Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

ĐI HỘI ĐẦU NĂM - thơ


        
          
        Đi hội đầu năm
 
           Đầu năm đến hội lại lên
           Đường về Kinh Bắc người nêm cùng người
           Mưa phùn lất phất buông rơi
           Râm ran mầm nụ đất trời xanh hơn,
           Sân đình trai đẹp, gái son
           Cùng lời hẹn biển, thề non mặn nồng.
           Người ơi có nhớ người không
           Để câu ca cứ nao lòng người ơi.
           Bao nhiêu ánh mắt lả lơi
           Mà mai hội đã tan rồi còn đâu?
           Thôi thì chờ đến năm sau
           Mùa Xuân ta lại hẹn nhau cùng về...
 
                    Bắc Ninh, tháng Giêng
                             TB

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

MÙA XUÂN ĐẾN - thơ

          Hoa mùa xuân

     Mùa Xuân đến

      Mùa Xuân đã đến bên thềm

      Mưa bay nhè nhẹ ướt mềm vai em
      Con đường cây lá xanh thêm
      Người đi sắm tết như nêm cả ngày.
      Mùa Xuân đậu xuống bàn tay
      Ông đồ viết chữ bên cây sấu già
      Chữ "tâm", chữ "nhẫn" bày ra
      Ai xin chữ "phú" để mà giàu sang!
      Có người trai ấy đa mang
      Chữ "tình" càng viết lại càng ngẩn ngơ.
     
Tiếng chuông nghe vọng bơ vơ

      Xuân về một bóng ni cô sân chùa.
      Tôi đi không biết trời mưa
      Chợ hoa ai bán, ai mua ồn ào
      Mùi hương lặng lẽ thanh tao
      Chùm lan rừng cố giấu màu kiêu sa...
      Mùa Xuân đến tự trong ta
       Đất trời như cũng la đà men say! 
               Chợ hoa HN, ngày 1/1/2010
                                     Trọng Bảo

 

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Tản văn THỜI KHẮC SANG XUÂN

          

Thời khắc sang xuân
Tản văn của Trọng Bảo

          Thời khắc sang Xuân trời mưa nhẹ. Cơn mưa là trời đất giao hòa, thiên nhiên đang chuyển dịch. Một năm cũ đã qua, một năm mới đến, ước mong, dự cảm lại trào dâng, đón đợi và hy vọng. Bao kiếp con người lận đận suốt ba trăm sáu lăm ngày tha phương chiều ba mươi Tết được quay quần quanh mâm cỗ cúng tổ tiên, ông bà. Hạnh phúc thật nhỏ nhoi nhưng thật là thiêng liêng mà không phải ai cũng có được. Trong những mái nhà của bao người trên đất nước này không phải gia đình nào cũng có một không khí của thời khắc sang xuân quây quần đầm ấm, hạnh phúc.
           Khi tôi ngồi bên chiếc máy vi tính viết tản văn này là 15 giờ ngày cuối cùng của năm cũ thì trên chương trình VTV2 là mục “nhắn tìm đồng đội”. Những cái tên liệt sĩ được người phát thanh viên run run xướng lên vào lúc sắp sang Xuân và câu hỏi: “Ai biết mộ liệt sĩ ở đâu xin báo tin cho thân nhân liệt sĩ và ban chỉ huy quân sự…” nghe thật thê lương. Ngày tất niên, trong mùi hương nhang phảng phất đâu đây lòng tôi bỗng thấy nao nao khi nghe mục “nhắn tìm đồng đội”. Vậy là hơn ba mươi năm sau chiến tranh vẫn còn những người mẹ chờ mong tin con, người vợ nhớ chồng, vẫn có những linh hồn lưu lạc chưa trở về quê hương đất mẹ. Và, cũng trong ngày cuối cùng của năm cũ này bao người mẹ bưng bát cơm tất niên đứng tựa cửa đợi con, người vợ ngồi bên nồi bánh chưng ngóng tin chồng. Mà những người lính ấy ra đi hơn ba mươi năm rồi không về quê ăn tết...
          Một năm đã đi qua với bao nhiêu bề bộn. Không biết đã có ai kiểm đếm được hết những niềm vui, những nỗi buồn của một năm cũ? Một năm khó khăn với bao nhiêu sự kiện của đất nước. Những con người bền bỉ vượt lên khó khăn của cuộc sống. “Đường ta đi tới rạng ngời tương lai…” là câu hát đang vang lên từ một bài ca trong một chương trình đón tết. Nhưng niềm vui thời khắc sang Xuân sẽ trọn vẹn biết bao nếu đời này bớt vơi những khổ đau, bất hạnh. Người dân đất Việt đã phải vật lộn với cuộc mưu sinh để vươn lên, vật lộn với thiên nhiên để tồn tại, sẵn sàng ứng phó, đấu tranh với sự xâm lấn của lân bang để giữ vững biên cương, bờ cõi, biển đảo. Vậy mà lại có bao người “lặng lẽ” tách rời đồng bào để hưởng lạc, nhoi lên đặc quyền, đặc lợi. Lợi ích nhóm đã hình thành và phát triển rất nhanh đang mâu thuẫn với lợi ích của nhân dân. Lợi ích nhóm đang làm hư hỏng hàng loạt cán bộ và sự bất công, nỗi khổ của nhân dân tăng lên. Những người hưởng lương hàng trăm triệu đồng mà còn tham ô, tham nhũng, dối trên lừa dưới, làm tổn hại đến non sông, đất nước. Ngày cuối năm đã bao nhiêu trăn trở lại còn thêm nỗi buồn Tiên Lãng. Hơn hai mươi năm trước Hải Phòng có một Đồ Sơn đi đầu phong trào khoán quản, khoán 10 làm nức lòng nông dân, làm thay đổi nông thôn cả nước tưng bừng bước vào cuộc đổi mới. Sau hơn hai mươi năm của công cuộc đổi mới ấy, Hải Phòng bất ngờ có một Tiên Lãng là nỗi buồn cho nông dân cả nước. Tại một cuộc họp báo, sau khi nghe một vị lãnh đạo thành phố Hải Phòng giải thích và bao che cho cấp dưới trong vụ cưỡng chế sai luật một ông nhà báo già ngồi bên cạnh bảo tôi: “Như thế này thì Hải Phòng đúng là “một bước tiến, hai bước lùi” đấy anh ạ!”. Ông nhà báo già ấy thật là thâm thúy. Đúng thế! Những ngày cuối năm, thời khắc sang Xuân không ít người còn cảm thấy buồn, âu lo, vấn vương nỗi ưu tư trăn trở vì sự kiện này.
          Tuy thế, vượt lên mọi nỗi ưu tư vào thời khắc sang Xuân chúng ta cùng hy vọng một năm mới Nhâm Thìn đến đất nước sẽ hóa rồng, cất cánh bay lên. Hy vọng những nẻo đường, những miền quê xa xôi của Tổ quốc sẽ tràn ngập niềm vui, niềm hạnh phúc. “Tân Xuân, tân mơ ước” và cầu mong cho mọi ước vọng của mọi người, mọi nhà đều thành hiện thực.
                                                        Vĩnh Phúc, chiều cuối năm Tân Mão

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Truyện ngắn MÙA XUÂN LẠNH LẼO

             

Mùa xuân lạnh lẽo
Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Mưa phùn lất phất. Gió bấc thổi ù ù. Tôi phải giảm bớt ga giảm tốc độ xe máy cho đỡ rét buốt và đỡ bị những giọt mưa lạnh lẽo bay táp vào mặt. Cái rét khiến tôi thấy con đường về quê như kéo dài ra xa hơn.
          Qua thị trấn Hương Canh tôi dừng lại ở chỗ bán đồ gốm sứ ven đường. Tôi tính mua một cái chậu nhỏ để trồng cây phong lan rừng mà anh bạn đi Điện Biên về mới cho. Đang nhấc một cái chậu đất nung lên xem thì một ông mặc bộ quần áo mưa cũ kỹ, bám bẩn đầy bùn đất tay ôm một cái bát cắm nhang cứ ngó tôi trừng trừng rồi reo lên:
          - Ôi… anh Hà! Đúng là anh rồi…
          - Ơ… ơ… ông… - Tôi ngạc nhiên vì ông ta biết tên mình: - Ông là… à… à… tao… tao nhận ra rồi. Mày là thằng Thứ!
          - Vâng! Đúng là em đây!
          - Sao mày lại lụ khụ thế này hả?
          - Thì em là nông dân, quanh năm lăn lê, bò toài ngoài ruộng, khổ hơn cả thời lính tráng ấy thì làm gì mà chả lụ khụ?
          Nghe nó giải thích, tôi chợt nhớ là đã ba mấy năm rồi còn gì. Thì ra trong tâm trí tôi lúc nào cũng cứ nghĩ nó còn trẻ như là ngày nhận cánh lính mới đưa lên biên giới dạo nào.
          - Thế mày đi mua bát nhang đem về chuẩn bị bàn thờ tết à?
          - Tết nhất gì! Em mua cái bát nhang này để đem ra mộ thằng Hào đây!
          - Thằng Hào nào! Có phải thằng Hào cùng cánh lính bảy tám với mày phải không?
          - Đúng là nó đấy!
          - Thế đã tìm thấy và đưa nó về quê rồi à?
          - Vâng…
          - Mộ nó ở đâu?
          - Ở gần đây thôi anh ạ!
          Tôi quyết định:
          - Thế thì mày dẫn tao đi thăm nó luôn nhé!
          - Vâng anh đi với em! Anh em mình qua thị trấn mua ít hoa quả, kiếm lấy một cân xi-măng. Ta đem cái bát nhang này ra gắn trên mộ nó. Hôm trước, nhân dịp kỷ niệm ngày nhập ngũ em đến thăm mộ nó thấy cái bình cắm nhang bị đám trẻ con nghịch hay trâu bò phá nên đã vỡ rồi…
          - Ừ…
          Chúng tôi mua ít hương hoa, gói bánh quy và cân xi măng rồi ra mộ thằng Hào. Mộ nó ở chôn ở sườn một quả đồi nhỏ cạnh hai ngôi mộ khác. Đó là mộ của bố mẹ nó. Cả ba ngôi mộ đều đã được xây gạch cẩn thận. Thằng Thứ đốt một nén nhang rồi lầm rầm khấn khứa câu gì đó. Đoạn nó dùng con dao găm cũ kỹ nạy bỏ cái bát nhang vỡ gắn phía dưới mộ thằng Hào. Nó đặt cái bát nhang mới vào rồi trộn tý xi-măng gắn lại. Tôi thắc mắc là tại sao lại không đưa hài cốt thằng Hào vào nghĩa trang liệt sĩ. Thằng Thứ giải thích tại nhà nó tự ý đem nó từ biên giới về, giấy tờ không đủ nên địa phương chưa cho đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Bây giờ thì người thân nó không còn ai nên mọi giấy tờ, thủ tục vẫn chưa hoàn chỉnh. Với lại ý nguyện của bố mẹ thằng Hào muốn nó nằm bên cạnh mình ở nơi sườn đồi lộng gió này.
          Châm mấy nén nhang cắm lên mộ thằng Hào và mộ của bố mẹ nó, tôi lại thấy lạnh thêm khi nhớ về những ngày đã qua ấy.

*
          Cuối năm 1978. Tôi được giao nhiệm vụ đi tuyển quân ở tỉnh Vĩnh Phú, quê hương của mình. Chúng tôi nhận tân binh ở huyện Bình Xuyên. Bọn thằng Thứ và thằng Hào ở trong số tân binh chúng tôi đã nhận và đưa về đơn vị huấn luyện. Khi biên chế hai thằng ở trung đội 3, cùng đại đội với tôi. Tôi là cán bộ trung đội 1. Do đồng hương, lại quen nhau từ khi mới nhập ngũ nên hai thằng hay sang chơi với tôi. Được phân phối cân đường đỏ tôi sẻ cho mỗi thằng vài lạng pha nước uống khi đi tập về mệt nhọc.
          Sau thời gian huấn luyện ở Ngân Sơn (Cao Bằng), đơn vị chúng tôi hành quân lên biên giới. Tình hình rất căng thẳng. Chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ phòng thủ ở khu vực biên giới huyện Hà Quảng. Khi chiến tranh biên giới xảy ra đơn vị chúng tôi đã đối mặt đánh nhau với bọn xâm lược ngay từ ngày đầu tiên. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt. Đến ngày thứ chín thì tiểu đoàn tôi bị bọn địch bao vây, chia cắt. Các đại đội trong đội hình tiểu đoàn đều bị nhiều tổn thất. Quá nửa quân số thương vong. Người chết, người bị thương vãn cả đội hình chiến đấu. Đạn dược, lương thực cũng đã cạn kiệt dần. Đơn vị nhận được lệnh phá vòng vây rút lui về phía sau. Đại đội chúng tôi dồn đội hình lại còn hai trung đội. Lúc nhận các chiến sĩ về trung đội mình tôi khẽ reo lên:
          - Thứ đấy hả! Vẫn còn sống là tốt rồi.
          Thằng Thứ thì thào:
          - Thằng Hào bị thương nhẹ vào phần mềm tay trái, vẫn cầm súng đánh nhau tốt anh ạ!
          - Thế nó đâu rồi?
          - Nó đi bảo vệ đưa thương binh về phía sau, nửa đêm sẽ quay lên!
          - Thế tốt rồi! Nhưng hai đứa về bộ phận của tao là nguy hiểm lắm, chúng mày phải thật cẩn thật đấy!
          - Bộ phận của anh làm nhiệm vụ gì ạ?
          - Bộ phận này có nhiệm vụ đi trước mở đường. Khi bị địch truy đuổi thì sẽ dừng lại chốt chặn địch để đơn vị rút đi.
          - Chúng em sẽ cố gắng!
          - Tình huống nào cũng không được bỏ chạy hiểu không?
          - Anh cứ yên tâm…
          Nghe thằng Thứ nói vậy nhưng tôi không thấy yên tâm chút nào. Nói là một trung đội nhưng quân số chỉ có mười bốn thằng, chỉ bằng một tiểu đội tăng cường. Súng thì sắp hết đạn, lương thực thì cạn kiệt. Nhìn những bóng người nhỏ bé xác xơ sau gần mười ngày chiến đấu, đói ăn, không ngủ, tôi cảm thấy lo lắng. Gần sáng hôm sau thì thằng Hào trở về. Nó tìm đến chỗ tôi báo cáo việc một chiến sĩ cùng đi bảo vệ đoàn tải thương binh với nó về tuyến sau đã bỏ trốn luôn theo xe thương binh không trở lại đơn vị nữa. Tôi thở dài. Thế là trung đội của tôi chỉ còn có mười ba người. “Sẽ có một thằng chết! Con số 13 sui lắm!”. “Hay là một thằng nào xin chuyển sang bộ phận khác đi!”. - Tôi nghe có tiếng thì thào bàn tán phía sau gộp đá. Tôi không mê tín nhưng cũng chợt thấy hơi xao xuyến khi nghe mấy chiến sĩ nói với nhau như vậy. Nhưng rồi tôi không thấy ai xin chuyển sang bộ phận khác cả. Anh em theo tôi đi chuẩn bị trinh sát đường và rải quân để đêm mai đưa đơn vị vượt vòng vây quân giặc.
           Chúng tôi cử một tổ bám đường từ lúc chập tối. Trên đường quốc lộ bộ binh, xe tăng, xe kéo pháo của bọn địch qua lại tấp nập. Nhìn những toán quân xâm lược hăng hái rầm rập tiến sâu vào đất ta chúng tôi rất lo lắng. Không hiểu tình hình đang diễn ra thế nào. Thông tin liên lạc giữa tiểu đoàn chúng tôi và cấp trên đã bị cắt đứt hoàn toàn. Tiếng súng vẫn rền vang ở xung quanh. Có lẽ những trận đánh lớn vẫn xảy ra ở phía Nguyên Bình, Mỏ Sắt và hướng thị xã Cao Bằng.
          Quá nửa đêm thì tổ trinh sát bám mặt đường trở về. Thằng Thứ vẻ mặt buồn bã, hốc hác gặp tôi báo cáo:
          - Thằng Hào hy sinh rồi anh ạ!
          - Nó… nó chết thế nào?
          - Bọn em đang vượt sang đường thì bị địch phát hiện. Thằng Hào đi trước liền nhào sang phía bên kia đường rồi nổ súng dụ bọn địch đuổi theo. Em và thằng Sùng Mí De còn nằm dưới rãnh thoát nước phía bên này nhờ thế không bị bọn địch phát hiện. Em nhìn thấy bọn địch lôi thằng Hào ra giữa đường. Hình như lúc ấy nó đã chết rồi anh ạ! Bọn chúng soi đèn rọi vào mặt thằng Hào. Mặt nó đẫm máu, nó nằm không thấy nhúc nhích cựa quậy gì nữa!
          Tôi rùng mình thấy lạnh buốt trong lòng. Tôi dặn thằng Thứ trở về vị trí của mình chờ tôi đi báo cáo tình hình với chỉ huy đại đội. Thằng Thứ bảo:
          - Em và một thằng sẽ trở lại chỗ thằng Hào hy sinh. Phải tìm cách lấy xác nó đưa lên trên núi mai táng anh ạ!
          - Phải hết sức cẩn thận. Đề phòng bọn địch phục kích và gài mìn để bẫy ta đến lấy xác liệt sĩ. Nhớ là cảnh giới bảo vệ, chi viện cho nhau thật cẩn thận hãy hành động nhé!
          - Vâng…
          Giao nhiệm vụ cho thằng Thứ xong tôi trèo lên phía bên kia dốc núi, nơi chỉ huy đại đội và đội hình của tiểu đoàn đang ém quân. Nhìn xuống con đường, bọn địch đã bớt đi lại, anh đèn xe và tiếng gầm rú của xe tăng lắng hẳn.
          Khi tôi quay trở lại đã gần sáng. Trời đã tan bởt mây mù, ánh trăng sáng lờ mờ. Thằng Thứ đón tôi ở ngay lối mòn. Nó bảo:
          - Đưa được xác thằng Hào lên sườn núi rồi anh ạ! Nhưng…
          - Thế thì ổn rồi! Chúng ta phải khẩn trương chôn cất cho nó rồi trở về đội hình của đại đội nhận nhiệm vụ mới ngay!
          Thằng Thứ im lặng. Nó dẫn tôi đến chỗ hốc đá đang để xác thằng Hào. Thằng Hào đã được gói trong một tấm tăng rách. Thằng Thứ kể nó và thằng Sùng Mí De phải cột thằng Hào lên lưng để vừa bò lên dốc núi vừa sẵn sàng đánh trả bọn địch. Thằng Sùng Mí De quê ở Hà Giang, là người dân tộc Mông có tài leo núi nhanh nhẹn như con sóc. Nó là một người chiến đấu rất dũng cảm trong những trận đánh vừa qua.
          Tôi rờ rẫm sờ tay kiểm tra thi thể của thằng Hào. Chợt tôi giật mình hốt hoảng hỏi:
          - Đầu của thằng Hào đâu rồi?
          Thằng Thứ hổn hển nói, giọng nó nghẹn ngào xúc động:
          - Bọn giặc chặt đầu nó ném đi đâu mất rồi anh ạ!
          - Vậy làm thế nào bây giờ… hay…
          Thằng Thứ trấn tĩnh lại:
          - Phải quay lại tìm đầu nó anh ạ!
          - Nhưng chúng ta chỉ còn có gần ba tiếng nữa là phải hành quân về vị trí tập kết rồi. Bọn địch sẽ đánh ác liệt vào khu vực này sáng sớm ngày mai đấy!
          - Ba tiếng vẫn kịp! Để em đi…
          - Thôi được! - Tôi quyết định: - Tao với mày sẽ cùng xuống chân núi một lần nữa!
          Nghe tôi nói vậy, thằng Sùng Mí De liền đề nghị:
          - An cho en cùn xuốn tìn an Hao vơi nhe! (Anh cho em cùng xuống tìm anh Hào với nhé!)
          Thằng Sùng Mí De nói tiếng Kinh chưa sõi. Tôi đồng ý vì nó nhanh nhẹn và dũng cảm. Ba chúng tôi lại lần xuống chân núi. Tôi phán đoán chỗ thằng Hào bị địch giết phía ta-luy dương là vách núi dốc, bọn chúng không thể ném đầu nó lên trên. Nhất định bọn giặc sẽ ném đầu thằng Hào xuống phía ta-luy âm, nơi có con suối cạn. Điều khó khăn là ban đêm, ánh trăng lờ mờ không soi rõ mọi vật và việc tìm kiếm dưới lòng con suối cạn phía bên kia đường rất dễ bị địch phát hiện. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tìm cách vượt qua đường quốc lộ sang phía bên kia. Tôi bảo thằng Sùng Mí De nằm lại ở trên lề đường cảnh giới rồi cùng thằng Thứ tụt xuống suối. Con suối cạn dưới ánh trăng lổn nhổn những hòn đã tròn tròn rất khó phân biệt. Mò mẫm mãi hai chúng tôi vẫn không tìm được đầu của thằng Hào. Trời đã sắp sáng. Có tiếng gà gáy eo óc trong một bản gần đấy vọng ra. Thằng Thứ thì thào: “Làm thế nào bây giờ anh nhỉ? Nếu không tìm thấy đầu nó thì sau này về gặp bố mẹ nó em biết ăn nói thế nào!”. Tôi định động viên nó là chiến tranh biết làm sao được thì chợt nhớ đến câu chuyện mình đã từng nghe ở ngã ba Đồng Lộc có cô thanh niên xung phong bị bom Mỹ vùi mất tích nhờ một anh đọc lên bài thơ gọi hồn mà đã tìm thấy xác. Tôi liền lẩm bẩm khẽ gọi: “Hào ơi Hào/Đầu mày ở chỗ nào?/Hãy gọi cho tao một tiếng!”
          Thế là vừa tiếp tục rờ rẫm dưới lòng con suối cạn tôi vừa lẩm bẩm mãi cái câu mình chợt nghĩ ra ấy: “Hào ơi Hào/Đầu mày ở chỗ nào?/Hãy gọi cho tao một tiếng!”.
          Thật bất ngờ khi quờ tay vào một vũng nước giữa hai hòn đá tôi chạm tay vào mái tóc của thằng Hào. Thật linh nghiệm. Tôi khẽ kêu lên: “Thấy rồi!”. Thằng Thứ liền nhào đến. Nó đỡ cái đầu của thằng Hào lên vuốt mái tóc xuôi về phía sau rồi thốt lên: “Hào ơi! Sao mày lại khốn khổ thế này!”. Đoạn nó để cái đầu thằng Hào vào cái ba lô lép kẹp đang đeo trên lưng. Tôi và thằng Thứ bò lên mặt đường khều thằng Sùng Mí De cùng vượt đường rút nhanh lên núi. Đã có tiếng xe tăng quân giặc gầm rú ở hướng biên giới.
          Bộ phận ở lại dùng xẻng bộ binh đã đào xong một cái hố nông choèn trong khe đá và đặt phần thân thể của thằng Hào xuống. Trên sườn núi đã mà khoét được một cái hố như thế này cũng thật khó khăn. Thằng Thứ cẩn thận đặt cái ba lô xuống. Nó nhẹ nhàng nhấc cái đầu của thằng Hào ra. Một thằng đỡ lấy đặt vào phần thân thể của nó rồi định gấp tấm tăng gói lại. Thằng Thứ vội ngăn:
          - Khoan, để rửa mặt cho nó đã!
          Thằng Thứ lấy ra cái khăn mặt và cái bi-đông đựng đầy nước suối vừa múc lúc nãy. Nó đưa cái bi-đông cho một thằng bảo đổ nước ra để vò chiếc khăn. Một người từ phía sau len lên nói:
          - Để em lau mặt cho anh ấy cho!
          Tôi ngạc nhiên. Đó là tiếng con gái. Tôi vừa định hỏi cô gái này ở đâu đến thì một chiến sĩ cho biết cô ấy tên là Hằng ở đơn vị thanh niên xung phong. Đơn vị thanh niên xung phong bị địch đánh tan tác, cô bé thất lạc chạy lên núi may gặp bộ đội liền xin đi theo. Cô bé thanh niên xung phong lau chùi mặt cho thằng Hào rất cẩn thận.
           Chúng tôi vun đất xuống cái hố. Phải moi đất xung quanh mới đắp được cho thằng Hào một nấm mộ nhỏ, đánh dấu cẩn thận. Không có hương nhang. Không có hoa. Cô bé thanh niên xung phong khẽ khàng đặt lên nấm mộ mới đắp một cành lá xanh. Thế là thằng Hào và bao chiến sĩ trẻ nữa chưa đủ một tuổi quân đã thành liệt sĩ. Đến giờ hành quân. Các chiến sĩ lục tục trèo qua gộp đá lên con đường mòn vắt ngang lưng chừng dãy núi. Mười ba người chúng tôi, mười hai khẩu súng đã gần hết đạn, ai nấy quần áo tả tơi, người còn ba-lô, người thì buộc túm cái quần dài lại đeo sau lưng để đựng đạn và lương thực thay cho ba-lô. Hai ống quần căng ra trông giống như một nửa thân người. Cô bé thanh niên xung phong đi cuối đội hình không có súng, cũng không có cả ba-lô. Tôi đưa cho cô một quả lựu đạn. Thế là quân số bộ phận chúng tôi lại đủ mười ba.
           Trời đã sáng nhưng sương mù vẫn bay mù mịt, che khuất bóng người đi. Chúng tôi lặng lẽ bám sát theo nhau trên con đường dài thăm thẳm của cuộc chiến tranh khốc liệt.
           Mùa Xuân năm ấy sao mà lạnh lẽo đến thế.
                                                               Hà Nội, tháng 1-2012 

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

LÊN XỨ HOA ĐÀO - thơ

      Lên xứ hoa đào

       Trời rét cắt thịt da
       Sương mù che lấp phố
      
Nhật Tân chiều lộng gió,
       Tôi lên xứ hoa đào.

        Hoa đào & thiếu nữ


       Màu hoa bay lao xao
       Trên cành khô run rẩy 
       Chồi lộc non chưa nảy
       Nên hoa thành đơn côi.

       Cánh hoa mỏng như hơi 
       Mà kiên cường đến vậy
       Hoa đợi mùa Xuân đấy
       Mà xuân chưa trở về.

       Tôi đi dọc bờ đê
       Sông Hồng hường dòng chảy
       Màu hoa đào như cháy
       Giữa mùa đông lạnh băng.

       Một cô gái dịu dàng
       Đi trong hoa lặng lẽ
       Màu hoa đào nhè nhẹ
       Làm ửng hồng má em...
                       HN, 18/1/2011
                            TB



Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Truyện ngắn BÃI GIỮA (phần 2)


         
        
BÃI GIỮA
Truyện ngắn của Trọng Bảo

           4- Thư phải bơi chiếc thuyền thúng ra bãi Giữa vì dải nước phía làng Phù Liễn rất sâu và chảy khá mạnh. Anh ra rất sớm, khi trời còn chưa tối hẳn để chờ Ngọc. Khi vừa nhác thấy bóng Ngọc rẽ xuống bến sông phía bên kia bờ Thư đã lội ào sang đón. Anh giơ tay nắm tay Ngọc dắt cô lội qua luồng nước cạn. Đây là lần đầu tiên anh nắm tay Ngọc. Bàn tay cô gái nhỏ nhắn và rất ấm.
            Hai người lội ra phía bãi Giữa. Trời đã tối. Ánh đèn điện từ thị trấn không thể sáng tới bãi sông, chỉ có ánh trăng đang dần dần soi tỏ trên mặt nước. Bãi cát phía hạ lưu dưới ánh trăng thật đẹp. Những hạt cát li ti phán xạ ánh sáng tạo nên những sắc màu long lanh. Gió đầu mùa thu mơn man mát rượi.
            Ngọc giằng tay mình ra khỏi tay Thư tung tăng chạy lên bãi cát. Thư chạy theo cô. Hai người chạy khắp bãi cát vẻ thích thú. Đoạn họ ngồi xuống giữa bãi ngắm trăng. Dòng sông phía trước họ chảy loang loáng. Sóng nước dập dềnh. Gió đông năm thổi ngược lên là mái tóc của Ngọc tung bay. Những sợi tóc thơm mùi bồ kết mơn man trên mặt Thư. Anh thích thú khi những sợ tóc trên mái tóc dài của Ngọc cứ vương trên mặt, trên cổ mình tạo nên cái cảm giác hơi nhồn nhột.
            Họ ngồi bên nhau mãi như thế. Những câu chuyện rời rạc chẳng ăn nhập gì nhưng như không bao giờ thấy chán. Họ cùng nói về một ước mơ, một ngày mai. Thư kể về một miền rừng Hà Giang có những triền núi đá lô nhô, có con sông Nho Quế sâu thăm thẳm chảy dưới khe núi đá. Anh nói về những chuyến vượt rừng sâu, núi thẳm khảo sát địa chất, về những dòng suối trong xanh hai bên bờ có những chùm hoa phong lan rừng rực rỡ, rất đẹp. Còn Ngọc thì mơ về một ngày mai trở thành cô giáo đứng trên bục giảng nhìn xuống đàn em nhỏ mắt sáng long lanh.
            Có lẽ trời đã về khuya. Những tiếng ồn ào hai bên bờ sông lắng xuống. Hai người vẫn chưa muốn về. Trăng đã lên cao càng sáng. Ánh trăng trải mềm trên doi cát trắng. Ánh trăng dát bạc dọc hai bờ sông. Trong cái tĩnh lặng của đêm hai người như nghe rõ từng nhịp thở của nhau. Chợt có một cơn gió từ mặt sông thổi hất lên. Ngọc hơi rùng mình co hai vai lại. Thư hỏi:
           - Em lạnh à? Hay chúng ta về nhé!
           - Chưa… em chưa muốn về…
            Ngọc khe khẽ đáp và ngồi nhích lại sát bên Thư. Gió tung mái tóc xoã rối tung lên mặt Thư. Ngọc vội đưa tay vuốt mái tóc. Thư cũng giơ tay lên đỡ mái tóc dày của Ngọc cho khỏi rối. Hai bàn tay họ gặp nhau. Hai bàn tay run rẩy rồi xiết chặt lấy nhau. Thư vòng tay ôm lấy đôi vai nhỏ nhắn và mềm mại của Ngọc. Rồi chẳng hiểu ai làm gì trước, họ ghì chặt lấy nhau, rối rít trao nhau nụ hôn đầu tiên. Và rồi hối hả, cuống cuồng. Thư lúng túng lập cập mãi mới tháo được cái móc phía sau tấm lưng trần của Ngọc. Họ cởi và ném tất cả các thứ đang mặc trên người ra xung quanh. Vội vã. Gấp gáp. Thư run cầm cập khi lần đầu trong đời đặt tay lên bộ ngực tròn căng thanh tân của người con gái. Và, cũng là lần đầu tiên anh nhìn thấy và chạm vào những nơi bí mật nhất của người con gái. Hai người quấn chặt vào nhau lăn lộn trên bãi cát trắng. Da thịt họ cũng trắng và mịn màng như cát trắng và trong trắng như ánh trăng trong. Khi đã mệt nhoài rồi họ vẫn không muốn rời nhau. Họ ôm nhau thiếp đi một lát trên bãi cát rơi đầy ánh trăng. Cả hai chỉ thực sự chìm vào giấc ngủ sâu sau khi đã thâm nhập vào nhau thêm một lần nữa.
           5- Ngọc chợt giật mình tỉnh giấc. Cô hét lên hốt hoảng khi có một con gì đó cựa quậy ngay bên cạnh mình. Thư cũng ngồi bật dậy. Cả hai vô cùng bất ngờ và lo lắng vì nước sông đã dâng cao tràn khắp bãi cát. Một con cá chép to đang giãy đành đạch trườn qua chỗ nước ngập ngay cạnh nơi hai người vừa nằm lúc nãy. Ngọc càng hốt hoảng và cuống cuồng hơn khi không tìm thấy quần áo của mình đâu. Nước dâng lên rất nhanh đã cuốn trôi đi hết quần áo mà họ vứt ra xung quanh. Dòng sông hiền hoà chảy như dát bạc dưới ánh trăng lúc chập tối đã biến mất. Một dòng lũ lớn cuồn cuộn đang đổ về nhấn chìm dần bãi Giữa. Mấy ngày hôm nay mưa to ở đầu nguồn. Nhà máy thuỷ điện đã mở hết các cửa xả đáy để thoát lũ.
            Nước vẫn tiếp tục dâng lên rất nhanh. Thư vội kéo Ngọc chạy ngược lên phía đầu bãi, nơi có chiếc lều canh hoa màu. Trên bãi phù sa nước cũng đã ngập đến đầu gối. Chiếc thuyền thúng Thư kéo lên để cạnh chiếc lều cũng đã bị trôi mất. Nửa sông phía thị trấn nước chảy rất xiết, Ngọc không thể nào lội về được nữa. Với lại, trời sắp sáng rồi, cô không còn một mảnh vải trên người thế này thì cũng không thể nào mà về được nữa. Thư vốn là dân sông nước, giỏi bơi lội. Nhánh sông phía làng Phù Liễn nước càng chảy xiết hơn. Anh có thể bơi một mình vượt qua dòng nước xiết để về làng. Nhưng nếu dìu Ngọc cùng bơi theo thì khó có thể mà vào được đến bờ. Anh cũng đã cạn kiệt sức lực sau một đêm cùng Ngọc trên bãi cát. Ngọc nói với Thư, giọng cô như sắp khóc:
           - Anh bơi về làng đi… cứ mặc em…
           - Không…. Anh sẽ dìu em cùng bơi về làng với anh…
           - Em không theo anh đâu… không có một thứ gì mặc trên người thế này…
           - Mặc kệ! Bây giờ cốt làm sao vào được bờ đã… Nhanh lên em kẻo không kịp đâu…
           - Không được anh ơi… - Ngọc bật khóc: - Em không biết bơi. Cứ để em ở lại. Nếu cố đưa em vào bờ thì cả hai đều sẽ chết anh ơi…
            Thư kiên quyết:
            - Nếu chết thì cùng chết… Cố lên em… nước đã ngập hết bãi bồi, sắp chìm lút đầu người đến nơi rồi!
            Thư nói và nhất định lôi tay Ngọc cùng nhoài ra phía mép bãi bồi. Dòng nước sôi ùng ục, rú lên lồng lộn như một con quái vật lao ra hướng biển. Nước chảy rất xiết. Những cành cây bị cuốn trôi vùn vụt lao vào làm hai người ngã dúi dụi. Thư cố dìu Ngọc nhưng cô cứ bị xô ngã vì dòng nước chảy quá mạnh. Đến chỗ nước ngập sâu cô vùng vẫy tay chân đập loạn xạ mà người cứ chìm xuống. Ngọc cố giằng thoát ra rướn trằn người trở lại và đẩy Thư bơi đi. Nhưng Thư không chịu. Anh nhao người bơi quay lại ôm vòng tay qua nách dìu Ngọc. Hai người cùng nhoài ra giữa dòng nước chảy xiết hướng về bờ sông phía làng Phù Liễn…
            6- Chiều hôm sau, người dân một làng chài rất xa mãi phía hạ lưu con sông Cái kéo lưới vớt được hai xác chết. Đó là một đôi trai gái còn rất trẻ. Cả hai đều không mặc gì trên người. Đôi trai gái ấy ôm chặt lấy nhau không thể nào mà gỡ ra được. Họ đành đưa hai cái xác ôm chặt vào nhau ấy lên bờ, đắp chiếu, thắp hương, chờ người nhà đến nhận. Những người thân của chàng trai và cô gái khóc lóc, khấn bái rồi gỡ mãi mới tách được hai người rời ra khỏi nhau. Họ tắm rửa, mặc quần áo cho hai người rồi đưa về hai phía bờ con sông Cái chôn cất.
            Sau trận lũ hoang bất ngờ đêm ấy con sông Cái trở lại hiền hoà. Nước sông vơi dần và trong xanh. Nhưng cái bãi sa bồi giữa sông phía trước làng Phù Liễn thì biến mất như chưa từng bao giờ tồn tại. Giữa con sông Cái, nơi bãi bồi ngày nào nước sâu và chảy rất xiết tạo nên những vòng xoáy lớn lúc nào cũng cuồn cuộn như muốn nhấn chìm bất cứ thứ gì trôi qua. Đến mùa sông thật cạn thì cũng không thể lội qua được như trước nữa.

           (hết)                                                                               Hà Nội, tháng 1-2012         

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Truyện ngắn BÃI GIỮA (phần 1)


             

BÃI GIỮA
Truyện ngắn của Trọng Bảo

          1- Mấy năm nay, tự dưng giữa dòng con sông Cái phía trước làng Phù Liễn xuất hiện một bãi bồi. Bãi bồi cứ lớn dần sau từng mùa lũ. Những lớp phù sa dày xếp lên nhau đỏ sậm. Có lẽ khi cây cầu xi-măng với những cái trụ rất lớn phía thượng lưu được xây dựng đã làm biến đổi dòng chảy, tạo nên bãi bồi này. Sông Cái mùa thu nước rất cạn. Nước sông càng cạn khi nhà máy thuỷ điện đầu nguồn đóng cống tích nước để phát điện. Vùng bãi bồi mơn mởn phù sa non, mơn mởn cỏ xanh. Mùa thu đến bọn trẻ chăn thường giong trâu ra bãi sa bồi giữa sông chăn thả. Đàn trâu háu đói chỉ ngoạm một lúc đã đầy căng bụng. Trong khi đó thì bọn trẻ lội xuống dòng sông cạn nô đùa, mò tôm cá, bắt trai hến đem lên bãi giữa nướng ăn. Cuối buổi chiều, bọn trẻ mới lùa đàn trâu no căng về làng. Chúng cưỡi trên lưng trâu vượt qua nhánh sông phía bên làng Phù Liễn nước còn khá sâu và chảy hơi xiết.
          Bãi bồi quả là một tặng phẩm bất ngờ của thiên nhiên dành cho dân làng Phù Liễn. Bãi phù sa màu mỡ giữa sông ấy ngày càng mở rộng mãi ra. Khi bãi sa bồi định hình dân làng rủ nhau chèo thuyền thúng ra phá hoang gieo trồng. Chả cần chăm bón gì, chỉ cần chọc lỗ nhét xuống vài hạt ngô, hạt lạc hay đỗ tương sau vài tháng là đã có ngay thu hoạch. Những bắp ngô to hạt mẩy căng, đỗ tương, lạc thì sai quả, nhiều củ. Mùa mưa nước lũ đổ về dòng sông mênh mông tiếp tục bồi đắp thêm phù sa cho bãi Giữa ngày càng màu mỡ. Cái tên bãi Giữa là do dân làng Phù Liễn đặt. Mỗi khi nhắc đến bãi Giữa người làng Phù Liễn đều rất thích thú vì gieo trồng hoa màu ở đây cho năng xuất cao, cá tôm xung quanh bãi cũng nhiều, dễ đánh bắt. Bởi bãi Giữa rộng, hầu như cả làng, nhà nào cũng có một khoảnh đất để gieo trồng. Rồi có một chiếc lều canh gác hoa màu xuất hiện giữa bãi. Nhưng hầu như ở bãi giữa chả ai lấy trộm của ai. Dân làng bảo nhau “Bãi Giữa là của trời cho, đừng quá tham lam mà hết lộc”. Cho nên thi thoảng mới có người ngủ đêm tại bãi. Đó là những người đặt chuyên lờ tôm, quây đăng chắn cá khi mùa nước cạn. Căn lều chỉ là nơi những người dân ban ngày ra canh gác trâu bò lúc lạc ngô đang lên xanh và tránh nắng, trú mưa cho người đi làm ngoài bãi.
           Đối diện với làng Phù Liễn phía bên kia sông là thị trấn phố huyện. Người ở phố huyện chuyên buôn bán, không làm nông nghiệp nên họ chả tranh giành gì đất đai trồng trọt ở bãi sa bồi với dân làng Phù Liễn. Có chăng thỉnh thoảng khi sông cạn nước lội qua được họ hay kéo ra bãi Giữa để mua ngô non, mua lạc tươi vừa mới nhổ đem về luộc ăn chơi. Chỉ có cánh học sinh phổ thông, sinh viên các trường cao đẳng là rất hay kéo nhau ra bãi Giữa làm một cuộc píc-níc nhỏ, cắm trại liên hoan vui chơi trên doi cát trắng phau, mịn màng phía cuối bãi.

           2- Một hôm, đó là một ngày nghỉ, bãi Giữa có toán sinh viên một trường cao đẳng gần thị trấn phố huyện kéo nhau ra cắm trại. Họ lội qua mé sông cạn ào ra bãi. Đám sinh viên hiếu động chạy tung tăng nô đùa trên bãi cát trắng. Họ trải ni-lông, bày thức ăn, bánh kẹo, hoa quả ra để chuẩn bị bữa liên hoan dã ngoại.
           Mấy cô gái trong nhóm sinh viên chợt kêu lên:
           - Cái Ngọc quên đem theo phích nước sôi mi ni để pha cà-phê tan rồi à?
           - Ờ nhỉ! Phải phạt con này mới được. Sao lơ đễnh thế! Hay là đang bị người yêu dọa cho leo cây rồi?
          Cô bé xinh nhất đám con gái lúng túng đứng dậy xin lỗi mọi người. Cô gái có nước da trông đen nhất bọn vẫn không tha:
          - Thế để cả bọn lấy nước sông lên pha cà-phê à?
          Một đứa khác bảo:
          - Thôi mày chịu khó lên chỗ cái lều đầu bãi kia, có người đang ở đấy, xin nước mượn nồi đun nước sôi bù cũng được! Nhanh lên, bọn con trai sắp chết đói đến nơi rồi…
          Tiếng cười nói ồn ào chí choé như chợ vỡ. Dịu dàng có, chanh chua có. Cô bé tên Ngọc càng lúng túng đứng chịu trận. Các bạn giục mãi cô bé mới ngập ngừng tiến về phía chiếc lều cỏ phía đầu bãi.
          Đúng là có một người đàn ông đang lúi húi ở cạnh chiếc lều cỏ. Hình như ông ta đang kiểm tra chiếc lưới bắt cá. Dân làng Phù Liễn thường cắt cử nhau hàng ngày ra bãi canh không cho trâu bò thả rông lên phá hoại hoa màu. Nhất là khi ngô đậu đang lên xanh mơn mởn như thế này. Ngọc dè dặt đi đến bên chiếc lều đến phía sau người đàn ông. Bàn chân trần của cô nhẹ nhàng đặt trên lớp phù sa mịn mát. Cô đánh tiếng:
          - Cháu chào bác! Cháu xin… ơ….
          Chưa nói hết câu Ngọc đã im bặt ngay vẻ bối rối khi người đàn ông quay lại. Đó chỉ là một chàng trai trẻ. Ngọc càng lúng túng hơn khi ánh mắt cô chạm vào ánh mắt rất sáng của người con trai lạ. Chàng trai đứng dậy. Anh cũng đã nhìn thấy đám sinh viên dưới bãi cát cuối bãi Nhưng anh vẫn hơi bất ngờ vì có một cô gái đẹp đến thế. Lúng túng vặn vặn hai bàn tay vào nhau, anh hỏi:
          - Cô cần gì hả?
          - Anh là chủ nhà này ạ?
          - Là chủ lều thôi… - Anh lấy lại sự chủ động:
          - Anh là người bên làng Phù Liễn?
          - Đúng! Chả là người Phù Liễn thì ra trông coi bãi làm gì?
          - Nhưng mấy lần cánh sinh viên chúng em sang giao lưu với chi đoàn kết nghĩa bên ấy không gặp anh lần nào?
          - Tôi đã… già rồi nên không sinh hoạt đoàn!
          Ngọc bật cười vì anh ta còn trẻ, mặt trông búng ra sữa lại kêu già. Cô bữu môi vẻ không tin. Chàng trai cũng chợt trở nên nghiêm túc. Anh nói:
          - Tôi về quê nghỉ phép nên ra trực canh bãi một buổi giúp mẹ tôi bận đi chợ xa…
          “A! Ra vậy! Thế mà dám nói dối bảo là mình đã già” - Ngọc thầm nghĩ. Chợt nhớ đến nhiệm vụ của mình, cô hỏi:
          - Anh có cái ấm để đun nước sôi không?
          - Có! Nhưng cô khỏi phải đun, cứ lấy phích nước sôi tôi vừa đun xong để ở cạnh cửa kia kìa. Các bạn định pha mỳ tôm à?
          - Vâng… - Ngọc buột miệng và chợt hiểu là mình vừa nói dối. Cô tủm tỉm cười. Cô đang định bảo là mình chỉ mượn ấm thôi thì dưới bãi cát đám sinh viên nheo nhéo gào vọng lên:
          - Ngọc ơi sao mà lâu thế! Hay có anh nào bắt mất rồi hả!
          Ngọc hốt hoảng sợ cánh con gái biết chuyện mình đang đứng nói chuyện  với một chàng trai trẻ. Cô lý nhí cám ơn anh rồi nhận cái phích đầy nước sôi chạy xuống bãi cát. Suốt thời gian ở bãi Giữa tâm trí Ngọc luôn để ở chỗ chiếc lều canh ngô trên đầu bãi. Trong đầu cô đầy thắc mắc vì chưa biết tên của anh chàng đẹp trai, và hắn đang làm gì, ở đâu. Trong khi đó có lẽ anh ta đã biết tên của mình rồi vì đám bạn bè réo gọi tên  cô vang cả bãi. Khi đám bạn bè tung tăng đùa trên bãi cát trắng và lội xuống sông tìm vỏ ốc thì Ngọc thơ thẩn lên bãi bồi ngắt những bông hoa dại trắng tinh, bé tý xíu. Cô chăm chăm nhìn về phía chiếc lều cỏ. Cô rất muốn đi đến đấy nhưng không dám và cũng sợ đám con gái phát hiện. Quá trưa khi các bạn gọi chuẩn bị về Ngọc giật thót cả người. Cô cứ muốn nấn ná ở lại trên bãi sông. Chợt trong lòng Ngọc như reo lên khi nhìn thấy chiếc phích nước cạn khô đang đặt giữa tấm ni-lông trải trên bãi cát. Chả cần mọi người giục, cô đã vội xin nhận trách nhiệm đi trả cái phích đã mượn cho “người ta”.
          Ngọc xách cái phích đựng nước đi về phía chiếc lều cỏ. Cô ngạc nhiên khi thấy chàng trai đang chăm chú bên một chiếc lồng nhỏ treo trên cành cây bo dạc dại mọc trước lều. Trong lồng có một chú chim đang nhảy nhót. Lúc nãy cô có thấy cái lồng chim này đâu nhỉ? Chắc là anh ta để ở trong lều. Ngọc hơi e ngại khi đem trả lại cho anh cái phích rỗng không. Cô lý nhí nói lời cảm ơn. Chàng trai vui vẻ trò chuyện với cô sinh viên. Từ những câu trao đổi rời rạc, Ngọc biết tên chàng trai là Thư. “Một cái tên rất con gái! Yếu ớt quá…” - Cô thầm nghĩ. Thư mới tốt nghiệp đại học mỏ địa chất hiện đang công tác tại một đơn vị khảo sát ở tỉnh miền núi Hà Giang. Thư đang về nghỉ phép. Hai người vội vã trao đổi số điện thoại di động cho nhau khi đám sinh viên réo gọi cô xuống bãi cát lấy đồ để về vì trời đang kéo mây vần vũ. Một cơn mưa trái mùa xuất hiện phía thượng nguồn. Ánh chớp lóe lên lằng nhằng ở chân trời xa.

           3- Sau đó thì hai người thường xuyên nhắn tin thăm nhau. Tin đi, tin lại , tiếng kêu “tít… tít…” của máy điện thoại mật độ dày thêm mỗi ngày. Những tiếng “tít tít” là sự mong đợi của cả hai. Họ chỉ muốn những tiếng “tít tít” ấy là của riêng hai người. Nhưng thỉnh thoảng chen lẫn vào là những tiếng “tít tít” của các tin nhắn rác, tin quảng cáo, thông tin của nhà mạng. Rồi họ hò hẹn nhau đi chơi vào những ngày nghỉ. Những cuộc hẹn hò cũng dày thêm.
            Một hôm, Thư phóng xe máy qua cầu sang thị trấn đến cổng trường cao đẳng sư phạm đứng chờ đón Ngọc. Hai người giong xe máy dọc theo bờ sông ngắm cảnh, tâm sự. Đến đoạn đường ngang qua chỗ bãi bồi họ dừng lại. Từ trên bờ sông phía bên này trông bãi Giữa giống hệt như một con thuyền màu xanh biếc đang rẽ sóng hướng ra phía biển. Doi cát trắng phau phía hạ lưu nhìn tựa như sóng nước đang tung lên trước mũi thuyền. Ngọc nói:
          - Bãi Giữa đẹp quá, giống hệt một con thuyền đang rẽ sóng ra khơi!
          Thư đồng tình:
          - Đúng là như thế!
          Ngọc suy tư:
          - Không biết về ban đêm thì bãi Giữa sẽ như thế nào nhỉ?
          - Anh cũng không biết! Hay là đêm mai giữa tháng, trăng sáng, anh sang đón em chúng mình lại ra đây ngắm bãi Giữa nhé?
          Ngọc đắn đo rồi đột nhiên bảo:
          - Em muốn… xuống giữa bãi để xem cái cảm giác đứng trên con thuyền đang rẽ sóng dưới ánh trăng như thế nào cơ!
          - Thế thì tối mai anh sẽ sang đón em rồi chúng mình cùng nhau ra bãi Giữa nhé!  
          Cô gái quả quyết:
          - Không cần anh ạ! Dải nước sông phía bên này cạn lắm, chỉ xăm xắp đến ngang ống chân. Em sẽ tự lội qua. Anh cứ từ bên ấy ra trước chờ em cũng được. Anh đi xe máy sang bên này buổi đêm không có chỗ gửi xe.
          - Thế cũng được! Anh sẽ ra trước đón em.
          Vậy là họ đã quyết định xong một kế hoạch.
           Ngọc ngả đầu vào vai Thư. Hai người tiếp tục giong xe đi chơi và thì thầm bao chuyện. Nhưng có lẽ trong đầu họ ai cũng chỉ nghĩ và chờ mong sao nhanh đến cái đêm trăng ngày mai cùng nhau đứng trên “con thuyền bãi Giữa” rẽ sóng ra khơi xa…

          (hết phần đầu)                                       Hà Nội, tháng 1-2012




Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Truyện ngắn NƯỚC LŨ


NƯỚC LŨ
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Đơn vị hành quân đến vị trí đóng quân mới. Trung đội thông tin của chúng tôi nhận nhiệm vụ triển khai hơn 4 ki-lô-mét đường dây hữu tuyến từ vị trí chỉ huy tiểu đoàn lên đài quan sát. Sau khi giao nhiệm vụ, tiểu đoàn trưởng còn căn dặn thêm chúng tôi:
- Từ đây lên đài quan sát địa hình phức tạp, các đồng chí cố gắng nhé. Đúng 12 giờ trưa là phải thông liên lạc nhé. Tình hình khẩn trương, tổ trinh sát phải báo cáo liên tục tình hình địch để kịp thời xử lý.
Nhận lệnh xong, trung đội trưởng Giang phân công:
- Tiểu đội hữu tuyến chia làm hai bộ phận. Bộ phận do tôi sẽ trực tiếp phụ trách sẽ rải dây từ vị trí chỉ huy tiểu đoàn lên. Bộ phận do đồng chí Hảo phụ trách mang theo dây, máy, đi nhờ ô tô đơn vị lên thị trấn lấy gạo sau đó triển khai đường dây từ đài quan sát về. Chúng ta sẽ gặp nhau ở cây đa giữa cánh đồng trước 12 giờ trưa nay. 
Tôi nghĩ: "Mỗi bộ phận có hơn 2 ki-lô-mét đường dây, rải một loáng là xong chứ mấy, lo lắng làm gì cho mệt!". Đoạn, tôi gọi mấy chiến sĩ vác theo mấy cuộn dây và máy lên đường. Ra đến đường cũng vừa gặp ô tô của đơn vị đi lấy gạo, chúng tôi xếp dây máy và nhảy lên xe. Dọc đường xe hỏng, mãi hơn 8 giờ mới tới thị trấn. Còn sớm chán. Thị trấn biên giới giữa phiên chợ đông nghịt người. Tiếng nhạc ngựa leng keng. Màu áo quần của người Mông, người Dao rực rỡ, hàng quán nhộn nhịp. Mấy chiến sĩ mới quê ở dưới xuôi lần đầu tiên lên biên giới, chưa đến thị trấn này lần nào nên cứ mải mê nhìn. Thấy vậy, tôi bảo:
- Bây giờ còn sớm, các cậu cứ để dây máy ở gốc đa, cử một người ở lại coi rồi đi chợ, vào thị trấn chơi một lát cũng được. Đúng 9 giờ, chúng ta bắt đầu triển khai công việc.
Anh em chiến sĩ phấn khởi đi luôn. Tôi nghe loáng thoáng tiếng họ nói với nhau:
- Anh Hảo tâm lý thật. không như anh Giang "hắc sì dầu" lúc nào cũng đầy nguyên tắc. Hôm trước, tớ đi sửa dây với ông ấy về muộn qua cửa hàng ăn đói mềm cả người, nói mãi ông ấy vào làm bát phở nhưng ông ấy dứt khoát không chịu...
Anh em đi rồi, đút cái kìm vào túi, tôi cũng lững thững đi vào thị trấn. Đang mải mê nhìn cảnh người qua lại tấp nập bỗng nghe tiếng con gái gọi:
- Anh Hảo!
Tôi giật mình quay lại nhận ra Hường, cô bạn học cùng thời phổ thông, nhập ngũ sau tôi gần hai năm hiện làm văn thư trên trung đoàn. Hường đang đứng cạnh gốc cây bàng ven đường, tay xách một cái túi căng phồng, hai má đỏ ửng nhìn tôi tinh nghịch:
- Ngắm cô nào mà mải mê thế anh Hảo?
- Ngắm ai đâu mà... Hường đi đâu trông vẻ vất vả thế?
- Đi chợ như anh đấy! Nhưng chẳng có ai mà ngắm đâu!
Hường liếc tôi và tủm tỉm cười. Tôi lúng túng. Đứng trước con gái, cái "tài" ba hoa hùng biện của tôi thường không phát huy được tác dụng. Một chốc Hường mới nói:
- Em vừa đi phép lên. ở nhà vui lắm anh ạ, gặp bao nhiêu là bạn bè, chúng nó cứ bảo em đi bộ đội trông khỏe ra. Bọn con gái gửi lời hỏi thăm anh đấy. Nhà anh nuôi được một con lợn to lắm. Mẹ anh nói với em để dành con lợn ấy, cuối năm anh về phép sẽ...
 Hường bật cười khúc khích. Cô kể chưa hết chuyện này đã nhảy sang chuyện khác khiến tôi muốn hỏi thêm mấy câu về gia đình, bạn bè cũng không được. Nhìn đồng hồ, tôi giật mình, đã hơn 9 giờ. Thấy tôi nhìn đồng hồ, Hường hỏi:
- Anh Hảo hẹn ai thế?
- Có ai đâu mà hẹn, đang đi làm nhiệm vụ đấy chứ!
- Nhiệm vụ gì mà lại đi người không giữa chợ thế này?
- Thật đấy! Hường về nhé, hôm nào tôi lên thăm, hỏi chuyện quê hương.
- Anh bận thì cứ đi đi, mặc em...
Hường làm ra vẻ giận dỗi. Dùng dằng một lúc tôi mới đi được. Phóng về tới gốc đa đầu thị trấn, thấy mấy chiến sĩ đang đứng chờ, tôi giục:
- Đi thôi, gần trưa rồi, phải nhanh nhanh lên mới kịp.
- Nhưng thằng Vinh vào chợ đến bây giờ vẫn chưa thấy ra ạ!
          Một chiến sĩ nói, tôi bực mình gắt:
          - Đã dặn đúng 9 giờ phải có mặt đầy đủ để bắt đầu công việc cơ mà?
 - Thằng Vinh ở lại coi dụng cụ, dây máy thấy anh chưa về, nó lại chạy vào chợ một lát.
          Tôi nuốt ực một cái, không thể nói được gì thêm vì đã tự ý cho chiến sĩ đi chợ và chính mình cũng ra chậm gần một tiếng cơ mà. Đành phải chờ vậy. Gần 15 phút nữa vẫn không thấy Vinh ra. Tôi sốt ruột, hết nhìn đồng hồ lại nhìn trời. Lúc sáng trời còn quang đãng như thế mà bây giờ mây đen đang ùn ùn kéo đến. Gió hơi lành lạnh, báo hiệu một cơn mưa rào dữ dội. Khi Vinh từ trong chợ chạy ra, ôm một mũ đầy vừa lê vừa táo tay còn cầm thêm mấy gióng mía. Tôi quát:
          - Nhanh lên! Trời mưa đến nơi bây giờ.
          Biết lỗi, Vinh vội nhét mấy thứ vào túi và vớ lấy súng và cuộn dây của mình. Chúng tôi chạy ngược về phía đài quan sát. Đến chân mỏm núi đặt đài quan sát, tôi cử hai chiến sĩ rải dây ngược lên đỉnh núi, tôi và hai chiến sĩ còn lại triển khai đường dây về phía gốc cây đa giữa cánh đồng. Hơn 10 giờ rồi, có lẽ bộ phận phía sau đã rải xong đoạn dây đang chờ để thông liên lạc, phải nhanh mới kịp. Nhưng chúng tôi càng cuống thì dây rợ lại càng rối tinh lên. Giữa lúc đó thì cơn mưa ập xuống như trút nước.
  Những cơn mưa ở miền núi chẳng khác nào như trời bị thủng vậy. Nước réo ầm ầm. Lũ lên nhanh. Con suối lúc sáng chúng tôi đi ô tô còn chạy qua ngầm đá được bây giờ nước ngập mênh mông. Đường dây rải đến bờ suối, tôi đứng vuốt nước mưa trên mặt lo lắng nhìn những thân cây to bị nhổ bật cả rễ đang lao nhanh giữa dòng. Không có chỗ nào còn lội qua được cả, chờ đến khi nước lũ rút thì quá giờ quy định mất. Tôi bảo các chiến sĩ:
          - Bằng mọi cách chúng ta phải triển khai được đường dây qua suối. Tôi sẽ buộc một đầu dây vào người bơi qua suối, đến bờ bên kia buộc vào gốc cây, anh em chí kéo căng lên mới khỏi bị cành cây trôi vướng vào làm đứt dây.
          - Nước lũ chảy xiết, khi anh bơi qua cây cối trôi lao vào đứt dây, nguy hiểm lắm.
          - Cứ chập hai ba dây vào cho khỏi đứt. Nguy hiểm cũng phải bơi sang...
          Giữa lúc tôi đang cởi quần áo dài và buộc một đầu dây vào người thì một ông già người dân tộc vác cuốc, đội nón lá, khoác áo tơi đi tới. Ông hỏi chúng tôi:
          - Các cháu định bơi qua suối à? Không được đâu vớ! Nước ở đây chảy xiết lắm, nó lôi các cháu xuống vực mất.
          - Ông ơi thế có cách nào vượt qua suối được không ạ?
          - Phải có mảng mới qua được.
          Tôi thất vọng. ở giữa nơi đồng trắng nước như thế này, một cành cây để nống dây còn khó kiếm, lấy đây ra vầu, nứa để ghép mảng. Nhưng ông già đã bảo:
          - Các cháu chờ một lát, ông vào lùm cây kia, có cái mảng của bà con của bà con vẫn dùng qua suối chặt củi chắc vẫn còn buộc ở đó.
          Tôi mừng quá vội cử Vinh đi cùng ông lấy mảng về. Chỉ một lát sau, ông già đã đẩy cái mảng tới trước mặt chúng tôi. Ông bảo:
          - Hai cháu qua trước, mảng không chở được nhiều người đâu vớ!
          Tôi xách cuộn dây bước xuống mảng và nói với ông:
          - Cám ơn ông! Ông cho chúng cháu mượn mảng tự chống lấy cũng được ạ.
          - Hầy! Không được đâu! Nước xiết, các cháu chưa quen, cả người lẫn mảng bị nước nó đưa xuống vực mất!
          Thấy thái độ cương quyết của ông, tôi và Vinh đành mang theo dây máy lên mảng. Chiếc mảng từ từ lao ra giữa suối. Dòng nước hung hãn chồm lên như muốn nhấn chìm chiếc mảng nứa bé nhỏ. Nhưng ông già khá nhanh nhẹn. Ông chống mảng tránh những thân cây đang bị nước cuốn trôi giữa dòng suối. Có lúc chiếc mảng bị láng hẳn xuống phía vực sâu, sợi dây trong tay tôi căng ra. Nhưng rồi chúng tôi cũng sang tới bờ. Tôi bảo Vinh khẩn trương rải dây xuống phía cây đa. Ông già lại chống mảng quay sang đón các chiến sĩ còn ở bên kia. Tôi càng lo lắng, hối hận. Tự trách mình dễ dãi cho anh em vào chơi chợ nên mới bị lũ bất ngờ và lâm tình huống nguy hiểm thế này. Nhìn mái tóc, chòm râu gần bạc trắng và cánh tay khẳng khiu của ông già dân tộc đang căng lên chống chọi với dòng nước xiết tôi thấy cay cay trong khoé mắt.
          Ba chiến sĩ còn lại được ông đưa sang an toàn cả người lẫn máy móc, súng đạn. Trước khi ông trèo mảng quay lại bên kia bờ, tôi nắm lấy cánh tay của ông xúc động nói:
          - Chúng cháu cảm ơn ông lắm!
          - Ô! Không phải cảm ơn mà. Ông biết các cháu vất vả lắm. Thằng cháu ông nó cũng ở "điện thoại" như các cháu. Nó nói, cái máy này gọi được xa lắm. Có gọi được xa, bảo nhau được nhiều, được nhanh mới đánh thắng được bọn giặc phải không các cháu?
          - Đúng thế ông ạ!
          - Thôi các cháu làm tiếp đi! Khi nào nghỉ, sang nhà ông chơi nhá. Nhà ông ở bản Nà Sao chỗ những bụi tre kia kìa.
          Nói đoạn, ông chỉ tay sang bên kia bờ suối chỗ lũy tre um tùm có mấy ngôi nhà sàn. Tôi nắm chặt tay ông:
          - Vâng ạ! Nhất định chúng cháu sẽ đến.
          Chờ ông sang đến bên kia bờ suối an toàn rồi tôi mới chạy theo các chiến sĩ đang triển khai đường dây ở giữa cánh đồng. Vừa chạy, tôi vừa suy nghĩ về câu nói mộc mạc mà sâu sắc của ông già dân tộc. Đó chính là một bài học cho tôi.
          Chúng tôi rải đường dây đến gần gốc đa thì gặp trung đội trưởng Giang dẫn một chiến sĩ chạy lên. Anh nói:
          - Chúng mình lo quá, chỉ sợ lũ lớn các cậu không qua được suối. Ở nhà, khi các cậu vừa đi khỏi thì đường dây xuống "xê" 8 bị đứt, hai người phải đi chữa, mình và hai đồng chí vừa mới kéo đường dây đến gốc đa xong đang chờ các cậu.
          Hai đầu dây được nối với nhau, trời cũng vừa tạnh mưa. Tiếng chuông máy điện thoại reo lên ròn rã. Tiếng tiểu đoàn trưởng phấn khởi vang trong ống nghe:
          - Khá lắm! Trời mưa to thế mà các cậu vẫn hoàn thành nhiệm vụ trước gần một tiếng. Chỉ huy tiểu đoàn biểu dương tinh thần cố gắng của các đồng chi nhé...
          Trung đội trưởng Giang bảo tôi:
          - Tổ của cậu về nghỉ ăn cơm đi! Để chúng mình củng cố đường dây cho.
          - Không! Để chúng tôi làm. Tối về tôi sẽ báo cáo với anh chuyện này. Hôm nay lẽ ra chúng tôi còn có thể hoàn thành nhiệm vụ sớm hơn rất nhiều anh ạ.
                                                                                   Cao Bằng-1980