà ở.
         Tôi mang cái ba lô về nhà ở thằng Nam vội ôm chăn chiếu chuyển ra một góc nhà sàn nằm. Lâu nay nó vẫn nằm cạnh tôi. Cũng từ ấy không bao giờ nó lục ba lô của tôi tìm lương khô hay lấy kem đánh răng nữa.
 
          2- Chiến tranh nổ ra. Những trận đánh vô cùng ác liệt. Quân Trung Quốc bị tiêu diệt nhiều sinh lực nhưng đơn vị chúng tôi cũng bị nhiều tổn thất. Sau một tuần bị bao vây trong thị trấn Sóc Giang tiểu đoàn chúng tôi gần cạn hết đạn dược lương thực quân số bị tiêu hao. Đến ngày thứ tám chúng tôi được lệnh chuẩn bị rút lui lên núi. Tiểu đội trưởng Quân căn dặn từng người:
          - Nhớ là cố gắng đem hết súng đạn lương thực. Cái gì không cần thiết thì bỏ lại vì khi vượt vòng vây chúng ta sẽ phải vượt qua suối và leo lên một vách núi dựng đứng rất khó đi và nguy hiểm.
           Chúng tôi khẩn trương chuẩn bị. Quần áo ngoài bộ đang mặc trên người thì thêm một bộ để thay đổi chỉ đem theo tăng võng chăn màn vứt bớt hai cái khăn mặt hai đôi tất vừa mới phát cũng vứt một giữ một cho đỡ nặng. Giấy tờ nhật ký sổ sách ghi chép chúng tôi đốt hết để đề phòng khi phá vây bị bắt lọt vào tay bọn địch. Trong túi quần túi áo trong ba lô chỉ còn có những mảnh giấy ghi mã số riêng của từng người.
           Trong đêm tối sau những đợt pháo địch bắn cầm canh từng tốp nhỏ chúng tôi tụt khỏi hang đá trên sườn ngọn núi giữa thị trấn băng qua cánh đồng lên dãy núi trùng điệp nơi mà bọn địch chưa chiếm được. Tôi được giao giao nhiệm vụ chỉ huy bộ phận đi cuối cùng khoá đuôi đơn vị sẵn sàng lập thành một chốt đánh chặn địch truy kích cho đơn vị rút lui an toàn. Tôi bảo anh em trong tiểu đội:
           - Nhớ bám sát nhau! Lúc qua bản Nà Liền phải hết sức nhẹ nhàng tránh gây tiếng động chó sủa bọn địch phát hiện.
            Tôi kéo tay thằng Nam khẽ dặn:
            - Đi sát ngay phía sau tao nhé!
            - Vâng! A... n...h... cứ... yên... tâm.
            - Sao mày có vẻ run lập cập thế?
            - Em thấy hơi sợ...
            - Không việc gì đâu đừng lo.
            Tôi động viên thằng Nam. Suốt tuần vừa rồi nó là chiến sỹ thông tin 2W chưa trực tiếp đánh trận nào.
            Đúng như chỉ huy tiểu đoàn đã tính toán. Đơn vị chúng tôi bí mật vượt qua vòng vây của địch một cách an toàn. Chúng tôi phải mất gần như suốt đêm mới vượt qua được vách núi cheo leo đá tai mèo sắc như dao để lên lũng Mật. Trời sáng rõ. Sương mù tan. Nhìn xuống dưới cánh đồng thấy rõ cả xe tăng và bộ binh địch đang lúc nhúc hành quân. Thỉnh thoảng tiếng pháo lại nổ chói tai vì bắn vào vách đá và gây nên những vọng âm mãi mới tan làm màng nhĩ tai u u rất khó chịu.
           Chúng tôi được lệnh dừng lại nghỉ. Trời rét lắm lại ở núi đá nên càng thêm lạnh buốt. Tôi vội cùng anh em tìm những khe đá hơi bằng phẳng rải tăng võng ra để nằm tranh thủ ngủ để tối đến còn hành quân tiếp hoặc xuống bản tìm kiếm lương thực. Chợt thấy thằng Nam ngồi co ro ở một góc khe đá tôi hỏi:
           - Mày tìm chỗ phẳng nằm mà ngủ một lát đi chứ! Tối nay còn đi lấy gạo đấy.
           - Lúc vượt qua suối vì đỡ anh thương binh trượt ngã cái ba lô của em bị trôi mất rồi.
           - Thế thì nằm vào đây với tao cho khỏi rét mà ngủ.
           Thằng Nam vừa chui vào nằm xuống cạnh tôi đã bật ngay dậy hốt hoảng:
           - Anh... anh... đắp bằng tấm vải liệm à?
           Thì ra nó vừa nằm xuống thì cái dây buộc của tấm vải liệm loằng ngoằng vướng ngay vào cổ. Tôi phì cười:
            - Nó chỉ là một tấm vải thôi việc gì mà sợ! Nằm xuống đi cho ấm!
            - Thôi... thôi... anh ngủ đi... em chịu thôi...
            Tôi cáu vì cái tính nhút nhát của nó:
            - Thế thì mặc xác mày!
            Nói vậy nhưng tôi cũng không ngủ được. Tôi ngồi dậy lột cái võng đang rải ném cho nó. Đoạn tôi chui hẳn vào trong tấm vải liệm nửa rải nửa đắp rồi ngủ thiếp đi vì mệt.
 
            3- Đơn vị chúng tôi cứ ban ngày thì ẩn nấp trong các thung lũng khe đá buổi tối thì chuyển quân sang vị trí khác tránh sự truy kích của bọn địch và tổ chức cho các bộ phận đột nhập xuống bản tìm lương thực. Nhiều hôm chạm địch không lấy được lương thực mà còn tổn thất thêm lực lượng. Quân số của đơn vị cứ vơi dần sau những chặng hành quân gian khổ trên vách đá núi cao đói rét và bị địch đuổi đánh. Một số anh em lực lượng thanh niên xung phong bị thất lạc chạy lên núi cũng nhập luôn vào đội hình đơn vị chúng tôi.
             Sau trận đơn vị bị lực lượng tinh nhuệ của địch tập kích vào đội hình trú quân thì cả hai tấm vải liệm của tiểu đội tôi đều được sử dụng hết. Cũng từ sau hôm ấy thằng Nam mới dám nằm gần tôi. Hai đứa đắp chung một cái võng mỏng manh. Lúc tạnh thì tăng rải làm chiếu võng làm chăn cho ấm. Lúc mưa thì rải võng làm chiếu tăng làm chăn đắp cho khỏi ướt. Mùa Xuân năm ấy sao mà mưa rét đến thế. Cái rét cái đói hành hạ chúng tôi ngày càng khốn khổ. Rồi cả cái võng hai đứa đắp chung ấy cũng không còn. Chúng tôi không nỡ để một cô thanh niên xung phong nằm xuống không có cái gì bó buộc.
            Một buổi sáng còn sương muối còn mù mịt thì tiểu đội trưởng Quân gọi tôi:
            - Tuấn ơi đi ngay!
            - Đi đâu!
            - Đi xuống bản Nà Sác! Bộ phận của thằng Nam tối hôm qua xuống bản lấy lương thực đến giờ vẫn chưa thấy về! Có chuyện không hay rồi.
            Tôi vội vàng xách súng cùng tiểu đội trưởng Quân và một chiến sĩ trinh sát tiểu đoàn tụt xuống dốc núi. Chúng tôi tìm được chiến sĩ Lai nằm gục ở chân dốc. Cái ba lô gạo đeo trên lưng thấm máu. Lai bị thương nhẹ vào đùi nhưng vì đói quá nên lả đi không leo lên núi được. Lai thều thào cho chúng tôi biết hai người vào bản lấy được gạo ngô quay ra thì gặp địch. Nam đã quay chặn địch và bảo Lai rút lui. Nam đã dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Nam bị bọn địch bắn chết bên bờ suối.
             Mãi đến tối chúng tôi mới tiếp cận được chỗ Nam hy sinh. Chúng tôi đưa Nam qua suối rửa mặt cho Nam. Chúng tôi lang thang dùng dây võng buộc chặt Nam vào người cõng nó lên núi.
             Chúng tôi dùng xẻng bộ binh đào một cái rãnh trong khe đá đặt Nam xuống. Không còn một tấm vải liệm nào tôi rút cái khăn mặt duy nhất của mình trong ba lô ra phủ lên mặt cho Nam.
 
            4- Hơn ba mươi năm qua rồi, Nam đã được đưa về quê hương. Hài cốt của nó được gói trong tấm lụa đặt trong hộp gỗ sạ hương phủ quân kỳ và mai táng trong nghĩa trang liệt sĩ của xã. Nhưng câu chuyện về Nam và tấm vải liệm bây giờ tôi mới viết.
 
                                                                                       Hà Nội, tháng 4-2009
 

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Tản văn Đường làng

  Đường làng
 Tản văn của Trọng Bảo

 
Với mỗi đời người, đường làng là con đường dài nhấ  
 
         
        Làng tôi xưa xanh ngát những lũy tre. Làng tôi xưa hiền hòa đầm ấm. Tôi rất nhớ những con đường làng nho nhỏ trong làng. Hai bên đường là những rặng dâm bụt, rạng cúc tần cắt xén thành hàng rào vuông vắn. Làng tôi ngày trước đất rộng, nhà thưa nên có những vườn cây ăn quả hai bên đường. Những cây ổi quả chín vàng, những cây mận quả tím sẫm. Con đường xuyên qua giữa làng luôn luôn rợp mát bóng cây. Bọn chúng tôi đi học í ới gọi nhau từ trong khắp các con đường làng, các ngõ xóm bé nhỏ ùa ra con đường quốc lộ rộng thênh thang nhưng đầy bụi bặm của các loại xe cơ giới. Khi máy bay Mỹ tăng cường bắn phá miền Bắc chúng tôi chủ yếu đi trong các con đường làng để đến lớp học sơ tán trong rừng lá cọ. Con đường trong làng vừa râm mát vừa tránh máy bay địch. Đường làng cũng là nơi đám trẻ con nô đùa vui chơi trò ú tim, tập trận giả. Mùa gặt, con đường làng rơi đầy những sợi rơm vàng, thơm ngát hương lúa mới. Tôi nhớ như in có một lần bộ đội hành quân qua làng, màu áo xanh của các anh lẫn trong màu cây lá. Đường làng tôi bữa ấy vui như hội. Bát nước chè xanh, củ sắn lùi mà sao ấm áp tình quân dân đến thế.

  Đêm đêm, khi trời không trăng con đường trong làng nhiều cây cối nên tối om om. Những con đom đóm lập lòe bay lên từ ao tù, vườn rậm ra khiến lũ trẻ con sợ ma không dám chạy ra ngoài đường. Vào những đêm trăng sáng, con đường làng như một dải khăn voan mờ ảo, ướt đẫm bụi sương khuya.

          Từ con đường làng nhỏ bé ấy lũ chúng tôi lên đường. Đám trai trẻ làng tôi đã đi đến biết bao nhiêu con đường dài của đất nước. Nhiều người đã có mặt trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Mỹ hay bước chân ở bãi biển Trường Sa đầy nắng và cát trắng. Những ai đó từ con đường làng này đã ra đi, trèo đèo lội suối khắp các chiến trường miền Nam, biên cương phía Bắc, có mặt chiến đấu trên đất Campuchia hay nước bạn Lào xa xôi. Họ đã đi từ một con đường làng, một ngõ xóm bình yên đến với những dặm trường gian khổ hy sinh. Vậy mà, có bao người ra đi ấy không bao giờ còn được trở lại đi trên con đường làng mình nữa. Họ đã nằm lại trên các chiến trường ác liệt. Khi đi trên những con đường ở miền Tây Bắc giữa rừng già hay lúc hành quân qua lối mòn trên những sườn núi đá Cao Bằng chênh vênh tôi lại nhớ đến con đường nho nhỏ của làng mình. Con đường ấm những bàn chân của những người nông dân quê mùa thật thà chất phác. Con đường làng ấy đã đi vào ký ức của tôi cùng một thời tuổi trẻ không thể nào quên.

          Làng tôi bây giờ thưa vắng những lũy tre. Con đường làng đang chờ bê tông hóa. Hai bên đường không còn những bờ rào bằng cây xanh. Thay vào đó là những bức tường cao vút đầu người cắm đầy mảnh chai chống trộm. Nhà nào cũng kín cổng cao tường, gà chưa lên chuồng cánh cổng đã đóng. Trong làng cũng không còn những khoảnh ao mặt nước trong xanh cho trẻ con tắm mát mùa hè. Đêm đêm, đi trên con đường làng không còn nghe tiếng cá quẫy dưới ao. Ao hồ trong làng đã bị lấp hết để xây nhà, xây biệt thự. Hai bên đường làng ngày xưa là các vườn cây ăn quả. Bên đường làng hôm nay là hàng cột điện bê tông. Điện về ban đêm làng sáng như ban ngày. Mảnh trăng treo trên rừng xa nhạt nhòa lu mờ trong ánh điện. Vậy mà đi trên đường làng bây giờ luôn có cái cảm giác bất an. Trong ngõ bất ngờ một cái xe máy lao vút ra không kịp tránh. Buổi tối đến, đường làng cũng không còn tiếng trẻ con ríu rít nô đùa như ngày xưa. Đám trẻ con bây giờ vùi đầu vào làm bài tập hay còn mê mải chơi games. Người lớn cũng ngại ra đường sang nhà thăm hỏi nhau cùng uống bát nước chè xanh. Họ sợ ra đường không may gặp phải một thằng nghiện, thằng say gây gổ. Thế đấy, thời gian vẫn còn tươi mới mà làng đã đổi thay nhiều quá. Mỗi lần về làng, mỗi lần một khác. Những ngôi nhà ống cao tầng mọc lên hai bên đường. Những dấu vết của thời thơ ấu nay không còn nữa. Nhưng trong tôi ký ức về con đường làng ngày ấy mãi mãi vẫn vẹn nguyên. 

                                           Vĩnh Phúc, tháng 3-2016
 

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Ngày mười bảy tháng hai năm ấy


Ngày mười bảy tháng hai năm ấy

Tản văn của Trọng Bảo

chien tranh bien gioi 1979: nhung hinh anh con mai voi thoi gian hinh anh 12 
           Ba mươi bảy năm trước, ngày 17 tháng 2 đúng vào chủ nhật. Hồi ấy, sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, chúng tôi được cấp trên phổ biến lại là Trung Quốc đánh sang Việt Nam chọn vào ngày chủ nhật để giảm dư luận quốc tế phản đối vì ngày cuối tuần ở phương Tây họ thường nghỉ làm việc đi du lịch, giải trí, ít chú ý đến vấn đề thời sự, không có phản ứng kịp thời. Khi sang đến ngày thứ hai của tuần thì việc nổ ra một cuộc chiến tranh là chuyện đã rồi.
 
            Ngày 17 tháng 2 năm 1979, cách nay ba mươi bảy năm tôi có mặt ở khu vực cửa khẩu Bình Mãng (Hà Quảng-Cao Bằng). Trung đội thông tin của chúng tôi trú quân ở bản Cốc Vườn, cách đường biên giới chưa đầy năm trăm mét đường chim bay. Đứng trên sàn trước cửa ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc tôi nhìn rõ vị trí đặt súng 12ly7 của đối phương ở trên một mỏm núi đá ăn sâu vào đất ta. Buổi tối ngày thứ bảy (16-2-1979), chúng tôi còn chuẩn bị dụng cụ để ngày mai chủ nhật được nghỉ toàn đơn vị sẽ đi cuốc đất trồng ngô. Nhưng đến nửa đêm thì có lệnh báo động chiến đấu, các bộ phận nhanh chóng cơ động lực lượng lên trận địa phòng ngự. Lợi dụng đêm tối, bọn địch đã cắt phá mấy chục mét rào biên giới, lùa hàng chục con trâu sang để phát hiện vị trí các bãi mìn của ta. Trung đội thông tin tiểu đoàn 3 chúng tôi được lệnh triển khai tổ chức các hướng đảm bảo liên lạc cho các điểm chốt của bộ binh và trận địa hoả lực. Anh em đi hết, trong ngôi nhà sàn rộng thênh thang chỉ con một mình tôi và một chiến sĩ vô tuyến 2W. Suốt đêm tôi không ngủ được vì bận canh thông máy vô tuyến cho các hướng liên lạc. Gần sáng, tôi vừa chợp mắt thì giật nảy mình bởi những tiếng nổ dữ dội. Tôi bật dậy vớ vội khẩu súng, khoác ba lô lao ra cửa nhà thì nghe tiếng trung đội trưởng Mùi quát gọi:
- Bọn giặc tấn công rồi! Ra trận địa ngay! 

            - Rõ! - Tôi đáp và nhảy ào xuống khỏi sàn nhà.
Người chiến sĩ thông tin 2W cũng đeo máy phóng theo. Chúng tôi vừa chạy vừa nằm ép người bò lết theo lòng mương nước, bờ ruộng trên cánh đồng trống trải để tránh đạn và chạy về vị trí chỉ huy của tiểu đoàn. Bầu trời sáng rực lên bởi những luồng lửa đạn từ phía bên kia biên giới bắn sang. Luồng đạn bay đỏ rực, xé nát cả bầu trời đêm. Tiếng đạn pháo đinh tai, chói óc, tiếng đạn 12ly7 quét ràn rạt trên cánh đồng. Tiếng người nháo nhác gào gọi nhau thảm thiết, tiếng kêu khóc hoảng loạn của những người dân chưa kịp đi sơ tán. Tiếng chó sủa, gà kêu, bò rống ầm ĩ tan tác, vỡ đàn. Tiếng tre nứa nổ lốp bốp từ những ngôi nhà trúng đạn đang bốc cháy rần rật. Mọi thứ âm thanh hỗn độn ấy hoà vào nhau trong khói lửa, cát bụi mù mịt. Đó là ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc mà tôi đã được chứng kiến và tham dự. Cuộc chiến tranh ấy đến hôm nay đã ba mươi bảy năm rồi mà âm thanh và sự khốc liệt vẫn in hằn trong tâm trí. Một cuộc chiến tranh không thể nào quên đối với bao nhiêu người lính đã trải qua ở nơi biên cương ải bắc ngày ấy. Một cuộc chiến xin đừng lãng quên...
 
            Ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt trên các hướng. Bọn địch tấn công như vũ bão. Xe tăng, bộ binh của chúng lúc nhúc như dòi bọ trên những cánh đồng, trên những sườn đồi nơi tuyến đầu biên giới nước ta. Chúng chọc thủng các tuyến phòng ngự của quân ta phía Thông Nông, Trà Lĩnh. Xe tăng nhãn hiệu “bát nhất” của địch tiến rất nhanh về hướng thị xã Cao Bằng. Khu vực trung đoàn chúng tôi phòng ngự địch cũng vượt qua được phòng tuyến của tiểu đoàn 2 ở Pác Bó tiến thẳng xuống ngã ba Đôn Chương, đánh ngược lên thì trấn Sóc Giang. Vậy là tiểu đoàn 3 chúng tôi nằm giữa vòng vây bốn bề trung điệp của quân giặc. Đạn địch từ phía biên giới bắn xuống, pháo địch từ phía sau nã lên và hai bên sườn là bộ binh và các đơn vị đặc nhiệm, thám báo Trung Quốc ép sát tấn công bất kể ngày đêm. Tuy nhiên, hướng phòng ngự chính diện của tiểu đoàn 3 chúng tôi bọn địch từ bên kia biên giới không thể tràn sang để tiến sâu xuống thị trấn Sóc Giang. Bọn chúng bị chặn đứng ở khu vực chốt cây đa của đại đội 11. Hàng trăm tên địch bị tiêu diệt, hàng chục chiếc xe tăng cuả bọn chúng bị bắn cháy, Trận địa của các đơn vị lở lói tan hoang, đất đá, hầm hào bị tróc hết sau những đợt nã pháo và tấn công dữ dội của quân địch. Vậy mà sau hàng chục đợt xung phong của bọn xâm lược trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh đại đội 11 vẫn bảo vệ được chốt cây đa thứ nhất và chốt cây đa thứ hai. Song tình hình của tiểu đoàn 3 chúng tôi cũng vô cùng khó khăn, nguy hiểm trước sức ép tiến công của một lực lượng bộ binh, cơ giới đông đảo của quân xâm lược và trước sự chi viện ngày càng thưa thớt, ít ỏi dần rồi mất hẳn của cấp trên.

            Đến nửa đêm ngày 17 tháng 2, chúng tôi được lệnh chuyển vị trí chỉ huy tiểu đoàn xuống hang Huyện uỷ ở giữa thị trấn Sóc Giang. Hang nằm lưng chừng một mỏm núi đá trơ chọi giữa thị trấn. Nơi mà mấy ngày hôm sau đã diễn ra những trận đánh rất ác liệt khi quân địch từ phía sau đánh ngược lên thị trấn Sóc Giang. Chúng tôi lặng lẽ bám sát nhau đi theo lối mòn chân núi. Qua nghĩa trang thị trấn chúng tôi gặp các chiến sĩ trung đội vận tải của tiểu đoàn đang hì hục đào huyệt chôn cất các liệt sĩ. Có gần mười cán bộ, chiến sĩ, thân thể bê bết máu đang nằm trong nghĩa trang. Họ là những người hy sinh trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh đã được đưa về đây. Họ được gói trong những tấm vải liệm còn mới tinh, trong những túi ni-lông. Họ được vùi vào trong lòng đất. Không có hương nhang, không có hoa, chỉ có những cành lá xanh cắm lên từng nấm đất ướt đẫm sương đêm nơi biên giới. Những ngày sau đó khi thị trấn Sóc Giang bị quân địch chiếm, bọn chúng đã cho đào các nấm mồ của các anh chị lên để tìm vì nghi ngờ ta chôn dấu vũ khí. Sau chiến tranh chúng tôi chôn cất lại cho các anh chị ấy. Vậy mà mới đó đã ba mươi bảy năm. Khi các anh chị ngã xuống khi tuổi đời vừa mới mười tám, đôi mươi. Bây giờ “tuổi liệt sĩ” của các anh chị ấy đã gần gấp đôi tuổi đời của họ khi đó.
 
           Ba mươi bảy năm đã trôi qua, hơn một phần ba thế kỷ, nhưng năm nào đến ngày 17 tháng 2 tôi cũng đều nhớ về những người đồng đội của mình mùa Xuân năm ấy. Đó là một mùa Xuân lạnh lẽo, đau thương, cánh hoa đào rừng vương trên báng súng của những người lính Việt trong một cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù hung bạo để bảo vệ miền biên giới của Tổ quốc thân yêu.  
                                                                Hà Nội, 16/2/2016