Thứ Tư, 21 tháng 8, 2019

Truyện ngắn vui LÃO CỐC VÀ... Ô TÔ

LÃO CỐC VÀ... Ô TÔ
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo  

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang cưỡi ngựa, ngoài trời và thiên nhiên

Lão Cốc dắt con trâu ra ngoài đồi cây chăn cho nó gặm cỏ non. Con trâu nhà lão mới đẻ được một con nghé nên cần có chút cỏ tươi. Nhà lão và nhiều gia đình khác trong làng đã bán hết ruộng đất cho các nhà đầu tư xây khu công nghiệp, khu chế xuất. Trâu bò bây giờ chỉ nuôi để giữ vốn và bán dần cho lò mổ lấy tiên tiêu pha. Dân làng bây giờ chủ yếu là đi làm thuê khắp vùng và về tận Hà Nội, lên biên giới làm cửu vạn, ôsin. Nhà nào có chút nghề thủ công thì làm ở nhà nếu không thì đi buôn thúng bán mẹt ngoài chợ.
Thấy lão Cốc dắt con trâu ra cổng thằng Bất vội dặn:
- Bố đi chăn trâu thì chú ý chăn trâu, đừng có làm thơ để trâu phá hoại hoa màu họ phạt cho thì khốn đấy!
- Mày cứ lo mà đi làm thuê đi, kệ xác tao!
Nói đoạn, lão Cốc trèo lên lưng con trâu cưỡi ra khu đồi hoang để chăn thả. Con trâu đủng đỉnh leo lên dốc. Chú nghé con loăng quăng chạy theo. Lão Cốc thấy mình oai phong như một vị chỉ huy đang cưỡi ngựa ra trận. Lên đến đỉnh dốc lão Cốc gặp một chiếc xe du lịch bóng lộn đang dừng cạnh đường. Lão Cốc liền họ con trâu dừng lại. Lão nhảy xuống dắt trâu lại gần mấy người đang ngồi ăn uống bên vệ đường. Lão tò mò hỏi xem cái xe này của ai và giá cả bao nhiêu? Một anh có lẽ là lái xe hào hứng giới thiệu về cái xe đẹp, hiện đại, chạy êm và có máy lạnh mát mẻ như thế nào rồi bảo:
- Cụ ơi! Giá cái xe này những hơn hai tỷ đồng đấy cụ ạ!
Nghe vậy, ông lão Cốc lẩm nhẩm tính toán một lúc rồi gật gù suýt xoa vẻ rất thán phục:
- Thế thì các bác sướng thật! Cái xe bằng những hơn 500 con trâu mộng. Cả đời lão cũng chỉ được cưỡi có một con trâu thôi, đằng này các bác lại cưỡi liền một lúc những... 500 con trâu thế này thì sướng thật! Các bác cán bộ đúng là sướng thật! Sướng đến như tiên rồi còn gì?
Một ông bệ vệ có lẽ là cán bộ to đang cầm lon bia uống nghe thấy thế giật nảy mình. Ông ta liền lên tiếng giải thích, động viên an ủi ông lão Cốc:
- Chả sướng bằng cụ đâu ạ! Cụ cưỡi trâu đi trên đường quốc lộ không phải nộp phí giao thông. Rồi cưỡi trâu băng qua đồi núi thoải mái, chẳng cần có cầu đường cũng vẫn cứ đi được. Chúng tôi ngồi ô tô thì cứ phải đi trên đường quốc lộ, phải qua cầu phà và bây giờ phải nộp phí giao thông cao lắm. Mỗi năm mất đứt hai đến ba con trâu đấy cụ ạ!
Lão Cốc tròn mắt:
- Nhiều những thế cơ à?
Ông cán bộ gật đầu:
- Không những thế, cụ cưỡi trên lưng trâu luôn luôn có gió trời thiên nhiên mát rười rượi, chúng tôi ngồi trong ô tô nóng bức nên phải mở máy điều hòa hay bị đau đầu viêm họng lắm!
Lão Cốc tặc lưỡi:
- Thế hóa ra các bác cũng khổ nhỉ?
- Khổ ghê lắm cụ ạ! Trâu của cụ lỡ có lao vào gốc cây chết hỏng thì còn thịt ra để ăn được, chứ ô tô lỡ lao vào gốc cây hỏng không thịt ăn được mà có khi còn chết thêm cả người nữa cụ ạ!
Lão Cốc chép miệng:
- Thế này thì phải công nhận đúng là các bác khổ thật! Tôi quanh năm cưỡi trâu sống lâu vui vẻ chứ các bác cán bộ suốt ngày đi trên cái ô tô bằng cả trăm con trâu thế này cũng chả hay ho gì mà còn nguy hiểm quá….
- Đúng... đúng thế cụ ạ!
Ông cán bộ gật đầu. Lão Cốc nói tiếp:
- Mà tôi còn nghe nói có bác vừa mới hôm trước thôi còn cưỡi cái ô tô bằng hơn 500 trăm con trâu phóng bon bon trên đường quốc lộ, mấy hôm sau đã phải đi làm cái việc gì gì đó chuyên “bóc lịch” đến mỏi cả tay những mấy chục năm liền cơ đấy!
Nói xong, lão Cốc leo lên lưng con trâu. Đoạn, lão cưỡi trâu đủng đỉnh đi lên sườn đồi. Còn ông cán bộ nọ thì cứ há hốc mồm ra nhìn theo lão Cốc quên cả lon bia cầm trên tay đang uống dở…
Hà Nội, 6-8-2019

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2019

Tạp văn ÁM ẢNH

ÁM ẢNH
Tạp văn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang đứng, núi, trẻ em, bầu trời, bãi biển, ngoài trời, thiên nhiên và nước

Câu chuyện em bé lớp 1 ngây thơ những ngày đầu tiên đến trường bị bỏ quên trên xe đưa đón phải chịu nỗi sợ hãi, đói khát và ngạt thở đến chết cứ ám ảnh mãi trong tâm trí của tôi. Tôi không tài nào viết tiếp được câu chuyện về lão Cốc và ông Tô ở cái làng quê miền núi xa xôi ấy nữa.
Cái chết của em bé bị bỏ quên trên xe đưa đón của một ngôi trường mang tên quốc tế giữa thủ đô Hà Nội là một "sự ám ảnh về ngành giáo dục" nước ta. Sự ám ảnh ấy cũng hằn sâu trong tâm trí bao nhà sư phạm chân chính, bao phụ huynh học sinh và nhân dân. Những năm gần đây, ngành giáo dục xảy ra bao nhiêu chuyện đau lòng. Những cảnh "tra tấn" trẻ em ở lớp mẫu giáo, cảnh bạo lực học đường, thầy đánh trò, trò đánh thầy, trò đánh nhau không còn hiếm hoi gì nữa. Rồi chuyện tày trời có một không hai trong lịch sử ngành giáo dục nước ta là việc những đường dây điều hành gian lận thi cử, mua bán điểm đến hàng tỷ đồng ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La; chuyện đóng góp, dạy thêm kiếm tiền khiến cho bức tranh của ngành giáo dục nước ta ngày càng thêm thê thảm. Sự xuống cấp của giáo dục khiến xã hội rất lo lắng. Bởi lẽ, giáo dục mà suy vong thì xã hội sẽ suy tàn. Ông Nelson Mandela, lãnh tụ của phong trào cách mạng Nam Phi đã rất đúng khi cho rằng muốn tiêu diệt một dân tộc, muốn phá hoại một đất nước thì hiệu quả nhất là phá hoại nền giáo dục của đất nước đó.
Người ta đã đi tìm và lý giải cho nguyên nhân sa sút của ngành giáo dục nước ta. Có ý kiến cho rằng kinh tế thị trường, đạo đức xã hội xuống cấp kéo theo giáo dục trượt theo. Có người cho rằng kinh tế khó khăn, đời sống giáo viên thiếu thốn khiến việc dạy học cũng kém dần đi. Theo tôi chưa hẳn là thế. Hãy nhìn vào lịch sử. Những năm chiến tranh khốc liệt, thiếu thốn đủ bề ngành giáo dục nước ta vẫn có những thành tựu đáng kể. Hiện nay, kinh tế nước ta đã phát triển, đời sống nhân dân có sự cải thiện, đầu tư cho ngành giáo dục tăng nhiều tại sao chất lượng lại càng ngày càng tụt thấp mãi xuống. Nguyên nhân chính là do đường lối giáo dục có vấn đề, quan niệm về dạy học có sự sai lệch. Ngày xưa, dạy học là để xây dựng một thế hệ con người có ích cho đất nước. Những con người, những học sinh đó sẽ góp phần xây dựng đất nước phát triển. Ngày nay dạy học hình như chỉ là để nhồi nhét cho đủ lượng kiến thức theo quy định của chương trình vào học sinh rồi phó mặc họ thành cái gì thì thành và nếu có thành tài thì phục vụ cho ai, ở đâu cũng được. Chính quan niệm đó đã làm hỏng không chỉ một hai thế hệ. Bộ máy giáo dục ngày càng trở nên khô cứng, thiếu tính nhân văn. Tôi chỉ xin dẫn một ví dụ nhỏ: Bao nhiêu năm rồi người đi học phải nộp học phí. Học sinh nghèo, tai nạn, khó khăn được xét giảm hoặc miễn học phí. Hai từ "học phí" tạo trong tâm trí người ta một sự yên tâm bởi có lý, có tình. Bây giờ các lãnh đạo đầu ngành giáo dục lại muốn đổi "học phí" thành "học giá" (giống như các "trạm thu giá" BOT đường bộ của ngành giao thông), tức là phải trả giá, phải mua bán kiến thức của nhà trường khi đi học. Chỉ mới nghe đã thấy quan niệm của các quan giáo dục ngày nay có vấn đề. Có lẽ cơ chế thị trường đã biến "nhà trường thành thương trường" chăng? Thế thì còn đâu tính nhân văn, tình nghĩa thầy-trò nữa? Chính cái quan điểm theo kiểu "con buôn" đã đẩy ngành giáo dục nước ta ngày càng thêm sa sút. (Xin lỗi những người làm nghề buôn bán. Tôi dùng hai từ "con buôn" ở đây là muốn nói về những người buôn gian, bán lận của thập niên sáu mươi, thế kỷ trước. Thời bao cấp ấy hàng hóa vô cùng khan hiếm, chủ yếu tuồn từ mậu dịch quốc doanh ra ngoài thị trường tự do bán kiếm lời với giá cắt cổ. Trong con mắt nhân dân ngày ấy "con buôn" có nghĩa không đẹp, không trong sáng. Bây giờ buôn bán hàng hóa nhiều, người bán tận tình, hàng síp tận nhà, hỏng hóc đổi ngay, bảo hành chu đáo). Tư tưởng giáo dục theo kiểu "con buôn" ấy đã có hậu quả tức thời, là căn nguyên của nhiều tiêu cực học đường. Hàng trăm trường đại học ra đời, các trường quốc tế khắp nơi nhưng chủ yếu là dạy cho học sinh trong nước. Cái quan niệm giáo dục ấy không chỉ có trong trường học mà nó lan ra cả xã hội. Một xã hội tràn ngập bằng cấp nhưng lại thiếu kiến thức thực hành hữu ích. Vì thế mới xuất hiện những nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ với những đề xuất sáng kiến phản khoa học như vừa qua mà tôi không muốn nhắc lại. Chính do sự xa rời mục tiêu đào tạo ra những con người phục vụ đất nước mình nên nhiều nhân tài đi du học tốn bao nhiêu tiền của nhà nước ta lại đi phục vụ nước khác, xây dựng nước khác. Có những chương trình tìm kiếm tài năng, giải thưởng hàng chục, hàng trăm ngàn đô-la, cho họ đi du học rồi họ mất hút luôn. Thôi như thế có tiếc nhưng cũng đành chịu vậy. Song, đáng buồn là nhiều người được cho đi đào tạo còn quay lại chống phá đất nước nữa. Điều ấy cũng là một nỗi ám ảnh của ngành giáo dục. Những nỗi ám ảnh ấy không chỉ riêng của ngành giáo dục mà nó có trong xã hội, có trong tôi, trong anh và trong tất cả mọi người chúng ta...
Hà Nội, ngày 7/8/2019

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2019

Tạp văn TRUNG QUỐC VÀ THẾ GIỚI

TRUNG QUỐC VÀ THẾ GIỚI
Tạp văn của Trọng Bảo 

Trong hình ảnh có thể có: đại dương, bầu trời, ngoài trời và nước

Trung Quốc bắt đầu nhìn thế giới với con mắt thống trị. Có lẽ họ tự cho mình đã đến lúc đủ sức "trỗi dậy..." để cưỡi lên đầu lên cổ nhân loại, đã đến lúc thể hiện vai trò là "con trời" của họ. Điều này không phải là sự võ đoán hay quy chụp cho Trung Quốc mà đó là những biểu hiện của chính họ đã minh chứng.
Hơn bốn chục năm trước sau khi Mao chết, Đặng Tiểu Bình vừa khôi phục quyền lực đã tính toán ngay đến chuyện này, có đường đi nước bước rõ ràng, có sự bàn giao thế hệ cụ thể. Cuộc chiến hồi tháng 2-1979 ở biên giới phía Bắc, Trung Quốc kéo quân sang đánh Việt Nam cũng chính vì lý do Việt Nam dám ngáng trở mưu đồ và những "thí nghiệm" việc thực thi cai trị thế giới của họ. "Thí nghiệm" thống trị toàn thế giới ấy họ đã thực hiện ở Campuchia. Mô hình thống trị thế giới của Trung Quốc chính là những gì họ đã đem ra áp dụng tại đất nước Chùa tháp thập niên bảy mươi của thế kỷ trước. Một mô hình là từng bước thủ tiêu dần dần lượng nhân khẩu các "dân tộc phi Hán" để tiến đến "Hán hóa" đất đai, lãnh thổ của từng nước một. Campuchia chỉ trong một vài năm đã bị tiêu diệt hơn hai triệu người. Campuchia sẽ bị giết hại đến người cuối cùng nếu Việt Nam không kịp thời can thiệp. Điều đó toàn thế giới đều biết, người Khơ-me cũng biết. Tiến đánh Việt Nam 2-1979, Trung Quốc muốn cảnh báo chúng ta đừng có ngăn cản con đường bá chủ thế giới của họ, đừng có phá hoại những thí nghiệm toàn cầu của họ. Hồi ấy họ tuyên bố "dạy cho Việt Nam một bài học" chính là vì lý do đó. Trung Quốc không bao giờ từ bỏ âm mưu bành trướng, dã tâm bá chủ thế giới. Đừng có một quốc gia nào hy vọng ở sự tử tế của Trung Quốc khi họ luôn mồm "hảo... hảo..." và mang hàng hóa giá rẻ đến bán mà như cho không ấy. Đến nay, chỉ sau vài chục năm, Trung Quốc đã thành công trong việc biến thế giới thành những cái chợ bán các loại hàng hóa giá rẻ, hàng giả, hàng độc hại mang nhãn hiệu "made in China". Hàng hóa đủ chủng loại của Trung Quốc ngập tràn khắp hang cùng ngõ hẻm của thế giới. Đó là một chiến lược lâu dài và có chủ ý nhất quán của họ. Họ đã làm cho thế giới ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhiều quốc gia châu Phi, châu Mỹ xa xôi đã chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Sự việc trợ, đầu tư kinh tế đã biến thế giới ngày càng "hàm ơn" và dính chặt vào nước Hán.
Nếu như tháng 2-1979, Trung Quốc không thể thắng được Việt Nam khi đưa hàng chục vạn quân bất ngờ ồ ạt vượt qua biên giới thì sau vài chục năm họ đã thắng được người Việt bằng các "ngón đòn kinh tế". Hóa ra năm xưa lăm lăm súng đạn lại không tiến được đến Hà Nội, nhưng nay tay cầm vỏ chăn hoa con công, tay xách chai bia Vạn Lực mà họ lại có thể vào tận thành phố Hồ Chí Minh, xuôi đồng bằng Sông Cửu Long, lên tận cao nguyên để tham gia đấu thầu các công trình xây dựng kinh tế trọng điểm, thuê đất trồng trọt trong các khu vực an ninh quốc phòng trọng yếu của nước ta. Theo thống kê của một tờ báo có đến hơn 75% các công trình xây dựng ở Việt Nam là do phía Trung Quốc thắng thầu. Họ bỏ thầu giá thật rẻ để thắng thầu rồi quá trình thi công nêu những phát sinh. Đến khi quyết toán có khi giá cả, chi phí công trình lại gấp mấy lần nhà thầu bỏ thầu cao khi mở thầu. Việc này người Việt Nam chúng ta cũng đã biết. Nhưng đáng buồn vẫn cứ bị mắc vào cái mạng nhện lợi nhuận mà Trung Quốc giăng ra. Đó cũng là lẽ dĩ nhiên. Đạn bom không thể phá vỡ các tuyến phòng thủ, nhưng đồng tiền lại có thể công phá được lòng người. Điều này cũng không chỉ người Việt chúng ta bị như thế mà người nước ngoài cũng bị như thế. Chúng ta đã từng nghe chuyện Trung Quốc chi vài triệu đô-la mà làm hỏng cả một hội nghị cấp cao khối ASEAN khi nước chủ nhà nghe theo họ không ra tuyên bố chung. Rồi vừa qua, khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam khiến cả thế giới ồn ào phản ứng. Thế nhưng nhiều người bạn từng "kề vai, sát cánh" với chúng ta trong những năm đấu tranh chống Mỹ nay lại im hơi lặng tiếng. Cũng dễ hiểu thôi! Họ đang khó nói. Tục ngữ Việt Nam có câu "há miệng mắc quai", "ngậm miệng ăn tiền". Các nước này họ đang nhận sự viện trợ dồi dào của Trung Quốc, không thể chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ được, có chăng là một vài biểu hiện, cử chỉ xã giao để Việt Nam yên tâm, kiểu như là "bày tỏ mối quan ngại sâu sắc", "sự lo lắng, quan tâm theo dõi"... Chúng ta cũng nên thông cảm cho các nước này. Và chúng ta cũng cần hiểu là trong tình thế hiện nay muốn giữ được độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ là phải dựa vào chính sức mình, không trông chờ ở ai. Chúng ta muốn thắng được kẻ thù thì cần dân giàu, nước mạnh, phải có tiềm lực kinh tế, quốc phòng mạnh, chính quyền vững vàng, không tham nhũng và điều cốt yếu là có được lòng dân trên dưới một lòng.
Trung Quốc không bao giờ chịu xem xét kỹ lại lịch sử, hoặc là họ vẫn cho rằng lịch sử đã thiên vị các nước khác. Họ luôn luôn có ý nghĩ "thua trong lịch sử nhưng có thể sẽ thắng trong tương lai". Những bài học từ sông Bạch Đằng, từ ải Chi Lăng, gò Đống Đa của Việt Nam hình như không có ý nghĩa lắm đối với họ. Trong tư tưởng của người Trung Quốc chẳng bao giờ phai nhạt ý chí bành trướng, quyết tâm bá chủ hoàn cầu, "Hán hóa" toàn bộ thế giới. Đó là điều mà thế giới nên hiểu, nên cảnh giác. Nên hiểu rằng có thể hôm nay người Trung Quốc cho ta củ cà rốt nhưng chưa chắc ngày mai họ sẽ vẫn đưa cho ta củ cà rốt. Nếu thấy họ vẫn đưa cho ta củ cà rốt thì hãy thận trọng, củ cà rốt ấy nhất định là có độc dược...
(Bài viết là quan điểm riêng của tác giả. Bài viết khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa Việt Nam)
Hà Nội, ngày 3/7/2014