Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

Truyện ngắn vui QUÁI VẬT GIÃY CHẾT

QUÁI VẬT GIÃY CHẾT
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo
Ông Tô chuẩn bị sách vở chai nước cho hai đứa cháu đi học. Mùa hè nắng nóng như nung mà các cháu vẫn phải tới lớp khiến ông rất lo lắng. Các cháu ông đứa nào cũng học giỏi. Lẽ ra như năm ngoái thì chúng đã được nghỉ hè rồi. Năm nay, do dịch Covid-19 nên mùa hè chúng vẫn phải đi học để bù lại thời gian nghỉ dài ngày do giãn cách xã hội vừa qua. Ông Tô bảo:
- Trời nắng nóng, khi nghỉ giữa giờ các cháu chỉ chơi dưới gốc cây sân trường cho mát, đừng chạy nhảy lung tung nhé!
Thằng bé lớn vội nói:
- Chúng cháu không chơi dưới sân trường đâu. Sân trường nắng lắm...
- Ông tưởng sân trường cấp 1 đầy cây xanh bóng mát chứ?
Ông Tô vẫn nhớ ngôi trường làng mà mình từng bao nhiêu năm gắn bó. Thằng bé lớn vội nói:
- Ông ơi! Ông không biết rồi, sân trường của cháu bây giờ cây cối chặt trụi hết rồi, làm gì còn bóng mát nữa ạ!
- Sao lại thế! Tại sao lại chặt hết cây cối đi thế hả?
- Cháu không biết, chỉ nghe nói là chặt hết đi để cây khỏi đổ vào đầu học sinh ông ạ!
Lão Cốc vừa vào đến cổng nghe thấy thế liền trả lời thay thằng bé:
- Từ khi cái cây phượng ở thành phố Hồ Chí Minh bị gãy đổ làm học sinh bị thương vong toàn quốc hiện nay đang dấy lên phong trào “tiêu diệt sạch” các cây phượng trên sân trường đấy ông ạ! Họ chặt trụi hết cây già lẫn cây non để yên tâm...
Ông Tô càng ngạc nhiên:
- Sao lại lạ thế nhỉ! Cây phượng đem lại bóng mát sân trường cho các em. Cây nào già cỗi quá hãy chặt hạ. Chúng có tội tình gì mà “tiêu diệt sạch” như thế?
Ông Tô thấy buồn vì hình ảnh cây phượng sân trường là kỷ niệm đẹp một thời đi học rồi làm thầy giáo của mình. Ông nói, giọng chùng xuống:
- Thương cho những cây hoa phượng quá ông ạ!
Lão Cốc bảo:
- Vừa rồi cây phượng đổ làm học sinh thương vong toàn quốc nổi lên phong trào “tiêu diệt cây phượng”. Tới đây cây nhãn đổ mà gây tai nạn sẽ là phong trào “tiêu diệt cây nhãn”, khi cây gạo đổ sẽ "tiêu diệt cây gạo". Các loại cây lộc vừng, cây đa, cây sấu, cây nào mà đổ thì sẽ có ngay phong trào tiêu diệt loại cây ấy thật rầm rộ ông ạ!
- Đúng là tâm lý “sợ trách nhiệm” kiểu này lây lan nhanh thật ông ạ!
Nói đoạn, ông Tô quay sang bảo các cháu:
- Thôi hai cháu theo bà đưa đi học đi. Học giỏi rồi ông sẽ thưởng cho!
Thằng bé lớn nói:
- Ông không phải thưởng nữa đâu! Bố cháu đã hứa khi nào được nghỉ sẽ cho đi tham quan thủ đô Hà Nội rồi ông ạ!
Ông Tô nói đùa:
- Thế cháu không còn sợ “con quái vật khổng lồ”, dài loằng ngoằng, thân nó toàn bằng sắt thép, xi-măng bê tông và có những hai đầu, một đầu ở Hà Đông, một đầu ở Cát Linh nữa à?
Thằng bé vênh mặt lên cười. Nó vừa đeo ba lô đầy sách vở chạy ra cổng vừa nói:
- Bố cháu nói không phải sợ con quái vật này nữa! Nó đang giãy chết rồi ông ạ!
Ông Tô trố mắt ngạc nhiên. Lão Cốc nghe thế phì cười nói:
- Bọn trẻ con nói đúng đấy! “Con quái vật thủ đô” nó đang giãy chết thật rồi ông ạ!
- Tại sao lại thế?
- Thì giá thành gần gấp đôi, ngót nghét cả tỷ đô-la, tiến độ chậm đến mười năm rồi. Nghe nói vừa rồi tổng thầu bên Tàu lại còn vòi thêm 50 triệu đô-la nữa để “chạy thử”, mà chạy thử xong chưa chắc đã “chạy thật” được. Như thế chả phải là nó đang giãy chết thì còn là cái gì nữa hả ông giáo?
Ông Tô băn khoăn:
- Chả lẽ một công trình hoành tráng giữa thủ đô mà nhà nước ta lại để tình trạng dây dưa mãi như thế à?
- Thì... đã lỡ làm rồi thì bây giờ biết làm thế nào? Có khi cái sáng kiến cải tạo làm thành đường đi bộ trên cao giúp dân ta có chỗ để rèn luyện thể dục thể thao, đi bộ, leo núi ngay giữa thủ đô… rồi tổ chức các “tour du lịch đặc biệt” dành cho du khách nước ngoài đi bộ khám phá Hà Nội từ trên cao lại trở thành hiện thực đấy. Biết đâu hiệu quả kinh tế lại cao hơn hẳn cả việc chạy tàu điện chuyên chở hành khách ấy chứ!
Ông Tô chép miệng nhắc lại câu nói cũ:
- Có lẽ đành phải thế thôi… Thất bại của ngành giao thông có khi lại là thành công của ngành du lịch đấy ông ạ!
Lão Cốc gật gù rồi ứng khẩu thành thơ luôn:
“Quái vật đang giãy chết rồi
Coi chừng nó chết khối người chết theo,
Nước mình nghèo lại thêm nghèo
Bởi bao quái vật nằm khoèo khắp nơi...”.
Hà Nội, ngày 3-6-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét