Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Truyện ngắn vui KHỎA THÂN MỚI ĐƯỢC

KHỎA THÂN MỚI ĐƯỢC
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Không có mô tả ảnh.

Hôm nay, ông Tô không chạy tập thể dục buổi sáng. Ông ăn nhanh cho xong một gói mì tôm xong vội vã đi ngay. Ông được mời ra đình làng dự một cuộc họp quan trọng. Đó là bàn việc chuẩn bị tổ chức hội làng năm nay.
Hằng năm, các làng quanh vùng đều tổ chức hội làng đông vui, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan. Nhân dịp này các loại dịch vụ mở ra, dân làng các làng lại bán được nhiều loại hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm cho khách nên đời sống nhờ vậy được cải thiện rõ rệt.
Làng của ông Tô thì chẳng có lễ hội gì. Do chẳng có lễ hội truyền thống nên quanh năm toàn phải đi xem ké hội của làng xung quanh. Ông trưởng thôn mới là người rất chú ý đến việc xây dựng đời sống văn hoá cho làng mình. Ông quyết định họp dân làng bàn việc định ngày để hằng năm tổ chức ngày hội làng cho nhân dân vui, thu hút du khách quanh vùng, nhân dịp này làm các dịch vụ và chào bán các loại hàng đan lát thủ công, hoa quả như dứa, vải thiều do làng mình sản xuất. Ngày tổ chức lễ hội chọn ngày giỗ của vị nữ tướng quân người làng có công giúp Hai Bà Trưng khởi nghĩa ngày xưa. Làng ông coi vị nữ tướng này là thành hoàng làng và dựng ngôi miếu để thờ phụng. Ngôi miếu thờ ấy đã được dân làng góp tiền của trung tu nên cũng khá khang trang.
Ngày lễ hội làng tổ chức vào mùa hè cũng tránh được trùng với các lễ hội khác quanh vùng, dễ thu hút khách thập phương. Từ năm ngoái, làng cũng đã thử tổ chức lễ hội. Song tuy cố gắng quảng bá, chuẩn bị chu đáo nhưng hội làng ông Tô năm đánh vỡ cả chiêng trống, loa đài mở hết công xuất mà chỉ toàn thấy có dân trong làng, chả có ma du khách nào mò đến ngoài bọn trẻ con ở đâu kéo đến nhốn nháo quậy phá và tranh thủ vặt trộm hoa quả, lấy cắp các loại đồ đất nung bày làm hàng mẫu. Ông trưởng thôn tuy rất cố gắng nhưng chưa biết cách nào để hội làng mình đông khách. Năm nay, ông quyết định mời "chuyên gia" đến cố vấn cho việc tổ chức hội làng. Có người đưa về làng giới thiệu với ông trưởng thôn một anh làm công tác ở ngành văn hoá trên thành phố. Sau khi nghe ông trưởng thôn trình bày, anh ta bảo:
- Làng ta vốn không có lễ hội truyền thống thì phải làm một lễ hội hiện đại bà con ạ!
Ông trưởng thôn gật gù:
- Hiện đại cũng tốt, cốt sao cứ đông vui, nhiều du khách!
Anh "chuyên gia" liền hỏi:
- Vậy làng ta có nhiều con gái xinh đẹp không?
- Có… có… con gái làng này toàn những đứa xinh xắn nổi tiếng trong vùng đấy!
- Nhưng… liệu các cô ấy có chịu tham gia hội làng không chứ?
Ông trưởng thôn trợn mắt:
- Tham gia hết! Tôi là trưởng thôn, tôi huy động mà dám chống lệnh hả!
- Sợ các cô ấy không dám làm các công việc được giao thôi?
- Việc gì?
- Thì… ăn mặc thật tươi mát, càng tươi mát hoặc khỏa thật luôn càng tốt để dụ khách đến dự hội làng ta ấy mà…
Ông trưởng thôn trợn mắt:
- Hội làng phải là lễ hội văn hoá, ăn mặc vớ vẩn, hở hang là không được?
Anh "chuyên gia" lắc đầu:
- Thế thì lễ hội làng ta không tổ chức được đâu! Bây giờ muốn làm việc gì tạo tiếng vang, thu hút lôi kéo đông đảo khán giả thì cứ phải khoả thân mới được bác ạ!
Ông trưởng thôn chưa hiểu thì anh chuyên gia cố vấn liền giải thích:
- Đấy bác xem! Bây giờ muốn làm việc gì cho có hiệu quả, tiếng vang mà chả phải khoả thân. Diễn viên muốn nổi tiếng dứt khoát phải khoả thân, bảo vệ động vật hoang dã người ta cũng khoả thân. Có cô người mẫu muốn bảo vệ môi trường mà trời mùa đông rét thế mà vẫn lên tận rừng núi Sơn La để khoả thân đấy. Rồi mới đây có cô người mẫu còn mò sang liên hoan phim tận bên nước Pháp để khỏa thân, mặc một cái rèm thưa thếch có vài sợi chỉ để khoe "cái ấy" lông lá đen sì đấy bà con ạ!
Ông trưởng thôn băn khoăn:
- Thế không có cách nào khác à?
Anh cán bộ văn hóa lắc đầu:
- Chả có cách nào đâu! Cứ phải khoả thân mới được việc bác ạ!
Ông trưởng thôn bực quá tìm cách tống khứ anh “cán bộ văn hoá” nọ ra khỏi làng.
Ông Tô ngồi nghe anh "cán bộ văn hóa" trình bày thấy lộn cả ruột. Nhưng ông không có quyền quyết định gì. Ông chỉ góp ý:
- Nếu hội làng mở ra mà không có tác dụng gì thì ta nên hoãn lại thì hơn...
Lão Cốc lè nhè:
- Sao lại hoãn chứ... tổ chức hội làng vui chơi, ăn uống ai chả thích... cứ mở hội cho sướng bà con ạ... mất cái này thì rồi làng ta nhất định sẽ được cái khác thôi...
Ông trưởng thôn càng thấy khó chịu. Ông định tống luôn lão Cốc ra khỏi đình thì lão ta bảo:
- Thằng này là ông bầu chuyên tổ chức “lai-xâu” ca nhạc rong đấy bác ạ! Nó không phải là cán bộ văn hoá văn hiếc gì đâu! Nhưng mà nó nói rất đúng đấy! Bây giờ làm việc gì muốn nhanh thành công, nhanh có thu hoạch thì nhất định phải hở hang, hở ra càng nhiều càng tốt. Cứ khoả thân là xong tuốt… he… he…
Ngày 28/5/2019

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

Truyện ngắn vui THỜI SỰ Ở LÀNG

THỜI SỰ Ở LÀNG
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo
Không có mô tả ảnh.


Sáng sớm tinh mơ, khi ông Tô đang tập thể dục và vận động ở sân thì phía cuối làng có tiếng kêu khóc ồn ào nổi lên. Rồi tiếng còi xe không rõ là của cấp cứu hay xe cảnh sát rú vang nghe lạnh cả gáy. Ông Tô định chạy đi xem đã có chuyện gì xảy ra trong làng thì bà Tô ngăn lại:
- Ông ở nhà trông mấy đứa cháu để tôi đi xem có chuyện gì xảy ra?
Ông Tô bảo:
- Bà đi nhanh nhanh rồi về ngay nhé!
- Ông cứ yên tâm! Tôi đi một lát rồi về ngay. Không biết có chuyện gì xảy ra ở cuối làng mà ồn ào thế nhỉ?
Bà vợ đi rồi ông Tô lại tập thể dục ở sân nhà. Nhưng ông không thể nào tập trung luyện tập được vì tiếng người kêu khóc và tiếng còi xe cấp cứu cứ vọng đến. Ở cuối làng có nhà của bà chị họ. Bà ấy đang ốm, hay là có chuyện không hay xảy ra. Ông Tô thấy trong lòng bồn chồn lo lắng. Ông ngóng ra cổng chờ bà Tô về thống báo tình hình. Mà bà này là rất hay lề mề và hay buôn chuyện. Không khéo lại gặp mấy bà bạn mà mải chuyện thì không biết lúc nào mới về?
Nhưng rồi bà Tô cũng tất tả về nhà. Ông Tô hỏi ngay:
- Có chuyện gì thế?
Bà Tô vừa thở vừa nói:
- Lão... lão Nhân... lão ấy bị tai nạn rồi...
- Ông ấy bị tai nạn thế nào? Sáng sớm hôm qua tôi chạy thể dục qua khu biệt thự trang trại của ông Nhân, còn gặp ông ấy cơ mà. Ông ấy trông béo tốt, khỏe mạnh vậy mà bị tai nạn thế nào?
- Tôi đến thấy người làng xúm đen, xúm đỏ trước cổng nhà lão ấy. Công an, dân quân ngăn không cho ai lại gần. Tôi hỏi thì thằng Bất, con lão Cốc bảo: "Ông Nhân bị tai nạn... máy bay"...
Ông Tô ngạc nhiên:
- Cái thằng Bất... trị ấy chỉ láo! Hôm qua gặp tôi ông Nhân có nói sẽ về trang trại này nghỉ ngơi dài dài cho cho thư giãn, hưu rồi ở mãi thành phố ầm ĩ, bụi bặm lắm cơ mà? Ông ấy đi máy bay lúc nào mà bị tai nạn? Nếu xảy ra tai nạn máy bay thì đài báo họ đã đưa tin ầm ầm rồi?
Bà Tô bảo:
- Thì chính thằng Bất nó nói với tôi là ông Nhân "hạ cánh không an toàn"? Như thế chả phải là lão ấy đi máy bay bị tai nạn à?
Ông Tô chợt hiểu. Ông thốt lên:
- Thôi đúng rồi! Ông này "bị tai nạn" thật rồi...
Bà Tô nghe vậy liền nói:
- Vậy thì ông sang ngay thăm hỏi, có gì giúp đỡ ông ấy. Chả gì ông và ông Nhân cũng là bạn cùng làng, cùng học với nhau từ thuở "chăn trâu cắt cỏ" ngày xưa...
Ông Tô lắc đầu:
- Giúp gì được nữa! Ông ấy bị công an bắt rồi?
Đến lượt bà Tô ngạc nhiên:
- Sao công an lại bắt ông ấy! Ông ấy bị tai nạn máy bay thì phải cứu chữa, giúp đỡ đưa đi bệnh viện chứ?
- Bà chả hiểu cái gì cả! Ông ấy bị bắt, công an đang khám nhà ông ấy đấy. Tiếng còi ủ là còi của xe cảnh sát, không phải là xe cứu thương đâu bà ạ!
Bà Tô vẫn chưa hiểu. Ông Tô phải giải thích tiếp:
- Ông ấy "hạ cánh không an toàn", tức là về hưu rồi vẫn không thoát tội tham nhũng khi còn đương chức, đương quyền. Chuyện này tôi đã nghe phong thanh lâu rồi. Ông ấy là cán bộ to, phạm tội to thì chỉ có trời mới cứu được?
- Thế sao tôi thấy mỗi lần về quê ông ấy rất giản dị, hòa đồng với bà con làng xóm. Ông ấy còn đóng góp bao nhiêu tiền giúp làng ta bê tông hóa đường làng đến từng ngõ nhỏ cơ mà...
Ông Tô chép miệng:
- Tiền ấy cũng chẳng biết là tiền thế nào... Ông ấy làm đường cho dân cũng là làm con đường vào thẳng khu trang trại và biệt thự nghỉ dưỡng của mình ở đồi cây cuối làng đấy. Thôi bà ở nhà trông cháu để tôi đi xem tình hình cụ thể thế nào nhé!
Ông Tô dặn bà vợ xong đi ra cổng. Dân làng hầu như đã đổ hết về hướng nhà ông Nhân. Chuyện của ông Nhân quả là thời sự nóng nhất hôm nay ở làng. Tiếng mọi người bàn tán xôn xao về ông Nhân, một người làng thành đạt nhất, giàu có nhất, oai phong nhất vừa bị công an bắt và dẫn đi. Bà vợ ông Nhân cũng thôi kêu gào khóc lóc. Tiếng còi ủ của xe cảnh sát xa dần nơi làng quê, xóm nhỏ...
Hà Nội, 24-5-2019

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

Truyện ngắn vui NGUYÊN TẮC "BA KHÔNG"

NGUYÊN TẮC "BA KHÔNG"
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Không có mô tả ảnh.

Giá xăng dầu giảm xuống chút ít ông Tô được bà Tô cho tiếp tục chạy thể dục buổi sáng, mỗi tuần ba ngày. Bà Tô hứa khi nào giá điện giảm xuống ông sẽ được chạy thể dục cả tuần. Đúng là giá điện, giá xăng tăng cao mọi người, mọi việc đều bị ảnh hưởng.
Ông Tô dậy sớm. Ông lôi đôi giày vải ra đeo để chuẩn bị chạy thể dục buổi sáng quanh làng như trước đây. Bà Tô đang nấu cám lợn ở trong bếp thấy vậy liền thò cổ ra căn dặn:
- Ông chạy tập thể dục buổi sáng cho khỏe nhưng phải luôn luôn nhớ giữ đúng "nguyên tắc 3 không" đấy nhé!
Ông Tô ngạc nhiên:
- Chạy tập thể dục buổi sáng để nâng cao sức khỏe thì cần gì phải nguyên tắc? Mà cái "nguyên tắc 3 không" ấy là cái quái gì thế?
Bà Tô vừa quấy nồi cám lợn vừa giải thích:
- Ông đọc báo, nghe đài, theo dõi tình hình thời sự chính trị, kinh tế xã hội suốt ngày mà cũng không hiểu cái "nguyên tắc 3 không" ấy là như thế nào thì lạ thật?
Ông Tô hơi bực vì bị bà vợ coi thường. Ông làu bàu:
- Trên đài báo làm gì có nói đến cái "nguyên tắc 3 không" nào khi tập thể dục đâu?
Bà Tô cười cười bảo:
- Cái "nguyên tắc 3 không" ấy đang được mọi người quan tâm và thực hiện rất tốt đấy!
Ông Tô đứng dậy định co giò chạy ra ngoài cổng thì bà Tô vội buông đôi đũa cả quấy cám lợn chạy ra ngăn lại nói:
- Để tôi nói hết đã rồi ông hãy chạy...
- Bà nói nhanh nhanh lên để tôi còn chạy!
- Thế này ông ạ! Khi ông chạy thể dục phải quán triệt thật kỹ cái "nguyên tắc 3 không". Một là "Không được làm người tốt", hai là: "Không được quan tâm đến người khác", ba là...
Bà Tô chưa nói hết câu ông Tô đã trợn mắt:
- Tại sao tôi lại không được làm người tốt? Từ trước đến nay tôi có là người xấu bao giờ đâu?
- Thì tôi không nói ông là người xấu, nhưng bây giờ ra đường ông không được làm người tốt, hiểu chưa?
- Tại sao vậy?
- Vì làm người tốt nhiều khi mang vạ vào thân đấy?
- Sao lại vô lý thế?
- Thì đấy... như chú Lĩnh ở xóm ta hôm qua đấy... Đang đi xe máy trên đường gặp một cô gái bị tai nạn giao thông chú ấy liền dừng lại cứu chữa, rồi đưa đi bệnh viện, lại trả viện phí giúp nữa. Ngờ đâu thân nhân người bị nạn đến đánh cho một trận thừa sống thiếu chết vì tưởng chú ấy là người đã gây tai nạn cho con gái họ. Đến khi công an can thiệp thì chú ấy còn bị thương nặng hơn cả cô gái bị ngã xe đấy!
- Có chuyện như vậy à?
- Chuyện ngay đầu xóm mà ông không biết à?
- Chết thật! Sao bây giờ loạn thế?
Bà Tô nói tiếp:
- Vì thế khi chạy thể dục ra ngoài đường thấy người bị tai nạn, bị ngã xe, trâu bò húc hay ốm đau gì gì thì ông cũng cứ mặc kệ họ, không được giúp đỡ. Làm người tốt thời buổi bây giờ là không... tốt cho mình đâu ông ạ!
Ông Tô chán nản hỏi:
- Thế còn cái nguyên tắc thứ hai?
- Là không được quan tâm đến người khác, nhất là trẻ em...
- Sao lại thế?
- Ông đang chạy thể dục ngoài đường thấy trẻ em khóc lóc thì phải tránh ngay cho xa. Càng xa càng tốt. Vì khi dừng lại đến hỏi han, giúp đỡ, nếu là bé trai thì sẽ bị tình nghi là bắt cóc trẻ con, nếu là bé gái không khéo bị nghi phạm tội... ấu dâm đấy! Không bị đánh cũng bị tù...
- Tôi... tôi ngần này tuổi rồi còn làm những chuyện bậy bạ ấy à?
- Thì... ai người ta nghĩ thế! Đấy có ông gì đó ở Vũng Tàu gần 80 tuổi vẫn... dâm dê trẻ em bị đi tù đấy thôi, rồi cái ông chuyên "cầm cân nảy mực" vào loại trùm sò ngành pháp luật ở Đà Nẵng đã nghỉ hưu vẫn bị truy tố tội lạm dụng tình dục trẻ em dưới 16 tuổi đấy... Mà ông phải nhớ là không được đem theo tiền, nhất là 200 ngàn đồng trong túi khi ra đường nhé?
- Tại sao thế? Lúc nào trong túi tôi chả có vài trăm để uống nước?
- Ông không được mang tiền, nhất là 200 ngàn đồng. Vì không khéo sẽ bị nghi ngờ... Ông không nhớ là ở Hà Nội có cái thằng "cưỡng hôn" trong thang máy chỉ bị phạt hai trăm ngàn đồng thôi à?
Ông Tô:
- Thế này thì khéo tôi không dám chạy thể dục mất thôi?
- Chạy hay không là việc của ông! Ông cứ tập thể dục ở nhà tôi càng yên tâm...
- Vậy... vậy... còn cái nguyên tắc thứ ba là gì vậy?
- Là... "không uống rượu bia khi tham gia giao thông". Ông là rất hay bia bọt với lão Cốc ở đầu làng. Lão này sau khi đi chữa bệnh về lại uống khỏe hơn hẳn trước đấy!
- Nhưng... tôi có tham gia giao thông đâu mà không được uống rượu bia?
- Ơ... thế ông chạy ra đường... chẳng phải là đã tham gia giao thông rồi còn gì? Đi bộ, chạy, hay đi xe đạp, xe máy, ô tô đều là tham gia giao thông, đều không được uống rượu bia, hiểu không?
- Hừ... - Ông Tô vừa chạy ra cổng vừa suy nghĩ về giá điện, giá xăng và cái "nguyên tắc 3 không" bà vợ ông vừa mới phổ biến...
Hà Nội, 23-5-2019

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Truyện ngắn vui THỜI ĐẠI QUẢNG CÁO

THỜI ĐẠI QUẢNG CÁO
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Không có mô tả ảnh.
Do giá xăng dầu và giá điện chưa giảm nên ông Tô chưa thể tiếp tục chạy thể dục buổi sáng quanh làng như trước. Bà vợ ông rất lo tăng chi phí sinh hoạt hằng ngày nên tiết giảm hạn chế tối đa việc sử dụng điện. Ruộng đất quê ông đã bán hết để làm khu công nghiệp, khu chế xuất nên mọi thu nhập chỉ trông chờ vào mẹt hàng ngoài chợ của bà và chút lương hưu ít ỏi của ông. Vợ chồng thằng con ông đi làm thuê trên thành phố thỉnh thoảng cũng gửi tiền về cho bố mẹ. Thực ra chỉ là hình thức. Mấy triệu đồng chả đủ cho hai đứa cháu chúng gửi ông bà chăm lo cho ăn học.
một loại
Sáng nay, ông Tô dậy sớm tập thể dục ở sân nhà. Ông vừa chạy xung quanh cái sân nhỏ hẹp vừa hô: “Khỏe… khỏe… khỏe…” thì bà Tô mở cửa đi ra phía cổng. Bà bảo:
- Ông cứ tập thể dục ở sân thế này tôi thấy rất yên tâm…
Ông Tô làu bàu:
- Hừ… chạy quanh sân chả bõ, tù chân tù cẳng lắm…
- Thì tập ở đâu mà chả là tập…
- Bà thì biết gì về thể dục thể thao. Suốt ngày chỉ lo điện với xăng tăng giá… Mà bà định đi đâu sớm thế? Hay cũng định luyện tập chạy thể dục quanh làng cho đỡ… béo?
- Tôi đi ra hiệu thuốc mua cho thằng cháu vài viên thuốc sâu răng. Đêm qua nó kêu răng đau không ngủ được!
Ông Tô nghe vậy liền bảo:
- Bà mua cho nó loại thuốc gì mà trên ti vi họ quảng cáo là “ngừa sâu răng tối đa” ấy?
- Đấy là thuốc đánh răng, không phải là thuốc sâu răng, ông hiểu chưa?
- Thế sao trong quảng cáo họ bảo là ngừa sâu răng tối đa cơ mà?
Bà làu bàu:
- Thuốc đánh răng đáng lẽ ra là để sạch và trắng răng. Vậy mà họ bảo mục tiêu chủ yếu là để ngừa sâu răng giống hệt như là một loại thuốc chữa bệnh?
Ông Tô cũng có vẻ băn khoăn:
- Chả lẽ họ nhầm? Hay là ở cái nhà máy sản xuất ra thuốc đánh răng ấy họ tuyển nhầm ông bác sĩ vào làm việc ở vị trí ông kỹ sư hóa chất?
- Tôi không biết! Nghe theo quảng cáo trên ti vi có mà “đổ thóc giống ra ăn”…
Ông Tô lắc đầu:
- Bà… bà lạc hậu quá, chẳng chịu tin vào quảng cáo, vào thông tin tuyên truyền gì cả!
- Tin theo có mà đi teo lâu rồi ông ạ. Ông có còn nhớ có dạo trên ti vi người ta quảng cáo cảnh một người lao xuống nước bơi vào sát hàm một con cá mập để giành lại một lon nước ngọt không hả! Chả ai lại ngu đến nỗi chỉ vì một lon nước ngọt mà mất mạng cả đâu…
Ông ấp úng:
- Đấy là họ “hình tượng hóa” một chút cho hấp dẫn thôi… chúng ta phải tin tưởng vào quảng cáo và những gì thông tin tuyên truyền trên ti vi và đài báo chứ?
- Ông tin thì đi mà tin… còn tôi tôi không tin. Đấy trên ti vi, trên đài báo họ bảo “tăng giá điện toàn dân đều được hưởng lợi”, “tăng giá xăng là vì môi trường, là giúp cho Việt Nam phát triển tiến lên”. Họ nói như vậy liệu ông có tin được không?
Ông Tô lúng túng:
- Hừ… hừ… nói chuyện với bà thật tức anh ách. Thôi bà đi mua thuốc cho cháu ngay đi để tôi còn tập thể dục!
- Được rồi! Tôi đi đây. Ông nhớ trông chừng các cháu nhé!
Bà Tô nói rồi quày quả đi ra cổng. Ông Tô dừng chạy. Ông đứng giữa sân vươn vai, giơ tay tập thể dục. Ông vừa tập được vài đồng tác thì thằng cháu nội đang học lớp 2 ngủ dậy. Nó bật ti vi xem rồi chạy ra sân gào to:
- Ông ơi! Từ bây giờ ông không cần phải tập thể dục nữa đâu!
Ông Tô quay lại nhìn thằng bé rồi hỏi:
- Tại sao lại không cần tập thể dục nữa? Tập thể dục thân thể mới luôn khỏe mạnh. Cháu cũng phải tập thể dục hiểu không?
- Không cần tập thể dục vẫn khỏe ông ạ!
- Tại sao không tập mà lại khỏe mạnh được hả cháu?
Thằng bé chỉ vào cái ti vi trong nhà nói:
- Cháu vừa thấy trên ti vi họ quảng cáo là “dùng bao cao su OK khỏe như lực sĩ” đấy ông ạ! Ông cứ dùng nhiều bao cao su cho khỏe, cần gì phải luyện tập nữa ạ?
Nghe thằng cháu nói, ông Tô há hốc miệng đứng như trời trồng giữa sân nhà mình…
Hà Nội, 12-5-2019

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

Truyện ngắn vui ĐỀU ẢNH HƯỞNG TUỐT

ĐỀU ẢNH HƯỞNG TUỐT
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Ông Tô dậy sớm chuẩn bị chạy thể dục. Trời mùa hè nên hừng đông đã nổi. Ánh sáng ngập tràn trên cánh đồng làng. Ông ngồi ở bậc thềm đeo đôi giày vải, đội cái mũ mềm cho đỡ sương sớm. Hôm nay ông sẽ chạy ra phía đầu làng. Ông không sợ gặp lão Cốc mời bia cỏ uống vào đau hết cả đầu nữa. Lão này đã lên Hà Nội để chữa bệnh dạ dày rồi. Cái dạ dày của lão chứa quá nhiều bia cỏ nên phát bệnh.
Khi ông Tô vừa đứng đậy định chạy ra ngõ thì bà Tô vội ngăn lại nói:
- Ông đừng chạy thể dục nữa, nguy lắm rồi…
- Có việc gì thế?
Bà Tô hổn hển nhắc lại:
- Kể từ bây giờ ông không được chạy thể dục thể thao vào các buổi sáng nữa, hiểu không?
- Tại sao thế?
- Vì… vì… giá xăng dầu, giá điện đã tăng vòn vọt cao vút lên rồi…
Ông Tô ngớ người:
- Giá xăng dầu, giá điện tăng thì có ảnh hưởng quái gì đến việc tôi chạy thể dục buổi sáng hả?
- Sao lại không ảnh hưởng. Tất cả đều bị ảnh hưởng. Giá xăng dầu, giá điện tăng cao ngay cả thằng ăn xin ở ngoài chợ cũng bị ảnh hưởng đấy!
Ông Tô càng ngạc nhiên:
- Giá xăng dầu, giá điện tăng thì thằng ăn xin ngoài chợ việc gì mà ảnh hưởng?
Bà Tô giải thích:
- Ảnh hưởng quá đi chứ! Hôm qua, tôi gặp thằng bé ăn xin ở cổng chợ, cho nó năm nghìn đồng. Nó bảo: “Hôm nay, bà cho cháu xin mười nghìn vì giá… xăng dầu, giá điện đã tăng cao rồi!”. Tôi bảo: “Giá xăng dầu, giá điện tăng lên thì ảnh hưởng gì đến mày?". Nó liền giải thích: “Giá điện tăng cao nên tối hôm qua cháu vào tiệm Internet chơi game chủ quán đã thu đến ba mươi ngàn đồng một giờ, tăng thêm so với trước mười ngàn đồng nói là do giá điện tăng…”. Tôi lại hỏi nó thế còn giá xăng tăng thì mày bị ảnh hưởng gì? Nó nói thêm: “Do giá xăng tăng nên khi cháu mang tiền về quê cho bố hoàn thiện nốt tầng hai ngôi nhà đang xây dở cánh lái xe khách họ thu gấp rưỡi tiền vé đấy bà ạ…”.
Ông Tô lẩm bẩm:
- Thế thì đúng là giá xăng dầu, giá điện tăng bọn ăn xin cũng bị ảnh hưởng thật. Nhưng còn tôi chạy thể dục thì liên quan gì đến giá điện, giá xăng dầu cơ chứ?
- Đều bị ảnh hưởng tuốt cả ông ạ!
- Ảnh hưởng kiểu gì?
- Thì… ông chạy thể dục về, mô hôi mồ kê túa ra. Ông phải bật điều hòa, mở quạt điện cho mát, rồi ông tắm lại cứ phải có nước nóng kể cả mùa hè… thế thì chả là tốn điện à?
- Đúng là như thế… nhưng việc chạy thể dục thì có liên quan quái gì đến giá xăng tăng cao cơ chứ?
- Sao lại không liên quan! Liên quan rất mạnh ấy chứ?
Ông Tô hơi bực:
- Tôi chạy bộ cho khỏe, đi đâu tôi cũng đi bộ, không đi xe máy thì có tốn chút xăng dầu nào đâu chứ?
Bà Tô lại bảo:
- Ông chạy bộ không cần xăng dầu… nhưng ông ra đầu ngõ gặp bọn “xe điên” nó tông vào thì có phải đi cấp cứu không hả. Mà bây giờ bọn "xe điên" nó đang thảm sát người hàng loạt đấy. Giá xăng tăng lên, xe cấp cứu nó tăng giá dịch vụ, họ đòi thêm tiền… như vậy thì ông có bị ảnh hưởng không? Ấy là tôi chưa nói đến việc giá thuốc, chi phí khám chữa bệnh cũng tăng lên rồi, vào nằm viện còn tốn thêm khối tiền nữa đấy!
Ông Tô ngẩn người ra:
- Đúng là có ảnh hưởng thật…
- Ảnh hưởng quá đi chứ! Giá xăng dầu, giá điện tăng tất cả đều bị ảnh hưởng…
- Vậy thì từ nay tôi sẽ không được chạy tập thể dục nữa à?
- Ông tạm thời ngừng ngay việc chạy thể dục. Khi nào giá xăng dầu, giá điện giảm xuống hãy chạy nhé! Thôi ông vào nhà nghỉ đi. Tôi đi nấu bữa sáng đây?
Ông Tô ngạc nhiên:
- Bà đi nấu ăn sao không xuống bếp mà lại ra vườn?
- Thì giá xăng lên giá ga cũng lên theo rồi. Tôi ra vườn kiếm ít củi vào nấu chứ cứ dùng bếp ga mãi tốn kém lắm ông ạ…
Bà vợ đi rồi ông Tô vừa cởi đôi giày chạy ra vừa lẩm bẩm chửi:
- Mẹ cha cái thằng xăng, thằng điện làm ông không được chạy thể dục buổi sáng…
Hà Nội, 11-5-2019

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

Truyện ngắn vui MỘT BÀI THUỐC QUÝ

MỘT BÀI THUỐC QUÝ
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 
Không có mô tả ảnh.


Sáng nay, ông Tô lại dậy sớm chạy thể dục. Ông không chạy ra phía đầu làng nữa mà chạy về phía cuối làng. Hôm trước, chạy ra đầu làng ông gặp lão Cốc mời uống một vại bia cỏ về đau nhức hết cả đầu mãi đến chiều mới khỏi. Hôm nay sợ lại gặp lão ta nên ông Tô mới chạy vòng về phía cuối làng để tránh. Đường làng đã bê tông hóa 100% nên ông Tô thoải mái chạy thể dục theo lối nào cũng được. Tuổi cao ông chạy cũng chỉ nhanh hơn đi bộ một chút.
Đến cuối làng, ông Tô gặp một đám thanh niên choai choai đang ngồi hút thuốc lá phì phèo ở bên đường. Vừa nhìn thấy ông bọn chúng đã nhao nhao chào. Ông Tô dừng lại hỏi:
- Chúng mày tụ tập làm gì ở đây sớm thế?
- Chúng cháu đang tổ chức “Chào buổi sáng” một chút cho khí thế đấy cụ ạ!
Một thằng đáp. Ông Tô liền đe:
- Chào… chào cái gì… chúng mày lại tụ tập nhau để hút xách. Dính vào cái khoản ma túy, rồi lên cơn "ngáo đá" thì khốn đấy hiểu không?
Thằng Bất là con lão Cốc cười nhăn nhở:
- Cụ cứ yên tâm! Có các cho thêm tiền chúng cháu cũng chả dại gì mà dính vào cái thứ chết người ấy đâu?
Ông Tô gật đầu:
- Vậy thì chúng mày cũng biết nghĩ đấy! Xã ta vừa đạt tiêu chuẩn “nông thôn mới”, làng ta là “làng văn hóa”, không được để tệ nạn xảy ra… Nhưng thuốc lá chúng mày cũng phải bỏ ngay đi. Hút thuốc lá cũng rất có hại cho sức khỏe đấy!
- Vâng… vâng… chúng cháu biết rồi!
Ông Tô nói tiếp:
- Mà chúng mày là thanh niên sao lại không chịu luyện tập thể dục thể thao gì cả thế. Nên nhớ là thể dục thể thao chính là một phương pháp “phòng, chữa bệnh không dùng thuốc” tốt nhất đấy, hiểu không?
Bọn thanh niên nghe vậy phá lên cười. Thằng Bất lại nói:
- Cái phương pháp tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe này bây giờ đã quá lỗi thời lạc hậu rồi cụ ơi. Đã có một bài thuốc và phương pháp khác tiên tiến hơn rất nhiều…
Ông Tô bực mình quát:
- Láo… chúng mày lười biếng nên bao biện thế hả?
Thằng Bất không cười nữa. Nó đứng dậy hỏi ông Tô:
- Cụ có hay đọc báo theo dõi tình hình không ạ?
- Ngày nào mà tao chả đọc báo!
- Cụ đọc các loại báo gì thế?
- Thì… báo của tỉnh, báo Nhân dân, báo quân đội. Thỉnh thoảng, tao cũng ngó máy tính của con cháu đọc báo mạng. Già rồi mắt kém, đọc một lúc là mỏi mắt nhức đầu… nhưng tình hình thời sự hằng ngày tao đều nắm rất vững…
- Thế ạ?
Ông Tô nói tiếp:
- Tình hình kinh tế chính trị trong nước, tình hình thời sự quốc tế, cháy nhà thờ Đức bà Pari đến nay đã có hơn một tỷ đô-la quyên góp để xây dựng lại, rồi Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên vừa mới thử thành công tên lửa dẫn đường, phản ứng của các nước ra sao…
Bọn thanh niên nhao nhao nói thêm:
- Vậy mà cụ không biết là nước ta vừa mới phát minh ra một phương pháp “chữa bệnh không dùng đến thuốc” rất hiện đại à? Từ nay chúng ta không cần đến bệnh viện, không cần dùng thuốc và cũng không cần… tập thể dục thể thao làm gì nữa cụ ạ!
Ông Tô vô cùng ngạc nhiên:
- Phương pháp gì mà lại hay thế? Tại sao tao lại không biết nhỉ?
Bọn thanh niên cười nghiêng ngả. Một thằng khẳng định:
- Phương pháp này của Việt Nam có khả năng sẽ đoạt giải thưởng No-ben về y học đấy cụ ạ?
Ông Tô lại cáu:
- Chúng mày chỉ được cái đã lười lại hay nói bậy. Giải No-ben đâu phải là trò chơi mà tặng cho ai cũng được?
Thằng Bất lại lên tiếng:
- Vậy đúng là cụ không biết thật rồi! Phương pháp “chữa bệnh không dùng thuốc” rất hiện đại này là do hai giáo viên ở Lạng Sơn vừa mới phát minh ra đấy cụ ạ!
- Phương pháp thế nào?
- Thì bây giờ ốm đau, cảm cúm sốt rét không cần đến nhà thương nữa mà chỉ cần vào nhà… nghỉ cởi hết quần áo ra cho… thoáng là khỏi ngay…
Một thằng khác giải thích thêm:
- Nhưng phải có hai người, một nam, một nữ cụ ạ… chỉ cần cởi hết quần áo ra chùm kín chăn rồi… chườm cho nhau một lúc là khỏi bệnh luôn. Mà… mà… con nghe nói ngày xưa cụ cũng đi bộ đội, đóng quân ở vùng rừng núi bị sốt rét, bây giờ thỉnh thoảng lại tái phát phải không ạ?
- Đúng thế!
- Vậy cụ nên áp dụng ngay cái phương pháp “chữa bệnh không cần dùng thuốc” mới này có khi sẽ khỏi hẳn luôn đấy cụ ạ…
Cả bọn lại phá lên cười rồi đứng dậy kéo nhau chạy rầm rập ra phía đường quốc lộ. Có tiếng còi xe khách vang lên. Ông Tô cố hỏi với theo:
- Chúng mày chạy đi đâu đấy?
Tiếng thằng Bất vọng lại:
- Chúng cháu lên Hà Nội để làm thuê kiếm tiền… Chào cụ nhé… xe khách đến rồi chúng cháu phải đi ngay đây.
Bọn thanh niên chạy hết ra ngoài đường rôi ông Tô cũng không chạy thể dục nữa. Ông về nhà ngay để mở máy tính của con cháu gái đang học đại học ra xem cái "phương pháp chữa bệnh mới" mà bọn thanh niên chúng vừa nói nó là như thế nào…
Hà Nội, 20/4/2019

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

Truyện ngắn vui DÂN MÌNH GIÀU THẬT RỒI

DÂN MÌNH GIÀU THẬT RỒI
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Không có mô tả ảnh.

Sáng sớm, ông Tô đi tập thể dục. Ông chạy bộ quanh làng. Đường làng bây giờ bê tông hóa nên chạy không sợ vấp ngã. Cũng không sợ dẫm phải con rắn, con giun như ngày xưa. Hai bên đường làng nhà cửa cũng chả kém chi ngoài thành phố. Cũng nhà tầng, nhà ống rất hoành tráng. Vừa chạy đến đầu làng, chỗ "cây đa, bến nước, sân đình" ngày xưa thì ông Tô gặp lão Cốc đang gật gù ngồi uống bia ở cái quán bên đường. Ông Tô liền dừng lại hỏi:
- Làm gì mà nhậu nhẹt sớm thế?
Lão Cốc ngửa cổ rót nốt cốc bia vào mồm rồi mới bảo:
- Ông Tô đấy hả! Vào đây làm một cốc bia đã! Tôi khao... tôi khao... cứ uống thoải mái...
- Nhưng... có chuyện gì vui mà ông khao thế?
- Thì... chuyện mừng quá rồi ông ạ!
Ông Tô hỏi lại:
- Có chuyện gì mà ông lại vui mừng đến thế hả?
Lão Cốc làm thêm nửa cốc nữa rồi thủng thẳng:
- Thì... tôi vui mừng vì... dân mình giàu thật rồi, nước mình giàu thật rồi ông ạ!
- Ôi dào... thì chuyện này đài báo hôm nào chả tuyên truyền ầm ầm GDP hằng năm tăng trưởng liên tục ai mà chả biết?
Lão Cốc cười ầm lên mà bảo:
- Đấy là đài báo họ nói... tôi nghe mãi rồi nhưng vẫn chưa tin hẳn...
- Nhưng đài báo họ tuyên truyền là trên cơ sở thống kê của nhà nước đấy, ông hiểu không?
- Thì... ông và tôi còn lạ gì chuyện thống kê... thống cót ấy nữa. Thế nào họ họ chả làm tròn số cho đẹp... rồi cơ quan tuyền truyền, báo chí họ phân tích, tô vẽ thêm thắt vào cho tươi đẹp hơn để cổ vũ động viên nhân dân phấn khởi, thêm hăng hái lao động sản xuất ấy mà?
Ông Tô lắc đầu:
- Cái ông này... không có một niềm tin vững vàng gì cả?
- Thì đấy... ông còn lạ gì nữa. Ngày xưa tôi và ông đều làm thống kê kế hoạch ở ban quản trị hợp tác xã nông nghiệp, năm nào chả bảo là được mùa thế mà dân vẫn cứ đói meo, ngày giáp hạt chạy ăn méo cả mặt đấy thôi?
- Ngày xưa khác, bây giờ khác ông ạ!
- Đúng vậy...
Ông Tô lại hỏi tiếp:
- Thế tại sao hôm nay ông lại có vẻ phấn khởi tin tưởng vào sự tăng trưởng của đất nước, sự giàu có của nhân dân đến thế hả?
Lão Cốc gật gù bảo:
- Đúng! Bây giờ tôi mới thực sự tin rằng nước mình, dân mình đã rất giàu rồi ông ạ!
- Vậy là ông đã tin tưởng vào các con số thống kê tăng trưởng GDP của trên công bố rồi à?
- Không... tôi tin là tin ở... một cơ sở khác cơ!
- Điều gì làm cho ông tin tưởng vậy?
Lão Cốc uống thêm một ngụm bia rồi hỏi lại ông Tô:
- Ông có theo dõi việc đấu tranh chống tham nhũng không?
- Có chứ... chuyện này cả nước ai chả quan tâm theo dõi?
- Đấy! Ông thấy không! Tham nhũng, thất thoát hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ nhé... Ông có thấy mừng không?
Ông Tô trợn mắt:
- Tham nhũng, thất thoát gây thiệt hại rất lớn cho đất nước sao lại vui mừng? Ông là quân phản động à?
Lão Cốc hoảng hốt:
- Ấy chết... tôi lỡ lời... Ý tôi ở chỗ này là ông có thấy các vụ việc tham nhũng, thất thoát có lớn, rất lớn không?
- Đúng là lớn quá, nghiêm trọng quá ông ạ!
- Như vậy chứng tỏ một điều đáng mừng đúng là nước ta, dân ta đã rất giàu, rất nhiều tiền và rất nhiều của cải rồi cho nên số lượng tham nhũng mới cao, mới to lớn đến như thế chứ. Nếu nước ta còn nghèo thì họ lấy cái gì mà tham nhũng hả? Ông có nhớ không, ngày xưa tay chủ nhiệm hợp tác xã mình tham nhũng có mấy trăm đồng còn bị đi tù đấy?
- Mấy trăm đồng ngày xưa bằng mấy chục triệu bây giờ đấy ông ạ!
Lão Cốc gật đầu:
- Đúng vậy! Mấy chục triệu bây giờ các cán bộ to ai người ta thèm tham nhũng? Mấy chục triệu đưa biếu có khi còn bị họ mắng cho một trận ấy chứ! Họ chén hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng cơ. Riêng cái vụ "a vờ gờ" gì gì đó họ đã xơi gọn hơn bảy ngàn tỷ đấy ông ơi! Hôm nay, tôi vừa đọc báo thấy tại cái cơ quan dự án giao thông Long An thất thoát gần 7 tỷ đồng mà công an họ... "chê ít" không thèm khởi tố cơ mà...
- Vụ ấy tôi cũng đọc báo rồi, chắc là 7 tỷ đồng ít quá nên không cần khởi tố mà cho về "xử lý nội bộ"... Đúng là nước ta giàu thật rồi. Nghĩ cũng thương cho cái tay chủ nhiệm hợp tác xã ta ngày xưa khi dân nước còn nghèo ông ạ. Tham nhũng có mấy trăm đồng mà cũng phải ngồi tù đến những ba năm...
- Thôi đừng có mà ủy mị thế! Ông ngồi xuống đây làm một cốc mừng cho nước ta, dân ta đã giàu lên rồi...
Ông Tô ngồi xuống ghế. Lúc này ông mới nhìn thấy cái đĩa với mấy củ lạc luộc lép trên bàn. Ông hỏi:
- Ông ăn... mừng mà xơi loại bia cỏ với lạc lép thế này à?
- Thì... thì ông tính mình là nông dân, không chức tước cấp bậc gì, không quản lý tài sản gì, thì tham nhũng được cái gì mà ăn uống cho nó ra gì hả ông?
Hà Nội, 18/4/2019

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG ĐẾN ĐƯỢC DINH ĐỘC LẬP 
Tản văn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời
LTG: Mấy ngày nghỉ lễ tôi về quê trồng phong lan không đem theo laptop. Bài viết cũ này lưu trong laptop và máy tính. Hôm nay, đã qua ngày đại thắng 30-4 nhưng vẫn xin được đăng lại trên blogs...
*
Anh trai tôi nhập ngũ năm 1966, là một trong những năm ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Năm ấy, trong làng, trong xã tôi cũng có nhiều thanh niên lên đường ra trận. Sau vài tháng huấn luyện ở tỉnh Bắc Thái, anh tôi và nhiều người được về phép 10 ngày rồi lên đường vào miền Nam chiến đấu. Anh tôi và phần lớn những người cùng quê ra đi năm ấy đã không trở về được nữa. Họ đã ngã xuống ở mặt trận vào năm 1968, 1969, nhất là năm 1972. Họ là những người không biết có ngày 30-4-1975, đại thắng mùa Xuân, tưng bừng đất nước. Họ là những người không bao giờ đến được Dinh Độc Lập cho dù sau này chỉ là một khách đến để tham quan…
Cũng như họ còn có hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ bỏ mình trên dãy Trường Sơn khi khai mở con đường chiến lược vào miền Nam cứu nước, ngã xuống trên đường phố Sài Gòn trong trận đách Mậu Thân-1968, thịt nát xương tan ở thành cổ Quảng Trị-1972, hay đói khát, chết mòn trong lao tù Côn Đảo, Phú Quốc… Tất cả họ cũng không hề biết có ngày 30-4 chiến thắng. Rồi nhân dân-máu của nhân dân rơi xuống ở khắp miền Nam, ở Vĩnh Linh, Quảng Bình, Khâm Thiên, Hà Nội. Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc, những thanh niên xung phong ở Truông Bồn họ cũng không biết có ngày 30-4. Họ đã hy sinh trước giờ toàn thắng, không được hưởng niềm vui tột độ khi đoàn quân chiến thắng tiến vào Sài Gòn, không chứng kiến cái không khí tưng bừng ngày ăn mừng thắng giặc, không được hát say sưa câu hát: “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Máu xương của họ đã lát đường cho những người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, ở Bộ Tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn. Họ không kể công, không đòi chế độ, không chờ sự tuyên dương ghi nhận. Sự hy sinh xương máu của họ chính là sự ghi nhận công lao của mình với Tổ quốc. Vậy mà còn có những người đi trên con đường xương máu của đồng đội, của nhân dân để đến ngày chiến thắng lại quên rằng họ có được vinh quang là nhờ hàng ngàn, hàng vạn người đã ngã xuống trước đó. Năm nào đến ngày 30-4 cũng là sự tranh luận, tranh cãi công lao “ai bắt tổng thống Dương Văn Minh”, “ai thảo lời tuyên bố đầu hàng cho tổng thống Minh”… Không ai chịu ai, sự kiện chưa xa, nhân chứng vẫn còn mà lịch sử thì trở thành mù mờ, bất nhất, đúng sai không rõ ràng, thật đáng buồn.
Là một người nhập ngũ chỉ trước ngày 30-4-1975 có vài tháng, tôi không có vinh dự tham gia chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn nhưng được sống trong không khí hào hùng những ngày ấy. Tôi cứ nghĩ ngày 30-4 phải là ngày vinh quang của nhân dân, là máu xương của cả dân tộc, không của bất cứ riêng ai. Vậy mà vẫn có ai đó chỉ nghĩ là ngày của riêng họ. Nhớ một năm trước đây không lâu khi sắp đến ngày 30-4, khi còn đang tại ngũ, đang tại chức tôi nhận được lệnh tham gia trong đoàn cán bộ từ Hà Nội bay gấp ngay vào thành phố Hồ Chí Minh để dự cuộc hội thảo về “ai là người vào Dinh Độc Lập đầu tiên", "ai bắt nội các chính phủ Sài Gòn trưa ngày 30-4-1975”, "ai viết lời tuyên bố đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh". Ngồi nghe tranh luận, nghe giải trình, đối chất chan chát, căng thẳng, không ai chịu ai. Những người là đồng đội cùng chung chiến hào trong chiến đấu mà bây giờ trong hội thảo cứ như đang ở hai chiến tuyến. Hôm ấy, tôi chợt thấy chạnh lòng nghĩ đến anh trai mình và bao nhiêu người đã ngã xuống trước giờ toàn thắng. Họ là những người không biết có ngày 30-4 năm 1975 lịch sử, họ không bao giờ đến được Dinh Độc Lập. Giả sử nếu đúng là có linh hồn người đã chết đang còn tồn tại quanh ta thì chắc là họ- những người đã ngã xuống trước ngày 30-4 năm 1975 ấy sẽ buồn biết bao nhiêu?
Để kết thúc tạp văn nhỏ này, tôi chỉ mong muốn rằng ngày 30-4 phải là một ngày vinh quang của nhân dân, là máu xương của cả dân tộc, là của mọi người Việt Nam mà không của bất cứ riêng ai...
Ngày 27/4/2015