Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2021

Truyện ngắn vui MẤT TRỘM QUAN TÀI

    MẤT TRỘM QUAN TÀI

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Gần Tết, một cái chợ tự phát hình thành ngay ở đầu làng. Người ta mang đến bán chủ yếu là các loại hoa đào, cây quất cảnh, chuối, bưởi, cam quýt và bao lì. Nói chung toàn là các mặt hàng phục vụ Tết. Ông Tô đeo khẩu trang cẩn thận để phòng chống Covid-19 rồi đi mua một cây quất. Ông chọn được cây quất ưng ý. Mua xong ông lại muốn đi xem hoa đào. Ông đành để cây quất ở ven đường vì ôm đi theo nặng quá. Lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ nhìn thấy thế liền nói:
- Ông để ở đó là mất trộm ngay đấy!
Nhận ra lão Cốc ông Tô bảo:
- Ai người ta thèm lấy cái cây quấy con con này mà lo?
- Ông đừng chủ quan! Cứ gửi cho người bán cho chắc rồi ta cùng đi xem hoa đào, lát nữa quay lại lấy cũng được. Để ở ven đường mất rồi lại tiếc?
Ông Tô cười:
- Ông làm như toàn là kẻ trộm nó rình quanh đây đấy. Nó lấy cây quất bé xíu này làm gì?
- Cái gì mà trộm nó chả lấy. Ông không nghe nói kẻ trộm nó còn lấy trộm cả… quan tài à?
- Làm gì có chuyện lạ lùng thế! Trộm nó lấy gì thì lấy chứ lấy quan tài để làm gì?
- Thì báo đăng rồi ông chưa đọc à! Ở Quý Châu, Nghệ An trộm nó rinh mất cả cái quan tài của một ông đóng sẵn trước để chuẩn bị hậu sự cho mình đấy!
- Đúng là chuyện lạ thật? - Ông Tô băn khoăn: -. Nhưng nó lấy trộm quan tài thì biết đem bán cho ai được ông nhỉ?
- Nó đã lấy trộm thì ắt sẽ có nơi tiêu thụ ông ạ! Tết nhất đến nơi rồi lắm chuyện trộm đạo quá. Ở Thanh Thủy, Phú Thọ trộm nó dắt con trâu trị giá 30 triệu ra cánh đồng xẻo hết thịt rồi bỏ bộ xương lại đấy…
- Chuyện ấy tôi đọc báo mạng biết rồi. Ở Đà Nẵng có bọn nhà giàu còn đem xe ô tô 7 chỗ đi lấy trộm hoa về chơi Tết đấy. Nhưng do lấy trộm phải các loại hoa rẻ tiền, rồi lại bị camera ghi hình chủ vườn đưa lên mạng xã hội nên bọn trộm nhắn tin cho chủ vườn xin trả lại đấy. Đúng là đồ trộm cắp, muốn chơi hoa không muốn mua lại đi ăn trộm…
- Tết năm ngoái có ông chủ vườn lan ở Lâm Đồng bị mất mấy giò lan quý trị giá gần 4 tỷ đồng tiếc của ngất đi phải đưa vào bệnh viện cấp cứu đấy!
Ông Tô tặc lưỡi:
- Mất những gần 4 tỷ đồng thì choáng và ngất xỉu là phải?
- Ông ấy mất 4 tỷ đồng mới choáng ngất… Tôi đây mất của giá trị có 400 ngàn đồng thôi mà cũng suýt nữa thì… ngất xỉu phải đi cấp cứu đấy ông ạ!
- Chết! Ông mất đồ lúc nào mà tôi không nghe nói nhỉ? Bọn nó lấy trộm của ông những thứ của cải gì thế?
- Hì… tôi bị mất trộm… thơ ông ạ!
- Ôi dào… Thơ của ông kẻ trộm nó lấy để làm gì… Mà nó có lấy thì nó ngâm nga thôi. Càng hay, vì thằng trộm này nó yêu thơ ông ạ!
- Hay gì! Nó lấy bài thơ “Xuân quê” của tôi đã đăng trên báo tỉnh rồi ghi tên nó vào đem gửi cho báo trung ương đăng trong số Tết, nhuận bút những 400 ngàn đồng đấy!
- À… đấy là bọn chuyên “đạo văn, đạo thơ”. Ông gọi điện ngay cho tòa soạn và gửi chứng cứ tố cáo kẻ “đạo thơ” ấy luôn đi…
- Tôi xem báo rồi gọi điện ngay cho tòa soạn rồi. Họ thông báo cho tôi biết nhuận bút được những 400 ngàn đồng nhưng nói là tác giả bài thơ này đã đến lấy nhuận bút và báo biếu rồi…
Ông Tô hơi bực:
- Đúng là kẻ cắp không từ một thứ gì ông ạ!
- Thế nên tôi mới bảo ông phải gửi cây quất cẩn thận kẻo mất đấy!
Ông Tô gửi lại cây quất cho người bán hàng rồi cùng lão Cốc đi xem chợ quê. Đang mải mê ngắm một cây đào thế đẹp chợt lão Cốc lại nói:
- Trong các bọn trộm tôi sợ nhất là bọn trộm giả danh người tốt, người tử tế ông ạ!
- Sao lại có bọn trộm nào lạ thế nhỉ?
- Thì đấy… những kẻ tham nhũng, gian lận, nâng giá hàng hóa, chúng ăn cắp của công hàng tỷ, hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng. Đó chính là những tên kẻ trộm mà nếu không phát hiện được thì họ vẫn luôn là “người tốt” đấy ông ạ!
Ông Tô gật gù:
- Bọn này ăn cắp một lần trị giá phải đến hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu cái… quan tài của ông gì ở Quỳ Châu, Nghệ An đấy ông nhỉ?
Lão Cốc bật cười vì sự so sánh hóm hỉnh của ông Tô. Lão kéo tay ông Tô bảo:
- Đúng vậy! Thôi chúng ta đi xem hoa đào tiếp đi…
Một mùa Xuân mới đang đến, nhưng gió lạnh vẫn còn tràn về. Chợ hoa mang một màu hồng ấm áp đến với nơi làng quê xa…
Hà Nội, ngày 8-2-2021
Có thể là tranh biếm họa về văn bản


Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

Tản văn CON TRÂU

    CON TRÂU

Tản văn của Trọng Bảo

Nền văn minh lúa nước Việt Nam không thể thiếu con trâu. Có lẽ vì thế mà câu tục ngữ từ xa xưa đã từng khẳng định “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Cái cơ nghiệp ấy chính là nông nghiệp. Con trâu hiền lành gắn bó thân thiết với người nông dân từ bao đời. Cái cảnh thanh bình ở nông thôn chính là hình ảnh: “Trên ruộng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”. Câu ca dao ấy cũng còn có thêm một nghĩa nữa con trâu như là một thành viên của mỗi gia đình nông dân Việt Nam.
Hình ảnh con trâu tận tâm, gắn bó, hy sinh vì người nông dân thật là đẹp. Có lần tôi đọc bài viết một nhà nghiên cứu văn hoá khi phân tích một bài ca dao đã cho rằng con trâu lao động vất vả thế mà con người lại đối xử phụ bạc với nó quá. Con người thu hoạch bao nhiêu là ngô lúa nhờ có trâu cày kéo mà phần của trâu chỉ là rơm rạ. Riêng tôi lại không nghĩ thế. Tôi nghĩ con trâu không oán giận con người. Nó chỉ nhận về mình một phần rất nhỏ của thành quả lao động. Trời sinh ra thế. Con trâu không thể ăn thóc gạo hàng ngày thay cỏ và rơm rạ. Nhưng khi còn nhỏ tôi cũng từng thấy khi nhà hết gạo, bố tôi vẫn nấu một nồi cháo to rồi trộn vào rơm, cỏ non cho con trâu ăn khi nó bị ốm.
Khi còn nhỏ ở làng quê ai chả đi chăn trâu, cắt cỏ. Tôi còn nhớ ngày xưa quê tôi là một vùng rừng già, cây cối rậm rạp. Những cây gỗ quý như lim, rùa, giẻ gốc to người ôm không xuể. Rừng đồi mênh mông, cỏ lác rất tươi tốt. Có một loại cỏ thân ba cạnh mọc lẫn trong lùm cây cao bằng đầu người, tước vỏ đi nhai ngọt như mía. Chúng tôi hay nhai cho đỡ khát. Trâu bò rất thích ăn loại cỏ này. Quanh nhà cỏ rất nhiều nhưng bọn trẻ chăn trâu chúng tôi cứ đưa trâu đi chăn thả rất xa. Chúng tôi vượt qua những cánh rừng già rậm rạp đến tận chân núi Sáng, núi Chùa, núi Mồ. Con trâu nhà tôi đã già. Nó có đôi sừng vênh ra, kềnh càng nhưng tính nết nó rất hiền lành. Nó chả hung hăng đánh nhau với những con khác bao giờ. Tôi chỉ hơi bực là nó quá chậm chạp. Cùng đàn trâu hành quân bao giờ nó cũng đi sau cùng. Ở trong rừng già khi tắt ánh nắng mặt trời là tối ngay. Khi lũ bạn ngồi lên lưng trâu quất roi là những con trâu của chúng lồng lên như ngựa. Trong khi đó con trâu nhà tôi cứ đủng đỉnh, có quất roi nó cũng mặc kệ, cứ tụt lại và mỗi lúc càng xa đàn hơn. Tôi lại là người rất sợ ma. Cưỡi con trâu đi tít phía sau trong lối mòn giữa rừng rậm cây cối um tùm, tôi chỉ sợ bất ngờ có con gì xuất hiện sau lưng, hay từ trên cây bất ngờ nhảy xuống.
Có lần tôi mải chơi bị lạc giữa vùng rừng núi mênh mông. Khi lũ bạn đã hú gọi nhau ra về mà tôi vẫn chưa tìm được lối ra. Tôi suýt bật khóc vì sợ hãi thì nghe tiếng sàn sạt sau lưng. Giật mình quay lại, tôi thấy con trâu nhà mình đang trà cây lao tới. Thì ra thấy cả đàn đã lục tục kéo về nhưng chưa thấy chủ, nó đi tìm tôi mà không về theo đàn. Mừng quá, tôi vội leo lên lưng nó. Đợi tôi đã ngồi vững trên lưng, con trâu mới bước đi. Hình như nó cố đi nhanh hơn mọi ngày. Trời tối hẳn, tôi chả nhận ra lối nào ra khỏi rừng rậm nữa. Thế mà con trâu vẫn lầm lũi đi. Nó đưa tôi ra đến đường mòn rồi ra đường lớn về tận nhà. Câu nói “lạc đường theo chó, lạc ngõ theo trâu” quả là không sai.

Nhưng rồi con trâu nhà tôi vì quá già nên phải trả lại cho hợp tác xã để họ đưa ra cửa hàng thực phẩm giết lấy thịt phục vụ cho các cơ quan theo chế độ tem phiếu. Người chăn dắt được mua cái đầu, phần chân và một ít lòng nhưng bố tôi không nhận.
Quê tôi là một vùng bán sơn địa, có nương trồng sắn, có ruộng khô trồng hoa màu như lạc, đậu tương, có ruộng cấy lúa và có cả những cánh đồng lầy thụt. Thường là con bò được đi cày bừa ở những chân “ruộng nhẹ”, tức ruộng pha cát dễ làm. Còn những chân “ruộng nặng” tức là ruộng toàn đất thịt, đất sét hoặc ruộng bùn sâu lầy thụt là dành cho con trâu. Khi cày bừa ở những chân ruộng sâu thì cả trâu, cả người ngập trong bùn gần như bơi. Thửa ruộng nào bùn lầy quá, còn gọi là “ruộng thụt chó” thì chỉ có cánh đàn ông bơi ra dùng cuốc để cuốc hoặc dùng tay vơ cỏ lác dận chìm xuống bùn rồi cắm cây mạ.
Một lần có ông nhận ruộng để cuốc nhưng lại đưa trâu ra bừa cho nhanh, để có công điểm cao. Con trâu nhà ông ấy bị tụt xuống một chỗ bùn lầy lùng nhùng cắm vút cây sào dài chưa thấy đáy. Chúng tôi đang cuốc ruộng gần đấy nghe tiếng kêu cứu vội chạy tới. Nhưng rồi mọi cố gắng của rất nhiều người cũng không làm sao kéo được con trâu vào chỗ nông hơn để nó có thể trườn lên bờ. Con trâu cứ bị chìm dần, chìm dần xuống bùn. Biết mình sắp chết, đôi mắt nó đỏ ngầu, nước mắt ứa ra. Cả đời nó tận tâm, tận lực phục vụ con người không ngờ có lúc thê thảm thế này. Không thể để mất con trâu. Ông đội trưởng đội sản xuất hạ lệnh xả thịt nó. Người ta lao bè nứa, cây chuối áp gần con trâu đang sa lầy. Họ đứng trên bè, ngồi trên cây chuối dùng dao, dùng búa xẻ con trâu đang sống ra thành nhiều mảnh rồi lôi vào bờ lấy thịt. Khi cái đầu con trâu đầy máu me được đưa lên bờ, tôi thấy đôi mắt nó cứ mở trừng trừng, nước mắt vẫn chảy ra ròng ròng…
Bây giờ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, con trâu mất vai trò là “đầu cơ nghiệp” của nông dân. Miền xuôi ruộng cấy lúa bán cho liên doanh, làm khu công nghiệp, khu chế xuất, đàn trâu kéo nhau vào lò mổ. Ở miền núi thì chỉ một mùa đông năm trước hàng trăm con trâu bị chết rét, chết đói vì sự chủ quan của con người. Rồi chẳng biết số phận con trâu sẽ đi về đâu. Còn tôi thì không bao giờ quên cái thuở mục đồng, nằm trên lưng trâu nghe tiếng sáo diều vi vu ở một vùng quê yên bình.
Viết năm Kỷ Sửu-2009
T.B
Có thể là hình ảnh về động vật và ngoài trời

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

Truyện ngắn vui BÀI THƠ CUỐI NĂM

    BÀI THƠ CUỐI NĂM

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Sáng sớm, ông Tô vào đến ngõ nhà lão Cốc thì gặp mấy đứa cháu của lão đang chơi đùa với nhau. Bọn trẻ con nhao nhao chào ông Tô. Ông Tô hỏi:
- Hôm nay các cháu không đi học à?
Thằng bé lớn hơn đang học lớp 3 vội nói:
- Chúng cháu nghỉ Tết rồi ông ạ!
- Ông tưởng là hết tuần này học sinh mới được nghỉ học cơ mà?
- Đúng thế ông ạ! Cô giáo bảo cuối tuần mới cho nghỉ Tết nhưng “cô vít” đã cho nghỉ học luôn từ đầu tuần này rồi ông ạ!
Ông Tô chợt hiểu. Thảo nào lúc nãy ông đi mấy đứa cháu ông vẫn còn ngủ mà không thấy bố mẹ nó giục dậy như mọi bữa. Ông Tô lại hỏi:
- Ông các cháu có ở nhà không?
- Có ạ…
Ông Tô bước vào sân. Thằng Bất- con lão Cốc và đám bọn đang đứng nhốn nháo ở sân. Nhận ra ông Tô thằng Bất chào và nói:
- Mời cụ vào nhà chơi. Bố cháu đang làm thơ ở trong nhà đấy…
Ông Tôi vội bảo:
- Ông ấy làm thơ thì tao về đây! Vào sẽ làm ảnh hưởng đến “thi hứng” của ông ấy mất?
Thằng Bất bật cười hô hố:
- Không sao đâu ông ơi! Thơ của bố cháu toàn loại là:
“Mẹ thằng Cô-vít
Tết đến đít rồi
Mày lại xuất hiện
Tung hoành khắp nơi…”.
Đọc đến đây thì thằng Bất ấp úng. Nó không biết sẽ tiếp như thế nào thì thằng Lố liền tiếp luôn:
“Làng trên xóm dưới
Lại phải cách ly
Tết về tiền hết
Cô-vít hãy cút đi…”.
Lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ xuất hiện ở cửa nhà vội xua xua tay nói to:
- Im ngay đi! Lũ chúng mày toàn là thợ thì đừng nên làm… thơ. Làm thợ thì hãy lo mà đi làm nhà, xây dựng công trình cho chắc là được, chứ làm thợ mà cứ nhăm nhăm làm thơ thì làm hỏng hết cả nền nghệ thuật thơ ca đấy, hiểu không?
Bị bố mắng, thằng Bất cụt hứng, nó lủng bủng trong miệng nói:
- Khối người bây giờ làm thơ đấy cụ ạ! Nhà kinh tế làm thơ, nhà chính trị cũng làm thơ, toàn dân ai cũng làm thơ. Thơ là cứu cánh khi làm các nghề khác bị thất bại đấy hai cụ ạ… Mà thôi chúng con đi “làm thợ” kiếm tiền tiêu Tết đây!
Ông Tô hỏi:
- Gần Tết rồi ai vẫn xây nhà à?
- Không ạ! Chúng cháu lên thị trấn sửa sang vườn tược, nhà cửa, vận chuyển cây quất, hoa đào cho một ông to chuẩn bị đón Tết đấy!
Lão Cốc bảo:
- Nhớ đeo khẩu trang vào kẻo công an họ phạt làm cả tuần chả đủ tiền mà nộp. Mà chúng mày là thân phận cày cuốc thì chuyên tâm mà cày cuốc, ít tranh luận thôi. Ra ngoài cán bộ, công an họ nhắc nhở thì phải chấp hành, hiểu không?
Thằng Lố cố cãi:
- Thì… thân phận nào cũng phải có “chính kiến” của mình chứ cụ?
- Chính kiến cái gì? Chúng mày không thấy có ông đại biểu người ta bầu cử đi họp tận trung ương thế mà khi cần biểu quyết cũng còn chả dám tỏ rõ chính kiến như thế nào nữa là lũ thợ xây chúng mày?
- Ai vậy hả cụ?
- Thì chúng mày không nghe trên ti-vi họ thông báo kết quả biểu quyết có “số % đại biểu không rõ chính kiến” à?
- Đấy là chuyện đại sự quốc gia… thôi chúng cháu đi làm thuê đây kẻo muộn…
Bọn thợ xây vặt kéo nhau đi hết, ông Tô theo lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ vào trong nhà uống nước để nghe lão đọc sáng tác mới mang tên: “Bài thơ cuối năm”…
Hà Nội, ngày 2-2-2021
Không có mô tả ảnh.
Thích
Bình luận
Chia sẻ