Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 8)

      
      
Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo

       Ban ngày hắn và bọn thằng Đang đi đào giếng, san nền nhà, vận chuyển gỗ thuê. Buổi tối sau khi ăn cơm xong cả bọn kéo nhau ra chợ Kỳ Lừa tìm chỗ nào ấm áp trong các quán ở chợ lăn ra ngủ. Hôm nào trời ấm, không mưa thì cả bọn rải rơm rạ nằm ngủ luôn tại chỗ làm đỡ phải đi lại.
           Đào xong hai cái giếng và san xong cái nền nhà, năm thằng chia nhau mỗi thằng được hơn hai trăm đồng. Gia chủ cho thêm mỗi thằng vài cân ngô hạt làm lương ăn. Cả bọn chia nhau đi tìm việc tiếp tục làm thuê. Thằng Đang là người linh hoạt nó kiếm được việc là làm một cái chuồng trâu cho ông người dân tộc ở trong bản. Làm xong cái chuồng trâu cả bọn quyết định trong khi tiếp tục tìm kiếm việc làm thuê thì cứ tạm lên rừng chặt củi đem ra đường quốc lộ bán cho cánh xe tải chở về xuôi. Kiếm được gánh củi từ trong rừng ra cũng khá gian khổ, vất vả. Trong khi đó thì người mua cứ chê ỏng chê eo củi tươi trả giá rẻ mạt. Vừa chặt cành củi khô hắn bực tức nghĩ: “Mẹ kiếp! Kiếm được đồng tiền nuôi mỗi miệng mình đã thật khốn khổ, khốn nạn. Thế mà bọn thằng Đang còn phải kiếm tiền để chữa bệnh cho vợ, đóng học phí cho con nữa thì biết đến bao giờ mới đủ!”.
           Buổi sáng sớm, rừng núi âm u. Tiếng suối chảy rỉ rả buồn như chấu cắn. Thỉnh thoảng hắn lại hú lên một tiếng, đó là tín hiệu để thông tin cho bọn thằng Đang, cũng là để xua tan bớt cái im ắng, tĩnh mịch trong rừng. Cả bọn đang chặt củi khô trong cánh rừng biên giới. Những tiếng hú vọng vào vách đá âm vang không dứt nghe như thời tiền sử mông muội con người gọi nhau đi săn bắt hái lượm vậy. Mà cuộc đời hắn thì cũng chả khác gì đang sống ở thời tiền sử vậy. Hắn nhớ ngày còn trong trại tù cũng vào rừng chặt củi như thế này, có mấy thằng lợi dụng sơ hở của quản giáo rủ nhau bỏ trốn. Bọn chúng chạy mãi vào rừng sâu trốn tránh sự truy lùng. Nhưng rồi bọn chúng không tìm thấy đường đi, cứ lẩn trốn mãi trong hang đá. Đói quá chúng đành trở về trại giam đầu thú. Thằng nào thằng ấy trông chẳng khác gì lũ đười ươi, người rừng, mặt mũi hốc hác, râu tóc dài rũ rượi. Hoá ra mấy tháng sống tự do cũng chẳng để cho chúng làm người. Bọn chúng đã phải ăn cả thằn lằn sống, cá sống khi trốn chạy. Thì ra tự do mà đói khát thì cũng chả để làm gì, thà rằng cứ ở trong tù có khi còn hơn.
           Có một tiếng chim hót véo von xua tan cái tĩnh mịch, âm u của khu rừng. Hắn hứng khởi huýt sáo bắt chước tiếng chim hót. Từ phía ven rừng tiếng thằng Đang goi to:
           - Chuẩn… bị… về… thôi…
           - Hú… hú… hú…
           Mọi người đáp lại và nhanh chóng gom số củi đã chặt được bó lại thành gánh. Thằng Đang chia cho mỗi người mấy quả vả chín vặt được ở ven suối. Đoạn nó cất gánh củi nặng lặc lè lên vai. Nó đi trước theo lối mòn cắt ra phía đường quốc lộ. Giờ này các xe vận tải chở vật liệu xây dựng lên biên giới đã trả hàng xong. Khi quay về cánh lái xe sẽ mua củi của họ chở về xuôi vừa đỡ chạy xe không vừa bán kiếm chút chênh lệch giá. Thời buổi khó khăn ai cũng phải nghĩ cách làm ăn, kiếm tiền. Người có vốn làm ăn lớn, kẻ không có tiền như bọn hắn thì kiếm sống theo kiểu cò con, bán sức khoẻ làm thuê để mưu sinh.
           Hắn chợt thấy vui vui. Gần một tháng làm thuê, chặt củi hắn cũng kiến được vài ngàn đồng rồi. Ăn uống mỗi ngày mất vài chục đồng, cố đến giữa năm hắn cũng sẽ mua được cái khung xe đạp. Góp dần từng loại phụ tùng thì đến cuối năm hắn sẽ lắp được hoàn chỉnh cái xe đạp để đi. Có cái xe đạp hắn sẽ chở củi, thồ hàng thuê đỡ gánh gồng vất vả.
          Hắn đang phấn khởi với những dự tính của mình thì giật nảy người bởi một tiếng nổ “oành” rất đanh ở phía trước. Đất dưới chân hắn rung lên. Đất đá văng rào rào, lá cây rụng lả tả. Hắn vội ném gánh củi rồi nằm lăn ra đất. Khói bụi chưa tan hắn đã gào lên:
          - Đang ơi! Có chuyện gì thế?
          - Mìn… có lẽ thằng Đang đạp phải mìn rồi…
          Thằng Tuân đang nằm rạp ở ngay trước mặt hắn lên tiếng. Giọng nó run cầm cập vẻ hoảng loạn. Hắn lồm cồm bò lên phía trước xem xét. Khói bụi đã tan. Hắn nhìn thấy thằng Đang nằm gục ngay ở ven lối mòn. Gánh củi bị hất văng tuột dây tung toé xung quanh. Hắn gọi to:
           - Đang ơi! Mày có làm sao không?
           Thằng Đang cố ngồi nhỏm dậy, giọng nó yếu ớt:
           - Anh cẩn thận đấy! Lỡ còn một quả mìn khác…
           - Mặc mẹ nó! Tao hỏi mày có việc gì không?
           - Em bị thương rồi…
           - Để tao lên băng bó cho mày…
           - Anh cẩn thận đấy…
           Hắn quát bảo thằng Tuân và cả bọn nằm yên tại chỗ rồi lồm cồm bò đến chỗ thằng Đang đang nằm. Thằng Đang gánh củi đi trước không may đạp trúng một quả mìn chống bộ binh do Trung Quốc chế tạo còn sót lại sau chiến tranh biên giới năm 1979. Bàn chân phải của thằng Đang bị quả mìn xé nát bét, đẫm máu. Loại mìn này rất nguy hiểm vì trong thuốc nổ của nó có một loại hoá chất gì đó gây hoại tử rất nhanh. Khi đạp trúng mìn nổ bàn chân bị thương rất khó cầm máu vì nó làm nát nhừ xương thịt, phá vỡ hết động mạch, tĩnh mạch. Thường là người bị trúng loại mìn này phải cấp cứu rất nhanh mới cứu được tính mạng. Cách tốt nhất là phải lập tức tháo khớp gối để ngăn chặn sự hoại tử lan lên phía bàn chân lên đùi. Trong chiến tranh có trường hợp cấp cứu chậm khi đưa đến trạm phẫu các bác sĩ phải tiến hành cưa ngay đùi đến sát háng để cứu lấy mạng sống cho thương binh. Là một chiến sĩ công binh từng lăn lộn ở Trường Sơn bao nhiêu năm rồi lại chiến đấu ở biên giới Tây Nam nên thằng Đang hiểu rất rõ về sự nguy hiểm của loại mìn này.
           Hắn thì chả hiểu gì về vũ khí, bom mìn cả. Khi nhìn thấy bàn chân bị mìn xé nát của thằng Đang hắn cũng sợ. Hắn vội xé cái áo đang mặc băng bó cho thằng Đang. Nhưng máu vẫn chảy ra ướt đẫm. Thằng Đang bình tĩnh bảo:
           - Anh tìm đoạn lấy dây rừng buộc chặt phía trên vết thương sát gối để cầm máu cho em.
           Hắn nhớn nhác ngó xung quanh tìm kiếm. Lúc này thì thằng Tuân, thằng Công và thằng Hạ cũng đã líu ríu chạy lên. Thằng Hạ rút ngay cái thắt lưng da ra đưa cho hắn. Hắn làm theo sự chỉ dẫn của thằng Đang. Băng bó cầm máu cho thằng Đang xong hắn bảo:
          - Tao sẽ cõng thằng Đang! Những thằng khác đỡ chân cho nó. Một thằng trong bọn chúng mày chạy ra đường trước xem có cái xe ô tô nào đi qua không. Nếu có chặn lại, nói với họ là có người bị nạn xin họ cho đi nhờ về thị xã để đưa vào bệnh viện cấp cứu! Nhanh lên nhé! Mà cẩn thận, đi giữa lối mòn kẻo vấp phải quả mìn khác thì nguy đấy!
          - Vâng!
          Thằng Hạ liền nhao lên phía trước. Nó co cả vai vì gánh củi khá nặng. Hắn cáu tiết quát:
          - Vứt mẹ nó hết củi với kiếc đi. Cứu lấy người cái đã. Người còn chả tiếc, tiếc đéo gì mấy que củi…
          - Vâng… vâng…
          Theo lệnh hắn, cả bọn ném bỏ những gánh củi xuống cạnh lối đi. Khốn nạn những thằng nhà nghèo đi làm thuê đến lúc chết vẫn cứ tiếc công, tiếc của, dù đó chỉ là mấy gánh củi giá bán rẻ mạt. Thằng Công mặt cắt không còn giọt máu, người nó run lập cập. Lần đầu nhìn thấy người bị thương, thấy máu nó sợ quá bật khóc. Nó mới mười sáu tuổi, nhà nghèo, phải bỏ học, bỏ quê đi theo các đàn anh làm thuê kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ. Hắn lại phải quát lên:
           - Mày có câm ngay đi không! Khóc gì mà khóc hả! Làm tao rối hết cả lên…
           Thằng Công im bặt nhưng nước mắt vẫn chảy dài trên má nó. Mấy thằng xúm vào đỡ thằng Đang lên vai hắn. Hắn cõng thằng Đang lập cập chạy ra phía đường quốc lộ. Thằng Đang khe khẽ rên vì đau. Vốn là một thằng lính chiến từng bao lần lâm trận nên nó hiểu rất rõ hoàn cảnh của mình lúc này.
           Hắn cõng thằng Đang chạy gằn ra phía đường. Máu từ bàn chân của thằng Đang vẫn rớt tong tỏng xuống đường. Cả bọn chạy ra ngoài bìa rừng. Vượt qua một mỏm đồi thấp nữa là sẽ đến con đường quốc lộ chạy từ cửa khẩu về thị xã Lạng Sơn. Hắn thở hồng hộc vì mệt và cũng vì lo lắng. Thằng Đang khẽ lúc lắc cái đầu rồi bảo:
           - Anh đặt em xuống nghỉ một lúc đã. Cũng chưa có xe xuôi đâu anh ạ!
           Hắn cố nhẹ nhàng đặt thằng Đang ngồi xuống cạnh một mô đá. Đỡ cho nó dựa lưng vào mô đá rồi kiểm tra vết của nó. Thằng Đang bị mất nhiều máu, mặt nó trắng bệch. Nó vẫn cố làm ra vẻ không sao rồi nói với hắn:
           - Anh cố đưa em về quê nhé!
           - Nhất định rồi! Mày yên tâm, tao sẽ đưa mày về tận nhà!
           - Anh nói với các anh của em là chôn em cạnh mộ mẹ em! Mẹ em thương em nhất, thế mà em chưa giúp được mẹ việc gì. Lúc nhỏ đi học, lớn lên đi bộ đội biền biệt chiến đấu ở miền Nam, hoà bình trở về thì mẹ đã mất. Bây giờ em chỉ muốn được chôn cạnh mẹ để có gặp lại mẹ thì giã cho mẹ miếng trầu…
           - Mày nói cái gì mà vớ vẩn, lạ thế! Mày không được chết. Tao sẽ đưa mày đi bệnh viện, mày không việc gì đâu…
           Tiếng thằng Đang vẫn bình thản, giọng nó có vẻ yếu nhưng rất rành rõ:
           - Em làm thuê giành dụm được mấy nghìn đồng đang để ở trong túi áo ngực. Anh cầm về đưa cho vợ em. Bảo cô ấy mua ngay cho con gái cái áo hoa và cái váy để nó được vào đội múa của lớp. Hôm trước nó đi học về mặt mũi buồn thiu. Hỏi thì nó nói không có váy áo đẹp nên cô giáo không cho vào đội múa của lớp…
           Hắn gắt:
           - Thôi! Mày không được nói gở nữa. Vết thương của mày sẽ khỏi. Mà mày phải cố lên, chúng tao sẽ đưa mày đi cấp cứu!
           Thằng Đang không nói nữa. Nó nhắm mắt lại, hơi thở có vẻ mệt nhọc, khó khăn. Hắn lại xốc thằng Đang lên vai cố bước đi thật nhanh. Phía đường quốc lộ có tiếng xe ô tô. Mấy thằng chạy lên chặn giữa đường. Chiếc xe tải đã dừng lại. Đó là một chiếc xe biển số quân sự. Nghe mấy thằng kiếm củi trình bày, ba bốn anh bộ đội đang ngồi trên thùng xe vội nhảy xuống chạy về phía hắn. Một người trong số họ đeo túi cứu thương. “Tốt rồi! - Hắn nghĩ: - Họ sẽ băng bó, tiêm thuốc cho thằng Đang. Xe chạy về đến thị xã chỉ nửa tiếng, chỉ cần nó cố chịu đựng được là ổn”.
                (hết phần 8)                                                Hà Nội, tháng 2-2011
  

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 7)

             
      Vài lời tiếp truyện: Hắn là một nhân vật có nguyên mẫu thật trong cuộc sống mà tôi biết. Tôi đã viết mấy truyện ngắn về hắn là: Trang trại ma gà, Thời trai trẻ và lần này là Chuyện đời hắn. Nhưng gần 70 năm cuộc đời của hắn thật nhiều tình huống thú vị, nên truyện. Vậy nên Chuyện đời hắn không thể là một truyện ngắn. Từ phần này trở đi xin được đổi lại là truyện dài Chuyện đời hắn cho đúng với thực tế của câu chuyện mà tôi đã viết. (Trọng Bảo)

Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo

        Hắn và tốp thanh niên đi làm thuê vừa chui qua lỗ hổng ra ngoài ga thì có tiếng quát:
         - Tất cả đứng im!
         Hắn và mấy thằng định bỏ chạy thì thằng Đang ngăn lại:
         - Bình tĩnh! Đó là các anh bộ đội đấy!
         Lúc này hắn mới nhìn kỹ ba người súng AK lăm lăm trong tay chặn đường bọn hắn lại. Ba người lính tay đeo băng “Kiểm soát quân sự”. Một người hỏi:
         - Tại sao các anh lại chui qua lối này mà không qua cửa soát vé?
         - Ch… ú… n… g… t… ô… i…
         Thằng Đang ấp úng. Lúc này mấy chiến sĩ kiểm soát quân sự mới chợt nhận ra thằng Đang mặc bộ quân phục cũ, lưng đeo ba-lô, cái mũ cối bộ đội vẫn còn có một ngôi sao vặn ngược vào bên trong. Trông nó chẳng khác gì một người lính. Người nhóm trưởng kiểm soát quân sự nghiêm mặt hỏi thằng Đang:
         - Đồng chí ở đơn vị nào! Yêu cầu xuất trình giấy tờ!
         Thằng Đang đặt cái bao tải đựng mấy lưỡi cuốc, cái xẻng xuống đất. Nó bĩnh tĩnh nói:
         - Tôi không ở đơn vị nào cả! Tôi đã phục viên, là cựu chiến binh đã mấy năm rồi.
         - Vậy giấy tờ của anh đâu?
         - Không có giấy tờ! Đi làm thuê thì còn có giấy tờ gì đâu?
         - Anh cũng phải có chứng minh thư nhân dân chứ!
         - Cũng không có! Phục viên là lo làm ăn, chưa kịp làm chứng minh nhân dân!
         - Thế anh không có giấy tờ gì khác hay sao?
         - Không…
         - Vậy thì, yêu cầu anh về trạm kiểm soát quân sự để chúng tôi xác minh!
         - Xác minh cái cóc khô gì?
         Thằng Đang bắt đầu bực. Người tổ trưởng kiểm soát quân sự giằn giọng:
         - Chúng tôi nghi anh là quân nhân đào ngũ nên phải đưa về trạm kiểm soát quân sự thị xã để xác minh!
         Đến lúc này thì hắn không nhịn được nữa. Mặt hắn hằm hằm:
         - Đảo ngũ cái con cặc! Một thương binh, một dũng sĩ đánh Mỹ đấy, hiểu không?
         Người tổ trưởng kiểm soát quân sự nghiêm khắc cảnh cáo:
         - Anh kia! Không được nói bậy, nếu không chúng tôi sẽ bắt luôn cả anh giao cho công an thị xã xử lý đấy!
         - Có mà bắt cái đầu… - Hắn lại định văng tục. Thằng Đang vội ngăn hắn lại và dặn:
         - Anh đưa mấy anh em vào nhà ga ngồi chờ em. Em vào làm việc với các anh ấy một lát rồi ra. Chắc là chả có vấn đề gì đâu, chỉ tại bộ quần áo chiến binh em đang mặc này thôi, chứ các anh ấy không bắt giữ mình vì cái tội trốn vé tàu đâu mà sợ.
         Hắn hậm hực theo mấy thằng thanh niên vào trong nhà ga. Thằng Đang đi theo ba chiến sĩ kiểm soát quân sự ra phía ngoài đường.
         Sau chiến tranh, biên giới tràn ngập màu áo lính. Trong nhà ga cũng ngổn ngang toàn là cánh lính tráng đứng ngồi lố nhố, súng đạn, ba-lô lỉnh kỉnh. Hậu chiến tranh nhìn những người lính, người dân hết thảy đều khắc khổ, lầm than. Cái đói, cái thiếu thốn hành hạ con người không loại trừ một ai. Thời đánh Mỹ có hậu phương vững mạnh, lại có cả phe xã hội chủ nghĩa hùng hậu chi viện, trang bị đầy đủ nên người lính quần áo luôn mới, lương khô súng đạn đầy đủ. Chiến tranh biên giới nổ ra, hai nước nghèo đánh nhau, cả hai cùng khổ. Lính đã khổ, dân lại càng khổ. Thị xã Lạng Sơn bị tàn phá đang được xây dựng lại, chỗ nào cũng ngổn ngang. Hắn nhìn quanh trong nhà ga, có mấy toán chắc cũng dân miền xuôi lên biên giới làm thuê nên lỉnh kỉnh những cưa đục, bao tải vẻ nhếch nhác. Còn chỗ góc sân nhà ga là mấy anh bộ đội đang ngồi đứng ngổn ngang chắc là đợi tàu để chuyển quân. Nghe nói vẫn đang còn đánh nhau ở hướng bình độ 400, Cao Lộc và hướng Bản Chắt, Đình Lập. Có mấy anh thương binh băng quấn kín cánh tay đang ngồi chia nhau chút thuốc lá quấn gói trong mảnh giấy báo. Tình hình biên giới vẫn đang căng thẳng nhưng dòng người từ miền xuôi vẫn đổ lên biên giới. Chiến tranh chưa qua nhưng con người thì vẫn phải sống. Người địa phương đã lục tục kéo về dựng lại nhà, cày lại ruộng. Vì thế nên họ mới cần nhân công, nhất là bọn làm thuê như hắn từ miền xuôi lên.

         Thằng Đang bị dẫn giải vào trạm kiểm soát quân sự ngay cạnh nhà ga. Không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nó chẳng có một loại giấy tờ tuỳ thân gì không khéo lại lằng nhằng, phức tạp. Mà ngay như hắn trong người cũng chỉ có một cái giấy tha tù nhỡ bị công an kiểm tra thì lằng nhằng vì hắn chưa hết thời gian quản thúc tại địa phương.
         - Anh Đang ra rồi kìa!
         Một thằng trong bọn chợt kêu lên. Hắn ngoảnh cổ lại nhìn. Thằng Đang tay xách ba-lô đi cùng một anh sĩ quan đeo quân hàm thiếu uý. “Chết bỏ mẹ! Khéo có việc gì xảy ra rồi!” - Hắn nghĩ. Lập tức hắn thủ thế, sẵn sàng vọt chạy ngay khi cần. Nhưng nhìn thấy vẻ bình thản của thằng Đang, hắn hơi yên tâm. Thằng Đang dẫn anh thiếu uý đến trước mặt mọi người. Nó giới thiệu:
         - Đây là anh Tuyến, cùng đơn vị với mình ngày ở miền Nam đánh Mỹ!
         - Thế hả! - Hắn thở phào. Anh thiếu uý quân đội bắt tay mọi người rồi khẽ lắc đầu thở dài nói với thằng Đang:
         - Thật không ngờ mày lại thành kẻ làm thuê khốn nạn thế này…
         Thằng Đang ngắt lời anh ta:
         - Thôi… mày đừng suy nghĩ nhiều quá thế! Chiến tranh mà lại…
         Anh thiếu uý dặn:
         - Lên đây làm nếu có việc gì cần thì gọi tao nhé!
         - Không cần đâu! Bọn mày còn bao nhiêu nhiệm vụ quân sự quan trọng, bọn tao là dân đi làm thuê thì có việc gì ghê gớm đâu nên không dám quấy quả, chỉ mong nếu có bị kiểm soát quân sự nghi là lính đào ngũ thì mày giải thích giúp một câu… hì… (thằng Đang không biết rằng chỉ một thời gian ngắn sau thôi nó đã phải nhờ đến anh thiếu uý này để trở về quê trong một hoàn cảnh thật đặc biệt. Nhưng đó là câu chuyện của phần tiếp theo).
         - Nhưng lên trên này phải thật cẩn thận đấy! Khi có tình huống gì thì rút ngay về phía sau nhé!
         - Yên tâm! Bọn tao bây giờ là dân thường rồi, chả có trách nhiệm, nghĩa vụ gì nữa. Thấy tình hình nguy hiểm là chúng tao chuồn luôn…
          Anh thiếu uý chào tạm biệt mọi người rồi đi. Thằng Đang giờ mới bảo:
         - Hoá ra nó chính là trưởng trạm kiểm soát quân sự ở ga. Nó nhận ra em ngay. Cũng may gặp nó nên đỡ phải giải thích lằng nhằng, mất thời gian. Bây giờ bọn ta đi thôi…
          Nó nói và xách ba-lô đứng dậy. Hắn và mọi người cũng đứng lên. Sau này hắn mới biết thằng Đang và anh thiếu uý nọ cùng tiểu đội công binh với nhau thời mở đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Chính thằng Đang đã cứu sống anh thiếu uý trong một trận chạm trán với bọn thám báo. Thằng Đang đã bình tĩnh nổ súng để anh thiếu uý rút lui an toàn. Vết thương của thằng Đang khiến nó phải về phục viên chính là bị trong trận đánh ấy. Cả hai không ngờ gặp lại nhau ở nơi biên giới này trong tình huống một thằng là thương binh đi làm thuê kiếm tiền nuôi thân, một thằng là sĩ quan và vẫn còn phải tiếp tục chiến đấu chặn giặc bảo vệ đất nước. Anh thiếu uý ái ngại cho thằng Đang là một thương binh mất sức đến gần 60% mà vẫn phải bôn ba tha hương, kiếm sống, vợ ốm con đau, đói khát, nheo nhóc. Thằng Đang thì lại băn khoăn khi biết chuyện anh thiếu uý ngày trở về thì người yêu từng thêu tặng tấm khăn tay có hai con chim bồ câu ngậm mỏ vào nhau và dòng chữ “mãi mãi yêu anh” đã đi lấy chồng, đến bây giờ vẫn là một anh “lính phòng không”. Nhưng hoàn cảnh đất nước thời chiến là như vậy. Chiến tranh thật có ý nghĩa lớn lao nhưng cũng thật là vô nghĩa đến tận cùng trong mỗi số phận con người của cuộc chiến ấy.
         Thằng Đang dẫn hắn và mấy người vượt qua sông Kỳ Cùng. Họ bắt đầu cuộc mưu sinh bằng việc san nền nhà, đào giếng thuê và vào rừng chặt củi khô gánh ra chợ bán. Họ nhặt gom từng đồng, từng hào kiếm được đợi ngày về quê.
          (hết phần 7                                         Hà Nội, tháng 2-2011

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Truyện ngắn CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 6)

    
Chuyện đời hắn
Truyện ngắn của Trọng Bảo

      Thằng đầu tóc bù xù gần như ngất đi vì đau và sợ. Cánh tay phải bị gãy của nó rũ xuống. Còn hắn thì một chân quỳ, một chân đạp lên chẹt cứng cổ thằng đầu bù xù, lưỡi dao vẫn tì trên mu bàn tay của nó. Hai thằng lưu manh kia nhân cơ hội nhốn nháo lủi mất. Hắn phanh ngựa áo. Mọi người đang xúm xít xung quanh vội lùi cả lại. Trên cái ngực trần to bè của hắn xăm hình một cái mặt hổ nhe răng trông thật gớm ghiếc. Lúc này mọi người ở ga mới biết hắn là một thằng tù vừa mới ra trại. Có ai đó hốt hoảng kêu lên:
        - Bọn lưu manh chúng thanh toán lẫn nhau đấy! Bà con tránh xa ra ngay…
         - Ối giời ơi là giời...
         Mọi người rạt ra xa. Nhưng lại có tiếng người nói gấp gáp ngay phía sau hắn:
         - Công an đang đến đấy! Chú hãy mau chạy đi!
         Hắn ngoái lại và nhận ra bà cụ bán nước chè tươi rong ở ga. Hắn vội buông thằng đầu tóc bù xù bật đứng dậy. Phía ngoài cổng nhà ga có tiếng còi ủ của xe công an. Tay vẫn cầm con dao chọc tiết lợn nhọn hoắt gã lao vào trong nhà ga. Hai cô nhân viên soát vé hốt hoảng chạy rạt ra nép vào hai bên cánh cửa tránh đường cho hắn. Một chuyến tàu hàng đang chạy qua. Hắn ném con dao xuống rãnh nước rồi bám cửa đu nhảy lên một toa chở hàng. Có mấy bóng áo vàng lao vào trong sân ga tìm kiếm. Nhưng con tàu hú lên rồi tăng tốc lùi lũi chạy ra khỏi nhà ga ngược lên hướng Lạng Sơn. Hắn thoát. Công an chỉ tóm được mỗi thằng bảo kê đầu tóc bù xù bị gãy tay đang nằm trên sàn nhà ga.
          Nằm giữa những bao xi-măng và đống đá dăm lổn nhổn trên toa tàu hắn nghĩ về cuộc đời của mình. Thế là hắn lại rơi vào một hoàn cảnh mới, một tình huống mới không định trước. Thời thế luôn xô đẩy số phận con người. Hắn thở dài chán nản không biết rồi đời mình sẽ đi đến đâu.
          Bầu trời tối đen, mưa rơi lất phất. Con tàu chở hàng vẫn lùi lũi đi trong đêm. Tiếng bánh xe xiết vào đường ray ken két nghe ghê cả răng. Nằm ở toa hàng không mui khổ vì mưa táp nhưng không bị nhà tàu kiểm tra tống xuống đường. Hắn thấy yên tâm. Thỉnh thoảng tiếng còi tàu lại hú lên giữa chốn đồng không mông quạnh hay giữa cánh rừng hoang vắng. Hắn chợt thấy bụng đói cồn cào. Tối nay hắn chưa kịp ăn chút gì thì xảy ra chuyện xô xát với ba thằng lưu manh chuyên trấn lột, bảo kê ở khu vực nhà ga. Hắn ngồi dậy ngó ra hai bên đường. Cây cối và những ngôi nhà lập lòe ánh đèn, nhòe nhoẹt trong đêm. Hắn tính đến ga nào tàu dừng sẽ xuống mua lấy một ổ bánh mì hay cái bánh chưng ăn tạm, sáng mai tới Lạng Sơn sẽ hay. 
          Tàu hàng tới ga Đồng Bành thì dừng lại tránh tàu khách xuôi Hà Nội. Hắn đu thành toa nhảy xuống. Không có cuống vé để ra phía ngoài nhà ga nên hắn lảng vảng ở bên trong sân chờ tàu. Hắn mua hai cái bánh mỳ ngồi nhai ngấu nghiến. Uống một chén nước hắn lại leo lên cái toa chở hàng lúc nãy. Đến ga Lạng Sơn thì trời tang tảng sáng. Không có vé nên hắn đi dọc theo đường tàu tìm chỗ leo ra ngoài tránh cửa kiểm soát. Có mấy người cũng đang tìm cách chui ra bên ngoài ga như hắn. Thấy hắn đang nhớn nhác tìm đường một người hỏi:
          - Cũng là dân đi tàu trốn vé hả! Cứ đi theo bọn này sẽ có lối ra… - Một người đàn ông mặc bộ quân phục bạc màu lưng đeo ba-lô, vai vác một cái bao tải nói rồi reo lên: - Ơ… mà có phải là anh Lỗi đấy không?
          Hắn ngạc nhiên hỏi lại:
          - Sao ông lại biết tên tôi?
          - Em là Đang, người cùng làng với anh đây mà!
          - Thằng Đang… đúng là mày rồi! Nhưng nghe nói mày đi bộ đội, vào miền Nam chiến đấu cơ mà! Sao bây giờ lại lôi thôi lếch thếch ở đây thế này?
          - Em bị thương, phục viên năm 1976 rồi!
          - Thế mày lên trên này làm gì?
          - Em lên đây làm thuê, vào rừng chặt củi bán lấy tiền nuôi vợ con ở nhà chứ còn đi đâu nữa, quê mình công điểm hợp tác cho vài lạng thóc sống thế quái nào được, anh lạ gì nữa mà lại còn hỏi…
          - Mẹ kiếp! Nhưng mày là bộ đội, là thương binh có công lao với đất nước cơ mà!
          - Công lao thì ăn thua gì, vài đồng phụ cấp thương binh chả đủ đút miệng chả đủ, còn vợ con nữa? Anh cứ như người ở trên trời rơi xuống ấy!
          Hắn bực, suýt nữa thì buột miệng nói: “Thì tao ngồi trong tù đến ngót chục năm rồi còn gì!”. Đang cũng ngớ ra hỏi lại:
          - Thế còn anh, lên tận biên giới này làm gì?
          - Thì cũng đi kiếm việc làm thuê như bọn chúng mày thôi!
          - Vậy thì đi theo bọn em! Em vừa nhận thuê đào hai cái giếng, san một cái nền nhà, đang thiếu nhân công.
          - Tốt quá, tao cũng đang chưa biết làm việc gì đây!
          - Đi thôi!
          Thằng Đang nói và kéo hắn đi theo bọn thanh niên. Nó có vẻ là chỉ huy của đám làm thuê. Cả bọn cúi gập người chui qua một cái lỗ hổng ở tường rào nhà ga ra bên ngoài.

*
          Bất ngờ gặp lại người làng khiến hắn chợt thấy nhớ quê đến thế.
          Nhà hắn ở giữa xóm. Mẹ hắn ngày ấy được đội sản xuất giao cho nuôi một con bò đực to khoẻ và rất hung dữ. Ngoài hắn chả ai dám đến gần. Khi đội sản xuất điều hoà sức kéo cũng chẳng ai muốn nhận con bò nhà hắn. Bởi nó hung hăng không khéo gãy cày, hỏng bừa mà lại có thể xảy tai nạn nếu lỡ bị nó húc phải. Con bò đực chỉ phục tùng mỗi mình hắn. Hắn chế tạo ra một bộ yên cương buộc vào lưng bò cưỡi như cưỡi ngựa. Cuối chiều, khi đám trẻ lùa trâu bò về chuồng thì hắn cưỡi con bò mộng nhong nhong một vòng ra thị trấn rồi mới quay về làng. Hắn ngồi trên lưng bò, lưng đeo dao, tay cầm cái roi dài trông rất oách.
           Đám trẻ choai choai như bọn thằng Đang rất thích hắn. Bởi lẽ hắn có tài kể chuyện. Hắn học dốt, thầy giáo kiểm tra ít khi thuộc bài. Nhưng những chuyện Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử, Hồng lâu mộng, Chinh đông, chinh tây... hắn đều thuộc làu làu. Chiều nào đi chăn thả trâu bò trong thung lũng đám thằng Đang cũng hong hóng chờ được nghe hắn đọc chuyện. Để được nghe chuyện, mỗi đứa phải nộp một bó cỏ thật non để cho con bò mộng của hắn ăn. Khi con bò mộng của hắn đứng ngập giữa đống cỏ, hắn mới bắt đầu kể chuyện. Giọng hắn lúc trầm, lúc bổng, lúc ngân nga. Hắn đọc làu làu từng chương, hồi trong Tam quốc diễn nghĩa mà chẳng cần mở sách. Hôm nào cũng vậy, hắn chỉ đọc đúng ba chương. Đám trẻ chăn trâu đứa nào cũng xuýt xoa, tiếc rẻ, mỗi khi hắn kết thúc buổi đọc truyện bằng câu: "Muốn biết chuyện ra sao, xem hồi sau sẽ rõ!".
          Công điểm ít, thu nhập thấp nên mẹ con hắn thường xuyên bị thiếu ăn. Hắn ăn rất khoẻ, mỗi bữa phải năm sáu bát cơm đầy mới tạm no. Ngày ấy ăn uống thiếu thốn, chỉ có rau muối nên phải tăng chất gạo, chất xơ như khoai sắn chêm thêm vào dạ dày mới đỡ được những cơn đói cồn cào. Túng thì làm liều, đói đầu gối phải bò. Cũng như tất cả mọi người, hắn nghĩ ra mọi cách để ăn cắp của hợp tác xã. Đến đêm, chờ khi đám thanh niên trục lúa xong, vun thóc đánh đống giữa sân kho rồi về nhà ngủ thì hắn mới ra tay. Hắn bò vào sân kho của hợp tác xã với một chiếc bao tải to. Hắn dùng tay vun thóc nhồi đầy một bao tải rồi kéo lê chui qua bờ rào vác về nhà. Mấy lần đều trót lọt. Nhưng “đi đêm lắm ắt có ngày gặp ma”. Một đêm, hắn vừa lôi được cái bao tải thóc ướt còn lẫn cả rơm qua cái lỗ thủng hàng rào nhà kho thì bị bắt. Hai cái gậy tre đực cắm phập xuống đất kẹp chặt lấy cổ hắn. Hai ông bảo vệ đứng sừng sững hai bên. Một ông quát:
          - Quân chuyên ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa. Lần này thì đừng hòng mà chạy thoát nhé!
          - Gô cổ nó lại dẫn lên công an xã...
          - Hai ông bảo vệ buông gậy để đè trói hắn lại. Khi hai cây gậy vừa nới lỏng ra thì hắn cong người bật dậy. Chỉ bằng một động tác quét chân, một ông bảo vệ đã lộn nhào xuống mương nước. Ông kia vừa sáp đến thì trúng luôn một đạp vào bụng. Hắn phá chạy. Tiếng kêu cứu thất thanh. Dân làng đổ ra. Đèn đuốc sáng rực. Mọi người nhanh chóng kéo ông đang lóp ngóp dưới mương lên. Tang vật là cái bao tải lèn đầy thóc bỏ lại được đưa vào sân kho. Mọi người nhận ra ngay chủ nhân của chiếc bao tải đay ấy. Tên mẹ hắn viết bằng sơn đen to tướng trên bao tải. Ngày ấy chiếc bao tải cũng là một loại tài sản của nông dân. Nó cũng như những cái cày, cuốc, thúng, mủng, nong, nia. Nhà nào cũng ghi tên, đánh dấu để khỏi lẫn, khỏi mất.
         Thế là chả khó khăn gì, công an xã cũng tóm cổ được kẻ ăn trộm thóc. Hắn bị bắt khi đang bới sắn trên mương. May bận ấy xã chỉ cảnh cáo, hợp tác xã do đã thu hồi được bao thóc tang vật trả về kho nên chỉ phạt nhà hắn mấy chục công.
          Hắn nhớ một lần có đoàn văn công tỉnh về biểu diễn ở xã. Trước giờ mở màn, ông chủ tịch xã lên diễn thuyết một thôi một hồi về tình hình chiến sự ở miền Nam, về thành tựu phát triển kinh tế xã hội của miền Bắc, kêu gọi toàn dân xã hăng hái thi đua lao động sản xuất, tòng quân giết giặc lập công và phổ biến nghị quyết công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, xây dựng hậu phương lớn vững mạnh chi viện cho tiền tuyến lớn đánh giặc.
          Lúc vở diễn bắt đầu thì có người chợt thoáng thấy hắn lảng vảng hai bên cánh gà. Khi vở chèo cổ đang cao trào thì đột nhiên sâu khấu ngả nghiêng, phông màn từ từ đổ ụp xuống. Dây điện đứt, chập điện tóe lửa bén vào phông màn cháy lem lém. Trên sân khấu, đám vua quan đang thiết triều bàn chính sự thảy đều hoảng hốt bỏ cả ngai vàng, vứt cả vương miện, mũ mão, ấn kiếm chạy tán loạn. Vua chẳng kịp chờ quân thần hộ giá vội nhảy vọt ra khỏi sân khấu thoát thân. Sát ngay gần sân khấu là chỗ ngồi của đại biểu lãnh đạo các ban ngành trong xã cũng nhốn nháo, mạnh ai, nấy chạy.
          Sau khi sân khấu ụp đổ hoàn toàn, công an, bảo vệ mới tìm ra nguyên nhân là các dây chằng đều bị cắt đứt. Ông chủ tịch xã lúc này mới hoàn hồn lên giọng ra lệnh:
         - Tóm cổ ngay thằng Lỗi. Nhất định chỉ có nó là gây ra chuyện này!
         - Rõ! - Đám công an, bảo vệ bủa đi tìm hắn.
          Nhưng hắn đã mất hút. Lúc người ta dựng lại được rạp, căng lại phông màn để tiếp tục biểu diễn thì tìm mãi không thấy vương miện và bảo kiếm của vua đâu. Thì ra nhân lúc nhốn nháo, hắn lao ngay lên sâu khấu chộp luôn chiếc vương miện và thanh bảo kiếm của nhà vua rồi chuồn mất.
          Hôm sau, khi hắn đang cưỡi bò, đầu đội chiếc vương miện lóng lánh toàn là vàng, ngọc giả, tay múa kiếm trên khu đồi cây cho đám trẻ chăn trâu xem thì bị bắt. Người ta thu hồi vương miện và thanh bảo kiếm trả lại cho đoàn văn công. Lần này, hắn được giao cho công an huyện xử lý. Hắn bị phạt lao động công ích một tháng rồi được tha về.
         Nhớ lại chuyện vui buồn ấy khiến hắn cứ nao nao nghĩ về làng, về mẹ…
            (hết phần 6)                                      Hà Nội, tháng 2-2011
  

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Truyện ngắn CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 5)

         
Chuyện đời hắn
Truyện ngắn của Trọng Bảo

         Hắn nằm im, nhịp thở đều đều như có vẻ đã ngủ ngon. Đêm đầu tiên ở trại tù yên tĩnh hơn ở các nhà tạm giam mà hắn đã từng trải qua. Ở các nhà tạm giam thường là có rất nhiều loại nghi can, nghi phạm chưa thành án, chưa rõ tội danh, đang ở giai đoạn điều tra. Loại có tội, loại vô tội bị bắt oan đều bị tống vào trong nhà tạm giam một thời gian theo luật để phục vụ cho việc lấy khẩu cung định tội hay giải oan vô tội. Do đó cũng có nhiều chuyện xảy ra bất ngờ. Hắn còn nhớ hôm ở trại tạm giam của công an thị xã có một thằng nghiện nặng nửa đêm lên cơn thèm thuốc sùi bọt mép, mắt trợn ngược lao đầu vào tường giãy chết đành đạch làm cả bọn bị một phen khiếp đảm. Lại có lần một thằng lưu manh bị dân bắt quả tang tẩn cho tơi tả, công an lại trần thêm cho một chập rồi tống vào nhà tạm giam. Nó nằm ngay cạnh một anh giáo viên bị bắt do “quan hệ bất chính” với vợ người khác. Bị đánh đau trúng chỗ hiểm đến đêm thằng này nghẻo luôn, sáng hôm sau mới biết. Khốn nạn anh giáo viên nằm cạnh bị công an đổ riệt cho là đã bóp cổ chết thằng lưu manh này. Thế là anh ta tội chồng thêm tội.
         Bây giờ thành án vào nhà tù hẳn hoi không phải là tạm giam nữa hắn có vẻ yên tâm hơn nên có vẻ ngủ ngáy rất ngon lành.
         Đêm đã khuya. Tiếng tắc kè trên núi kêu thong thả từng tiếng một như cố xua tan cái tĩnh mịch của một miền rừng âm u. Thằng đại ca “quản lý thị trường” giở mình ậm è. Hắn chưa ngủ. Thằng tù mặt chuột nằm ở góc nhà nhẹ nhàng nhỏm dậy. Nó lần tay vào một khe nứt nhỏ trên tường rút ra một mảnh thuỷ tinh dài độ hơn ngón tay. Đoạn nó nhẹ nhàng lần tới chỗ hắn - thằng tù mới đến chiều nay đang nằm. Ánh đèn điện chui qua chấn song sắt soi gian nhà tù sáng nhờ nhờ. Thằng đại ca cũng ngồi dậy lần đến. Đôi mắt ti hí của hắn chớp chớp. Thằng tù mặt choắt gật gật đầu, tay giơ mảnh kính lên. Rồi nhanh như cắt nó toài người chồm lên chỗ hắn đang nằm. Mảnh kính sắc cạnh, nhọn hoắt trên tay nó nhằm vào cái ngực trần đang phập phồng thở.
          Nhưng mảnh kính trên tay thằng tù mặt chuột chưa chạm được đến ngực của hắn thì cả người nó đã bị đạp bật trở lại. Hắn vùng dậy nhanh như một con báo đang nằm phục con mồi. Một cú đấm như trời giáng khiến thằng tù mặt choắt bắn văng ra phía cửa. Tất cả bọn tù đang ngủ đều lồm cồm ngồi dậy. Thằng đại ca “quản lý thì trường” vội nhảy trở về chỗ nằm của mình. Thằng tù mặt chuột sợ co rúm người lắp bắp:
         - Tha… tha… cho em… không phải em…
         - Mày định giết tao thì tao sẽ cho mày chết luôn…
         Hắn gầm lên và lao đến chỗ thằng tù mặt chuột. Thằng này quỳ sụp van lạy như tế sao:
         - Không phải… tha… tha… cho em… là lệnh của đại… đại ca…
         Giật mảnh kính trên tay thằng tù mặt chuột, hắn đưa mảnh kính lên ngang tầm mắt soi qua ánh đèn điện rọi qua khe cửa vào xem xét. Đột nhiên hắn gầm lên một tiếng tựa như tiếng thú dữ lên cơn cuồng loạn khi bị săn đuổi đến đường cùng. Bọn tù giật mình chưa kịp hiểu vì sao hắn lại gầm lên một cách dữ tợn thế thì hắn đã lao đến chỗ thằng đại ca “quản lý thị trường”. Và cũng chưa thằng tù nào kịp phản ứng thì đã thấy hắn một tay cầm mảnh kính vỡ, một tay cầm cái tai ròng máu đi ra giữa phòng giam. Trong khi ấy thì thằng đại ca “quản lý thị trường” ôm cái đầu be bét máu lăn lộn gào rống lên thảm thiết.   
          Ngoài cửa có tiếng chân chạy rầm rập. Quản giáo, giám thị lao đến rất đông. Đèn điện bật sáng trưng. Tiếng mở khoá xoang xoảng. Hắn vẫn đứng giữa phòng giam, tay cầm cái tai đang rỏ máu. Bọn tù trong phòng run cầm cập, mặt mũi xám ngoét. Ngay lập tức hắn bị còng tay. Thằng đại ca “quản lý thị trường” được băng bó cấp cứu. Quản giáo cũng thu hồi ngay mảnh kính và cái tai bị cắt đứt. Nhưng ngày ấy họ cũng chỉ cầm máu cho thằng đại ca thôi chứ cũng không đưa đi bệnh viện để phẫu thuật ghép lại cái tai đứt cho nó.
          Sau khi lập biên bản, hắn bị tống luôn vào biệt giam. Hắn phải nhận thêm thời hạn tù vì tội hành hung, cố ý gây thương tích cho người khác. Hắn không ân hận. Hắn chỉ nghĩ nếu mình không cảnh giác thì đêm ấy đã mất mạng rồi. Cuộc đời khốn nạn đã cho hắn bài học của sự tỉnh táo và cảnh giác để không bị nạn trong nhũng tình huống bất ngờ. Hắn chỉ tiếc là chưa gặp lại cái thằng oắt con buôn bán thuốc phiện ở nhà ga. Nếu gặp nhất định hắn sẽ cắt phéng luôn cả hai cái tai của nó ném cho chó ăn. Sau này mỗi lần đi lao động chung với cả đám tù nhân cải tạo ở Trại Chuối hắn đều để ý tìm thằng oắt con ấy. Song hắn đã không tìm thấy nó. Hắn không biết trong một trận bọn Mỹ dội bom vào khu trại giam thằng oắt ấy bị thương nặng. Nó được các cán bộ, quản giáo trại giam tận tình cứu chữa, có người còn tiếp cả máu cho nó nữa. Có thể vì lý do đó mà nó cảm động, nghĩ lại. Nó đã khai báo lại chuyện buôn bán thuốc phiện. Nhất là việc đổ oan cho người thanh niên làm thuê bốc vác tên là Lỗi ở nhà ga.
          Do thằng buôn thuốc phiện khai lại nên hắn được thay đổi mức án. Hắn chỉ còn phải tù việc hành hung gây thương tích trong trại giam. Nhưng hắn cũng đã ở trong tù đến hơn bảy năm rồi còn gì.
          Hắn ra tù thì đất nước đã hoà bình. Hắn lần về quê rồi lại lần ra ga tàu. Mẹ hắn đã mất khi hắn đi tù được ba năm. Ở quê hắn chả còn ai thân thích. Hắn tìm ra mộ mẹ thắp mấy nén hương rồi đi. Mấy ngày vạ vật ở chỗ nhà ga cũ hắn để ý tìm nhưng cũng không gặp lại người đàn bà tên là Miến ngày nào. Bom đạn của bọn Mỹ đánh phá tan tành khu nhà ga cũ. Ở trên nền ga cũ người ta đang xây dựng lại một nhà ga mới to đẹp hơn rất nhiều.
          Hắn lại tiếp tục nghề bốc vác thuê kiếm tiền nuôi thân. Hắn vốn là người lương thiện nhưng thời thế đã biến hắn thành một người bất thiện. Năm tháng trong tù hắn đã thay đổi khá nhiều. Tuy vậy bây giờ hắn không muốn mình mãi là kẻ ác. Hắn chỉ muốn kiếm tiền nuôi thân trong những ngày khốn khó sau chiến tranh này thôi.
*
          Đang đếm nắm tiền vừa được trả công bốc vác thì có ai đá vào lưng hắn. Cú đá khá mạnh khiến hắn đau nhói ở mạng sườn. Hắn quay phắt lại. Có ba thằng thanh niên đứng sừng sững ngay sau lưng hắn. Thằng có cái đầu bù xù hất hàm:
          - Thằng già ở đâu đến mà dám làm ăn ở địa bàn của chúng tao hả?
          Gã đứng bật dậy:
          - Thế chúng mày là bọn nào! Địa bàn nào là địa bàn của chúng mày?
          - Khu vực nhà ga này chứ còn chỗ nào nữa hả! Chúng tao quản lý toàn bộ khu này. Ai đến làm ăn, hoạt động ở đây phải được phép của bọn tao…
          - Phải xin phép chúng mày á?
          - Đúng thế! Muốn làm ăn ở đây phải được phép của chúng tao và phải “nộp thuế” hàng ngày cho chúng tao.
          - Thế tao đéo nộp thì sao?
          Gã bắt đầu thấy nóng mặt. Thằng đầu bù trợn mắt:
          - Thế thì biến khỏi chỗ này ngay!
          - Tao không biến thì sao mà tao khuyên chúng mày nên biến khỏi chỗ này thì hơn…
          Nói xong hắn cố nén giận ngồi xuống. Hắn không muốn gây gổ nữa đánh nhau nữa. Nhưng ba thằng thanh niên không để hắn yên. Một thằng tung trưởng phóng một cú đá thẳng vào mặt hắn. Nhanh như cắt, hắn né người vung tay chém chéo vào đùi nó một nhát thật mạnh. Thằng này ngã lăn ra đất kêu la ầm ĩ. Hai thằng còn lại lao vào. Thằng có mái tóc bù xù vung con dao chọc tiết lợn lên. Hắn tránh lưỡi dao và cũng rất nhanh tóm được cổ tay cầm dao của nó vặn mạnh. Có tiếng xương gãy răng rắc. Nó bị hắn giật tay mất đà ngã sấp xuống nền nhà.
          Hắn tước được con dao của thằng đầu bù xù và đè nghiến nó xuống nền nhà ga. Tỳ lưỡi dao vào bàn tay của nó, hắn gằn giọng:
          - Mày có biết tao là ai không! Trong tù tao đã cho một thằng cụt tai, một thằng mất hai ngón chân đấy. Hôm nay tao sẽ cho mày không còn một ngón tay nào để cầm đũa ăn cơm nữa…
          Thằng đầu tóc bù xù sợ quá van xin rối rít. Trong đám người đang đứng chứng kiến cảnh đánh nhau có ai đó nói to: “Mấy thằng này chuyên trấn lột bà con buôn bán, làm thuê ở nhà ga đấy cứ đánh chết mẹ hết chúng nó đi!”.
            (hết phần 5)                                       Hà Nội, tháng 2-2011

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Truyện ngắn CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 4)

        
Chuyện đời hắn
Truyện ngắn của Trọng Bảo

       Thế là hắn lâm vào vòng tù tội. Tàng trữ, buôn bán thuốc phiện là một trọng tội. Hắn cố bào chữa cho mình nhưng lời khai của thằng oắt con đã là một bằng chứng khó chối cãi. Tang chứng, nhân chứng, vật chứng rành rành. Thế là đã đủ cho hắn đi tù mọt gông rồi.
        Hắn được đưa về khu cải tạo Trại Chuối dưới chân núi Tam Đảo. Ngồi trên cái xe chở phạm nhân tối bịt bùng hắn thấy trong lòng đầy sự bất mãn, chán chường. Hoá ra cuộc đời con người cũng chẳng ra làm sao. Con người có thể vươn lên đỉnh cao của sự vinh quang, cũng có thể trôi tuột xuống vũng sâu của bùn đen, phân rác. Ranh giới giữa cái thiện và cái ác thật mỏng manh. Hắn vốn là người lương thiện và vẫn luôn cố giữ mình là người lương thiện. Nhưng cuộc đời đã xô hắn xuống cái hố sâu của tội lỗi một cách bất ngờ như thế. Hắn đã cố quẫy đạp để ngóc đầu dậy, để vượt lên miệng hố nhưng không thể được. Trong bối cảnh thời chiến, khí thế ra trận tưng bừng, khẩu hiệu cách mạng hô vang từng đường làng, ngõ phố thì chỉ cần một vẩn vết, một sai phạm nhỏ cũng không thể nào chấp nhận. Thế mà hắn lại vướng vào một chuyện tày đình. Cái án mười bảy năm tù, đúng bằng tuổi đời của hắn. Càng nghĩ hắn càng thấy thật bất công và khủng khiếp. Tương lai phía trước của đời hắn là một màu nhem nhuốc, xám xịt và vô định.
        Chiếc ô tô chở tù lao xuống ổ gà. Một cú xóc mạnh làm đầu hắn lao lên trần xe khiến hàm răng hắn cắn luôn vào lưỡi đau điếng. Hắn nhổ toẹt một bãi nước bọt lẫn máu tươi xuống sàn xe. “Mẹ kiếp! Cuộc đời mình đúng là chó má thật! - Hắn nghĩ: - Cuộc đời xô đẩy mình thành một thằng tù thì ông sẽ làm một thằng tù thật sự xem sao!”.
        Tiếng khoá mở cửa xe loảng xoảng. Tiếng người công an dẫn giải tù nhân quát:
        - Xuống xe!
        Hắn nhảy xuống xe. Ánh nắng mặt trời loá chói cả mắt. Hắn giơ bàn tay lên che mặt. Định thần, hắn thấy mình đang đứng giữa một khu trại giam xung quanh những bức tường xây bằng đá hộc cao đến bốn năm mét. Phía trên tường là dây thép gai chăng dày như mạng nhện. Hắn được dẫn vào một khu nhà tù rất kiên cố. Chắc đây là nơi giam giữ những loại tù nhân nguy hiểm.
        Lại là tiếng mở khoá cửa loảng xoảng. Người dẫn tù đẩy hắn vào một phòng giam khá rộng, tối lờ mờ giống như trong một cái xe chở tù khổng lồ. Tiếng khoá đóng sập cửa. Hắn còn chưa nhận rõ mặt những người tù ở trong phòng thì đã nghe một tiếng dằn giọng:
        - Thằng mới đến kia! Lại ra mắt trình diện “đại ca” đi! Nhanh… lên… còn chần chừ gì hả?
        Hắn nhướng mắt lên nhìn. Ngồi trên cái bệ bằng xi-măng làm giường ngủ là một thằng mặc độc cái quần đùi, đầu trọc lốc, mắt trắng dã đang gườm gườm nhìn hắn. Bảy tám thằng khác khoanh tay đứng dưới đất phía trước thành hai hàng hai bên nhác trông như các quan đang đứng hầu vị vua của mình.
        Chợt nhớ đến những chuyện khủng khiếp trong tù mà hắn vẫn nghe kể, hắn nhẫn nhịn tiến đến trước mặt cái thằng đang ngồi lù lù trên bệ xi-măng cúi đầu:
        - Em mới đến nhập trại! Em xin kính chào “đại ca” ạ!
        - Hừm…
        Thằng tù mặt choắt như mặt chuột đứng bên phải trừng mắt:
        - Quỳ xuống rồi trình lễ vật ra mắt lên…!
        Hắn thấy nóng mặt nhưng vẫn cố nén. Hắn ngước nhìn thằng “đại ca” và chợt giật mình thấy nó có vẻ quen quen. Hình như hắn đã gặp thằng này ở đâu rồi thì phải. Hắn cố nhớ nhưng vẫn chưa nhớ ra nó là thằng nào.
        - Quỳ xuống!
        Thằng mặt chuột đứng bên phải lại quát. Gã nghiến răng:
        - Không quỳ, mà tôi cũng chả có lễ vật gì sất…

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Truyện ngắn CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 3)

            
Chuyện đời hắn
Truyện ngắn của Trọng Bảo

         Thế là hắn đã biết “mùi đời”. Mười bảy tuổi hắn trở thành đàn ông. Người đàn bà đã giúp hắn trở thành một người đàn ông, đã cho hắn nếm đầy đủ “mùi đời” là thế nào. Đêm ấy tại vườn chuối ếch nhái côn trùng bị một phen kinh hãi im lặng phắc không dám kêu gì khi người đàn bà và gã quần thảo nhau. Hai người làm gãy đổ cả một cây chuối đang đeo buồng sắp chín.

    Sau cái đêm ấy hắn đâm ra nghiện. Hắn chợt hiểu hoá ra ở đời còn có một thứ nghiện hơn cả nghiện thuốc lá, thuốc lào và kể cả thuốc phiện nữa. Họ làm việc ấy thường xuyên với nhau. Người đàn bà có kinh nghiệm còn hắn lại có sức khoẻ nên mọi lần đều mỹ mãn. Nhưng rồi hắn cũng thấy thấm mệt. Hắn đã phải làm việc quần quật cả ngày bốc vác hành hoá lên xuống tàu, đến đêm lại bị người đàn bà quần thảo hút hết cả sức lực. Trong khi đó ăn uống lại thiếu thốn nên ngày mỗi ngày hắn càng hốc hác mãi đi. Nhưng thói đời là vậy, có những cái chán rồi lại thèm, khó mà dứt bỏ được.        
          Chiến tranh ngày càng căng thẳng. Máy bay Mỹ nhiều lần đánh phá ác liệt vào khu nhà ga. Tuy thế những chuyến tàu đêm vẫn đông. Hành khách đi tàu và cánh buôn chuyến vẫn phải đối mặt với nguy hiểm. Ngày chiến tranh có lẽ phương tiện tàu hoả là thuận lợi nhất. Người đi tàu thường chỉ đến ga trước lúc tàu qua vài phút rồi đi luôn, ít người nấn ná nơi trọng điểm ném bom này. Chỉ có bọn làm thuê như hắn là bất chấp. Máy bay Mỹ lượn lờ trên đầu hắn vẫn nằm thẳng cẳng trong nhà ga ngủ ngon lành. Chỉ khi nào bị xua đuổi hắn mới rời đi ra dãy phố vắng vẻ phía trước ga.
         Một tối mùa đông giá lạnh. Hắn đang nằm ngủ ở góc nhà đợi tàu thì có một thằng chui vào. Hắn cáu kỉnh:
         - Mày là thằng nào mà chui vào chỗ của tao hả?
         - Cho em ngủ nhờ với! Rét quá! Em cũng là cánh làm thuê như anh…
         - Mày mới đến à?
         - Vâng! Em làm ở ga Hàng Cỏ, nhưng mấy hôm nay tình hình dưới đó căng quá nên em phải dạt lên đây!
         - Hừ… toàn là dân khố rách áo ôm cả… - Hắn lẩm bẩm và nhích vào sát tường cho thằng này nằm cùng: - Thế mày quê ở đâu?
         - Em ở Hoà Bình!
         - Sao phải đi làm thuê?
         - Bố mẹ em mất cả rồi! Em lang thang ở Hà Nội bán báo, đánh giày rồi đi làm thuê, thế thôi…
         Nó trả lời quấy quá rồi ngáy khò khò. Sáng ra khi tiếng còi tàu hàng hú lên, hắn bừng tỉnh thì đã không thấy thằng oắt con nằm bên cạnh đâu nữa. “Chắc nó có mối làm ăn rồi!” - Hắn nghĩ. Thằng này thoắt ẩn, thoắt hiện. Có khi nó biến mất mấy ngày rồi mới lại thấy mò về. Mỗi lần đi lâu về nó đều mời hắn đi ăn. Bữa nào cũng kha khá, có thịt cá đủ gắp và cả rượu nữa. Hắn hỏi thì nó bảo có người thuê gánh và theo tàu bảo vệ hàng nên cho nhiều tiền.
         Một bữa người đàn bà gọi hắn đi ngay từ chập tối. Hắn ngạc nhiên hỏi:
         - Đến mười một giờ đêm tàu Lạng Sơn mới về cơ mà!
         - Hôm nay Miến nghỉ…
         Người đàn bà nói trống không. Hắn hiểu tức là hôm nay hắn sẽ “làm việc” khác chuyện bốc vác hàng hoá lên xuống tàu.
         Người đàn bà dẫn hắn vào một quán ăn trong phố. Nhiều món ăn ngon. Có cả món “hoắc dương” gì đó mà ông chủ quán nói là rất bổ. Ăn uống xong hai người leo lên một cái gò hoang giữa cánh đồng. Người đàn bà rải tấm ni-lông ra bãi cỏ. Chị ta trút bỏ quần áo. Dưới ánh trăng trung tuần vằng vặc trông chị ta như một bức tượng sáp. Hắn chợt nhớ đến cảnh nhìn trộm hôm chị ta tắm. Đây là lần thứ hai hắn được chiêm ngưỡng tác phẩm tuyệt vời của tạo hoá một cách gần đến thế. Hắn nhớ những lần quan hệ với nhau đều lén lút, vội vã, khi thì ở vườn chuối tối om om, khi thì ở góc nhà trọ không dám thắp đèn sợ ai biết. Có lần hai người còn mặc nguyên cả quần áo làm việc ấy trên nóc toa tàu hay ở góc sân ga. Hôm nay trên khu gò hoang này họ thấy thật tự do. Mặc cho tiếng máy bay Mỹ thỉnh thoảng lại xèn xẹt trên đầu như sắp bổ nhào xuống ném bom hắn và người đàn bà vẫn đắm đuối ngắm nghía nhau, nâng niu, vuốt ve mơn trớn nhau và cuối cùng là quấn thật chặt vào nhau như hai con rắn đến chu kỳ động dục.
        Hắn và người đàn bà chỉ rời nhau khi đã xâm nhập vào nhau đến tận cùng và bung toả đến tận cùng.

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Truyện ngắn CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 2)

              
Chuyện đời hắn
Truyện ngắn của Trọng Bảo

 Đang lim dim nửa ngủ, nửa thức thì hắn nghe tiếng gọi:
 - Bê cho chị mấy bao hàng lên tàu xuôi Hà Nội
             - Vâng... vâng...
           Hắn đáp và co người bật ngay dậy như một con sâu đo. Dẹp cái chăn chiên cáu bẩn vào góc nhà ga, hắn theo người đàn bà ra sân ga. Tàu xuôi chưa đến nhưng đã có nhiều người đứng lố nhố trên sân. Nhà ga phòng không nên chỉ có ánh đèn lờ mờ.
Đã nửa đêm, trời cuối thu hơi lành lạnh. Hắn theo người đàn bà băng sang bên kia đường ray. Sân ga khai khăn khẳn mùi nước giải. Có một bóng người ngồi xổm ngay giữa đường tàu. Tiếng nước xả xè xè xuống đất.
Người đàn bà đến chỗ hai người đang đứng cạnh mấy cái bao tải hỏi nhỏ:
- Bao nhiêu?
- Hai tạ chị ạ!
- Thế còn chè?
- Năm cân rưỡi!
- Sao ít thế?
- Dạo này hợp tác xã quản lý chặt lắm chỉ có bấy nhiêu thôi...
- Thôi thế cũng được! Đây là một nửa tiền, tối mai mang tiếp hàng ra rồi nhận nốt nhé!
- Vâng!
Tiếng đếm tiền loạt soạt. Bóng hai người giao hàng nhanh chóng lẩn mất hút vào trong làn sương đêm dày đặc. Người đàn bà bảo gã vác mấy cái bao tải ra gần đường ray số 1, nơi tàu xuôi sẽ vào ga. Gã vừa nhấc cái bao tải vừa hỏi:
- Hàng gì thế chị?
- Sắn khô và chè sao! Cẩn thận đấy, thấy bọn thuế vụ hay công an là phải vác chạy thật nhanh đấy. Chúng nó mà tóm được là lỗ vốn hiểu không!
- Vâng ạ!
Hắn lẩm bẩm. Người đàn bà đe:
- Mà chú không được đánh nhau với bọn phòng thuế như lần trước đâu nhé. Chúng nó mà nhớ mặt thì chỉ có nước chết, không buôn bán, làm ăn gì được đâu. Hiểu không?
Nghe người đàn bà dặn, hắn cười khùng khục. Hắn nhớ lại cái cảnh thằng nhân viên thuế vụ bữa trước cố giằng cái bao tải ngô gã đang vác thuê nên bị hắn quay cho một vòng ngã bắn văng xuống vũng nước thải bẩn cạnh nhà ga. (Ngày bao cấp ngăn sông, cấm chợ các loại như thóc gạo, khoai ngô, sắn, chè khô đều là hàng hoá cấm buôn bán).
Đoàn tàu xuôi lừ lừ tiến vào ga. Hắn vác mấy bao tải lên tàu. Người đàn bà rút từ trong cái gói nhét ở cạp quần ra mấy đồng bạc đưa cho hắn và dặn:
- Tối mai nhớ giờ tàu ra ga đón hàng cho chị nhé!
Hắn gật đầu rồi nhảy xuống khỏi toa tàu chở hàng. Con tàu mệt mỏi hộc lên mấy tiếng rồi trườn ra khỏi nhà ga chui mất hút vào bóng đêm mù mịt. Hắn nhảy qua bức tường đổ ra phía ngoài nhà ga. Trở về chỗ vẫn nằm ngủ trong góc nhà chờ tàu hắn làm một giấc cho đến gần sáng. Hắn tỉnh giấc khi tiếng còi báo động có máy bay địch vang lên rền rĩ. Hắn đã quen với tiếng bom, tiếng đạn pháo cao xạ. Hắn chỉ chịu rời khỏi nhà ga khi công an, kiểm soát quân sự và đám tự vệ đeo băng đỏ xua đuổi. Đó là những lúc chuẩn bị có đoàn tàu quân sự sắp vào ga hay một đơn vị quân đội hành quân đến tập kết trên sân ga để chờ lên tàu hành quân vào miền Nam chiến đấu. Hắn rất mong được mặc bộ quần áo quân phục, vác súng ra trận như những người lính kia. Nhưng một thằng con hoang, lý lịch nhọ nhem như hắn thì ai người ta cho vào quân đội chứ.
Tối hôm sau hắn vào ga chờ chuyến tàu đêm đón hàng cho người đàn bà buôn chuyến. Chị ta vừa từ Nam Định lên với gần chục cái bao tải mỳ sợi và bột mỳ. Hàng được bốc lên một chiếc xe tải nhỏ. Người đàn bà vừa leo lên xe vừa dặn:
- Chốc nữa qua chỗ chị mà lấy tiền công nhé!
- Vâng... vâng...
Hắn ậm ừ rồi bước vội về phía cuối đoàn tàu. Hình như có tiếng người gọi gánh hàng thuê. Hắn làm quần quật cho đến nửa đêm mới xong việc. Mệt nhưng mà có việc làm, có người thuê là tốt, là có tiền. Hắn khoẻ như trâu nên có mệt mỏi một tý rồi lại hồi sức ngay.
Ăn một bát phở to có "người lái" (có thịt) hẳn hoi hắn lần bước về phía nhà trọ. Nói là nhà trọ thực ra là một dãy nhà kho cũ giữa khu vườn chuối um tùm của một cơ quan đi sơ tán được ngăn ra thành từng ô cho khách chờ tàu thuê trọ qua đêm. Đám dân buôn chuyến, bọn làm thuê, bốc vác hay kéo xe cải tiến ngoài ga cũng thuê nhà tại đây. Người đàn bà vẫn thuê hắn vác hàng có tiền nên thuê hẳn một gian rộng gần phía cánh đồng để ở và chứa hàng. Gã băng lối nhỏ qua vườn chuối đi về phía ria cánh đồng. Khu vườn chuối tối thui. Lũ ếch nhái côn trùng kêu rỉ rả. Hắn đi qua vườn chuối, nghe tiếng chân của hắn lũ côn trùng liền im bặt.
Đến gần đầu khu nhà trọ hắn thấy ánh đèn le lói và nghe tiếng nước dội ào ào ngoài góc sân sau nhà. Gạt mấy tàu lá chuối khuất tầm mắt ra hắn giật nảy mình thấy người đàn bà cởi trần nồng nỗng đang tắm. Nhà tắm chỉ là mấy tấm liếp che kín phía sân còn phía vườn chuối thì chỉ che lấp lửng ngang bụng. Người đàn bà đang quay lưng về phía hắn. Chị ta thong thả dội gáo nước lên vai rồi chậm rãi kì cọ. Hắn hoảng hốt đứng im như chết sau khóm chuối tiêu um tùm. Lần đầu tiên trong đời hắn nhìn thấy một người phụ nữ khoả thân mà lại gần đến như thế. Có lẽ từ chỗ hắn đang đứng đến chỗ người đàn bà đang tắm chỉ độ ba bốn mét. Hắn không dám thở mạnh. Tim hắn đập thình thịch như sắp nhảy ra khỏi lồng ngực. Đôi mắt hắn nhìn như hút vào bờ vai trắng mịn màng của người đàn bà. Hắn nín thở mỗi khi thấp thoáng nhìn thấy mảng ngực tròn tròn dưới cánh tay của người đàn bà.
Như vô tình, người đàn bà vặn to cái đèn bão đang treo trên vách nhà tắm và quay người lại phía vườn chuối. Chị ta giơ cao gáo nước lên để dội, miệng mỉm cười. Hắn suýt khụy xuống khi nhìn thấy cặp vú to căng tròn trắng muốt của người đàn bà ngoài ba mươi tuổi. Người đàn bà tủm tỉm cười, hai tay nâng nâng, vuốt ve mãi cặp vú nây nẩy của mình, đôi mắt nhìn bâng quơ ra phía vườn chuối tối om om. Chị ta đẩy dịch tấm liếp. Hắn nén hơi thở hổn hển khi nhìn thấy cặp đùi thon thả của chị. Hắn đang được chiêm ngưỡng một tác phẩm tuyệt vời của tạo hoá. Hắn mong cho thời gian dừng lại mãi.
Chợt có tiếng ầm ì từ phía biển. Hình như là tiếng tàu bay Mỹ. Có tiếng ai quát to: "Máy bay đấy! Tắt hết đèn đi". Những ánh đèn le lói trong khu nhà trọ vụt tắt. Người đàn bà vội vặn tắt ngọn lửa đang cháy trong chiếc đèn bão. Bóng chị ta mờ hẳn đi rồi biến mất trong bóng đêm. Hắn cố nghển đầu lên nhưng chả còn thấy gì nữa ngoài màn đêm đen bí ẩn. Nuốt ực một cái, hắn định quay về phía nhà ga thì có tiếng gọi nhỏ:
- Chú Lỗi đến rồi hả! Vào mà lấy tiền đi...
Hắn rẽ qua đám lá chuối khô sột soạt bước vào phía đầu khu nhà trọ. Người đàn bà đứng chờ hắn ngay ngoài hiên nhà. Tiếng ầm ì của máy bay địch đã lắng. Tiếng ếch nhái lại râm ran. Chị ta đẩy cánh của khép hờ rồi vặn to ngọn đèn dầu trên chiếc bàn nhỏ. Hắn theo người đàn bà bước vào gian nhà chất đầy những bao hàng. Lúc này hắn mới dám nhìn kỹ người đàn bà. Hắn chợt run lên. Chị ta chỉ mặc một bộ đồ ngủ mỏng manh, trong suốt. Qua ánh đèn hắn thấy rõ hai bầu vú của chị ta sau làn vải mỏng. Người đàn bà đưa trả tiền công bốc hàng cho hắn. Hắn cầm tiền và đứng dậy bước ra cửa. Người đàn bà theo hắn ra ngoài sân. Khu nhà trọ im lìm. Mọi người chắc đã ngủ cả rồi. Hắn ngạc nhiên thấy người đàn bà lặng lẽ đi theo hắn vào lối nhỏ qua vườn chuối. Hắn quay lại hỏi:
- Chị cũng ra ga luôn bây giờ để đón hàng hả?
Người đàn bà không trả lời hắn mà hỏi lại:
- Lúc nãy Lỗi thấy hết rồi hả?
Hắn lập bập:
- Thấy... thấy... cái gì ạ?
- Thấy... cái này này... của Miến này... (Miến là tên người đàn bà).
Chị ta vừa nói vừa nói vừa túm lấy bàn tay thô kệch của hắn áp vào ngực mình. Hắn loạng choạng suýt ngã và cảm thấy như­ sắp ngất đi khi bàn tay mình chạm vào một nơi mà hắn chưa bao giờ biết đến...
(hết phần 2)                                           Hà Nội, tháng 2-2011