Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

Truyện ngắn VẾT THƯƠNG (phần 1)

VẾT THƯƠNG (phần 1)
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng, ngoài trời và thiên nhiên

Bất ngờ tôi gặp anh Bính ở bìa rừng. Anh đang cắt cỏ cho cá ở ven con đường mòn. Tôi không nhận ra anh ngay vì trông anh khác quá. Còn anh thì nhận ra tôi ngay. Anh vứt cái liềm cùn xuống đất xoa xoa hai bàn tay mãi rồi mới nắm lấy tay tôi và hỏi:
- Mới về quê à?
- Vâng! Em vừa về hôm qua... Em vào rừng kiếm một cây dương sỉ đem về trồng vào hòn non bộ...
- Thế hả! Vào chỗ trang trại của tao mà nhổ, có mà cả gánh.
- Vâng... Anh có khỏe không?
- Khỏe... nông dân không khỏe có mà treo nêu, nhác mõm mày ạ.
Tôi xiết chặt lấy bàn tay sần sùi chai sạn và đen đủi của anh. Trông anh già nua và khác đi nhiều quá. Khuôn mặt anh sạm đen nhăn nheo, khắc khổ. Duy có đôi mắt của anh vẫn sáng nhưng đượm vẻ u uất, chứa chất bao nỗi niềm suy tư của cuộc sống gập ghềnh bể dâu. Cuộc đời anh từng trải qua nhiều hiểm nguy, biến cố, vinh quang cũng có và đắng cay cũng nhiều. Với anh, số phận xô đẩy con người hay chính con người đã xô đẩy lẫn nhau vào những bước ngoặt của cuộc đời, vào những biến cố, những vực sâu thăm thẳm. Hóa ra ở đời điều đáng sợ nhất không phải là cái chết mà là sự sống. Cái chết có thể giúp bao số phận trở về với cát bụi thanh thản nhưng sự sống thì nhiều khi lại đày ải những con người ngay chính giữa nhân gian. Với anh Bính tôi hiểu, chiến tranh không thể giết chết được anh nhưng hòa bình thì đã bức tử xong cuộc đời của anh rồi...
Như nhận ra sự cảm thông của tôi anh Bính bảo:
- Về nhà tao đi. Chiều qua, tao vừa bẫy được con cu gáy nó hót hay lắm. Mày đem về vườn phong lan treo cho nó hót!
Tôi ngần ngừ rồi nói:
- Vâng! Nhưng em chỉ ở chơi một lát rồi phải đi ngay. Chiều nay phải về cơ quan, mai sáng đi công tác sớm...
Tôi đáp. Anh Bính gật đầu rồi quẩy gánh cỏ đi trước. Tôi cầm mấy cây dương sỉ đi theo anh. Nhà anh Bính ngay ở bìa rừng. Nơi anh ở ít người qua lại vì gần khu nghĩa địa của xã. Khi có người chết thì người ta mới đi qua con đường đất ngay phía trước nhà anh. Căn nhà tre ba gian đắp đất, lợp lá cọ. Trước đây anh ở giữa làng Hạ. Từ ngày đi cải tạo về anh chuyển ra khu bìa rừng vắng này xin nhận mấy đám ruộng bỏ hoang đào ao nuôi cá. Anh Bính làm một căn nhà nhỏ ở luôn bên bờ ao. Rất ít khi anh về làng. Ngôi nhà gạch năm gian giữa xóm thằng con lớn ở. Nó lấy vợ từ khi anh còn đang ở trong tù. Anh Bính vẫn thầm cảm ơn cô bé là con gái của một người đồng đội cũ đã dũng cảm lấy thằng Thuần con anh khi gia đình anh đang lâm vào cơn bĩ cực. Vì thế anh rất quý trọng cô con dâu. Cô con dâu cũng đã sinh cho anh một thằng cháu nội rất kháu khỉnh, bụ bẫm. Anh rất nhớ thằng cháu nội nhưng lại ngại về làng. Anh không muốn dân làng nhìn mình với con mắt chẳng ra ông chẳng ra thằng, chẳng ra khinh, chẳng ra trọng. Tuy là một cựu tù nhân nhưng dù sao anh cũng vẫn là một cựu chiến binh, một thương binh nặng có công với nước...
Tôi nhập ngũ vào cuối năm bảy tám khi tình hình biên giới phía Bắc đang trở nên căng thẳng. Từ nơi giao nhận quân chúng tôi được đưa thẳng lên vùng đồi núi Ngân Sơn (ngày ấy thuộc tỉnh Cao Lạng) để huấn luyện. Hết thời gian huấn luyện chiến sĩ mới tôi và mấy anh em cùng quê được biên chế về một đơn vị đang chốt giữ ở biên giới Cao Bằng. Không ngờ tôi lại về đúng đơn vị của anh Bính. Hôm toàn tiểu đoàn tập trung trong thung lũng tôi nhận ra anh khi lên quán triệt nhiệm vụ. Hóa ra anh Bính là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tôi. Lúc đơn vị nghỉ giải lao tôi mạnh dạn đến chỗ anh đang ngồi cùng mấy cán bộ đại đội. Tôi chào anh và tự giới thiệu. Anh Bính nheo mắt nhìn tôi rồi "à" lên một tiếng và nói:
- Cậu là con ông Hiên nhà ở đầu làng Hạ phải không?
- Vâng đúng ạ! Em nhận ra anh vì mấy lần anh về phép em đều sang chơi. Em học cùng thằng Thứ em trai anh...
- Hì... mình đi bộ đội các cậu còn bé tý nên không nhận ra. Mình đi tập huấn mới về tối hôm qua nên chưa kịp xem danh sách chiến sĩ mới điều về tiểu đoàn...
Anh Thuận đứng dậy vỗ vai tôi:
- Cố gắng Hà nhé! Có gì khó khăn cứ lên gặp mình nhé, đừng ngại
.
Anh dặn thế nhưng tôi chẳng bao giờ lên gặp anh để xin xỏ, kêu ca điều gì. Anh là một người chỉ huy nghiêm khắc còn tôi là một người khái tính không có thói quen nhờ vả, dựa dẫm người khác. Một lần vác tấm bê tông lên làm hầm trên chốt do trời mới mưa xong dốc trơn nên tôi bị trượt chân ngã. Tấm bê tông nặng rơi làm bầm dập cả mu bàn chân. Tôi đau phải nằm nhà nghỉ mất mấy ngày. Buổi sáng đang nằm rên hừ hừ vì đau thì anh Bính đến. Anh vạch chăn ra xem chỗ bàn chân tôi bị thâm tím rồi mắng:
- Mày làm sao thế! Bị thương đau thế mà không nhắn cho tao biết. Mấy cái tay cán bộ đại đội mày cũng chạy theo thành tích, dấu biệt. Hôm qua nghe quân y tiểu đoàn báo cáo tình hình sức khỏe bộ đội trong tuần tao mới biết.
Tôi ngồi dậy nói:
- Em chỉ bị nhẹ thôi mà!
Anh mắng:
- Nhẹ là thế nào, tím bầm hết bàn chân đây này. Nó mà bị nhiễm trùng thì khốn nạn đấy, hiểu không. Tao sẽ nói với quân y tiểu đoàn xuống theo dõi, kiểm tra hằng ngày và tiêm cho mấy mũi kháng sinh mạnh. Nếu không khỏi thì phải đi bệnh viện ngay.
Nói đoạn, anh đưa cho tôi một gói đường trắng nhỏ rồi bảo:
- Bỏ vào cháo mà ăn cho dễ nuốt. Lúc nãy tao vừa kiểm tra nhà bếp của đại đội thấy nồi cháo nấu cho người ốm trắng ươn không thịt, không mỳ chính, cơm thì độn toàn ngô, đĩa thức ăn của lính thì chỉ có chút mắm tôm khô... Lính chiến ưỡn ngực ra chặn giặc ở nơi biên cương vậy sao mà khổ thế!
Sang đầu năm bảy chín, tôi được điều động lên làm chiến sĩ tiểu đội vô tuyến điện, trung đội thông tin của tiểu đoàn. Hình như sợ tôi sẽ suy nghĩ là được nâng đỡ ưu ái, gặp tôi anh Bính bảo:
- Mày học hết cấp 3 nên mới được điều lên đơn vị kỹ thuật. Nhớ là phải cố gắng Hà nhé!
Tôi hứa với anh là sẽ cố gắng. Anh Bính nhìn tôi với ánh mắt trừu mến. Anh Bính là lớp chiến sĩ trưởng thành từ thời chống Mỹ. Anh chiến đấu dũng cảm. Hồi còn ở làng sang nhà anh thấy huân huy chương, bằng giấy khen treo dán đầy nhà. Là chiến sĩ của trung đội thông tin ở cơ quan tiểu đoàn bộ nên có điều kiện gần gũi anh Bính. Anh là một người chỉ huy nghiêm khắc nhưng rất thương yêu bộ đội. Anh quan tâm đến tôi là người cùng làng nhưng không bao giờ xuê xoa, bỏ qua cho tôi những sai sót, khuyết điểm. Anh Bính coi tôi như một thằng em trong nhà. Mỗi khi có thư từ, tin tức gì ở nhà, của làng xóm quê hương anh thường tìm tôi thông báo ngay. Một hôm, gặp tôi ngoài bãi tập anh bảo: "Sau tết, tao sẽ về quân khu công tác rồi đi thẩm tra lý lịch, có thể sẽ tạt qua nhà. Mày có viết thư từ gì về cho bố mẹ, người yêu thì viết sẵn đi nhé!".
Nhưng tôi chưa kịp viết thư, anh Bính cũng chưa kịp đi công tác thì cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra vô cùng khốc liệt. Và, cả tôi và anh Bính đều không ngờ rằng sau cuộc chiến tranh này cuộc đời mình sẽ sang những ngả đường mới...
(hết phần 1) Hà Nội, tháng 7-2018
*Truyện ngắn này viết tặng một người chỉ huy mà tôi luôn yêu quý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét