Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Tiểu thuyết TRĂNG QUÊ (phần 35 & phần 36)


TRĂNG QUÊ (phần 35)
Tiểu thuyết của Trọng Bảo

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Đã lâu lắm rồi cái Liên lại mới lại được cùng chị Nhân trực chiến ban đêm trên trận địa Đồi Ma. Mấy tháng vừa rồi do để mất khẩu súng CKC nên cái Liên bị đưa về tuyến sau làm công tác hậu cần và chịu sự quản lý, theo dõi rất chặt chẽ của công an. Khẩu súng tìm thấy, cái Liên cũng được trở lại trận địa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu cùng anh chị em trong trung đội.
Hai chị em nằm gác chân lên nhau rì rầm trò chuyện trong căn nhà hầm. Giống như nhiều lần trước đây, cái Liên nằm nghiêng vòng tay ôm lấy chị Nhân. Nó chợt kêu lên thảng thốt:
- Sao... sao... ngực chị lại to lên nhiều thế này?
Chị Nhân vội bịt miệng cái Liên lại và bảo:
- Mày chỉ được cái rất hay vớ vẩn! Tao... của tao vẫn như thế thôi, có gì khác đâu. Mà mày khe khẽ cái mồm thôi, thằng Nam và thằng Biên ở hầm bên cạnh vẫn chưa ngủ đâu, chúng nó nghe thấy bây giờ!
Cái Liên thò tay nắn lại ngực chị Nhân một lần nữa rồi thầm thì với vẻ băn khoăn:
- Đúng mà! Đúng là to hơn hẳn... Chị và cái tay phó tiến sĩ "họ dê" kia đã làm gì nhau rồi phải không?
Chị Nhân vội chối đây đẩy:
- Không có... làm gì có chuyện ấy!
- Em không tin...
Cái Liên nói rồi lật người nằm ngửa nhìn lên nóc nhà. Đêm nay trời nhiều mây nên tuy giữa tháng song mặt trăng không lúc nào ló rạng. Trong căn nhà hầm ánh sáng mờ đục như giữa vùng sương mù. Cây đèn phòng không để trong hốc đất nhỏ ở góc nhà tỏa ra một thứ ánh sáng thật âm u, khó chịu. Cái Liên biết chắc là chị Nhân nói dối. Cứ nhìn cái dáng đi, ánh mắt long lanh ươn ướt của chị Nhân cái Liên đã đoán biết hết mọi chuyện đã xảy ra trong thời gian nó bị quản thúc. Các cụ đã bảo: "Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó" quả là không sai. Biến đổi của cơ thể người con gái không thể dấu nổi khi họ đã yêu, đã cho và nhận những gì khác giới. Cái Liên chợt thấy trong lòng mình có một nỗi buồn miên man cứ dâng dâng lên mãi. Nỗi buồn này khác hẳn với sự buồn bã, lo lắng khi để mất khẩu súng. Trong thời gian khẩu súng chưa tìm thấy trong lòng nó là nỗi buồn và sự sợ hãi thường trực hằng ngày rất căng thẳng, cồn cào và bức bối. Còn bây giờ thì là một sự lo lắng rất đỗi bâng quơ, một nỗi buồn man mát, miên man từ mãi trong tận sâu thẳm trong lòng người. Nỗi buồn này không phải của hôm nay mà như là của những ngày đang tới. Cái Liên cảm thấy lo lắng cho chị Nhân, người mà nó luôn coi như một người chị gái thân thiết, một người bạn và người đồng đội. Nó linh cảm thấy một điều gì đó không an lành, không sáng trong, giống như ánh trăng đêm nay đang dần dần đến với chị Nhân.
Cái Liên nhận thấy một sự bất an. Nó lật người ôm lấy chị Nhân thật chặt. Chị Nhân giật mình cố gỡ vòng tay nó ra và hỏi:
- Mày bị làm sao thế?
- Em thấy lo cho chị lắm!
Chị Nhân an ủi:
- Có việc gì mà mày lại phải lo lắng đến thế?
- Em không tin cái tay phó tiến sĩ ấy lắm!
- Anh ấy làm sao mà mày lại không tin?
Cái Liên đắn đo một lát rồi bảo:
- Thì... em có linh cảm là...
- Mày là hay linh cảm linh tinh lắm.
Cái Liên hỏi sang chuyện khác:
- Nghe nói hôm trước bố mẹ đẻ của tay phó tiến sĩ ấy lên đây hả chị?
- Ừ! Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật trung ương mà bố anh ấy làm hiệu trưởng, mẹ anh ấy là giảng viên đã sơ tán về ở trên vùng Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang. Bố mẹ anh ấy tạt qua làng Hạ thăm con...
- Thế hai ông bà ấy có gặp chị không?
- Có...
- Họ bảo thế nào?
- Bảo thế nào là sao?
Cái Liên sốt ruột:
- Thì... họ có chấp nhận chị không?
- Tại sao họ lại phải chấp nhận! Tao và anh ấy có nói chuyện gì đâu. Anh Thụy chỉ giới thiệu với bố mẹ anh ấy rằng tao là người làng Hạ, là chiến sĩ dân quân cùng đơn vị mình thôi!
Cái Liên khẽ thở dài:
- Chị dại quá! Sao chị không nói ra luôn với ông bà ấy để xem thái độ, phản ứng của họ ra sao chứ! Cứ ậm ừ mãi thì họ biết chị là thế nào?
- Mày thật vớ vẩn. Sao lại nói chuyện ấy ra cơ chứ. Ngượng lắm.
Cái Liên vẻ hơi bực:
- Nhưng hắn không nói ra, chị cũng không dám nói ra thì biết thái độ của họ thế nào. Lỡ họ không chấp nhận chị thì sao. Em nghe nói là đám con trai thành phố là chúa hay hoa lá cành...
Chị Nhân cũng thấy hơi lo lo. Nhưng chị vẫn nói để cái Liên yên tâm:
- Anh ấy hứa hết chiến tranh sẽ đưa tao về thủ đô thăm hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột… Nhà anh ấy gần chợ Đồng Xuân đấy!
- Việc ấy có gì là ghê gớm! Hết chiến tranh hoặc là chả cần hết chiến tranh, hôm nào tình hình yên yên một chút, em sẽ đưa chị đi chơi Hà Nội một chuyến cho biết!
Chị Nhân biết là cái Liên đã từng được nhà trường cho đi thăm thủ đô Hà Nội khi nó là học sinh giỏi, năm học lớp 7 giành được giải nhì môn toán toàn tỉnh. Chị nói thêm cho nó yên lòng:
- Anh ấy hứa khi nào hết chiến tranh sẽ xin cho tao vào học tại trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật mà bố anh ấy đang làm hiệu trưởng.
Cái Liên nghi ngờ:
- Sao lại phải chờ đến hết chiến tranh! Bây giờ trường ấy đã sơ tán về gần quê mình đây rồi. Chị nói với anh ấy xin cho đi học luôn có phải tiện không?
- Nhưng... tao với mày lúc này còn đang là những chiến sĩ dân quân thường trực sẵn sàng chiến đấu cơ mà?
- Vứt mẹ cái chức danh chiến sĩ dân quân ấy đi. Mà chị chả từng nói là chiến tranh mỗi người một nhiệm vụ, ra mặt trận hay ở hậu phương, đi học đều cần thiết cả. Nhiệm vụ học hành để xây dựng đất nước sau này chả rất quan trọng à. Chị có điều kiện thì cứ đi học đi, đánh nhau để bọn em. Nếu ai cũng chỉ biết hăng hái lao đầu vào cuộc chiến đấu với quân thù thì đến khi chiến thắng, lúc hòa bình rồi sẽ toàn là một đám lính trận chuyên đánh đấm, xây dựng làm ăn kinh tế, phát triển đất nước thế quái nào được?
Chị Nhân im lặng. Cái Liên nói rất đúng nhưng để làm được như vậy không phải là dễ. Chị tin ở tình yêu. Nhưng chị cũng hiểu từ tình yêu đẹp đến với cuộc sống thực tế còn là một khoảng cách rất xa.
Chị Nhân đánh trống lảng sang chuyện khác:
- Lâu nay mày có nhận được thư của thằng Xuyên không?
- Không chị ạ! Nghe nói bọn hắn đã vào sâu lắm rồi! Thư từ không gửi ra được nữa.
- Mong rằng những người làng ta sẽ bình yên trở về...
Chị Nhân nói và ôm chặt lấy cái Liên.
Có một cơn gió lùa vào căn nhà hầm.
Ngọn gió mang theo cái không khí ẩm ướt của trận mưa lúc ban chiều. Hình như phía thượng nguồn có mưa lớn. Tiếng nước sông Phó Đáy chảy ầm ầm vọng lên. Thằng Nam trở dậy để xuống bến sông với lão Vận đi bắt cá. Nó nói vóng sang báo cho chị Nhân và cái Liên biết rồi tụt nhanh xuống dốc đi về phía dòng sông đang cuồn cuộn chảy...
(còn nữa) Hà Nội, 10-2015


TRĂNG QUÊ (phần 36)
Tiểu thuyết của Trọng Bảo

Tình hình ngày càng thêm căng thẳng. Mấy ngày nay máy bay Mỹ nhiều lần bay thấp, quần đảo dọc tuyến quốc lộ 2C và khu vực cây cầu sắt bắc qua sông Phó Đáy. Trên bầu trời vùng trung du lúc nào cũng có máy bay Mỹ và máy bay ta hoạt động, đuổi bắn nhau. Bầu trời luôn vẩn đục bởi những luồng khói đạn. Trung đội dân quân làng Hạ được lệnh tăng cường lực lượng tối đa trên trận địa Đồi Ma. Ngoài hỏa lực chính là khẩu đội 12ly7 còn có các cây súng bộ binh như K44, CKC luôn sẵn sàng chiến đấu cao. Việc hiệp đồng bắn máy bay địch với đơn vị pháo cao xạ 37ly bên kia sông cũng được thục luyện. Xã đội phó Phạm Bản có mặt thường xuyên hơn trên trận địa của dân quân làng Hạ đôn đốc dân quân tích cực luyện tập, nêu cao tinh thần cảnh giác dũng cảm đánh trả máy bay địch khi chúng lao xuống bắn phá mục tiêu. Có nhiều đêm Phạm Bản còn nằm lại trên trận địa cùng với Hừng "thọt" và thằng Nam để theo dõi quy luật hoạt động bắn phá ban đêm của máy bay Mỹ. Trưởng công an xã Vũ Sinh và các công an viên cũng thường xuyên có mặt ở khu vực xung quanh cây cầu sắt để theo dõi phát hiện và ngăn chặn kịp thời bọn gián điệp phát tín hiệu, chỉ định mục tiêu cho máy bay địch ném bom. Tuy chưa thấy một tên gián điệp nào nhưng sự có mặt của công an góp phần tổ chức, hướng dẫn cho xe qua lại cầu an toàn, kịp thời phòng tránh lúc có báo động phòng không. Người dân qua lại trên cầu, đánh cá trên sông giờ cao điểm được quản lý chặt chẽ. Lão cũng Vận bị công an nhắc nhở mấy lần vì ban ngày dám từ nơi sơ tán lẻn về đánh bắt cá trên sông.
Để đảm bảo đã bắn là trúng, đã đánh là thắng việc luyện tập, rút kinh nghiệm được tổ chức thường xuyên hơn. Đại đội pháo cao xạ của trung úy Thức ở bến kia sông mấy lần cử cán bộ sang giúp trung đội dân quân làng Hạ huấn luyện và góp ý việc xây dựng trận địa, bố trí hỏa lực. Chính vì thế mà tình cảm gắn bó quân dân ngày càng thắm thiết. Chị Tình và trung úy Thức có điều kiện gặp gỡ nhau thường xuyên hơn. Họ đã nghĩ và cùng nhau nói đến một mùa đông có một đám cưới "đời sống mới" thật vui mà khách khứa chủ yếu là dân quân và bộ đội. Gia đình anh Thức rất muốn sẽ có thêm người trong năm nay.
Một hôm, trung úy Thức hẹn gặp chị Tình dưới chân Đồi Ma thông báo:
- Ngày mai anh được về tranh thủ qua nhà mấy hôm rồi sau đó lên bộ tư lệnh quân chủng dự lớp tập huấn vũ khí mới!
Chị Tình tỏ ra lúng túng. Mãi chị mới dám nói:
- Anh về thăm quê mà em chả có gì gửi làm quà biếu bố mẹ, gia đình cả. Miền trung du quê em nghèo, chẳng có loại sản vật gì đặc biệt, quý hiếm... chả lẽ lại gửi sắn tươi về biếu các cụ?
Anh Thức rất vui:
- Đúng, nên gửi sắn. Ở quê anh sắn là "đặc sản" đấy! Em cứ cho anh mấy cân sắn tươi đem về quê là các cụ thích lắm!
Chị Tình ngỡ ngàng:
- Ở quê em từ người lớn đến trẻ con đều sợ phát khiếp khi cứ phải ăn sắn thay cơm quanh năm. Sao sắn lại là "đặc sản" được cơ chứ!
- Thì quê anh ở miền biển làm gì có sắn nên vẫn coi là đặc sản đấy em ạ! Cứ cho anh mấy cân sắn tươi là được. Con dâu tương lai cũng phải có lễ vật gì ra mắt bố mẹ chồng tương lai chứ!
Chị Tình bật cười.
Chị đạp xe sang tận xã Bồ Lý bên kia sông Phó Đáy tìm mua lấy chục cân sắn tươi. Xã Bồ Lý nằm ngay dưới chân núi Tam Đảo. Đất đai ở đây rất tốt. Đất ở những nương trồng sắn thường có màu đen nhưng nhức. Giống sắn trồng ở đây cũng khác. Cây sắn không cao vóng lên như ở các nơi khác. Lá sắn màu xanh sáng. Củ sắn cũng không quá to mà chỉ dài hơn gang tay, đầu và đuôi củ sắn tròn múp, lớp vỏ giấy bên ngoài có màu vàng nhạt, dễ bóc. Dân gian vùng quê trung du này từ rất lâu rồi đã có câu truyền lại: "Sắn Bồ Lý ăn một tý cũng ngon". Sắn Bồ Lý khi luộc chỉ cần cho một ít nước ở phần nửa đáy nồi, đun cạn là chín. Củ sắn khi luộc chín không bị nứt toác, bở bung ra mà trông vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Ăn miếng sắn Bồ Lý cảm thấy vị bùi, vị dẻo và ngòn ngọt thơm mãi trong miệng.
Anh trung úy quê miền biển rất thích khi được ăn thử miếng sắn luộc chị Tình đem về. Anh cẩn thận xếp những củ sắn tươi vào ba lô rồi khoác lên vai. Anh đi ngay để kịp chuyến tàu xuôi Hà Nội và chuyển tàu về Nam Định đêm nay. Nếu thuận lợi thì sáng sớm ngày mai anh đã ở nhà rồi. Trong lòng anh tràn ngập một niềm vui mong đến một ngày sẽ dẫn một cô gái xinh đẹp từ miền rừng xanh về với miền biển xanh ra mắt gia đình. Anh cũng nghĩ đến niềm vui của bố mẹ và cô em gái ở quê khi anh được về thăm nhà lần này.
Chia tay người yêu, chị Tình trở về trận địa Đồi Ma. Cái Liên đón trung đội trưởng của mình ở chân dốc. Vừa nhìn thấy chị Tình nó đã nói ngay vẻ hớt hải:
- Chị về ngay. Có ông xã đội phó đang chờ chị ở trên trận địa. Hình như có việc gì gấp lắm đấy!
Chị Tình hỏi lại:
- Thể hả! Quân số trên trận địa vẫn đầy đủ cả chứ. Thằng Nam có trốn đi bắt cá dưới sông không?
- Quân số vẫn đầy đủ. Thằng Nam vẫn đang có mặt ở trên trận địa, chỉ có cái Hiên đến tháng kêu đau bụng quá xin nghỉ ở nhà...
Leo đến lùng chừng dốc, chị Tình lại hỏi cái Liên:
- Mày có biết các ông trong chỉ huy quân sự xã lên trận địa Đồi Ma là vì việc gì không?
- Không ạ! Các ông ấy không nói chỉ bảo đi gọi chị về gấp thôi.
- Thế à! Vậy thì đi nhanh lên kẻo họ đợi lâu!
Chị Tình giục cái Liên và đeo khẩu súng vượt lên phía trước. Cái Liên lão đẽo chạy theo sau. Vừa bước vào trong căn nhà hầm chị Tình giật mình vì thấy ngoài xã đội phó Phạm Bản còn có cả trưởng công an xã Vũ Sinh đang ngồi đợi. Chị hơi chột dạ. Không hiểu lại có việc gì liên quan đến trung đội dân quân làng Hạ mà ông trưởng công an xã này lại mò lên trận địa Đồi Ma bất ngờ không báo trước như thế. Từ ngày trung đội bị mất khẩu súng của cái Liên cứ nhìn thấy bóng công an là chị lại lo lo. Khẩu súng tuy đã tìm thấy rồi mà trong chị vẫn chưa hết cái cảm giác như vậy.
Hóa ra là không có việc gì ghê gớm. Trưởng công an xã Vũ Sinh lên trận địa Đồi Ma để hiệp đồng việc phòng gian, bảo vệ mục tiêu. Bắt đầu từ hôm nay, khi tình hình phòng không bắt đầu căng thẳng, công an xã sẽ thường xuyên có mặt tuần tra ở khu vực cây cầu sắt bắc qua sông, kịp thời phát hiện bọn gián điệp. Do đó Vũ Sinh đề nghị lập một tổ chốt ngay trên trận địa Đồi Ma cùng dân quân cho tiện việc triển khai nhiệm vụ. Việc đảm bảo ăn uống, sinh hoạt cho hai công an viên hàng ngày nhờ trung đội dân quân làng Hạ giúp đỡ. Các công an viên sẽ đào thêm một căn hầm trú ẩn tại Đồi Ma để thường trực và thuận tiện đi tuần ở quanh khu vực cây cầu sắt. Chị Tình thấy việc này cũng không có gì khó khăn, phức tạp. Chị đồng ý với đề nghị của trưởng công an xã Vũ Sinh, chỉ yêu cầu công an làm hầm trú ẩn và nơi ăn nghỉ cho bộ phận thường trực ở phía sau mỏm đá vừa an toàn và để không ảnh hưởng đến việc cơ động chiến đấu của lực lượng dân quân. Ngoài việc này, Vũ Sinh còn bàn với trung đội trưởng Tình kế hoạch phòng chống bọn phản động, gián điệp, kịp thời phát hiện kẻ lạ mặt trong khu vực, bảo quản tốt vũ khí trang bị tránh để xảy ra thêm những vụ việc đáng tiếc. Chị Tình hiểu trưởng công an xã muốn ám chỉ đến việc mất súng trước đây của dân quân làng Hạ. Lúc chuẩn bị ra về Vũ Sinh mới lưu ý trung đội trưởng Tình về việc phải tăng cường hơn nữa quản lý kỷ luật các chiến sĩ dân quân trong đơn vị. Ban chỉ huy công an xã nhận được báo cáo của các công an viên về chuyện dân quân nam nữ ôm nhau trong rừng, trên bờ đê và việc có chiến sĩ dân quân trực chiến bỏ trận địa xuống sông đánh bắt cá cải thiện bữa ăn. Trưởng công an Vũ Sinh nhắc chị Tình: "Đừng để đến lúc công an bắt quả tang cảnh dân quân mà "trai trên, gái dưới" thì không hay ho gì đâu!". Chị Tình biết trưởng công an Vũ Sinh đang nói về những ai. Chị khó chịu ra mặt nhưng không muốn phản ứng lại.
Trưởng công an xã Vũ Sinh đi rồi, xã đội phó Phạm Bản mới bàn công việc với trung đội trưởng Tình.
Phạm Bản thông báo cho chị Tình biết về tình hình địch về nhận định của trên khả năng máy bay Mỹ sẽ đánh phá cây cầu sắt. Hiện tại, cầu Việt Trì nhiều lần bị bom rơi trúng làm gãy nhịp, quốc lộ 2A vì thế bị gián đoạn giao thông nghiêm trọng. Lượng xe vận tải, xe quân sự phải qua phà, đi vòng tránh theo tuyến quốc lộ 2C ngày càng nhiều. Bọn giặc Mỹ cũng đã ném bom đánh phá bến phà Bình Ca, Tuyên Quang trên sông Lô. Sớm hay muộn chúng sẽ bắn phá cây cầu sắt qua sông Phó Đáy. Trung đội trưởng Tình hứa sẽ quán triệt ngay cho toàn trung đội nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chấn chỉnh vi phạm quy định của các chiến sĩ khi trực chiến trên trận địa để đảm bảo chiến đấu thắng lợi ngay từ trận đầu. Phạm Bản căn dặn chị Tình:
- Phải chuẩn bị cho anh chị em dân quân ý chí chiến đấu cao, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ. Nếu không thì khi tình huống ác liệt xảy ra có một người bỏ chạy là tất cả sẽ chạy theo, bỏ vũ khí và trận đại đấy!
- Chắc không đến nỗi thế đâu! Tôi tin ở anh chị em...
- Có niềm tin ở chiến sĩ của mình thì mới dám bắn, dám bám trụ trận địa, nhưng tuyệt đội không được chủ quan.
- Vâng! Anh cứ yên tâm!
Phạm Bản đứng dậy định ra về thì thằng Nam từ trong một ngách hầm nhô ra cười nhăn nhở:
- Mời anh ở lại ăn cơm trưa với dân quân! Tối hôm qua em bắt được một con cá sông rất to, rất béo!
Phạm Bản làm bộ nghiêm mặt cảnh cáo thằng Nam:
- Mày liệu hồn đấy! Tao nghe nói mày là hay bỏ trận địa đi mò cua, bắt cá. Khi có tình huống chiến đấu xảy ra chạy về không kịp đâu!
Thằng Nam cười hì hì làm ra vẻ đã nhận ra khuyết điểm của mình. Nó quay lại vẫy vẫy tay. Cái Liên, cái Na hì hục bưng mâm, bưng nồi ra. Một con cá chép khá to đã được hấp chín. Ngoài món cá còn có món thịt dúi nấu riềng thơm phức. Con dúi này thằng Biên tóm được khi đào đoạn hào giao thông qua một khóm trúc dưới chân Đồi Ma. Loài dúi hay ăn măng non nên thường đào hang ngay dưới khóm trúc.
Bữa cơm thật ngon. Giá mà không có chiến tranh, không phải trực chiến có thêm một chai "cuốc lủi" nữa thì thật tuyệt. Ngồi giữa đám dân quân mà chủ yếu là con gái ăn cơm Phạm Bản chợt nhớ tới những ngày trong quân ngũ. Khi anh là cán bộ khung huấn luyện các chiến sĩ tân binh nữ. Những nữ chiến sĩ ngày ấy cũng trẻ trung xinh đẹp như thế này. Anh nghĩ tới Ngọc. Không biết bây giờ Ngọc đang ở tận phương trời nào. Trong anh cảm giác ngọt ngào của cái đêm trăng trên đồi sim vùng Đại Từ năm ấy thật không bao giờ quên...
(còn nữa) Hà Nội, 10-2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét