Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Truyện thiếu nhi TIẾNG SÁO DIỀU

TIẾNG SÁO DIỀU 
Truyện thiếu nhi của Trọng Bảo 

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, bầu trời, đám mây, thiên nhiên và ngoài trời

Thằng Hạng mặt mũi đỏ căng, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại chạy đến gọi tôi:
- Lão Câm đã vác diều ra đồng rồi! Đi thôi mày!
Tôi buông con dao đang thái bèo nhớn nhác ngó vào bếp. Mẹ tôi đang lúi húi nấu cơm chiều. Tôi xua xua tay ra hiệu cho thằng Hạng nói nho nhỏ thôi kẻo mẹ tôi nghe thấy. Đoạn, tôi túm tay thằng Hạng, hai đứa chạy tuông ra đầu ngõ.
Một đám trẻ con, người lớn đang rồng rắn đi theo sau lão Câm. Lão mặc độc một cái quần đùi nâu. Chiếc diều sáo kềnh càng lão vác trên vai. Đi sau lão là anh Cu Bân vai khoác một cuộn dây diều được vót bằng tre dẻo và dai. Tôi và Hạng nhanh chóng nhập vào đoàn người đi thả diều. Đoàn người đi về phía Nam của cánh đồng vừa gặt. Những gốc rạ đâm vào bàn chân trần đau đau, nhột nhột. Gió nồm nam lồng lộng thổi từ ngoài sông Đáy thổi vào, qua cánh đồng làng còn đẫm mùi lúa chín.
Đến gần cuối cánh đồng, lão Câm giơ bàn tay lên trời như định hướng và kiểm tra độ mạnh của gió. Đoạn lão ra hiệu cho anh Cu Bân chuẩn bị “đâm” diều, tức là phóng con diều lên trời. Muốn “đâm” được con diều sáo nặng lên bầu trời phải là một người khoẻ mạnh. Đồng thời, người giữ dây diều cũng phải khéo léo, điều chỉnh dây lèo luôn căng và phải biết kéo “nhử” cho cánh diều đón được đủ gió bay lên bầu trời.
Anh Cu Bân là người khoẻ mạnh, hiền lành thường được lão Câm giao cho nhiệm vụ “đâm” diều. Dây diều được buộc chặt vào một gốc duối già mọc trên bờ ruộng hay ven làng. Khi chiếc diều sáo đã “ăn” hết cuộn dây dài, bay lên đủ độ cao, định vị trên bầu trời thì tiếng sáo cũng ổn định.
Tiếng sáo diều vi vu trên cao vang xa khắp làng quê. Những đêm trăng sáng ngồi ở sân nhà mình thấy chiếc diều bay ngang trên đầu và tiếng sáo âm vang vào tận trong nhà khiến lòng người luôn thư thái, bình yên.
*
Lão Câm là người rất quý trẻ con. Tên thật của lão là gì đám trẻ con chúng tôi không biết. Lão sống một mình trong căn nhà tre nhỏ ở tít phía sau làng. Vì lão không nói được nên cả làng gọi lão là lão Câm. Tuy lão bị câm nhưng đôi tai của lão lại rất thính. Khi làm sáo diều chỉ thổi thử vào lỗ sáo là lão biết tiếng của nó sẽ hay, hay dở. Khi diều đã lên cao, nghe tiếng sáo hình như lão biết là độ ẩm không khí cao hay thấp, biết gió đang đổi chiều, ngày mai trời sẽ mưa, hay nắng. Lão thường ú ớ khua tay ra hiệu nhưng người làng ai cũng hiểu.
Lão Câm hay giúp bọn trẻ con chúng tôi làm những chiếc diều nhỏ. Lão lựa thanh tre, vót, uốn làm khung và phết giấy dán cẩn thận như khi làm con diều sáo lớn. Những chiếc diều lão làm giúp chúng tôi bao giờ cũng bay cao nhất. Chúng tôi cũng hay giúp lão đi tìm tre để vót dây diều, làm ống sáo. Tre dùng để vót dây diều không được già quá dễ gãy, non quá lại yếu, hay đứt. Tuỳ theo kích cỡ của diều mà vót sợi dây tre to, nhỏ. Những sợi dây diều vót bằng tre được lão Câm cuộn thành vòng cho vào nồi đồng lớn luộc từ sáu đến bảy tiếng trở nên mềm dẻo và rất bền.
Làng tôi xung quanh bao bọc bởi những bụi tre. Tre quây quanh bờ ao, bờ ruộng. Những cây tre dùng làm dây diều phải thật thẳng, thưa mắt, vỏ vây xanh đều, không sâu, kiến, không cụt ngọn. Nhà nào có cây tre được lão Câm xin làm dây diều cũng lấy làm vinh hạnh. Họ giúp lão chặt tre rồi vác về tận nhà cho lão. Sáo diều cũng được làm bằng tre. Đó là ống của những cây tre già, loại tre đanh, chắc, thịt màu đỏ nâu, khi gặp mưa gió không bị nứt nẻ, khoét làm sáo diều tiếng ấm, vang, ngân nga tha thiết như ai đang thổi giữa trời.
Tiếng sáo diều của lão Câm là ấn tượng êm ái suốt thời thơ ấu của tôi. Nó như tiếng hát thanh bình của quê hương tôi ngày ấy. Lần cuối cùng tôi được nghe tiếng sáo diều của lão Câm là một buổi chiều đầu thu. Tôi đang chuẩn bị nhập ngũ. Hôm đó tôi đang giúp mẹ dọi lại mái nhà bếp thì nghe tiếng sáo diều đột nhiên lạc tiếng. “Diều bị đứt dây rồi” - Tôi thảng thốt nghĩ. Các cụ thường nói “Diều lên mỏi cổ, diều đổ mỏi chân”. Diều bị đứt dây có khi phải đuổi theo qua mấy cánh đồng mới tìm được chỗ nó bị rơi. Theo hướng cánh diều bay và tiếng sáo kêu lạc điệu, trẻ con, người lớn làng tôi ý ới gọi nhau đi “đuổi diều” (tức là đi tìm cái diều bị rơi). Tôi buộc vội mối lạt cuối cùng rồi lao ra cánh đồng.
Tôi cùng mấy người lớn và đám trẻ con đạp trên những gốc rạ, đuổi theo hướng chiếc diều đang cuốn theo đoạn dây đứt bay sang làng bên cạnh. Khi chúng tôi tìm được và hí hửng vác chiếc diều quay về thì ai đó chợt hỏi:
- Ơ! Lão Câm đâu rồi nhỉ?
- Lão ấy vẫn chạy phía sau cơ mà?
Chúng tôi ngơ ngác nhìn quanh. Lúc nãy thấy lão lật đật chạy theo, tôi còn bảo: “Lão già yếu rồi chạy theo làm gì, chúng cháu sẽ đưa chiếc diều về cho lão!”.
Chúng tôi quay về làng. Chợt lại nghe tiếng người kêu cứu ồn ào ở phía bờ ngòi, nơi có những lò gạch của hợp tác xã. Tôi vội chạy ra. Tôi rẽ đám người đang xúm xít ven bờ ngòi len vào. Tôi giật mình khi nhìn thấy lão Câm tóc tai rũ rượi nằm sõng sượt im phăng phắc. Thì ra mải đuổi theo cánh diều rơi lão đã sa chân ngã xuống một cái hố sâu hoắm ngập nước người ta đào lấy đất làm gạch. Lão Câm ú ớ kêu cứu. Nhưng tiếng lão không phải là tiếng người nên đám thợ đang đóng gạch ở gần đấy không chú ý. Khi người ta phát hiện ra thì đã quá muộn mất rồi.
Bao năm đã qua rồi, ngồi viết lại truyện này, tôi vẫn thấy văng vẳng bên tai tiếng sáo diều của lão Câm dìu dặt trên bầu trời quê hương ngày nào...
Hà Nội, 17-8-2009

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

Truyện thiếu nhi CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC

CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC
Truyện thiếu nhi của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: đám mây, bầu trời, ngoài trời và thiên nhiên


Trời đã tối từ lâu. Thằng Mẫn len lén quay về nhà. Trời thu se se lạnh. Đêm nay là trung thu mà mưa cứ rơi không dứt. Bầu trời xám xịt không thấy mặt trăng và chị Hằng ở đâu.
Qua khoảng sân nhỏ, bàn chân trần của thằng Mẫn giẫm vào những hạt cơm rơi vãi trên sân dính nhem nhép. Vào đến trong nhà, nó đứng lặng hồi lâu nhìn em gái đang nằm co quắp trên giường. Con bé vừa ngủ thiếp đi, vệt nước mắt còn hằn trên má. Ba gian nhà trống toang, trống toàng, quạnh quẽ. Mẹ nó vẫn đang lầm lũi nấu cám lợn dưới bếp. Còn bố nó giờ này chắc lại đang la cà ngoài quán rượu sau khi hất đổ mâm cơm của mấy mẹ con nó.
Thằng Mẫn lần trong túi áo lấy ra một tờ giấy bạc năm nghìn đồng. Nó gấp lại thật nhỏ đặt vào tay bé Mận rồi khẽ khẽ gập mấy ngón tay của em nắm lại giữ chặt để tờ giấy bạc khỏi rơi và đề phòng bố nhìn thấy. Bé Mận mơ ngủ gọi mẹ. Thằng Mẫn khe khẽ vuốt má em gái một cái rồi lách cửa đi ra.
Trong căn bếp nhỏ, bóng mẹ nó chập chờn méo mó in trên vách liếp. Nó muốn gọi mẹ một tiếng trước khi ra đi nhưng không dám. Nó sợ mẹ sẽ không cho nó bỏ nhà đi như thế.
Thằng Mẫn quyết rời quê ra thành phố kiếm tiền. Nó không thể chịu đựng được mãi cái cảnh bố nó suốt ngày say rượu, hành hạ mẹ và anh em nó. Trận đòn chiều nay của bố càng thôi thúc nó phải ra đi. Nó biết khi không tìm thấy nó, mẹ và em chắc sẽ hoảng sợ lắm. Nhưng ý chí của nó đã quyết. Nó cắn chặt môi lầm lũi bước ra cổng.
*
Chiều nay, đội dịch vụ thủy nông bơm hút nước hồ Chằm đổ lên đồng chống hạn. Khi nước hồ gần cạn, cả làng ào xuống hôi cá. Cá thả nuôi thì người ta đã vớt hết, hồ chỉ còn lại một ít cá hoang. Đám đông quần thảo mò cá làm bùn sục ngầu lên. Lũ cá rô, cá trạch, cá trê ngoan cố chui sâu dưới bùn cũng phải ngoi cả lên. Thỉnh thoảng, một con cá bị dồn đuổi giẫy đành đạch là cả đám đông lại hò hét ào đến tranh cướp nhau. Ai nấy đều lấm lem bùn đất. Thằng Mẫn bất ngờ tóm được một con cá quả to. Con cá giẫy đành đạch. Đám người xông đến. Thằng Mẫn bị xô đẩy, đạp ngã dúi dụi úp mặt xuống bùn. Nhưng nó kiên quyết không chịu buông con cá. Ngón tay cái của thằng Mẫn thọc vào miệng con cá quả, ngón chỏ móc vào mang nó giữ chặt. Răng con cá nghiến vào ngón tay nó đau điếng. Có tiếng người quát:
- Thằng Mẫn bắt được con cá rồi! Để cho nó đem lên bờ.
Mọi người bấy giờ mới chịu tản ra tiếp tục mò cá. Thằng Mẫn như vừa chui lên từ bùn đất. Quần áo nó sũng bùn. Nó ôm con cá quả lao lên bờ. Con cá có dễ phải đến hai cân. Nó giẫy giụa làm ngón tay thằng Mẫn bật máu.
Con cá ấy thằng Mẫn bán được năm mươi nghìn đồng. Nó vui lắm. Thế là ngày mai sinh nhật bé Mận, nó sẽ có tiền mua cho em một bộ quần áo mới. Mai lại đúng là phiên chợ, nó sẽ dẫn em gái ra thị trấn. Bé Mận thích bộ quần áo nào, Mẫn sẽ mua cho em bộ đó. Bộ quần áo trẻ con chỉ khoảng ba, bốn chục nghìn. Nếu còn thừa tiền nó sẽ mua kem hai anh em cùng ăn. Hay là sẽ mua cho em một cái váy. Bé Mận đang học mẫu giáo. Hôm trước, đi học về nó phụng phịu nói với anh: “Em không có váy, nên cô giáo ứ cho vào tốp múa!”. Thằng Mẫn thương em lắm. Từ khi mới sinh ra em đã chịu khổ. Mẹ đau ốm thiếu sữa. Bố thì mất việc lại ra vào rượu chè, nghiện ngập lấy đâu tiền mua quần áo đẹp cho các con. Bé Mận chưa được một ngày sung sướng. Còn nó - thằng Mẫn nghĩ - nó dù sao thì cũng có những ngày vui vẻ, đủ đầy. ấy là khi bố nó đang còn là công nhân kỹ thuật cao của một công ty liên doanh với nước ngoài. Cái công ty ấy có một nhà máy to ở ngay đầu làng, chuyên sản xuất các loại ti-vi, tủ lạnh. Bó nó lương cao. Mẹ nó là giáo viên trường tiểu học. Thằng Mẫn được chiều chuộng, nâng niu. Quần áo chưa cũ đã bỏ. Giầy dép chưa mòn đã cho. Khi còn học lớp mẫu giáo nó muốn gì được nấy. Học lên cấp một, nó được bố mẹ đón đưa, mỗi lần đạt điểm giỏi đều được thưởng tiền.
Nhưng rồi nhà nó dần dần sa sút. Sa sút ấy lại bắt nguồn chính từ sự đủ đầy, tăng trưởng. Cái công ty liên doanh sản xuất ti-vi, tủ lạnh càng làm ăn phát đạt, doanh thu, lãi xuất ngày càng cao. Tất nhiên, lương thưởng của công nhân cũng tăng lên. Dần dần người ta quên đi những đồng tiền Việt lẻ. Những tờ trăm, tờ chục USD cũng trở thành quen quen trong ví người Việt Nam. Khi đời sống kinh tế phát triển ắt xuất hiện các loại dịch vụ. Dịch vụ từ thị trường công cộng tiến dần vào tư gia. Dịch vụ thường là tốt. Nó làm cho cuộc sống con người khá hơn, tốt hơn, nhàn hạ hơn, hoàn thiện hơn. Nhưng cũng có những loại “dịch vụ” thì lại làm cho con người ta suy đốn, đời sống xã hội lụi tàn đi.
Chung quanh cái nhà máy nửa xã hội chủ nghĩa, nửa tư bản chủ nghĩa đầu làng xuất hiện nhiều loại dịch vụ mà người nông dân lần đầu tiên mới được biết. Đó là các loại dịch vụ mát xa, karaokê, tắm nóng lạnh, cà phê… đen - tức là nơi người ta ngồi uống cà phê với gái trong bóng tối.
Sẵn tiền trong tay, nhiều người dần quen với các loại dịch vụ. Là công nhân kỹ thuật bậc cao, bố thằng Mẫn luôn rủng rỉnh tiền trong túi. Bố nó cũng thử rồi đâm ra nghiện các loại dịch vụ. Từ tắm nóng lạnh sau ca đến mát xa, karaokê. Thường là vậy. Dịch vụ là một ngành công nghiệp không sản sinh ra vật chất mà chỉ tiêu tốn vật chất. Nó chuyển hóa tiền bạc của tầng lớp người này sang những người khác. Đừng vội khoe lương cao, bổng hậu, hãy cứ thử qua các loại “dịch vụ” rồi sau hãy nói.
Số tiền hàng tháng bố đưa cho mẹ ít dần. áo quần của thằng Mẫn cũ dần. Bữa sáng trước kia nó đòi phở là có phở, muốn trứng vịt lộn là có trứng, giờ thì cơm rang cũng nhạt mỡ. Mẹ nó có bầu cũng chẳng còn tiền để bồi dưỡng thêm. Bố nó chỉ đưa đủ tiền ăn hàng tháng. Chút tiền ăn ấy rồi cũng không còn. Mẹ nó hỏi mới biết bố nó ham các loại dịch vụ quá nên tiêu tốn sạch lương, thưởng. Bố nó ăn cắp linh kiện vật tư của nhà máy đem bán để có tiền bao các cô trong quán đèn mờ. Bảo vệ nhà máy phát hiện, bố nó bị đuổi việc. Thế là nguồn sống nhà nó chỉ còn trông vào mấy trăm nghìn đồng tiền lương giáo viên bậc tiểu học của mẹ. Khi sinh bé Mận, mẹ nó ốm hậu sản tưởng chết. Bố nó đã không giúp được gì lại còn sinh ra nghiện ngập, rượu chè. Cả ngày bố la cà ngoài quán. Suốt ngày bố nó say. Lúc nào bố về nhà cũng chỉ là để tróc nã vợ con tiền uống rượu. Các thứ đồ đạc trong nhà dần dần đội nón ra đi hết. Mẹ nó khổ lắm. Ăn uống thiếu thốn chả đủ sữa cho con bé Mận bú. Nhiều lần mẹ nhịn đói đi dạy, thiểu lực, ngã khụy xuống ngay trên bục giảng. Bé Mận năm tuổi mà bé loắt choắt. Nó chưa một lần có được manh áo đẹp. Ít khi thấy nó cười. Cứ mỗi khi nhìn thấy bố về nhà là nó sợ chết khiếp. Nhiều lần nó chứng kiến cảnh bố mẹ giằng xé nhau, hất đổ mâm cơm đang ăn. Có lần sợ quá, nó chui vào đống rơm trốn rồi thiếp đi, mẹ và anh tìm mãi mới thấy.
Ngày mai là bé Mận tròn sáu tuổi. Thằng Mẫn thương em lắm. Năm mươi nghìn đồng bán cá nằm trong túi áo nó. Nghĩ đến lúc bé Mận mặc cái váy mới cong tay múa, thằng Mẫn lại thấy rộn rực trong lòng. Nó co chân nhảy tưng tưng vào ngõ.
Chợt có tiếng quát:
- Thằng kia đứng lại!
Thằng Mẫn giật bắn người nhận ra tiếng bố. Nó ấp úng:
- Bố gọi con có việc gì ạ?
- Việc gì à? Đưa ngay tiền cho tao!
- Tiền nào ạ?
- Tiền… tiền… mày vừa bán con cá lúc chiều cho bà Nụ hiểu không?
- Nhưng đấy là tiền của con chứ!
- Của mày à?
Bố nó sấn lại túm lấy cổ nó. Thằng Mẫn giẫy giụa. Nó cố giữ chặt túi áo. Bố nó nghiến răng giật tay nó ra. "Xoạc", vạt áo nó rách toạc.
Thằng Mẫn vẫn nắm chặt tờ giấy bạc. Bố nó thì cố bẻ, cạy mấy ngón tay nó ra.
- A… thằng này láo… Dám chống lại tao hả?
- Bốp! - Một cái tát khiến thằng Mẫn loạng choạng, mắt nổ đom đóm. Nó ngã dúi dụi xuống rãnh nước. Tờ năm mươi nghìn rơi ra. Bố nó nhặt tờ bạc giơ lên nhìn rồi cười ha hả. Thằng Mẫn van vỉ:
- Bố ơi! Con xin bố! Bố đừng lấy tiền của con… Tiền ấy con dành mua cho em Mận bộ quần áo mới. Ngày mai là sinh nhật em sáu tuổi…
- Sinh nhật với chả sinh nhiệc! Vẽ chuyện, vớ vẩn mãi quen…
Bố nó vừa lẩm bẩm, vừa khật khưỡng đi ra cổng. Thằng Mẫn ngồi thẫn thờ bên vệ đường. Cái tát của bố còn đau ê ẩm nhưng nó không khóc. Nhưng nghĩ đến em gái thì nước mắt nó ứa ra giàn giụa. Thế là ngày mai bé Mận không có quần áo mới rồi.
Thằng Mẫn uể oải chống tay đứng dậy. Nó thất thểu bước về nhà. Nhìn mảnh bát và những hạt cơm vương vãi khắp sân, nó biết bố nó vừa mới về nhà xong. Thằng Mẫn vội đi tìm em. Bé Mận đang ngồi thu lu ở góc thềm vẻ mặt hoảng sợ. Mẹ nó thì đang thái rau lợn dưới bếp. Thằng Mẫn bế em vào nhà. Nó lau nước mắt cho em rồi hỏi:
- Em đói không?
Con bé gật đầu rồi thỏ thẻ:
- Bố hất đổ nồi cơm rồi anh ạ.
- Anh đi mua bánh mỳ cho em ăn nhé!
- Anh cho em đi với nhé!.
Thằng Mẫn dắt em ra ngoài đầu làng mua cho em cái bánh mỳ một nghìn. May còn sáu nghìn đồng bán mớ cua, cá vụn thằng Mẫn lận ở tay áo xắn lên nên bố nó không biết. Bé Mận ăn hết cái bánh mỳ thì hai mắt díu lại buồn ngủ. Thằng Mẫn bế em lên giường, vỗ vỗ vào lưng dỗ dành nó ngủ. Con bé cứ nắm chặt tay anh. Chờ em ngủ hẳn, thằng Mẫn mới gỡ tay mình ra. Nó lặng lẽ nhìn em gái. Ước mơ mua cho em một bộ quần áo mới đã không thành, nhưng ý chí, quyết tâm bỏ nhà ra đi của thằng Mẫn đã chín. Nó nhè nhẹ xoa má em một cái rồi quả quyết bước ra cửa. Nhưng ra đến sân, giẫm vào những hạt cơm nhem nhép, sực nhớ ra còn năm nghìn đồng trong túi, nó liền quay lại. Ngày mai là sinh nhật của bé Mận.
*
Thằng Mẫn ra đến đầu làng thì trời bắt đầu mưa phùn. Có lẽ là mưa xuân. Đường làng láng ướt. ánh điện nhạt nhòa hắt ra từ những ngôi nhà ven đường. Trời còn lạnh. Thằng Mẫn cố khép vạt áo lại. Cái áo bị bố giật rách toạc không đủ ấm. Thằng Mẫn rảo bước. Chợt có tiếng gọi:
- Mẫn ơi đứng lại… dì bảo!
Thằng Mẫn ngạc nhiên dừng lại. Nó nhận ra bóng dì Miên đang đuổi theo. Thằng Mẫn và dì Miên cùng tuổi, cùng học lớp 5. Hai đứa cứ mày, tao quen rồi. Đây là lần đầu tiên Miên xưng "dì" với nó. Thằng Mẫn ấp úng:
- Dì ạ!
- Định… đi hả Mẫn?
- Vâng… cháu…
- Này cầm lấy! Có tiền mà đi tàu hoả.
Dì Miên vừa nói vừa dúi vào tay thằng Mẫn tờ mười nghìn. Dì Miên cởi cái áo ấm cũ đang mặc khoác lên người thằng Mẫn nói thêm: “Trời vẫn còn lạnh lắm đấy!". Thằng Mẫn “vâng” một tiếng rồi lý nhí: “Chào dì… cháu đi!”. Nó biết dì Miên cũng khổ lắm. Ông trẻ bên ngoại mất, dì còn nhỏ mà đã phải lao động, tần tảo như người lớn.
Thằng Mẫn bước qua cái cổng làng có cây đa cổ thụ, rễ rủ loà xòa. Nó nhìn về hướng thành phố xa xa. Một quầng sáng đùng đục hắt lên bầu trời. Nó cũng chưa biết mình sẽ làm việc, kiếm tiền ra sao ở cái nơi đô hội ấy. Nó sẽ làm nghề nhặt rác, đánh giầy, hay bán báo. Làm gì cũng được. Nhưng nhất định nó sẽ phải có đủ tiền để mua cho bé Mận một bộ quần áo mới. Ý nghĩ ấy thôi thúc nó đi tới một chân trời xa, một con đường phía trước rất dài...
Tháng 3-2005

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2018

Truyện thiếu nhi DÒNG SÔNG CHẢY NGƯỢC

DÒNG SÔNG CHẢY NGƯỢC
Truyện thiếu nhi của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: đại dương, bầu trời, đám mây, ngoài trời, nước và thiên nhiên

Cái túi ni lông đựng rác bung ra. Hai mắt của con bé Nhiên sáng lên khi nhìn thấy một con vịt bằng nhựa to bằng nắm tay trẻ con rơi xuống rãnh nước. Con bé vội đặt cái bao tải xuống lề đường cầm lấy con vịt nhựa. Con vịt bằng nhựa màu vàng nhạt còn khá mới. Hai cánh nó dang ra như muốn bay lên. Con vịt bị sứt mất một mẩu ở mỏ. Có lẽ vì thế nên một đứa trẻ con nhà giàu nào đó đã vứt nó vào bao rác và bị ném ra lề đường.
Nâng niu con vịt nhựa trên tay bé Nhiên đi dọc phố. Bây giờ là buổi chiều. Lúc mà người ta bắt đầu ném các bịch đựng rác ra đường. Con bé gói cẩn thận con vịt nhựa vào mảnh giấy báo cũ cho vào bao tải. Với một cái que sắt, nó tiếp tục móc các túi ni lông tìm những thứ có thể thu gom để bán cho những người chuyên thu mua phế liệu. Từ ngày bố mất vì tai nạn khi chuyển vật liệu lên giàn giáo nhà cao tầng, nó phải bỏ học để giúp mẹ. Mẹ nó ốm yếu bán hàng nước ở đầu ngõ phố bờ sông, chả đủ tiền nuôi cả hai chị em nó đi học cùng một lúc. Em gái nó mới vào lớp một. Nếu không phải bỏ học thì năm tới nó đã là học sinh lớp bốn rồi.
Cái Nhiên thấy chợt thấy vui vui. Cái bao tải nó khoác trên vai nặng chĩu. Hôm nay nó nhặt được nhiều thứ. Ở khu phố sang trọng này những cái túi đựng rác để bên hè phố có nhiều vỏ bia hộp, chai rượu ngoại, sách báo, túi ni lông. Hôm trước cũng tại đây, nó nhặt được một cuốn sách gì đã cũ, giấy ố vàng, ông già cửa hàng sách báo cũ nhìn thấy cầm lên xem rồi đưa đưa luôn cho nó hai trăm nghìn đồng, gần bằng cả tháng đi nhặt rác của nó. Hôm nay cái Nhiên thấy vui vì nó nhặt được con vịt nhựa. Lát nữa về qua nhà chú Vạn chuyên hàn yếm xe máy, nó sẽ nhờ chú ấy hàn lại cho cái mỏ bị sứt của con vịt. Hai chị em nó sẽ cùng chơi chung. Cứ nghĩ đến cảnh em Liên thả con vịt vào chậu nước rồi cười tít mắt lại là nó lại thấy hân hoan trong lòng.
Cái Nhiên kéo lê bao tải phế liệu xuống bến sông. Sau khi xếp riêng những tờ giấy, báo, nó bắt đầu giặt rửa những thứ nhặt được như túi ni lông, chai lọ nhặt được. Đem các thứ phế thải lên bờ, chợt nhớ, nó lôi con vịt nhựa ra. Có một vết bùn bẩn trên lưng con vịt nhựa. Nó lại lội xuống sông.
- Ối! - Cái Nhiên kêu lên. Nó trượt chân chới với tuột xuống sông. Nó vội vàng buông rơi con vịt nhựa, hai tay cào vào bờ đất nhẵn cố níu người để khỏi bị nước cuốn lôi ra xa.
Khi đã ép người được vào bờ đất, nó mới nhớn nhác nhìn quanh. Con vịt nhựa trôi lềnh bềnh ra xa. Nó lội ra, cố với tay nhưng thấy nước lún sâu, nó hốt hoảng lùi vào bờ. “Mất con vịt rồi Liên ơi!” - Nó buột miệng gọi tên em. Nước mắt nó ứa ra lăn trên gò má gầy nhem nhuốc. Vừa thút thít khóc vì tiếc con vịt nhựa, nó vừa cắm cúi gột rửa nốt mất cái bao ni lông và một mảnh vải bạt rách. Trời đã sâm sẩm tối. Chợt cái Nhiên thấy một vật gì trăng trắng rạt vào tay nó. Ôi! Chính là con vịt nhựa. Nó đã trôi đi rồi sao quay lại được nhỉ. Hình như nước sông đang chảy ngược.
Cái Nhiên đang sung sướng cầm con vịt nhựa thì có tiếng quát:
- Đứa nào kia! Lên bờ ngay, nước lũ đang tràn về đấy!
Cái Nhiên hốt hoảng leo lên bờ.
Nó ôm vội mấy thứ đồ nhặt được đang để sát mép nước rồi chạy ngược lên bờ đê. Thì ra mải làm, nó không biết nước lũ từ trên nguồn đang đổ về. Nước sông dâng lên cao. Dòng nước va vào mỏm đá nhô ra phía dưới bến bật chảy ngược trở lại, tạo thành một vùng xoáy nước lớn. Dòng sông chảy ngược đã đem con vịt nhựa trả lại cho cái Nhiên.
Cầm con vịt nhựa, nhìn dòng sông đang cuồn cuộn chảy cái Nhiên lẩm nhẩm: “Cảm ơn dòng sông… cảm ơn dòng sông…”.
Hà Nội, ngày 31/7/2009

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

Truyện thiếu nhi CHIẾC LÁ BIẾT BAY

CHIẾC LÁ BIẾT BAY 
Truyện thiếu nhi của Trọng Bảo

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Có một chiếc lá non nhỏ bé vừa nhú ra trên cành cây cao. Nó ngạc nhiên thấy các anh chị nó sinh ra trước cứ xúm xít xúm vây quanh che chở cho nó mỗi khi có gió lớn. Ngó nhìn bầu trời xanh thẳm rồi nó hỏi:
- Tại sao mây lại bay được mà chúng ta lại cứ bám chặt trên cành cây mãi như thế này nhỉ?
- Vì ta là lá thì phải ở trên cành cây chứ!
Một người chị của nó bảo. Chiếc là non nói:
- Nhưng em muốn được bay như những đám mây cơ!
- Em không thể bay được đâu!
- Nhất định em sẽ bay… sẽ bay… sẽ bay…
Chiếc lá non bướng bỉnh. Các anh chị khuyên giải thế nào nó không chịu nghe. Nó chỉ muốn được bay lên trời như những đám mây trắng kia. Nhất định khi bay lên cao nó sẽ tha hồ ngắm cảnh núi sông hùng vĩ, bao la. Nghĩ vậy nên nó không thèm nghe lời của các anh chị. Nó quyết tâm phải bay lên trời cao. Ý chí ấy luôn luôn nung nấu trong nó. Nó đã có cách.
Hôm đó trời có giông bão lớn. Khi các anh chị gọi nó thu mình lại, nép vào các anh chị để tránh gió mạnh nhưng nó không nghe. Các anh chị ra đời trước cuống lá đã cứng cáp, bám rất chắc vào cành cây nên gió to, bão lớn không hề chi. Còn chiếc lá non thì cuống vẫn còn rất yếu, bám chưa vững vào cành cây. Nhưng nó không sợ. Vì muốn bay nên mặc lời khuyên nhủ của các anh chị, nó cứ nhô ra trước gió lớn.
Gió mỗi lúc một mạnh hơn. Chiếc là non reo lên:
- Bay lên đi… bay lên đi…
Mấy anh chị cố níu kéo nó vào lòng nhưng nó kiên quyết giằng thoát ra bằng được.
- Bay lên đi… bay… lên…đi…
Tiếng nó gào to hơn. Bỗng “phựt” một cái, chiếc là nhỏ bị cơn gió mạnh bứt rời cuống khỏi cành cây cuốn bay vút lên trời. “A! Thích quá! Thích quá!” - Nó reo to khi thấy mình bồng bềnh giữa những đám mây. Đất trời mênh mông quá. Nó cười khanh khách khi quay lại nhìn thấy các anh chị của nó vẫn đang rúm ró ôm lấy nhau bám chặt vào cành cây. Nó càng cười to hơn khi thấy một đàn chim đang bay nháo nhác gọi nhau sà xuống tìm những tán cây để tránh bão.
Vùn vụt với tốc độ của gió, chiếc lá nhỏ đã bay lên tới tận lưng trời.
Nhưng giữa khi chiếc lá non đang lâng lâng sung sướng vì nó hơn hẳn các anh chị là đã biết bay thì chợt nghe tiếng rào rào. Nó hốt hoảng khi thấy những hạt mưa đang ầm ầm trút xuống. Mưa to quá. Chiếc lá nhỏ bị mưa ném vào tới tấp, khiến nó quay cuồng rồi rơi xuống một dòng suối. Nước lũ réo sôi cuồn cuộn cuốn nó trôi đi ngay. Một lúc sau chiếc lá non nhỏ bé đã rách nát, tơi tả. Nó vật vờ rạt vào bờ suối đầy bùn lầy, bẩn thỉu. Một lão cua lấp ló ở cửa hang giơ càng ra định kéo nó vào làm chỗ cho lũ con bò lên chơi. Bây giờ chiếc lá nhỏ mới thấy đói và rét. Nó bật khóc nức nở. Nó chỉ muốn quay về với các anh chị của mình ở trên cành cây cao nhưng không thể được nữa rồi. Nó thấy vô cùng ân hận.
Thế là, chỉ vì một sự ảo tưởng, ngông cuồng, bột phát của mình mà chiếc lá non đã phải trả giá. Một cái giá rất đắt...
Hà Nội, ngày 1-6-2009
(Tên của truyện ngắn được đặt là tên cho tập truyện thiếu nhi CHIẾC LÁ BIẾT BAY - NXB Dân, trí, 2012)

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

Truyện thiếu nhi CHUYỆN CỦA LOÀI NGỖNG

CHUYỆN CỦA LOÀI NGỖNG 
Truyện thiếu nhi của Trọng Bảo

Không có văn bản thay thế tự động nào.


Những chú ngỗng con nở ra đều có bộ lông màu trắng tinh. Vì chúng đều xuất thân từ những quả trứng rất trắng của mẹ. Mỗi lần nghịch bơi lặn ở ao nước bẩn thỉu, có bị lấm bẩn thì mẹ chúng chỉ cần dội qua nước sạch thì bộ lông của chúng lại trắng tinh như mới. Chính vì thế mà bọn ngỗng con luôn tự hào và hay khoe khoang là chúng có bộ lông trắng đẹp nhất.
Đến tuổi phải đi học, bọn ngỗng con rất hào hứng. Chúng được mẹ sắm sửa cho sách bút, thước kẻ rất đầy đủ. Nhưng bọn chúng rất hay nói chuyện riêng, ăn vặt trong lớp, không chú ý nghe thầy giáo giảng bài. Đã thế, chúng lại hay chê bai các loài khác như lũ gà, ngan, vịt con.
Một hôm, thầy giáo thiên nga đem đến lớp một cái lọ rất đẹp. Đó là một lọ mực quý. Thầy tuyên bố:
- Trong lớp, em nào làm bài kiểm tra đạt điểm cao nhất sẽ được thầy thưởng cho lọ mực này. Các em cố gắng lên nhé!
- Chúng em sẽ cố gắng ạ!
Bọn vịt gà ngan ngỗng đồng thanh đáp. Chúng lập tức vùi đầu vào học. Ai cũng quyết tâm dành điểm cao nhất để được nhận phần thưởng của thầy.
Bọn ngỗng con quả là rất sáng dạ. Khi chúng đã tập trung học tập thì thì quả nhiên kết qủa cao nhất lớp. Tuy nhiên do tính kiêu căng, tự phụ không chịu chia xẻ, nhường nhịn nhau nên nhận phần thưởng của thầy giáo về bọn chúng tranh cướp nhau chí choé. Chẳng may do tranh nhau bọn ngỗng con hất tung lọ mực lên cao. Mực đổ tung toé làm bẩn bộ lông trắng tinh của chúng. Nhiều con bị mực nhuộm làm đen kịt cả bộ lông. Có con thì dính mực loang lổ. Những con đứng xa thì may mắn vẫn còn giữ được bộ lông trắng.
Lũ ngỗng con kêu khóc ầm ĩ chạy về gọi mẹ.
Mẹ ngỗng lấy nước sạch tắm cho lũ ngỗng con. Nhưng mọi cố gắng của mẹ cũng chỉ làm cho bộ lông của chúng bớt đen đi đôi chút.
Chính vì thế mà đến tận bây giờ trong đàn ngỗng có con lông rất trắng, có con màu xám tro như ngày nay. Vì thế bọn ngỗng rất bực tức. Ra đường gặp trẻ con là chúng hay gây gổ, đuổi theo doạ cắn. Chính là chúng sợ bọn trẻ con chúng ta cười chê loài ngỗng đấy!
Ngày 31/1/2010

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

Truyện thiếu nhi TRÂU ĐEN, BÒ VÀNG

TRÂU ĐEN, BÒ VÀNG 
Truyện thiếu nhi của Trong Bảo

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Trâu và bò ngày xưa là hai anh em kết nghĩa. Chúng cùng sinh ra ở một vùng nông thôn hẻo lánh. Khi còn nhỏ cả hai đều có một bộ lông trắng rất đẹp và mịn màng.
Lớn lên, trâu rất chăm chỉ làm việc. Mọi công việc đồng áng dù nặng nhọc vất vả đến đâu trâu đều không quản ngại. Ban ngày trâu kéo cày ở những đám ruộng bùn sâu lầy lội. Tối về nó lại chăm chỉ giúp người kéo trục đập lúa. Khi người làm nhà nó đảm nhiệm việc vào rừng kéo những cây gỗ dài và nặng. Một lần, lão hổ già đòi người phải cho xem trí khôn, trâu đã giúp người trói được lão hổ gian ác vào gốc cây. Hôm ấy lão hổ bị người chất rơm đốt nên lông hổ mới vằn vện như bây giờ.
Trong khi đó thì bò lại rất lười biếng. Nó chỉ đi cày bừa ở những nơi ruộng nương cao ráo, đất tơi xốp và nhẹ. Đêm đêm khi trâu giúp người đập lúa thì bò nằm nghỉ ngơi và nhai rơm khô.
Chính vì trâu chăm chỉ nên người mới yêu quý và giao cho trông coi cây rơm. Đó là thức ăn dự trữ mùa đông của trâu bò. Khi bò muốn đến ăn rơm đều phải xin phép trâu. Mùa đông năm ấy, trời rét lắm, sương muối rơi dày nên cỏ lụi hết. Bò đói quá năn nỉ:
- Anh trâu ơi! Em đói quá, cho em thêm một bó rơm…
- Mày là đồ lười biếng, hay trốn việc nên ăn ít thôi!
Bị trâu mắng, bò tức lắm. Nó ôm cái bụng lép kẹp đi ngủ nhưng không làm sao ngủ được. Bò rất muốn đến ăn rơm nhưng trâu luôn nằm chắn canh chừng ngay cạnh cây rơm. Hai cái sừng nhọn hoắt chĩa ra. Mấy anh lợn toan đến rút trộm ít rơm để lót ổ cũng không dám lại gần.
Bị đói, nằm không ngủ được nên bò rất oán hận trâu. Nó liền nghĩ cách trả thù. Một hôm, lừa cho trâu đi cày về mệt ngủ quên, bò liền châm lửa đốt cây rơm.
Cây rơm bén lửa cháy đùng đùng, khói mù mịt. Trâu nằm đắp rơm lên cho ấm nên bị bén lửa ngay. Bộ lông trắng của trâu bị cháy đen thui. Nó hốt hoảng lăn ngay xuống vũng bùn cho đỡ nóng. Trong khi đó vì đói quá, bò liều mạng lao vào chỗ cây rơm đang cháy cố lôi lấy một ít rơm để ăn. Thành thử bộ lông trắng mượt và chải chuốt của bò cũng bị ám khói vàng khè.
Sau lần bị cháy ấy, trâu mới có màu đen và bò mới có màu vàng như ngày nay...
Ngày 29/5/2009 

*Các bạn có thể nghe đọc các truyện thiếu nhi của Trọng Bảo trên YouTube bằng cách gõ tên truyện vào Google để tìm kiếm. Tất cả các truyện thiếu nhi của tôi đều được chuyển thể thành các câu chuyện truyền thanh, truyền hình tải trên mạng miễn phí và "miễn" luôn nhuận bút cho tác giả rồi...

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2018

Truyện thiếu nhi THỎ RÙA THI LẠI

THỎ RÙA THI LẠI 
Truyện thiếu nhi của Trọng Bảo

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Cuộc thi bơi của cá trong khu đầm lầy kết thúc bằng một vụ thảm sát (*). Mụ cá sấu được một bữa chén no bụng các vận động viên. Lươn và chạch phải chui xuống tận bùn đen để trốn tránh sự tức giận của loài cá. Lão rùa già làm trưởng ban giám khảo cũng bị cả làng cá trong đầm nguyền rủa thậm tệ vì công tác tổ chức quá kém, lại tùy tiện đưa cả mụ cá sấu chột mắt vào bộ phận giám sát để mụ ấy có cơ hội tiếp cận, chén thịt hết các vận động viên. Các loài thuỷ sản còn dè bửu lão rùa già gian lận nên mới giành được chiến thắng trong cuộc thi chạy với thỏ năm xưa.
Lão rùa già tức lắm. Lão quyết tâm bò đi tìm loài thỏ để thách đấu thi lại. Đi mãi, đi mãi, lão rùa mới gặp được hai anh em nhà thỏ đang ngồi gặm cà-rốt ở một góc ruộng. Vừa nhìn thấy lão rùa, anh em nhà thỏ đã ngọt nhạt:
- Chào bác rùa! Bác lại chiến thắng ở cuộc thi nào mà có vẻ vui hớn hở thế?
- Lâu nay tao có thi thố gì đâu mà chiến thắng?
- Ồ... đúng vậy! Cuộc thi chạy với ông nội chúng cháu năm xưa bác quá thừa thãi sự vinh quang rồi còn gì?
- Sau cuộc thi chạy với ông chúng mày năm ấy các loài đều chê bai tao gian lận, bố trí anh em họ hàng nằm ém sẵn dọc đường đánh lừa loài thỏ nên mới chiến thắng. Bây giờ tao muốn thi lại để chứng minh rằng loài rùa vẫn luôn luôn chiến thắng...
Anh em nhà thỏ phá lên cười ngặt nghẽo:
- Bác ơi! Bác già cả lú lẫn, lẩm cẩm quá mất rồi! Bây giờ cây cối rừng rú bị con người chặt phá hết sạch, đường xá trống trơn, họ hàng nhà bác làm gì còn chỗ ẩn nấp trong các bụi rậm ven đường để lừa chúng cháu được nữa mà đòi thi lại? Hi... hi...
- Thế chúng mày có dám thi chạy lại với tao không?
- Thi thì thi... lần này bác thua là chắc chắn rồi!
Hai anh em nhà thỏ vênh vang chủ quan. Lão rùa liền đưa bản thể lệ cuộc thi ra. Hai anh em nhà thỏ chẳng thèm xem kỹ đã đồng ý và điểm chỉ vào ngay. Chúng không chú ý ngón tay lão rùa che lấp mất một chữ trong văn bản.
Giao kèo với anh em nhà thỏ xong, lão rùa liền bò ra bãi đất trống nằm im chờ đợi. Một mụ diều hâu đậu tít trên đỉnh núi cao trừng trừng ngó xuống quan sát. Tưởng là một con rùa chết, mụ ta liền sà xuống định rỉa thịt ăn. Lão rùa tóm ngay được chân mụ diều hâu. Mụ ta hốt hoảng cuống cuồng đập cánh bay lên nhưng không được. Lão rùa gìm giữ chặt chân mụ ta. Mụ diều hâu cuống quýt van xin:
- Bác... bác tha cho em... em còn con nhỏ ở nhà...
- Đừng sợ... đừng sợ... Ta không đớp gãy chân của chị đâu. Ta đang muốn nhờ chị một việc đây!
- Việc gì ạ?
- Ngày mai ta sẽ lại thi chạy với bọn thỏ nên nhờ chị đến giúp sức!
- Em bay trên trời thì được, chạy trên mặt đất thì chậm chạp lắm, làm sao mà giúp bác được ạ?
- Không cần chị thi hộ. Chỉ cần chị đậu ngay trên ngọn cây phía sau gần vạch xuất phát, khi có hiệu lệnh của ta thì lao xuống sát đầu hai thằng thỏ làm như sẽ chộp quắp bọn chúng bay đi... hiểu không?
- Thế em sẽ chén thịt bọn chúng luôn chứ ạ?
- Không được làm bậy. Chỉ cần dọa cho hai thằng thỏ hoảng sợ là được!
- Vâng... vâng... em nhớ rồi... nhớ rồi...
Lão rùa già thả cho mụ diều hâu bay đi.
Hôm sau cuộc thi bắt đầu. Nhiều loài kéo đến xem rùa và thỏ thi chạy. Anh hổ ở tít tận trong rừng sâu cũng mò ra bìa rừng chứng kiến. Lão rùa và hai anh em nhà thỏ vào vạch xuất phát. Khi trâu rừng được giao làm giám khảo mở bản điều lệ cuộc thi ra đọc to thì anh em nhà thỏ mới ngớ người ra. Đây là một cuộc thi chạy... chậm. Thì ra hôm qua lúc đưa bản điều lệ ra cho anh em nhà thỏ xem lão rùa đã cố ý dùng ngón tay che kín chữ "chậm" nên anh em thỏ không biết.
- Cũng chả sao! - Anh em nhà thỏ bảo nhau: - Không phải cố chạy càng đỡ mệt...
Thế là hai anh em thỏ nằm lăn ra vạch xuất phát nghỉ ngơi và tranh thủ gặm cà-rốt. Lão rùa già cũng nằm yên không nhúc nhích. Đây là cuộc thi chạy chậm nên ai rời khỏi vạch xuất phát trước tức là thua. Nằm im một lát, lão rùa khẽ quay đầu lại ngước mắt nhìn lên. Mụ diều hâu đã đậu sẵn trên cành cây phía sau. Lão ngoắc tay một cái, mụ ta liền rít lên, ngoác to cái mỏ, xòe bộ móng vuốt nhọn hoắt ra lao xuống. Hai anh em nhà thỏ ngoái đầu lại nhìn thấy mụ diều hâu đang sà xuống thì hốt hoảng phóng vọt ngay lên phía trước. Muôn loài thấy thế reo ầm lên:
- Thỏ thua rồi... thỏ thua rồi... th... u... a... r...ồ...i...
Thế là dù thi chạy nhanh hay thi chạy chậm thì thỏ vẫn cứ bị thua rùa...
Hà Nội, ngày 1/6/2010
-------------------
(*) Xem truyện: Chuyện đời lươn chạch.

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018

Truyện thiếu nhi CHUYỆN ĐỜI LƯƠN CHẠCH

CHUYỆN ĐỜI LƯƠN CHẠCH 
Truyện thiếu nhi của Trọng Bảo 

Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời và nước

Tại khu đầm lầy ngập nước có rất nhiều loại cá hoang sinh sống. Nổi tiếng ngang tàng hay quậy phá là hai anh em nhà lươn chạch. Bọn chúng cậy có thân hình dài và nhẵn như một mũi tên nên bơi nhanh vun vút. Trong đầm có việc gì xảy ra bao giờ chúng cũng có mặt trước tiên. Phát hiện ra nơi nào có thức ăn là chúng liền lao ngay đến xí phần trước. Do nhiều lần đoạt giải nhất các cuộc thi bơi nên chúng lên mặt coi thường các loại cá khác. Lúc nào chúng cũng khoe khoang tự phụ, cho mình là thông minh, tài giỏi nhất.
Một hôm trong khu đầm lầy xuất hiện một mụ cá sấu. Mụ này bị con người săn lùng lấy da làm ví đựng tiền đâm trượt nên chột mất một mắt. Mụ ta phải đeo một mảnh lá sen che bên mắt chột nên trông giống như một tên cướp biển. Mọi loài cá trong đầm lầy đều cảnh giác vì mụ cá sấu rất thâm hiểm, gian giảo. Mụ ta đi đến đâu các loài đều lảng tránh, đề phòng. Một bữa mụ đang lừ lừ bơi giữa đầm thì gặp anh em nhà lươn chạch. Mụ ta khích:
- Chúng mày cứ khoe là bơi nhanh nhưng tao thấy bọn cá trôi, cá chép, cá chuối còn bơi nhanh hơn rất nhiều!
Hai anh em lươn chạch sửng cồ:
- Chúng cháu bơi nhanh nhất… nhanh nhất…
- Chưa chắc! Tao không tin!
- Bà không tin thì xem chúng cháu bơi nhé!
- Tao sẽ tin nếu chúng mày dám thi bơi với các bọn cá khác đủ tám vòng quanh hồ.
- Thi thì thi… chúng cháu sợ gì? Chúng cháu sẽ chấp các loài cá khác một vòng đầm.
Lươn và chạch nói và đi tìm các loại cá khác để thách đấu thi bơi. Chúng lên giọng chê bai, dè bửu khiến nhiều loài cá thấy rất tự ái vì bị xúc phạm. Họ đều ghét lươn và chạch nên gọi nhau đi thi rất đông quyết làm cho hai thằng này một phen bẽ mặt. Lão rùa có kinh nghiệm sau lần thi chạy với thỏ nên hăng hái nhận làm trọng tài.
Bọn cá sẽ thi bơi việt dã tám vòng quanh đầm lầy. Toàn những con cá béo khoẻ dự thi. Lão rùa phất cờ lệnh. Bọn cá ào ào lao vào đường bơi trong khi lươn chạch thì đủng đỉnh. Với thân hình nhọn như mũi tên chúng chỉ cần co người bắn một phát là vượt tất cả bọn cá khác. Khi bọn cá đã bơi được một vòng lươn chạch mới bắt đầu xuất phát. Sau ba vòng đầm lầy lươn và chạch đã bơi kịp bọn kia rồi vượt lên dẫn đầu. Đến vòng thứ bảy thì bọn cá đã thấm mệt. Nhiều con bơi lờ đờ miệng thở ra toàn bong bóng. Ở khu vực đích rất nhiều bố mẹ bọn cá đang háo hức chờ để đón đoàn thi bơi về đích. Không ai để ý mụ cá sấu lặng lẽ lùi lại phía sau và bơi lảng đi. Mụ ta vòng sang bên kia bờ đầm đón đoàn cá thi bơi về vòng cuối cùng. Mụ nấp sau một bụi cỏ rậm. Mỗi khi có con cá nào bơi qua chỉ cần ngoác mồm ra đớp một cái mụ đã nuốt gọn vào bụng. Gần như cả đoàn cá thi bơi đến vòng cuối cùng đều lọt vào cái miệng há ngoác to của mụ cá sấu chột mắt.
Chờ mãi không thấy con cá nào bơi cán đích ngoài hai thằng lươn chạch đoạt giải nhất và giải nhì bố mẹ bọn cá tham dự thi mới đổ đi tìm. Lũ cá hốt hoảng khi gặp những cái vây, cái vảy cá trôi rải rác dọc đường bơi. Nhưng tiếng gọi con thảng thốt sủi bong bóng lên khắp đầm lầy. Mụ cá sấu chột mắt bụng no tròn đang nằm phơi nắng trên bờ cười sằng sặc bảo:
- Đừng gọi nữa, lũ nó đã nằm trong bụng tao cả rồi. Hãy nhớ lấy hôm nay chính là ngày giỗ của bọn chúng… hi… hi… hi…
Mụ cá sấu nói thêm:
- Cám ơn hai thằng lươn chạch đã tổ chức cuộc thi này giúp tao có một bữa ngon lành. Bây giờ tao chính thức công nhận là chúng mày bơi nhanh nhất… he… he… he…
Đám cá bố mẹ kêu khóc và quay lại đuổi đánh lươn và chạch. Lươn chạch lao về nhà gọi bố mẹ và các em chạy trốn. Nhưng biết chạy đi đâu. Cả nhà lươn chạch vội chui sâu xuống bùn để trốn tránh. Sau vụ thảm sát ở đầm lầy ấy, bọn cá quyết định khai trừ lươn chạch ra khỏi cộng đồng.
Kể từ đó loài lươn chạch phải sống chui rúc dưới lớp bùn đen. Thi thoảng khi các loài cá khác không để ý chúng mới dám nhoáng nhoàng ngoi lên đớp vội một chút không khí rồi lại chui ngay xuống lớp bùn bẩn thỉu ẩn náu. Sống chui lủi mãi dưới bùn đen thiếu ánh sáng nên đôi mắt của lươn và chạch trở nên ti hí lờ đờ. Chuyện đời lươn chạch là như vậy. Và đến nay thì chúng không thể bơi nhanh được nữa...
Ngày 12/5/2010

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Truyện thiếu nhi MỘT CUỘC THI TÀI

MỘT CUỘC THI TÀI 
Truyện thiếu nhi của Trọng Bảo

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Ngay từ sáng sớm đã có tiếng loa rao vang khắp cánh đồng: “Thi tài… thi tài… chọn người tài giỏi đi dự đại hội thể thao đầm sen đây!”. Bọn ếch, nhái, chẫu chuộc lao xao gọi nhau đi thi. Lão cóc được đề cử làm trưởng ban giám khảo. Lão này có tiếng là công minh, chính trực. Việc gì sai trái là lão lập tức phê phán ngay. Ngày xưa lão còn dám lên tận thiên đình kêu kiện, đấu lý. Ông trời cũng phải chịu thua lão.
Lão cóc đứng chống nẹ tuyên bố:
- Chúng ta sẽ thi môn nhảy cao!
Cả bọn ồn ào khi lão cóc công bố thể lệ cuộc thi. Lũ châu chấu, niềng niễng, cào cào bị loại ngay không được dự thi vì chúng vừa nhảy, vừa bay, rất khó xác định được thật giả. Bọn cá buồn thiu không thể tham gia vì cuộc thi tiến hành ở trên cạn mà cá muốn nhảy được thì phải nhờ có nước. Đám rùa, cua, ốc, cà cuống thì chịu hẳn vì cả đời chúng có biết nhảy là gì đâu. Chỉ có đám ếch nhái là phấn khởi. Ếch tin mình chắc chắn là vô địch vì xưa nay nó vẫn nổi tiếng là nhảy cao, nhảy xa nhất cánh đồng.
Cuộc thi bắt đầu. Lão cóc trịnh trọng phất cờ lệnh. Đúng như dự đoán, cả ba lần nhảy, đại diện của lũ ếch đều nhảy cao và xa nhất, chẫu chuộc xếp thứ nhì và nhái bén đứng thứ ba. Đám ếch huênh hoang reo hò ầm ĩ khắp cánh đồng:
- Số một… số… một… một… một… loài... ếch… là… số… một…
Lão cóc bảo:
- Ếch vô địch! Nhưng hôm nay mới chỉ là vòng sơ khảo. Sau ba tháng nữa sẽ là vòng trung kết, quyết định thắng thua...
Lũ chẫu chuộc, nhái bén lặng lẽ ra về. Trong khi đó thì dám ếch tưng bừng gọi nhau tổ chức ăn mừng chiến thắng râm ran khắp cả cánh đồng. Một trận mưa rào đổ xuống làm cho cuộc liên hoan của bọn ếch càng thêm ồn ào, hào hứng. Chúng hỉ hả chúc tụng nhau, mời nhau ăn uống no say, lúc nào cũng bàn luận về chiến thắng, về vinh quang chói lọi của loài ếch, chê bai thoả thích các loài khác. Tiệc tùng, ăn uống triền miên nên lũ ếch ngày càng béo ục ịch, chậm chạp hẳn đi.
Trong khi đó thì ở ngoài rìa cánh đồng bọn chẫu chuộc và nhái bén lặng lẽ tổ chức luyện tập. Ngày này qua ngày khác chúng kiên trì tập nhảy. Những chú chẫu chuộc, nhái bén mồ hôi đầm đìa vì tập luyện vất vả. Có con còn bị ngã vỡ đầu, chảy máu. Nhưng bọn chúng vẫn không nản lòng, nhụt chí.
Cuối mùa thu, vòng thi chung kết nhảy cao bắt đầu.
Bọn ếch xung phong vào nhảy trước. Nhưng sao thế này. Những chú ếch béo ục uỵch nhảy chồm chồm mãi không qua khỏi ngọn cỏ. Có chú còn ngã lăn ra đất mãi mới gượng dậy nổi khiến khán giả cười nghiêng ngả đến vỡ bụng. Thì ra do quá tự tin, mải say sưa ăn mừng thắng lợi bước đầu, không chịu thường xuyên luyện tập nên ếch không nhảy cao như trước được nữa. Trong khi đó những chú chẫu chuộc, nhái bén đều nhảy rất cao, rất gọn. Có chú chẫu chuộc chỉ cần nhún chân một cái đã vọt lên tận ngọn cây ngô đang trổ cờ.
Lão cóc kiểm tra cẩn thận từng mức xà rồi mới công bố kết quả:
- Giải nhất, đứng số một là chẫu chuộc, giải nhì, xếp thứ hai là nhái bén, không có giải ba, giải khuyến khích là ếch. Chẫu chuộc và nhái được cử đi dự đại hội thể thao đầm sen mùa hè sang năm.
Khán giả ồ lên ngạc nhiên khâm phục chẫu chuộc và nhái bén. Cũng có nhiều tiếng chê bai đám ếch chưa chi đã vội tự phụ với thành tích của mình, lên mặt coi thường người khác, không chịu thường xuyên tu dưỡng, luyện tập nên đã thất bại. Bọn ếch lủi thủi kéo nhau ra về. Chúng chui ngay vào trong hang đắp mà phủ kín cửa nằm giấu mặt cho đỡ ngượng.
Kể từ đó mỗi khi có mưa rào, nhớ lại giây phút huy hoàng năm xưa, bọn ếch lại gọi nhau, tiếc nuối nhắc lại chiến thắng vinh quang của mình: “Số… một… một… một…”. Lâu dần chúng kêu chệch đi thành “ộp… ộp… ộp…” như ngày nay.
Ngày 1-6-2009

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2018

Truyện thiếu nhi BÀI HỌC TRONG RỪNG

BÀI HỌC TRONG RỪNG 
Truyện thiếu nhí của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: thực vật

Buổi sáng, nhím con theo mẹ đi tìm nấm. Hai mẹ con đi vào một khu rừng cây cối xanh tươi. Nhím con xách chiếc làn nhỏ chạy tung tăng. Lúc thì nhím con chạy phía trước, lúc thì lùi lại phía sau, lúc thì rung cho cây sim rụng đầy trái chín, khi thì lại chui vào một bụi mâm xôi dày những chùm quả ngọt. Trong khi nhím mẹ cần mẫn nhặt nấm thì nhím con chỉ mải chơi. Giỏ nấm của nhím mẹ đã gần đầy mà chiếc làn của nhím con vẫn chỉ có mấy quả sim chín và vài bông hoa rừng héo quắt.
Giữa lúc nhím con đang định gặm một ngọn măng vừa nhú lên khỏi mặt đất thì nghe “hộc” một tiếng và ai đó quát to:
- Thằng nhãi kia! Ai cho mày xâm phạm vào khu rừng của tao hả?
Nhím con giật mình hốt hoảng nhìn lên. Một lão lợn rừng lông lù xù dựng ngược trông rất bẩn thỉu đang trợn mắt đứng ngay trước mặt.
- Cháu… cháu…
Nhím con lắp bắp và sợ hãi lùi lại. Lão lợn rừng nhe nanh gầm gừ tiến đến. Nhím con run cầm cập gọi to: “Mẹ ơi! Cứu… cứu… con…”. Lão lợn rừng cào cào hai chân trước xuống đất rồi hung hăng phóng đến. Tiếng chân của lão phầm phập. Tiếng cành cây khô gẫy răng rắc. Nhím con sợ quá ôm mặt nhắm mắt lại ngã lăn ra đất. Chợt nhím con nghe tiếng lợn kêu “eng éc”. Nó mở mắt ra nhìn. Phía trước mặt nó là nhím mẹ đang xù lông tua tủa như chông che chở cho con. Lão lợn rừng hung hăng lao ngay vào những chiếc lông nhím nhọn hoắt. Lão đau đớn rú lên thảm thiết rồi quay đầu chạy mất. Nhím con lúc này mới hoàn hồn.
Nhặt những chiếc nấm bị rơi ra bỏ vào giỏ, nhím mẹ dặn con:
- Đừng chạy lung tung và nhớ luôn đi gần mẹ nhé!
- Vâng ạ!
Nhím con đáp và ngước đôi mắt trong veo nhìn mẹ vẻ khâm phục. Nó không ngờ lão lợn rừng to lớn hung dữ thế mà lại phải thua mẹ. Mẹ thật là dũng cảm. Mẹ thật là vĩ đại. Nhím con nghĩ. Thấy vui quá, nhím con líu lo hát bài hát “Buổi sáng trong rừng”. Trong khi đó nhím mẹ vẫn cặm cụi nhặt nấm.
Chợt lại có tiếng nhím con kêu oai oái: “Mẹ ơi! Đau quá, mẹ ơi!”. Nhím mẹ vội chạy đến. Nhím con ngồi bệt xuống đất giơ chân lên giẫy giụa. Nhím mẹ nhìn kỹ, trong kẽ chân của nhím con có những chú kiến lửa đang ra sức dùng gươm giáo đâm chém loạn xạ.
Thì ra, giữa lúc đang rất vui vì mẹ vừa đánh bại lão lợn rừng to lớn thì nhím con chợt nhìn thấy mấy con kiến lửa bé tí đang làm tổ. “A! Mấy thằng nhóc con…” - Nhím con nghĩ vậy và giơ chân đạp mạnh vào tổ kiến. Bị phá tổ, đội quân xung kích trong đàn kiến lửa lập tức cầm gươm giáo xông lên ngay.
Vừa gỡ những chú kiến đang tức giận ra khỏi bàn chân của nhím con, nhím mẹ vừa nói:
- Con phải nhớ là ở đời, đừng thấy những kẻ to lớn mà vội nghĩ mình là nhỏ bé, yếu đuối, buông xuôi, khuất phục. Nhưng cũng đừng nhìn những người nhỏ bé mà cho rằng mình to lớn, mạnh hơn rồi kiêu ngạo lên mặt hống hách coi thường họ con ạ!
Nhím con vừa xoa xoa những chỗ đau vừa lí nhí đáp:
- Vâng… vâng! Con… con đã hiểu rồi mẹ ạ!
Buổi đi hái nấm trong rừng đã cho nhím con một bài học thật là thấm thía và bổ ích như thế đấy!
Hà Nội, 1/6/2009

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Truyện thiếu nhi VE SẦU ĐI HỌC

VE SẦU ĐI HỌC
Truyện thiếu nhí của Trọng Bảo
Trong hình ảnh có thể có: văn bản


Có một gia đình nhà ve sầu ở trong khu vườn. Một chú ve sầu con đang tuổi ham chơi. Suốt ngày chú là cà, lêu lổng lang thang khắp vườn. Chú làm quen được với một thằng dế mèn con. Cả hai quậy phá khắp nơi, khiến bố mẹ chúng phải thường xuyên phải nghe lời phàn nàn của hàng xóm, láng giềng.
Một hôm, bố ve sầu bảo:
- Ngày mai con phải đi học thôi!
- Học để làm gì ạ?
Ve con hỏi lại. Bố giải thích:
- Học để biết chữ con ạ!
Mẹ ve sầu thì âu yếm:
- Mẹ sẽ mua cho con cuốn vở, cây bút và cả một cái cặp sách thật đẹp nhé!
Thế là ve sầu con chuẩn bị đi học. Nhưng nó lại nghĩ đi học rồi thì không biết có còn được đi chơi nữa không, mà không được đi chơi thì học để làm gì nhỉ?
Buổi sáng hôm sau, mẹ phải gọi mãi ve con mới tỉnh giấc. Nó quáng quàng ăn sáng rồi vội vàng đeo cặp sách đến lớp. Đang đi, nó chợt nghe tiếng gọi giật:
- Này! Đi đâu mà vội vã thế!
Nó nhìn quanh. Thì ra đó là thằng bạn thân dế mèn đang khua thanh gươm gỗ chém lia lịa trong đám cỏ non bên đường.
- Tớ đi học đây!
- Học để làm gì?
- Thì… học là để biết chữ! Cậu cũng phải đi học đi…
Dế con băn khoăn:
- Nhưng tớ không có sách vở. Cậu đợi tớ chạy về nhà lấy nhé!
Ve sầu con đứng chờ dế con. Mãi chả thấy dế con ra, nó đành một mình đi đến lớp trước. Trong lớp, các bạn kiến, chuồn chuồn, ong mật đang chăm chú học bài. Thầy giáo đã dạy đến chữ “e”. Ve sầu con vội vàng ghi luôn chữ “e” vào vở rồi hí hửng chạy luôn ra khỏi lớp. Vừa chạy nó vừa reo to:
- A… a… mình… đã… biết… chữ… biết… chữ… rồi…
Lúc đó dế con mới cầm cuốn vở nhàu nát chạy đến. Nhìn thấy ve con, dế con vừa thở vừa hỏi:
- Cậu đã học được chữ chưa?
- Được… được rồi! Cậu vào lớp ngay đi, thầy vẫn còn đang dạy đấy!
Dế con len lén bước vào lớp học. Lúc này thầy giáo đã dạy đến chữ “i”. Dế con cũng vội ghi ngay lấy chữ “i” vào vở và lao luôn ra khỏi lớp gào to:
- Biết…biết… chữ… đã biết chữ rồi…!
Dế con gặp ve con ở bãi cỏ. Cả hai rất phấn khởi vì đã biết chữ. Chúng đâu có hiểu là ngoài chữ e và chữ i ra còn có nhiều chữ khác nữa mà chúng chưa biết. Chúng liền xé luôn sách vở, ném bút đi, coi sự học hành như thế là đã đủ rồi, xong rồi. Từ đó chúng thường xuyên rủ nhau trốn học, đi chơi. Gặp ai chúng cũng tự hào khoe khoang là mình biết chữ, là người có học. Càng ngày chúng càng trở nên kênh kiệu và tỏ vẻ khinh người ra mặt.
Cũng bởi ngộ nhận và lười biếng vậy, cho nên cả đời ve con và dế con mỗi đứa chỉ biết đúng có một chữ duy nhất. Vì thế ngày ngày trên cành cây cao chỉ nghe thấy tiếng ve sầu ra rả đọc mãi một chữ “e…e…e… e…” và dưới mặt đất thì dế chỉ biết ri rỉ lẩm nhẩm mỗi một chữ “i…i…i… i…” mà thôi...
Ngày 1/6/2009
(Rút trong Tập truyện thiếu nhi Chiếc là biết bay - Tác giả Trọng Bảo - NXB Dân trí - 2012)