Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Tản văn NHỚ TÂY BẮC

         NHỚ TÂY BẮC
         Tản văn của Trọng Bảo

         Lâu lắm mới trở về Yên Bái
         Qua bến Âu Lâu nhớ một người...
         Câu thơ khiến lòng tôi cứ nao nao. Ô! Lâu quá rồi không về Yên Bái, không lên Tây Bắc. Thế mà cũng đã bốn mươi năm rồi tôi không có điều kiện trở lại nơi đã từng có một khoảng thời gian sống và gắn bó. Đó là cái thời trai trẻ, vô tư. Ngày ấy, sau chiến tranh, chúng tôi lên Yên Bái chặt cây, dụng nhà. Những người lính trẻ sống giữa đại ngàn rừng già, thác lũ. Rời tay súng, cầm tay dao, tay cuốc. Trung đoàn Tân Trào chúng tôi đóng quân ở nông trường chè Trần Phú (huyện Văn Chấn-Yên Bái).
         Chúng tôi ở trong nhà các công nhân nông trường. Tôi và anh bạn cùng tên, người Việt gốc Hoa - Hiên Giang Bảo ở nhà chị Tuyết. Ngày ngày chúng tôi vào rừng chặt gỗ, khai thác tre nứa để làm lán trại. Thực ra đó là trại giam để đưa số ngụy binh từ miền Nam ra cải tạo, học tập. Cuộc sống lao động vất vả, khó khăn nhưng cánh lính trẻ chúng tôi lúc nào cũng vui nhộn. Cái dư âm Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn còn lâng lâng trong tâm trí của những người lính.
          Cả một đoàn quân trai trẻ đóng quân giữa một nông trường có đến ngót một ngàn cô gái trẻ chưa chồng thật là vui và cũng xảy ra nhiều chuyện. Tôi nhớ ngày ấy có cô Luyến là công nhân đội 1 hay sang nhà chúng tôi chơi. Luyến xinh gái mà ngót ba mươi tuổi vẫn chưa lấy được chồng. Cái nông trường giữa vùng núi sâu có đến chín mươi phần trăm là nữ này kiếm được một tấm chồng không phải là dễ. Luyến có vẻ thân với Hiên Giang Bảo. Nhưng Hiên Giang Bảo cũng đã có người yêu ở quê nhà rồi. Nhìn cô gái dáng cân đối, khuôn ngực tròn vo, luôn vui tươi, nhanh nhẹn, có một nét gì đó rất đặc biệt, luôn khắc vào trí nhớ tôi đến bây giờ vẫn không quên.
          Tôi nhớ những lần đi bè trên ngòi Lao nước trong xanh. Qua những đơn vị sản xuất của nông trường gặp những tốp con gái khoả thân tắm suối. Giữa dòng nước trong veo những bộ ngực thanh xuân căng tròn, dập rờn thấp thoáng. Tôi cũng không bao giờ quên một lần gặp lũ lớn, chiếc bè nứa của tôi xuống thác vỡ tung. Tôi chỉ còn bám vào được một bó nứa to. Nếu không có Hiên Giang Bảo ném cho cây sào chống bè dự bị để chèo chống thì có lẽ cả tôi và bó nứa sẽ bị dìm xuống đáy vực sâu.
           Ngày ấy Tây Bắc toàn rừng già, chỗ nào cũng có hoa phong lan. Dọc hai bên bờ suối nhiều loại hoa phong lan nở rất đẹp, hương rất thơm. Là người rất thích phong lan (Đến bây giờ vẫn thế. Ngày nghỉ nào tôi cũng lang thang ở chợ phong lan, chả có tiền mua thì ngắm ké vậy). Hôm nào đi rừng, tôi cũng đem về một cụm phong lan đang nở hoa rất đẹp. Tôi và Hiên Giang Bảo còn có nhiều kỷ niệm như những lần cùng nhau đi trèo cây lấy hoa phong lan. Hôm ấy, tôi và Hiên Giang Bảo trèo lên một cây gỗ khô. Lúc gỡ được chùm hoa phong lan thì cái cây khô long gốc nghiêng ngả. Hiên Giang Bảo trèo phía trên ngọn cây, tôi phía dưới. Hai thằng toát mồ hôi, không dám nói to, thì thào bảo nhau cố thật nhẹ nhàng tụt xuống. Vừa xuống tới gốc thì cái cây khô gãy nhào. Thật hú vía. Sau này tôi và Hiên Giang Bảo mỗi người chuyển đi một đơn vị khác nhau. Trước khi chiến tranh biên giới xảy ra Hiên Giang Bảo được cho ra quân. Nó vẫn ở lại Việt Nam sinh sống không chạy về Trung Quốc như số người Hoa khác. Vì thế khi cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc (2-1979) xảy ra tôi và Hiên Giang Bảo không lâm vào tình huống chĩa súng vào nhau.
           Tôi cũng không bao giờ quên những gian khổ ngày ấy. Câu nói truyền miệng của cánh lính "Muỗi Tà De, ve Khe Hiền" đến bây giờ tôi vẫn nhớ. Tôi cũng nhớ mãi tấm lòng của bà con, anh chị em công nhân nông trường chè Trần Phú và các làng bản khu vực này. Những năm trước, nghe tin lũ quét cuốn trôi hàng chục ngôi nhà, làm hàng chục người dân thị trấn Ba Khe bị chết và mất tích, tôi thấy nhói trong tim. Thị trấn Ba Khe nằm bên bờ suối. Ngày ở Tây Bắc chúng tôi hay ra thị trấn này chơi. Thị trấn ngày trước lèo tèo chỉ có vài chục nóc nhà, một cái của hàng mậu dịch, một hiệu ăn uống quốc doanh. Sau này có một lần đi qua, thấy san sát những nhà cửa, hàng quán.
          Nhớ kỷ niệm những ngày ở Tây Bắc. Đồng đội tôi ngày ấy bây giờ, người còn, người mất, chả gặp được nhau, nhiều cái tên người bây giờ cũng không nhớ hết. Những cô gái công nhân nông trường bây giờ cũng không còn trẻ nữa. Nhưng trong tôi và trong họ thì kỷ niệm về ngày ấy chắc chắn sẽ còn xanh mãi...
            Hà Nội, 12-2017

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, ngoài trời và nước

ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Hoa không tặng cho em-thơ



HOA KHÔNG TẶNG CHO EM
Thơ Trọng Bảo

Hôm nay anh không tặng hoa cho em,
Những bông hoa hồng anh ôm trước ngực,
Màu hoa như mặt trời đỏ rực
Màu máu của con tim.
Những bông hoa không tặng cho em
Anh dành tặng những người đồng đội.
Đồng đội anh vẫn xếp thẳng hàng, thẳng lối
Chỉnh tề đội ngũ trong nghĩa trang.
Ngày hòa bình sau cuộc chiến tranh
Họ không còn đem hoa đi tìm người yêu được nữa!
Tuổi hai mươi nằm dưới đất sâu lặng lẽ
Chẳng trách ai quên thắp nến, dâng hoa...
Một bó hoa dành tặng người đã đi xa
Không đủ chia đều cho tất cả,
Chỉ có hương thơm ngát bay, lan tỏa
Đến với từng bia mộ chiều nay...
Viết nhân 27/7/2009-2017

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

Truyện ngắn BI KỊCH PHỐ (phần 2)


  BI KỊCH PHỐ

  Truyện ngắn của Trọng Bảo 
  

          Từ trên ban công nhà chung cư tôi thường quan sát nếp sống của dãy nhà tự xây phía sau. Chủ nhân những ngôi nhà bốn năm tầng ấy đều là các cán bộ cao cấp về hưu. Ngày ngày cuộc sống ở những ngôi nhà ấy diễn ra theo một "lịch thời gian" giống hệt nhau.

Sáng sớm tinh mơ các cụ tập thể dục rồi ngồi đánh cờ ngoài cửa đợi cơm trưa. Buổi chiều thì lại thể thao, rồi đạp xe đi đón cháu. Buổi tối, khi ánh điện sáng lên thì nhà nào về nhà nấy. Nhà thì các con cháu vui vẻ ồn ào, nhiều nhà chỉ có hai vợ chồng già quanh quẩn ra vào, quạnh quẽ. Con cái lớn xây dựng gia đình kiếm được tiền lập tức mua, thuê nhà ra ở riêng cho tự do. Thành thử nhiều ngôi nhà xây bốn năm tầng rõ to nhưng chỉ có hai ông bà già ở. Ở những ngôi nhà này từ chập tối đến bảy giờ, bảy rưỡi thì tầng một điện sáng. Đấy là lúc hai vợ chồng già ăn cơm. Từ bảy rưỡi đến khoảng chín rưỡi thì đèn tầng hai sáng. Đó là lúc hai cụ lên giường nằm xem ti vi, chuẩn bị ngủ. Từ chín rưỡi, mười giờ trở đi thì cả căn nhà tối đen, các cụ thường ngủ sớm. Mùng một, ngày rằm thì tầng bốn, tầng năm mới có ánh sáng. Các tầng trên cùng là bàn thờ tổ tiên, định kỳ hai ngày này trong tháng sáng đèn, thắp hương nhang.

          Gần tết năm trước, gặp tôi đang vác cành đào ngoài chợ, bà Tô - vợ một ông cán bộ cấp cao ở dãy nhà tự xây hỏi:

          - Chú đi sắm tết à?

          - Vâng! Em mua cành đào để sáng mai đem về quê chơi tết.

          - Thế à! - Nghe tiếng bà thở dài, tôi liền hỏi lại:

          - Ông bà năm nay có về quê ăn tết không ạ?

          Bà Tô lại thở dài rồi nói:

          - Còn quê đâu nữa mà về hả chú?

          Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, bà Tô nói tiếp giọng buồn buồn:

          - Thì... ông nhà tôi được cấp đất ở thủ đô, tôi nghe theo ông ấy bán hết đất đai, nhà cửa, ruộng vườn để lấy tiền xây nhà. Rồi cả nhà kéo nhau ra Hà Nội cho quây quần, đoàn tụ. Nhưng rồi nhà thì xây to con cháu chả đứa nào nó ở cùng, bỏ không mấy tầng, cả tháng chả ai buồn lên quét dọn. Ngày thường rồi cả ngày tết đến chúng nó đáo qua chúc tết rồi kéo nhau đi luôn, buồn lắm chú ạ! Tôi đúng là dại quá chú ạ. Ở quê nhà cửa bán hết bây giờ muốn về cũng chả được. Anh em thì còn đấy nhưng tết nhất về quê ở nhà các anh, các em không phải nhà mình thì cũng như là khách thôi, muốn ăn miếng bánh chưng, uống ngụm nước cũng ngại...

          Thấy tôi tỏ vẻ thông cảm, bà Tô lại nói:

          - Tết ở Hà Nội cũng buồn lắm chú ạ. Khu này họ về quê hết, ngày tết vắng tanh vắng ngắt, hai vợ chồng già bưng mâm ra rồi lại bưng cất đi, chán chả muốn ăn.

          Trước khi vào chợ bà Tô còn dặn tôi: "Đừng bán nhà ở quê để đấy lấy chỗ mà đi về chú nhá". Tôi nhìn theo bà Tô. Cái dáng xiêu xiêu theo mỗi bước chân của người nông dân ngày nào chăm chỉ trên đồng ruộng đến giờ khó lẫn dù ở giữa chốn phố phường. Sau này tôi còn biết thêm một chuyện buồn nữa của bà Tô.

          Nguyễn Sung - con trai bà Tô là một người sớm thành đạt. Sung được bố mẹ đầu tư cho ăn học đến nơi đến chốn. Khi có bằng cấp, ra trường lúc đó ông Tô còn đương chức nên Sung nghiễm nhiên trở thành công chức nhà nước trong biên chế hẳn hoi không phải qua thi tuyển, làm hợp đồng như những bạn bè khác. Sung lấy vợ cùng cơ quan, là con gái một sếp lớn nên việc thăng tiến, tiêu chuẩn nhà đất khỏi phải lo. Khi con đã lớn đi mẫu giáo thì hai vợ chồng Sung không muốn ở chung với bố mẹ nữa. Thế rồi vợ chồng con cái thằng con trai duy nhất mua nhà chuyển ra ở khu chung cư cao cấp Mỹ Đình. Đứa con gái của ông bà Tô lại lấy chồng và chuyển công tác tít tận miền Nam, thành thử ngôi nhà bốn tầng chỉ còn lại hai ông bà già. Hai cái bóng lặng lẽ trong ngôi nhà ba tầng đồ sộ. Cánh cửa xếp tầng một thường suốt ngày chỉ hé mở đủ một người lọt qua để đề phòng bọn trộm lẻn vào. Đứng trên ban công nhà chung cư tôi thường nhìn ánh đèn điện tắt mở từng tầng ở nhà ông bà Tô để nhắc nhở giờ giấc lũ trẻ con đã đến giờ uống sữa, giờ đi ngủ. Nhưng lũ trẻ con nhà tôi mải chơi nên khi các cụ ở khu nhà tự xây phía dưới đã ngủ một giấc rồi chúng vẫn hò reo xem ti vi, đạp xe khắp nhà.

          Khi ông Tô mất, bà vợ vẫn ở một mình. Thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy một chiếc ô tô con đỗ ở trước cửa nhà bà. Thằng Sung đưa vợ con về thăm nhà một lúc rồi lại đi. Cánh cửa xếp vừa mở rộng ra một lát lại thu lại như cũ.

          Một dạo tôi thấy bà Tô dậy rất sớm rồi đạp xe đi, tối mịt mới về. Tôi đoán vợ thằng Sung sinh con thứ hai bà ra giúp việc trông nom cháu. Bẵng đi một thời gian, gặp bà ở đầu ngõ tôi hỏi thăm. Bà Tô rơm rớm nước mắt nhìn tôi lắc đầu chỉ nói:

          - Buồn lắm chú ạ...

          Nói xong, bà xách mớ rau muống quay đi. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Lẽ ra với bà thì những năm tháng tuổi già thế này thì còn gì hơn. Con cái thành đạt, nhà cửa đàng hoàng. Mãi sau tôi mới biết câu chuyện của bà Tô.

          Thằng Sung con bà ngày càng làm ăn phát đạt. Nó được tham gia thẩm định, quản lý, giám sát nhiều dự án kinh tế lớn. Dĩ nhiên trong thời buổi này đó là những vị trí béo bở, tiền tài của cải cứ tự dưng chảy vào túi mình như nước. Phú quý sinh lễ nghĩa. Có tiền thằng Sung đổi hết xe này đến xe khác. Ngày nghỉ vợ chồng, con cái con thường xuyên đi du lịch thăm viếng nơi này nơi nọ quên mất cả bà mẹ già đang ở một mình trong ngôi nhà ba tầng giữa khu tập thể. Ngôi nhà với diện tích đất hơn năm mươi mét vuông này có giá trị không nhỏ là tài sản thừa kế bất di bất dịch của thằng Sung. Nó dự định khi bà Tô mất đi sẽ sang tên cho người khác gộp với số tiền kiếm được mua một biệt thự nhà vườn trong khu đô thị mới ở cho thoải mái. Thằng Sung không thích nơi bố mẹ nó ở toàn các cụ lão thành cách mạng về hưu thường hay soi mói mỗi khi nó đi làm bằng những chiếc xe con sang trọng. Lần trước nó đưa vợ con về thăm mẹ để xe trước cửa nhà mà bị một thằng oắt con nào đó cầm cục đá xiết cho một đường dọc thân xe phải sơn sửa lại mất hơn chục triệu. Sau lần ấy vợ con thằng Sung muốn về thăm mẹ thì gọi tắc-xi hoặc là nó đưa đến rồi ngồi ngoài trông xe không dám vào nhà.

          Chuyện thằng con bà Tô nếu chỉ có vậy thì cũng chả có gì đáng nói. Nhưng câu chuyện lại ở khía cạnh khác.

Một lần đi dự hội thảo, thằng Sung ngồi gần một người phụ nữ đẹp. Hai người hỏi chuyện và quen nhau. Hóa ra họ ở hai cơ quan khác nhau nhưng cùng chung một bộ. Người phụ nữ ấy đã có chồng. Chồng chị ta là một cán bộ công tác ở ngành ngoại giao thường xuyên vắng nhà bôn ba khắp năm châu bốn bể. Gái một con xa chồng nên lắm khát khao. Thằng Sung và người phụ nữ xa chồng trao đổi số điện thoại, thỉnh thoảng nhắn tin Zalo cho nhau, lâu lâu thành nghiện. Công nghệ thông tin phát triển có cái hay, nhắn tin gọi điện Zalo vừa không mất tiền vừa đảm bảo an toàn, bí mật. Hai người có thể trao đổi với nhau nhiều điều... Một lần hai người cùng vào miền Nam dự một hội nghị ngành. Sau hội nghị, hai người hẹn nhau viện lý do tách đoàn của mình để cùng nhau đi Vũng Tàu. Chuyến đi ấy đối với hai người thật là đáng nhớ. Tại một khách sạn hơi khuất nẻo ở Vũng Tàu hai người ở chung phòng như một đôi vợ chồng đi nghỉ mát. Sau lần ấy họ gặp nhau thường xuyên hơn. Buổi trưa, họ rủ nhau đi ăn rồi vào một nhà nghỉ nào đó, đầu buổi chiều mới trở về cơ quan của mình tiếp tục làm việc. Nhiều hôm, chồng đi công cán nước ngoài người phụ nữ kéo luôn người tình về nhà mình. Căn biệt thự tách biệt ở khu đô thị mới không sợ người quen trông thấy. Buổi trưa con đi học, bà giúp việc già thì ở dưới bếp gọi mới được lên phòng khách và không bao giờ dám bước lên tầng lầu nơi có các phòng ngủ nếu không được phép. Mỗi lần trước khi gọi người tình đến người phụ nữ đều cho bà giúp việc về sớm. Người phụ nữ ấy đẹp thật. Khác hẳn con vợ của nó mũi khoằm, da thì đen nhẻm, cậy thế bố làm to mặt lúc nào cũng vênh lên. Với người phụ nưa này thằng Sung được tận hưởng sự hấp dẫn ngọt ngào, quyến rũ đến mê hồn ở nước da trắng trẻo, ở cặp vú tròn trịa nây nẩy và nhất là cái ngã ba rậm rạp luôn ẩm ướt chờ đợi. Cơ thể người phụ nữ đài các có một sức hút thật vô cùng tận. Hai người xoắn lấy nhau như hai sợi dây thừng bện chặt mỗi khi có dịp. Trong căn biệt thự hai người hoàn toàn tự do. Thằng Sung có thể chơi đủ trò cùng người phụ nữ đẹp mà không phải lo lỡ bị cài đặt camera nhìn trộm như ở trong khách sạn, nhà nghỉ.

          Một hôm, người phụ nữ đột nhiên nổi hứng. Ngang chiều, chị ta gọi điện cho thằng Sung. Thằng Sung cũng đang rảnh việc. Nó vội lái xe rời cơ quan phóng đi. Chiếc xe con chạy vòng vèo một lát rồi rẽ ngoặt vào khu biệt thự cao cấp. Cánh cổng ngôi biệt thự đẹp cuối dãy đã mở sẵn. Chiếc xe nhè nhẹ lăn bánh vào trong khuôn viên. Vừa vào đến phòng khách thằng Sung đã lao đến ôm ngay lấy vị nữ chủ nhân đang mặc bộ quần áo ngủ mỏng tang. Người phụ nữ vội vàng xua xua tay:

          - Từ từ đã… mụ già giúp việc còn chưa về…

          - Mặc kệ mụ ấy… sợ gì cơ chứ!

          Thằng Sung vừa nói vừa đưa bàn tay xoa xoa ngực người phụ nữ. Chị ta không mặc đồ lót, núm vú lăn lăn trong lòng bàn tay thằng Sung. Người phụ nữ khẽ đẩy thằng Sung ra:

          - Để em bảo mụ giúp việc về đi đã… - Người phụ nữ có vẻ bực: - Mà sao mụ này lề mề chậm chạp thế chứ. Bảo mụ ấy làm cho hai cốc nước cam tươi mà mãi vẫn chưa xong!

          Thằng Sung lầu bầu:

          - Sao em không tống cổ mụ ta đi, thuê một người còn trẻ có phải việc gì cũng nhanh gọn không?

          - Hết tháng em sẽ tống cổ mụ này. Mụ ta vừa chậm chạp lại vừa bẩn. Hôm trước, mụ ta rửa một nắm rau sống thôi cũng không sạch, ăn vào đau bụng muốn chết…

          - Thế thì tống khứ luôn mụ ấy đi cho gọn em ạ…

          Thằng Sung chưa nói hết câu đã nghe tiếng bước chân người ở phía sau. Nữ chủ nhà vẫn ở trong vòng tay của thằng Sung ngoảnh lại nói:

          - Để nước cam trên bàn rồi về đi. Nhớ khép cổng lại cẩn thận nhé!

          - Thưa cô vâng ạ!

          Nghe tiếng bà giúp việc nói, thằng Sung giật mình quay phắt lại. Nó há hốc mồm ra nhìn bà già giúp việc, mặt tái dần đi. Bà già giúp việc cũng trố mắt ra nhìn thằng Sung. Vị phụ nữ chủ nhà không hiểu có chuyện gì vội xua xua tay:

          - Thôi bà… về đi!

          Bà già giúp việc đi rồi người phụ nữ mới hỏi thằng Sung:

          - Anh quen mụ già này à?

          Thằng Sung chưa hết vẻ bàng hoàng hoảng sợ, mặt vẫn còn tái mét. Nó buông người ngồi phịch xuống salon miệng ú ớ mãi mới thốt nên lời:

          - Là… là mẹ của anh đấy!

*

          Chuyện bà Tô đi làm ôsin và gặp thằng con trai trong một tình huống như thế. Sau bận ấy bà không đi làm giúp việc người ta nữa. Bà cũng không nhận số tiền hằng tháng của vợ chồng thằng Sung đưa cho nữa. Bà lấy lý do cho các cháu ăn học để không nhận số tiền ấy nữa. Bà cho sinh viên thuê hai phòng trên tầng ba, mỗi tháng cũng thêm vài triệu, tằn tiện ở thành phố cũng đủ sống. Mà bà có tiêu pha gì nhiều đâu, ăn uống không đáng kể. Với bà hai lưng bát cơm, miếng đậu phụ và vài ngọn rau là xong bữa.

          Bà Tô chết. Đám tang ở thành phố thật hoành tráng. Tiếng nhạc hiếu trầm hùng khác hẳn tiếng kèn đám ma ở quê. Hàng trăm đoàn đại biểu đến viếng. Chụp ảnh, quay phim nhoang nhoáng. Vòng hoa thì nhiều không kể xiết. Đám họ hàng từ quê ra dự tang lễ trong lòng đầy thán phục bảo nhau: “Con trai, con dâu làm cán bộ to có khác mẹ già chết cũng mát mặt”.

          Sau lễ hỏa táng ở đài hóa thân hoàn vũ, tro cốt của bà Tô được đưa về quê an táng, xây mộ. Sau hôm lễ tang bà Tô gặp tôi, ông tổ trưởng dân phố bùi ngùi bảo: “Thế là bà ấy cũng được trở về quê rồi. Bà ấy chỉ mong có thế thôi anh ạ!”.

                                                                       Hà Nội, tháng 4-2017     
  
           (hết)

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

Truyện ngắn BI KỊCH PHỐ (phần 1)










BI KỊCH PHỐ

Truyện ngắn của Trọng Bảo
 
          Giữa khu tập thể toàn nhà tự xây dần mọc lên một chung cư hơn ba mươi tầng cao ngất ngưởng.

Nơi khu chung cư tọa lạc vốn là khu trường mẫu giáo của cơ quan tôi. Lúc đầu người ta cũng định phân lô bán nền cho cán bộ tự xây nhà ở. Sau vì số người có nhu cầu nhà ở nhiều quá nên cơ quan quyết định lập dự án xây chung cư, giải quyết nhà ở cho hơn hai trăm cán bộ lại còn dành ra được một khoang trống làm sân sinh hoạt chung cho cả khu dân cư. Tôi cũng được phân một căn hộ. Do có thâm niên nhiều năm công tác tôi được mua một căn hộ có diện tích hơn một trăm mét vuông. Tôi phát hoảng, lấy tiền đâu mà nộp vào dự án. Sau nhiều lần đề nghị, tôi được chuyển xuống một căn hộ với diện tích hơn sáu mươi mét vuông tầng bốn. Vợ chồng con cái thở phào. Tích cóp bấy lâu, bán thêm hai con trâu ở quê cũng vừa đủ nộp tiền lần thứ nhất khi công trình xây xong phần móng. Nhiều người không có tiền tham gia dự án đành phải "bán lúa non", tức là bán tiêu chuẩn cho người khác. Người nhiều thì được khoảng trăm triệu, kẻ ít thì bảy tám chục triệu. Số tiền ấy mang về quê nông thôn cũng là một khoản kha khá có thể làm được nhiều việc nhưng ở thành phố thì chả đáng gì.

Dự án chung cư thi công ì ạch. Lẽ ra mười tám tháng thì xong nhưng kéo dài tới gần ba năm. Nhiều người sốt ruột nhưng tôi lại mừng thầm. Công trình dây dưa kéo dài, thời hạn thu tiền của từng đợt cũng phải giãn ra. Đến khi dự án hoàn thành tôi cũng co kéo nộp đủ số tiền hơn nửa tỷ đồng để được nhận nhà. Thời điểm này nhà đất đang lên cơn sốt căn hộ nếu bán đi trừ tiền đã nộp cũng kiếm được cả tỷ đồng. Nhiều người "bán lúa non" hoặc có tiền mà không cố theo dự án lúc này mới thấy hối tiếc. Tự dưng mất toi cả tỷ mà lương công chức ba cọc ba đồng suốt đời chả tích cóp nổi. Vì thế hôm bàn giao nhà mới xảy ra chuyện bi hài. Ông cán bộ cấp cao là người đứng tên trong dự án nhận nhà rồi không chịu bàn giao chìa khóa cho người mua vì quá tiếc của. Hai nữa thằng đến nhận nhà cũng không phải là thằng đã mua "lúa non" của ông. Thì ra bọn chúng đã mua đi, bán lại giấy tờ căn hộ của ông đến mấy lần để kiếm lãi chênh lệch giá. Tiếc thì tiếc cuối cùng ông cũng phải giao nhà cho người mua vì họ đang cầm giấy tờ hợp pháp trong tay. Do mua đi bán lại nên chung cư của cơ quan tôi và cả các dãy nhà tự xây bây giờ là người tứ xứ, ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Người ở trăm quê tụ về nên phong cách sống, giọng nói, văn hóa cũng khác nhau.

Có căn hộ mới, thằng con đang học đại học đỡ phải thuê nhà trọ, thằng cháu ở quê ra Hà Nội làm việc có chỗ tá túc. Tôi mua tạm một vài thứ đồ gia dụng giá rẻ. Mùa hè bố con, bác cháu lăn ra nền nhà mà ngủ. Mùa đông thì cố kiếm thêm tấm đệm. Sáng sớm mùa đông mù mịt nghe tiếng còi lanh lảnh, tiến hô "một hai ba bốn..." vang lên ở dưới sân thằng cháu thò cổ qua cửa sổ nhìn rồi hỏi tôi:

- Trời rét mướt mà các cụ vẫn làm gì thế hả bác?
Tôi bảo:

- Thì... các cụ đang... "bảo dưỡng" cái máy rút tiền ATM đấy. Toàn các cụ hưu, mỗi tháng lương hơn chục triệu chứ ít à!

Thằng cháu vừa chui vào chăn ấm vừa lẩm bẩm: "Tuổi cao, rét thế không khéo mà bị cảm ốm thì hỏng toi mất cả máy...". Tôi bật cười vì câu nói của thằng cháu. Đúng là trong khu tập thể chỉ có các cụ cao tuổi là tập thể dục thôi. Sáng tập thể dục, chiều đánh bóng chuyên hơi, cũng hò hét chẳng kém gì đám thanh niên. Họ toàn là các cán bộ về hưu và các bà vợ từ nông thôn ra thành phố định cư khi chồng được chia đất làm nhà. Những bà nông dân ngày nào chân đất, áo nâu bây giờ cũng phơi phới váy dài, váy ngắn, môi son, tóc uốn lượn sóng, móng tay móng chân sơn đỏ chót chả kém gì phụ nữ chốn thị thành. Ngày xưa ở quê quanh năm suốt tháng đi bộ ra đồng cày cấy giờ đi một bước cũng tắc-xi. Xe tắc-xi đậu như sung quanh khu tập thể, gọi một tiếng là có ngay.

Sống và công tác ở thủ đô đã lâu vậy mà cả kể từ khi có nhà tôi vẫn chưa cảm thấy mình là người Hà Nội. Tôi cứ thấy mình như người ở trọ chốn thị thành, lòng luôn phấp phỏm, về nhà mình hẳn hoi mà nhiều lúc vẫn nghĩ là ở nhà công vụ. Tôi thường tự hỏi sao mình kém hòa nhập, làm quen với chốn thị thành hơn cả các bà nông dân vừa buông nắm mạ bỏ quê theo chồng ra định cư trong khu tập thể.

Ở chung cư một thời gian tôi được chứng kiến nhiều chuyện. Quanh cái sân nhỏ đánh bóng chuyền hơi có dãy ghế đá cho các cụ ngồi nghỉ ngơi. Những câu chuyện đời, chuyện nhà, chuyện phố râm ran. Ông cựu trưởng phòng hậm hực khi thấy thằng nhân viên bây giờ đã là thứ trưởng, tương lai sẽ lên bộ trưởng. Bà nguyên vụ phó vụ nuối tiếc thời đương chức không cố thêm một tý để lên cấp trưởng... Từ trên ban công nhà chung cư tôi có dịp quan sát các dãy nhà tự xây của lớp đi trước. Mỗi người mỗi kiểu, thò ra, thụt vào, cao thấp khác nhau. Người có điều kiện thì xây cao tô vẽ hoành tráng, người ít tiền thì làm thấp, trang trí sơ sài, chả theo một khuôn mẫu nào. Mỗi người lấn một tý, nhích ra vài phân nên đường đi chung bị bóp lại, mương thoát nước, lối thoát hiểm người to béo khó chui qua. Ai cũng muốn lợi dụng những diện tích chung để sử dụng riêng, bán hàng quán nước, giữ xe, trồng cây cảnh. Mâu thuẫn là chuyện không tránh khỏi. Khi ông cán bộ vật giá to béo về hưu đang cố ôm bụng cúi người thổi cái bếp than tổ ong khói mù mịt thì ông cựu cán bộ ngành dân số gầy gò bưng chậu nước ra trút ào vào cái bếp. Bếp than tắt ngóm, khói bụi mù mịt. Thế là hai ông cãi nhau rồi lao vào đấm đá, vật nhau. Đúng là tức nước vỡ bờ. Cái bếp than của ông vật giá chuyên đun nước sôi cho bà vợ bán quán bấy lâu nay đã "khủng bố" cả ngõ. Nhà nào cũng phải đóng kín cửa nhà cửa sổ mỗi khi ông vật giá nổi lửa. Nhưng khói không có chỗ thoát vẫn chui qua khe cửa vào từng nhà. Trẻ con, người lớn ho sù sụ. Ông cán bộ ngành dân số đã nhiều lần góp ý nhưng ông vật giá vẫn nổi lửa hàng ngày thế là xảy ra xô xát.

Thấy hai ông cán bộ hưu trí hùng hục vật nhau, đám trẻ con liền xô ngay lại. Mấy thằng choai choai đầu tóc xanh đỏ gào ầm ĩ cổ vũ cho cả hai:

- Bác "vật giá" thắng... rồi... tên còi phen này nhất định sẽ bị đè cho bẹp dúm...

- Bác "dân số" ơi cố lên, đừng sợ lão béo béo... đừng sợ...

Nghe tiếng ồn ào, ông tổ trưởng tổ dân phố và mấy cựu sĩ quan quân đội vội chạy ra can ngăn hai ông đánh nhau và quát mắng bọn thanh niên nói bậy. Xe đặc chủng của cảnh sát cũng rú còi ập đến. Ai đó đã nhanh nhẩu gọi 113. Hai ông cán bộ hưu được mời về trụ sở phường để xử phạt hành chính. Lúc rời trụ sở phường ông "dân số" tuy còn rất đau, mặt mũi thâm tím nhưng được mấy thanh niên kề xe máy đón chở về nhà như một anh hùng. 

Sau chuyện xô xát giữa hai ông cựu cán bộ tổ dân phố họp ra nghị quyết về nếp sống văn hóa. Cũng giống như nghị quyết của chi bộ. Nghị quyết của tổ dân phố khu tập thể  phần lớn người nghỉ hưu chủ yếu là chống lấn chiếm vỉa hè, lề đường, không vứt rác bừa bãi, để chó mèo chạy rông đái ỉa lung tung... Nghị quyết thì ai cũng giơ tay biểu quyết nhưng thực hiện thì không, mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Rác vẫn tung ra đường, chó vẫn chạy rông ỉa bậy, đuổi cắn người. Một buổi sáng mùa đông cuối năm trời rét căm căm. Bà S. diện một chiếc váy mới, tay cầm cái ví đầm mới con gái đi du lịch Hàn Quốc về biếu. Bà đang đi đến chỗ tập trung để đi lễ của thì ào một cái, nước từ trên tầng cao nhà chung cử dội xuống trúng đầu. Bà S. bị ướt như chuột lột. Nhưng bà không thấy rét. Bà đang tức đến sôi cả máu trong người. Bà S. ngửa cổ nhìn lên. Nhà chung cư vẫn im ắng. Cái đứa nào vừa hất nước xuống đường chắc là ở tít căn hộ trên tầng cao. Khi bà S. hoàn hồn nhìn lên thì nó đã vào ung dung ngồi trong nhà uống trà rồi. Bà S. bắt đầu gào lên:

- Cha tiên nhân bố nhà chúng bay... chúng bay hất nước xuống đầu bà thế này à... chúng bay là con người hay là con gì mà vô văn hóa, vô học thế hả... mày có giỏi thì ra đây cho bà nhìn cái mặt mày thế nào mà vô học thế hả...

Không có ai đáp lại bà. Dù bà có gào đến mỏi mồm cũng không ai dại gì mà ra ban công hay ló đầu qua cửa sổ để bà trông thấy mặt. Dân ở chung cư ngồi im trong nhà. Ai ló mặt ra lúc này là dại. Từ tầng hai đến tầng ba mươi bảy là ba sáu gia đình có các cửa thẳng xuống chỗ bà S. vừa bị dội chậu nước rửa bát. Thôi đành một đứa làm bậy cả dãy cùng chịu nghe chưởi vậy.

Không thấy ai ló mặt ra, bà S. càng lồng lộn:

- Mả bố nhà chúng bay! Cái bọn chung cư mất dạy... cái bọn nhà quê mông muội... Cút mẹ hết về quê chúng mày đi...

Đến nước này thì ông tổ trưởng tổ dân phố lại phải xuất hiện. Nếu không, danh hiệu tổ dân phố văn hóa có nguy cơ bị anh hưởng. Ông ôn tồn nói với bà S.:

- Bà ơi! Để chúng tôi nhắc nhở và có các biện các hộ dân sống ở nhà chung cư không được hất nước, ném rác bừa bãi xuống đường như thế nữa. Hôm trước, trẻ con ném một quả táo xuống mà làm vỡ cả kính ô tô đấy.

Bà S. vẫn chưa chịu. Bà vừa đưa tay gỡ mấy cái cọng rau muống dính trên tóc vừa cố hạ giọng nói với ông tổ trưởng dân phố:

- Nhưng mà tôi ghét cái bọn nhà quê...

Ông tổ trưởng vội cắt lời bà S. nhưng vẫn nhã nhặn

- Thôi bà ạ... Tất cả chúng ta cũng đều là từ quê ra cả thôi...

Nghe ông tổ trưởng nói vậy bà S. liền im bặt. Bà lùi lũi quay về nhà thay váy áo để còn kịp đi lễ chùa.

         (hết phần 1)                                     Hà Nội, 21/2/2017


Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017



Nhớ ngày mười bảy tháng hai năm ấy


Tản văn của Trọng Bảo


chien tranh bien gioi 1979: nhung hinh anh con mai voi thoi gian hinh anh 12
         
          Ba mươi tám năm trước, ngày 17 tháng 2 đúng vào chủ nhật. Hồi ấy, sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, chúng tôi được cấp trên phổ biến lại là Trung Quốc đánh sang Việt Nam chọn vào ngày chủ nhật để giảm dư luận quốc tế phản đối vì ngày cuối tuần ở phương Tây họ thường nghỉ làm việc đi du lịch, giải trí, ít chú ý đến vấn đề thời sự, không có phản ứng kịp thời. Khi sang đến ngày thứ hai của tuần thì việc nổ ra một cuộc chiến tranh là chuyện đã rồi.
            Ngày 17 tháng 2 năm 1979, cách nay ba mươi tám năm tôi có mặt ở khu vực cửa khẩu Bình Mãng (Hà Quảng-Cao Bằng). Trung đội thông tin của chúng tôi trú quân ở bản Cốc Vườn, cách đường biên giới chưa đầy năm trăm mét đường chim bay. Đứng trên sàn trước cửa ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc tôi nhìn rõ vị trí đặt súng 12ly7 của đối phương ở trên một mỏm núi đá ăn sâu vào đất ta. Buổi tối ngày thứ bảy (16-2-1979), chúng tôi còn chuẩn bị dụng cụ để ngày mai chủ nhật được nghỉ toàn đơn vị sẽ đi cuốc đất trồng ngô. Nhưng đến nửa đêm thì có lệnh báo động chiến đấu, các bộ phận nhanh chóng cơ động lực lượng lên trận địa phòng ngự. Lợi dụng đêm tối, bọn địch đã cắt phá mấy chục mét rào biên giới, lùa hàng chục con trâu sang để phát hiện vị trí các bãi mìn của ta. Trung đội thông tin tiểu đoàn 3 chúng tôi được lệnh triển khai tổ chức các hướng đảm bảo liên lạc cho các điểm chốt của bộ binh và trận địa hoả lực. Anh em đi hết, trong ngôi nhà sàn rộng thênh thang chỉ con một mình tôi và một chiến sĩ vô tuyến 2W. Suốt đêm tôi không ngủ được vì bận canh thông máy vô tuyến cho các hướng liên lạc. Gần sáng, tôi vừa chợp mắt thì giật nảy mình bởi những tiếng nổ dữ dội. Tôi bật dậy vớ vội khẩu súng, khoác ba lô lao ra cửa nhà thì nghe tiếng trung đội trưởng Mùi quát gọi:
            - Bọn Trung Quốc tấn công rồi! Ra trận địa ngay! Khẩn trương lên... 
            - Rõ... -Tôi đáp rồi nhảy ào từ sàn nhà xuống đất.
 Mông, người dân tộc Nùng, chiến sĩ thông tin vô tuyến đeo máy phóng theo. Chúng tôi lúc chạy, lúc thì nằm ép người bò lết theo lòng mương nước, bờ ruộng trên cánh đồng trống trải để tránh đạn. Chúng tôi phải có mặt ở vị trí chỉ huy của tiểu đoàn một cách nhanh nhất để đảm bảo thông tin liên lạc cho chỉ huy. Bầu trời sáng rực lên bởi những luồng lửa đạn từ phía bên kia biên giới bắn sang. Đạn bay đỏ rực, xé nát cả bầu trời đêm. Tiếng pháo đinh tai, chói óc, tiếng đạn 12ly7 quét ràn rạt trên cánh đồng. Tiếng người nháo nhác gào gọi nhau thảm thiết, tiếng kêu khóc hoảng loạn của những người dân chưa kịp đi sơ tán. Tiếng chó sủa, gà kêu, bò rống ầm ĩ tan tác, vỡ đàn. Tiếng tre nứa nổ lốp bốp từ những ngôi nhà trúng đạn đang bốc cháy rần rật. Mọi thứ âm thanh hỗn độn ấy hoà vào nhau trong khói lửa, cát bụi mù mịt. Đó là ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc mà tôi đã được chứng kiến và tham dự. Cuộc chiến tranh ấy đến hôm nay đã ba mươi bảy năm rồi mà âm thanh và sự khốc liệt vẫn in hằn trong tâm trí. Một cuộc chiến tranh không thể nào quên đối với bao nhiêu người lính đã trải qua ở nơi biên cương ải bắc ngày ấy. Một cuộc chiến xin đừng lãng quên...
          Ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt trên các hướng. Bọn địch tấn công như vũ bão. Xe tăng, bộ binh của chúng lúc nhúc như dòi bọ trên những cánh đồng, trên những sườn đồi nơi tuyến đầu biên giới nước ta. Chúng chọc thủng các tuyến phòng ngự của quân ta phía Thông Nông, Trà Lĩnh. Xe tăng nhãn hiệu “bát nhất” của địch tiến rất nhanh về hướng thị xã Cao Bằng. Khu vực trung đoàn chúng tôi phòng ngự địch cũng vượt qua được phòng tuyến của tiểu đoàn 2 ở Pác Bó tiến thẳng xuống ngã ba Đôn Chương, đánh ngược lên thì trấn Sóc Giang. Vậy là tiểu đoàn 3 chúng tôi nằm giữa vòng vây bốn bề trung điệp của quân giặc. Đạn địch từ phía biên giới bắn xuống, pháo địch từ phía sau nã lên và hai bên sườn là bộ binh và các đơn vị đặc nhiệm, thám báo Trung Quốc ép sát tấn công bất kể ngày đêm. Tuy nhiên, hướng phòng ngự chính diện của tiểu đoàn 3 chúng tôi bọn địch từ bên kia biên giới không thể tràn sang để tiến sâu xuống thị trấn Sóc Giang. Bọn chúng bị chặn đứng ở khu vực chốt cây đa của đại đội 11. Hàng trăm tên địch bị tiêu diệt, hàng chục chiếc xe tăng cuả bọn chúng bị bắn cháy, Trận địa của các đơn vị lở lói tan hoang, đất đá, hầm hào bị tróc hết sau những đợt nã pháo và tấn công dữ dội của quân địch. Vậy mà sau hàng chục đợt xung phong của bọn xâm lược trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh đại đội 11 vẫn bảo vệ được chốt cây đa thứ nhất và chốt cây đa thứ hai. Song tình hình của tiểu đoàn 3 chúng tôi cũng vô cùng khó khăn, nguy hiểm trước sức ép tiến công của một lực lượng bộ binh, cơ giới đông đảo của quân xâm lược và trước sự chi viện ngày càng thưa thớt, ít ỏi dần rồi mất hẳn của cấp trên.
          Đến nửa đêm ngày 17 tháng 2, chúng tôi được lệnh chuyển vị trí chỉ huy tiểu đoàn xuống hang Huyện uỷ ở giữa thị trấn Sóc Giang. Hang nằm lưng chừng một mỏm núi đá trơ chọi giữa thị trấn. Nơi mà mấy ngày hôm sau đã diễn ra những trận đánh rất ác liệt khi quân địch từ phía sau đánh ngược lên thị trấn Sóc Giang. Chúng tôi lặng lẽ bám sát nhau đi theo lối mòn chân núi. Qua nghĩa trang thị trấn chúng tôi gặp các chiến sĩ trung đội vận tải của tiểu đoàn đang hì hục đào huyệt chôn cất các liệt sĩ. Có gần mười cán bộ, chiến sĩ, thân thể bê bết máu đang nằm trong nghĩa trang. Họ là những người hy sinh trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh đã được đưa về đây. Họ được gói trong những tấm vải liệm còn mới tinh, trong những túi ni-lông. Họ được vùi vào trong lòng đất. Không có hương nhang, không có hoa, chỉ có những cành lá xanh cắm lên từng nấm đất ướt đẫm sương đêm nơi biên giới. Những ngày sau đó khi thị trấn Sóc Giang bị quân địch chiếm, bọn chúng đã cho đào các nấm mồ của các anh chị lên để tìm vì nghi ngờ ta chôn dấu vũ khí. Sau chiến tranh chúng tôi chôn cất lại cho các anh chị ấy. Vậy mà mới đó đã ba mươi bảy năm. Khi các anh chị ngã xuống khi tuổi đời vừa mới mười tám, đôi mươi. Bây giờ “tuổi liệt sĩ” của các anh chị ấy đã gần gấp đôi tuổi đời của họ khi đó.
         Ba mươi tám năm đã trôi qua, hơn một phần ba thế kỷ, nhưng năm nào đến ngày 17 tháng 2 tôi cũng đều nhớ về những người đồng đội của mình mùa Xuân năm ấy. Đó là một mùa Xuân lạnh lẽo, đau thương, cánh hoa đào rừng vương trên báng súng của những người lính Việt Nam trong một cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù hung bạo để bảo vệ miền biên giới của Tổ quốc thân yêu. 

                                                                                    Hà Nội, 16/2/2017