Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

Truyện ngắn vui NGHỊ QUYẾT NGẮN NHẤT

      NGHỊ QUYẾT NGẮN NHẤT

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Ông Tô và lão Cốc chơi cờ tướng. Lâu lắm hai ông mới lại có thời gian rảnh rỗi để ngồi chơi cờ giải trí với nhau như thế này. Đi xong một nước cờ lão Cốc nói:
- Thế cờ rất giống “thế đời” ông ạ!
- Nghĩa là thế nào?
- Thì như Cụ Hồ ngày xưa đã từng dặn: ”Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công” đấy thôi. Tôi thấy trong thế đời cũng vậy. Nhiều ông “lạc nước” quá ông ạ. Lên đến đỉnh cao sự nghiệp, của quyền lực và vinh quang vậy mà qua một đêm đã rơi xuống vực thẳm như các ông bà bộ trưởng, thứ trưởng, như các vị chủ tịch Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, rồi hàng loạt các quan chức cấp cao, ủy viên các loại khác nữa…
Ông Tô bảo:
- Các ông này không chỉ là “lạc nước” đâu ông ạ! Mà phải nói là họ “hại nước” mới đúng. Vì lạc nước là có trường hợp người tốt có khi chỉ vì do tính toán không cẩn thận mà dẫn đến sai hỏng, họ có ý định tốt nhưng phương pháp lại sai. Còn các vị này là ngay từ dầu đã có mục đích, có ý định sai, biết là đang “lạc nước” sẽ dẫn đến "hại nước" nhưng họ vẫn cố tình lao theo nên mới trở thành những kẻ “hại nước” như vậy đấy ông ạ!
Lão Cốc gật gù tán thưởng sự phân tích của ông Tô. Giữa lúc hai ông đang vừa đánh cờ vừa sôi nổi đàm luận thì ngoài cổng có tiếng người. Một toán thanh niên bước vào nhà. Đó là các giáo viên trẻ ở trường ông Tô từng dạy học. Một thầy giáo trẻ làm trưởng đoàn. Họ đến thăm ông Tô, tặng người thầy cũ một cuốn lịch năm mới. Anh giáo viên trẻ tự giới thiệu mình tên là Lê Mạnh Chúc- giáo viên dạy môn lịch sử, bí thư đoàn trường đến xin ông Tô góp ý về bản nghị quyết và chương trình hành động năm 2021. Họ rất tôn trọng ý kiến của người thầy giáo già từng có thời gian làm bí thư đoàn trường- Tổng đội trưởng đội thiếu niên của nhà trường. Ông Tô có nhiều kinh nghiệm trong công tác đoàn và việc giáo dục học sinh. Ông Tô xem rất kỹ bản dự thảo nghị quyết và chương trình hành động khá dài của anh giáo viên trẻ đưa cho rồi hỏi:
- Thế các bạn có biết nước ta đã có một bản nghị quyết ngắn gọn nhất, rõ ràng nhất và thực hiện thành công, rất đáng được ghi vào sách kỷ lục Guinness của thế giới không?
Các giáo viên trẻ và cả lão Cốc nữa đều ngạc nhiên nhìn ông Tô. Tất cả đều chịu không biết bản nghị quyết ngắn nhất, “đáng được ghi vào sách kỷ lục thế giới” ấy như thế nào?
Ông Tô chậm rãi nói thêm:
- Bản “nghị quyết” ấy chỉ có một chữ duy nhất thôi. Vậy mà khi ban hành ra thì toàn quân, toàn dân đều hiểu đúng và đều hành động theo đúng tinh thần, ý chí của bản nghị quyết. Nhờ vậy mà đã làm nên thành tích, chiến công vang dội ghi dấu vào lịch sử của dân tộc ta đấy!
Lão Cốc và các giáo viên trẻ đều rất ngạc nhiên và tò mò muốn biết ngay bản nghị quyết độc đáo ấy nó như thế nào? Không để mọi người phải chờ lâu, ông Tô nói tiếp:
- Bản “nghị quyết” ấy ra đời năm 1284, khi quân Nguyên chuẩn bị kéo sang xâm lược nước ta lần thứ 2, vua Trần Nhân Tông liền cho triệu tập Hội nghị Diên Hồng họp tại Thăng Long (thủ đô Hà Nội ngày nay). Tham dự hội nghị này là các vị bô lão, đại diện cho nhân dân cả nước. Sau khi nêu lên thế mạnh như chẻ tre của quân Nguyên và những điểm yếu, khó khăn của quân ta vua Trần Nhân Tông đã xin ý kiến các vị bô lão là nên “hòa” hay nên “đánh”? Các vị đại biểu dự hội nghị có người một đời thân phận thấp hèn, tay bùn chân lấm, nay bỗng dưng được triều đình mời vào tận chốn hoàng cung để bàn việc quốc gia đại sự, tinh thần phấn chấn khác thường. Khi nhà vua vừa dứt lời tất cả đều giơ nắm tay lên hô to: “Đánh!”. Thế là bản “nghị quyết” ngắn nhất thế giới, chỉ có mỗi một từ “đánh” duy nhất ấy đã được thông qua với sự nhất trí cao tuyệt đối 100%. Toàn quân, toàn dân Đại Việt cứ theo tinh thần, ý chí của bản nghị quyết ấy mà hành động và đã làm nên chiến thắng lẫy lừng đánh bại đội quân xâm lược hùng mạnh phương Bắc.
Nghe ông Tô phân tích, lão Cốc và các giáo viên đều vô cùng thích thú và khâm phục sự thâm thúy sâu sắc của người thầy giáo già. Ông Tô nói thêm:
- Bây giờ nghị quyết, chương trình hành động thì nhiều, quá dài dòng nhưng không thể hiện được mục tiêu, yêu cầu và giải pháp thực hiện, nội dung dàn trải, thiếu tính thực tiễn, tham nhiều việc, không có trọng tâm, trọng điểm và thường chồng chéo lẫn nhau. Khi thực hiện thì nghị quyết viết một đằng, hành động theo một nẻo, trên dưới bất nhất, “đánh trống bỏ dùi”, “tranh công, đổ lỗi”, vì vậy nên thường không thành hiện thực hoặc hiệu quả rất kém. Bản nghị quyết và chương trình hành động của Đoàn Thanh niên trường ta cũng vậy, áp vào trường nào cũng được, sang năm chép lại cũng thấy vẫn được. Thế thì không thành công được đâu các bạn trẻ ạ?
Đoạn, ông Tô dành thời gian góp ý kiến cụ thể vào bản nghị quyết và chương trình hành động của đoàn thanh niên nhà trường cũ. Ván cờ của ông Tô và lão Cốc vì thế bị bỏ dở. Câu chuyện về thế cờ và “thế đời” của hai ông vì thế mà cũng cũng thành dang dở. Ván cờ, thế cờ dang dở thì chơi lại ván khác, còn “thế đời” khi đã sai thì không bao giờ còn có thể làm lại được nữa…
Hà Nội, ngày 24-12-2020
Không có mô tả ảnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét