Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

Truyện ngắn vui NGHỊ QUYẾT NGẮN NHẤT

      NGHỊ QUYẾT NGẮN NHẤT

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Ông Tô và lão Cốc chơi cờ tướng. Lâu lắm hai ông mới lại có thời gian rảnh rỗi để ngồi chơi cờ giải trí với nhau như thế này. Đi xong một nước cờ lão Cốc nói:
- Thế cờ rất giống “thế đời” ông ạ!
- Nghĩa là thế nào?
- Thì như Cụ Hồ ngày xưa đã từng dặn: ”Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công” đấy thôi. Tôi thấy trong thế đời cũng vậy. Nhiều ông “lạc nước” quá ông ạ. Lên đến đỉnh cao sự nghiệp, của quyền lực và vinh quang vậy mà qua một đêm đã rơi xuống vực thẳm như các ông bà bộ trưởng, thứ trưởng, như các vị chủ tịch Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, rồi hàng loạt các quan chức cấp cao, ủy viên các loại khác nữa…
Ông Tô bảo:
- Các ông này không chỉ là “lạc nước” đâu ông ạ! Mà phải nói là họ “hại nước” mới đúng. Vì lạc nước là có trường hợp người tốt có khi chỉ vì do tính toán không cẩn thận mà dẫn đến sai hỏng, họ có ý định tốt nhưng phương pháp lại sai. Còn các vị này là ngay từ dầu đã có mục đích, có ý định sai, biết là đang “lạc nước” sẽ dẫn đến "hại nước" nhưng họ vẫn cố tình lao theo nên mới trở thành những kẻ “hại nước” như vậy đấy ông ạ!
Lão Cốc gật gù tán thưởng sự phân tích của ông Tô. Giữa lúc hai ông đang vừa đánh cờ vừa sôi nổi đàm luận thì ngoài cổng có tiếng người. Một toán thanh niên bước vào nhà. Đó là các giáo viên trẻ ở trường ông Tô từng dạy học. Một thầy giáo trẻ làm trưởng đoàn. Họ đến thăm ông Tô, tặng người thầy cũ một cuốn lịch năm mới. Anh giáo viên trẻ tự giới thiệu mình tên là Lê Mạnh Chúc- giáo viên dạy môn lịch sử, bí thư đoàn trường đến xin ông Tô góp ý về bản nghị quyết và chương trình hành động năm 2021. Họ rất tôn trọng ý kiến của người thầy giáo già từng có thời gian làm bí thư đoàn trường- Tổng đội trưởng đội thiếu niên của nhà trường. Ông Tô có nhiều kinh nghiệm trong công tác đoàn và việc giáo dục học sinh. Ông Tô xem rất kỹ bản dự thảo nghị quyết và chương trình hành động khá dài của anh giáo viên trẻ đưa cho rồi hỏi:
- Thế các bạn có biết nước ta đã có một bản nghị quyết ngắn gọn nhất, rõ ràng nhất và thực hiện thành công, rất đáng được ghi vào sách kỷ lục Guinness của thế giới không?
Các giáo viên trẻ và cả lão Cốc nữa đều ngạc nhiên nhìn ông Tô. Tất cả đều chịu không biết bản nghị quyết ngắn nhất, “đáng được ghi vào sách kỷ lục thế giới” ấy như thế nào?
Ông Tô chậm rãi nói thêm:
- Bản “nghị quyết” ấy chỉ có một chữ duy nhất thôi. Vậy mà khi ban hành ra thì toàn quân, toàn dân đều hiểu đúng và đều hành động theo đúng tinh thần, ý chí của bản nghị quyết. Nhờ vậy mà đã làm nên thành tích, chiến công vang dội ghi dấu vào lịch sử của dân tộc ta đấy!
Lão Cốc và các giáo viên trẻ đều rất ngạc nhiên và tò mò muốn biết ngay bản nghị quyết độc đáo ấy nó như thế nào? Không để mọi người phải chờ lâu, ông Tô nói tiếp:
- Bản “nghị quyết” ấy ra đời năm 1284, khi quân Nguyên chuẩn bị kéo sang xâm lược nước ta lần thứ 2, vua Trần Nhân Tông liền cho triệu tập Hội nghị Diên Hồng họp tại Thăng Long (thủ đô Hà Nội ngày nay). Tham dự hội nghị này là các vị bô lão, đại diện cho nhân dân cả nước. Sau khi nêu lên thế mạnh như chẻ tre của quân Nguyên và những điểm yếu, khó khăn của quân ta vua Trần Nhân Tông đã xin ý kiến các vị bô lão là nên “hòa” hay nên “đánh”? Các vị đại biểu dự hội nghị có người một đời thân phận thấp hèn, tay bùn chân lấm, nay bỗng dưng được triều đình mời vào tận chốn hoàng cung để bàn việc quốc gia đại sự, tinh thần phấn chấn khác thường. Khi nhà vua vừa dứt lời tất cả đều giơ nắm tay lên hô to: “Đánh!”. Thế là bản “nghị quyết” ngắn nhất thế giới, chỉ có mỗi một từ “đánh” duy nhất ấy đã được thông qua với sự nhất trí cao tuyệt đối 100%. Toàn quân, toàn dân Đại Việt cứ theo tinh thần, ý chí của bản nghị quyết ấy mà hành động và đã làm nên chiến thắng lẫy lừng đánh bại đội quân xâm lược hùng mạnh phương Bắc.
Nghe ông Tô phân tích, lão Cốc và các giáo viên đều vô cùng thích thú và khâm phục sự thâm thúy sâu sắc của người thầy giáo già. Ông Tô nói thêm:
- Bây giờ nghị quyết, chương trình hành động thì nhiều, quá dài dòng nhưng không thể hiện được mục tiêu, yêu cầu và giải pháp thực hiện, nội dung dàn trải, thiếu tính thực tiễn, tham nhiều việc, không có trọng tâm, trọng điểm và thường chồng chéo lẫn nhau. Khi thực hiện thì nghị quyết viết một đằng, hành động theo một nẻo, trên dưới bất nhất, “đánh trống bỏ dùi”, “tranh công, đổ lỗi”, vì vậy nên thường không thành hiện thực hoặc hiệu quả rất kém. Bản nghị quyết và chương trình hành động của Đoàn Thanh niên trường ta cũng vậy, áp vào trường nào cũng được, sang năm chép lại cũng thấy vẫn được. Thế thì không thành công được đâu các bạn trẻ ạ?
Đoạn, ông Tô dành thời gian góp ý kiến cụ thể vào bản nghị quyết và chương trình hành động của đoàn thanh niên nhà trường cũ. Ván cờ của ông Tô và lão Cốc vì thế bị bỏ dở. Câu chuyện về thế cờ và “thế đời” của hai ông vì thế mà cũng cũng thành dang dở. Ván cờ, thế cờ dang dở thì chơi lại ván khác, còn “thế đời” khi đã sai thì không bao giờ còn có thể làm lại được nữa…
Hà Nội, ngày 24-12-2020
Không có mô tả ảnh.

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

CÁC BẠN THÂN MẾN!

     CÁC BẠN THÂN MẾN!

Tình cờ đúng dịp Kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-2020), nhóm Hồi ức lính chiến đã đưa lên trang You Tube toàn bộ nội dung tiểu thuyết TRONG VÒNG LỬA của tôi. Chỉ sau một tuần đã có đến hơn hai trăm ngàn người truy cập và hàng ngàn ý kiến bày tỏ tình cảm trân trọng về những người lính đã chiến đấu hy sinh để bảo vệ biên giới phía Bắc 2-1979. Mời các bạn vào You Tube để nghe đọc truyện. Dưới đây là phần tôi trả lời chung cho các bạn theo dõi Trong vòng lửa trên YouTu be:
Tiểu thuyết “Trong vòng lửa” (sau này đổi tên là Cơn lũ đen), viết về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2-1979, cụ thể là viết về hướng xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Khi cuộc chiến tranh nổ ra, bọn xâm lược Trung Quốc như một “cơn lũ đen” vô cùng tàn khốc tràn qua biên giới sang tàn phá nước ta. Lúc ấy, tôi đang là tiểu đội trưởng, Tiểu đội thông tin vô tuyến điện của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 phòng ngự tại khu vực xã Sóc Hà và thị trấn Sóc Giang. Hơn 3 giờ sáng ngày 17-2-1979 khi bọn địch nổ súng tấn công thì tôi đang ở bản Cốc Vường, cách cửa khẩu Bình Mãng hơn 500 mét.
Tiểu đoàn 3 chúng tôi đã chiến đấu bảo vệ các trận địa chốt ở cửa khẩu Bình Mãng và thị trấn Sóc Giang. Ngày 20-2-1979, Tiểu đoàn 3 bị quân Trung Quốc bao vây ở thị trấn Sóc Giang. Lửa đạn quân địch đã biến thị trấn Sóc Giang thành một biển lửa. Chúng tôi đã gọi Sóc Giang là “Tọa - độ - lửa”, và cuốn sách của tôi khi mới viết đặt tên là “Trong vòng lửa” có ý nghĩa như vậy. Riêng trong trận đánh ngày 20-2 năm ấy tại “tọa độ lửa Sóc Giang”, tiểu đoàn 3 đã tiêu diệt 8 xe tăng, hơn 500 tên Trung Quốc xâm lược. Diễn biến cuộc chiến đấu của Tiểu đoàn 3 anh hùng tại Cao Bằng như trong truyện các bạn đã đọc. Tôi còn nhớ như in cái đêm vượt vòng vây quân địch trùng trùng điệp điệp ở huyện Thông Nông, bộ phận của tôi bị địch “cắt đuôi”. Sáng hôm sau nhìn lại xung quanh mình chỉ còn vài ba chiến sĩ tả tơi, súng thì hết đạn, ba-lô lép kẹp không còn một chút lương thực nào, anh em thì có cả người bị thương băng kín cả đầu. Mà cái vòng băng trên đầu cũng bẩn thỉu, lấm đen bùn đất. Sao lúc ấy tôi cảm thấy bơ vơ và bi quan đến thế. Vậy mà chúng tôi vẫn sống và chiến đấu trong vòng vây quân giặc cho đến ngày chúng phải rút chạy khỏi đất nước ta.
Sau chiến tranh, tôi về xuôi đi học rồi trở lại biên giới Lạng Sơn làm cán bộ đại đội, sau đó làm báo, viết văn, hiện đang làm việc tại Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Các nhân vật trong truyện tôi xin được nói cụ thể như sau: Anh Hoàng, Chính trị viên Tiểu đoàn 3 tên thật là Hoàng Quốc Doanh, hiện anh là Đại tá về hưu, quê ở Cẩm Khê, Phú Thọ. Anh Doanh sau chiến tranh 2-1979 được bổ nhiệm làm trung đoàn trưởng. Khi anh Doanh là trung đoàn trưởng Trung đoàn 677, Sư đoàn 346 thì Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch lúc ấy là Phó chủ nhiệm chính trị của Trung đoàn 677. Mỗi lần gặp tôi ở cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch vẫn hỏi thăm về anh Doanh. Anh Trần Hữu Hoàn, Đại đội phó Đại đội 11 bảo vệ chốt cây đa cửa khẩu Bình Mãng sau này là Thiếu tướng , tham mưu phó Quân khu 1. Trung đội trưởng Bùi, tên thật là Phạm Hoa Mùi mới mất cách nay vài năm vì mắc bệnh hiểm nghèo. Trợ lý tham mưu tiểu đoàn Bùi Đức Thọ là thượng tá, trung đoàn trưởng đã nghỉ hưu, khoảng 5 năm trước tôi mới gặp lại anh tại buổi gặp mặt cựu chiến binh Trung đoàn 246. Vũ Văn Tự, tiểu đội phó tiểu đội thông tin vô tuyến Tiểu đoàn 3 quê ở Yên lạc, Vĩnh Phúc ra quân, tôi cũng mới liên lạc lại được. Nguyễn Văn Trọng- tiểu đội phó tiểu đội truyền đạt của Tiểu đoàn 3 tôi cũng đã gặp lại. Tôi cũng đã gặp anh Nguyễn Trung Sơn, trung đội trưởng thuộc đại đội thông tin của Trung đoàn 246, người bị địch bắt khi đi triển khai đường dây lên khu vực Pác Bó. Khi về đào tạo sĩ quan ở Bắc Ninh tôi cũng cùng học với Nguyễn Xuân Hòa, trợ lý chính trị và Cao Thành Văn, trợ lý quân khí Tiểu đoàn 3. Anh Hòa là người đã đưa cho tôi quả lựu đạn mỏ vịt trong đêm phá vây thoát khỏi thị trấn Sóc Giang để sẵn sàng chết khi sa vào tay bọn giặc. Tôi cũng đã gặp lại một người “rất đặc biệt”, đó là ông đại đội trưởng Đại đội 11 (tôi xin không nêu tên, nhưng các bạn đọc truyện đều đã biết), ông này đã đào nhiệm sau chiến tranh. Sau đó vài năm khi tôi gặp lại thì ông đang là chủ quán cháo lòng tiết canh lối vào sân bay Nội Bài cũ.
Khi tôi đưa tiểu thuyết “Trong vòng lửa”, sau này đổi tên là “Cơn lũ đen” lên Facebook thì có rất nhiều đồng đội ở Tiểu đoàn 3 và Trung đoàn 246 đã đọc và cung cấp cho tôi thêm nhiều chi tiết của cuộc chiến tranh mà tôi không biết. Đó là các anh Phạm Hồng Thanh, Triệu Trí, Ngô Quang Hà, Nguyễn Hoạch, Đặng Giang Giang, Cao Thành Văn, Phạm Chức và nhiều đồng đội khác... Họ đều là những người lính đã trực tiếp tham gia chiến đấu cùng tôi tại Hà Quảng, Cao Bằng tháng 2-1979. Nhiều phần “Trong vòng lửa” cũng đã được đăng tải trên các báo và tạp chí như Tạp chí Văn nghệ quân đội, báo QĐND, báo Văn nghệ và chuyển thể thành truyện truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Tp HCM. Cảm ơn Hồi ức lính chiến đã đưa Trong vòng lửa lên YouTube, cảm ơn các bạn đọc đã luôn có những tình cảm tốt đẹp về những người lính một thời gian lao chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.
Hà Nội, ngày 22-12-2020
TRỌNG BẢO
Ảnh: Đại tá Hoàng Quốc Doanh (bên phải), nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, nguyên mẫu nhân vật chính của tiểu thuyết Trong vòng lửa và tác giả.
Hình ảnh có thể có: 2 người, bao gồm Trọng Bảo, mọi người đang đứng

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2020

Truyện ngắn vui CÀNG ĐẬP, CÀNG BAY

     CÀNG ĐẬP, CÀNG BAY

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Làng tổ chức làm vệ sinh các xóm ngõ chuẩn bị bước sang năm mới. Dân làng cùng nhau dọn dẹp những đoạn cống rãnh bế tắc tù đọng hôi thối, di chuyển những đống rác tồn đọng đầu làng cuối xóm. Khu "công viên” đầu làng trở nên sạch đẹp.
Cuối buổi lao động tập thể, dân làng tụ tập ở gốc đa đầu làng uống nước chè tươi, nói chuyện vui vẻ. Có ai đó chợt kêu to:
- Đề nghị nhà thơ Cốc Vũ đọc cho bà con làng ta nghe một bài thơ cho đỡ mệt mỏi đi!
Lão Cốc đang cầm cái chổi gật gật đầu:
- Vậy thì mời bà con nghe bài thơ “Làng ta đổi mới” nhé!
- Bài thơ ấy chúng tôi nghe đài truyền thanh xóm ngâm nga nghe mãi rồi. Lão có bài thơ gì mới sáng tác thì đọc cho mọi người nghe đi
Thằng Lố nói. Lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ ngần ngừ rồi bảo:
- Bài thơ này tôi vừa mới viết xong. Đọc cho mọi người cùng nghe để “tham khảo” thôi, không phổ biến rộng rãi nhé!
Bà Mùa vừa nhai trầu vừa nói:
- Gớm! Lão cứ làm như thơ là “tài liệu mật” không bằng… cứ đọc đi xem nào?
Lão Cốc nói:
- Vâng… Tôi xin đọc ngay đây. Tên bài thơ là “CÀNG ĐẬP, CÀNG BAY”…
Mọi người nhao nhao:
- Tên bài thơ gì mà lạ thế nhỉ?
- Bà con im lặng để lão ấy đọc xem thế nào đã chứ?
Lão Cốc ậm è rồi đọc:
“Càng đập lại càng bay cao
Đó là câu chuyện xiết bao lạ lùng
Kỷ luật cảnh cáo vừa xong
Lại lên trưởng sở giao thông đàng hoàng
Nhân dân xứ Quảng hoang mang (Quảng Ngãi)
Khi quan tham vẫn vững vàng ngôi cao…
Kinh đô nổi tiếng anh hào
Có ông quan sở “Kế- đầu” gớm thay (sở Kế hoạch-đầu tư)
Biết bao sai phạm… tội dày
Đã thành hệ thống kéo dài triền miên,
Thế mà ông vẫn bay lên
Thành phó đô trưởng ngồi trên bao người…”.
Lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ đọc xong bài thơ thì mọi người ồn ào bàn tán. Thằng Bất nói to:
- Ôi dào! Ở nước ta những chuyện này là chuyện bình thường thôi. Còn nhiều chuyện thậm vô lý nữa vẫn còn tồn tại đầy rẫy đấy, xử lý, dẹp hết làm sao được chứ…
- Còn những chuyện gì thế?
- Thì đấy… ông quan “chổi đót” ở rừng về thủ đô nhậm chức, các ông quan “chăn lợn”, quan “chạy xe ôm”, quan “đi buôn chuyến” làm biệt thự nguy nga vẫn tồn tại khắp nơi đấy thôi…
Mọi người lại ồn ào bàn tán. Một ông trông vẻ đen đúa, nưới da đen chùi chũi đứng dậy. Đó chính là ông Bễ mới chuyển về mở lò rèn dao cuốc cho nông dân ở đầu làng. Ông Bễ nói ngập ngừng:
- Tôi không biết làm thơ… nhưng cũng xin đọc một bài “thơ thời sự” góp vui để bà con cùng nghe nhé!
- Đọc đi… đọc đi…
Mọi người giục. Lão Bễ trịnh trọng hắng giọng rồi đọc:
CHUYỆN LẠ
“Trái tim đầy lông lá
Đem đặt giữa thủ đô
Xin hỏi nhà văn hóa
Là ngu hay… hồ đồ?
Quan tòa sao lại thế
Bắt tay với phạm nhân,
Cảm thương cấp trên cũ
Hay vẫn còn tri ân?
Rồi năm người đã chết
Quê ở tỉnh Bình Dương
Vẫn còn đi… khám bệnh
Hưởng bảo hiểm như thường!
Đúng là toàn chuyện lạ
Ở nước Việt muôn phương…”.
Ông Bễ đọc xong bài thơ, mọi người vỗ tay rào rào. Ông hơi ngượng ngựu ngồi xuống. Lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ thì trố mắt nhìn ông Bễ. Lão Cốc nghĩ: “Không ngờ tay thợ rèn này làm thơ hay và lý trí thế. Nhất định phải kết nạp cái tay thợ rèn này vào hội thơ của làng mới được”. Lão Cốc chợt thấy vui vui vì sau một buổi đi tổng vệ sinh làng xóm mà đã phát hiện ra một “nhà thơ” mới của làng…
Hà Nội, ngày 13-12-2020
Hình ảnh có thể có: văn bản cho biết 'Dã nói là nho "NUÔI HEO" minh mới có ngày hom nay mà không ai tih. N9 hoasibiem.com'

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

Truyện ngắn vui SƯ TỬ Ở LÀNG

      SƯ TỬ Ở LÀNG

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Trời sụp tối. Ngày mùa đông thường ngắn. Ông bà Tô cho lũ trẻ con ăn cơm sớm. Tối hôm nay có đoàn xiếc về xã biểu diễn. Có nhiều tiết mục xiếc thú nên lũ trẻ con rất thích. Bọn chúng háo hức kể từ lúc chiều đi học về. Thằng cháu lớn của ông Tô nói với ông:
- Thằng cu Bi nhà chú Quân hôm nay được chú ấy đưa đi chơi thủ đô Hà Nội, được vào thăm vườn bách thú đấy ông ạ!
Nhìn nét mặt có vẻ hơi buồn vì ghen tỵ của cháu ông Tô an ủi:
- Chú Quân là cán bộ huyện nên được cơ quan cho đi tham quan Hà Nội, chú ấy cho cu Bi đi cùng, còn bố cháu không phải là cán bộ nên không đi được. Khi nào có điều kiện nhất định ông sẽ đưa các cháu đi thăm vườn bách thú ở thủ đô Hà Nội. Thôi các cháu ăn nhanh rồi chuẩn bị đi xem xiếc cũng có nhiều con thú biểu diễn vui lắm đấy.
Mấy đứa cháu nghe lời ông bưng bát cơm lên. Khi ông Tô vừa bưng bát cơm chưa kịp ăn thì có tiếng gào thét ầm ĩ, tiếng người hô hét đâm chém, tiếng bước chân chạy rầm rập ngoài ngõ. Ông Tô vội nói:
- Bà và các cháu cứ ăn cơm đi, để tôi ra cổng xem có việc gì nhé!
Nói đoạn, ông Tô đặt bát cơm xuống mầm rảo bước ra cổng. Đường làng đèn điện đã sang choang. Ông Tô gặp ngay thằng Quân là cán bộ huyện trên lưng cõng cu Bi chạy hồng hộc ra phía cánh đồng. Phía sau là vợ thằng Quân miệng gào thét, đầu tóc rũ rượi, tay cầm con dao bầu sáng loáng đuổi theo đòi chém. Có mấy người hối hả chạy theo để can ngăn. Thằng Bất và thằng Lố đuổi kịp vợ thằng Quân và tước ngay được con dao bầu.
Vợ thằng Quân bị tước mất con dao và bị mấy bà mấy cô giữ lại vẫn chỉ tay về phía bố con thằng Quân đang đứng ở phía xa gào lên:
- Anh… anh dám ngoại tình à… dám gái gủng, bồ bịch à? Anh có thấy gương các ông cán bộ to tướng, là công an, là tòa án, rồi cả phó chủ tịch tỉnh nữa đấy, vì “hót gơn” hót ghiếc, nâng đỡ không trong sáng mà tan cửa, nát nhà, tiêu vong sự nghiệp… Bài học nhãn tiền đấy… Anh chỉ là một cán bộ cấp huyện quèn mà cũng rửng mỡ học đòi “hót gơn”, gái gủng à?
Ông Tô vội hỏi:
- Có… có chuyện gì xảy ra thế?
Vợ thằng Quân lu loa rồi mấy người nữa nhao nhao nói thêm. Mỗi người một câu lộn xộn. Phải một lúc ông Tô mới nắm được đầu đuôi câu chuyện cụ thể là thế này:
Được cơ quan tổ chức cho đi thăm quan thủ đô Hà Nội, thằng Quân đưa cả thằng cu Bi còn bé tý đi cùng để nó vào thăm vườn bách thú. Thằng Quân vừa dẫn con đi xem các chuồng nhốt các loại thú vừa giới thiệu cho nó biết các loại thú bị nuôi nhốt trong từng chuồng. Lúc về đến nhà cu Bi cứ dúm dó lại, luẩn quẩn bên bố. Khi mẹ bảo:
- Cu Bi hôm nay đi thăm vườn bách thú cả ngày về bây giờ ra đây mẹ tắm cho sạch sẽ nào!
Nghe mẹ gọi, lập tức cu Bi hét lên sợ hãi và chạy đến ôm chầm lấy bố:
- Không… không… bố tắm cho con cơ!
Vợ Quân nhìn cu Bi bực:
- Mẹ tắm nhanh cho còn ăn cơm. Bố mày tắm thì tổ bẩn thêm thôi!
- Bẩn cũng được! Mẹ tắm con sợ lắm!
Thằng Quân cũng dỗ dành:
- Tại sao hôm nay cu Bi lại không cho mẹ tắm hả? Con ra mẹ tắm cho, bố còn bận đọc báo!
Nét mặt cu Bi tái mét đi:
- Nhưng… nhưng con sợ… mẹ lắm!
- Sao lại sợ mẹ! Mẹ có làm gì con đâu?
Vợ Quân dịu giọng dỗ con. Cu Bi vẫn đứng từ xa cảnh giác nhìn mẹ rồi run run hỏi lại:
- Thế mẹ… mẹ… có ăn… thịt con… có xé con ra thành hàng trăm mảnh không ạ?
Cả hai vợ chồng Quân đều ngạc nhiên nghe thằng con nói vậy. Vợ Quân hỏi chồng:
- Chắc là hôm nay anh lại cho nó đi xem nhiều hổ, báo, trăn, rắn, cá sấu làm nó sợ chứ gì?
Cu Bi cãi:
- Con không sợ vì bọn thú dữ ấy đều bị nhốt trong chuồng sắt chắc chắn rồi, mà là con sợ… sợ… mẹ cơ!
- Mẹ thì việc gì mà sợ hả?
Cu Bi lắp bắp giải thích:
- Vì… vì… hôm nay lúc đi chơi vườn bách thú con thấy bố cầm tay một cô rất xinh rồi nói: “Cẩn thận kẻo mụ vợ - “con sư tử Hà Đông” chính hiệu nhà anh nó mà biết thì nó xé xác ra thành hàng trăm, hàng ngàn mảnh đấy!”. Thì ra mẹ chính là một con “sư tử” rất hung dữ thế mà lâu nay con không biết? Bây giờ mới biết nên con sợ lắm…
Vợ thằng Quân nghe vậy liền trợn mắt há hốc miệng ra gầm lên:
- Á a… á a… á a…
Cu Bi hốt hoảng vội lôi tay bố cuống quýt:
- Sư tử gầm lên rồi… chạy… chạy mau kẻo bị ăn thịt đấy bố ơi!!!
Vợ thằng Quân vội vớ con dao làm bếp. Thằng Quân vội ôm cu Bi chạy tháo thân ra ngoài đường làng.
Dân làng được một phen vừa cười ra nước mắt vừa hoảng sợ vì “sư tử ở làng” bất ngờ nổi cơn tam bành là như vậy…
Hà Nội, ngày 9/12/2020
Không có mô tả ảnh.
Bạn, Khuya Pham, Nguyễn Xuân Diệu và 16 người khác

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

Truyện ngắn vui PHẢN BIỆN- PHẢN PHẢN BIỆN

      PHẢN BIỆN- PHẢN PHẢN BIỆN

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Ngày nghỉ, tôi về làng. Sau khi ghép xong giò phong lan tôi sang nhà ông Tô chơi. Từ ngoài ngõ tôi đã nghe thấy trong nhà ông Tô có tiếng người nói khá to, ồn ào. Tôi bước vào cổng. Bất ngờ tôi gặp cả lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ cũng đang ở đây. Hóa ra chỉ có hai ông mà nói chuyện tranh luận rôm rả quá. Tôi chào hai vị “già làng” và hỏi:
- Hai cụ có chuyện gì mà tranh luận sôi nổi thế ạ?
- Chúng tôi đang trao đổi với nhau về câu chuyện “phản biện và phản phản biện” ấy mà!
Ông Tô vừa cười đáp vừa rót nước mời tôi. Lão Cốc thì có vẻ bức xúc hơn tiếp lời:
- Đấy không phải chỉ là “phản phản biện” mà là sự né tránh khuyết điểm, phủi bỏ trách nhiệm đấy…
- Chuyện cụ thể thế nào ạ?
Tôi tò mò hỏi tiếp. Ông Tô chậm rãi nói:
- Thì đấy! Đợt lũ lụt ở miền Trung vừa rồi gây ra bao nhiêu thiệt hại về người, về tài sản của nhân dân… Khi dư luận sôi nổi “phản biện” nêu lên nguyên nhân là do tàn phá rừng, làm quá nhiều thủy điện nhỏ, ngăn sông xẻ núi tàn phá môi trường làm biến đổi khí hậu gây nên thiên tai. Nhưng ngay sau đó liền xuất hiện một loạt bài “phản phản biện” phát trên đài và ti-vi cho rằng nguyên nhân lũ lụt không phải là do phá rừng, do làm thủy điện nhỏ, mà do tự nhiên nó sinh ra thế. Mà toàn là ý kiến “phản phản biện” của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tiếng tăm đấy nhé…
Lão Cốc tiếp lời:
- Họ còn dẫn chứng từ năm xa xưa cho đến những năm 1969, năm 1971 rừng còn phủ kín cả nước mà vẫn bị lũ lụt rất lớn, vẫn trôi mất nhà và chết hàng trăm người đấy. Rồi họ dẫn chứng thêm chuyện một ông cựu chiến binh kể về năm xưa đi chiến đấu ở Trường Sơn rừng già mênh mông như thế mà vẫn tự dưng lở núi khiến có nhiều chiến sĩ bị vùi lấp. Thế nên lũ lụt sạt lở đất hiện nay nhất định không phải nguyên nhân chủ yếu là do phá rừng và làm thủy điện nhỏ…
Ông Tô nói thêm:
- Họ nói như vậy ngầm ý là vẫn sẽ tiếp tục được phá rừng và làm thủy điện nhỏ đấy mà! Có lẽ vì thế nên ở huyện Tây Sơn, Bình Định, khi họp xem xét kỷ luật có 100% phiếu kiến nghị... không xử lý kỷ luật đối với cán bộ kiểm lâm địa bàn để mất rừng đấy.
Lão Cốc nghi ngờ:
- Tôi nghi ngờ rằng những ý kiến “phản phản biện” này có khi là vì lợi ích nhóm ông ạ!
Ông Tô vốn thận trọng liền gạt đi:
- Mình không biết rõ thế nào thì không nên võ đoán như thế!
Nói đoạn, ông Tô quay sang hỏi tôi:
- Ý kiến của nhà báo về chuyện này thế nào?
Tôi không muốn sa vào chuyện “phản biện- phản phản biện” rất rắc rối như mớ bòng bong thế này liền tìm cách thoái thác. Tôi nói:
- Chắc là cũng giống như chuyện “phê bình và phản phê bình” thôi hai cụ ạ!
- Chuyện ấy như thế nào?
Ông Tô và lão Cốc cùng hỏi. Tôi kể cho hai cụ nghe lại một chuyện đã viết và đăng báo trước đây như sau:
“Cơ quan nọ tổ chức đợt phê bình, tự phê bình, sếp liền cho gọi một số người hay có ý kiến lên bảo:
- Sắp tới, cơ quan ta sẽ tiến hành phê bình, tự phê bình nghiêm khắc, yêu cầu cứ thẳng thắn đóng góp, chỉ ra cho lãnh đạo những tồn tại, khuyết điểm để sửa chữa. Các đồng chí là người được phân công sẽ phát biểu ý kiến phê bình tôi. Xin các đồng chí nêu lên những ý kiến của mình cho tôi biết trước để còn chuẩn bị câu trả lời trước công luận!
Mọi người ồn ào phấn khởi khi thấy sếp cầu thị. Một anh xin hỏi:
- Thế tôi phê bình việc sếp đã có "tình cảm và hành động" quá thân mật với... vợ tôi. Như vậy có được không ạ?
Sếp giật nảy mình hốt hoảng:
- Ai... ai... cho phép cậu vu khống lãnh đạo như thế hả?
- Thì vợ tôi là thư ký của sếp. Một lần đến tìm cô ấy, tôi thấy sếp đang vuốt má, xoa lưng vợ tôi rất thân mật, dịu dàng...
- Thôi... thôi... việc này cứ tạm dừng lại đã! Mà sao cậu cứ hay bới móc những chuyện linh tinh thế nhỉ? Phê bình như thế là rất không có lợi cho phẩm chất của lãnh đạo, gây dư luận không hay trong cơ quan ta!
Một cô có ý kiến:
- Tôi làm việc ở phòng tài chính, nhiều lần thủ trưởng lệnh cho tôi quyết toán số tiền chi mua quà tặng cấp trên, quà biếu thanh tra, chi cho thủ trưởng khi đi công tác ăn nghỉ ở khách sạn loại sang, đi "đặc sản"... rồi tìm cách lẩn khoản đưa vào chỗ tổn thất do thiên tai, bão lụt gây nên... Việc này đưa ra phê bình thủ trưởng có được không ạ?
Sếp tái mặt vội xua xua tay:
- Không... không được! Phê bình như vậy thì chỉ tổ làm giảm uy tín của lãnh đạo thôi, không đem lại kết quả gì cả!
Một anh vốn hay xun xoe nịnh bợ cấp trên xin phát biểu:
- Thế tôi xin phê bình thủ trưởng quá cứng nhắc, máy móc trong công tác… - Sếp thấy hơi lo lo thì anh này nói tiếp: …- mấy lần tổng kết cuối năm khi anh em cơ quan có ý bình bầu thủ trưởng đề nghị cấp trên khen thưởng, thủ trưởng đều không nhận... Phê thế có được không ạ?
Một anh khác hùa theo:
- Tôi thì nhất định sẽ phải phê bình thật nghiêm khắc thủ trưởng hay làm việc quá giờ, ăn uống thất thường, sức khỏe sẽ giảm sút, ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác của cơ quan ta?
Sếp hể hả gật đầu lia lịa:
- Được... được! Tốt quá. Hai cậu phê bình như thế là rất thẳng thắn, rất chân thành và đúng định hướng. Có như vậy thì lãnh đạo mới dễ tiếp thu, sửa chữa... Phê bình nghiêm khắc như thế mới đúng là thể hiện tinh thần xây dựng cao, giúp cho người có khuyết điểm sửa chữa, tiến bộ chứ?
Buổi hội ý nhanh với các các cán bộ trước cuộc họp phê bình góp ý cho lãnh đạo kết thúc. Khi các cán bộ ra về rồi ông sếp nọ vẫn ngồi thừ trong phòng lạnh. Ông suy nghĩ rồi nghiến răng lẩm bẩm: “Chúng mày cứ giỏi phê bình đi. Sau đợt phê bình này ông sẽ dùng ngay đòn “phản phê bình” để trị chúng mày cho trắng mắt ra…”.
Vừa kể xong câu chuyện thì tôi có điện thoại. Mụ vợ gọi về ngay để kịp giờ đi ăn cưới. Về quê những ngày cuối năm chủ yếu là đi ăn cưới. Gần 9 giờ sáng, hoặc 3 giờ chiều đã phải vào mâm, một ngày chạy có khi hai đám liền. Đến cho có mặt chứ chả ăn được gì giữa buổi như thế. Nhưng nhờ có cú điện thoại mà tôi có lý do để rút lui khỏi cuộc tranh luận của hai vị lão làng. Tiễn tôi ra cổng lão Cốc còn dặn với theo:
- Đến đám cưới bỏ phong bì vào hòm phiếu rồi về đây ngay tiếp tục câu chuyện nhé!
Hà Nội, ngày 7-12-2020
Không có mô tả ảnh.