Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG ĐẾN ĐƯỢC DINH ĐỘC LẬP 
Tản văn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời
LTG: Mấy ngày nghỉ lễ tôi về quê trồng phong lan không đem theo laptop. Bài viết cũ này lưu trong laptop và máy tính. Hôm nay, đã qua ngày đại thắng 30-4 nhưng vẫn xin được đăng lại trên blogs...
*
Anh trai tôi nhập ngũ năm 1966, là một trong những năm ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Năm ấy, trong làng, trong xã tôi cũng có nhiều thanh niên lên đường ra trận. Sau vài tháng huấn luyện ở tỉnh Bắc Thái, anh tôi và nhiều người được về phép 10 ngày rồi lên đường vào miền Nam chiến đấu. Anh tôi và phần lớn những người cùng quê ra đi năm ấy đã không trở về được nữa. Họ đã ngã xuống ở mặt trận vào năm 1968, 1969, nhất là năm 1972. Họ là những người không biết có ngày 30-4-1975, đại thắng mùa Xuân, tưng bừng đất nước. Họ là những người không bao giờ đến được Dinh Độc Lập cho dù sau này chỉ là một khách đến để tham quan…
Cũng như họ còn có hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ bỏ mình trên dãy Trường Sơn khi khai mở con đường chiến lược vào miền Nam cứu nước, ngã xuống trên đường phố Sài Gòn trong trận đách Mậu Thân-1968, thịt nát xương tan ở thành cổ Quảng Trị-1972, hay đói khát, chết mòn trong lao tù Côn Đảo, Phú Quốc… Tất cả họ cũng không hề biết có ngày 30-4 chiến thắng. Rồi nhân dân-máu của nhân dân rơi xuống ở khắp miền Nam, ở Vĩnh Linh, Quảng Bình, Khâm Thiên, Hà Nội. Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc, những thanh niên xung phong ở Truông Bồn họ cũng không biết có ngày 30-4. Họ đã hy sinh trước giờ toàn thắng, không được hưởng niềm vui tột độ khi đoàn quân chiến thắng tiến vào Sài Gòn, không chứng kiến cái không khí tưng bừng ngày ăn mừng thắng giặc, không được hát say sưa câu hát: “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Máu xương của họ đã lát đường cho những người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, ở Bộ Tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn. Họ không kể công, không đòi chế độ, không chờ sự tuyên dương ghi nhận. Sự hy sinh xương máu của họ chính là sự ghi nhận công lao của mình với Tổ quốc. Vậy mà còn có những người đi trên con đường xương máu của đồng đội, của nhân dân để đến ngày chiến thắng lại quên rằng họ có được vinh quang là nhờ hàng ngàn, hàng vạn người đã ngã xuống trước đó. Năm nào đến ngày 30-4 cũng là sự tranh luận, tranh cãi công lao “ai bắt tổng thống Dương Văn Minh”, “ai thảo lời tuyên bố đầu hàng cho tổng thống Minh”… Không ai chịu ai, sự kiện chưa xa, nhân chứng vẫn còn mà lịch sử thì trở thành mù mờ, bất nhất, đúng sai không rõ ràng, thật đáng buồn.
Là một người nhập ngũ chỉ trước ngày 30-4-1975 có vài tháng, tôi không có vinh dự tham gia chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn nhưng được sống trong không khí hào hùng những ngày ấy. Tôi cứ nghĩ ngày 30-4 phải là ngày vinh quang của nhân dân, là máu xương của cả dân tộc, không của bất cứ riêng ai. Vậy mà vẫn có ai đó chỉ nghĩ là ngày của riêng họ. Nhớ một năm trước đây không lâu khi sắp đến ngày 30-4, khi còn đang tại ngũ, đang tại chức tôi nhận được lệnh tham gia trong đoàn cán bộ từ Hà Nội bay gấp ngay vào thành phố Hồ Chí Minh để dự cuộc hội thảo về “ai là người vào Dinh Độc Lập đầu tiên", "ai bắt nội các chính phủ Sài Gòn trưa ngày 30-4-1975”, "ai viết lời tuyên bố đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh". Ngồi nghe tranh luận, nghe giải trình, đối chất chan chát, căng thẳng, không ai chịu ai. Những người là đồng đội cùng chung chiến hào trong chiến đấu mà bây giờ trong hội thảo cứ như đang ở hai chiến tuyến. Hôm ấy, tôi chợt thấy chạnh lòng nghĩ đến anh trai mình và bao nhiêu người đã ngã xuống trước giờ toàn thắng. Họ là những người không biết có ngày 30-4 năm 1975 lịch sử, họ không bao giờ đến được Dinh Độc Lập. Giả sử nếu đúng là có linh hồn người đã chết đang còn tồn tại quanh ta thì chắc là họ- những người đã ngã xuống trước ngày 30-4 năm 1975 ấy sẽ buồn biết bao nhiêu?
Để kết thúc tạp văn nhỏ này, tôi chỉ mong muốn rằng ngày 30-4 phải là một ngày vinh quang của nhân dân, là máu xương của cả dân tộc, là của mọi người Việt Nam mà không của bất cứ riêng ai...
Ngày 27/4/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét