Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Tiểu thuyết TRĂNG QUÊ (phần 41)

TRĂNG QUÊ (phần 41)
Tiểu thuyết của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng, bầu trời, ngoài trời và thiên nhiên

Hừng "thọt" thập thò mãi mới dám gõ cửa phòng làm việc của ban chỉ huy quân sự xã. Đây là lần đầu tiên Hừng "thọt" đến tận trụ sở làm việc của lãnh đạo xã Hòa Sơn tại nơi sơ tán trong khu rừng lá cọ. Người mà Hừng "thọt" đang cần gặp là xã đội phó Phạm Bản.
Phạm Bản đang ngồi đọc tài liệu huấn luyện dân quân. Hừng "thọt" gặp xã đội phó Phạm Bản thắc mắc về những chuyện ở trung đội dân quân làng Hạ. Sau chiến công bắn rơi máy bay phản lực Mỹ việc khen thưởng, việc đề bạt người thay thế trung đội trưởng Tình đã hy sinh khiến cho đám dân quân có nhiều điều thắc mắc, không thông. Tuy thế, không ai dám kiến nghị lên trên. Hừng "thọt" quyết định trực tiếp đi gặp xã đội phó Phạm Bản. Sau khi nghe Hừng "thọt" nêu những bức xúc của mình, Phạm Bản bảo:
- Tôi cũng có việc cần lên trận địa Đồi Ma ngay bây giờ, chúng ta vừa đi vừa nói chuyện nhé!
- Vâng!
Hừng "thọt" đáp và đứng dậy đi ra cửa. Phạm Bản khoác cái xà-cột bạt cũ kỹ lên vai đi ra sau. Vừa đi hai người vừa trao đổi. Phạm Bản giải thích cho Hừng "thọt" việc tại sao cái Liên và chị Nhân không được khen thưởng gì trong trận chiến đấu vừa qua. Lý do là khi ban chỉ huy xã đội đưa lên để lãnh đạo xã xem xét khên thưởng thì có ý kiến của công an xã nêu việc chị Nhân chửa hoang vừa bị xẩy thai, cái Liên thì để mất vũ khí. Thế nên cả hai đều không được cấp trên tặng giấy khen và trao phần thưởng là một chiếc ca sắt tây tráng men có in dòng chữ "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" như những người khác. Mặc dù trong chiến công bắn rơi máy bay phản lực Mỹ thì chị Nhân và cái Liên là những người rất dũng cảm. Chuyện đề bạt chức vụ cũng vậy. Ban chỉ huy xã đội dự kiến đề bạt chị Nhân giữ chức trung đội trưởng trung đội dân quân làng Hạ, cái Liên giữ chức vụ khẩu đội trưởng khẩu đội 12ly7, nhưng trưởng công an xã Vũ Sinh kiên quyết phản đối cũng vì những lý do trên. Hiện tại, trung đội dân quân làng Hạ tạm thời giao cho cái Hiên phụ trách.
Nghe xã đội phó Phạm Bản giải thích, Hừng "thọt" vẫn chưa thông:
- Thế thằng Nam, nó chiến đấu rất dũng cảm, giao nhiệm vụ gì cũng sẵn sàng nhận và hoàn thành, tại sao trên lại không cho nó làm khẩu đội trưởng khẩu đội 12ly7?
- Thằng Nam đã có lệnh gọi nhập ngũ rồi!
Xã đội phó Phạm Bản đáp gọn lỏn. Hừng "thọt" trố mắt ngạc nhiên. Phạm Bản vỗ vai hắn nói tiếp:
- Khẩu đội 12ly7 sẽ do mày làm khẩu đội trưởng. Từ ngày mai trên trận địa Đồi Ma sẽ tăng cường thêm một khẩu 12ly7 nữa. Sắp tới, bọn Mỹ sẽ đánh phá ác liệt hơn rất nhiều đấy!
Hừng "thọt" giãy nảy:
- Em chân cẳng tấp tểnh thế này làm chỉ huy sao được chứ!
Phạm Bản thủng thẳng:
- Khẩu đội trưởng là cần người trụ lại ở trận địa trong lúc bom đạn mù trời như trận vừa rồi để chỉ huy chiến đấu, không phải để khi ác liệt bỏ chạy cho nhanh nên chân cẳng tập tễnh không thành vấn đề!
Vậy là mọi việc đã rõ ràng. Hừng "thọt" thôi không còn thắc mắc thêm gì nữa. Nhưng hắn lại cảm thấy buồn. Hóa ra người ta vẫn còn định kiến nặng nề với những khuyết điểm của cá nhân. Khi bom đạn mù trời, sống chết sát sạt thì không ai phân biệt, cứ chiến đấu dũng cảm là được. Nhưng khi bình yên thì việc phân định công lao, chia phần chiến thắng, khen thưởng, đề bạt bổ nhiệm thì phải xem xét kỹ đến lý lịch, tiền sự, gốc tích nhân thân như thế nào. Ai đã có lỗi thì không thể có công. Đó cũng là câu chuyện của muôn thuở. Chiến tranh là thế mà hòa bình rồi cũng thế.
Phạm Bản và Hừng "thọt" lên đến đỉnh Đồi Ma. Các chiến sĩ dân quân đang khẩn trương khôi phục lại trận địa sau trận bom. Không khí nặng nề vì trung đội dân quân làng Hạ bị tổn thất lớn sau trận đánh vừa qua. Tuy thế, không ai tỏ ra bị quan, hoảng sợ. Căn nhà hầm đã được làm lại mái. Giữa nhà kê một cái bàn nhỏ trên đặt một cái bát cắm đầy chân nhang và một lọ hoa rừng. Đó là bàn thờ chị Tình và cái Na. Vậy là từ nay trên đỉnh Đồi Ma có hai nơi để thờ những người phụ nữ. Một là bát hương trong hõm đá thờ các trinh nữ là thần giữ của ngày xưa và một là bát hương trong nhà hầm thờ các liệt nữ ngày nay.
Sau khi kiểm tra việc củng cố lại công sự trận địa, bố trí các loại hỏa lực, xã đội phó Phạm Bản gọi thằng Nam đến. Thằng Nam đang hì hục khoét hầm trú ẩn cạnh khẩu 12ly7. Thằng Nam ngạc nhiên không hiểu có việc gì mà xã đội phó trực tiếp gọi đến nó. Thằng Nam vội quẳng cái xẻng cùn rồi chui vào căn nhà hầm. Trong hầm đã có mấy dân quân đang ngồi nghỉ giải lao ngồi uống nước ở đấy. Phạm Bản mở cái xà-cột cũ kỹ lục lọi một lúc rồi lấy ra một tờ giấy đưa cho thằng Nam. Vừa cầm tờ giấy đọc lướt qua, thằng Nam đã nhảy cẫng vì vui mừng. Đó là tờ lệnh gọi nó nhập ngũ. Thế là nó được đi bộ đội trực tiếp cầm súng vào miền Nam chiến đấu. Trong đầu nó hình dung con đường ra trận thật đẹp và lãng mạn.
Thằng Nam định bàn giao luôn khẩu súng K44 cho trung đội dân quân để về làng chuẩn bị vì sáng sớm ngày kia nó đã phải lên huyện tập trung rồi. Nhưng Hừng "thọt" vội ngăn lại bảo:
- Mày cứ về nhà chuẩn bị, chia tay với gia đình, anh em, bà con làng xóm. Tối mai lên trận địa Đồi Ma liên hoan với bộ phận trực chiến của dân quân một bữa rồi hẵng đi!
Cái Liên cũng đồng tình:
- Đúng rồi! Phải liên hoan chia tay với trung đội chứ. Hôm nay thì không kịp chuẩn bị. Tối mai lên Đồi Ma với tụi mình Nam nhé!
- Đồng ý!
Thằng Nam nhận lời với vẻ rất phấn khởi. Nó đang háo hức vì được gọi nhập ngũ. Thằng Nam xin phép chỉ huy trung đội về làng ngay để thông báo với gia đình chuyện nhập ngũ. Hừng "thọt" bàn với cái Hiên và cái Liên việc chuẩn bị liên hoan tiễn thằng Nam lên đường nhập ngũ. Cả bọn thống nhất làm một mâm cơm cúng chị Tình và cái Na và cũng để liên hoan tiễn chân thằng Nam luôn. Bàn bạc xong xuôi, Hừng "thọt" tập tễnh đi xuống bến sông Phó Đáy. Hừng "thọt" tìm lão Vận để kiếm thêm một con cá tươi cho bữa liên hoan tối ngày mai.
Bữa cơm cuối cùng của thằng Nam trên trận địa Đồi Ma chỉ gồm có bộ phận canh gác phòng không và khẩu đội 12ly7. Xã đội phó Phạm Bản hứa nhưng chắc có việc bận nên không thấy lên. Mọi người ăn uống trò chuyện đến tận khuya. Có một chai rượu gạo Hừng "thọt" mang lên, mỗi người làm một chén nhỏ. Đây là bữa liên hoan đầu tiên kể từ khi trung đội dân quân làng Hạ gặp một biến cố lớn, hai người hy sinh. Với chiến công bắn rơi máy bay Mỹ, trung đội dân quân làng Hạ được cấp trên khen thưởng, được đề nghị tặng huân chương chiến công nhưng không ai nghĩ đến việc tổ chức liên hoan mừng công. Họ vẫn còn chưa nguôi ngoai vì sự tổn thất, mất mát trong trận đánh ấy. Những người bị thương cũng chưa ai trở lại trận địa. Chị Nhân đang tạm nghỉ ở nhà uống thuốc nam. Hai chiến sĩ khác đang ở bệnh viện vì vết thương chưa lành hẳn. Riêng phó tiến sĩ Dương Thụy thì được gia đình đưa đi mất tăm luôn ngay sau trận bom hôm ấy.
Sau bữa liên hoan, thằng Nam quyết định ngủ lại trận địa với Hừng "thọt". Hai anh em nằm trong hầm tâm sự gần như suốt đêm. Họ đã quen những đêm thức trắng để trực chiến như vậy rồi.
Gần sáng, thằng Nam trở dậy. Nó lay lay Hừng "thọt" nói:
- Thôi em phải đi đây!
Hừng "thọt" bảo:
- Ừ! Mày đi mạnh khỏe, nhớ là khi ra trận phải thật cẩn thận đấy!
- Vâng! Anh cứ yên tâm... Hẹn ngày chiến thắng trở về anh em mình lại gặp nhau, lại cùng đi trực chiến trên Đồi Ma nhé!
Thằng Nam đi rồi, Hừng "thọt" vừa ngáp ngủ vừa lẩm bẩm một mình: "Mày mà trở về được đã là may lắm rồi. Lúc mày về hết chiến tranh còn trực chiến, trực chót trên Đồi Ma làm cái gì nữa chứ!".
Thằng Nam theo đường giao thông hào tụt xuống dưới chân đồi. Lòng hào giao thông mới dọn dẹp, san phẳng những chỗ nước xoáy thành rãnh nên rất dễ đi. Đã qua rằm, trời gần sáng nhưng trăng chưa kịp lặn. Mặt trăng không thật tròn đầy nhưng vẫn còn rất sáng. Mảnh trăng vàng treo lơ lửng mãi tận phía rừng xa. Ánh trăng mênh mông trải thảm trên cánh đồng làng Hạ cũng mênh mông.
Thằng Nam đi đến lưng dốc thì có tiếng gọi rất khẽ ở ngã ba tuyến hào giao thông:
- Nam ơi! Đợi mình với...
Thằng Nam ngạc nhiên nhận ra là giọng cái Liên. Nó dừng lại chờ và hỏi:
- Liên cũng về làng bây giờ à?
- Không... mình... mình đi tiễn Nam một đoạn.
Cái Liên nhô ra rất nhanh. Hình như nó đã đứng chờ ở đây lâu rồi. Cái Liên không mang theo súng. Nó mặc một bộ quần áo sáng màu, không đeo vòng lá ngụy trang. Ban đêm nên không sợ máy bay Mỹ phát hiện. Thằng Nam liền bảo:
- Không phải tiễn đâu. Liên về ngủ đi, mai còn phải trực chiến!
- Ngày mai Nam ra trận rồi. Mình muốn... tặng cho Nam một cái này!
Tiếng cái Liên rất nhỏ như đang thì thào bên tai thằng Nam. Cái Liên tiến lại gần thằng Nam. Nó kéo thằng Nam rẽ vào một lối hào giao thông khác. Đó là lối giao thông hào rẽ xuống phía bến sông Phó Đáy, nơi sườn đồi toàn những bụi cây gai xấu hổ rậm rạp. Thằng Nam hơi giằng lại. Nó không muốn đi lối này vì phải vòng qua cánh đồng về làng Hạ hơi xa. Thằng Nam bảo:
- Thôi chúng mình đứng đây nói chuyện một lúc rồi mình còn phải về làng chào bố mẹ để còn lên đường cho kịp thời gian giao quân.
Cái Liên buông tay thằng Nam và đứng dựa lưng vào thành hào giao thông rồi hỏi:
- Nam có biết chuyện gì sắp xảy ra với làng Hạ chúng ta không?
- Không! Mà có chuyện gì ngoài việc ngày mai làng ta tiếp tục tiễn ba thanh niên lên đường nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu?
Cái Liên nói giọng chùng xuống:
- Ngày mai, sau khi Nam cùng mấy anh em trong làng, trong xã lên đường nhập ngũ rồi thì họ sẽ tổ chức báo tử và làm lễ truy điệu cho anh Xuyên và mấy người nữa đấy!
- Thế à?
- Giấy báo tử đã gửi về xã từ mấy hôm trước. Nhưng lãnh đạo xã họ muốn để bọn Nam lên đường yên tâm nên chờ sau khi giao quân xong mới làm lễ truy điệu cho các liệt sĩ. Lần này làng Hạ có gia đình anh Xuyên, toàn xã Hòa Sơn có bốn gia đình sẽ nhận được giấy báo tử liệt sĩ...
Thằng Nam lặng im không hỏi thêm. Cái Liên cũng lặng đi một lát rồi mới nói tiếp, giọng vẫn còn xúc động:
- Buồn quá! Tại sao con trai làng ta cứ ra đi mà không ai trở về thế nhỉ?
- Chiến tranh mà...
Cái Liên thì thào:
- Nhưng... Nam nhất định phải trở về nhé!
- Ừ... nhất định!
Thằng Nam đáp nhưng nó cũng không tin ở lời mình nói lắm. Cái Liên lại thì thào bảo:
- Đưa tay đây, mình tặng Nam cái này làm kỷ niệm...
Thằng Nam chìa tay phải cho cái Liên. Trong đầu nó thoáng nghĩ thầm: "Chắc lại là một cái khăn mùi-xoa thêu chim bồ câu hay cái vỏ gối có thêu hoa và hai chữ "Quyết thắng" chứ gì!". Cái Liên cầm tay của thằng Nam nâng lên soi dưới ánh trăng. Và, thật bất ngờ, cái Liên ấp bàn tay thằng Nam vào bên ngực trái của mình. Ngực áo cái Liên đã mở sẵn khuy tự bao giờ rồi. Bàn tay thằng Nam chạm vào một bầu vú căng tròn mịn màng của người con gái cùng làng. Thằng Nam hốt hoảng định rụt tay mình lại nhưng cái Liên cứ giữ chặt ở trên ngực mình. Cái Liên hổn hển bảo:
- Mình muốn... tặng Nam là cái này...
Cái Liên níu thằng Nam đổ người áp chặt vào mình. Nó lần tìm và kéo nốt bàn tay còn lại của thằng Nam đặt lên bên ngực kia của mình. Sau giây phút bất ngờ, thảng thốt, thằng Nam dần lấy lại sự bình tĩnh. Lần đầu tiên nó được đặt bàn tay trực tiếp lên khuôn ngực một người con gái mềm mại, tròn căng và đẹp như thế này. Nó cảm nhận được sự kỳ diệu đang ở trong lòng bàn tay của mình. Cái Liên để yên một lúc lâu rồi lại đột nhiên gỡ bàn tay phải của thằng Nam ra vít mạnh đưa xuống phía dưới. Thằng Nam thêm một lần nữa bị bất ngờ bởi những điều nó lần đầu được biết. Bàn tay thằng Nam chạm vào một sự rối bời nhưng đầy lạ lùng, hấp dẫn đến tận cùng trên cơ thể người con gái. Nó như mê đi... Mọi việc tiếp theo diễn ra rất nhanh. Cái Liên chủ động mọi việc. Khi thằng Nam lúng túng không biết làm như thế nào vì đối với nó đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời và hoàn toàn mới lạ. Cái Liên lại phải hạ tay xuống để trợ giúp thằng Nam định vị. Đoạn cái Liên vòng hai tay ôm thằng Nam kéo giật mạnh về phía mình. Thằng Nam thấy người như hẫng đi, chơi vơi khi đã xâm nhập trọn vẹn vào cơ thể của người con gái cùng làng.
Sự việc diễn ra và xong rất nhanh nhưng cả cái Liên và thằng Nam đều thấy rất hài lòng thỏa mãn. Cái Liên chỉnh sửa lại quần áo rồi đi tiễn thằng Nam thêm một đoạn nữa xuống tận đầu cánh đồng làng Hạ. Trời sáng rõ, trăng đã tàn. Bình minh hồng lên ở phía chân trời. Hai đứa chia tay nhau hẹn ngày gặp lại. Một người quay lên trận địa phòng không, một người đi ra chiến trường. Đó cũng là ngày cuối cùng khi đất nước còn chiến tranh thằng Nam ở làng. Một ngày mà với nó là một kỷ niệm mãi mãi không thể nào quên...
(còn nữa) Hà Nội, 10-2015

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

Tiểu thuyết TRĂNG QUÊ (phần 40)

TRĂNG QUÊ (phần 40)
Tiểu thuyết của Trọng Bảo

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Chị Tình nằm đó, lặng yên trong hội trường. Không khí âm u. Không có tiếng máy bay khoảng trời trung du tự dưng trùng hẳn xuống. Đó không phải là sự bình yên mà là sự bất an, là một khoảng lặng của chiến tranh. Thằng Nam và cái Liên đã bóc bỏ hai chữ "Hạnh phúc" để dán lên dòng chữ "Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Thị Tình". Các bức tường hai bên và phía sau hội trường thì vẫn còn nguyên những hình họa tiết tươi vui của một đám cưới chưa kịp bóc.
Sắp tới giờ tổ chức buổi lễ thì anh Thức và một chiến sĩ mới đến. Trận địa đơn vị pháo cao xạ bên kia sông cũng bị trúng bom Mỹ. Một chiến sĩ đơn vị cao xạ hy sinh và ba chiến sĩ khác bị thương. Anh Thức phải lo cho xong mọi việc ở đơn vị mình rồi mới sang dự lễ truy điệu người vợ sắp cưới. Anh lặng lẽ đặt lên nắp quan tài chị Tình một cái lược, hai chiếc nhẫn và một cái hộp đựng bàn chải, thuốc đánh răng. Tất cả đều được làm bằng đuya-ra, một thứ hợp kim lấy từ xác những máy bay Mỹ mà đơn vị anh đã bắn rơi. Đây cũng là những vật kỷ niệm anh dự định sẽ tặng chị trong ngày cưới. Người chiến sĩ đi cùng trân trọng đặt lên một bó hoa tươi. Đó chính là bó hoa hồng mà các chiến sĩ đơn vị cao xạ chuẩn bị để tặng cô dâu trong tiệc cưới. Chỉ khác là dải nơ hồng buộc bó hoa đã được thay bằng một dải băng đen. Cái Liên cũng đặt lên trên nắp quan tài người chỉ huy của mình một cái gói nhỏ bằng giấy màu hồng nhạt. Đó là tặng phẩm đám cưới của nó và chị Nhân. Trong cái gói nhỏ ấy có một bộ đồ lót của phụ nữ màu trắng mỏng tang dành cho cô dâu mặc trong đêm tân hôn.
Bốn người gồm trung úy Thức, cái Liên, thằng Nam và người lính cao xạ cùng đứng cúi đầu từ biệt người đã khuất. Anh Thức bảo sau lễ truy điệu anh phải lên đường đi nhận nhiệm vụ mới ngay. Anh được bổ nhiệm giữ chức vụ tiểu đoàn phó tại một đơn vị tên lửa, loại vũ khí mới mà anh đã được cử đi tập huấn sử dụng và chỉ huy bắn mấy tháng trước. Đơn vị tên lửa của anh nhận nhiệm vụ hành quân gấp vào tuyến lửa khu bốn để "đón lõng" bắn hạ máy bay chiến lược B52 của giặc Mỹ.
Buổi lễ truy điệu diễn ra trong tình trạng báo động phòng không được nâng cấp sau trận bom lúc trưa nay. Hội trường đóng kín các cửa để ánh sáng lóa của cây đèn măng-xông khỏi lọt ra bên ngoài. Trên lễ đài khói hương nghi ngút. Tiếng khóc nghẹn của mẹ và em gái chị Tình. Chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu đọc điếu văn, giọng đầy đau thương, xúc động. Giữa lúc đang tổ chức lễ tang chị Tình thì lại nhận được tin cái Na đã chết tại bệnh viện dã chiến của quân đội, vết thương quá nặng nên nó không qua nổi. Chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu thông báo cho các đại biểu biết buổi tối ngày mai sẽ tổ chức lễ truy điệu nữ chiến sĩ dân quân Mai Thị Na tại làng Hạ. Bố mẹ cái Na đã đưa nó về nhà rồi. Vậy là trận bom lúc gần trưa nay trung đội dân quân làng Hạ có hai người hy sinh, bốn người bị thương, mất đúng một phần năm quân số. Làng Hạ kể từ hôm nay có thêm hai liệt sĩ mà không cần giấy báo tử.
Lễ truy điệu xong thì đã quá nửa đêm. Anh Thức rất buồn khi vĩnh biệt người vợ sắp cưới. Mặt anh hốc hác, sạm đen vì khói đan. Anh chia tay những người dân quân dũng cảm làng Hạ rồi cùng người chiến sĩ đi ngay trong đêm cho kịp thời gian hành quân. Anh không thể ở lại để đưa chị Tình về nơi an nghỉ cuối cùng. Mờ sáng hôm sau chị Tình sẽ được đưa đi mai táng ở trên một quả đồi lá cọ phía sau làng Hạ. Suốt đêm ấy, các chiến sĩ dân quân đã bồng súng thay nhau đứng canh cho chị yên nghỉ trong hội trường. Trên trận địa Đồi Ma một dải băng tang trắng được buộc vào nòng khẩu 12ly7. Chôn cất chị Tình xong thì trời đã tang tảng sáng, cái Liên rủ thằng Nam cùng tranh thủ đi thăm chị Nhân và những dân quân bị thương đang nằm điều trị ở bệnh viện quân y số 9 sơ tán tại xã bên. Sau đó, hai người vòng lên trận địa Đồi Ma luôn. Hai đứa đi tắt qua một khu rừng lim sang xã bên. Con đường mòn cắt qua mấy dòng suối lổm ngổm sỏi đá nên rất khó đi. Đến khu rừng bệnh viện quân đội sơ tán thì hai người bị chặn lại. Một chiến sĩ vệ binh đeo băng đỏ đề nghị họ xuất trình giấy tờ. Khi biết cái Liên và thằng Nam đều là dân quân làng Hạ, những người bằng súng bộ binh đã bắn rơi máy bay phản lực hiện đại của Mỹ hôm qua, chiến sĩ vệ binh nhiệt tình hướng dẫn họ đến nơi những người đồng đội của họ bị thương đang điều trị.
Chị Nhân và hai nữ dân quân đang nằm ở một phòng bệnh trong căn nhà dã chiến nửa chìm nửa nổi. Thấy cái Liên và thằng Nam đến hai nữ dân quân bị thương nhẹ ở tay và ở đầu liền ngồi dậy. Chị Nhân thì vẫn nằm nghiêng quay mặt vào vách nhà hầm như đang ngủ.
Vừa bước vào phòng cái Liên đã lên tiếng hỏi:
- Mọi người đã đỡ chưa?
- Tao với cái Linh đã đỡ rồi! Chỉ vài hôm nữa là xuất viện về tiếp tục chiến đấu được ngay. Chỉ có chị Nhân là vẫn...
Cái Mận cánh tay trái băng trắng toát treo trên cổ đáp rồi hất hàm về phía chị Nhân. Cái Liên ngạc nhiên hỏi lại:
- Chị Nhân bị thương nặng lắm à?
Cái Mận vội vã tụt xuống khỏi giường giơ cánh tay còn lành lặn lên ra hiệu. Đoạn, nó kéo cái Liên ra bên ngoài cửa phòng thì thào:
- Chị Nhân đã bị... sảy thai rồi! Chị Nhân đang rất buồn. Mày lựa lời động viên an ủi chị ấy nhé! Chuyện này cũng đừng nói cho ai biết kẻo chị ấy sẽ bị kiểm điểm kỷ luật mất thôi...
Cái Liên trợn tròn mắt, há miệng ngạc nhiên. Nhưng rồi nó hiểu ra ngay mọi chuyện. Thì ra, chị Nhân đã có thai với tay phó tiến sĩ "họ dê" kia rồi. Cái Liên nghĩ thầm: "Thảo nào dạo này trông chị có vẻ đẫy đà hơn, đi đứng chậm chạp, nhất là không bao giờ tắm chung với mình. Thì ra, chị ấy sợ mình phát hiện ra quầng vú bị thâm do nghén”. Đến bây giờ cái Liên cũng mới biết là chị Nhân đã buộc chặt bụng cố giấu không để mọi người biết đã có thai mấy tháng. Hôm qua, do bị sức ép của quả bom nổ gần, chị Nhân bị hất đập bụng vào thành công sự nên cái thai đã động mạnh. Khi chị đang tham gia đào bới tìm người dưới hố bom thì bị sảy thai, máu ra ướt sũng hai ống quần. Lúc ấy mọi người lại cứ tưởng chị bị thương vào đùi, vội vàng cáng ngay đến bệnh viện quân đội. May mà chị được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Cái Liên và cái Mận quay vào phòng. Chị Nhân đã nằm quay lại và đang nói chuyện với thằng Nam. Cái Liên cố nén hỏi:
- Anh Thụy đang nằm ở đâu?
Chị Nhân nói, giọng có vẻ còn rất buồn và mệt mỏi:
- Anh ấy nằm ở khu nhà bên cạnh. Tối hôm qua, sau khi tỉnh lại, anh ấy còn sang đây hỏi thăm tình hình của mọi người...
Cái Liên bảo thằng Nam cùng sang thăm Dương Thụy. Hai đứa đi theo tuyến giao thông hào rộng phía trước ngôi nhà nửa chìm nửa nổi sang khu dành cho các thương bệnh binh nam giới ở ngay gần bên cạnh. Trong căn nhà hầm này cũng kê mấy chiếc giường cho bệnh nhân. Chỉ có một người mặc quân phục đang nằm trên cái giường ở góc nhà. Một chị phụ nữ mặc áo blu trắng đang dọn dẹp gấp chăn màn trên cái giường giữa phòng. Đó là một y tá của bệnh viện quân đội. Cái Liên chào chị rồi hỏi:
- Chị ơi! Anh dân quân làng Hạ bị thương nằm ở đây đâu rồi ạ?
Chị y tá bảo:
- Đấy là phó tiến sĩ Dương Thụy?
- Đúng rồi! Hôm qua anh ấy bị thương đưa đến đây cấp cứu.
- À... ông này đâu có bị thương! Mà ông ấy chỉ bị ngất đi vì… hoảng sợ quá thôi!
Chị y tá nói nhấm nhẳng. Cái Liên phải hỏi lại cặn kẽ thì mới hiểu rõ mọi sự. Hóa ra là hôm qua khi máy bay Mỹ lao xuống ném bom, bắn rốc-két vào trận địa Đồi Ma, phó tiến sĩ Dương Thụy sợ quá đã bỏ chạy xuống chân đồi, vứt luôn hòm đạn 12ly7 ở lưng chừng dốc. Đấy cũng chính là hòm đạn mà lão Vận đã nhặt được và vác lên trận địa. Cũng do quá hoảng loạn nên Dương Thụy bị ngất xỉu đi, mặt úp xuống vũng bùn nhão, may mà có người kịp phát hiện. Chỗ Dương Thụy bị ngã ngất cũng là đoạn hào cụt đám con gái làm chỗ đi vệ sinh, nơi lần trước vị phái viên quân sự cấp trên Lê Thanh Tục đã lao vào ẩn nấp khi máy bay Mỹ ập đến ném bom.
Cái Liên đến gần chị y tá hỏi thêm:
- Thế vị phó tiến sĩ ấy đâu rồi hả chị?
- Đi rồi!
- Đi đâu ạ?
- Không biết! Bố mẹ ông ấy vừa mới đưa xe con đến đón xong. Họ đề nghị cho ông ấy xuất viện gấp để đưa ngay về một bệnh viện trung ương có phương tiện, trang thiết bị hiện đại, thuốc men đầy đủ, tốt hơn, bác sĩ giỏi hơn để tiếp tục điều trị và an dưỡng.
Cái Liên khẽ thở dài. Nét mặt nó hơi cau lại. Vậy là tay phó tiến sĩ “họ dê” này lặng lẽ ra đi mà không nói một lời nào với người yêu là chị Nhân đang nằm điều trị ở ngay phòng bệnh bên cạnh. Hắn ta đã bỏ chạy khỏi trận địa và người yêu như thế đấy.
Mãi sau này cái Liên và đám dân quân làng Hạ mới biết Dương Thụy đã được ông bố xin cho đi du học tại Liên-xô để nghiên cứu và bảo vệ luận án tiến sĩ về văn hóa với tiến trình phát triển của xã hội loài người...
(còn nữa) Hà Nội, 10-2015

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

Tiểu thuyết TRĂNG QUÊ (phần 39)

TRĂNG QUÊ (phần 39)
Tiểu thuyết của Trọng Bảo

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Thằng Nam về đến nhà thì quá nửa đêm. Nó ngả lưng xuống cái phản giữa nhà. Trong buồng, mẹ và em nó đã ngủ ngon. Có tiếng gà xao xác gáy. Trong đầu thằng Nam hình ảnh khuôn ngực tròn trịa của cái Liên nhìn thấy lúc trang trí đám cưới cứ luôn hiện lên khiến nó không tài nào mà ngủ được. Nó nghĩ đến cái chuyện mà nó chưa một lần được biết, được làm. Một đêm ngủ trên trận địa Đồi Ma, anh Hừng đã kể cho nó nghe về chuyện ấy hấp dẫn và tuyệt đến thế nào nhưng nó vẫn không hình dung được cặn kẽ. Đối với một thằng thanh niên mới lớn như nó mọi chuyện đều mới mẻ. Trong đầu nó luôn luôn là những câu hỏi, những thắc mắc tò mò mà không dám hỏi ai. Kể từ khi nó trông thấy chị Nhân và cái Liên tắm truồng dưới suối nhất là sau cái đêm nó quờ tay chạm vào một bên ngực tròn căng của cái Liên trong lòng thằng Nam luôn mơ hồ nghĩ về những điều khác lạ. Hôm nay, nó lại được nhìn thật gần, thật rõ bộ ngực tuyệt đẹp ấy. Thằng Nam thấy sức lực trẻ trung luôn rân rân chảy tràn trong cơ thể. Mặc dù ăn uống đói kém, lao động huấn luyện vất vả nhưng nó vẫn dồi dào sinh lực, không ốm o như mấy thằng cùng trang lứa.
Gần sáng, thằng Nam mới chợp mắt đi được một lát. Nó mơ thấy có một người con gái rất đẹp mặc bộ quần áo mỏng tanh, nhìn thấu cả cơ thể. Cô gái dìu nó bay lên, bay lên. Lần đầu tiên nó được bay như thế. Người con gái đẹp cứ áp chặt cái cơ thể ấm áp, gần như trần trụi ấy vào người khiến thằng Nam thấy lâng lâng, lâng lâng đầy những cảm giác mới lạ...
Có tiếng người gọi ngoài cổng, thằng Nam bừng tỉnh. Trời đã sắp sáng. Mẹ và em gái nó đã đi gặt sớm để phòng tránh máy bay Mỹ. Chắc là cái Liên và chị Nhân gọi nó cùng lên trận địa. Thằng Nam vội ngồi dậy vớ cái quần dài định mặc thì thấy hai đùi mình dinh dính. Nó sờ tay xuống và hơi hoảng. Thằng Nam vội tìm cái quần lót khác rồi chạy vụt ra nhà tắm. Mặc xong quần áo, thằng Nam khoác khẩu súng lao ra ngoài cổng. Vừa nhìn thấy thằng Nam cái Liên đã cằn nhằn:
- Làm gì mà hôm nay lề mề thế?
Thằng Nam ấp úng:
- Mệt quá... ngủ quên...
Chị Nhân đưa cho thằng Nam một gói lá chuối nhỏ và nói:
- Ăn đi! Cơm nếp gạo mới đấy! Thôi vừa đi vừa ăn cho kịp thời gian.
- Thế chị và Liên không ăn à?
- Hai chúng tao ăn trước rồi! Nấu xong, ăn xong mới đến gọi mày đấy. Ngủ gì mà ngủ khiếp thế. Mà mày hồi này là hay chậm chạp lắm!
Nói xong, chị Nhân và cái Liên đi trước. Thằng Nam lùi lũi theo sau. Vừa đi, thằng Nam vừa véo từng cục cơm nếp cho vào miệng nhai. Ngon quá. Miếng cơm nếp đầu mùa thật thơm và thật dẻo. Ba người đến chân Đồi Ma thì trời sáng hẳn. Mặt trời ló lên trên dãy núi Tam Đảo bung tỏa những tia nắng đầu tiên xuống vùng đồng bằng miền trung du Vĩnh Phúc, Sơn Tây. Ba người vội vã leo lên dốc. Cái Liên đi ngay phía trước thằng Nam. Thằng Nam chợt giật mình vì thấy cái Liên đang mặc một cái áo màu xám nhạt nhưng rất mỏng. Ánh nắng xuyên thấy qua lượt vải mỏng khiến thằng Nam nhìn thấy mờ ảo một bầu ngực rất tròn. Nó chợt nhớ tới giấc mơ kỳ diệu đêm qua.
Khi thằng Nam thông báo việc trang trí hội trường đám cưới của trung đội trưởng đã hoàn tất đám dân quân làng Hạ đều rất vui. Ai cũng háo hức mong trời tối nhanh để được đến dự lễ cưới của người chỉ huy. Chị Tình cũng đã có mặt trên trận địa Đồi Ma từ sáng sớm. Chị Tình đang đôn đốc khẩu đội 12ly7 khẩn trương tu sửa sang lại chỗ hào giao thông từ ụ súng vào hầm để đạn dược bị sạt lở. Mọi người đều giục chị về làng để chuẩn bị cho lễ cưới tối nay. Chị Tình chỉ ừ ào và bảo gần trưa chị sẽ về nhà. Bố mẹ chị đang chuẩn bị một mâm cơm cúng để kính cáo với tổ tiên, ông bà con gái lớn đi xây dựng gia đình. Bố mẹ chị đều đã già, chỉ mong con gái lớn chóng thành gia thất.
Gần trưa, bầu trời quang quẻ, chỉ có một vài dải mây trắng lơ thơ trên đỉnh núi Tam Đảo. Chị Tình căn dặn các bộ phận trực chiến phải nghiêm túc rồi chào mọi người để về làng. Chị cũng không quên nhắc lại lời mời mọi người tối nay đến chung vui cùng mình trong lễ cưới đời sống mới tại hội trường ủy ban xã. Đám con gái tíu tít chúc mừng và tiễn người chỉ huy, người chị của mình về chuẩn bị cho một ngày vui nhất trong cuộc đời. Chị Tình cảm ơn mọi người và quay người đi xuống dốc. Giữa lúc đó thì tiếng kẻng báo động vang lên dồn dập. Một tốp máy bay địch từ trên đỉnh núi Tam Đảo đang chúc đầu xuống cây cầu sắt. Khẩu lệnh chiến đấu vang lên gọn gàng, dứt khoát. Trung đội trưởng Tình vội lao vút trở lại vị trí chỉ huy của mình bên cạnh khẩu đội 12ly7. Chị giơ cao lá cờ hiệu hô:
- Toàn trung đội sẵn sàng chiến đấu! Khẩu đội 12ly7 bắt mục tiêu máy bay bay thấp! Tầm... hướng...
- Rõ!
- Đã bắt được mục tiêu ba chiếc. Tầm… hướng… cự ly…
- Mục tiêu chiếc thứ nhất… cự ly…
Trung đội trưởng Tình vừa hô các khẩu lệnh chiến đấu ngắn gọn vừa lắng nghe tiếng báo cáo mục tiêu của khẩu đội trưởng khẩu đội 12ly7 và của các xạ thủ đang thao tác súng. Tiếng máy bay địch gầm rú, lồng lộn trên bầu trời. Một tốp bốn chiếc bay hơi chúc đầu xuống rồi ngóc lên bay vụt qua trận địa Đồi Ma. Chị không quan tâm đến tốp máy bay vừa lướt qua mà chỉ chú ý quan sát một tốp máy bay khác đang lượn vòng trên đỉnh núi. Chị phán đoán tốp máy bay này mới chính là những chiếc sẽ lao xuống bắn phá cây cầu sắt và các trận địa phòng không hai bên bờ sông. Chị Tình chỉnh chiếc ống nhòm cho hình ảnh thật rõ nét. Tốp máy bay Mỹ trên đỉnh núi bắt đầu dàn đội hình lao xuống. Khẩu đội 12ly7 nhanh chóng ngắm mục tiêu. Các nòng súng bộ binh trên khắp trận địa của trung đội dân quân cũng sẵn sàng nhả đạn khi có hiệu lệnh. Tốp máy bay to dần. Chiếc máy bay đầu đã lọt vào vòng ngắm. Hừng "thọt" ghì chặt báng sáng, mặt ngước lên rê vòng ngắm theo sát mục tiêu. Cái Liên xoay theo khẩu 12ly7, tay nâng dây đạn. Thằng Nam ép ngực vào bờ công sự bên cạnh chĩa khẩu súng K44 về hướng máy bay Mỹ đang lao tới. Chị Nhân với cương vị là khẩu đội trưởng đứng ở bên cạnh, tay phải giơ cao lá cờ hiệu đuôi nheo sẵn sàng hạ lệnh bắn.
Trung đội trưởng Tình vẫn dán mắt vào tốp máy bay Mỹ đang chúc đầu lao xuống. Đột nhiên chị hô to:
- Bỏ tốp đang lao xuống! Ngắm đón mục tiêu chiếc máy bay bay thấp phía thượng lưu sông Phó Đáy!
Mọi người vội nhìn theo hướng lá cờ chỉ thị mục tiêu của trung đội trưởng. Một chiếc F4H đang bay rất thấp dọc theo dòng sông từ phía thượng nguồn xuống lao về phía cây cầu sắt. Chiếc máy bay Mỹ bay thấp để tránh hỏa lực pháo cao xạ 37ly và tạo thế bất ngờ phóng tên lửa vào cây cầu sắt. Nhưng ý đồ đánh lén của nó đã bị người trung đội trưởng dân quân làng Hạ phát hiện. Khi chiếc máy bay Mỹ vừa lọt vào tầm súng, chị Tình hạ lệnh bắn. Hỏa lực 12ly7 và các loại súng bộ binh vỗ mặt tên giặc trời. Nó vội ngóc đầu lên phóng một quả tên lửa sàn sạt trượt qua thành cầu bay cắm xuống dòng sông phía hạ lưu. Khi chiếc F4H ngóc lên phơi bụng ra hứng trọn những loạt đạn súng bộ binh của dân quân trên trận địa Đồi Ma. Chiếc F4H trúng đạn xịt khói đen rồi nổ và bốc cháy dữ dội lao xuống phía cuối cánh đồng làng Hạ. Cả trận địa Đồi Ma và trong các làng xóm xung quanh tiếng reo hò "Máy bay Mỹ cháy rồi! Máy bay Mỹ cháy rồi" vang lên át cả tiếng phản lực gầm gào trên bầu trời.
Chị Tình định hạ lệnh cho thằng Nam và một bộ phận chạy xuống kiểm tra chỗ máy bay rơi. Một tốp máy bay Mỹ khác từ trên đỉnh núi lại tiếp tục lao xuống. Chị Tình vừa hô khẩu đội 12ly7 bám bắt mục tiêu thì một quả tên lửa phóng xuống trúng đỉnh Đồi Ma. Thêm một loạt bom nữa. Trận địa của dân quân chìm trong khói lửa. Khẩu 12ly7 bị bom hất văng vào một góc công sự. Hừng "thọt" và cái Liên bị đất đá vùi kín. Hừng "thọt" lồm cồm bò dậy cất tiếng gọi chị Nhân, cái Liên và thằng Nam. Họ vội vã bới đất khênh giá lại khẩu súng để sẵn sàng nhả đạn khi máy bay Mỹ tiếp tục lao xuống. Hừng "thọt" tiếp tục gào to gọi phó tiến sĩ Dương Thụy đem hòm đạn 12ly7 lên ngay. Nhưng gọi mãi không thấy Dương Thụy trả lời mà lại thấy lão Vận hì hục bê hòm đạn đến. Cái Liên ngạc nhiên hỏi:
- Sao ông lại lên đây! Bom đạn đang ác liệt thế này?
Lão Vận hổn hển vừa thở vừa nói không ra hơi:
- Tao đem cho tụi mày mấy cân cá để liên hoan mừng đám cưới tối nay. Thấy hòm đạn này lăn lóc ở trên sườn đồi nên vác lên đây.
Lúc này mọi người mới nhớ đến chị Tình. Họ vội lao ngay đến chỗ trung đội trưởng vẫn đứng chỉ huy đơn vị. Chỗ chị Tình đứng lúc nãy không rõ bị trúng một quả bom hay quả tên lửa mà tạo thành một cái hỗ rất rộng và sâu. Cái Hiên và mấy nữ dân quân đang vừa gào khóc vừa cuống cuồng đào bới. Xã đội phó Phạm Bản cũng đang có mặt tại đây chỉ huy việc tìm kiếm. Lúc nãy, Phạm Bản vừa tới chân dốc thì trận địa Đồi Ma bị trúng bom. Anh bị hơi bom hất ngã văng vào bụi tre gai. Bom nổ vừa dứt, Phạm Bản vội lao ngay lên đồi. Anh đến ngay hầm chỉ huy và hô hét mọi người khẩn trương đào bới tìm kiếm. Mọi người ngay sau sự hân hoan với chiến công bắn rơi máy bay phản lực Mỹ là sự kinh hoàng vì bom đạn đổ xuống đầu. Bây giờ thì là một đám nữ dân quân đầu tóc quần áo tả tơi vừa kêu khóc vừa đào bới như điên để tìm kiếm những người bị vùi lấp vì bom. Căn hầm chỉ huy bị đánh sập hoàn toàn. Mùi thuốc bom còn khét lẹt. Các chiến sĩ dân quân phải dùng tay bới moi đất vì sợ dùng cuốc xẻng sẽ đâm vào người bị thương. Một số chiến sĩ ở trung đội dân quân cơ động làng Thượng cũng đã lên trận địa Đồi Ma tham gia việc cứu hộ, vận chuyển người bị thương về tuyến sau. Trưởng công an xã Vũ Sinh cùng mấy công an viên cũng có mặt để làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh và tham gia việc đào bới tìm người bị vùi lấp. Vũ Sình yêu cầu lão Vận phải rời khỏi khu vực Đồi Ma ngay.
Đám dân quân đào bới tìm thấy cái Na gục dưới một đoạn giao thông hào bị đất vùi lấp kín. Cái Na vẫn còn thoi thóp thở được đưa ngay đến trạm cấp cứu của đơn vị quân đội. Mọi người tiếp tục đào bới trong đống đất đá ngổn ngang, hoang tàn. Họ tìm thấy thi thể trung đội trưởng Tình bị đè dưới một tảng đá khá to. Mọi người xúm lại cẩn thận bê hòn đá lăn xuống đáy hố bom. Chị Tình được đưa lên khỏi hố bom. Cái Liên bật khóc và gào lên:
- Chân và tay của chị ấy đâu rồi!
- Ối trời ơi...
Nhiều người xúm lại. Mấy nữ dân quân ngất xỉu đi khi nhìn thấy thân thể người chỉ huy của mình đẫm máu. Ngực người nữ trung đội trưởng bị đá đập nát bươm, quần áo rách tả tơi. Chân trái và cánh tay phải vẫn cầm cờ chỉ huy bị mảnh bom phạt đứt văng đi đâu mất. Xã đội phó Phạm Bản lệnh cho đám dân quân tiếp tục tìm kiếm. Họ đào bới xung quanh nơi chị Tình hi sinh chỉ tìm thấy bên chân trái còn cánh tay phải thì không biết đã bay đi tận đâu. Phạm Bản bảo chị em dân quân đưa chị Tình vào nhà hầm lau chùi, thay quần áo, bó buộc trước khi chuyển về phía sau. Giữa lúc ấy thì có tiếng cái Hiên kêu lên:
- Chị Nhân cũng bị thương, máu chảy nhiều quá ngất đi rồi!
Cái Liên vội lao ngay đến. Chị Nhân gục xuống phía bên kia hố bom. Máu chảy ướt đẫm cả hai ống quần. Mấy nữ dân quân vội xô lại băng bó, sơ cứu rồi đặt chị Nhân lên cáng khênh đi ngay. Xã đội phó Phạm Bản yêu cầu các tiểu đội kiểm tra lại quân số, vũ khí xem thiếu, đủ thế nào để tiếp tục tìm kiếm. Giữa lúc ấy thì lại có tiếng kêu thảng thốt ở dưới lưng chừng dốc:
- Có người chết! Có người chết ở đây!
Phạm Bản lệnh cho dân quân tản ra các hầm trú ẩn đề phòng máy bay Mỹ tiếp tục bắn phá rồi bảo thằng Nam, cái Hiên cùng hai dân quân làng Thượng đem cáng thương theo mình chạy xuống lưng chừng dốc. Họ chạy đến chỗ tiếng người kêu. Đó là một nữ dân quân làng Thượng lên chi viện. Nữ chiến sĩ dân quân chỉ vào một đoạn chiến hào cụt. Có một người đang nằm co quắp ở đấy mặt úp xuống bãi đất bùn nhão. Thằng Nam chạy đến bê lật người này lên. Đó là phó tiến sĩ Dương Thụy. Thằng Nam vội vàng sờ nắn, kiểm tra khắp người Dương Thụy. Không có một vết thương nào. Thằng Nam ghé tai vào ngực trái Dương Thụy rồi kêu lên:
- Vẫn còn sống! Tim vẫn còn đập rất rõ...
- Chắc là chỉ bị sức ép của bom nên bị ngất đi thôi!
Phạm Bản nhận định và lệnh cho hai dân quân làng Thượng khênh cáng đưa phó tiến sĩ Dương Thụy về tuyến sau cấp cứu. Đoạn anh cùng thằng Nam và cái Hiên quay trở lên đỉnh Đồi Ma.
Chị Tình đã được đưa xuống đặt giữa căn nhà hầm. Căn nhà hầm bị bom thổi bay mất mái chỉ còn trơ mấy cái cột tre. Cái Liên và lão Vận đang thay quần áo, lau mặt, chải tóc cho chị Tình. Đám nữ dân quân sợ, cứ nhìn thấy máu là muốn ngất xỉu đi chỉ có cái Liên là không sợ hãi. Lão Vận giúp cái Liên việc khâm liệm. Xã đội phó Phạm Bản hướng dẫn thêm cho họ việc gói buộc người đã hy sinh. Họ đặt bên chân trái bị đứt rời vào thân thể của chị Tình sau đó dùng cái võng bạt gói lại. Cái võng bạt còn mới này là của anh Thức tặng cho chị Tình. Xong xuôi, đích thân phó xã đội trưởng Phạm Bản và trưởng công an xã Vũ Sinh hộ tống đưa thi thể chị Tình về hội trường ủy ban xã trong khu rừng lá cọ. Tại đây sẽ tổ chức trọng thể lễ truy điệu cho người nữ trung đội trưởng dân quân làng Hạ dũng cảm. Chị Tình được đặt vào chiếc quan tài màu đỏ phủ một lá quốc kỳ. Chị đang nằm ngay dưới tấm phông cưới của mình, dưới hai chữ "hạnh phúc" và câu khẩu hiệu "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ". Mọi người và cả chị Tình nữa không ai ngờ rằng lẽ ra tối hôm nay sẽ là đám cưới, nhưng lại là lễ truy điệu của chị. Mâm cơm bố mẹ làm để kính cáo tổ tiên ông bà báo hỷ lại trở thành mâm cơm cúng cho chị.
Phạm Bản bảo thằng Nam bóc bỏ hết những chữ đã dán tối hôm qua chuẩn bị cho đám cưới để dán thế lên đó một dòng chữ mới sẵn sàng cho lễ truy điệu liệt sĩ vào buổi tối hôm nay...
(còn nữa) Hà Nội, 10-2015

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

Tiểu thuyết TRĂNG QUÊ (phần 38)

TRĂNG QUÊ (phần 38)
Tiểu thuyết của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng và ngoài trời

Một chuyện rất vui đã đến với trung đội dân quân thường trực làng Hạ. Đó là đám cưới của người chỉ huy của họ với anh đại đội trưởng đại đội cao xạ. Hai người đã chính thức thông báo là sẽ tổ chức lễ cưới vào giữa tháng mười. Thời gian này cũng là lúc lúa chín. Một mùa màng trông đợi của bao người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nghe tiếng kẻng là vội vã ra đồng làm lụng, nghe tiếng bom là chui ngay vào lòng đất lánh nạn. Dân làng Hạ chờ mong mùa về sân kho của hợp tác xã vụ gặt sẽ ngồn ngộn lúa vàng. Được mùa, giá trị ngày công lao động sẽ cao, cái đói sẽ bớt đi. Ở vùng quê trung du rất nghèo này nhiều khi nỗi sợ hãi về chiến tranh không lớn bằng sự sợ hãi của những ngày giáp hạt.
Chị Tình và anh Thức cùng lên trận địa Đồi Ma để thông báo và nhờ anh chị em trong trung đội dân quân giúp đỡ việc chuẩn bị tổ chức lễ cưới. Nhìn hai người thật đẹp đôi. Niềm hạnh phúc sáng ngời ngời trong mắt họ. Cả trung đội dân quân xúm lại chúc mừng hai người. Trong khi mọi người đều mừng vui thì cái Liên lại buồn. Nó ngập ngừng hỏi anh Thức:
- Thế khi... cưới xong anh có đưa chị Tình về quê không ạ?
- Thuyền theo lái, gái theo chồng! Có thế mà cũng phải hỏi! - Thằng Nam nhanh nhảu cắt lời cái Liên và nói thêm: - Chiến tranh thì chiến tranh, anh cứ phải tố chức đưa đón dâu thật đàng hoàng. Dùng xe vận tải chuyên kéo pháo để đón dâu cũng được, đi ban đêm cho an toàn, cho tụi em về quê anh một chuyến để biết biển là thế nào.
Cái Liên bực vì bị thằng Nam ngắt lời. Nó càu nhàu vặc lại:
- Không biết gì cũng cứ ra vẻ! Thế khi chị Tình về nhà chồng rồi, trung đội dân quân làng Hạ chúng ta mất người chỉ huy à?
- Ừ nhỉ...
Mọi người lúc này mới ớ người ra ngơ ngác khi nghe cái Liên nói như vậy. Anh Thức mỉm cười nhìn đám dân quân rồi bảo:
- Yên chí! Cưới xong thì mình sẽ... xin ở rể làng Hạ cho đến khi nào hết chiến tranh mới đưa cô dâu về quê cơ!
- Ôi thế thì còn gì bằng. Anh vẫn được cô dâu mà dân quân làng Hạ chúng em vẫn không bị mất trung đội trưởng!
Mọi người đều vui vẻ khi nghe anh Thức nói như vậy. Thằng Nam lại làm ra vẻ hiểu biết lên tiếng an ủi anh sĩ quan cao xạ:
- Thôi thì... anh cố gắng "nằm gầm chạn" một thời gian nhé! Chắc là bọn Mỹ cũng sắp hết sạch bom đạn rồi. Chúng nó hết bom đạn rồi thì sẽ không còn suốt ngày ầm ào bay lượn quậy phá miền Bắc được nữa. Lúc ấy anh đưa chị Tình về quê Nam Định cũng yên tâm hơn.
- Gầm chạn quê em cũng... êm ái lắm anh ạ! - Cái Hiên nói thêm giọng đầy sự động viên, an ủi.
Giữa lúc mọi người đang ồn ào nói cười vui vẻ thì tiếng kẻng báo động dồn dập vang lên. Tất cả xách súng lao ra trận địa. Chị Tình lập tức vào ngay vị trí chỉ huy chiến đấu. Anh Thức cũng chạy ra chỗ đặt khẩu 12ly7 để quan sát và hỗ trợ các xạ thủ thao tác súng. Một tốp máy bay Mỹ đang từ phía đỉnh núi Tam Đảo đang chúc đầu lao xuống mục tiêu cây cầu sắt. Những chiếc phản lực bay nhanh hơn tốc độ âm thanh nên nhìn thấy máy bay to lù lù mà vẫn chưa nghe thấy tiếng động. Trận địa pháo cao xã bên kia sông lập tức bẳn trả. Tốp máy bay ngóc đầu lên bay sượt về phía hạ lưu dòng sông. Nhưng chúng cũng đã kịp ném xuống một loạt bom. Mấy quả bom rơi xuống nổ dưới lòng sông, cột nước vọt lên cao hơn cả những bụi tre ven bờ. Cây cầu sắt qua sông vẫn an toàn. Hỏa lực pháo cao xạ 37ly rất mạnh và dày đặc buộc bọn chúng phải vội vàng cắt bom và ngóc đầu lên tránh đạn. Khi máy bay Mỹ đã bay xa, anh Thức chào mọi người để về trận địa. Chị Tình nhắc nhở các bộ phận kiểm tra lại trang bị, vũ khí, củng cố công sự trận địa sẵn sàng đợi lũ giặc trời quay lại.
Chiến tranh với bao nhiêu nỗi lo âu, mất mát hàng ngày nhưng chuyện chị Tình trung đội trưởng sắp cưới khiến cho cả trung đội dân quân làng Hạ luôn luôn háo hức. Mọi người bàn nhau góp tiền mua tặng phẩm chung tặng cô dâu, chú rể. Cái Liên được giao nhiệm vụ đi làm "dân vận" đối với anh chàng đẹp trai cửa hàng trưởng bách hóa thị trấn huyện. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ một cách thật xuất sắc, mua được một chiếc phích Trung Quốc mới tinh đem về làm tặng phẩm cho đám cưới. Cái Liên và chị Nhân còn có một món quà riêng để tặng người chỉ huy của mình trong ngày vui. Đám cưới sẽ được tổ chức theo quy định đời sống mới. Lễ cưới tổ chức tại hội trường sơ tán của ủy ban xã sâu trong khu rừng cọ. Mọi người đến dự đám cưới ăn kẹo, uống trà và ca hát chúc mừng đôi uyên ương. Chị Tình đã nhờ mua trong cửa hàng mậu dịch quốc danh được mười cân kẹo chanh và năm cân bánh bích quy. Khi hai người chính thức có giấy đăng ký kết hôn thì sẽ được cửa hàng mậu dịch phân phối cho một cân chè mạn và một tút thuốc lá nhãn hiệu Tam Đảo, Điện Biên bao thường. Nếu có người quen ở cửa hàng thì mới mua được các loại thuốc lá có bao bạc. Do tình hình chiến tranh nên đám cưới sẽ tổ chức vào buổi đêm khi máy bay Mỹ giảm tần xuất hoạt động. Khách khứa chủ yếu là bộ đội và dân quân hai đơn vị bảo vệ cây cầu sắt trên sông Phó Đáy. Cả hai đơn vị đã có sẵn phương án đảm bảo lực lượng trực chiến tại trận địa, khi đang tổ chức đám cưới có báo động số chiến sĩ đại diện đi dự sẽ cơ động nhanh về trận địa.
Sắp đến ngày cưới, thằng Nam và phó tiến sĩ Dương Thụy được anh chị em trong trung đội dân quân giao cho nhiệm vụ lo trang trí hội trường đám cưới của chị Tình và anh Thức. Nếu tình hình phòng không bớt căng thẳng thì đơn vị pháo cao xạ sẽ cử nhân viên văn hóa sang hỗ trợ việc trang trí. Phó tiến sĩ Dương Thụy vốn là một người có hoa tay, kẻ vẽ rất đẹp nhưng đành xin thôi việc này vì không có màu, bút vẽ và giấy tơ-rô-ki. Thằng Nam thì không cần đến những thứ đó. Chỉ với một cây kéo và mấy tờ giấy màu xanh vàng tím đỏ mua ngoài chợ đem về là nó có thể trang trí cho một đám cưới quê. Thằng Nam dùng kéo cắt giấy màu thành những hình họa tiết trang trí lên phông và các bức tường của hội trường. Đó là hình đôi trai gái đứng bên gốc cọ, bụi tre, hình chim bồ câu ngậm trái tim bay lên, hình hoa, hình lá... trông thật ngộ nghĩnh và vui mắt. Tấm phông chính trên sân khấu chuyên để dán khẩu hiệu hội nghị, lễ phát động thi đua, lễ đưa tiễn thanh niên nhập ngũ nên dày cứng những vết hồ bột sắn và những nét chữ những lần trước dán lên bóc chưa hết. Chị Nhân và cái Liên, cái Na phải mất một buổi tối ngồi bóc lại rồi giặt rũ phơi thật cẩn thận tấm phông. Trên tấm phông này thằng Nam dự định sẽ cắt dán một đôi chim bồ câu đang bay lên mỏ ngậm một trái tim có hai chữ "hạnh phúc". Giữa tấm phông là hai chữ "T" lồng quấn quýt vào nhau. Đó là hai chữ cái đầu tên của anh Thức và chị Tình. Hai bên cạnh của tấm phông chính là hai câu thơ "Hạnh phúc non sông, hạnh phúc nhà. Thắm tình đất nước, thắm tình ta". Phía dưới là một câu khẩu hiệu quen thuộc của các đám cưới đời sống mới thời chiến "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ!". Trong hội trường đã có sẵn hai khẩu hiệu viết trên tường hai bên sườn là "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt" và "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Hai khẩu hiệu này kẻ viết đã lâu nên màu chữ mờ phai, nhòe nhoẹt.
Việc cắt hình, trang trí cho đám cưới thằng Nam đều phải tranh thủ làm vào những buổi tối. Ban ngày nó còn phải cùng trung đội trực chiến hoặc canh gác phòng không trên trận địa Đồi Ma. Sau khi trang trí xong các bức tường trong hội trường, đêm trước khi lễ cưới diễn ra, thằng Nam mới trang trí cái phông chính trên sân khẩu. Thằng Nam đã cắt sẵn các hình trang trí theo ý định của mình để dán lên cái phông chính. Nó đã có kinh nghiệm trang trí đám cưới rồi. Đám cưới của chị Tình và anh Thức nhất định nó sẽ trang trí thật đẹp.
Đêm trước ngày tổ chức đám cưới của chị Tình và anh sĩ quan pháo cao xạ trời lâm thâm mưa. Thằng Nam đóng kín các cửa hội trường để ánh sáng của chiếc đèn măng-xông khỏi lọt ra bên ngoài. Cái phông trắng giặt sạch đã được căng lên phẳng phiu trên sân khấu. Thằng Nam kê bàn ghế để leo lên dán các hình cắt trang trí. Cứ dán xong một hình, một nét chữ nó lại phải nhảy xuống phét hồ. Thằng Biên nói là sẽ đến giúp nó trang trí nhưng mãi không thấy đâu. Chắc là thằng này đang bận việc gì trên trận địa Đồi Ma chưa về kịp.
Giữa lúc ấy thì cái Liên lại tới. Nó mang cho thằng Nam cháo để ăn đêm. Thấy cái Liên mở cửa, thằng Nam vội bảo:
- Vào nhanh rồi đóng cửa lại. Đừng để ánh đèn hắt ra bên ngoài, công an xã họ vào nhắc nhở phê bình bây giờ!
Cái Liên vội khép cửa. Thằng Nam lại hỏi:
- Thằng Biên đâu! Sao tận bây giờ không thấy mặt mũi nó thế?
- Thằng Biên bận rồi. Hình như nhà nó có ai ốm. Nó phải đưa ra trạm xá khám, mua thuốc. Mình sẽ giúp Nam làm tối hôm nay!
Thằng Nam lủng bủng trong miệng:
- Cái thằng này chán quá, cứ lúc nào cần là nó lại có việc bận...
Cái Liên giúp thằng Nam phết hồ vào những hình cắt để dán lên tấm phông chính. Thằng Nam đứng trên bàn để dán, cái Liên ngồi dưới sàn nhà phết hồ vào các hình đã cắt sẵn. Lúc cúi xuống để nhận cái hình cắt trái màu tím, thằng Nam giật nảy mình. Nó hơi loạng choạng, suýt ngã. Nó vừa nhìn thấy thật gần hai bầu vú của cái Liên. Buổi tối cái Liên không mang đồ lót lại mặc cái áo rộng cổ nên cứ lồ lộ. Hai vầng trăng trên khuôn ngực của người con gái miền trung du ấy thật tròn, thật trắng và thật đẹp. Giữa hai vầng trăng ấy là hai chấm nhỏ màu hồng đầy sự quyến rũ, mê hoặc.
Thằng Nam mãi mới dán nổi cái hình trái tim lên tấm phông. Trong đầu nó thiếu sự tập trung vào công việc. Thằng Nam vừa lo sợ lại vừa thích thú mỗi lần cúi xuống nhận các hình cắt mà cái Liên phết hồ đưa cho. Nó thấy trong lòng mình lâng lâng, ngây ngất. Nó chỉ mong cho công việc cứ thế này mãi, đừng bao giờ xong để được chiêm ngưỡng một tác phẩm tuyệt vời của tạo hóa. Cái Liên như không biết ánh mắt thằng Nam đang nhìn trộm vào chỗ không được phép nhìn. Nó vui vẻ vừa làm vừa tán đủ thứ chuyện với thằng Nam.
Khi việc trang trí vừa xong thì chị Nhân đến. Ba người cùng ngồi ăn cháo. Cháo gạo mới thật thơm và ngọt. Chị Nhân vừa ăn vừa ngước nhìn quanh phòng cưới vừa xuýt xoa:
- Ước gì mình cũng có một đám cưới như thế này!
Thằng Nam bảo:
- Bao giờ chị và Liên cưới em sẽ cắt vẽ, trang trí cho thật đẹp!
Chị Nhân nói giọng thật xa xôi và đầy sự khát khao, mong ước:
- Nhất định như thế Nam nhé!
Thằng Nam gật đầu.
Đêm đã về khuya, ba người trở về làng tranh thủ ngủ một lát để sáng sớm mai lại lên trận địa. Bầu trời đêm không trăng nên rất tối tăm. Gió mùa thu ào qua cánh rừng hơi lạnh. Con đường họ đi trên sườn đồi mờ mờ ảo ảo trong ánh sáng của bom nổ, nhà cháy từ phía thị xã hắt lên. Thứ ánh sáng khiến cho lòng người ta không một chút yên tâm...
(còn nữa) Hà Nội, 10-2015

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

Tiểu thuyết TRĂNG QUÊ (phần 37)

TRĂNG QUÊ (phần 37)
Tiểu thuyết của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

Vậy là một mùa hè nóng bức và căng thẳng đã qua. Những ngọn gió đầu thu mát dịu thổi ngang trên đỉnh Đồi Ma. Trận địa của dân quân làng Hạ xanh thắm lá ngụy trang. Cỏ dại mọc dày trên bờ công sự. Những dấu chân chiến sĩ đã đi mòn đáy hào giao thông. Mỗi người dân Hòa Xuân đều cảm thấy sự yên lòng khi ra đồng sản xuất khi có những người dân quân ngày đêm canh giữ bầu trời, tuần tra bảo vệ xóm làng. Những chiến sĩ dân quân với những khẩu súng bộ binh trên trận địa Đồi Ma tuy chưa lập được chiến công bắn rơi máy bay Mỹ nhưng đã lập được niềm tin trong lòng nhân dân. Ngày ngày, tiếng kẻng báo động, báo an vẫn vang lên. Nếp sống thời chiến đã hình thành trong máu thịt của mỗi con người và cả loài động vật nữa. Nghe tiếng kẻng báo động con trâu đang gặm cỏ cũng biết nằm ngay xuống vũng bùn để tránh mảnh đạn, con lợn nái biết dẫn đàn con chui vào bụi rậm ẩn nấp không để máy bay địch phát hiện, con chó ngừng sủa ngẩng đầu lên trời quan sát xem có phi công nhảy dù hay không. Trẻ con tới trường bây giờ không cần phải nhắc nhở đứa nào cũng nhớ không được quên đeo vòng lá ngụy trang, mang theo cái túi cứu thương. Có đứa đến lớp rồi khi cởi vòng lá ngụy trang và cái túi cứu thương ra mới biết là mình quên đem theo túi sách vở để học hành nên đành ngồi xem ké cuốn tập đọc với bạn bên cạnh. Ý thức chiến tranh đã làm cho con người ta nhiều khi quên mất cả ý thức hòa bình. Đất nước trải qua bao nhiêu năm giặc dã loạn lạc, bom rơi, đạn nổ đau thương, có bao sự tích anh hùng nhưng cũng có bao nhiêu chuyện bi hài.
Những chuyện ở đâu đâu thì chưa biết giả thật thế nào nhưng câu chuyện ở trung đội dân quân cơ động làng Thượng thì phải đến chín bảy, chín tám phần trăm là có thật. Đó là câu chuyện hai vợ chồng trẻ nọ mới cưới nhau và cùng là chiến sĩ dân quân. Một đêm, họ đang ngủ với nhau thì tiếng còi báo động có kẻ gian đội nhập vào làng dồn dập vang lên. Theo hiệu lệnh thì người dân trong làng sẽ ở trong nhà hoặc xuống hầm, dân quân phải nhanh chóng triển khai lực lượng truy lùng kẻ gian, bảo vệ mục tiêu. Vì thế, chị vợ vội ẩy anh chồng xuống vớ lấy khẩu súng lao ngay ra đường. Anh chồng cũng lăn từ trên bụng vợ xuống đất cầm cây gậy hộc tốc chạy theo. Vợ chạy trước, chồng chạy sau. Ra đến đường làng, trăng sáng vằng vặc anh chồng mới hốt hoảng nhận ra chị vợ đang hối hả chạy phía trước thân thể nồng nỗng không mặc quần áo gì. Và, anh cũng thảng thốt vì chợt thấy mình cũng đang trần trụi lủng lẳng. Tình huống lúc này thật sự nguy cấp hơn là khi có quân giặc xuất hiện trước mặt. Anh chồng vội vàng quẳng ngay cây gậy lao vút lên ôm chặt lấy chị vợ. Chị vợ rất bực mình vì tưởng là anh chồng còn đang muốn tiếp tục chuyện ấy nên vùng vằng gắt gỏng:
- Anh làm cái gì thế!
- Đứng... đứng lại... và quay về nhà ngay!
- Đang đi chiến đấu. Quay về là quay thế nào... Thôi để lúc nữa hoàn thành nhiệm vụ về nhà hai vợ chồng mình sẽ tiếp tục...
- Nhưng... nhưng...
Anh chồng cứ ấp úng, lắp bắp chưa nói được rõ ràng thì có nhiều tiếng chân người thình thịch trong các ngõ đang chạy ra. Anh chồng đành vội bế thốc lấy chị vợ nhảy ùm luôn xuống cái ao bèo tây ngay bên ven đường để mọi người khỏi trông thấy. Chị vợ bị anh chồng ôm chặt dìm xuống ao cứ vùng vẫy, đạp nước chân ầm ầm. Chị tỏ ra rất bực bội vì nghĩ là chồng muốn lôi mình về nhà để tiếp tục làm cái việc còn đang dang dở. Chị vợ cố vùng vẫy, huých mạnh khuỷu tay vào bụng chồng. Anh chồng đau quá phát cáu:
- Đang... đang... không mặc gì trên người đấy!
Lúc này chị vợ mới giật mình hốt hoảng sờ người mình và sờ người chồng. Hóa ra là nghe thấy tiếng còi báo động, vội đi vây bắt kẻ gian mà cả hai đã quên béng mất việc mặc quần áo. Chị vợ vội ngồi thụp xuống chỉ thò cổ lên khỏi mặt nước. Hai vợ chồng vội vàng dìu nhau bơi ngay sang bên phía kia bờ ao. Họ trầm người ẩn nấp trong dưới đám bèo tây um tùm rậm rạp. Hai vợ chồng có ý chờ khi các dân quân chạy qua hết sẽ bò lên bờ quay trở về nhà mặc quần áo. Không ngờ có một dân quân đang chạy rất gần phía sau nghe thấy tiếng "ùm" bèn hô lên rất to:
- Hình như kẻ gian đã nhảy xuống ao rồi!
Trung đội trưởng trung đội dân quân cơ động làng Thượng vừa lao đến nghe thấy vậy liền hô to:
- Bao vây... bao vây ngay... Không được để cho kẻ gian trốn thoát!
Tất cả trung đội dân quân làng Thượng lập tức hô nhau lao đến bao vây cái ao bèo tây ven đường làng. Tiếng súng lên đạn lách cách. Ba chiến sĩ dân quân nam được lệnh của chỉ huy lập tức cởi quần áo dài nhảy ngay xuống ao để tìm kiếm bắt kẻ gian lẩn trốn. Họ dùng mã tấu chém sàn sạt, dùng gậy gộc, giáo mác xỉa vào từng đám bèo tây. Lũ cá dưới ao đang ngủ bị đánh động bất ngờ hốt hoảng nhảy lao xao lên khỏi mặt nước. Hai vợ chồng dân quân kia phải dìu nhau lẩn tránh sau những cụm bèo tây tốt um trôi nổi trên mặt ao. Ánh đèn pin của chị trung đội trưởng rọi soi sáng rực cả mặt nước. Xung quanh bờ đám dân quân nữ súng ống lăm lăm chăm chú quan sát để kịp thời phát hiện kẻ gian và những dấu hiệu nghi ngờ dưới ao. Ánh đèn pin dọi đến đâu hàng chục đôi mắt nhìn theo đến đó. Ánh đèn pin vừa dọi đến chỗ hai vợ chồng dân quân trẻ thì may sao giữa lúc đó có tiếng máy bay phản lực ầm ầm vọng tới. Một tốp máy bay Mỹ đi thả bom đêm bay xèn xẹt, xé ngang trên bầu trời. Chị trung đội trưởng dân quân làng Thượng vội tắt đèn pin. Chị không dám rọi đèn xuống ao để giúp dân quân tìm kiếm nữa vì sợ bị máy bay địch phát hiện. Mấy nam dân quân đang lội dưới ao chỉ còn dựa vào ánh trăng sáng để quan sát lùng sục và tìm kiếm trong các khóm bèo tây. Vì thế nên hai vợ chồng nọ mới tiếp tục lẩn khuất được mà không bị phát hiện. Anh chồng dìu vợ nấp sau một cụm bèo tây và lựa thời cơ dịch chuyển dần về phía cái cống thoát nước cuối ao. Hai vợ chồng dự định sẽ chui qua cống ra ngoài cánh đồng lúa rồi vòng về nhà lấy quần áo. Nhưng cũng thật không may cho hai vợ chồng dân quân nọ. Một nam dân quân đang mò mẫm dưới ao chợt reo to:
- A! Báo cáo chỉ huy! Tôi đã tìm thấy khẩu súng của bọn địch đây rồi!
Anh này vừa kêu vừa giơ khẩu súng mò được dưới ao lên. Mọi người trên bờ vội xúm lại để xem “chiến lợi phẩm” vừa thu được. Hóa ra đó chính là khẩu súng của chị vợ lúc nãy do vùng vẫy đã làm rơi. Đến tình thế này thì hai vợ chồng dân quân nọ không thể lẩn tránh mãi được nữa. Họ đành phải xuất hiện. Anh chồng ghé tai khẽ dặn vợ im lặng ẩn mình ở lại sau một đám bèo tây rồi bơi ra giữa ao nói to:
- Không phải là súng của kẻ gian đâu! Đó là khẩu súng của vợ tôi đấy!
- Ai đấy! - Chị trung đội trưởng trung đội dân quân vội quát lên.
- Tôi… tôi cũng là dân quân làng Thượng đây!
Trung đội trưởng trung đội dân quân cơ động làng Thượng vội bấm đèn pin rọi ngay vào cái đầu đang nhấp nhô ở giữa ao. Chị trung đội trưởng dân quân làng Thượng nhận ra đó là một người chiến sĩ của mình. Chị liền hạ giọng hỏi:
- Cậu nhảy xuống ao từ lúc nào thế? Tôi có ra lệnh cho cậu xuống ao tìm bắt kẻ gian đâu. Mà tại sao khẩu súng của vợ cậu lại bị ném xuống ao thế hả?
- Báo cáo… báo cáo…
Anh dân quân ấp úng. Trung đội trưởng bực mình:
- Báo cáo, báo mèo cái gì! Thế vợ cậu, cô ấy đâu rồi, tại sao không có mặt làm nhiệm vụ chiến đấu?
- Thưa chị trung đội trưởng em đây ạ!
Từ sau một cụm bèo tây có tiếng người đáp. Đến nước này thì chị vợ cũng đành phải xuất hiện. Nữ dân quân đang khỏa thân rời khỏi chỗ đang ẩn nấp bơi đến bên cạnh chồng. Chị dìm người sâu xuống dưới mặt nước chỉ dám để hở từ cổ trở lên. Mái tóc dài của người vợ trẻ nổi lềnh bềnh trên mặt ao.
- Tại sao hai vợ chồng cậu lại ở cả dưới ao thế hả?
Hai vợ chồng trẻ đành ấp úng thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Đám dân quân làng Thượng được một phen cười đến vỡ bụng. Chị trung đội trưởng bảo một dân quân chạy ngay vào trong nhà đem quần áo ra cho họ. Hai vợ chồng dìm quần áo xuống nước mặc vào người rồi mới leo lên bờ. Chị vợ nhận lại khẩu súng rồi cùng chồng đứng vào hàng ngũ để sẵn sàng nhận lệnh. Quần áo của họ ướt sũng, nước chảy tong tỏng xuống chân. Hai vợ chồng co ro vì lạnh. May mà hôm ấy trời không rét lắm, nếu không thì cả hai chết cóng dưới ao bèo. Sau vụ ấy hai vợ chồng người dân quân trẻ kia còn được biểu dương là luôn có tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao. Họ chỉ bị nhắc nhở là cần chú ý trong thời chiến khi đi ngủ cũng phải luôn luôn mặc đầy đủ quần áo như khi ra trận…
Câu chuyện của đôi vợ chồng dân quân trẻ ở làng Thượng khiến cho đám dân quân làng Hạ rất tò mò, thích thú. Thằng Nam là người biết chuyện này đầu tiên. Nó được một thằng bạn là dân quân làng Thượng, cũng là một cầu thủ trong đội bóng đá tường thuật lại cho nghe khá chi tiết.
Thằng Nam đem ngay câu chuyện lạ vừa xảy ra đêm qua này về trận địa Đồi Ma. Nghe thằng Nam kể lại, cả trung đội dân quân làng Hạ cũng được một phen cười đến sắp đứt ruột, đau quặn bụng. Rồi mỗi lần kể lại câu chuyện trên, thằng Nam lại thêm mắm, thêm muối, phịa thêm nhiều chi tiết mới hấp dẫn mà nó nói là mới được biết khiến đám dân quân càng thêm thích thú, tò mò. Chẳng hạn nó kể không phải là do anh chồng sợ chị vợ bị mất khẩu súng phải ra mặt mà là vì một lý do hoàn toàn khác. Đó là khi hai vợ chồng đang dấu mặt sau một bụi bèo tây rất kín thì xảy ra sự cố. Chị vợ chợt thấy có con gì nhũn nhùn đụng chạm vào đùi mình. Chị ta liền thò tay xuống nước tóm lấy và hoảng hốt hét toáng lên vì tưởng đó là một con đỉa to. Hóa ra chị ta túm ngay phải cái ấy của anh chồng. Thế là hai vợ chồng bị các dân quân phát hiện. Đến lần sau thì thằng Nam lại kể thêm một chi tiết cũng hoàn toàn khác. Đó là anh chồng quyết định bơi ra giữa ao nói với chị trung đội trưởng đang đứng trên bờ là vợ mình bị ốm đang nằm ở nhà. Anh ta mang khẩu súng của vợ đi đuổi bắt kẻ gian. Chẳng may anh bị vấp ngã, khẩu súng văng xuống ao nên phải nhảy xuống mò tìm. Anh chồng nói như vậy để giữ thể diện cho mình và cho chị vợ đang nấp trong một khóm bèo tây. Nhưng tình huống bất ngờ lại xảy ra. Một nam dân quân đang tìm kiếm dưới ao chợt trông thấy một khóm bèo tây có túm rễ rất dài, rất đen nổi trên mặt ao. Anh này thắc mắc nghĩ: "Rễ bèo thì phải rủ xuống phía đáy ao chứ sao lại nổi lềnh phềnh trên mặt nước thế này! Lạ nhỉ?". Anh dân quân bèn bơi đến để kiểm tra. Hóa ra đó chính là mái tóc của người vợ. Chị này vốn có mái tóc dài chấm gót chân. Anh dân quân nọ bơi đến gần và đưa tay xuống phía dưới khóm bèo tây để kiểm tra thì lại đụng luôn vào một túm rễ bèo khác rất ngắn và loăn quăn rối tung. Chị vợ dân quân bị đồng đội chạm đúng vào cái chỗ rất nhạy cảm liền kêu rú lên hoảng hốt. Thế là cả hai vợ chồng đều bị lộ khi đang cùng khỏa thân lẩn trốn dưới ao bèo...
Chuyện của đôi vợ chồng dân quân trẻ làng Thượng khiến mọi người đều rất muốn nghe lại. Mặc dù càng kể lại, càng có thêm nhiều dị bản khác nhau, tiền hậu bất nhất, nhiều chi tiết không hợp lý, thiếu tính logic, song chẳng một ai thắc mắc, vặn vẹo hỏi lại. Họ chỉ thấy vui vui, hể hả. Đó cũng là một liệu pháp tinh thần. Câu chuyện khiến cho họ xua bớt đi sự lo lắng, sợ hãi khi nghe tiếng bom rơi đạn nổ ở gần, vơi bớt nỗi đau buồn, bi quan khi nhận được tin bom Mỹ ném xuống những xóm làng, trường học gây nhiều tang tóc. Chuyện vui cũng làm cho những người dân quân ở một vùng quê nghèo quên đi phần nào cái đói cồn cào khi bữa ăn của họ chỉ có vài củ sắn, một bát cơm gạo mục mà vẫn phải cả ngày vác đạn, đào công sự, huấn luyện, thao tác vũ khí sẵn sàng chiến đấu...
(còn nữa) Hà Nội, 10-2015

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Tiểu thuyết TRĂNG QUÊ (phần 35 & phần 36)


TRĂNG QUÊ (phần 35)
Tiểu thuyết của Trọng Bảo

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Đã lâu lắm rồi cái Liên lại mới lại được cùng chị Nhân trực chiến ban đêm trên trận địa Đồi Ma. Mấy tháng vừa rồi do để mất khẩu súng CKC nên cái Liên bị đưa về tuyến sau làm công tác hậu cần và chịu sự quản lý, theo dõi rất chặt chẽ của công an. Khẩu súng tìm thấy, cái Liên cũng được trở lại trận địa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu cùng anh chị em trong trung đội.
Hai chị em nằm gác chân lên nhau rì rầm trò chuyện trong căn nhà hầm. Giống như nhiều lần trước đây, cái Liên nằm nghiêng vòng tay ôm lấy chị Nhân. Nó chợt kêu lên thảng thốt:
- Sao... sao... ngực chị lại to lên nhiều thế này?
Chị Nhân vội bịt miệng cái Liên lại và bảo:
- Mày chỉ được cái rất hay vớ vẩn! Tao... của tao vẫn như thế thôi, có gì khác đâu. Mà mày khe khẽ cái mồm thôi, thằng Nam và thằng Biên ở hầm bên cạnh vẫn chưa ngủ đâu, chúng nó nghe thấy bây giờ!
Cái Liên thò tay nắn lại ngực chị Nhân một lần nữa rồi thầm thì với vẻ băn khoăn:
- Đúng mà! Đúng là to hơn hẳn... Chị và cái tay phó tiến sĩ "họ dê" kia đã làm gì nhau rồi phải không?
Chị Nhân vội chối đây đẩy:
- Không có... làm gì có chuyện ấy!
- Em không tin...
Cái Liên nói rồi lật người nằm ngửa nhìn lên nóc nhà. Đêm nay trời nhiều mây nên tuy giữa tháng song mặt trăng không lúc nào ló rạng. Trong căn nhà hầm ánh sáng mờ đục như giữa vùng sương mù. Cây đèn phòng không để trong hốc đất nhỏ ở góc nhà tỏa ra một thứ ánh sáng thật âm u, khó chịu. Cái Liên biết chắc là chị Nhân nói dối. Cứ nhìn cái dáng đi, ánh mắt long lanh ươn ướt của chị Nhân cái Liên đã đoán biết hết mọi chuyện đã xảy ra trong thời gian nó bị quản thúc. Các cụ đã bảo: "Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó" quả là không sai. Biến đổi của cơ thể người con gái không thể dấu nổi khi họ đã yêu, đã cho và nhận những gì khác giới. Cái Liên chợt thấy trong lòng mình có một nỗi buồn miên man cứ dâng dâng lên mãi. Nỗi buồn này khác hẳn với sự buồn bã, lo lắng khi để mất khẩu súng. Trong thời gian khẩu súng chưa tìm thấy trong lòng nó là nỗi buồn và sự sợ hãi thường trực hằng ngày rất căng thẳng, cồn cào và bức bối. Còn bây giờ thì là một sự lo lắng rất đỗi bâng quơ, một nỗi buồn man mát, miên man từ mãi trong tận sâu thẳm trong lòng người. Nỗi buồn này không phải của hôm nay mà như là của những ngày đang tới. Cái Liên cảm thấy lo lắng cho chị Nhân, người mà nó luôn coi như một người chị gái thân thiết, một người bạn và người đồng đội. Nó linh cảm thấy một điều gì đó không an lành, không sáng trong, giống như ánh trăng đêm nay đang dần dần đến với chị Nhân.
Cái Liên nhận thấy một sự bất an. Nó lật người ôm lấy chị Nhân thật chặt. Chị Nhân giật mình cố gỡ vòng tay nó ra và hỏi:
- Mày bị làm sao thế?
- Em thấy lo cho chị lắm!
Chị Nhân an ủi:
- Có việc gì mà mày lại phải lo lắng đến thế?
- Em không tin cái tay phó tiến sĩ ấy lắm!
- Anh ấy làm sao mà mày lại không tin?
Cái Liên đắn đo một lát rồi bảo:
- Thì... em có linh cảm là...
- Mày là hay linh cảm linh tinh lắm.
Cái Liên hỏi sang chuyện khác:
- Nghe nói hôm trước bố mẹ đẻ của tay phó tiến sĩ ấy lên đây hả chị?
- Ừ! Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật trung ương mà bố anh ấy làm hiệu trưởng, mẹ anh ấy là giảng viên đã sơ tán về ở trên vùng Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang. Bố mẹ anh ấy tạt qua làng Hạ thăm con...
- Thế hai ông bà ấy có gặp chị không?
- Có...
- Họ bảo thế nào?
- Bảo thế nào là sao?
Cái Liên sốt ruột:
- Thì... họ có chấp nhận chị không?
- Tại sao họ lại phải chấp nhận! Tao và anh ấy có nói chuyện gì đâu. Anh Thụy chỉ giới thiệu với bố mẹ anh ấy rằng tao là người làng Hạ, là chiến sĩ dân quân cùng đơn vị mình thôi!
Cái Liên khẽ thở dài:
- Chị dại quá! Sao chị không nói ra luôn với ông bà ấy để xem thái độ, phản ứng của họ ra sao chứ! Cứ ậm ừ mãi thì họ biết chị là thế nào?
- Mày thật vớ vẩn. Sao lại nói chuyện ấy ra cơ chứ. Ngượng lắm.
Cái Liên vẻ hơi bực:
- Nhưng hắn không nói ra, chị cũng không dám nói ra thì biết thái độ của họ thế nào. Lỡ họ không chấp nhận chị thì sao. Em nghe nói là đám con trai thành phố là chúa hay hoa lá cành...
Chị Nhân cũng thấy hơi lo lo. Nhưng chị vẫn nói để cái Liên yên tâm:
- Anh ấy hứa hết chiến tranh sẽ đưa tao về thủ đô thăm hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột… Nhà anh ấy gần chợ Đồng Xuân đấy!
- Việc ấy có gì là ghê gớm! Hết chiến tranh hoặc là chả cần hết chiến tranh, hôm nào tình hình yên yên một chút, em sẽ đưa chị đi chơi Hà Nội một chuyến cho biết!
Chị Nhân biết là cái Liên đã từng được nhà trường cho đi thăm thủ đô Hà Nội khi nó là học sinh giỏi, năm học lớp 7 giành được giải nhì môn toán toàn tỉnh. Chị nói thêm cho nó yên lòng:
- Anh ấy hứa khi nào hết chiến tranh sẽ xin cho tao vào học tại trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật mà bố anh ấy đang làm hiệu trưởng.
Cái Liên nghi ngờ:
- Sao lại phải chờ đến hết chiến tranh! Bây giờ trường ấy đã sơ tán về gần quê mình đây rồi. Chị nói với anh ấy xin cho đi học luôn có phải tiện không?
- Nhưng... tao với mày lúc này còn đang là những chiến sĩ dân quân thường trực sẵn sàng chiến đấu cơ mà?
- Vứt mẹ cái chức danh chiến sĩ dân quân ấy đi. Mà chị chả từng nói là chiến tranh mỗi người một nhiệm vụ, ra mặt trận hay ở hậu phương, đi học đều cần thiết cả. Nhiệm vụ học hành để xây dựng đất nước sau này chả rất quan trọng à. Chị có điều kiện thì cứ đi học đi, đánh nhau để bọn em. Nếu ai cũng chỉ biết hăng hái lao đầu vào cuộc chiến đấu với quân thù thì đến khi chiến thắng, lúc hòa bình rồi sẽ toàn là một đám lính trận chuyên đánh đấm, xây dựng làm ăn kinh tế, phát triển đất nước thế quái nào được?
Chị Nhân im lặng. Cái Liên nói rất đúng nhưng để làm được như vậy không phải là dễ. Chị tin ở tình yêu. Nhưng chị cũng hiểu từ tình yêu đẹp đến với cuộc sống thực tế còn là một khoảng cách rất xa.
Chị Nhân đánh trống lảng sang chuyện khác:
- Lâu nay mày có nhận được thư của thằng Xuyên không?
- Không chị ạ! Nghe nói bọn hắn đã vào sâu lắm rồi! Thư từ không gửi ra được nữa.
- Mong rằng những người làng ta sẽ bình yên trở về...
Chị Nhân nói và ôm chặt lấy cái Liên.
Có một cơn gió lùa vào căn nhà hầm.
Ngọn gió mang theo cái không khí ẩm ướt của trận mưa lúc ban chiều. Hình như phía thượng nguồn có mưa lớn. Tiếng nước sông Phó Đáy chảy ầm ầm vọng lên. Thằng Nam trở dậy để xuống bến sông với lão Vận đi bắt cá. Nó nói vóng sang báo cho chị Nhân và cái Liên biết rồi tụt nhanh xuống dốc đi về phía dòng sông đang cuồn cuộn chảy...
(còn nữa) Hà Nội, 10-2015


TRĂNG QUÊ (phần 36)
Tiểu thuyết của Trọng Bảo

Tình hình ngày càng thêm căng thẳng. Mấy ngày nay máy bay Mỹ nhiều lần bay thấp, quần đảo dọc tuyến quốc lộ 2C và khu vực cây cầu sắt bắc qua sông Phó Đáy. Trên bầu trời vùng trung du lúc nào cũng có máy bay Mỹ và máy bay ta hoạt động, đuổi bắn nhau. Bầu trời luôn vẩn đục bởi những luồng khói đạn. Trung đội dân quân làng Hạ được lệnh tăng cường lực lượng tối đa trên trận địa Đồi Ma. Ngoài hỏa lực chính là khẩu đội 12ly7 còn có các cây súng bộ binh như K44, CKC luôn sẵn sàng chiến đấu cao. Việc hiệp đồng bắn máy bay địch với đơn vị pháo cao xạ 37ly bên kia sông cũng được thục luyện. Xã đội phó Phạm Bản có mặt thường xuyên hơn trên trận địa của dân quân làng Hạ đôn đốc dân quân tích cực luyện tập, nêu cao tinh thần cảnh giác dũng cảm đánh trả máy bay địch khi chúng lao xuống bắn phá mục tiêu. Có nhiều đêm Phạm Bản còn nằm lại trên trận địa cùng với Hừng "thọt" và thằng Nam để theo dõi quy luật hoạt động bắn phá ban đêm của máy bay Mỹ. Trưởng công an xã Vũ Sinh và các công an viên cũng thường xuyên có mặt ở khu vực xung quanh cây cầu sắt để theo dõi phát hiện và ngăn chặn kịp thời bọn gián điệp phát tín hiệu, chỉ định mục tiêu cho máy bay địch ném bom. Tuy chưa thấy một tên gián điệp nào nhưng sự có mặt của công an góp phần tổ chức, hướng dẫn cho xe qua lại cầu an toàn, kịp thời phòng tránh lúc có báo động phòng không. Người dân qua lại trên cầu, đánh cá trên sông giờ cao điểm được quản lý chặt chẽ. Lão cũng Vận bị công an nhắc nhở mấy lần vì ban ngày dám từ nơi sơ tán lẻn về đánh bắt cá trên sông.
Để đảm bảo đã bắn là trúng, đã đánh là thắng việc luyện tập, rút kinh nghiệm được tổ chức thường xuyên hơn. Đại đội pháo cao xạ của trung úy Thức ở bến kia sông mấy lần cử cán bộ sang giúp trung đội dân quân làng Hạ huấn luyện và góp ý việc xây dựng trận địa, bố trí hỏa lực. Chính vì thế mà tình cảm gắn bó quân dân ngày càng thắm thiết. Chị Tình và trung úy Thức có điều kiện gặp gỡ nhau thường xuyên hơn. Họ đã nghĩ và cùng nhau nói đến một mùa đông có một đám cưới "đời sống mới" thật vui mà khách khứa chủ yếu là dân quân và bộ đội. Gia đình anh Thức rất muốn sẽ có thêm người trong năm nay.
Một hôm, trung úy Thức hẹn gặp chị Tình dưới chân Đồi Ma thông báo:
- Ngày mai anh được về tranh thủ qua nhà mấy hôm rồi sau đó lên bộ tư lệnh quân chủng dự lớp tập huấn vũ khí mới!
Chị Tình tỏ ra lúng túng. Mãi chị mới dám nói:
- Anh về thăm quê mà em chả có gì gửi làm quà biếu bố mẹ, gia đình cả. Miền trung du quê em nghèo, chẳng có loại sản vật gì đặc biệt, quý hiếm... chả lẽ lại gửi sắn tươi về biếu các cụ?
Anh Thức rất vui:
- Đúng, nên gửi sắn. Ở quê anh sắn là "đặc sản" đấy! Em cứ cho anh mấy cân sắn tươi đem về quê là các cụ thích lắm!
Chị Tình ngỡ ngàng:
- Ở quê em từ người lớn đến trẻ con đều sợ phát khiếp khi cứ phải ăn sắn thay cơm quanh năm. Sao sắn lại là "đặc sản" được cơ chứ!
- Thì quê anh ở miền biển làm gì có sắn nên vẫn coi là đặc sản đấy em ạ! Cứ cho anh mấy cân sắn tươi là được. Con dâu tương lai cũng phải có lễ vật gì ra mắt bố mẹ chồng tương lai chứ!
Chị Tình bật cười.
Chị đạp xe sang tận xã Bồ Lý bên kia sông Phó Đáy tìm mua lấy chục cân sắn tươi. Xã Bồ Lý nằm ngay dưới chân núi Tam Đảo. Đất đai ở đây rất tốt. Đất ở những nương trồng sắn thường có màu đen nhưng nhức. Giống sắn trồng ở đây cũng khác. Cây sắn không cao vóng lên như ở các nơi khác. Lá sắn màu xanh sáng. Củ sắn cũng không quá to mà chỉ dài hơn gang tay, đầu và đuôi củ sắn tròn múp, lớp vỏ giấy bên ngoài có màu vàng nhạt, dễ bóc. Dân gian vùng quê trung du này từ rất lâu rồi đã có câu truyền lại: "Sắn Bồ Lý ăn một tý cũng ngon". Sắn Bồ Lý khi luộc chỉ cần cho một ít nước ở phần nửa đáy nồi, đun cạn là chín. Củ sắn khi luộc chín không bị nứt toác, bở bung ra mà trông vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Ăn miếng sắn Bồ Lý cảm thấy vị bùi, vị dẻo và ngòn ngọt thơm mãi trong miệng.
Anh trung úy quê miền biển rất thích khi được ăn thử miếng sắn luộc chị Tình đem về. Anh cẩn thận xếp những củ sắn tươi vào ba lô rồi khoác lên vai. Anh đi ngay để kịp chuyến tàu xuôi Hà Nội và chuyển tàu về Nam Định đêm nay. Nếu thuận lợi thì sáng sớm ngày mai anh đã ở nhà rồi. Trong lòng anh tràn ngập một niềm vui mong đến một ngày sẽ dẫn một cô gái xinh đẹp từ miền rừng xanh về với miền biển xanh ra mắt gia đình. Anh cũng nghĩ đến niềm vui của bố mẹ và cô em gái ở quê khi anh được về thăm nhà lần này.
Chia tay người yêu, chị Tình trở về trận địa Đồi Ma. Cái Liên đón trung đội trưởng của mình ở chân dốc. Vừa nhìn thấy chị Tình nó đã nói ngay vẻ hớt hải:
- Chị về ngay. Có ông xã đội phó đang chờ chị ở trên trận địa. Hình như có việc gì gấp lắm đấy!
Chị Tình hỏi lại:
- Thể hả! Quân số trên trận địa vẫn đầy đủ cả chứ. Thằng Nam có trốn đi bắt cá dưới sông không?
- Quân số vẫn đầy đủ. Thằng Nam vẫn đang có mặt ở trên trận địa, chỉ có cái Hiên đến tháng kêu đau bụng quá xin nghỉ ở nhà...
Leo đến lùng chừng dốc, chị Tình lại hỏi cái Liên:
- Mày có biết các ông trong chỉ huy quân sự xã lên trận địa Đồi Ma là vì việc gì không?
- Không ạ! Các ông ấy không nói chỉ bảo đi gọi chị về gấp thôi.
- Thế à! Vậy thì đi nhanh lên kẻo họ đợi lâu!
Chị Tình giục cái Liên và đeo khẩu súng vượt lên phía trước. Cái Liên lão đẽo chạy theo sau. Vừa bước vào trong căn nhà hầm chị Tình giật mình vì thấy ngoài xã đội phó Phạm Bản còn có cả trưởng công an xã Vũ Sinh đang ngồi đợi. Chị hơi chột dạ. Không hiểu lại có việc gì liên quan đến trung đội dân quân làng Hạ mà ông trưởng công an xã này lại mò lên trận địa Đồi Ma bất ngờ không báo trước như thế. Từ ngày trung đội bị mất khẩu súng của cái Liên cứ nhìn thấy bóng công an là chị lại lo lo. Khẩu súng tuy đã tìm thấy rồi mà trong chị vẫn chưa hết cái cảm giác như vậy.
Hóa ra là không có việc gì ghê gớm. Trưởng công an xã Vũ Sinh lên trận địa Đồi Ma để hiệp đồng việc phòng gian, bảo vệ mục tiêu. Bắt đầu từ hôm nay, khi tình hình phòng không bắt đầu căng thẳng, công an xã sẽ thường xuyên có mặt tuần tra ở khu vực cây cầu sắt bắc qua sông, kịp thời phát hiện bọn gián điệp. Do đó Vũ Sinh đề nghị lập một tổ chốt ngay trên trận địa Đồi Ma cùng dân quân cho tiện việc triển khai nhiệm vụ. Việc đảm bảo ăn uống, sinh hoạt cho hai công an viên hàng ngày nhờ trung đội dân quân làng Hạ giúp đỡ. Các công an viên sẽ đào thêm một căn hầm trú ẩn tại Đồi Ma để thường trực và thuận tiện đi tuần ở quanh khu vực cây cầu sắt. Chị Tình thấy việc này cũng không có gì khó khăn, phức tạp. Chị đồng ý với đề nghị của trưởng công an xã Vũ Sinh, chỉ yêu cầu công an làm hầm trú ẩn và nơi ăn nghỉ cho bộ phận thường trực ở phía sau mỏm đá vừa an toàn và để không ảnh hưởng đến việc cơ động chiến đấu của lực lượng dân quân. Ngoài việc này, Vũ Sinh còn bàn với trung đội trưởng Tình kế hoạch phòng chống bọn phản động, gián điệp, kịp thời phát hiện kẻ lạ mặt trong khu vực, bảo quản tốt vũ khí trang bị tránh để xảy ra thêm những vụ việc đáng tiếc. Chị Tình hiểu trưởng công an xã muốn ám chỉ đến việc mất súng trước đây của dân quân làng Hạ. Lúc chuẩn bị ra về Vũ Sinh mới lưu ý trung đội trưởng Tình về việc phải tăng cường hơn nữa quản lý kỷ luật các chiến sĩ dân quân trong đơn vị. Ban chỉ huy công an xã nhận được báo cáo của các công an viên về chuyện dân quân nam nữ ôm nhau trong rừng, trên bờ đê và việc có chiến sĩ dân quân trực chiến bỏ trận địa xuống sông đánh bắt cá cải thiện bữa ăn. Trưởng công an Vũ Sinh nhắc chị Tình: "Đừng để đến lúc công an bắt quả tang cảnh dân quân mà "trai trên, gái dưới" thì không hay ho gì đâu!". Chị Tình biết trưởng công an Vũ Sinh đang nói về những ai. Chị khó chịu ra mặt nhưng không muốn phản ứng lại.
Trưởng công an xã Vũ Sinh đi rồi, xã đội phó Phạm Bản mới bàn công việc với trung đội trưởng Tình.
Phạm Bản thông báo cho chị Tình biết về tình hình địch về nhận định của trên khả năng máy bay Mỹ sẽ đánh phá cây cầu sắt. Hiện tại, cầu Việt Trì nhiều lần bị bom rơi trúng làm gãy nhịp, quốc lộ 2A vì thế bị gián đoạn giao thông nghiêm trọng. Lượng xe vận tải, xe quân sự phải qua phà, đi vòng tránh theo tuyến quốc lộ 2C ngày càng nhiều. Bọn giặc Mỹ cũng đã ném bom đánh phá bến phà Bình Ca, Tuyên Quang trên sông Lô. Sớm hay muộn chúng sẽ bắn phá cây cầu sắt qua sông Phó Đáy. Trung đội trưởng Tình hứa sẽ quán triệt ngay cho toàn trung đội nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chấn chỉnh vi phạm quy định của các chiến sĩ khi trực chiến trên trận địa để đảm bảo chiến đấu thắng lợi ngay từ trận đầu. Phạm Bản căn dặn chị Tình:
- Phải chuẩn bị cho anh chị em dân quân ý chí chiến đấu cao, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ. Nếu không thì khi tình huống ác liệt xảy ra có một người bỏ chạy là tất cả sẽ chạy theo, bỏ vũ khí và trận đại đấy!
- Chắc không đến nỗi thế đâu! Tôi tin ở anh chị em...
- Có niềm tin ở chiến sĩ của mình thì mới dám bắn, dám bám trụ trận địa, nhưng tuyệt đội không được chủ quan.
- Vâng! Anh cứ yên tâm!
Phạm Bản đứng dậy định ra về thì thằng Nam từ trong một ngách hầm nhô ra cười nhăn nhở:
- Mời anh ở lại ăn cơm trưa với dân quân! Tối hôm qua em bắt được một con cá sông rất to, rất béo!
Phạm Bản làm bộ nghiêm mặt cảnh cáo thằng Nam:
- Mày liệu hồn đấy! Tao nghe nói mày là hay bỏ trận địa đi mò cua, bắt cá. Khi có tình huống chiến đấu xảy ra chạy về không kịp đâu!
Thằng Nam cười hì hì làm ra vẻ đã nhận ra khuyết điểm của mình. Nó quay lại vẫy vẫy tay. Cái Liên, cái Na hì hục bưng mâm, bưng nồi ra. Một con cá chép khá to đã được hấp chín. Ngoài món cá còn có món thịt dúi nấu riềng thơm phức. Con dúi này thằng Biên tóm được khi đào đoạn hào giao thông qua một khóm trúc dưới chân Đồi Ma. Loài dúi hay ăn măng non nên thường đào hang ngay dưới khóm trúc.
Bữa cơm thật ngon. Giá mà không có chiến tranh, không phải trực chiến có thêm một chai "cuốc lủi" nữa thì thật tuyệt. Ngồi giữa đám dân quân mà chủ yếu là con gái ăn cơm Phạm Bản chợt nhớ tới những ngày trong quân ngũ. Khi anh là cán bộ khung huấn luyện các chiến sĩ tân binh nữ. Những nữ chiến sĩ ngày ấy cũng trẻ trung xinh đẹp như thế này. Anh nghĩ tới Ngọc. Không biết bây giờ Ngọc đang ở tận phương trời nào. Trong anh cảm giác ngọt ngào của cái đêm trăng trên đồi sim vùng Đại Từ năm ấy thật không bao giờ quên...
(còn nữa) Hà Nội, 10-2015