Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

Truyện ngắn vui VỢ QUAN-QUAN VỢ

VỢ QUAN - QUAN VỢ
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo
Lão Cốc và ông Tô cùng đi dự họp hội nghị người cao tuổi trên xã. Lâu lâu xã lại tổ chức một buổi gặp mặt các cụ cao tuổi trong xã để nghe ý kiến góp ý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng quê hương. Nghe thì có vẻ dân chủ nhưng thực ra chỉ là hình thức. Các ý kiến “tâm huyết” của các cụ cao tuổi cũng chỉ là tham khảo rồi để đấy. Sau buổi họp mỗi cụ được biếu một tờ báo tỉnh và “phong bì” hai mươi ngàn đồng rồi ra về. Lão Cốc và ông Tô đi bộ về làng. Cuối buổi chiều trời vẫn còn nắng lắm.
Vừa về đến cổng nhà thì lão Cốc thì nghe thấy trong nhà có tiếng thằng Bất đang quát tháo rất to. Lão Cốc và ông Tô vội rảo chân bước vào sân. Thằng Bất đang quát vợ:
- Cô phải từ chức, từ chức ngay...
Vợ thằng Bất thì đang khóc và ôm hai đứa trẻ ngồi ở góc nhà. Lão Cốc lên tiếng:
- Có chuyện gì mà mày bảo vợ “phải từ chức ngay” thế? Vợ mày là công nhân trong khu công nghiệp tại sao mà lại phải từ chức hả?
Nghe tiếng bố hỏi, thằng Bất quay ra. Nhận ra có cả ông Tô cùng đi vào sân, thằng Bất ấp úng:
- Chuyện là thế này hai ông ạ! Vợ con nó vừa được bầu làm tổ trưởng tổ công đoàn của phân xưởng trong nhà máy đấy! Con bảo nó phải từ chức ngay, không được nhận, chỉ nên làm một công nhân bình thường thôi.
Ông Tô bảo:
- Công đoàn chỉ là tổ chức quần chúng đại diện bảo vệ quyền lợi cho công nhân thôi, việc gì mà phải từ chức chứ?
- Vì con rất sợ cảnh “Vợ quan - quan vợ” lắm hai ông ạ!
Lão Cốc hỏi lại:
- “Vợ quan-quan vợ” là cái gì thế?
Thằng Bất giải thích:
- Thì trên báo chí họ chả viết rất nhiều đấy thôi. Vợ quan phó chủ tịch huyện ở Thái Bình bị khởi tố vì liên quan đến tổ chức tội phạm Đường-Nhuệ, vợ phó giám đốc sở tư pháp ở Lâm Đồng cũng bị bắt vì vay hàng trăm tỷ đồng không có khả năng trả nợ, vợ phó chủ tịch Lạng Sơn dựa thế chồng vay hơn trăm tỷ làm biệt thự... còn bao nhiêu chuyện “vợ quan” nữa, kể không hết được đâu?
Lão Cốc vặc lại:
- Nhưng đấy là chuyện “vợ quan” lợi dụng chồng để làm bậy. Còn việc vợ mày làm tổ trưởng công đoàn thì chả nhẽ lại lợi dụng cái “chức phụ hồ” của một thằng làm thuê lao động tự do như mày để làm càn được à?
Thằng Bất cãi lại:
- Vợ con thì lại là trường hợp “quan vợ”. Khi vợ lên làm quan lại càng phức tạp. Đàn bà mà có chút quyền lực thường nguy hiểm hơn đàn ông rất nhiều. Đấy cái bà phó bí thư gì gì đó ở trong Đồng Nai làm quan tỉnh nên công ty của chồng liên tiếp thắng thầu nhiều công trình tại địa phương, cuối cùng cũng mất cả chì lẫn chài đấy hai ông ạ! Nguy hiểm nhất là trường hợp nữ quan huyện đoàn ở Thanh Hóa đứng trên bục giáo huấn thanh thiếu niên sống trong sáng mà bản thân mình có đến hai đứa con không trùng huyết thống với chồng đấy...
Ông Tô bảo:
Nhưng đấy là các nữ quan to, con vợ mày chỉ là một tổ trưởng công đoàn nhỏ nhoi có gì phải lo?
- Ấy... ấy... không chủ quan được đâu ông ơi! Là “quan nhỏ” nhưng chỉ cần có một “quan to” họ để ý đến rồi “nâng đỡ không trong sáng” thế là lên chức vù vù luôn ngay đấy...
Lão Cốc làu bàu:
- Nhưng đấy là các trường hợp “hót gơn”! Còn vợ mày công nhân suốt ngày lấm lem dầu mỡ thì ai thèm nâng đỡ chứ!
- Bố cũng lại quá chủ quan rồi. Vợ con là công nhân suốt ngày dầu mỡ, nhưng làm tý cán bộ, có quần chùng áo dài vào cũng tươi tắn, lỡ mà lại được “nâng đỡ không trong sáng” thì ôi thôi rồi...
Thằng Bất ngừng lại thở một tý rồi nói thêm:
Đấy! Mới là tổ trưởng công đoàn thôi mà hôm nay bận họp rồi bận đi thăm người ốm để hai đứa trẻ đứng chờ mẹ ở cổng trưởng. May mà con đi làm thuê về qua trông thấy đón về, suýt nữa thì chúng bị lạc hoặc đi theo đám bạn ra sông chơi ngã xuống nước đấy! Cho nên con bảo vợ con phải từ chức ngay là thế!
Lão Cốc và ông Tô đều lắc đầu trước lý lẽ của thằng Bất. Đúng là những chuyện “vợ quan-quan vợ” rắc rối thật!
Hà Nội, ngày 22-6-2020

Không có mô tả ảnh.













Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

Tản văn 7 NGÀY TRÊN ĐẤT TRIỀU TIÊN

7 NGÀY TRÊN ĐẤT TRIỀU TIÊN
Tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng khi dịch Covid-19 trên thế giới còn đang căng thẳng. Mong xung đột sẽ không xảy ra như việc cho nổ tung ngôi nhà hòa giải ở biên giới liên Triều. Đất nước Triều Tiên thật là bí ẩn với những điều mà thế giới chưa thể hiểu hết. Thập niên 90 tôi có dịp sang công tác tại Triều Tiên. Tôi nhớ đến cảnh vật và con người ở đây thật hiền hòa và mến khách. Thủ đô Bình Nhưỡng rất trật tự và thanh bình. Chúng tôi đã được leo lên tận đỉnh của ngọn Tháp Chủ thể, đứng ngay dưới ngọn lửa khổng lồ để ngắm toàn cảnh thủ đô Bình Nhưỡng, rồi đi tàu điện ngầm vượt qua dưới đáy sông Hàn, trèo lên núi Kim Cương, đến khu phi quân sự Bàn Môn Điếm, đi thăm các nhà máy quốc phòng, sân bay quân sự và căn cứ tàu ngầm ở sâu trong lòng núi đá, đến một quân đoàn của quân đội Triều Tiên ở phía Nam, xem diễn tập tại Học viện quốc phòng Kim Nhật Thành, thăm công trình lấn biển ở biển Tây. Đoàn chúng tôi cũng được tiếp xúc với những người dân đang xếp hàng mua nhu yếu phẩm trong cửa hàng bách hóa, vào khu biệt thự và được Chủ tịch Kim Nhật Thành tiếp, đi thăm nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử ở miền Bắc Triều Tiên...
Sau chuyến đi với những ghi chép của mình tôi đã viết bút ký “7 ngày trên đất Triều Tiên”. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị bảo tôi đưa cho ông đọc trước bút ký này. Đọc xong, ông gọi tôi lên và bảo: “Mày có con mắt quan sát tinh tường, có nhiều tư liệu và ghi chép, tìm hiểu sâu đấy. Nhưng bài viết này không thể đăng báo và không được cho ai đọc nhé!”. Tôi biết, những ghi chép của mình chỉ là những quan sát, cảm nhận chưa đầy đủ về đất nước Triều Tiên, nhưng quả là không thể đăng báo được. Hơn hai mươi năm qua rồi những ghi chép ấy vẫn nằm yên trong cặp tư liệu riêng của mình...
Hà Nội, 19/6/2020
TRỌNG BẢO
Ảnh (1): Ảnh chụp tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm.

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

Truyện ngắn vui QUÊN ĐÓNG DẤU “MẬT”

QUÊN ĐÓNG DẤU “MẬT”
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo
Lâu lắm sau đợt giãn cách xã hội chống dịch ông Tô và lão Cốc mới lại có dịp ngồi nhâm nhi thưởng thức trà với nhau. Mùa hè nóng bức nhưng xung quanh nhà lão Cốc có cây cối to cành lá sum xuê nên cũng đỡ nóng bức. Cuối buổi chiều cái không khí oi bức mới hơi giảm đi đôi chút. Ông Tô định đứng dậy ra về thì bố con thằng Bất chở nhau trên chiếc xe máy cũ phành phạch từ trường phóng về. Hai đứa trẻ rối rít chào và khoe:

- Tối hôm nay chúng cháu được đi xem xiếc đấy ông ạ!
- Xem xiếc ở đâu?
Lão Cốc hỏi lại. Đứa cháu lớn đáp:
- Có một đoàn xiếc về xã ta biểu diễn tối nay ông ạ!
Thằng Bất tiếp lời con:
- Nhân dịp quốc tế thiếu nhi, xã ta mời một đoàn ca nhạc tạp kỹ, xiếc ảo thuật về biểu diễn. Tối hôm nay họ mới về xã ta hai ông ạ! Nhưng giá vé cao lắm, những 50 ngàn đồng một vé. Nhà ta hai đứa thì phải mua ba vé để bố hoặc mẹ đi theo quản lý bọn trẻ con, tránh xảy ra chuyện như trong Nghệ An hôm rồi một bé năm tuổi bị thằng học sinh lớp 11 bắt cóc như trong games rồi bỏ chết đói trong rừng đấy!
Ông Tô bảo:
- Thế thì tiền vé mất đứt một ngày công lao động ở nông thôn rồi đấy!
Thằng Bất gật đầu rồi nói:
- Đúng thế! Nhưng cháu đã có cách... Ông cứ ở lại chơi, đừng về vội, để cháu đi kiếm vé giá rẻ. Bên nhà ông cũng có hai đứa trẻ con, tối nay cho chúng nó đi xem xiếc, chúng nó háo hức mong mãi đấy ông ạ!
Ông Tô không hiểu thằng Bất sẽ kiếm vé xem xiếc giá rẻ như thế nào. Ông tò mò ở lại chứ cũng không tin lắm. Thằng Bất phóng xe đi khoảng hơn ba mươi phút thì quay trở về. Nó hớn hở giơ sáu tấm vé lên nói:
- Có đủ vé đây rồi hai ông ạ! Chỉ có hai mươi ngàn một vé thôi. Tối nay các cháu được đi xem xiếc rồi!
Nói đoạn nó đưa cho ông Tô ba cái vé xem xiếc. Ông Tô cầm ba cái vé xem rồi kêu lên:
- Đây là “vé mời”, không có giá vé và có ghi rõ là dành cho lãnh đạo xã cơ mà?
- Đúng vậy, nhưng lãnh đạo xã đi xem ca nhạc và xiếc ảo thuật cho trẻ con làm gì? Họ bán lại cho cháu đấy ông ạ!
Lão Cốc cũng ngạc nhiên:
- Họ không đi xem thì họ lấy vé mời làm gì. Để chỗ cho trẻ con nó ngồi xem chứ!
Thằng Bất cười:
- Ôi... cụ ngây thơ quá! Đoàn nghệ thuật nào muốn về xã biểu diễn chả phải mời các lãnh đạo, người đứng đầu các ban ngành trong xã. Phải đến hàng trăm “vé mời” đấy. Lãnh đạo xã thì có bao giờ đi xem đâu. Họ nhận vé mời rồi bán lại kiếm chút tiền ấy mà.
Ông Tô lắc đầu:
- Hóa ra là vậy. Thảo nào có lần tôi được mời đi xem văn công nhìn thấy trong khu ghế dành cho lãnh đạo, khách mời toàn là bọn trẻ con ngồi nhốn nháo...
Thằng Bất nói tiếp:
- Các cụ không biết chứ, cấp xã có dăm “vé mời”, vé giá rẻ đem bán lại kiếm được hơn trăm ngàn đồng, cấp trung ương mấy năm trước vợ một ông thứ trưởng có 50 vé bóng đá, bán lại kiếm được cả trăm triệu đồng một trận bóng đá quốc tế đấy!
Lão Cốc lẩm bẩm:
- Đúng là ăn chả từ thứ gì... Những người làm ăn chân chính cũng khổ vì bao nhiêu loại phụ phí, bao nhiêu kẻ ăn theo kiểu như thế này?
Thằng Bất nói thêm:
- Vừa rồi tổng cục “Du hí” họ còn có công văn xin ngành hàng không cho không 400 vé máy bay để đi công tác đấy hai cụ ạ!
Ông Tô nói:
- Đi công tác thì phải chi tiền công tác phí của ngành mình ra chứ! Tại sao lại đi xin, bắt ngành khác phải gánh cho? Mà đấy là tổng cục du lịch, không phải là “tổng cục du hí” hiểu không?
Thằng Bất bật cười:
- Thì họ chuyên đi chơi gọi là “du hí” cũng được ạ! Họ là quan trên, là ngành chủ chốt... Họ xin chả lẽ lại dám chống, không cho à?
Lão Cốc vẻ bức xúc:
- Xin mà đến những 400 vé máy bay đi trong nước và cả quốc tế... Thế sao họ không xin luôn một chuyến chuyên cơ mà đi cho nó tiện?
Thằng Bất giải thích:
- Họ đi các hướng khác nhau, người bay vào nam, người bay ra bắc, người bay đi quốc tế thì sử dụng chuyên cơ thế nào được, vòng vèo mất thời gian?
Lão Cốc thủng thẳng:
- Thì chuyên cơ bay vòng vèo có sao đâu. Đợt Covid-19 vừa rồi có đoàn đi công tác ở Ấn Độ còn bay vòng sang tận nước Anh chơi rồi mới bay quay trở về Việt Nam, xa gấp mấy lần đường bay cơ mà?
Ông Tô nói:
- Đúng thế! Nhưng có lẽ do dư luận phản ứng chuyện xin 400 vé máy bay này ghê quá nên họ xin rút công văn rồi ông ạ!
Thằng Bất lắc đầu:
- Họ rút chỉ vì họ quên đóng dấu “MẬT” đấy thôi cụ ạ! Nếu mà họ đóng dấu mật thì ai biết đâu mà phê phán chứ?
Lão Cốc bảo:
- Mày nói thế nào chứ, công văn xin vé máy bay tại sao lại phải đóng dấu mật. Đây chỉ là hoạt động giao dịch kinh tế bình thường mà?
- Thì đấy! Kế hoạch tăng giá điện của “bộ Công tơ” chả đóng dấu mật à. Rồi dự án đầu tư mua AVG của “bộ Thông thiên” cũng chỉ là các hoạt động kinh tế bình thường, chả phải bí mật quốc gia, bí mật quân sự gì mà vẫn được đóng dấu mật đấy thôi?
Lão Cốc nhăn mặt:
- Mày lại nói lung tung rồi. Đấy là bộ Công thương và bộ Thông tin, không phải là “bộ Công tơ” và “bộ Thông thiên”. Mà cũng không hiểu tại sao lại phải đóng dấu mật nhỉ?
- Độc quyền giá điện thì gọi tắt là “bộ Công tơ” cho tiện. Việc dám cả gan tăng giá trị AVG lên đến bốn ngàn tỷ đồng thì chỉ có ông trời mới dám làm. Thế chả phải họ đã “thông thiên”, thông đồng với trời thì còn là cái gì nữa ạ! Còn việc họ đóng dấu mật, nếu như nước Mỹ, 50 năm nữa mới giải mật, lúc đó mọi người mới biết thì truy trách nhiệm thế nào được nữa! Cái công văn “xin 400 vé máy bay” nếu mà họ đóng dấu mật thì cũng thôi rồi lượm ơi...
Ông Tô gật gù:
- Quả đúng là như vậy!
Ông Tô nhìn ba cái vé xem xiếc đang cầm trên tay nghĩ: “Không biết kế hoạch tặng vé mời cho lãnh đạo xã ta có được đóng dấu mật không nhỉ?”...
Hà Nội, ngày 11-6-2020

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

Truyện ngắn vui GIÀU NGHÈO HỖN ĐỘN

GIÀU NGHÈO HỖN ĐỘN
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo


Mùa hè nóng bỏng. Bầu trời không một gợn mây, cuối chiều rồi nắng còn chói lóa. Làng xóm bây giờ toàn nhà bê tông, đường bê tông nên không khí càng thêm nóng bức hầm hập. Lão Cốc đang ngồi vặt lạc ở thềm nhà thì thằng Bất đón hai con từ trường về phóng xe vào sân. Hai thằng cháu mặt mũi đỏ căng, cặp sách đeo nặng trễ vai. Lão Cốc bảo:
- Hai đứa cất cặp sách, lau mặt mũi đi, lát nữa ông luộc lạc cho mà ăn nhé!
Thằng bé lớn phụng phịu:
- Con không ăn lạc đâu! Con muốn ăn kem cho mát cơ?
- Hừ... thôi được, lát nữa ông sẽ cho hai đứa ra đầu làng mua kem! Mỗi đứa một que kem sữa nhé!
Hai thằng bé hớn hở xúm đến cùng lão Cốc vặt lạc. Lão Cốc hỏi thằng cháu lớn:
- Sao lúc nãy đi học về cháu có vẻ buồn thế?
Thằng bé lớn không trả lời mà hỏi lại ông:
- Nhà ta có... giàu không ông?
Lão Cốc lắc đầu:
- Nhà ta không giàu nhưng cũng không quá nghèo, là hộ cận nghèo cháu ạ!
- Cháu muốn nhà ta phải thật giàu cơ...
- Muốn được như thế thì bố mẹ cháu sẽ phải tích cực lao động, các cháu phải cố gắng học thật giỏi nhé!
Thằng bé gật đầu:
- Vâng ạ! Chúng cháu sẽ cố gắng... Cháu mong nhà ta sẽ nhanh thật giàu để còn được nhận quà từ thiện là cặp sách và xe đạp mới như các bạn ở trường...
Lão Cốc trố mắt ngạc nhiên hỏi lại:
- Ông tưởng các bạn nhà nghèo mới được nhận quà từ thiện chứ?
Thằng bé trả lời:
- Nhưng ở trường cháu toàn các bạn nhà giàu được nhận quà từ thiện thôi ông ạ! Đấy thằng Ngọc, cái Linh, cái Liên... nhà chúng nó đều có ô tô nên hôm nay mới được nhận quà từ thiện đấy ông ạ!
Lão Cốc càng không hiểu:
- Cháu nhầm thế nào chứ! Con nhà giàu ai người ta còn trao quà từ thiện cho nữa?
Thằng Bất đang lau xe máy ở sân liền lên tiếng trả lời thay con:
- Đúng thế đấy bố ạ! Hôm nay ở trường của các cháu có một đoàn từ thiện về tặng quà cho ba mươi đứa tất cả. Mỗi đứa được tặng một cái cặp sách, một chiếc xe đạp và một suất học bổng năm triệu đồng... Toàn là những đứa con nhà giàu trong xã ta cả thôi...
Lão Cốc tỏ vẻ băn khoăn:
- Chắc là mày cũng nhầm thế nào chứ? Hay là nhà trường họ nhầm lẫn. Ai lại đi tặng quà cho con cái nhà giàu chứ?
Thằng Bất cười to:
- Thế thì đúng là bố chưa biết đấy thôi! Chuyện có thật đấy. Con đã điều tra rồi. Những đứa được tặng quà từ thiện hôm nay đều là con, cháu các cán bộ xã có nhà tầng, nhiều nhà còn có ô tô riêng đấy bố ạ!
- Nói thế thì tại sao chúng còn được tặng quà từ thiện lẽ ra là dành cho các trẻ em nghèo thế?
Thằng Bất giải thích:
- Là thế này bố ạ! Bọn con cái các cán bộ xã này đều đã được “gửi”, được chuyển hộ khẩu vào các hộ nghèo từ lâu rồi. Họ làm như thế để con cháu họ đi học được miễn học phí, không phải đóng góp tiền xây dựng trường, được tài trợ bữa trưa ăn bán trú... về lâu dài còn được ưu tiên khi xét tuyển đại học cao đẳng, đại học nữa đấy vì chúng là học sinh của các hộ nghèo mà! Khi có đoàn từ thiện về thăm tặng quà, nhà trường cứ chiểu theo danh sách học sinh nghèo mà gọi, thế là còn được cả quà từ thiện nữa...
Lão Cốc thắc mắc:
- Chuyện vô lý thế mà họ cũng làm được à?
- Thì quyền hành ở trong tay họ mà. Cán bộ xã họ yêu cầu, công an xã họ chuyển khẩu đi đâu mà chả được? Con các cán bộ xã bây giờ hộ khẩu đều gửi ở các hộ nghèo đấy!
- Thật đúng là chuyện không thể tưởng tượng nổi!
- Bố còn chưa biết đấy! Nhiều xã muốn “đạt tiêu chuẩn nông thôn mới” họ còn sáp nhập các hộ nghèo lại với nhau cho đạt chỉ tiêu giảm nghèo nhanh đấy...
Lão Cốc còn đang nhăn nhó suy nghĩ về việc thằng Bất vừa nói thì nó lại bảo:
- Hì... giảm được các hộ nghèo nhanh lấy “tiêu chuẩn nông thôn mới”, nhưng khi có tiền hỗ trợ dịch Covid-19 các cán bộ lại tranh nhau làm hộ nghèo, làm hộ cận nghèo để nhận tiền hỗ trợ đấy bố ạ!
- Chuyện ấy thì tao biết... cán bộ nhiều người chả còn liêm sỉ, nhân cách gì cả. Chỉ vì mươi cân gao, hơn triệu đồng hỗ trợ mà tranh nhau là hộ cận nghèo để nhận, nghĩ mà chán...
- Thì họ ăn không từ thứ gì mà lại? Bố không nhớ cái chuyện từng nghe ở quán mụ Béo à? Họ ăn bất cứ dự án gì, kể cả các dự án khai thông cống rãnh, xây nhà phụ sản, nhà vệ sinh cho các cháu học sinh. Con đọc báo thấy có vị hiệu trưởng và cán bộ thuộc cấp ở Ninh Bình còn bớt được cả mấy tỷ đồng từ bữa ăn trưa khẩu phần ít ỏi bán trú của học sinh nghèo đấy!
- Chuyện ấy tao cũng biết rồi! Thương các cháu nhà nghèo phải ăn cơm nguội với ve sầu mà lãnh đạo huyện vẫn bảo là các cháu thích như thế? Đúng là các cán bộ bây giờ giàu nghèo lung tung quá!
Thằng Bất nói thêm vẻ tỉnh bơ:
- Đúng là cũng còn có nhiều ông cán bộ nghèo thật bố ạ! Như ông giám đốc sở ở Yên Bái phải đi chặt chổi đót để làm biệt thự và mới đây nhất là ông phó chủ tịch tỉnh ở Lạng Sơn nghèo quá vợ phải đi vay bạn bè hơn 100 tỷ để xây lâu đài đấy bố ạ!
- Hừ... hừ... giàu nghèo bây giờ sao mà hỗn độn quá... - Lão Cốc lủng bủng trong miệng “Có lẽ họ nghèo thật! Nhưng họ nghèo là nghèo... phẩm chất và tư cách của những “công bộc” của dân, nghèo ở lòng tự trọng của một con người...”. Đoạn lão gọi hai thằng cháu ra đầu làng mua kem. Hai thằng bé vui mừng chạy theo ông. Trong đầu chúng tạm quên đi câu chuyện ở trường các bạn nhà giàu được nhận quà từ thiện...

Hà Nội, ngày 8-6-2020

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

Truyện ngắn vui QUÁI VẬT GIÃY CHẾT

QUÁI VẬT GIÃY CHẾT
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo
Ông Tô chuẩn bị sách vở chai nước cho hai đứa cháu đi học. Mùa hè nắng nóng như nung mà các cháu vẫn phải tới lớp khiến ông rất lo lắng. Các cháu ông đứa nào cũng học giỏi. Lẽ ra như năm ngoái thì chúng đã được nghỉ hè rồi. Năm nay, do dịch Covid-19 nên mùa hè chúng vẫn phải đi học để bù lại thời gian nghỉ dài ngày do giãn cách xã hội vừa qua. Ông Tô bảo:
- Trời nắng nóng, khi nghỉ giữa giờ các cháu chỉ chơi dưới gốc cây sân trường cho mát, đừng chạy nhảy lung tung nhé!
Thằng bé lớn vội nói:
- Chúng cháu không chơi dưới sân trường đâu. Sân trường nắng lắm...
- Ông tưởng sân trường cấp 1 đầy cây xanh bóng mát chứ?
Ông Tô vẫn nhớ ngôi trường làng mà mình từng bao nhiêu năm gắn bó. Thằng bé lớn vội nói:
- Ông ơi! Ông không biết rồi, sân trường của cháu bây giờ cây cối chặt trụi hết rồi, làm gì còn bóng mát nữa ạ!
- Sao lại thế! Tại sao lại chặt hết cây cối đi thế hả?
- Cháu không biết, chỉ nghe nói là chặt hết đi để cây khỏi đổ vào đầu học sinh ông ạ!
Lão Cốc vừa vào đến cổng nghe thấy thế liền trả lời thay thằng bé:
- Từ khi cái cây phượng ở thành phố Hồ Chí Minh bị gãy đổ làm học sinh bị thương vong toàn quốc hiện nay đang dấy lên phong trào “tiêu diệt sạch” các cây phượng trên sân trường đấy ông ạ! Họ chặt trụi hết cây già lẫn cây non để yên tâm...
Ông Tô càng ngạc nhiên:
- Sao lại lạ thế nhỉ! Cây phượng đem lại bóng mát sân trường cho các em. Cây nào già cỗi quá hãy chặt hạ. Chúng có tội tình gì mà “tiêu diệt sạch” như thế?
Ông Tô thấy buồn vì hình ảnh cây phượng sân trường là kỷ niệm đẹp một thời đi học rồi làm thầy giáo của mình. Ông nói, giọng chùng xuống:
- Thương cho những cây hoa phượng quá ông ạ!
Lão Cốc bảo:
- Vừa rồi cây phượng đổ làm học sinh thương vong toàn quốc nổi lên phong trào “tiêu diệt cây phượng”. Tới đây cây nhãn đổ mà gây tai nạn sẽ là phong trào “tiêu diệt cây nhãn”, khi cây gạo đổ sẽ "tiêu diệt cây gạo". Các loại cây lộc vừng, cây đa, cây sấu, cây nào mà đổ thì sẽ có ngay phong trào tiêu diệt loại cây ấy thật rầm rộ ông ạ!
- Đúng là tâm lý “sợ trách nhiệm” kiểu này lây lan nhanh thật ông ạ!
Nói đoạn, ông Tô quay sang bảo các cháu:
- Thôi hai cháu theo bà đưa đi học đi. Học giỏi rồi ông sẽ thưởng cho!
Thằng bé lớn nói:
- Ông không phải thưởng nữa đâu! Bố cháu đã hứa khi nào được nghỉ sẽ cho đi tham quan thủ đô Hà Nội rồi ông ạ!
Ông Tô nói đùa:
- Thế cháu không còn sợ “con quái vật khổng lồ”, dài loằng ngoằng, thân nó toàn bằng sắt thép, xi-măng bê tông và có những hai đầu, một đầu ở Hà Đông, một đầu ở Cát Linh nữa à?
Thằng bé vênh mặt lên cười. Nó vừa đeo ba lô đầy sách vở chạy ra cổng vừa nói:
- Bố cháu nói không phải sợ con quái vật này nữa! Nó đang giãy chết rồi ông ạ!
Ông Tô trố mắt ngạc nhiên. Lão Cốc nghe thế phì cười nói:
- Bọn trẻ con nói đúng đấy! “Con quái vật thủ đô” nó đang giãy chết thật rồi ông ạ!
- Tại sao lại thế?
- Thì giá thành gần gấp đôi, ngót nghét cả tỷ đô-la, tiến độ chậm đến mười năm rồi. Nghe nói vừa rồi tổng thầu bên Tàu lại còn vòi thêm 50 triệu đô-la nữa để “chạy thử”, mà chạy thử xong chưa chắc đã “chạy thật” được. Như thế chả phải là nó đang giãy chết thì còn là cái gì nữa hả ông giáo?
Ông Tô băn khoăn:
- Chả lẽ một công trình hoành tráng giữa thủ đô mà nhà nước ta lại để tình trạng dây dưa mãi như thế à?
- Thì... đã lỡ làm rồi thì bây giờ biết làm thế nào? Có khi cái sáng kiến cải tạo làm thành đường đi bộ trên cao giúp dân ta có chỗ để rèn luyện thể dục thể thao, đi bộ, leo núi ngay giữa thủ đô… rồi tổ chức các “tour du lịch đặc biệt” dành cho du khách nước ngoài đi bộ khám phá Hà Nội từ trên cao lại trở thành hiện thực đấy. Biết đâu hiệu quả kinh tế lại cao hơn hẳn cả việc chạy tàu điện chuyên chở hành khách ấy chứ!
Ông Tô chép miệng nhắc lại câu nói cũ:
- Có lẽ đành phải thế thôi… Thất bại của ngành giao thông có khi lại là thành công của ngành du lịch đấy ông ạ!
Lão Cốc gật gù rồi ứng khẩu thành thơ luôn:
“Quái vật đang giãy chết rồi
Coi chừng nó chết khối người chết theo,
Nước mình nghèo lại thêm nghèo
Bởi bao quái vật nằm khoèo khắp nơi...”.
Hà Nội, ngày 3-6-2020