Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

NGƯỢC CHIỀU GIÓ BẮC

     NGƯỢC CHIỀU GIÓ BẮC

Mùa Đông năm 1978, đơn vị chúng tôi hành quân ngược chiều những cơn gió Bắc lạnh lẽo lên miền biên giới Cao Bằng làm nhiệm vụ phòng thủ đất nước. Ngày ấy, đồng đội chúng tôi cũng có những người xuôi theo chiều gió bắc vào biên giới phía Tây Nam. Đất nước hai đầu chiến tranh, lính chiến chia nhau căng mình giữ đất.
Theo luồng gió Bắc đoàn quân xâm lược tràn sang tàn phá miền biên giới Việt Nam. Tiếng súng đã vang đầu năm 1979. Những luồng đạn lửa tàn khốc, giết chóc của quân Trung Quốc xâm lược bay theo chiều gió Bắc sang nước ta. Những viên đạn chống giặc ngoại xâm của quân dân ta bay ngược chiều gió lạnh ngăn bước chân thù, chặn đánh chúng ngay từ những tấc đất đầu tiên của lãnh thổ Việt Nam thân yêu. Những chiến công không đợi Tổ quốc ghi công, bao nhiêu người đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống giữa một mùa Xuân lạnh lẽo nơi biên ải. Vậy mà đã 44 năm rồi, gió Bắc vẫn tràn về mà đồng đội có người vẫn còn nằm lại nơi biên giới xa xôi chưa về với quê hương. Miền biên giới trở lại thanh bình hôm nay xin đừng quên những người lính trận năm xưa đi ngược chiều cơn gió lạnh dựng bình phong, lũy thép giữ cho đất nước ấm áp những mùa sau.
Mùa Đông năm 1984, tôi lại thêm một lần nữa cùng đơn vị hành quân ngược chiều cơn gió Bắc có mặt ở miền biên giới Lạng Sơn. Chiến tranh vẫn khốc liệt ở Vị Xuyên-Hà Giang, xung đột vẫn căng thẳng ở bình độ 400 Cao Lộc, Lạng Sơn. Máu chiến sĩ vẫn chảy vào lòng đất, thấm vào đá núi nơi tuyến đầu. Bao hy sinh gian khổ của những người lính một thời không thể nào quên, xin hãy nhớ mãi trong những điều phải nhớ. Ngày thành lập quân đội 22-12-1978 tôi ở điểm cao 505, Sóc Giang, Hà Quảng, Cao Bằng. Ngày 22-12-1984, tôi ở cao điểm 616, Lộc Bình, Lạng Sơn. 5 năm hai lần ngược chiều cơn gió Bắc thời đất nước gian lao đã cho tôi biết bao kỷ niệm vui buồn, bao điều đáng nhớ. Hơn bốn mươi năm sau, tôi bắc đầu viết những dòng đầu tiên cho cuốn sách mới với tiêu đề “Ngược chiều gió Bắc” để tưởng nhớ những người đồng đội đã cùng tôi lên biên cương ngày ấy.
Hà Nội, 22/12/2022
TRỌNG BẢO
Có thể là hình ảnh về 8 người, tượng đài, ngoài trời và văn bản cho biết '278 CAO BĂNG 30 3'

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

VỀ QUÊ - thơ

      VỀ QUÊ

Về quê gặp lại ruộng vườn
Lo toan với những vui buồn người quê.
Đâu rồi đồng lúa, bờ tre?
Nông thôn giờ chỉ bốn bề bê- tông,
Bạn xưa người gặp, người không
Chia nhau kỷ niệm mà lòng nao nao…
Khi bình lặng, lúc ồn ào
Xóm làng ẩn giấu biết bao chuyện đời,
Biết bao nước mắt, mồ hôi
Thời gian trôi, những kiếp người trôi theo.
Chẳng phân biệt phận giàu, nghèo
Người quê chia sẻ nhau điều buồn, vui…
Ngỡ như mọi chuyện cũ rồi,
Hóa ra vẫn mới với người xa quê!
Giữa bao toan tính bộn bề,
Cho tôi nhớ một lối về tuổi xanh…
Lập Thạch VP, 24/10/2022
TRỌNG BẢO

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

Tản văn GA VĨNH YÊN VÀ MỘT THỜI CHIẾN SĨ

    GA VĨNH YÊN VÀ MỘT THỜI CHIẾN SĨ

Tản văn của Trọng Bảo

Ga Vĩnh Yên ở thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phú ngày ấy là một ga chính lúc nào cũng đông khách đi tàu. Thời bao cấp tàu hỏa là một phương tiện giao thông hữu hiệu nhất. Cứ vào được trong nhà ga là sẽ đi được, tất nhiên phải chen lấn để lên tàu nhồi nhét trong toa hoặc ngồi vắt vẻo trên nóc toa tàu, toa chở hàng hóa. Ngày ấy ô tô khách rất ít, về các huyện miền núi như quê tôi ngày chỉ có một hai chuyến mà vé bán từ hôm trước hoặc nhân viên tuồn ra ngoài hết vé.
Thời chiến sĩ từ ga Vĩnh Yên tôi thường cuốc bộ về quê với chặng đường hơn hai mươi cây số. Ga Vĩnh Yên gắn với cuộc đời chiến sĩ của chúng tôi. Từ nơi đóng quân ở Thái Nguyên khi được tranh thủ về thăm nhà tôi đều xuống ga Vĩnh Yên. Khi Trung đoàn 246 của chúng tôi đi lao động ở Yên Bái cánh lính quân bưu chúng tôi thường đem công văn, văn kiện qua lại ga Vĩnh Yên. Nếu được tạt qua nhà thì xuống ga. Mấy anh em quê ở Lập Thạch, Tam Dương ra ngoài cổng nhà ga trải ni-lông nằm ngủ chờ sáng thì đi bộ về quê. Dọc đường may đi nhờ được chiến xe vận tải nào thì đỡ mỏi chân và nhanh. Nếu không thì phải cuốc bộ hết nửa ngày mới về đến nhà. Quê tôi ngày ấy là bãi tập của nhiều đơn vị trước khi vào Nam chiến đấu. Ga Vĩnh Yên lúc nào cũng xanh màu áo lính, ba lô xếp đầy sân ga. Những người lính từ ga này ra trận. Nhiều người lính từ mặt trận trở về chống nạng xuống sân ga để đến các trại an dưỡng, chữa trị vết thương. Tôi không quên những lần vật vờ ở nhà ga đợi tàu lên Yên Bái hoặc xuôi Đông Anh để lên Thái Nguyên. Trên sân ga lúc nào cũng đông nghẹt người. Dân buôn chất hàng đầy trên sân ga, chủ yếu là sắn khô, sắn tươi và các bó củi để đem về xuôi. Nửa đêm, nghe tiếng còi tàu là nhốn nháo gọi nhau. Một chuyến tàu đi qua sân ga vơi đi rồi lại đầy người. Chuyện gây gổ đánh nhau, trộm cắp cũng thường xuyên xảy ra. Tôi nhớ có một lần một anh sĩ quan mang quân hàm trung úy cứ thấy ai mặc áo lính trên sân ga là đến để xin tiền. Anh bảo: “Có hai mẹ con ra viện bị mất cắp hết tiền, không thể về quê...”. Anh đề nghị mỗi người chiến sĩ chúng tôi góp cho vài hào để giúp đỡ mẹ con chị ấy. Chúng tôi gom góp được vài chục đồng đủ tiền mua vé cho hai mẹ con chị về quê. Tôi nhớ mãi ánh mắt của mẹ con chị ấy nhìn những người lính trẻ trên sân ga Vĩnh Yên khi họ chuẩn bị lên tàu ra mặt trận.
Ga Vĩnh Yên thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc bây giờ không còn nhộn nhịp, nhốn nháo như thời bao cấp chưa xa. Sân ga vắng vẻ, thanh bình. Có lẽ ga Vĩnh Yên giờ chỉ là một ga xép, ít những chuyến tàu dừng. Nhìn cảnh nhà ga bây giờ lòng tôi lại nao nao nhớ về một thời ga Vĩnh Yên của những người lính trận năm nào…
Hà Nội, ngày 24/8/2022
Ảnh: Nhà ga Vĩnh Yên chụp ngày 22-8-2022 (ảnh Trọng Bảo)
Có thể là hình ảnh về cây và ngoài trời

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2022

Bút ký KHÔNG BAO GIỜ QUÊN

    KHÔNG BAO GIỜ QUÊN

Bút ký của Trọng Bảo

Ngày 20 tháng 6 âm lịch hằng năm là ngày giỗ của bố tôi. Năm 2002 ông mất, tính đến nay đã được hai mươi năm rồi. Bố tôi qua đời khi tuổi 103. Năm nay cũng là kỷ niệm 123 năm ngày sinh của ông.
Trong ký ức của tôi, hình ảnh bố tôi một người nông dân nhỏ bé, hiền lành, áo nâu chân đất cần cù lao động trên đồng ruộng quê hương. Khi tuổi rất cao ông vẫn ra đồng cày bừa, nhổ mạ. Khi không còn làm ruộng được nữa ông quanh quẩn lao động trong vườn nhà. Với cái cuốc cùn, cái xẻng cùn và cái chổi cọ cũng cùn ông rẫy cỏ, đào mương thoát nước quanh nhà, quét lá cây, nhổ cỏ. Không lúc nào ông ngơi tay lao động. Có lẽ vì thế mà ông luôn mạnh khỏe. Mãi đến một, hai năm cuối đời khi chân không bước nổi, mắt mờ không nhìn thấy gì nữa ông mới chịu ngồi yên một chỗ. Tôi nhớ khi còn nhỏ tôi đã theo bố lên rừng đốn củi, bẫy chuột, đốt ong đất lấy nhộng và ong non. Quê tôi nghèo, mùa đông rất rét phải chuẩn bị nhiều củi để sưởi ấm. Bố tôi thường bảo tôi chặt củi đem về, những cành củi gộc chất ngoài vườn cho khô để mùa đông đốt lên sưởi ấm. Ngày ấy chẳng có áo bông, áo len. Mùa đông mặc hai ba cái áo cho ấm rồi ngồi bên bếp lửa cho đỡ rét. Khi đi ngủ thì cũng chẳng có chăn bông, chăn len gì. Ngay từ đầu vụ gặt bố tôi đã bảo tôi ra cánh đồng làng xem nhà nào cấy lúa nếp thì xin rạ đem về phơi khô sẵn. Khi mùa đông đến dùng gỗ ván quây một góc nhà rồi cho rạ nếp vào làm ổ nằm rất ấm. Có mùa đông thì tôi và bố ngủ luôn ở kho chứa rơm ngoài vườn khi trời rét quá.
Tôi còn theo bố vào rừng chặt cây rui, cây nứa đem về đập cho vỡ ra rồi ngâm xuống ao bùn một thời gian vớt lên đem phơi khô làm đóm cháy rất đượm, rất sáng. Khi trời mưa rào đầu mùa hạ ếch nhái râm ran gọi nhau vào mùa sinh sản thì bố tôi bảo buộc ba cây đóm rui thành một bó đốt lên ra đồng soi bắt ếch. Quê tôi ngày xưa không có điện, người dân có đèn pin rất hiếm. Những đêm sau cơn mưa rào cánh đồng làng như sao sa. Đó là lửa của những cây đuốc người đi soi bắt ếch. Đường làng ngày ấy tre xanh phủ kín lối đi. Đêm xuống, ai có việc sang nhà nhau đều phải đốt đuốc soi đường. Bố tôi kể một tối mùa đồng khi cả nhà đang ngồi sưởi bên bếp lửa thì có tiếng chó sủa dồn ngoài sân. Mấy con chó vừa sủa, vừa tru lên hốt hoảng lùi dần vào trong nhà cụp đuôi chạy đến nép vào chân người. Bố tôi liền gộp hai bó đuốc lại đốt lên bước ra sân xem có chuyện gì xảy ra mà đàn chó hoảng sợ đến thế? Soi đến chỗ chuồng lợn, ông giật mình khi nhìn thấy một con hổ rất to đang ngồi nhìn con lợn. Trong chuồng, con lợn sợ hãi đến nỗi không kêu và bước nổi nữa. Bố tôi và con hổ nhìn nhau. Con hổ không dám tấn công người vì trên tay bố tôi đang cầm một một cây đuốc to lửa cháy rần rật. Nó dập đuôi một cái rồi nhảy vút đi, biến mất vào bóng đêm. Sáng sớm hôm sau, một nhà ven núi kêu mất lợn. Mọi người theo dấu máu vào rừng nhưng không tìm thấy dấu vết của con hổ ấy.
Tôi hay theo bố tôi lên rừng, ra ruộng nên được ông kể cho nghe nhiều chuyện. Những câu chuyện về lịch sử truyền miệng mà ông nghe được rồi kể lại tôi chưa đọc thấy viết ở sách nào. Ví dụ như chuyện bọn giặc phương Bắc tràn sang giết hại dân ta chúng chẻ cây tre ra kẹp trẻ con vào đưa lên đồng lửa để thiêu chết. Rồi chuyện vị nữ tướng xuất thân ở quê tôi theo Hai Bà Trưng đánh giặc. Đội quân của vị nữ tướng này chiến thắng rất nhiều trận, giết được rất nhiều quân giặc. Nhưng khi tên tướng giặc phát hiện ra đội quân của bà toàn là con gái đã hạ lệnh cho quân cởi hết quần áo ra khi giao chiến khiến các nữ binh trẻ đẹp chúng ta phải lui quân rồi thua trận. Vị nữ tướng ấy phải nhảy xuống dòng sông sâu tự vẫn. Đền thờ của bà ngày nay ở đầu làng tôi. Là một người hiền lành nhưng khi được cử làm tuần phiên bố tôi đã một lần đối mặt với tên tướng cướp nổi tiếng hoạt động ở khu vực Kèo Cài, Ngọc Mỹ, dốc dài Thản Sơn. Bố tôi còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện về thời phong kiến ông từng sống, về làng xã ngày xưa, chuyện ông từng tham gia canh gác cho “hội kín” (tổ chức cách mạng) họp bàn khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945. Ông kể chuyện đi tản cư những năm đầu Pháp trở lại xâm lược nước ta, chuyện một quả bom rơi vào góc vườn nhà tôi tạo nên một cái hố sâu hoắm. May mà cả nhà đang ở nơi sơ tán. Cũng trận bom của giặc Pháp hôm ấy làng Dương Chỉ bên cạnh trúng bom, hàng chục gia đình bây giờ có cùng một ngày làm giỗ cho thân nhân của mình.
Bố tôi kể cho tôi nghe chuyện về cải cách ruộng đất. Nhà tôi ngày ấy có một mẫu ruộng, hai con trâu, hơn bốn mẫu rừng trồng cây lá cọ. Với số ruộng đất, công cụ sản xuất ít ỏi như vậy nhưng suýt nữa bố tôi trở thành địa chủ. Nguyên nhân lại ở lý do khác. Đó là chuyện ông nhận nuôi hai thanh niên thuộc các gia đình nghèo khổ trong làng xóm, cùng họ làm ruộng, chăm sóc, khai thác rừng lá cọ. Ông cưới vợ cho họ giúp họ có được một chút vốn liếng ra ở riêng. Khi cuộc cải cách ruộng đất nổ ra các cốt cán phát hiện bố tôi tham gia “bóc lột” nhân công, nuôi người ở làm việc trong nhà mà không trả công cho họ. Khi bố tôi chuẩn bị trở thành địa chủ bóc lột nhân dân thì có chuyện sửa sai, ông chỉ là thành phần trung nông. Sau này, khi tôi lớn lên ông đã chỉ cho tôi biết về bà bần cố nông “cốt cán” đã tố cáo mình là địa chủ trong cải cách ruộng đất. Ông cũng không còn thù oán gì họ nữa. Đó là lịch sử. Hai người được ông coi như con đẻ nuôi và giúp đỡ ngày ấy coi bố tôi như đã sinh ra mình, gắn bó rất thân thiết với gia đình tôi. Mỗi khi nhà tôi có công việc gì các anh đều có mặt trước nhất.
Bố tôi là một người vượt qua nhiều sóng gió của cuộc đời. Nhưng tôi đã chứng kiến một lần ông khóc. Đó là hôm chính quyền xã tổ chức báo tử và làm lễ truy điệu cho anh trai tôi. Suốt buổi lễ ông lặng lẽ, không nói câu nào. Sau buổi lễ truy điệu khi thấy tôi định đem cái vòng hoa làm bằng hoa dâm bụt héo quắt ra cổng thì ông bảo: “Đừng vứt đi con ạ! Đây là tài sản cuối cùng của anh con đấy. Con đem ra để ở chỗ gốc mít ngày còn ở nhà anh con hay ngồi ấy!”. Nói xong ông đưa tay chùi nước mắt. Tôi đem cái vòng hoa lơ thơ mấy bông hoa dâm bụt ra chỗ gốc cây mít. Nhà tôi ngày ấy có một cây mít già. Thân cây ngã nằm ra mặt đất nhưng ngọn cây vẫn vươn lên và ra hoa, kết trái. Khi còn ở nhà anh trai tôi hay ngồi ở chỗ cây mít đổ ấy đẽo cù, làm cạm bẫy thú rừng. Tôi thường hay theo anh đi bắt cá đồng. Tôi nhớ có một lần cùng anh tát cái chuôm ở Đồng Lão bắt được rất nhiều cá. Anh tôi đi bộ đội và hy sinh tại biên giới Việt Nam-Campuchia năm 1972.
Bố tôi không biết chữ. Một lần tôi dọn đống giấy tờ cũ thấy có tấm bằng ghi “Toàn gia biết chữ”. Tôi đoán chắc là năm 1946, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên của thế chế nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ông được dạy viết chữ để đi bầu cử nhưng sau đó thì mù chữ lại và chỉ còn viết được mỗi một chữ tên mình để ký vào các loại giấy tờ quan trọng. Không biết chữ nhưng ông rất mong các con đi học. Anh trai tôi đang học lớp 7 thì nhập ngũ. Chị gái và các em không ai học hết cấp 3, chỉ có mỗi tôi học hết lớp 10 và đi thì đại học (ngày ấy miền Bắc lớp 10 là lớp cuối cùng phổ thông).
Nhớ những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc chúng tôi đi sơ tán trong rừng, bố và chúng tôi phát cây trồng sắn. Nhà tôi cũng có một khoảnh nương ở quả đồi phía sau nhà trồng sắn ăn rất ngon. Sau tết nguyên đán thường là mùa cuốc đất trồng sắn. Một năm sau tết ông bảo tôi: “Năm nay không phải đi cuốc nương trồng sắn nữa”. Tôi thắc mắc hỏi lại thì ông giải thích: “Cái nương sắn ấy hợp tác xã công hữu rồi. Họ bảo không cho từng nhà trồng sắn nữa vì như thế là phát triển kinh tế tư nhân, tiến lên tư bản chủ nghĩa mất con ạ!”. Trước đó ruộng đất, châu bò, công cụ sản xuất và mấy mẫu rừng lá cọ, cái ao thả cá trước cửa nhà cũng đã được công hữu làm tài sản chung của hợp tác xã. Bố tôi ít học, ông không hiểu rằng chủ nghĩa tư bản phát triển không bao giờ đi qua cái nương sắn của ông đâu.
Hôm tôi lên đường nhập ngũ bố tôi tiễn chân ra cổng dặn: "Chiến tranh đạn tránh người, người không tránh được đạn, phải cẩn thận con nhé". Sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979 khi tôi về thăm nhà bố tôi và mọi người mới yên tâm. Có tin đồn tôi có mặt trong một cái hang đá bị bọn Tàu đánh sập ở Hà Quảng, Cao Bằng. Những năm 1990, tình hình đất nước kinh tế khá hơn. Thấy bữa nào cũng có cá thịt bố tôi nói: “Ăn như thế này thì sau này lấy gì mà ăn?”. Tôi bảo ông yên tâm, bây giờ không như ngày xưa nữa đâu. Nhưng nghe chừng ông vẫn chưa thật yên tâm. Hình như trong suy nghĩ, tâm trí của ông dừng lại ở thời bao cấp đói khổ mất rồi. Ngày ấy quê tôi cơm độn sắn chả đủ ăn, đến tết mới có miếng thịt. Tôi không quên những cảnh chia cá, chia thịt thời bao cấp, không quên cảnh khi nhận phần rơm từ sân kho hợp tác về nhà bố mẹ tôi kiên trì dắt trâu bừa lại mãi xem có thu được đấu thóc lép nào không? Ngày ấy làng tôi nghèo nhưng thường xuyên có những người ăn mày đến từng nhà để xin. Tôi nhớ một lần có một ông đeo bị vào cổng. Bố tôi gọi tôi đong một bát gạo đầy để ông chống gậy đem ra cho người ăn mày. Người ăn xin tỏ ý không muốn lấy gạo vì đeo nặng, muốn bố tôi cho tiền. Nhưng bố tôi có bao giờ cầm tiền đâu mà cho. Khi người ăn xin nhận bát gạo đi rồi bố tôi mới bảo: “Trông ông này lẽ ra là mình phải ăn xin của ông ấy mới đúng!”. Đoạn, ông dặn tôi phải lao động để mà sống.
Bố tôi rất thích nghe đài để biết tình hình thời sự. Những năm 1990 nhà tôi có một cái máy vô tuyến truyền hình đen trắng. Buổi tối bà con quanh xóm kéo đến xem chật nhà. Bố tôi cũng xem vài lần nhưng vì tuổi già mỏi mắt không xem lâu được. Tôi nhặt nhạnh các linh kiện cũ lắp một cái đài thu thanh khuyếch đại thẳng để ông nghe tin tức. Một lần, tôi thấy ông nghe rất chăm chú bút ký “Làng tôi, làng lính” của tôi. Bút ký này được đăng trên báo QĐND và phát trên sóng Đài TNVN. Làng tôi ngày ấy thanh niên lớn lên chủ yếu là nhập ngũ rồi đi chiến đấu. Những người phục viên, xuất ngũ trở về làng đều là binh nhất, binh nhì, hoặc cấp bậc hạ sĩ quan là cùng. Những người không trở về thì giấy báo tử gửi về làng cũng chỉ thấy ghi binh nhất, binh nhì hoặc cao nhất là đến cấp bậc thượng sĩ như anh trai tôi. Làng tôi đúng là một "làng lính" thực sự. Làng của những người mà trong hàng quân danh dự họ đứng ở phía sau, trong đội hình chiến đấu họ luôn ở phía trước.
Bố tôi không được đi đâu xa bao giờ. Cuộc đời ông chỉ quanh quẩn trong xã, trên cánh đồng làng. Như ông kể thì đi xa nhất là lần cùng nhân dân tham gia biểu tình kéo về thị xã Vĩnh Yên trong cuộc cách mạng tháng Tám 1945. Sau này, tôi có điều kiện đi công tác nhiều nơi, có thứ gì lạ tôi đều cố gắng đem về cho ông. Ông rất thích quả chôm chôm miền Nam, nó giống hệt quả thiều rừng quê tôi. Nhưng quả thiều cái cùi chỉ là một lớp mỏng và chua không gặm được như quả chôm chôm, ăn là phải nuốt cả hột, đầy bụng. Còn quả măng cụt ông bảo nó giống hệt quả bứa trên rừng. Mỗi lần tôi đi công tác về kể chuyện những vùng đất mới ông nghe đều rất thích. Mỗi khi về nhà tôi thường mặc thường phục, không bao giờ mang đeo quân hàm. Một lần, chắc là đắn đo mãi, ông mới hỏi tôi cấp bậc gì? Tôi nói: “Bố có nhớ cái thằng đồn trưởng Pháp ở đồn Phố Miễu ngày xưa hay dẫn quân vào làng bắt dân mình đi phu không? Con cấp cao bằng tên đồn trưởng ấy đấy!”. Bố tôi nói: “Thế thì là cấp to lắm rồi!”. Ông nói và nhìn tôi có vẻ rất hài lòng. Tôi đọc lịch sử của xã nên biết tên đồn trưởng Pháp ở quê tôi ngày ấy cấp bậc đại úy, khi ông hỏi thì tôi vừa được thăng quân hàm thượng tá.
Những chuyện của bố tôi kể tôi đều thể hiện trong các trang viết, trong các truyện ngắn, tiểu thuyết của mình. Mỗi khi viết về quê hương tôi không quên lần giở lại những câu chuyện mà ông đã kể với tôi. Hai mươi năm rồi bố đi xa nhưng trong tôi ông vẫn còn sống mãi…
Vĩnh Phúc, ngày 20 tháng 6 năm Nhâm Dần- 2022
Có thể là hình ảnh về thiên nhiên và cây cọ