Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

Truyện ngắn BẠN TÙ (phần cuối)

BẠN TÙ (phần cuối)
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Tôi về đến trang trại của anh Bính thì đã gần trưa. Khu trang trại của anh Bính xanh tươi. Sau bao năm khai phá, trồng trọt mỏm đồi trồng cây ăn quả đã bắt đầu cho thu hoạch. Mùa vải đầu tiên phơi màu quả chín sáng cả một vùng thung sâu cằn cỗi hẻo lánh. Tôi đi tắt qua bờ một con mương vào nhà anh. Anh Bính đi vắng. Trong khoảnh vườn nhỏ gần cổng vào có một thằng thanh niên đang quần dùi áo lót hùng hục cuốc đất đào hố trồng cây. Nghe tiếng con cún sủa, thằng thanh niên ngẩng lên hỏi:
- Chú cần tìm ai ạ?
- Tìm anh Bính... Ông ấy có ở nhà không?
Tôi đáp và hỏi thêm. Thằng thanh niên giơ tay lau mồ hôi trên trán rồi đáp:
- Bố cháu vừa mới vào làng có việc, chắc sắp về rồi!
Tôi trố mắt nhìn thằng thanh niên. Nó không phải là thằng Thuần con anh Bính. Thằng Thuần thì tôi còn lạ gì. Tại sao thằng này lại gọi anh Bính là bố? Tôi hỏi lại nó:
- Mày là thằng nào nhỉ! Tại sao lại nói là con ông Bính?
- Cháu là con bố Bính thật mà! Vậy chú là ai thế?
Tôi trừng mắt:
- Láo... ông Bính chỉ có mỗi thằng Thuần là con trai. Mày định lừa tao hả. Tao là dân chính gốc ở làng ở này đấy. Đừng có mà chí trá...
Thằng thanh niên cười hề hề. Nó đang định nói thêm điều gì nữa thì anh Bính về. Đi cùng với anh Bính còn có một người đàn ông đứng tuổi khác. Anh Bính vui vẻ:
- Hai chú cháu đã kịp làm quen với nhau rồi à?
Tôi hỏi anh ngay:
- Thằng này là thằng nào mà nó dám xưng là con của anh thế?
Anh Bính cười vẻ bí hiểm:
- Thì... nó chính là con của tao mà... Thôi hai chú cháu vào nhà cả đi. Trưa rồi phải chén cái đã...
Chợt nhớ ra anh chỉ người đàn ông đi cùng giới thiệu:
- Đây là lão Nhẫn, thầy thuốc mà tao đã kể cho mày nghe rồi đấy. Tôi khẽ "ồ" một tiếng trong lòng mà chỉ có mình mới nghe được rồi giơ tay ra. Lão Nhẫn nắm chặt tay tôi. Ánh mắt lão nhìn tôi chăm chú và có đôi chút ranh ma. Lão này quả là tay chẳng vừa, tôi thầm nhận xét. Lão Nhẫn mặt bộ đồ màu chàm, vai đeo một cái túi thổ cẩm. Trông lão có vẻ rất hoạt bát nhanh nhẹn. Vào đến trong nhà, anh Bính mới giới thiệu tiếp:
- Còn thằng này chính là "thằng tù oắt con" cùng ở trong trại giam với tao ngày trước đấy...
Tôi thêm một sự ngạc nhiên nữa. Tôi hỏi anh:
- Nhưng sao nó lại gọi anh là bố?
- Thì... ngay từ khi còn trong tù nó nhận tao là bố nuôi mà lại...
- À ra thế...
- Bây giờ nó là công nhân của một công ty tư nhân ở mãi trên thành phố, hôm nay nó về thăm tao...
Tôi đã hiểu. Nhưng tôi cũng chưa hiểu tại sao thằng này còn trẻ thế mà đã trải qua tù tội, không rõ vì tội gì. Như đoán được suy nghĩ của tôi anh Bính khoát tay bảo:
- Từ từ rồi tao kể cho nghe về mọi chuyện trong tù. Thằng Nguyên bưng mâm lên đi!
Thì ra thằng này tên là Nguyên. Nó bưng cái mâm đậy lồng bàn từ trong gian bếp ra. Một mâm cỗ đầy ú. Anh Bính bảo là thịt lợn rừng xchinhs cống nhưng nuôi thả ở trên đồi. Bốn chúng tôi cùng ngồi vào mâm. Lão Nhẫn lúc này mới lên tiếng:
- Nào... mời anh một ly. Thật vinh hạnh được chạm cốc cùng nhà báo!
Hóa ra anh Bính đã nói trước với lão Nhẫn tôi là nhà báo. Điều này thật dở quá. Vì khi biết tôi là nhà báo lão sẽ thận trọng khi trò chuyện. Đúng vậy, suốt bữa lão chỉ toàn nói những chuyện dông dài, về hoa lá, cây thuốc, thật khó có thể khai thác được gì hơn. Những người như lão phải thật thân tình thì mới mở lòng, không phải ai cũng có thể tâm sự nếu tình cảm của họ không tâm giao.
Anh Bính cũng kể sơ qua cho tôi biết về thằng Nguyên. Thằng này đã học hết phổ thông, vốn là một học sinh giỏi, ngoan ngoãn. Việc nó trở nên sừng sẹo chính là từ biến cố của gia đình. Bố nó bị bắt oan trong một vụ án đâm ra quẫn trí treo cổ tự tử. Mẹ nó bỏ đi. Nó trở thành một kẻ bơ vơ vất vưởng. Từ chuyện hận đời gia đình ấy đẩy nó trở thành một tên bụi đời chuyên đánh nhau và ăn cắp. Phương châm của nó là "ăn trộm của người giàu, giúp đỡ người nghèo". Đấy là nó học được từ sách vở. Nhưng bây giờ đâu phải là thế kỷ 19. Làm gì còn có những kẻ giang hồ trượng nghĩa, anh hùng hảo hán võ nghệ sơn lâm nữa. Nó bị bắt chính từ một cái áo hàng hiệu lấy trộm trong lần đột nhập vào nhà một ông cán bộ to. Cái áo ấy nó đem cho một thằng bé nghèo ở tận xóm núi xa. Thằng bé mặc áo đi học. Không ngờ thằng bé ấy ngồi cạnh thằng con ông cán bộ kia. Thằng con ông cán bộ nhận ra ngay cái áo của mình liền về nói lại với bố. Ông bố lập tức lệnh cho công an vào cuộc điều tra. Thế là thủ phạm vụ đột nhập vào khu biệt thự bị phát hiện. Công an thu lại được tiền vàng và cả cái áo nó đã tặng thằng bé nghèo nơi xóm núi. Trong tù nó gặp anh Bính. Từ sự hỗn láo lúc đầu dần dần nó thấy cảm phục anh Bính bởi anh luôn chú ý chăm lo cho nó những lúc nó ốm đau trong tù. Anh khuyên bảo nó những điều hướng thiện. Khi được tha tù nó được anh Bính xin cho vào làm việc tại một công ty của người bạn cựu chiến binh trên thành phố. Nó nhận anh Bính là bố nuôi, ngày nghỉ thỉnh thoảng đáo về thăm anh.
Câu chuyện về những người bạn trong tù của anh Bính đại loại là thế. Lão Nhẫn kiên quyết không hé răng kể một chuyện gì về cuộc đời mình. Lúc chia tay với chúng tôi ngược lên vùng rừng núi Tuyên Quang lão chỉ dặn tôi:
- Mời anh khi nào rảnh lên thăm nhà tôi. Tôi sẽ tặng anh một giò phong lan rừng thật đẹp!
Thằng Nguyên cũng xin phép lên thành phố để ngày mai đi làm ca sáng. Chỉ còn tôi với anh Bính ngồi lại trong căn nhà nhỏ giữa khu đồi vắng. Tôi giúp anh Bính dọn dẹp nhà cửa. Anh Bính bảo:
- Cứ để đấy! Lên đây ngồi uống nước đã. Chè pha mới đây.
Anh Bính đưa tôi chén chè mới hương thơm hơi ngai ngái. Tôi vừa nhấm nháp vị chè đồi mới sao vừa trông ra phía dãy núi xã xa trước nhà. Mây mù đang dâng dâng tràn đến. Một cơn mưa rào sắp ập xuống. Anh Bính trầm ngâm nhìn ra phía núi xa chợt bảo tôi:
- Tự dưng tao nhớ những ngày ở mặt trận Cao Bằng năm ấy quá...
Nghe anh nói tự dưng tôi cũng thấy nao nao trong lòng. Mới đấy mà đã hơn ba mươi năm qua rồi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Những người lính chiến năm nào cùng nhau sinh tử nơi chiến địa bây giờ mỗi người mỗi ngả, mỗi số phận đường đời khác nhau. Không biết còn có ai khổ ải gian lao như anh Bính không?
(hết) Hà Nội, tháng 8-2018

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Truyện ngắn BẠN TÙ (phần 4)

BẠN TÙ (phần 4)
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

Lão Nhẫn bốc cho cô con gái ông cán bộ tỉnh một thang thuốc tẩy thai. Lão dặn uống dò kỹ việc sắc và uống thuốc như thế nào có hiệu quả. Sau ba ngày trở lại để lão khám và cho thêm một thang thuốc nữa để bồi bổ sức khỏe, ổn định dạ con, khỏi ảnh hưởng đến việc sinh sản sau này. Đúng ba ngày sau cô con gái trở lại hiệu thuốc của lão Nhẫn. Lần này cô đi một mình. Anh lái xe đưa cô bé đến rồi đi ngay hẹn sau một giờ sẽ quay lại đón.
Cô con gái ông cán bộ tỉnh bước vào hiệu thuốc. Nhìn thoáng qua nét mặt cô bé lão Nhận biết là thuốc đã có hiệu nghiệm. May cái thai chỉ vừa mới hình thành nên khi nó bị tống ra ngoài chỉ như một lần “thấy tháng” của phụ nữ. Tuy biết chắc kết quả nhưng lão Nhẫn vẫn bảo cô bé ngồi đặt tay lên bàn để “xem” lại mạch. Mạch của cô bé đã hanh thông, huyết khí đã hài hòa nhưng lão chợt nhận ra có cái gì đó rất lạ. Làm nghề thầy thuốc lâu rồi lão rất hiểu về phụ nữ. Người phụ nữ chính chuyên, mạnh khỏe thì mạch thường ổn định. Người đàn bà, con gái có tính dâm thì mạch nóng và thất thường. Kết hợp giữa bắt mạch và xem tướng mạo lão thường chỉ trúng bệnh và đoán trúng cả tính cách từng người. Vì vậy nhiều người đàn bà đã ngã vào vòng tay của lão. Nhìn cặp vú tròn căng cô bé lấp ló trong cái cổ áo khoét rộng lão Nhẫn chợt thấy rung động. Nếu ai biết nghề mà bắt mạch cho lão thì sẽ thấy mạch của lão lúc này cũng đang nhiễu loạn. Mạch của lão lúc này giống y như mạch của cô bé con ông cán bộ tỉnh.
Không kìm nén được ham muốn của mình, lão Nhẫn bắt đầu giở món nghề chinh phục phụ nữ ra. Lão nhận ra một dấu hiệu đặc biệt trên khuôn mặt cô bé. Đó là cái nốt ruồi nhỏ xíu ở môi trên phía bên phải. Theo sự sắp đặt của tạo hóa thì sẽ có một nốt ruồi khác đối diện với nốt ruồi đó. Nếu lấy cái rốn làm tâm đối xứng thì ở mép ngoài bên trái vùng kín của cô bé sẽ có một cái nốt ruồi to hơn. Đối với đàn ông cũng vậy. Lão Nhẫn dựa vào việc bắt mạch để đoán bệnh tật tâm tính, nhìn mặt để bắt hình dong. Có phụ nữ khi lão Nhẫn nói về cái nốt ruồi đặc biệt ở chỗ kín đã vội vào ngay nhà vệ sinh để kiểm tra xong trở ra đều hết lời ca ngợi biệt tài của ông thầy thuốc phố núi. Có cô còn đòi lão cùng vào xem có thật hay không. Lão Nhẫn đã chiếm đoạt được rất nhiều phụ nữ nhờ thế.
Cô bé con ông cán bộ tỉnh trò xoe mắt khi nghe lão Nhẫn nói đúng vị trí cái nốt ruồi ở bên trái vùng kín của mình. Câu chuyện giữa hai người vì thế thêm cởi mở, thân mật hơn. Khi anh lái xe đến đón bóp còi “phin… phin…” ngoài cửa gọi mà cô gái vẫn không muốn rút bàn tay trắng nõn ra khỏi bàn tay vàng khè màu thuốc nam của lão Nhẫn. Cô khẽ nói:
- Ba hôm nữa em lại lên lấy thuốc nhé!
Lão Nhẫn gật đầu:
- Ừ… nhớ lên lấy thêm thuốc uống cho lại người nhé…
Nói đoạn, lão kéo ngăn tủ phía trên cùng lấy ra mấy cái lá thả thêm vào thang thuốc trước khi gói lại đưa cho cô gái. Sau này công an tra hỏi đó có phải là “bùa ngải” để chài phụ nữ hay không nhưng lão im lặng không trả lời. Khi kể lại câu chuyện cho anh Bính lão mới nói thật, đó chỉ là một vị thuốc tăng cường sinh dục cho phụ nữ mà thôi. Bùa ngải chỉ là những câu chuyện hoang đường.
Ba ngày sau cô bé lại đến lấy thuốc. Hôm đó lão cho anh giúp việc nghỉ. Lần này cô tự đi xe khách đến một mình. Khi cô bé bước vào cửa nhìn nét mặt lão Nhẫn hiểu cô không đến để bốc thuốc. Lão liền đóng cửa hiệu khám riêng cho cô bé. Lần này lão không chỉ bắt mạch. Lão còn được xem và cầm nắm nhiều thứ. Cơ thể cô bé quả là rất đẹp. Cô bé chỉ cho lão nhìn tận mắt thấy vị trí cái nốt ruồi ở phía dưới mà lão đã đoán đúng hôm trước. Lão không những được thấy và còn được sờ tận tay mãi chỗ cái nốt ruồi bí ẩn ấy… Hôm ấy lão đã chiếm đoạt được cô bé con ông cán bộ tỉnh. Cô bé thấy thỏa mãi vô cùng. Một cảm giác khác hẳn với khi ngủ với thằng bạn học trẻ con cứ như chuồn chuồn đạp nước. Sau khi ngủ với lão Nhẫn cô bé thấy ngạc nhiên vậy mà cái thằng bạn ấy cũng làm mình dính bầu mới lạ. Lão Nhẫn là thầy thuốc lại có kinh nghiệm cho nên cô bé ngày càng chăm chỉ việc tự đi lấy thuốc.
Song mọi việc không qua mắt được ông cán bộ tỉnh vốn trưởng thành từ ngành an ninh. Khi thấy những thang thuốc vứt đầy góc vườn mà con gái vẫn năng đi bốc thuốc ông nghi ngờ và cho người bí mật theo dõi. Nghe người được cử đi theo dõi con gái về thông báo tình hình ông cán bộ tỉnh uất lắm. Ông ngồi lặng hàng giờ trên ghế nghiến răng trèo trẹo như mọt nghiến gỗ. Thế là lão Nhẫn có công thành có tội. Lão giúp ông cán bộ tỉnh tẩy được cái thai trong bụng con gái nhưng lại cho cái thai khác vào. Lão chưa kịp bốc cho cô bé thang thuốc tẩy thứ hai thì bị bắt.
Buổi trưa hôm đó lão đang nửa nằm, nửa ngồi trên ghế trong hiệu thuốc lim dim mắt nghĩ đến chiều nay sẽ lại được “bốc thuốc” cho cô bé con gái ông cán bộ tỉnh thì công an đạp cửa ập vào.
Anh đại úy công an mặt sắt đen sì hạ lệnh:
- Anh Nhẫn! Đứng dậy nghe đọc lệnh bắt tạm giam và lệnh khám nhà!
Lão Nhẫn bật dậy ngơ ngác. Lão nhìn quanh thấy lố nhố những bóng áo vàng của công an. Đại diện chính quyền địa phương cũng đã có mặt để chứng kiến việc bắt người và khám xét. Lão Nhẫn bàng hoàng hỏi:
- Tôi… tôi bị bắt vì tội gì?
- Tội buôn bán thuốc phiện!
Anh đại úy mặt đen gằn giọng chắc nịch như đinh đóng cột. Lão Nhẫn vội cãi:
- Tôi không buôn bán thuốc phiện! Tôi chỉ chuyên bốc thuốc nam, thuốc bắc thôi.
- Khám nhà rồi khắc rõ đúng hay sai!
Sau khi đọc lệnh bắt tạm giam và lệnh khám nhà công an bắt đầu lục soát hiệu thuốc của lão Nhẫn. Họ đổ hết các khay thuốc nam ra nên nhà bới tìm. Cuối cùng, họ tìm thấy ở một ngăn tủ bí mật một cục nhựa đen sì gần bằng ngón tay cái. Đó là thuốc phiện. Thực ra thuốc phiện cũng là một vị thuốc quý. Nó chữa trị được rất nhiều bệnh, kể cả những bệnh nan y. Hầu như hiệu thuốc nào cũng có một chút nguyên chất, hoặc chế phẩm của loại thảo dược quý và cấm này. Chỉ có điều không hiểu tại sao hiệu thuốc của lão Nhẫn số lượng công an tìm thấy lại hơi nhiều. Lão Nhẫn cãi không phải của lão. Lão chỉ có lượng thuốc phiện bằng hạt lạc thôi. Nhưng ai mà thèm tin lão. Lão Nhẫn bị bắt. May là lão chỉ bị xử có hơn ba năm tù. Bọn tù bảo “Tội của lão lẽ ra tử hình mới phải!”. Một mẩu thuốc phiện bằng ngón tay cái mà tử hình thì hơi nặng nhưng ba năm tù thì quả hơi nhẹ. Chắc có sự chỉ đạo gì chăng?
Trong thời gian lão đi tù cô bé con ông cán bộ tỉnh sau khi vào bệnh viện giải quyết hậu quả cũng xuất ngoại đi du học…
(còn nữa) Hà Nội, tháng 8-2018

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

Truyện ngắn BẠN TÙ (phần 3)

BẠN TÙ (phần 3)
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Anh Bính nằm gần lão Nhẫn "thầy thuốc". Mặt cái bệ xi-măng làm giường ngủ cho bọn tù nhân trong phòng giam lạnh ngắt khiến anh không tài nào mà chợp mắt được. Các vết thương chiến tranh ở đùi và ở ngực bắt đầu hoành hành đau âm ỉ khiến anh cứ trằn trọc mãi. Trời càng về khuya càng lạnh. Thấy anh trở mình liên tục lão Nhẫn "thầy thuốc" liền nói nhỏ:
- Cố mà ngủ đi. Ngày mai còn phải đi cuốc đất trồng cây đấy!
- Tôi thấy người hơi đau. Chắc mấy vết thương chiến tranh có dịp hoành hành đây...
- Ông cứ cố gắng chịu đựng thêm vài ngày nữa. Tôi sẽ tìm cách nhắn ra cho người nhà chủ nhật này vào thăm nuôi đem cho vài vị thuốc trị thương là sẽ đỡ...
- Cảm ơn bác quá!
- Cảm ơn quái gì... đều là bọn tù cả thôi. Giúp được nhau cái gì thì giúp. Nếu ở ngoài thì chuyện mấy vết thương này của ông chỉ là chuyện muỗi, tôi cho vài thang thuốc là khỏi tiệt luôn...
Anh Bính nói:
- Chắc là khó vì nó mạn tính mất rồi bác ạ!
- Ông bị thương thế nào?
- Khi dẫn một số cán bộ, chiến sĩ lao vào vòng vây để cứu thương binh và số anh em đi sau thì bị một quả pháo nổ gần nên gãy chân, bị sức ép... Lúc tỉnh dậy đã thấy anh em kéo lên được sườn núi. Do bị địch bao vây, không cấp cứu kịp thời nên vết thương của tôi ngày càng nặng, suýt nữa thì chết vì nhiễm trùng đấy.
Lão Nhẫn thở dài:
- Mẹ kiếp! Một con người như ông mà có lúc cũng khốn nạn... Khi còn làm cán bộ chắc chả chấm mút được nhiều gì mà lại bị tù tội thế này?
Anh Bính bảo:
- Tôi không tham ô nhưng việc chỉ đạo, quản lý lơi lỏng để sai phạm xảy ra cũng vẫn bị đi tù bác ạ!
- Cũng khó thật! Ông trong sáng, hết lòng vì công việc nhưng không cùng phe cánh, cùng bọn với chúng thì trước sau cũng bị bọn chúng bày ra mưu mô hãm hại thôi. Bây giờ không có người tốt đâu, người tốt không thể tồn tại được, chỉ có những kẻ ăn cánh với nhau là sống khỏe, ăn khỏe thôi.
Anh Bính thăm dò:
-Thế... bác phải vào đây là vì sao ạ? Nghe bọn tù nói bác bị...
-Bị tù vì buôn bán, tàng trữ thuốc phiện chứ gì?
-Vâng... bọn chúng bảo thế!
Lão Nhẫn lại thở dài:
-Bọn chúng nó nói đúng và cũng không đúng. Chuyện này dài và loằng ngoằng lắm. Rồi tôi sẽ kể cho ông nghe. Mà tôi chỉ kể cho một mình ông biết thôi đấy nhé. Tôi tin tưởng ông vì ông từng là một thằng lính chiến dũng cảm nên mới kể...
Anh Bính ậm ừ:
- Nếu bác thấy khó nói thì thôi bác ạ... Tôi cũng không muốn tìm hiểu sâu vào chuyện riêng tư của người khác đâu.
- Thực ra thì chuyện cũng chẳng có gì ghê gớm đâu, nhưng... nó hơi… tế nhị một chút...
Vẻ mập mờ, bí ẩn của lão Nhẫn khiến anh Bính cảm thấy hơi tò mò. Lão Nhẫn hứa rồi sẽ kể chuyện đời mình cho anh Bính nghe. Nói chưa hết câu lão đã ngáy đều đều. Lão Nhẫn là một thầy thuốc giỏi, chuyên bắt mạch kê đơn nên biết cách tự khống chế kinh lạc, điều chỉnh được cảm xúc, kìm hãm được sự âu lo, vương vấn nên đi tù, lao động khổ sai mà lão vẫn béo khỏe và có vẻ vô ưu.
Lão Nhẫn kể, quê lão ở vùng núi rừng Chiêm hóa, Tuyên Quang. Rừng già có nhiều loại thảo dược quý. Gia đình lão vốn gốc rễ xa xưa tận bên Tàu có nghề gia truyền bốc thuốc chữa bệnh với nhiều bài thuốc bí truyền rất có hiệu quả khi chữa trị cho bệnh nhân. Lớn lên lão học hết cấp 3 thì về nhà theo cha chế biến dược phẩm. Cha lão đã truyền cho lão nhưng bài thuốc quý, cách bắt mạch, chẩn đoán bệnh. Quá trình hành nghề lão tỏ vẻ xuất sắc hơn cả người cha già của mình. Khi người cha mất, lão Nhẫn kế nghiệp cái hiệu thuốc gia truyền nổi tiếng nhất phố núi. Lão bắt mạch bốc thuốc chữa bệnh có uy tín, danh y vang dội cả một vùng. Có được uy tin ấy là do lão luôn trao dồi đúc rút kinh nghiệm qua mỗi ca chữa trị.
Lão Nhẫn có tài, chỉ cần nhìn qua sắc thái con người đã đoán được ba bốn phần căn bệnh, lúc bắt mạch chỉ là để khẳng định thêm thôi. Bắt mạch là thâm nhập vào thể chất và tư tưởng của con người. Vì mạch là khí huyết của con người. Mạch được ký ngụ trong hơi thở, biểu hiện ra ở hai tay. Mỗi tay chia ra ba bộ, bộ thốn là dương, bộ xích là âm, bộ quan ở giữa âm và dương. Để biết mạch của người bình thường phải bắt mạch, xem lẻ từng bộ ấy. Gộp cả ba bộ xem chung mà trong mỗi hơi thở mạch đập bốn nhịp (một lần thở ra và một lần hít vào là một hơi thở) mạch không trầm, không phù, không trì, không sác, mạch đi hòa hoãn, đều đặn đó là mạch bình thường, không có bệnh. Người có bệnh thì mạch tùy theo khí huyết thịnh suy, hàn nhiệt của từng cá thể mà mạch có biến hóa khác nhau. Những người khí huyết thịnh mà nhiệt, khi cảm nhiễm phải tà khí lục dâm (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) mạch sẽ biến ra phù, sác, hồng, trường, hoạt, đại, huyền, khẩn, khâu, thực, đều thuộc mạch dương. Đó là bệnh ngoại cảm đang ở phần biểu, bệnh thuộc ngoại tà thực chứng. Người mắc chứng nội thương, thất tình (mừng, giận, lo, nghĩ, buồn, kinh, sợ) mạch sẽ biểu hiện ra dạng trầm, trì, nhuyễn, nhược, nhu, sác, hoãn, phục, tế. Mạch hư thuộc loại mạch âm. Đó là bệnh nội thương ở phần lý, bệnh thuộc chính khí hư. Người mới sinh đẻ thường có mạch tế nhược, vì khí huyết đang bị tổn thương. Người già mạch thường nhu nhược, yếu ớt vì các bộ phận trong cơ thể đều suy thoái, già cỗi, khí huyết suy kém thì lưu thông chậm. Người ốm lâu ngày thường có mạch nhu tế. Bệnh thuộc âm chứng, mà mạch tượng cũng âm là giữa mạch và bệnh thuận, dễ điều trị. Trường hợp mạch nhu nhược nhưng có lưu lợi là mạch có vị khí. Nếu mạch hồng sác là mạch không có vị khí, vì mạch hồng sác trái với âm chứng. Nếu bệnh thuộc dương chứng, mạch hồng sác là giữa bệnh và mạch thuận với nhau, mạch có vị khí dễ điều trị. Nếu xuất hiện mạch trì nhu là trái ngược với bệnh thuộc loại mạch không có vị khí bệnh, thuộc loại khó điều trị.
Lão Nhẫn vướng vào vòng lao lý, phải ngồi tù đến ba năm nguyên nhân xuất phát từ cái tài xem tướng, bắt mạch, chẩn đoán bệnh và phỏng đoán mệnh ấy của lão.
Chuyện bắt đầu từ hơn ba năm trước. Lúc đó đã gần trưa lão đang ngồi đọc cuốn sách của vị danh y Hải Thượng Lãn Ông viết về nghề thuốc nam thì có một chiếc xe con đổ xịch ngay ở ngoài cửa hiệu. Một ông khách bước vào. Nhìn nhác qua dáng bệ vệ của ông ta lão đoán đó là một cán bộ cấp to chứ không phải là đại gia. Đúng vậy, ông này là một cán bộ cấp tỉnh. Ông ta bảo lão:
- Đóng cửa hiệu lại! Tôi có chuyện muốn nói riêng với thầy thuốc!
Lão định phản đối nhưng lại thôi. Lão đóng cửa hiệu thuốc, cho anh nhân viên học việc ra về. Từ chiếc xe con một cô gái trẻ bước ra bước qua cánh cửa hiệu khép hờ vào trong. Ông cán bộ giới thiệu:
- Đây là con gái tôi…
Lão Nhẫn nhìn kỹ. Quả là một người con gái rất đẹp. Lão hỏi ông cán bộ:
- Ông và cô cần gì ạ?
Ông cán bộ tỉnh nhìn quanh một lượt rồi nói:
- Tôi muốn ông khám, chữa bệnh cho con gái tôi…
Lão Nhẫn hơi ngạc nhiên. Nhìn cô gái lão không thấy tý gì biểu hiện của bệnh lý cả. Nhưng khi đặt ngón tay lên mạch ở tay trái của cô bé thì lão hiểu ngay “cô bé đang có thai”. Ông cán bộ nói tiếp:
- Con bé sắp đi du học! Ông giải quyết ngay giúp cho, tốn kém bao nhiêu không quan trọng, cốt là an toàn và bí mật…
Lão Nhẫn nói:
- Sao không đưa đến bệnh viện?
Ông cán bộ trố mắt:
- Nó là gái chưa có chồng, rồi cương vị công tác của tôi nữa… đưa đến bệnh viện sao được. Tôi biết ông có bài thuốc về khoản này hay lắm…
Đúng vậy, lão Nhẫn có bài thuốc gia truyền về khoản “tẩy thai” rất hiệu nghiệm. Lão còn có một bài thuốc tránh thai bí truyền rất công hiệu nữa. Trai gái chỉ cần rải vài cái lá thuốc của lão xuống dưới chiếu thì có mà quan hệ với nhau cả đêm cũng không phải lo lắng gì chuyện mang thai…
(còn nữa) Hà Nội, tháng 8-2018

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Truyện ngắn BẠN TÙ (phần 2)

BẠN TÙ (phần 2)
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: đêm và nước

Làm hai ly rượu đầy xong, anh Bính mới ề à kể cho tôi nghe chuyện của anh trong tù. Anh đã có những năm tháng chiến đấu ở chiến trường gian khổ ác liệt và cũng có nhưng ngày ngồi tù khốn nạn, lao lung. Hóa ra đời người không phải ai cũng xuôi chèo mát mái, cũng công thành danh toại. Cũng có những cuộc đời đầy hoạn nạn, gian chuân. Kiếp người không ai giống ai. Chỉ có điều bất công của tạo hóa là người tốt thường khốn khổ hơn kẻ xấu. Người lương thiện nhiều khi bất hạnh, kẻ bất lương lắm lúc vênh vang. Rất nhiều kẻ bất tài, ti tiện mà vẫn cứ sung sướng, công thành danh toại. Phải chăng số phận con người là như thế?
Anh Bính nhận án tù hai năm. Thời gian được tính từ ngày bị tạm giam nhưng thời gian thực sự vào nhà tù chính quy là kể từ khi tòa tuyên án.
Anh không bao giờ quên hôm đầu tiên bước chân vào cái nhà tù dưới chân núi Tam Đảo để chính thức đi tù. Vừa vào trong cái phòng giam tranh tối tranh sáng, anh đặt cái bao tải cám Con cò đựng hành lý rồi ngồi xuống nền nhà thì một thằng oắt con tiến đến trước mặt. Nó hất hàm bảo anh:
- Mày mới "xộ khám" hả. Tội gì?
Anh không thèm đáp lại. Thằng tù oắt con lại lên tiếng:
- Có lễ vật gì ra mắt thì đưa ra ngay đi?
- Lễ vật cái gì?
Anh Bính hỏi lại. Thằng tù oắt con chửi:
- Đ. mẹ mày! Đã vào đến đây mà còn giả bộ không hiểu hả?
Anh Bính điên tiết bật dậy tóm cổ thằng tù oắt con nghiến răng quát:
- Mày là thằng nào mà mất dạy thế hả?
Thằng tù oắt con bị bóp cổ thở khò khè không nói được thành lời. Lúc này cái thằng xăm trổ kín người đang ngồi chễm trệ ở trên bệ xi-măng mới lên tiếng:
- A… thằng tù mới “nhập kho” này láo nhỉ. Chúng bay đâu, dạy cho nó bài học “nhập môn” ngay.
Lập tức mấy thằng tù đang nằm ngồi ngổn ngang trên bệ xi-măng, dưới sàn nhà bật dậy quây đến chỗ anh Bính. Bọn chúng hằm hè trợn mắt nhìn anh Bính. Một thằng nghiến răng rồi bảo:
- Mày chưa biết “luật lệ” trong tù thì nghe tao nói đây… - Nó chỉ thằng xăm trổ đầy người đang ngồi trên cái bệ xi-măng giữa phòng giam: -Đây là “đại ca” Hoàng Thống. Mày mới vào phải có lễ vật ra mắt đại ca, hiểu không?
- Nhưng tao đéo có lễ vật, lễ việc gì sất. Bọn chúng mày cũng chỉ là những thằng tù mà thôi. Bỏ ngay cái thói ma cũ bắt nạt ma mới đi nhé!
Anh Bính nói rồi buông thằng tù oắt con rồi lại ngồi xuống.
Hai ba thằng tù mặt mũi trợn trạo lao đến. Anh Bính lựa thế tránh đòn. Hai thằng tù hung hãn anh quật ngã từng đứa một chả khó khăn gì. Có thằng bị đánh đau kêu thảm thiết. Thằng tù oắt con lúc nãy thừa cơ giật được cái bao tải cám Con Cò đựng hành lý của anh Bính đưa cho thằng đại ca đang ngồi trên bệ xi-măng. Thằng này hất hàm. Thằng tù oắt con dốc ngược cái bao. Mấy bộ quần áo rơi ra. Có một cái chai nhựa đựng rượu ngâm với ít vỏ và lá cây. Thằng đại ca mở nắp đưa lên mũi ngửi rồi chửi đổng:
- Mẹ kiếp! Có rượu đây mà mày dám giấu ông à?
Nói đoạn, nó ngửa cổ tu ừng ực. Anh Bính quát:
- Không phải rượu đâu. Thuốc xoa bóp vết thương... Không được uống...
Nhưng thằng đại ca đã tu hết non nửa chai rượu thuốc. Anh Bính gạt hai thằng tù ra lao đến để giằng cái chai nhựa. Một thằng lợi dụng thời cơ tống một quả đau điếng vào sườn bên phải của anh. Anh Bính giằng được chai rượu trên tay thằng đại ca vẻ hơi thảng thốt bảo:
- Trong rượu này có một vị độc dược, chỉ dùng để xoa bóp vết thương... uống vào là bị ngộ độc...
Thằng đại ca lúc này mới hoảng:
- Tại sao... không nói ngay...
Anh Bính gằn giọng:
- Tao còn bận đánh nhau...
Thằng đại ca tức tối gạt mạnh tay khiến cái chai nhựa văng xuống nền nhà đổ tung tóe.
Sau khi nghe anh Bính nói ra cái vị thuốc đã ngâm trong chai, một người tù đứng tuổi đang ngồi ở góc phòng giam vội lao đến:
- Phải làm cho nó nôn hết ra ngay mới kịp...
Thằng đại ca và đám tay chân hốt hoảng. Người tù đứng tuổi nhanh chóng vừa bấm huyệt để ngăn chặn chất độc phát tác vừa thò tay móc họng cố để thằng đại ca nôn hết ra nền nhà giam.
Thằng đại ca ôm bụng nằm vật ra nên nhà thở hổn hển như một con cá bị quăng lên cạn sắp chết. Đám tay chân hoảng hồn. Người tù đứng tuổi tự xưng là một người chuyên bốc thuốc nam khiến bọn tù tin tưởng. Ông bảo chỉ chậm một chút là thằng đại ca mất mạng. Ông ta quay sang hỏi chuyện anh Bính. Anh Bính bảo anh là một thương binh. Chai thuốc lá vừa rồi ban đầu giám thị kiên quyết không cho mang vào. Sau đó bất ngờ anh phó trại trưởng trại giam đến. Hóa ra đó chính là một chiến sĩ đơn vị anh Bính ngày xưa. Nhận ra người chỉ huy cũ của mình bây giờ là một tù nhân anh trại phó buồn quá. Nhờ anh trại phó mà anh Bính được mang chai rượu xoa bóp vết thương chiến tranh vào nhà tù. Thế mà thằng đại ca đã tu hết một nửa, nửa còn lại bị hất đổ lênh láng ra sàn nhà. Biết câu chuyện của anh Bính người tù đứng tuổi bảo:
- Chú cứ yên tâm! Tôi là người chuyên bốc thuốc nam. Tôi sẽ giúp chú một bài thuốc trị vết thương rất hiệu quả.
Ông ta nói tên là Nhẫn, nhà ở mãi vùng rừng núi Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Thế là anh Nhẫn có bạn. Người bạn trong tù đầu tiên, đó cũng là một thầy thuốc giỏi.
Sau bận thằng đại ca suýt bị thủng ruột do uống thứ thuốc xoa bóp của anh Bính bọn đầu gấu trong tù không còn dám lộng hành chèn ép, tra tấn các tù nhân khác nữa. Nhất là sau khi chúng biết anh Bính, là một đại đội trưởng trinh sát từng vào tận sào huyệt của bọn giặc, với một con dao găm đã chiến đấu tiêu diệt một tên lính Mỹ to lớn, từng là một tiểu đoàn trưởng súng ngắn giắt thắt lưng tay cầm AK dẫn đầu một lực lượng nhỏ lao vào giữa vòng vây dày đặc của quân Trung Quốc xâm lược để giải cứu đồng đội... Bọn tù cũng rất tôn trọng lão Nhẫn. Chúng gọi lão ta là "thầy thuốc trong tù". Lão Nhẫn đã giúp các tù nhân nhiều phen bất ngờ lâm vào cảnh ốm đau, tai nạn.
- Câu chuyện của lão Nhẫn, bạn tù của tao vướng vào vòng lao lý như thế nào cũng rất đáng để viết đấy!
Anh Bính tợp một ngụm rượu rồi nói tiếp:
- Lão ấy hẹn cuối năm về tìm lá thuốc quý ở trên núi Tam Đảo sẽ đến nhà tao chơi. Lúc ấy tao nhắn mày về hỏi chuyện lão ấy mà viết thành văn thì còn hay hơn chuyện của tao nhiều... ha... ha... nào tiếp tục uống... uống... Mẹ kiếp cái cuộc đời này nếu mà không uống... uống thì chả biết sẽ tồn tại thế nào đây... ha... ha... ha...
- Anh say quá rồi! Đừng uống nữa...
- Tao không say mà cuộc đời đã bắt tao phải say đấy mày ạ... Nào tiếp tục uống đi... uống đi... Sông có thể cạn, núi có thể mòn... nhưng rượu không bao giờ được hết mày hiểu chưa?
Tôi cố ngăn anh Bính không uống nữa nhưng không được. Anh cứ rót và cứ uống cho đến khi gục hẳn xuống phản mới thôi...
(còn nữa) Hà Nội, tháng 8-2018

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Truyện ngắn BẠN TÙ (phần 1)

BẠN TÙ (phần 1)
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, chạng vạng, bầu trời, thiên nhiên và ngoài trời

Giữ lời hẹn với anh Bính, ngày lễ được nghỉ mấy hôm tôi liền phóng xe máy về quê. Tôi vào trang trại ven núi ăn với anh Bính một bữa cơm như đã hứa. Khi tôi đến, anh Bính đang quần đùi áo lót đào hố trồng cây trong vườn. Nhìn anh gầy gò đen đúa tôi chợt thấy hơi chạnh lòng. Ngày nào khi còn là tiểu đoàn trưởng của tôi anh thật oai phong khi đứng trước đội hình hàng trăm người hạ đạt mệnh lệnh hành quân. Bây giờ thì anh chỉ là một nông dân thui thủi ở một góc rừng sâu cô quạnh. Thời thế biến thiên, cuộc đời con người “bãi bể nương dâu”, đúng là chẳng biết đâu mà nói trước. Lớp cán bộ quân đội trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ như anh nhiều người hiện nay đã là cán bộ cấp cao, giữ cương vị quan trọng. Tôi nhớ một lần dự hội nghị toàn quân, một ông lớn biết tôi cùng quê với anh Bính tìm đến hỏi thăm. Khi tôi kể câu chuyện anh Bính ra quân làm cán bộ cơ sở bị vướng vòng lao lý phải đi tù ông ta liền lảng đi ngay. Nghe nói ngày ở chiến trường Quảng Trị hai người là bạn chiến đấu, từng chia sẻ gian khổ ngọt bùi với nhau. Anh Bính từng cõng bạn bị thương vượt qua lửa đạn vượt vòng vây quân địch. Bây giờ thấy anh Bính thế này ông ta ngại không còn dám nhận bạn nữa. Thì ra tình bạn trong chiến tranh và hòa bình cũng khác...
Thấy tôi đến trang trại anh Bính vui lắm. Anh vứt cái cuốc chạy ra đón. Anh bảo:
- May quá! Hôm qua tao vừa tóm được một con dúi đang đào hang ăn măng dưới gốc bụi nứa dại. Mày về thật đúng lúc. Món đặc sản hiếm này bây giờ chả mấy khi kiếm được…
Tôi bảo:
- Thế thì tuyệt quá! Em có một chai rượu ngoại chính hãng đây.
Anh Bính cầm chai Chivas Regl xem rồi lắc đầu:
- Nhưng loại này uống với thịt dúi không hợp. Tao đã có bình rượu thuốc đặc biệt rồi. Mày hồi này cũng ăn chơi ghê nhỉ?
Tôi phân trần:
- Thì đi công tác nước ngoài, thấy anh em trong đoàn mua em cũng mua một chai đem về làm quà...
- Quà gì, mất mẹ nó tấn thóc rồi đấy. Nhà nghèo đừng đua… Thôi ta vào trong nhà đi…
Tôi theo anh Bính vào nhà. Tôi và anh Bính ngồi trên cái phản làm bằng những tấm bìa gỗ mà cánh thợ xẻ họ vứt đi. Anh vừa tráng ấm pha trà vừa bảo:
- Tự cung tự cấp cả mày ạ. Chè cũng trồng lấy, sao lấy đấy. Tao vỡ hoang cấy lúa, cuốc đồi trồng chè, đào ao thả cá. Quanh bờ ao thì trồng rau ngót, rau đay, mồng tơi, mùa nào thức nấy, chẳng phải mua cái gì. Chỉ có thịt, mỡ lợn thì con dâu thỉnh thoảng đi chợ mua đem vào cho. Tao nuôi mấy con lợn nhưng không thể thịt vì không ăn hết, còn thịt gà thì thoải mái, muốn ăn lúc nào thì có ngay. Lâu lâu lại bắt vài con gà, ôm vài chục trứng đem về cho cháu…
Tôi chợt cảm thấy vui vui với cảnh điền viên của anh. Nhưng tôi lại lo lo việc anh một mình giữa rừng khi trái gió trở trời vết thương tái phát. Anh Bính chợt hỏi:
- Mày là nhà báo đi nhiều có dịp nào trở lại đơn vị cũ không?
- Có anh ạ! Mấy tháng trước kỷ niệm ngày truyền thống trung đoàn em có lên dự lễ.
- Thế hả…
Anh Bính có vè hơi suy tư khi nhớ về đơn vị cũ. Chợt nhớ ra tôi bảo:
- Anh em cựu chiến binh trung đoàn có làm kỷ niệm chương để tặng cho những cán bộ, chiến sĩ từng công tác, chiến đấu tại đơn vị. Để hôm nào em kê khai nhận cho anh một cái làm kỷ niệm.
Anh Bính bảo:
- Tao cũng có rồi. Hôm trước thằng Sinh liên lạc tiểu đoàn hồi ở Cao Bằng đã khai và đem về cho tao một cái đây này.
Anh đặt chén nước xuống rồi đi lại cái tủ gỗ cũ kỹ ở góc nhà. Anh mở tủ lôi ra một cái đấu được gò bằng sắt tây vẫn dùng để đong thóc. Cái đấu cũ kỹ đựng đầy những tấm huân, huy chương, huy hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy, huy hiệu chiến sĩ thi đua, kỷ niệm chương các loại. Anh dốc cái đấu đổ ra giữa phản rồi bới tìm một cái mới nhất đưa cho tôi xem và hỏi:
- Có đúng cái này không?
- Đúng rồi anh ạ!
Tôi đáp và nhìn đống huân huy chương giữa phản bảo anh:
- Anh nên xin vào hội cựu chiến binh đi.
Anh Bính lắc đầu:
- Tao cũng muốn vào lắm chứ. Nhưng tao ngại lắm. Tao là một thằng tù. Vào hội khi sinh hoạt, lúc ăn uống liên hoan chả ai muốn ngồi cùng. Vậy thì vào hội làm gì. Ở quê mình mày chưa biết đấy thôi. Các cụ lão thành cách mạng, các cựu chiến binh có công với nước sĩ diện rất cao. Tao nhớ mãi hồi còn làm chủ tịch xã. Lần ấy xã mình tổ chức đón huân chương kháng chiến. Một cụ cán bộ lão thành cách mạng đùng đùng bỏ về vì chỗ ngồi xếp gần một ông giám đốc doanh nghiệp. May tao phát hiện ra giữ lại hỏi lý do thì cụ bảo: “Thằng ấy ngày kháng chiến sợ chết, vứt mã tấu, bỏ đội du kích theo gia đình đi tản cư chạy giặc, thế mà lại xếp tôi ngồi cùng với loại ấy à?”. Tao bảo: “Ông giám đốc ấy đã tài trợ cho xã ta kinh phí để tổ chức buổi lễ hôm nay đấy”. Cụ lão thành cách mạng vẫn không chịu. Cuối cùng tao phải nghĩ ra kế “có một ông cán bộ tỉnh về dự phải ngồi đầu bàn để dễ lên phát biểu” rồi điều ông giám đốc sang bàn khác. Lúc ấy cụ kia mới chịu ở lại dự lễ. Nhưng lúc liên hoan cụ ấy vẫn bỏ về vì “không thèm ăn của cái thằng đào ngũ”. Hì... Tao chưa muốn vào hội cựu chiến binh là vì vậy đấy. Mày đừng lo, không là hội viên cựu chiến binh thì tao vẫn là thương binh vẫn có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đấy...
Tôi hỏi:
- Anh có nhớ thằng Chính, chiến sĩ trung đội vận tải tiểu đoàn ta hồi chiến đấu ở Cao Bằng không?
- Có nhớ! Cái thằng chiến đấu thì dũng cảm nhưng suýt bị kỷ luật vì bắn súng bừa bãi ấy phải không?
- Đúng là thằng ấy đấy! Nó bây giờ là cán bộ ở một cơ quan tư pháp trung ương. Nghe em kể chuyện nó bảo nhất định tìm cách để điều tra, minh oan cho anh đấy.
Anh Bính xua xua tay:
- Mày bảo nó không cần đâu. Chuyện của tao đến thế thì thôi, moi móc lại làm gì nữa?
Tôi ngạc nhiên:
- Tại sao lại thế?
Anh bảo:
- Bây giờ nhiều người đã biết tao bị oan rồi. Chính những thằng đã vu oan, khai láo cho tao tham nhũng cũng đã đến đây thú tội, xin tao tha cho chúng rồi… Có thằng còn quỳ xuống khóc lóc nói bị dắt mũi, bị lôi kéo bây giờ lại bị chính những kẻ ấy trù dập, sa thải. Chính tao còn giúp cho nó vốn giống để làm ăn đấy… - Trầm ngâm một lát anh nói tiếp: - Đằng nào tao tù thì đã tù rồi. Bây giờ mà lật lại chuyện này thì thêm nhiều thằng nữa vào tù, quanh đi quẩn lại cũng toàn là anh em, họ hàng, làng xóm cả thôi.
Hình như nhận ra tôi có vẻ hơi bất bình với ý nghĩ ấy của mình, anh Bính nói tiếp:
- Để xảy ra chuyện tham ô tiền đền bù, chiếm đất nền tái định cư ngày ấy xét cho cùng tao là người đứng đầu chính quyền xã thì phải chịu trách nhiệm cao nhất. Cái cơ chế lãnh đạo, quản lý của ta nó là thế. Xảy ra chuyện gì, vụ việc gì cuối cùng cứ quy hết cho người đứng đầu. Trong khi đó người đứng đầu lại không có quyền quyết định tất cả, nhiều việc cứ phải hội ý, xin sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, tập thể. Nếu không sẽ vi phạm quy chế tập chung dân chủ... Thế đấy, tao có thoát tội tham ô thì cũng phải chịu tội "thiếu trách nhiệm kiểm tra, quản lý lỏng lẻo để xảy ra sai phạm nghiêm trọng". Đằng nào thì cũng vẫn cứ tù như thường...
Quả đúng là thế. Tôi đành chịu cái lý lẽ ấy của anh Bính. Anh bảo:
- Thôi trưa rồi! Để tao đi làm món nhậu. Thịt dúi đã sơ chế rồi, gia vị đã tẩm ướp đầy đủ, bây giờ xào nấu lên chén ngay cho nóng.
Lúc ngồi xuống mâm thấy tôi cầm chai rượu ngoại để trên góc phản anh Bính vội bảo:
- Bình rượu thuốc ở góc nhà kia kìa. Uống loại ấy với thịt dúi mới ngon, mới đã.
Thấy tôi định bê một trong hai bình rượu để ở góc nhà anh lại bảo:
- Bình màu trắng ấy. Còn bình nhỏ màu xanh là rượu ngâm lá thuốc trị vết thương của tao khi đau nhức, tái phát đấy.
Tôi nhăn mặt:
- Rượu với thuốc anh để cạnh nhau thế này nhầm thì chết!
- Nhầm thế nào được. Cái bình màu xanh ấy là rượu ngâm thuốc dùng để xoa bóp, trị đau nhức các vết thương cũ. Bài thuốc ấy lão Nhẫn là bạn tù ở mãi trên Chiêm Hóa, Tuyên Quang gửi cho đấy. Lão ấy vào tù trước nhưng ra thì cùng tao. Ngày ra tù tao đi theo về thăm quê lão ấy. Nhà lão làm nghề thuốc nam, có nhiều bài thuốc hay lắm...
- Trong tù anh cũng có bạn à?
- Ở đâu mà chả có bạn và ở đâu mà chả có kẻ thù. Bây giờ tao càng thấm thía điều đó mày ạ. Nào... nâng ly đi. Rồi từ từ tao sẽ kể cho mày nghe về những người bạn tù là như thế nào... Ha ha... cạch một cái đã. Ly đầu tiên là cứ phải 100% nhé...
(còn nữa) Hà Nội, tháng 8-2018

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Truyện ngắn VẾT THƯƠNG (phần cuối)

VẾT THƯƠNG (phần cuối)
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Lành vết thương chiến tranh thì anh Bính được về phục viên. Hơn mười năm quân ngũ anh trở về quê với chiếc ba lô bạc màu nhẹ bẫng đeo sau lưng và cái nạng cầm ở tay để hỗ trợ cho cái chân bị gãy trong trận phá vây đêm hôm ấy.
Anh Bính về khi quê hương đang rất khó khăn. Những năm tám mươi của thế kỷ trước nông thôn nghèo đói, thiếu thốn đủ bề. Vừa về đến nhà, đặt ba lô xuống anh đã phải lao ngay vào một cuộc chiến mới. Cuộc chiến mưu sinh. Chị Sinh vợ anh bệnh ngày thêm nặng. Hai đứa con anh con bé lớn đã biết theo anh ra đồng cắt cỏ chăn trâu còn thằng bé loanh quanh với mẹ ở nhà. Nông thôn ngày ấy xác xơ buồn lắm. Đồng ruộng chỉ khởi sắc khi có chủ trương khoán quản cho các hộ nông dân. Anh Bính nhận ruộng lại thầu thêm một cái ao thả cá. Nhờ chăm chỉ nên cuộc sống của anh cũng khá lên. Mừng nhất là cái chân phải của anh hồi phục dần. Anh không còn phải chống nạng để hỗ trợ nữa. Tuy còn tập tễnh nhưng anh Bính vẫn gánh nổi cả một gánh cỏ lặc lè để nuôi cá trắm.
Một năm sau, anh Bính được bầu vào hội đồng nhân dân xã, được giao nhiệm vụ làm xã đội phó, xã đội trưởng rồi phó chủ tịch phụ trách kinh tài xã. Mọi người đều mừng cho anh. Không ai biết rằng một cuộc chiến tranh mới trong thời bình vô cùng ác liệt lại đang đến với anh.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới mạnh mẽ. Nông thôn dần dần thay da đổi thịt kể từ khi có chính sách khoán 10. Anh Bính là một cán bộ xã năng nổ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn không làm anh chùn bước. Anh được nhân dân tín nhiệm bởi tinh thần làm việc vì dân và chí công vô tư. Anh được lòng dân nhưng dần mất lòng quan. Trong nội bộ cán bộ xã bắt đầu có sự ganh ghét anh. Sự chia bè, kéo cánh, họ hàng hang hốc ở nông thôn bao đời nay vẫn thế. Anh Bính dần dần bị các cán bộ xã cô lập rất khó làm việc. Lạ là họ ganh ghét anh nhưng trong khóa mới của hội đồng nhân dân họ lại bầu anh lên chức chủ tịch xã với số phiếu cao gần như tuyệt đối. Khi trao cho anh Bính chức vụ cao nhất xã cũng là lúc họ bắt đầu triệt hạ anh rất tinh vi, rất từ từ...
Đó là khi có quy hoạch thu hồi đất đai của dân để làm con đường cao tốc qua xã. Việc giải phóng mặt bằng, việc lập dự án khu đất tái định cư, giãn dân được tiến hành khẩn trương để đảm bảo tiến độ cho dự án. Cả trăm hộ dân được đền bù đất đai, tài sản và chuyển đến khu tái định cư mới. Anh Bính bù đầu với những dự án, những văn bản. Nhiều đêm anh thức trắng để đọc tài liệu, suốt ngày anh xuống các thôn xóm để thuyết phục vận động nhân dân chấp nhận đền bù, giao đất để đảm bảo tiến độ thi công công trình.
Một buổi trưa anh Bính vừa về đến nhà và vội bát cơm nguội thì anh phó chủ tịch xã phụ trách công tác kiểm kê đền bù đến. Sau khi báo cáo công việc anh phó chủ tịch xã ngó quanh nhà rồi nói:
- Anh ạ! Tập thể lãnh đạo đã bàn bạc và thống nhất rồi. Anh sẽ nhận khoảnh đất tái định cư 200 mét vuông mặt đường quốc lộ, gần trường cấp 2 và gần chợ. Vị trí ấy là đẹp nhất đấy ạ!
Anh Bính ngạc nhiên:
- Tập thể nào quyết thế! Tôi ở trong thường vụ sao bây giờ mới biết? Mà nhà tôi có phải di chuyển để làm đường đâu mà phải tái định cư?
Phó chủ tịch xã giải thích:
- Đây mới là dự kiến. Nhưng diện tích của nhà anh bị thu hồi cũng đến gần bảy mươi mét vuông. Nếu tính cả chỉ giới hành lang an toàn giao thông thì còn hơn nên anh được một lô đất tái định cư là hoàn toàn hợp lý thôi!
- Số diện tích bị thu hồi nhà tôi đã nhận tiền đền bù rồi...
- Thì nhà nào bị thu hồi đất chả nhận tiền đền bù nhưng cũng đều được giao đất để tái định cư.
Anh Bính lắc đầu:
- Các nhà khác họ bị thu hồi 100% diện tích đất thổ cư nên phải tái định cư. Nhà tôi diện tích thổ cư và vườn còn đến gần bốn trăm mét vuông sao lại phải nhận đất tái định cư chứ?
Anh phó chủ tịch xã tặc lưỡi:
- Thì anh cứ nhận rồi để đấy hoặc cho thuê, sau này thằng Thuần lớn lên nó làm nhà ra ở riêng chả tốt à?
Anh Bính kiên quyết:
- Thôi, việc này để tôi kiểm tra lại xem sao đã nhé!
Anh phó chủ tịch bực bội ra về. Vừa đi anh ta vừa lẩm bẩm: "Miếng ngon đem dâng đến miệng còn làm bộ, làm tịch".
Quả là thời thế tạo anh hùng. Hoàn cảnh xô đẩy kẻ sĩ. Sự trong sáng vào nơi vẩn đục dù cố giữ cũng vẫn khó tránh bị ám mờ. Anh Bính với tác phong là một quân nhân, một con người trong sáng quyết tâm đóng góp xây dựng quê hương. Nhưng ở nông thôn những mối quan hệ nhằng nhịt, nhưng tập tục thâm căn cố đế. Đội ngũ cán bộ quen với sự quan liêu bao cấp. Nói là tập thể nhưng lúc nào cũng nghĩ đến lợi ích cá nhân của mình. Có một dự án, một chủ trương, kế hoạch đầu tư nào cho nông thôn thì việc đầu tiên là họ nghĩ ngay đến sự bớt xén kiếm chác, ăn chia. Dự án giải phóng mặt bằng, tái đầu tư để làm đoạn đường cao tốc qua xã quả là một dịp xà xẻo rất ngon lành. Anh Bính là chủ tịch xã nếu như người khác thì sẽ là dịp đổi đời "xóa đói, giảm nghèo" thần tốc. Anh Bính không nhận xuất đất tái định cư nhưng các cán bộ khác đã nhận rồi. Thậm chí họ còn nhận hơn. Việc anh không ăn cùng họ tức là chống lại họ. Và như thế thì việc anh bị họ tìm cách đưa vào những cái bẫy rất nguy hiểm tinh vi để loại trừ là không thể tránh khỏi.
Việc ăn chia, xà xẻo quá táo bạo cuối cùng cũng không thể qua khỏi mắt nhân dân. Công an khởi tố vụ án. Mọi việc bị phơi bày. Hóa ra đội ngũ cán bộ xã cũng không phải là vừa. Cơ quan điều tra vào cuộc phát hiện ra sự khai khống diện tích, tài sản trên đất bị thu hồi làm thất thoát lớn ngân sách của nhà nước. Ví dụ, nhà bà Cần, thôn Đông chỉ có 10 cây mít trên diện tích đất bị thu hồi nhưng trong thanh toán lại là 100 cây. Nhà ông Quý ở thôn Đoài chỉ có 100 khóm chuối trở thành 1000 khóm. Diện tích đất vườn nhà anh Khang bị thu hồi là 300 mét vuông trở thành 3000 nghìn mét... Họ đã thêm vào các số liệu kiểm kê thực chỉ một con số không thôi. Nhưng con số không kỳ ảo ấy lại đưa về rất nhiều tiền. Số tiền ấy đều chảy vào túi cán bộ xã. Điều đáng nói nhất là trong nhiều biên bản, giấy tờ xác nhận để nhận tiền đền bù ấy đều đóng dấu và có chữ ký của anh Bính. Không hiểu họ đã làm thế nào để qua mắt anh thêm một con số không vào trong các văn bản. Khi khai báo với cơ quan điều tra họ đều đổ tội hết cho anh Bính. Anh Bính bị bắt. Khi anh đang trong trại tạm giam thì chị Sinh vợ anh chết. Dân làng người hiểu anh thì bảo anh bị oan ức. Người không hiểu thì nói: "Quan nào chả tham. Làm quan mà không ăn thì làm để làm gì?". Vậy nên trong làng, ngoài xã người gọi anh là "ông chủ tịch bị hàm oan", kẻ bảo anh là "thằng quan xã tham nhũng".
Một ngày trước khi bị bắt anh Bính bị khai trừ khỏi đảng. Ngày anh vào đảng bom đạn ngút trời. Trong một căn hầm ở thành cổ Quảng Trị, đồng chí bí thư chi bộ sau khi trao quyết định cho anh đã lao ra vị trí chiến đấu rồi hy sinh anh dũng. Còn hôm anh bị khai trừ trời quê hương trong xanh, nắng đẹp. Ông bí thư cấp ủy sau khi đọc quyết định khai trừ anh liền ra ngay sân quần vợt làm mấy hiệp rồi ngồi uống bia vui vẻ. Chiến tranh và hòa bình quả là xa khác quá.
Sau hai năm tù, anh Bính trở về quê. Anh đi dọc theo con mương nước vào làng. Có nhiều người gặp anh. Người thì chào, kẻ quay mặt đi. Cô con gái lấy chồng xa về thăm anh lén chùi nước mắt khi nhìn bố run run cầm đũa gắp mãi mới được miếng thịt gà. Cô con dâu thì lần đầu được xới cho bố chồng một bát cơm. Cuộc đời chớ trêu là thế...
*
Tôi ở chơi nhà anh Bính đến gần trưa mới về. Anh Bính giữ mãi nhưng tôi không thể ở lại ăn cơm cùng anh một bữa. Đành hẹn anh dịp khác vậy. Anh Bính tiễn chân tôi ra tận đầu con dốc. Nhìn cái chân còn hơi tập tễnh của anh tôi hỏi:
- Vết thương chiến tranh của anh thế nào rồi?
- Khỏi hẳn rồi! Hồi còn trong tù tao được một ông bạn tù bày cho một bài thuốc hay để điều trị nên khỏi đau nhức mỗi khi trái gió trở trời...
Anh Bính cười. Nhìn nét mặt của anh tôi biết anh nói thật. Nhưng tôi cũng hiểu là anh chưa nói hết. Vết thương trong chiến tranh của anh đã lành, nhưng vết thương trong hòa bình thì vĩnh viễn không bao giờ liền sẹo, không bao giờ hết sự đau đớn...
(hết) Hà Nội, tháng 7-2018

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Truyện ngắn VẾT THƯƠNG (phần 3)

VẾT THƯƠNG (phần 3)
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: hoa, thực vật, thiên nhiên và ngoài trời

Chúng tôi đã giữ vững được trận địa đến tối. Thêm nhiều người lính đã ngã xuống sau các đợt tấn công dữ dội của quân Trung Quốc xâm lược. Khi màn đêm vừa buông xuống, chỉ huy tiểu đoàn và các cạn bộ đại đội 1, đại đội 2 hội ý trong hang bàn kế hoạch rút lui. Bọn địch đã bao vây kín xung quanh nên phương án sẽ là đột kích để phá vòng vây mở đường máu để rút lui. Do đó cần lường trước mọi tình huống xảy ra khi nổ súng chiến đấu lúc chạm địch.
Anh Bính trình bày kế hoạch cụ thể việc tổ chức đưa bộ đội, thương binh vượt vòng vây quân thù. Nhiều ý kiến tham gia vào việc tổ chức đội hình, hướng rút lui sao cho an toàn, đỡ tổn thất nhất. Tiểu đoàn phó Khương nêu ý kiến:
- Đề nghị điều một trung đội của đại đội 3 chi viện cho cơ quan tiểu đoàn bộ và số cán bộ, chiến sĩ các đại đội 1, đại đội 2 còn sống sót phá vây...
Anh Bính lập tức gạt đi:
- Đại đội 3 tuy chưa bị bọn địch tấn công, lực lượng chưa bị tổn thất lớn. Nhưng không nên điều lực lượng của đại đội 3 vượt qua một cánh đồng lúc nhúc đầy xe tăng và bộ binh địch để chi viện cho cơ quan tiểu đoàn bộ. Vì như thế chẳng khác nào đưa bộ đội vào chỗ chết mà không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Lực lượng của cơ quan tiểu đoàn bộ và số anh em còn lại của đại đội 1, đại đội 2 sẽ tổ chức phá vây. Nếu phải chết thì chúng ta sẽ chết, không nên kéo thêm nhiều đồng đội nữa chết theo...
Nghe giọng của anh Bính căng thẳng và lạnh ngắt tôi chợt thấy rùng mình. Không ai còn có ý kiến đề nghị điều lực lượng của đại đội 3 và đại đội 4 tham gia phá vây để giải cứu cơ quan tiểu đoàn bộ nữa.
Anh Bính nói tiếp:
- Đại đội 3 sẽ tổ chức nghi binh thu hút sự chú ý của địch để cơ quan tiểu đoàn rút lui. Đồng thời đại đội 3 cũng tổ chức cho bộ đội rút theo con đường phía bản Nà Liền lên núi chờ đón cơ quan tiểu đoàn bộ. Đại đội 4 dùng hỏa lực bắn vào các vị trí trú quân của địch để chi viện... Đúng 21 giờ tối bắt đầu kế hoạch rút lui. Bây giờ các bộ phận tiến hành công tác chuẩn bị, phải thật khẩn trương rõ chưa?
Các cán bộ lập tức đi triển khai nhiệm vụ. Anh Bính lệnh cho tôi mở máy vô tuyến điện truyền đạt kế hoạch rút lui cho chỉ huy đại đội 3 và nhiệm vụ cho đại đội 4. Tôi truyền đạt mệnh lệnh xong rồi cũng khẩn trương làm công tác chuẩn bị. Trang bị cá nhân chỉ có một khẩu súng AK với hai băng đạn, hai quả lựu đạn. Cái ba lô nhẹ tênh trên lưng chỉ còn một bộ quân áo, một cái tăng, một cái võng và một gói gạo sấy. Tất cả đều là con số một vì yêu cầu phải thật gọn nhẹ để dễ dàng vận động khi vượt vòng vây. Trời rét thế mà nhiều chiến sĩ phải tháo vứt bỏ ruột chỉ đem theo mỗi cái vỏ chăn bông cho nhẹ. Chiếc máy vô tuyến điện sóng cực ngắn 884 thì chiến sĩ trong tổ thông tin sẽ đeo. Tôi lúc này giống như là một chiến sĩ bộ binh.
Chúng tôi bắt đầu bí mật rời khỏi hang đá. Đoàn người lặng lẽ bám theo nhau luồn qua các bụi cây, mương nước hướng sang phía núi đá. Tôi và người chiến sĩ thông tin đi ngay sau tiểu đoàn trưởng Bính. Pháo địch vẫn bắn liên tục vào vị trí chỉ huy của tiểu đoàn. Trong ánh lửa đạn tôi nhìn rõ tốp đi phía trước đang khênh cáng một thương binh nặng. Không một tiếng động mạnh đoàn người cố giữ bí mật không để bọn địch phát hiện... Nhưng đội hình đến cuối cánh đồng trồng ngô thì chạm địch. Bọn địch bắn dữ dội vào đội hình quân ta. Bọn địch từ trong bản ùa ra, từ trên các điểm cao tràn xuống chặn đánh. Tiếng xe tăng địch gầm rú. Anh Bính lập tức lệnh cho bộ phận đi đầu vượt lên bám vào sườn núi đá tránh đạn và lập các ổ đề kháng yểm hộ cho đội hình vượt qua cánh đồng. Đoạn, anh quay lại với bộ phận đi phía sau tổ chức chặn đánh bọn địch đuổi theo cho bộ đội vượt lên dãy núi đá. Tôi cũng vội vàng lao theo anh Bính. Nhận ra tôi đang nằm ép ở bờ ruộng bên cạnh anh Bính bảo:
- Mày chạy lên núi ngay đi!
Tôi vừa chĩa súng bắn một loạt về phía bọn địch đang hò hét xông đến vừa lúng búng nói:
- Cho em ở lại với anh...
Anh Bính gằn giọng:
- Không được... mày rút đi ngay... rút ngay đi.!
Thấy tôi còn đang lừng chừng anh quát:
- Mày có nghe tao nói không? Chạy ngay đi, nhanh lên...
Tôi vội xách súng lao về phía chân dãy núi đá. Một quả đạn pháo nổ ngay phía sau lưng, chỗ tôi và anh Bính vừa nằm lúc nãy. Tôi ngã sấp mặt xuống rãnh ngô. May quá, không bị thương vào đâu. Tôi nhỏm dậy vừa bò vừa chạy thoát được lên sườn núi đá. Nấp sau một gộp đã to tôi nhìn xuống dưới cánh đồng trồng ngô. Tiếng đạn bộ binh bắn loạn xạ, tiếng hô hét giết người của lũ Tàu khựa râm ran. Chả biết đâu là tiếng súng của quân ta, tiếng súng của quân địch. Cũng không hiểu ai còn, ai mất nữa...
Lần theo khe đá ngược lên đỉnh núi tôi gặp được các chiến sĩ đại đội 4 hỏa lực. Anh em đưa tôi đến vị trí ẩn nấp. Đến sáng tôi gặp lại một số anh em cơ quan tiểu đoàn bộ. Nghe họ thông báo mới biết bộ phận đi sau đội hình bị bọn địch cắt đuôi bao vây và sát hại. Anh Bính chỉ huy một số cán bộ, chiến sĩ quay lại ứng cứu nhưng không được. Anh Bính bị thương rất nặng song cũng đã được anh em cõng lên trên núi. Tôi cũng không biết hiện anh đang ở chỗ nào để đến xem sao. Lệnh của chỉ huy tiểu đoàn là các bộ phận rút lên núi triển khai vị trí phòng thủ, không được đi lại lung tung để đảm bảo bí mật.
Những ngày sau đó, tiểu đoàn chúng tôi tiếp tục hành quân trên dãy núi cao ấy để tránh đụng độ với quân địch đông và đang mạnh. Nhưng tránh cũng chả được. Bọn địch bắt đầu truy đuổi quân ta, tiểu đoàn chúng tôi thêm nhiều trận đánh nữa và cũng thêm nhiều người ngã xuống.
Sau chiến tranh, tôi được cử đi học tại trường văn hóa của quân khu. Nghe tin anh Bính đang điều trị ở Bệnh viện Quân y 91 tôi liền xuống thăm. Gặp lại biết tôi còn sống anh mừng lắm. Đang nói chuyện vui vẻ chợt anh bảo Bính tôi, giọng buồn:
- Có lẽ tao sẽ phải về phục viên mày ạ!
- Sao lại thế ạ?
- Thì tao bị thương nặng thế này... hơn nữa chị ở nhà cũng đang ốm...
Tôi im lặng. Việc chị Sinh - vợ anh Bính ốm nặng tôi cũng đã biết từ lần về tranh thủ thăm nhà. Tôi không muốn nói cho anh Bính để anh khỏi lo. Nào ngờ anh cũng đã biết hết rồi. Anh nói tiếp:
- Tao đành khép lại cuộc đời quân ngũ tại đây thôi mày ạ!
Tôi không biết an ủi anh như thế nào lúc chia tay với anh Bính trở về trường. Anh Bính về phục viên. Mấy năm sau khi về thăm quê nghe tin anh được bầu là chủ tịch xã tôi rất mừng. Với con người và ý chí như anh thì chuyện ấy không có gì là ngạc nhiên cả. Nhưng rồi lại nghe tin anh phải đi tù thì tôi hoàn toàn bị bất ngờ...
(hết phần 3) Hà Nội, tháng 7-2018

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Truyện ngắn VẾT THƯƠNG (phần 2)

VẾT THƯƠNG (phần 2)
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và ngoài trời

Gần sáng hôm ấy, đạn pháo quân Trung Quốc giăng kín bầu trời, tiếng nổ đinh tai nhức óc chúng tôi vội vã lao ra vị trí sẵn sàng chiến đấu. Hầu hết từ tối hôm trước các đơn vị đã báo động đưa bộ đội lên ở ngay trong hầm hào trên các điểm chốt nên khi bọn địch nổ súng không bị động, bất ngờ lúng túng. Trung đội thông tin của chúng tôi nhanh chóng triển khai nhiệm vụ đảm bảo liên lạc cho chỉ huy tiểu đoàn và chỉ huy các bộ phận.
Tôi được giao nhiệm vụ đảm bảo thông tin vô tuyến điện ở sở chỉ huy tiểu đoàn. Thấy tôi nhiều lúc lên máy lúng túng, giọng nói lập bập, anh Bính bảo:
- Bình tĩnh, đừng sợ Hà nhé! Cố gắng đảm bảo liên lạc vô tuyến với các hướng nhé.
- Vâng ạ! Anh cứ yên tâm...
Tôi nói vậy nhưng trong lòng vẫn sợ. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là sự khốc liệt của chiến tranh. Khi còn nhỏ máy bay Mỹ bay ra ném bom miền Bắc quê tôi ở xã thành phố nên không bị quả bom nào. Máy bay Mỹ và máy bay ta đuổi nhau trên bầu trời bọn trẻ con chúng tôi còn nhô đầu lên khỏi hầm để xem chẳng sợ hãi gì. Bây giờ giữa vòng vây của bọn giặc tôi mới thấy lo sợ thực sự.
Những trận chiến đấu ác liệt đã xảy ra trên tuyến phòng ngự của tiểu đoàn tôi. Bọn địch dựa thế quân đông, xe tăng, pháo binh áp đảo tấn công rất ác liệt. Tiểu đoàn trưởng Bính chỉ huy các đại đội kiên cường bảo vệ chốt. Tiểu đoàn tiêu diệt được rất nhiều bộ binh quân giặc, bắn cháy gần chục chiễ xe tăng của bọn chúng. Nhưng sang đến ngày thứ ba thì bọn địch chiếm được điểm chốt của đại đội 1 ở phía cửa khẩu, bao vây các vị trí phòng ngự của đại đội 2 phía cánh trái và tập kích trận địa của đại đội 3 ở phía sau. Như vậy là quân địch đã hình thành thế bao vây tiểu đoàn chúng tôi. Các đại đội đều bị thiệt hại nặng, thông tin liên lạc rất khó khăn, đường dây bị cắt đứt, truyền đạt không thể được vì quân địch đã tràn ngập khắp nơi, chỉ còn có mấy cái máy vô tuyến là còn liên lạc được. Tuy vậy, máy vô tuyến cấp tiểu đoàn đều là các loại máy của Trung Quốc nên cứ mở máy là lại bị phá, chèn sóng ngay. Chúng tôi phải cố gắng lắm mới giữ được thông tin cho chỉ huy chiến đấu. Từ báo cáo của các đại đội về tiểu đoàn qua vô tuyến tôi được biết đại đội 1 bị thiệt hại nặng nhất, hơn một nửa đơn vị thương vong, đại đội 2 cũng gần như vậy. Việc cố giữ trận địa của hai đơn vị này là khó khăn. Chỉ còn đại đội 3 ở phía sau và đại đội 4 hỏa lực ở trên núi đá cao là chưa bị thiệt hại nhiều. Đạn dược của các bộ phận thì gần như đã cạn kiệt.
Sang đến ngày thứ tư bọn địch đánh bật và dồn số cán bộ, chiến sĩ đại đội 1, đại đội 2 còn sống sót co cụm về xung quanh mỏm núi sở chỉ huy của tiểu đoàn. Bọn chúng tấn công dữ dội có lúc nghe tiếng hò reo râm ran của bọn giặc xung quanh tôi cảm thấy như sắp bị bọn chúng xông đến bắn chết sạch đến nơi rồi. Anh Bính vẫn bình tĩnh chỉ huy chiến đấu. Bọn địch đã áp sát sở chỉ huy của tiểu đoàn. Các chiến sĩ cơ quan tiểu đoàn bộ, các cán bộ, chiến sĩ của đại đội 1 và đại đội 2 phải chiến đấu rất quyết liệt mới ngăn chặn, đẩy lùi được quân địch xuống phía cánh đồng. Đến khoảng ba giờ chiều bọn địch tố chức một đợt tấn công quyết định. Sau khi nghe các bộ phận báo cáo lại tình hình quân số, đạn dược, anh Bính hạ lệnh:
- Phải kiên quyết chiến đấu đến người cuối cùng bảo vệ trận địa. Cơ quan tiểu đoàn bộ trừ thương binh nặng và bộ phận thông tin, còn lại tất cả ra vị trí chiến đấu. Chúng ta sẽ quyết một trận sống chết với quân thù.
Nói đoạn, anh giắt khẩu súng ngắn vào thắt lưng cúi xuống nhặt khẩu AK để bên cạnh một thương binh đang nằm thiêm thiếp ở góc hang đá. Anh lên đạn rồi xách súng đi ra phía cửa hang.
Số anh em nuôi quân, liên lạc, vận tải và mấy anh em thương binh nhẹ cũng vội ôm súng lao ra phía cửa hang đang mịt mù lửa khói và rung chuyển dữ dội vì đạn pháo. Một người lính bị thương gãy chân vẫn cố chống súng nhảy lò cò ra vị trí chiến đấu. Tôi cũng vội gỡ cái tổ hợp máy vô tuyến đặt xuống mỏm đá xách khẩu AK và chùm lựu đạn đi theo anh em.
Bọn địch áp sát cửa hang. Khi pháo địch chưa ngớt hẳn chúng đã xông lên. Những cái đầu lố nhố khắp các khe kẽ đá như một lũ sâu bọ đang ngóc đầu dậy. Tiếng súng bộ binh râm ran bốn phía cùng tiếng bọn địch hò hét xung phong. Trên sườn núi bộ đội ta vẫn kiên cường chiến đấu chặn giặc.
Tôi và Thình, chiến sĩ nuôi quân nấp ở sau một mô đá phía bên trái cửa hang. Mấy tên địch đang tràn qua vạt đất trống trồng ngô. Chúng tôi cùng nổ súng. Một tên giặc ngã bật ngữa ra giữa bãi ngô giãy dụa. Mấy tên khác ép người vào các mô đá bắn và ném lựu đạn lên. Đạn chúng bắn thẳng không sợ bằng lựu đạn. Một quả lựu đạn nổ ngay phía trên mảnh đá văng rào rào. Thình quát:
- Mày bò sang phía mô đã bên trái đi. Hai thằng ở cùng một chỗ thế này nguy hiểm lắm, nó ném lựu đạn trúng toi mạng cả hai đấy...
- Yểm hộ cho tao nhé!
Tôi nói và thu người ôm súng định lăn sang phía hốc đá bên cạnh thì có tiếng gọi:
- Hà ơi, quay lại hang ngay!
Nhận ra tiếng thằng Chiến, liên lạc của tiểu đoàn tôi vội xách súng lao lên cửa hang. Một quả ĐKZ của địch phóng vào phía trên cửa hang nổ "oành" một tiếng, khói bụi mù mịt. Tôi bị sức ép đẩy ngã sấp xuống nền đá. Thằng Chiến vội lao đến lôi tôi dậy và giục:
- Mày vào ngay trong hang xem máy móc, liên lạc thế nào. Tiểu đoàn trưởng đang cáu quát tháo ầm ĩ lên kia kìa.
Tôi vội chạy vào trong hang. Vừa trông thấy tôi anh Bính đã quát:
- Nhiệm vụ của mày là đảm bảo thông tin liên lạc hiểu không! Ai bảo mày ra ngoài hang đánh nhau hả?
Tôi ấp úng:
- Báo cáo... em... em... thấy anh nói tất cả ra vị trí chiến đấu nên...
Anh cố nén giận bảo:
- Liên lạc ngay với các hướng. Lệnh cho đại đội 4 bắn cối 82, số lượng 12 quả vào cánh đồng trông ngô, tọa độ... Lệnh đại đội 3 kiên quyết chiến đấu giữ vững trận địa rõ chưa?
Tôi lao đến vớ tổ hợp máy vô tuyến chụp vào tai để truyền đạt mệnh lệnh của tiểu đoàn trưởng. Các đài lẻ đang rối rít gọi báo cáo tình hình. Bọn địch đã bị đẩy lui nhưng các đơn vị trong tiểu đoàn cũng bị thiệt hại nặng. Bây giờ mới quá trưa. Chắc chắn từ giờ đến chiều bọn địch sẽ còn nhiều đợt tấn công ác liệt nữa. Không biết tiểu đoàn tôi có còn giữ được trận địa bao lâu. Bọn địch đã bao vây cô lập, chúng tôi không còn bất cứ sự chi viện nào của trung đoàn nữa. Người chiến sĩ thông tin của trung đoàn xuống phối thuộc đảm bảo liên lạc cho tiểu đoàn tôi cũng đã hy sinh. Chiếc máy 71X còn để ở góc hang. Anh Bính bảo tôi:
- Mày thử mở máy xem có liên lạc được với chỉ huy trung đoàn không?
- Vâng ạ!
Tôi đáp và lôi chiếc máy vô tuyến sóng ngắn ra bật công tắc. Mày mò mãi tôi cũng bắt liên lạc được với máy của chỉ huy trung đoàn. May mà người chiến sĩ thông tin của trung đoàn trước lúc chết còn dặn lại mật khẩu. Trung đoàn lệnh cho tiểu đoàn chúng tôi rút lui lên khu vực núi đá. Sau này, chúng tôi mới biết các đơn vị của trung đoàn cũng đã bị bọn địch tấn công dữ dội, thiệt hại nặng phải rút lui về phía sau. Nhận được mệnh lệnh của chỉ huy trung đoàn anh Bính lặng người đi. Hồi lâu anh mới nói với chúng tôi:
- Chúng ta phải kiên quyết chiến đấu, giữ bằng được trận địa đến tối. Nếu rút lui hoặc để mất trận địa lúc này là tất cả chúng ta sẽ chết hết...
(hết phần 2) Hà Nội, tháng 7-2018

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

Truyện ngắn VẾT THƯƠNG (phần 1)

VẾT THƯƠNG (phần 1)
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng, ngoài trời và thiên nhiên

Bất ngờ tôi gặp anh Bính ở bìa rừng. Anh đang cắt cỏ cho cá ở ven con đường mòn. Tôi không nhận ra anh ngay vì trông anh khác quá. Còn anh thì nhận ra tôi ngay. Anh vứt cái liềm cùn xuống đất xoa xoa hai bàn tay mãi rồi mới nắm lấy tay tôi và hỏi:
- Mới về quê à?
- Vâng! Em vừa về hôm qua... Em vào rừng kiếm một cây dương sỉ đem về trồng vào hòn non bộ...
- Thế hả! Vào chỗ trang trại của tao mà nhổ, có mà cả gánh.
- Vâng... Anh có khỏe không?
- Khỏe... nông dân không khỏe có mà treo nêu, nhác mõm mày ạ.
Tôi xiết chặt lấy bàn tay sần sùi chai sạn và đen đủi của anh. Trông anh già nua và khác đi nhiều quá. Khuôn mặt anh sạm đen nhăn nheo, khắc khổ. Duy có đôi mắt của anh vẫn sáng nhưng đượm vẻ u uất, chứa chất bao nỗi niềm suy tư của cuộc sống gập ghềnh bể dâu. Cuộc đời anh từng trải qua nhiều hiểm nguy, biến cố, vinh quang cũng có và đắng cay cũng nhiều. Với anh, số phận xô đẩy con người hay chính con người đã xô đẩy lẫn nhau vào những bước ngoặt của cuộc đời, vào những biến cố, những vực sâu thăm thẳm. Hóa ra ở đời điều đáng sợ nhất không phải là cái chết mà là sự sống. Cái chết có thể giúp bao số phận trở về với cát bụi thanh thản nhưng sự sống thì nhiều khi lại đày ải những con người ngay chính giữa nhân gian. Với anh Bính tôi hiểu, chiến tranh không thể giết chết được anh nhưng hòa bình thì đã bức tử xong cuộc đời của anh rồi...
Như nhận ra sự cảm thông của tôi anh Bính bảo:
- Về nhà tao đi. Chiều qua, tao vừa bẫy được con cu gáy nó hót hay lắm. Mày đem về vườn phong lan treo cho nó hót!
Tôi ngần ngừ rồi nói:
- Vâng! Nhưng em chỉ ở chơi một lát rồi phải đi ngay. Chiều nay phải về cơ quan, mai sáng đi công tác sớm...
Tôi đáp. Anh Bính gật đầu rồi quẩy gánh cỏ đi trước. Tôi cầm mấy cây dương sỉ đi theo anh. Nhà anh Bính ngay ở bìa rừng. Nơi anh ở ít người qua lại vì gần khu nghĩa địa của xã. Khi có người chết thì người ta mới đi qua con đường đất ngay phía trước nhà anh. Căn nhà tre ba gian đắp đất, lợp lá cọ. Trước đây anh ở giữa làng Hạ. Từ ngày đi cải tạo về anh chuyển ra khu bìa rừng vắng này xin nhận mấy đám ruộng bỏ hoang đào ao nuôi cá. Anh Bính làm một căn nhà nhỏ ở luôn bên bờ ao. Rất ít khi anh về làng. Ngôi nhà gạch năm gian giữa xóm thằng con lớn ở. Nó lấy vợ từ khi anh còn đang ở trong tù. Anh Bính vẫn thầm cảm ơn cô bé là con gái của một người đồng đội cũ đã dũng cảm lấy thằng Thuần con anh khi gia đình anh đang lâm vào cơn bĩ cực. Vì thế anh rất quý trọng cô con dâu. Cô con dâu cũng đã sinh cho anh một thằng cháu nội rất kháu khỉnh, bụ bẫm. Anh rất nhớ thằng cháu nội nhưng lại ngại về làng. Anh không muốn dân làng nhìn mình với con mắt chẳng ra ông chẳng ra thằng, chẳng ra khinh, chẳng ra trọng. Tuy là một cựu tù nhân nhưng dù sao anh cũng vẫn là một cựu chiến binh, một thương binh nặng có công với nước...
Tôi nhập ngũ vào cuối năm bảy tám khi tình hình biên giới phía Bắc đang trở nên căng thẳng. Từ nơi giao nhận quân chúng tôi được đưa thẳng lên vùng đồi núi Ngân Sơn (ngày ấy thuộc tỉnh Cao Lạng) để huấn luyện. Hết thời gian huấn luyện chiến sĩ mới tôi và mấy anh em cùng quê được biên chế về một đơn vị đang chốt giữ ở biên giới Cao Bằng. Không ngờ tôi lại về đúng đơn vị của anh Bính. Hôm toàn tiểu đoàn tập trung trong thung lũng tôi nhận ra anh khi lên quán triệt nhiệm vụ. Hóa ra anh Bính là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tôi. Lúc đơn vị nghỉ giải lao tôi mạnh dạn đến chỗ anh đang ngồi cùng mấy cán bộ đại đội. Tôi chào anh và tự giới thiệu. Anh Bính nheo mắt nhìn tôi rồi "à" lên một tiếng và nói:
- Cậu là con ông Hiên nhà ở đầu làng Hạ phải không?
- Vâng đúng ạ! Em nhận ra anh vì mấy lần anh về phép em đều sang chơi. Em học cùng thằng Thứ em trai anh...
- Hì... mình đi bộ đội các cậu còn bé tý nên không nhận ra. Mình đi tập huấn mới về tối hôm qua nên chưa kịp xem danh sách chiến sĩ mới điều về tiểu đoàn...
Anh Thuận đứng dậy vỗ vai tôi:
- Cố gắng Hà nhé! Có gì khó khăn cứ lên gặp mình nhé, đừng ngại
.
Anh dặn thế nhưng tôi chẳng bao giờ lên gặp anh để xin xỏ, kêu ca điều gì. Anh là một người chỉ huy nghiêm khắc còn tôi là một người khái tính không có thói quen nhờ vả, dựa dẫm người khác. Một lần vác tấm bê tông lên làm hầm trên chốt do trời mới mưa xong dốc trơn nên tôi bị trượt chân ngã. Tấm bê tông nặng rơi làm bầm dập cả mu bàn chân. Tôi đau phải nằm nhà nghỉ mất mấy ngày. Buổi sáng đang nằm rên hừ hừ vì đau thì anh Bính đến. Anh vạch chăn ra xem chỗ bàn chân tôi bị thâm tím rồi mắng:
- Mày làm sao thế! Bị thương đau thế mà không nhắn cho tao biết. Mấy cái tay cán bộ đại đội mày cũng chạy theo thành tích, dấu biệt. Hôm qua nghe quân y tiểu đoàn báo cáo tình hình sức khỏe bộ đội trong tuần tao mới biết.
Tôi ngồi dậy nói:
- Em chỉ bị nhẹ thôi mà!
Anh mắng:
- Nhẹ là thế nào, tím bầm hết bàn chân đây này. Nó mà bị nhiễm trùng thì khốn nạn đấy, hiểu không. Tao sẽ nói với quân y tiểu đoàn xuống theo dõi, kiểm tra hằng ngày và tiêm cho mấy mũi kháng sinh mạnh. Nếu không khỏi thì phải đi bệnh viện ngay.
Nói đoạn, anh đưa cho tôi một gói đường trắng nhỏ rồi bảo:
- Bỏ vào cháo mà ăn cho dễ nuốt. Lúc nãy tao vừa kiểm tra nhà bếp của đại đội thấy nồi cháo nấu cho người ốm trắng ươn không thịt, không mỳ chính, cơm thì độn toàn ngô, đĩa thức ăn của lính thì chỉ có chút mắm tôm khô... Lính chiến ưỡn ngực ra chặn giặc ở nơi biên cương vậy sao mà khổ thế!
Sang đầu năm bảy chín, tôi được điều động lên làm chiến sĩ tiểu đội vô tuyến điện, trung đội thông tin của tiểu đoàn. Hình như sợ tôi sẽ suy nghĩ là được nâng đỡ ưu ái, gặp tôi anh Bính bảo:
- Mày học hết cấp 3 nên mới được điều lên đơn vị kỹ thuật. Nhớ là phải cố gắng Hà nhé!
Tôi hứa với anh là sẽ cố gắng. Anh Bính nhìn tôi với ánh mắt trừu mến. Anh Bính là lớp chiến sĩ trưởng thành từ thời chống Mỹ. Anh chiến đấu dũng cảm. Hồi còn ở làng sang nhà anh thấy huân huy chương, bằng giấy khen treo dán đầy nhà. Là chiến sĩ của trung đội thông tin ở cơ quan tiểu đoàn bộ nên có điều kiện gần gũi anh Bính. Anh là một người chỉ huy nghiêm khắc nhưng rất thương yêu bộ đội. Anh quan tâm đến tôi là người cùng làng nhưng không bao giờ xuê xoa, bỏ qua cho tôi những sai sót, khuyết điểm. Anh Bính coi tôi như một thằng em trong nhà. Mỗi khi có thư từ, tin tức gì ở nhà, của làng xóm quê hương anh thường tìm tôi thông báo ngay. Một hôm, gặp tôi ngoài bãi tập anh bảo: "Sau tết, tao sẽ về quân khu công tác rồi đi thẩm tra lý lịch, có thể sẽ tạt qua nhà. Mày có viết thư từ gì về cho bố mẹ, người yêu thì viết sẵn đi nhé!".
Nhưng tôi chưa kịp viết thư, anh Bính cũng chưa kịp đi công tác thì cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra vô cùng khốc liệt. Và, cả tôi và anh Bính đều không ngờ rằng sau cuộc chiến tranh này cuộc đời mình sẽ sang những ngả đường mới...
(hết phần 1) Hà Nội, tháng 7-2018
*Truyện ngắn này viết tặng một người chỉ huy mà tôi luôn yêu quý.