Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 15)

             
      
       NQUỶ
          Truyện dài của Trọng Bảo

           Ông chú thằng Hiến đang bừng bừng khí thế thăng thiên. Sau đại hội này ông trúng chức phó bí thư thì nhất định sẽ vào ghế chủ tịch tỉnh. Cái tỉnh miền núi tuy nghèo nhưng tiềm năng dồi dào. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đang trong quy trình khảo sát, hình thành dự án. Chỉ cần làm chủ tịch một nhiệm kỳ là đủ ăn đến hết đời. Có lẽ vì thế nên việc nhất định phải trở thành người đứng đầu tỉnh càng thôi thúc ông. Ông tích cực hoạt động để tạo uy tín trước thềm đại hội. Ông năng đi thăm nhà trẻ mồ côi SOS, đi đôn đốc việc đắp đê, làm thuỷ lợi, tặng quà gia đình liệt sĩ, tránh để ít tham gia các hội hè, liên hoan, chiêu đãi... Ông muốn hình ảnh của mình luôn gắn liền với phong trào của công-nông toàn tỉnh.
          Vậy mà gần sát ngày đại hội dư luận trong tỉnh lại nổi lên nhiều vấn đề đáng quan tâm. Có nhiều luồng thông tin trái chiều đến tai ông. Có thông tin cho rằng ông trưởng thành từ “chân” chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp thời bao cấp, trình độ thấp, quen hô hào, tổ chức phong trào hành động bằng khẩu hiệu hơn là năng lực, trình độ kiến thức khoa học kỹ thuật. Chuyện ấy chỉ phù hợp với giai đoạn quá độ, chiến tranh. Tình hình hiện nay đòi hỏi người lãnh đạo phải có tri thức, phải là con người khoa học. Đúng là ông trưỏng thành từ một chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp thời bao cấp thật. Nhưng khi đã được đề bạt lên cán bộ cấp huyện rồi cấp tỉnh ông cũng đã kịp hoàn thiện nhiều loại bằng cấp rồi còn gì. Bây giờ trong tay ông đã có bằng kỹ sư nông nghiệp, bằng chính trị cao cấp. Ông đang hoàn thiện chương trình đào tạo thạc sĩ. Tuy đều là các loại bằng cấp tại chức, bổ túc (có chương trình ông phải nhờ người viết luận án tốt nghiệp) nhưng ông còn hơn hẳn ông chủ tịch sắp mãn nhiệm chỉ có mỗi một cái bằng cao đẳng nông lâm từ thời tám hoánh nào rồi. Cùng với luồng thông tin về học vấn của ông nổi lên dư luận ca ngợi anh giám đốc sở Công nghiệp là một nhân vật đang lên. Tay này là một cán bộ trẻ, học vấn cao, năng nổ trong công việc. Trong tình hình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay mà lãnh đạo tỉnh là phù hợp nhất.
          Nghe anh trợ lý thân cận báo cáo cho biết những thông tin nhiều chiều ấy ông phó chủ tịch tỉnh ngồi lặng lẽ suy nghĩ hồi lâu. “Phải loại trừ nguy cơ này ngay!” - Ông nghĩ. Ông bóp trán. Có trăm phương, ngàn kế. Nhưng ông nghiệm ra một điều là mọi thủ đoạn để chống lại nhau, loại bỏ nhau không có thủ đoạn nào ghê gớm, thâm hiểm hơn thủ đoạn dùng văn hoá làm phương tiện. Văn hoá bao giờ cũng là nền tảng của sự phát triển, là báo hiệu sự suy tàn của xã hội. Ai biết lợi dụng nó sẽ tạo nên sức mạnh lớn lao, ai coi thường nó sẽ phải trả giá rất đắt. Một cái đơn tố cáo nặc danh, theo luật là không được xem xét. Nếu thanh tra có dựa vào đó để lần ra khuyết điểm thì đưa về xử lý nội bộ, rồi "phê bình nghiêm khắc" là xong. Nhưng một tác phẩm văn nghệ đăng báo, nhân vật hao hao giống đối thủ đang cạnh tranh chức vụ với mình thì lại có tác dụng hơn hẳn hàng chục cái đơn thư nặc danh hoặc kể cả đơn từ không nặc danh. Chuyện ám vào ai thì khó mà gột rửa hết tiếng ong ve xì xào. Chuyện văn nghệ biết thực hư thế nào. Rõ ràng là hư cấu nhưng nhiều người vẫn tin là thật. Nhà văn hư cấu thì cũng phải dựa trên hiện thực chứ! Dân gian vẫn thường nói "không có lửa làm sao có khói". Chuyện bán tín bán nghi biết đâu mà chứng minh giải thích. Uy tín của người hao hao giống nhân vật trong truyện tự dưng giảm dần, đúng kỳ đại hội mà kém phiếu hoặc trượt vỏ chuối thì coi như xong.
          Ông cho gọi thằng cháu là trưởng ban tuyên truyền lên hỏi:
          - Hiến này! Mày có quen tay nào chuyên viết lách gì không?
          - Để viết đơn thư khiếu nại, tố cáo ạ?
          - Không! Viết truyện... viết một truyện ngắn hoặc một tiểu phẩm!

          Thằng Hiến ngạc nhiên nhìn ông chú. Hắn thầm nghĩ: “Tại sao hôm nay ông chú của mình lại quan tâm đến văn học, nghệ thuật thế nhỉ!”. Hắn rụt rè hỏi lại:
          - Viết truyện để làm gì ạ?
          - Để đăng báo chứ còn làm gì nữa?
          Hắn càng ngơ ngác không hiểu. Ông chú hạ giọng:
          - Hiện nay đang có hai người có khả năng nhất là ứng viên chức chủ tịch tỉnh. Đó là tao và tay giám đốc sở công nghiệp. Mày phải giúp tao loại bỏ đối thủ nhé!
          Thằng Hiến hoang mang chưa hiểu. Ông chú giảng giải cho thằng cháu hiểu mọi chuyện và đường đi, nước bước cách dùng “đòn văn nghệ” rồi bảo:
          - Thuê viết một truyện ngắn nội dung sát sàn sạt hoàn cảnh, quê quán, tính cách của tay giám đốc kia, phịa thêm vài tình tiết như gái gú, ăn của đút lót, hống hách, nhất là cái chuyện đối xử nhạt nhẽo với bố mẹ, vợ con, láng giềng, anh em cơ quan...
          Thằng Hiến đã hiểu. Hắn có vẻ rất tâm đắc với phương pháp kế hoạch của ông chú ruột:
          - Vâng! Cháu rõ rồi. Cháu có quen một tay rất hay viết lách, thơ phú. Tay này chuyên nghề viết diễn văn và điếu văn thuê nhưng cũng biết viết truyện và kịch bản. Cháu sẽ đặt nó viết ngay một truyện ngắn theo đúng ý của chú.
          - Nhớ là phải tìm thằng nào gioi giỏi một chút để văn vẻ có tính nghệ thuật và sâu sắc. Ứng trước cho nó vài triệu đồng nhuận bút để nó hăng hái. Nhớ khi nó viết xong đưa tao xem lại rồi hẵng gửi cho tờ báo Văn nghệ của tỉnh đăng nhé.
          - Nhưng liệu tòa báo họ có đăng cho không ạ?
          - Việc ấy mày không phải lo. Nhớ là khi báo đã ra có in truyện ngắn ấy thì mua thêm lấy vài trăm tờ đưa bộ phận phát hành gửi cho tất cả các ban ngành, các huyện trong tỉnh nhé!
           Thằng Hiến nhận lệnh toan đứng dậy thì ông chú dặn thêm:
           - Sau khi báo đăng truyện ngắn, mày lập tức cho tổ chức hội thảo, trao đổi về tác phẩm, làm ầm ĩ lên, cũng là đúng chức năng của cơ quan tuyên truyền đấy hiểu không?
           - Vâng ạ!
           Quả nhiên "đòn văn nghệ" này thật hiểm. Tờ báo văn nghệ tỉnh được truyền tay nhau đọc đến nhàu nát. Có người còn phôtôcopy ra để cho nhiều người được đọc. Chuyện thực hư chả ai rõ, nó cứ rầm rì lan truyền khắp tỉnh. Chuyện văn chương hư hư, thực thực không ai thẩm tra kết luận, chỉ lưu tâm để ý thế thôi. Nhưng khi đại hội bầu cử thì anh giám đốc sở công nghiệp bị giảm phiếu. Ông chú thằng Hiến đương nhiên có phiếu tín nhiệm cao hơn. Và, cũng đương nhiên sau kỳ bẩu cử hội đồng nhân dân ông được bầu giữ chức chủ tịch tỉnh. Sau chuyện thành công này thằng Hiến cũng mát mặt. Việc chuyển sang đảm nhiệm chức vụ ở cơ quan kinh tế chỉ là chuyện thời gian. Mấy triệu đồng thư ký riêng của ông chú đưa để làm “nhuận bút” thằng Hiến chỉ chi cho gã viết thuê có tám trăm ngàn đồng. Như thế cũng đã gấp bốn lần nhuận bút rồi mà nhuận bút của báo thì nó vẫn lĩnh. Không những thế thằng viết thuê còn sướng lâng lâng cả tháng trời vì tác phẩm của mình được đăng báo, cả tỉnh đều biết tiếng tăm.
          (còn nữa)                                                                            Hà Nội, tháng 4-2013

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 14)

            
          
            NGŨ QUỶ 
            Truyện dài của Trọng Bảo 

          Trong nhóm ngũ quỷ làng Vực thằng Hiến là kẻ gặp may nhất. Nói đúng hơn là số hắn có ô che nên cuộc đời không phải gian lao đổ máu nơi chiến trận như các bạn cùng trang lứa với mình. Tuy rằng ngày ấy thanh niên mà không hăng hái xung phong xông ra mặt trận như hắn thì được xếp vào loại lạc hậu, chậm tiến. Song hắn đếch cần. Khi đám thanh niên làng Vực suốt ngày khoác cái sọt đan bằng tre đựng đầy đất đá, đeo vòng lá nguỵ trang hăng hái luyện tập hành quân để sẵn sàng nhập ngũ lên đường vào miền Nam chiến đấu thì hắn đạp chiếc xe Phượng hoàng màu xanh cánh chả mới tinh lượn lờ quanh thị trấn. Hắn chuẩn bị sang Liên-xô học. Chỉ tiêu đi nước ngoài học của xã Đồng Nhân năm ấy chỉ có một xuất. Ngày ấy, chỉ tiêu gọi thanh niên nhập ngũ, chỉ tiêu vào thanh niên xung phong, đi dân công đắp đê, đi học đều do trên phân bổ xuống các xã như thế. Lẽ ra xuất đi học nước ngoài ấy là ưu tiên dành cho con trai của một người liệt sĩ trong xã. Nhưng ông chú ruột hắn trên tỉnh đã can thiệp. Với lại anh con trai duy nhất của người liệt sĩ chống Pháp kia cứ nhất quyết xin nhập ngũ để "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" nên việc hắn được thay thế đi học ở Liên-xô cũng không có vướng mắc gì lắm ngoài sự xì sầm bàn tán của mọi người. 
           Khi cả bốn người trong nhóm ngũ quỷ đã nhập ngũ, đi thanh niên xung phong rồi hắn mới ra nước ngoài học tập. Ông chú ruột đưa xe về tận làng Vực đón hắn. Bảy năm học tập, nghiên cứu ở nước ngoài hắn trở về thì chiến tranh cũng đã kết thúc. Sau hôm hắn trở về, một chiếc xe tải chở chiếc thùng gỗ thông to từ cảng Hải Phòng về làng Vực chạy vào ngõ nhà hắn. Đám trẻ con trong làng gọi nhau đi xem ô-tô ỏm tỏi. Chiếc xe tải to lùi vào ngõ nhà hắn. Cái thùng gỗ thông được mở ra. Hàng hóa được chuyển ngay vào nhà. Hôm sau, người làng rỉ tai nhau đến nhà hắn mua phụ tùng xe đạp, nồi cơm điện, bàn là, dây mai-so... Nhà hắn giàu phất lên. Hắn làm cho bố mẹ một ngôi nhà khá khang trang, đẹp nhất làng. Còn hắn thì mua đất, làm nhà trên thị xã gần nơi công tác. Ông chú ruột trở thành một trong những vị quan đầu tỉnh nên hắn dựa thế, thơm lây.
          Về nước được một thời gian ngắn, hắn có quyết định bổ nhiệm chức phó trưởng ban tuyên truyền của tỉnh. Hắn sửng sốt. Hắn tu nghiệp học hành ở nước ngoài chuyên ngành về kinh tế sao lại đề bạt chức vụ về chính trị văn hoá thế này. Hắn nhào lên uỷ ban tỉnh hỏi ông chú ruột. Ông chú nhìn hắn rồi chậm rãi nói:
          - Mày cứ yên tâm! Đâu rồi sẽ vào đấy. Hiện nay bên ngành kinh tế đang thừa rất nhiều cán bộ, bên văn hóa lại đang thiếu. Mày vào vị trí ấy là tạm thời thôi, nhưng cố mà làm cho tốt. Sau đại hội rồi qua kỳ bầu hội đồng nhân dân, tao định vị chức chủ tịch tỉnh thì mày muốn vào vị trí nào ở cái tỉnh này cũng được!
          Hắn đã hiểu. Ông chú hắn đang giữ gìn kín kẽ, giấu mình để vượt vũ môn. Hắn chào ông chú ra về.
          - Hiến, lại đây tao bảo! - Ông chú gọi giật.
          Hắn quay lại, ông chú hắn khẽ dặn thêm:
          - Mày nhận cái chức phó cái ban tuyên truyền ấy phải tìm cách "ẩy" mẹ nó cái thằng trưởng ban đi cho gọn ghẽ. Thằng ấy là hay lắm chuyện lắm. Năm ngoái nó ám chỉ tao bằng cái tiểu phẩm trên báo chống tham nhũng đăng trên báo chí tận trung ương đấy...

          - Thế ạ? 
          - Thằng này nguy hiểm lắm! Nó hay viết lách báo chí, sáng tác văn chương thơ phú, đạo diễn dàn dựng kịch cọt nêu lên toàn những chuyện hao hao giống chuyện xảy ra ở tỉnh ta, dân chúng đọc báo, xem kịch rồi cười cợt, đồn đoán phao tin thất thiệt rất khó chịu... Mày phải nghĩ mọi cách loại trừ nó ngay, hiểu không?
          - Chú cứ yên tâm.
          - Nhưng nhớ là phải hết sức kín nhẽ nhé!
          - Vâng!
          Hắn đáp và ra về. Thế là hắn trở thành phó ban tuyên truyền của tỉnh. Nghề của hắn là chuyên "đóng đinh leo thang". Nghĩa là chuyên đi treo dán khẩu hiệu hô hào cổ động cho các phong trào hành động cách mạng của tỉnh.
           Hắn thích nhất là những kỳ bầu cử, đại hội, hội thao hội thảo, hội diễn của các cơ quan, ban ngành trong tỉnh hay lễ hội hàng năm. Ban ngành nào thì cũng cần đến ban hắn tham mưu, định hướng chỉ đạo công tác tuyên truyền, mời phóng viên, nhà báo đưa tin, trợ giúp việc tô vẽ, cắt dán khẩu hiệu, trang trí hội trường, xây dựng kịch bản các chương trình tái hiện lịch sử truyền thống, giao lưu ca nhạc. Thù lao bồi dưỡng, tiệc tùng, đều đều.
           Làm nghề tuyên truyền, hắn ghét nhất là mùa mưa, khẩu hiệu vừa treo lên rất hoành tráng gặp mưa ướt hết. Nguy nhất là nó bị rơi mất nét, mất dấu chữ không dán kịp thành trò cười cho người qua đường lại còn bị lãnh đạo quở trách.
           Đảm nhiệm phó ban tuyên truyền được một thời gian hắn hoàn thành khá tốt chức trách, được lãnh đạo khen ngợi, các ban ngành tín nhiệm. Hóa ra là hắn còn có cả năng lực làm cán bộ chính trị. Hắn có năng khiếu sáng tác văn chương, hoa tay kẻ vẽ trang trí. Hắn tỏ ra rất năng động, hơn hẳn ông trưởng ban suốt ngày ngồi đút chân vào gầm bàn nghiên cứu nghị quyết, chỉ thị để tìm ra phương châm công tác, khẩu hiệu hành động.
           Thực hiện “chỉ thị” của ông chú ruột, sau một thời gian, hắn đánh bật được ông trưởng ban tuyên truyền để thay thế luôn chức vụ của ông ta. Mọi việc diễn ra rất đơn giản nhưng hiệu quả cao. Hôm ấy cơ quan tỉnh tổ chức một hội nghị quan trọng. Hắn khôn khéo nói có giỗ xin nghỉ về quê từ hôm trước. Hắn có dự định trước. Ông trưởng ban phải trực tiếp chỉ đạo công việc trang trí hội trường. Chả biết ông ta chỉ huy việc treo bảng chữ thế nào mà giữa lúc hội nghị làm lễ chào cờ đang hát vang "lanh-téc-na-xi-o-na-lơ" thì cái bảng chữ bất ngờ tuột dây lao rầm ngay xuống. Điện chập toé lửa loằng ngoằng. Khói um. Khét lẹt. Cả hội trường nhốn nháo. Ông bí thư đang đứng làm chủ lễ chào cờ hoảng quá vội co giò lao ngay ra khỏi hội trường. Mấy vị đại biểu cấp trên cũng nhanh chóng nhảy qua bàn xô đổ vỡ cả lọ hoa để thoát ra ngoài. Anh trưởng ban tổ chức hội nghị đứng gần bị cái bảng chữ văng trúng sứt đầu máu chảy be bét phải đưa ngay sang bệnh viện huyện băng bó.
          Sau buổi hôm ấy ông trưởng ban tuyên truyền bị kỷ luật. Ông còn hơn một năm nữa mới đến tuổi nhưng phải về nghỉ hưu non.
          Cho đến lúc vai túi đeo, tay xách gói về quê ông này vẫn không hiểu tại sao cái bảng chữ lại bị đứt dây giữa lúc quan trọng ấy. Ông đâu có biết là do thằng phó của mình giở tiểu xảo từ tối hôm trước. Khi nối các mối dây thép chuẩn bị cho ông trưởng ban hôm sau chỉ đạo treo bảng chữ lẽ ra sau khi soắn chặt mối nối thì phải bẻ quặt hai đầu dây thép lại dùng kìm bóp chặt để khi treo cái bảng chữ nặng không bị tuột thì hắn lại chỉ vặn các mối nối xoắn thẳng, hai đầu dây thép không bẻ quặt lại. Bảng chữ lại nặng treo lâu kéo mối dây thép dần dần ruỗi ra và rơi xuống là tất nhiên. Nó rơi trước lúc khai mạc hội nghị thì chỉ mất công treo lại. Điều không may là nó rơi đúng lúc đang chào cờ làm mất hết không khí thiêng liêng trang trọng. Mà nó rơi trong khi hội nghị đang họp cũng chết.
          Thế là chỉ với một mối dây thép xoắn hờ mà hắn đã loại được ông trưởng ban. Dĩ nhiên hắn là người kế tục. Chức trưởng ban tuyên truyền tuy chỉ là cờ đèn kèn trống điếu đóm thôi nhưng hắn thấy cũng rất oai. Chả gì hắn cũng được ngồi ngang hàng với các ban ngành khác giao ban hội ý hàng tuần. Hắn đặt đóng một cuốn sổ thật đẹp để ghi chép những lời huấn thị, phân công công việc của cấp trên đem về phổ biến quán triệt cho nhân viên trong ban...
          (còn nữa)                                                                        Hà Nội. tháng 4/2013

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Truyện ngắn TRUNG THU CỦA MẸ trên báo QĐND

       Báo Quân đội nhân dân-thứ Năm, 19/09/2013 trong trang văn học dành cho thiếu nhi đã đăng truyện ngắn Trung thu của mẹ. Tác giả xin trân trọng cảm ơn BBT báo và post lại trên blog của mình (Trọng Bảo) 
       
       
       Minh họa của Báo QĐND
      Trung thu của mẹ
       Truyện ngắn của TRỌNG BẢO     
        QĐND - Chị đi chợ sớm. Gánh rau trên vai chị nặng cong đòn gánh. Bé Thu cũng dậy sớm. Sau khi giúp mẹ xếp những mớ rau muống vào cái rổ để mẹ gánh đi rồi bé Thu ngồi vào bàn ôn bài. Khi trời đã sáng hẳn cái Thu mới đứng dậy vươn vai thu sách vở để chuẩn bị tới lớp. Trong buồng có tiếng bà khúc khắc ho. Bà đang bị ốm. Mẹ đi chợ bán rau lấy tiền mua thuốc cho bà.
        Bé Thu mở cái lồng bàn mẹ úp trên bàn. Hai bát cháo còn nóng. Một quả trứng gà đã bóc vỏ được cắt làm đôi để trong cái đĩa. Đó là bữa sáng của hai bà cháu. Bé Thu biết là mẹ gánh rau đi chợ mà chưa ăn gì. Mấy ngày hôm nay bà ốm nên mẹ lo lắm.
        Bé Thu múc chậu nước và lấy cái khăn để bà lau mặt. Đoạn nó bưng bát cháo và cả hai nửa quả trứng luộc cho bà. Bà cũng giục nó ăn sáng rồi đi học kẻo muộn.
        Sắp đến Tết Trung thu. Trên đường làng đã có rất nhiều trẻ con cầm những chiếc đèn ông sao rất đẹp. Buổi tối hôm qua lũ trẻ con tụ tập kéo nhau rồng rắn thắp nến, rước đèn ông sao, đèn kéo quân đi khắp làng. Tiếng trống ếch khua “tom… tom…” rộn rã. Qua ngõ nhà Thu, bọn trẻ con í ới gọi:
       - Thu ơi! Đem đèn cùng đi chơi với chúng mình!
       Thu đứng nép vào cánh cổng nhìn bọn trẻ con rồi nói:
       - Bà tớ đang bị ốm. Tớ phải ở nhà với bà và học bài… tối ngày mai nhất định tớ sẽ cùng đi rước đèn với các bạn.
        Cái Thu nói vậy để các bạn khỏi nài nỉ, giục nó đi chơi. Thực ra, nó làm gì có chiếc đèn nào mà đi rước cùng tụi trẻ con trong xóm. Cái Thu thoáng buồn. Nó ước mơ có một cái đèn ông sao để vui đón Tết Trung thu với các bạn. Nhưng nhà nó nghèo lắm, chỉ có ba bà cháu, mẹ con. Bà nó lại đang bị ốm. Gánh rau hằng ngày mẹ đem vào tận nội thành để bán rong cũng chả đủ tiền mua thuốc cho bà thì làm gì có tiền mà mua đèn Trung thu cho nó.
         Buổi chiều bé Thu đi học về thì thấy mẹ cũng đã đi chợ về. Bà cũng đang ngồi ở ngoài cửa nhà cùng nhặt rau với mẹ. Bệnh của bà đã đỡ hẳn. Nét mặt bà rạng rỡ lên khi nhìn thấy bé Thu. Cái Thu chào bà và mẹ rồi khoe ngay:
        - Hôm nay con được hai điểm 10 tiếng Việt và làm Toán đấy ạ!
        - Giỏi quá! - Chị khen con gái và nói tiếp: - Mẹ và bà có phần thưởng, quà Trung thu cho con đây!
        Nói xong chị lấy từ phía sau cánh cửa ra một chiếc đèn ông sao nho nhỏ nhưng rất đẹp. Đôi mắt của bé Thu sáng bừng lên. Nó cầm chiếc đèn ông sao sung sướng nghĩ ngay đến buổi tối hôm nay sẽ được rồng rắn đi rước đèn vui đón Trung thu với các bạn. Ngắm nghía chiếc đèn ông sao một lúc, chợt nhớ ra nó reo lên:
        - Con cũng có quà Trung thu cho bà và mẹ đấy!
        Cái Thu vội lục lọi trong cặp sách lấy ra một cái gói. Nó mở ra. Đó là một cái bánh nướng loại nhỏ. Chị ngạc nhiên chưa kịp hỏi nó lấy tiền đâu mà mua bánh Trung thu thì nó nói:
        - Hôm nay có một đoàn các anh chị thanh niên tình nguyện đến trường con tặng quà Trung thu. Mỗi đứa được một món quà. Con không nhận đèn ông sao và đồ chơi mà xin nhận cái bánh nướng này để dành đem về cùng bà và mẹ “phá cỗ” đón Trung thu, để cả nhà ta đều có Tết Trung thu...
        Chị xúc động ôm lấy con gái rồi khe khẽ bảo:
       - Con mới chính là Trung thu của mẹ!
                                                                                     Trung thu 2013

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Truyện ngắn LÃO CỐNG trên Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh

Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh số 271, ra ngày thứ Tư 12/9/2013 đã đăng truyện ngắn Lão Cống của tôi. Đây là câu chuyện về một con người có nguyên mẫu trong cuộc sống mà tôi đã gặp. Xin chân thành cảm ơn ban biên tập báo và giới thiệu lại truyện ngắn này trên blog (Trọng Bảo)           
       
        Lão Cống
            Truyện ngắn của Trọng Bảo

            Lão Cống bị lôi xềnh xệch ra khỏi nhà. Mặt mũi lão tái xanh tái xám. Quần áo lão dính đầy tro trấu. Lão đang nấu cơm thì xảy ra chuyện. Đám đông xúm quanh lão xỉa xói. Một thằng thanh niên chẹt cổ, bẻ quặt tay lão ra sau lưng. Một thằng khác lôi từ đống sắt vụn sau nhà lão ra một cái nồi nấu cám lợn ngoác miệng gào lên:
           - Đúng là cái nồi nấu cám nhà tao đây rồi!
           - Phen này bắt quả tang lão chứa chấp đồ trộm cắp nhé!
           Bọn thanh niên và mấy bà sồn sồn tiếp tục lục soát nhà lão Cống. Họ lôi ra từ góc bếp, xó nhà những cái xoong gãy quai, ấm nhôm cụt vòi, chậu thau thủng đáy… Đó là những thứ mà bọn trẻ con lấy trộm của nhà mình, hoặc nhà hàng xóm đem bán cho lão Cống lấy vài ngàn chơi games hoặc chọc bi-a. Nhà lão Cống gần chợ. Lão sống một mình, vợ con chả ai thấy bao giờ. Lão chuyên nhặt nhạnh, thu gom những đồ phế thải, sắt vụn bán kiếm sống qua ngày. Đám trẻ con trong xóm ham chơi trò chơi điện tử không từ một thứ gì bán được là không lấy. Nhiều nhà trong xóm lúc thì mất cái nồi, lúc thì mất cái kiềng gãy, khi thì mất cái chốt cổng bằng sắt nên bực lắm. Ông công an xóm cùng đám thanh niên theo dõi quyết bắt quả tang bọn trộm vặt và người tiêu thụ. Vì thế mà trưa nay họ bám theo được chân một thằng bé đang thu lu ôm cái nồi gang lẻn vào nhà lão Cống. Đó là cái nồi của bà Thặng đang đựng cám lợn ở bếp. Thằng oắt con đã lẻn vào bếp đổ cám đi rồi ôm cái nồi chui qua rào chạy về hướng nhà lão Cống.
           Thường là rất ít khi lão Cống có tiền thanh toán ngay những thứ mua được. Lão ghi vào sổ. Khi có người đến thu mua sắt vụn lão mới có tiền trả cho bọn trẻ con. Chính vì thế mà đám người trong xóm đã thu được cả cuốn sổ ghi nợ của lão Cống khiến lão cứng họng hết đường chối cãi. Một thằng hét lên:
           - Gô cổ lão này dẫn lên công an xã giải quyết!
           - Đúng… đúng…
           Nhiều người hưởng ứng. Mặc lão Cống van xin thằng thanh niên đang chẹt cổ lão rút ngay cái thắt lưng ra. Giữa lúc đó thì ông công an xóm hồng hộc chạy đến. Ông này có vẻ hiểu luật nên vội ngăn đám thanh niên lại và nói:
           - Chưa có lệnh bắt giữ mà trói người là phạm luật đấy!
           - Nhưng mà là bắt quả tang…
           - Thôi cũng không cần trói! Lão này có chạy đằng trời.
           Một thằng với ngay một đoạn dây thừng trên bờ rào buộc vào hai quai cái nồi cám lợn rồi đeo luôn lên lưng lão Cống làm tang vật. Đoạn hai thằng hai bên chẹt cổ, túm tay đẩy lão Cống ra đường. Lão Cống tập tễnh bước đi. Quần áo lão tơi tả. Cám lợn còn dính trong cái nồi chảy phè ra be bét ướt đẫm cả lưng áo lão.

           Lão Cống bị dẫn giải vào nhà làm việc của uỷ ban xã. Đang buổi trưa nên trụ sở vắng người. Có người chạy đi tìm anh chủ tịch và công an xã. Đám người bắt trộm nháo nhác tản vào các gốc cây tránh nắng. Lão Cống đứng giữa sân. Mồ hôi và nước mắt của lão chảy dài nhem nhuốc trên má.
           Có tiếng xe máy rú ngoài cổng. Anh chủ tịch xã lướt xe vào sân. Vẫn còn ngồi trên yên anh chủ tịch đã cáu cẳn:
           - Có chuyện gì mà náo loạn cả trụ sở xã thế hả?
           Mọi người nhao nhao nói. Mỗi người một câu. Anh chủ tịch đã hiểu hết mọi chuyện. Anh ta chỉ tay vào mặt lão Cống gằn giọng:
           - Ông già rồi mà còn làm bậy, tiếp tay cho bọn trộm cắp!
           Lão Cống cúi gằm mặt. Không nhìn anh chủ tịch nhưng lão nhớ như in cái bận bố anh ta chết không ai dám đến gần vì sợ lây bệnh. Bởi trước khi chết mũi bố anh ta to lên và đỏ sần sùi như vỏ quả gấc. Dân làng bảo đó là biểu hiện của bệnh hủi. Ngày ấy quan niệm về bệnh hủi thật ghê gớm khiến ai cũng khiếp sợ. Chính lão Cống đã một tay khâm liệm cho bố anh chủ tịch khi chẳng ai dám đến gần.
            Anh chủ tịch gọi anh trưởng công an xã giục nhanh chóng lập biên bản phạt hành chính rồi cho lão Cống về ngay. Chiều nay xã có khách đặc biệt. Mặt mũi lão Cống thêm tái mét nhợt nhạt khi nghe anh công an xã đọc khoản tiền phạt là 200 nghìn đồng vì chứa chấp, tiêu thụ của gian. Lão hốt hoảng. Có bán cả nhà lão đi cũng chả nổi hai trăm nghìn đồng.
            Lão Cống được tha về. Lão bước thập thõm ra khỏi trụ sở uỷ ban xã. Có tiếng ai đó nói vóng theo đe:
           - Nể lão già cả không thì tù mục xương đấy!
           Về đến nhà, lão Cống chui vào căn nhà như tụp lều của mình rồi khép cánh cửa gỗ mọt lại. Lão ngồi thu lu trên cái chõng tre mãi vẫn chưa hoàn hồn. Chợt lão thấy đói. Cũng đã hơn một giờ chiều rồi, tiếng còi xe ca xuôi Hà Nội qua chợ toe toe gọi khách buôn chuyến. Lão Cống nhấc cái nồi cơm bị đám người khám nhà lật nghiêng trên bếp. Cơm bị đổ gần hết xuống đống tro, trong nồi chỉ còn dính một ít. Lão thò tay vét nhúm cơm dính ở đáy nồi đưa lên miệng nhai. Cơm chưa kịp chín, hạt gạo còn nguyên lõi ăn như có bột sống trong miệng.
           Có tiếng cạch ở cửa nách. Lão Công giật mình ngoái lại. Thằng Giản lách người bước vào. Tay nó cầm gói mì tôm và hai củ khoai lang. Nó bảo:
           - Ông đừng ăn chỗ cơm sống ấy. Ông ăn tạm củ khoai này rồi cháu đun nước pha cho bát mỳ tôm.
           Thằng Giản là con một nữ thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc da cam. Bố mẹ nó mất, nó lang thang bới rác, rửa bát thuê ngoài chợ. Một bận lão Cống thấy nó sốt cao nằm mê man trong quán bán thịt lợn trong chợ liền cõng nó về nhà tìm lá hạ sốt đắp cho nó. Từ đó nó ở với lão. Hai ông cháu sống dựa vào nhau, có gì ăn nấy, củ khoai, củ sắn xong bữa. Có lẽ đối với lão Cống và thằng Giản ngày ấy sướng nhất là thời kỳ có dịch cúm gia cầm. Những đàn vịt bán chẳng ai mua. Tiền đền bù tiêu huỷ chẳng bõ nên người nuôi xua cả đàn ra bỏ ngoài cánh đồng. Đàn vịt bỏ hoang ngoài đồng thành nguồn thực phẩm dồi dào của lão Cống và thằng Giản. Chỉ cần nhoáng một cái, thằng Giản đã vặn cổ hai con vịt xách về. Ngày nào hai ông cháu cũng chén thịt vịt. Ăn đến chán thì thôi. Lão Cống còn làm cả ruốc thịt vịt để tích chữ ăn dần nữa.
           Thằng Giản ở với lão Cống được hơn hai năm thì được xã đưa lên nuôi dưỡng ở trại trẻ mồ côi của tỉnh vì nó là con một cựu thanh niên xung phong. Thằng Giản ở trường được ăn uống no đủ, lại được đi học chữ, học nghề nữa. Nó sáng sủa bảnh bao khác hẳn những ngày ở với lão Cống. Tuy thế nó vẫn luôn luôn nhớ tới lão Cống đã cưu mang nó lúc hoạn nạn. Hôm nào được nghỉ học là nó bắt xe khách về thăm lão. Hôm nay nó vừa về đến gần nhà thì lão Cống xảy ra chuyện. Nó lặng lẽ đi theo đám người áp giải lão Cống lên trụ sở uỷ ban xã. Khi lão Cống được tha về nó liền nhao về trước chạy ra chợ tìm cái gì cho lão ăn. Nó mua được mấy củ khoai luộc và gói mỳ tôm.
           Lão Cống đang ăn khoai thì lại có tiếng xe máy và cả tiếng ô tô dừng ngoài cửa. Thằng Giản mở cửa rồi lùi lại, giọng có vẻ hốt hoảng:
           - Công an xã lại đến ông ạ!
           Lão Cống há hốc mồm ra vì sợ. Miệng lão còn ngậm đầy khoai lang lẫn cả vỏ. Đói quá, lão không kịp bóc vỏ khoai. Anh chủ tịch xã bước vào nhìn quanh rồi quay ra nói:
           - Mời bà vào đây ạ!
           Lúc này lão Cống và thằng Giản mới nhìn thấy một bà đang mở cửa chiếc xe du lịch bóng lộn bước xuống. Bà này mặc một bộ đầm vẻ rất quý phái, sang trọng. Bà ta che mắt nhìn rồi chui vào căn nhà ẩm thấp, tăm tối. Anh chủ tịch lấy tay phủi phủi cái chõng tre rồi trải tờ báo ra bảo bà khách:
           - Mời bà ngồi ạ!
           Lúc này bà khách mới nhìn rõ mọi thứ trong nhà. Bà chăm chú nhìn lão Cống. Lão Cống vẫn há miệng ra ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì. Mồm lão vẫn ngậm đầy khoai lang và vỏ. Bà khách kêu lên:
           - Anh ơi! Sao anh khổ thế anh ơi!
           Lão Cống ngơ ngác. Bà khách buông cái túi xuống túm lấy tay lão Cống nức nở:
           - Anh không nhận ra em à… Em là Bích Ngân, con cụ chánh Tiên đây mà…
           - Ơ… ơ… - Lão Cống lờ mờ nhận ra một điều gì đó trong quá khứ sâu thẳm của cuộc đời mình. Lão cố nuối miếng khoai trong miệng rồi nhìn kỹ bà khách lạ. “Đúng là bà…là cô ấy rồi” - Lão nghĩ. Hơn năm mươi năm trước lão làm thuê cho nhà ông chánh Tiên. Cô con út của ông chánh hồi ấy mới mười sáu tuổi. Một lần cô bé leo lên cành ổi chìa ra ao hái quả chẳng may té ngã xuống nước. Lúc ấy lão đang rửa cày bên kia bờ nhìn thấy vội lao xuống bơi sang cứu. Sau bận ấy cô út nhà ông chánh có cảm tình và hay quan tâm đến lão khi ấy cũng là một thanh niên khá đẹp trai. Nhưng lão Cống hiểu rõ thân phận mình chả dám chòi cao. Lão chỉ coi cô út nhà ông chánh là cô chủ nhỏ. Năm 1954, cô út Bích Ngân theo gia đình vào Nam rồi qua Pháp. Bây giờ thì cô đã là một bà chủ lớn. Về thăm quê bà xin hiến tặng xã một khu trạm xá với những trang thiết bị hiện đại. Khi bà hỏi về một anh tá điền tên là Cống thì anh chủ tịch xã mới biết đến lão. Anh đưa bà đến thăm lão.
           Khi bà Bích Ngân đi rồi, lão Cống vẫn còn ngơ ngác. Bát mỳ tôm thằng Giản pha cho trương phềnh trên chõng. Lão không ngờ lại có một cuộc hội ngộ sau quá nhiều năm như vậy.
           Chiều tối lại thấy anh chủ tịch xã phóng xe máy đến nhà lão Cống. Lần này thái độ của anh ta khác hẳn. Anh ta chào lão Cống thật lễ phép. Anh ta mời lão ngồi lên chõng để cùng bàn công việc. Lão Cống ngạc nhiên nhưng cũng ngồi xuống mép chõng. Anh chủ tịch đặt một cái gói giữa chõng rồi nói:
           - Đây là bộ quần áo lụa bà Bích Ngân gửi biếu ông… - Anh ta rút từ trong túi ra tờ giấy bạc hai trăm nghìn đưa cho lão Cống rồi nói tiếp: - Bà ấy còn để lại mấy triệu đồng dặn chúng cháu hàng tháng trích đưa ông hai trăm nghìn tiêu pha.
           Lão Cống không cầm tiền. Anh chủ tịch để tờ bạc trên gói quần áo. Lão Cống ngần ngừ nhìn tờ giấy bạc. Như chợt nhớ ra, lão liền cầm cả hai tay tờ hai trăm nghìn đồng đưa cho anh chủ tịch:
           - Tôi… tôi… xin nộp phạt hành chính cho xã…
           Anh chủ tịch xã vội xua xua tay:
           - Xin ông bỏ qua cho chúng cháu chuyện trưa nay! Ông không phải nộp phạt gì nữa đâu. Xã đã hủy bỏ tờ biên bản ấy rồi ông ạ!
           Đoạn anh mở cặp lấy ra mấy tờ giấy rồi nói:
           - Ông ạ! Bà Bích Ngân sau nhiều năm trở lại quê hương đã quyết định đầu tư cho xã ta xây dựng một trạm y tế với nhiều trang thiết bị hiện đại…
           - Thế thì quý hóa quá!
           - Vâng! Đúng thế ông ạ. Nhưng bà ấy gửi tiền và yêu cầu xã phải đứng ra xây cho ông một căn nhà trị giá hai mươi triệu đồng thì bà ấy mới chuyển tiền về đầu tư xây trạm y tế…
           Lão Cống vội xua tay:
           - Không cần đâu! Nếu bà ấy cho tiền thì xã cứ dành cả mà xây trạm y tế…
           - Không được ông ơi! Bà ấy nói nếu không xây nhà cho ông thì bà ấy cũng không đầu tư cho xã…
           Thấy lão Cống im lặng anh chủ tịch xã nói tiếp:
           - Bây giờ xin ông ký vào bản hợp đồng này để chúng cháu chuyển cho bà ấy, để bà ấy yên tâm chuyển tiền về…
           - Tại sao tôi lại phải ký?
           - Bà ấy nói có chữ ký của ông là sẽ nhận nhà của xã xây cho thì bà ấy mới chuyển tiền về quê ạ!
           Lão Cống cầm cây bút. Chợt nảy ra một ý nghĩ, lão hỏi lại:
           - Xã sẽ xây nhà cho tôi thật chứ?
           - Vâng đúng thế ạ!
           - Nếu thế thì tôi xin có yêu cầu thế này!
           - Vâng xin ông cứ nói!
           - Tôi đề nghị xã cấp cho tôi một miếng đất để xây nhà chứ không xây ở chỗ này vì gần chợ lại nằm trong quy hoạch giải toả mở rộng đường nay mai.
           - Vâng ông muốn xin đất ở khu nào ạ?
           - Tôi xin xã cấp cho tôi chỗ hố bom đầu làng Thượng. Đề nghị xã san lấp và xây cho tôi căn nhà ngói ở đấy.
           Anh chủ tịch xã nuốt ực một cái nghĩ: “Lão già này cứ tưởng là khù khờ mà khôn ranh đáo để. Chỗ hố bom ấy xã dự định khi san ủi làm trạm y tế sẽ cho đổ đất thừa ra lấp đi xây các ki-ốt cho thuê bán hàng, làm quán cà phê giải khát… thế mà…”. Anh ngần ngừ:
           - Hay là xã cấp cho ông một miếng đất trong khu xóm Trại, yên tĩnh…
           - Thế thì thôi vậy… tôi không làm nhà nữa!
           Anh chủ tịch lại nuốt ực một cái. Cái yết hầu của anh ta nhô ra như có cái gì đang bị vướng trong cổ họng. Anh thấy khó chịu. Nhưng nhớ đến số tiền gần tỷ đồng mà bà Bích Ngân hứa sẽ đầu tư cho xã, anh ta đành chịu lui:
           - Thôi thế cũng được ông ạ! Bây giờ ông ký vào giấy này để xã chuyển cho bà Bích Ngân.
           Lão Cống phủi quần đứng dậy nói:
           - Bao giờ xã cấp sổ đỏ và san lấp xong cái hố bom, giác móng làm nhà cho tôi thì tôi mới ký!
           Anh chủ tịch xã cố năn nỉ nhưng không làm lão Cống lay chuyển. Anh ta đứng dậy ra về. Vừa đi anh ta vừa nguyền rủa: “Cái lão già chết tiệt…”.
*
           Căn nhà của lão Cống ở đầu làng Thượng xây xong trước khi trạm y tế xã hoàn tất. Theo kế hoạch bà Bích Ngân sẽ về nước đem theo một số trang thiết bị khám chữa bệnh và thuốc men cho trạm và dự lễ cắt băng khánh thành.
           Băng cờ khẩu hiệu đỏ rực con đường từ trụ sở uỷ ban xã đến khu vực trạm y tế. Các cấp, các ngành đã tề tựu đầy đủ. Chiếc xe chở bà Bích Ngân và con gái út từ từ dừng lại. Bà Bích Ngân dẫn con gái út theo anh chủ tịch đi về phía nhà lão Cống. Lần này bà về nước đem theo cả cô con gái út. Nó rất giống bà thời bà còn trẻ. Bà muốn để lão Cống thấy lại hình ảnh của mình ngày nào.
           Từ xa nhìn ngôi nhà mới xây của lão Cống ngay đầu làng quét ve hồng trông thật đẹp. Quả là một địa thế đắc địa. Bà Bích Ngân thấy rất hài lòng. Cô con gái giơ máy ảnh bấm tanh tách. Bà Bích Ngân vui vẻ. Vừa đi, bà vừa bàn với anh chủ tịch kế hoạch đầu tư thêm để mở rộng con đường chạy qua trung tâm xã.
            Đến gần ngôi nhà lão Cống, bà Bích Ngân rất ngạc nhiên. Không thấy lão Cống ra đón như bà nghĩ. Từ trong nhà một lũ trẻ con mặc quần áo mới ùa ra líu lo chào khách. Bà Bích Ngân bước vào nhà nhìn quanh. Trên tường dán đầy nhưng hình chim, thú và hoa. Bà quay sang nhìn anh chủ tịch như muốn hỏi. Lúc này anh chủ tịch mới rút trong túi ra một phong bì dày đưa cho bà. Bà Bích Ngân mở ra xem. Đó là một chiếc sổ đỏ ghi quyền sở hữu nhà đất của lão Cống, một cái ảnh lão Cống đang đứng giữa đám trẻ con lớp mẫu giáo và một mảnh giấy ghi dòng chữ: “Tôi tên là Nguyễn Văn Cống, tôi xin hiến tặng toàn bộ căn nhà và khu đất này làm lớp mẫu giáo cho làng Thượng. Ký tên…”.
            Bà Bích Ngân thảng thốt hỏi:
            - Thế ông ấy vẫn ở căn nhà cũ à?
            Anh chủ tịch đáp:
            - Ông ấy đi rồi bà ạ!
            - Đi đâu?
            - Chúng cháu cũng không rõ! Nghe nói thằng bé vẫn ở với ông ấy đã học được nghề và xin được việc làm ở một tỉnh phía Nam, nó đã đón ông ấy đi rồi…
            Bà Bích Ngân thấy hơi hẫng hụt. Bà cầm cái ảnh lên xem và nhận ra trong ảnh ông Cống mặc bộ quần áo lụa bà tặng ông lần trước khi bà về nước.
                                                                                            Hà Nội,13/12/2009
                  

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Tạp văn VỀ QUÊ NGẮM LAN RỪNG

                
             Lan rừng trong vườn nhà tôi.     
            
           Về quê ngắm lan rừng
          Tạp văn của Trọng Bảo
          Quê tôi ngày xưa là một vùng rừng núi, cây cối rậm rạp, có nhiều loại gỗ quý. Khi giặc Mỹ ném bom mở rộng ra miền Bắc, mỗi gia đình trong xóm đều có những cái lán trại trong rừng sâu để hàng ngày đưa trẻ em, ông bà già sơ tán tránh bom Mỹ. Lán nhà tôi ở giữa một khu rừng lim rậm rạp. Nhiều cây gỗ lim cả chục người ôm không xuể. Tôi còn nhớ ngày ấy đi chăn trâu, kiếm củi trong những khu rừng già thường gặp những chùm hoa phong lan rừng. Các loại lan mọc trên các thân cây rủ những chùm hoa thòng xuống rất đẹp.
        
           Thêm một bụi lan rừng trong vườn nhà.
           Vậy mà bây giờ giờ vùng rừng núi quê tôi chỉ còn độc màu xanh duy nhất của bạch đàn, cây keo tai tượng. Thỉnh thoảng hiếm hoi lắm mới bắt gặp được một khóm địa lan mọc trên thân cây cọ. Hoa lan bây giờ chỉ còn có trong những khu vườn do người ta nuôi trồng. Ven núi Tam Đảo có những trang trại chuyên trồng các loại lan rừng. Thỉnh thoảng tôi cũng gặp những người lấy trộm phong lan rừng trong vườn quốc gia Tam Đảo bày ven đường bán cho những người đi hành hương về đất phật Tây Thiên. Phong lan rừng Tam Đảo rất đẹp nhưng càng ngày càng hiếm và rất khó trồng.
           Trong vườn lan nhà tôi chủ yếu là các loại lan rừng tôi mua của người bán dạo trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Bao nhiêu năm ghép trồng chăm sóc, lan sống thì ít, chết nhiều tôi cũng có được những khóm phong lan rừng trổ hoa rất đẹp và thơm ngát. Trong khu vườn nhỏ gần như quanh năm đều có sắc hoa phong lan. Năm nay mưa nhiều, phong lan trong vườn bị chết nhiều. Mấy giò lan công nghiệp tôi được bạn bè cho tặng cơ bản là toi hết. Lan công nghiệp sinh ra trong ống nghiệm, quen sống trong nhà kính, sinh trưởng nhờ phân bón vi lượng khi ra ngoài thiên nhiên rất khó thích nghi nên không trụ nổi. Các loại phong lan rừng như đai châu, kim điệp, thuỷ tiên, hoàng thảo… bám vào gỗ lũa phát triển ra rễ, ra mầm đấy nhưng cũng bị thối hỏng nhiều. Mấy nhánh long tu, giả hạc, hương thuỷ tiên, thanh đạm, quế lan hương buộc vào gốc cây tươi trong vườn hoá ra lại phát triển tốt. Thì ra trong tự nhiên phong lan sống bám nhờ vào các loại cây làm giá thể.

         
           Loài quế lan hương này rất thơm.
           Lan rừng không giống như các loại tầm gửi ăn bám hút tinh chất của cây chủ. Lan rừng và cây rừng chỉ là sự hỗ trợ, nương tựa lẫn nhau. Cây phong lan rừng hút hơi nước và không khí trong thiên nhiên tổng hợp thành dưỡng chất mà sinh tồn cho nên dù có tách ra khỏi giá thể nó vẫn cứ sống và vẫn đâm rễ, ra hoa. Người ta mua các loại phong lan rừng về treo ngược như phơi rau cải, chờ bao giờ nhú rễ mới ghép vào giá thể. Lan rừng trồng trong vườn nhà chẳng cần phân bón, chí cần tưới nước cây vẫn lên xanh tốt, đến vụ vẫn cho hoa.        
          
           
            Những cánh hoa lan rừng ở một góc vườn.
          Rời khỏi nhiệm sở, tạm gác lại các loại công việc ở nơi phố thị ồn ào, tôi phóng xe máy về khu vườn nhỏ nhà mình ở một góc quê xa. Mùa Thu sắc trời xanh ngăn ngắt. Những cánh đồng bên đường lúa đang đỏ đuôi chờ mùa gặt hái. Mặt đất cũng xanh hơn, cây cối tốt tươi sau một mùa hè đầy nắng gió và ẩm ướt. Giàn phong lan rừng vườn nhà tôi mùa này cũng có mấy loài hoa đang chớm nở, xin mời các bạn cùng ngắm sắc, thưởng thức hương thơm rất thanh tao của lan rừng cho lòng mình thêm thanh thản.
                                                                                                     Lập Thạch, 1/9/2013
         
          Hai loại lan rừng nữa trong vườn nhà.

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Truyện ngắn CHUỖI THỜI GIAN

 

                 
            
             CHUỖI THỜI GIAN

           Truyện ngắn của Trọng Bảo     
                                                    
          Ông Xuyên ngả người nằm xuống ghế xích-đu. Tờ báo trong tay ông rớt xuống đất. Một làn gió hiếm hoi lọt qua bức tường rào cao không làm ông cảm thấy mát hơn. Ông đang bực. Ban sáng, ông đem một triệu đồng đến góp để trùng tu nhà thờ họ và xây mộ tổ. Ông gặp đúng lúc một thằng là hàng con cháu cũng đang nộp tiền. Tay nó đang cầm một nắm bạc lẻ, mặt mũi còn lấm lem bùn đất. Nó vừa mới tát ao bán cá lấy tiền đóng góp.
          Nhìn xấp tiền mới cứng trên tay ông, nó nói bóng nói gió với một thằng khác: "Tiền không… sạch mà đem mua vật liệu xây mộ tổ không khéo thì sui cả họ!". Thằng kia buông một câu lửng lơ: "Thôi thì cứ để đấy, sau lễ khánh thành cho đám thợ xây một bữa rượu thịt chó cũng được!". Ông nghe mà uất. Không chấp trẻ con nhưng ông cứ thấy sường sượng.
          Từ ngày về hưu ông Xuyên như người bị tách ra khỏi xã hội. Sự hẫng hụt, vô lo càng làm cho ông thấy bức bối. Cổ nhân có câu "nhân vô thập toàn". Tuy nhiên cuộc đời ông đến lúc này là tương đối chỉn chu, viên mãn. Thế nhưng sao ông vẫn cứ cảm thấy không vui.
*
           Ông Xuyên còn nhớ những năm sáu mươi, trong cuốn sơ yếu lý lịch của mỗi người đều có một dòng "ngày tham gia cách mạng". Cái dòng ấy thật quan trọng. Nó là cánh cửa cuộc đời. Nhiều người đã đi lên kể từ khi ghi ngày, tháng, năm vào cái dòng ấy. Với ông Xuyên, bắt đầu từ độ đặt bút viết vào dòng kê khai ấy đến lúc ký vào bảng lương cuối cùng tại chức là cả một chặng đường đời hơn bốn mươi năm. Ông thấy tự hào. Nhưng ông chợt thấy có một nỗi buồn thoáng qua, không sâu nhưng nó cứ quanh quất đâu đây. Thì ra cả đời sóng gió, gập ghềnh, đua tranh, bợ đỡ hay dìm dập thì cuối cùng cũng phải kết thúc. Cái dòng trong sơ yếu lý lịch có tính chất mở đầu ấy chỉ dành cho mỗi người ghi một lần thôi.
          Ông Xuyên thấy hẫng hụt. Bởi về hưu tức là từ nay ông đã bước sang một thế giới khác. Đó là "thế giới ACC" mà các cụ hưu trí vẫn thường nói đùa với nhau. ACC tức là "ăn-chờ-chết". Thật là kinh khủng và vô nghĩa quá. Chỉ cần thoáng nghĩ đến điều đó, ông lại cảm thấy thảng thốt. Ông còn khoẻ lắm. Chỉ bực mụ vợ quản lý chặt. Một lần, cô thư ký nhớ nghĩa cũ, tình xưa nhắn tin vào điện thoại di động, mụ vợ xem được tịch thu mất máy và cảnh cáo: "Về hưu rồi thì biết điều! Tôi bảo ăn là ăn, bảo ngủ là ngủ. Ngày còn công tác tôi thả cho mà nhông nhênh, đú đởn, giờ thì liệu hồn".
           Có người bảo ông nên viết hồi ký. Cuộc đời ông xem ra cũng đáng viết lắm chứ. Từ một người có thể nói là "chân đất, mắt toét” mà vươn lên làm đến chức vụ ngang cấp thứ trưởng cũng thật nên viết. Nhưng ông chưa viết. Ông sợ mình lại rơi vào cái chuỗi thời gian "ba hồi" nghiệt ngã của cuộc đời như người ta thường khái quát về những người hưu trí. Ba hồi đó là "hồi ký, hồi sức và hồi kèn". Hồi ký là ngồi tại nhà mà nghiền ngẫm, mà ghi chép lại cuộc đời mình rồi đem xuất bản cho người ta đọc. Tha hồ mà kể công, mà chiêm nghiệm, dạy đời, chẳng ai bắt bẻ được. Viết về mình ai chả kể lể công lao, kỳ tích của bản thân, đùn đẩy trách nhiệm, thất bại cho người khác. Các hồi ký thường là xung khắc, đối chọi nhau chan chát. Nhưng đã khối người về hưu rồi nhờ viết hồi ký mà thành danh hơn cả khi còn đang công tác. Hồi sức là khi ngắc ngoải ở bệnh viện (cứ nghĩ đến đã kinh). Một đời người tung hoành ngang dọc mà tới lúc phải dây rợ cắm chằng chịt khắp cơ thể, hô hấp, dẫn lưu, tiếp máu, tiếp nước thì còn ra làm sao nữa. Vậy mà, khối người tiền của chất cao như núi mà cũng chẳng hồi sức nổi. Còn hồi kèn thì là đoạn cuối, kết thúc ở ngoài nghĩa địa. Tiếng kèn réo rắt đưa người ta vào cõi vĩnh hằng nhưng đến nay cũng chả ai biết nơi đó có phải là chốn bồng lai tiên cảnh như vẫn đồn đại hay không.

           Cứ nghĩ đến cái "chuỗi thời gian ba hồi", ông Xuyên lại giật mình thon thót. Ông buồn đến nẫu cả người. Ông cũng muốn tham gia với tổ thơ của các cụ nghỉ hưu. Khi còn đương chức giám đốc một cơ sở kinh tế lớn nhất tỉnh suýt nữa ông đã trở thành nhà thơ, hội viên hội văn nghệ tỉnh hẳn hoi. Ấy là một lần, hội văn nghệ tỉnh tổ chức cuộc thi thơ "Mùa xuân đất mẹ" tìm đến các doanh nghiệp của ông xin tài trợ. Ông xuất luôn quỹ phúc lợi nhà máy ủng hộ hai chục triệu đồng. Thế là đám văn sỹ kính nể ông, thi nhau viết bài lăng-xê. Nhà máy ông tự dưng nổi lên như cồn, trở thành một điển hình tiên tiến của tỉnh, được cấp trên để mắt, rót ngân sách đầu tư. Văn phòng giám đốc luôn có khách văn ghé thăm. Mấy bài thơ kiểu "con cóc" ông viết từ thời còn chiến tranh được đám các nhà thơ "nâng cấp" lên đọc nghe cũng xuôi tai đáo để, rồi được đăng báo, bình tại hội thảo, ngâm trong hội diễn rồi phổ nhạc nữa. Hứng khởi, ông vừa chỉ đạo sản xuất vừa làm thơ. Một năm được bảy tám chục bài. Đám văn sỹ tỉnh nhận thù lao mông má lại, chêm thêm vào những mây gió, buồn vui, khao khát, giận hờn thế là hoàn chỉnh xuất bản một tập thơ khá dày dặn. Ông chi tiền in luôn bảy trăm cuốn, bìa cứng hẳn hoi, biếu tặng hết lượt các quan chức, đối tác trong ngoài tỉnh. Ông chủ tịch hội văn nghệ tỉnh mấy lần đề nghị ông làm đơn vào hội. Nhưng ông chưa kịp viết thì được điều động về bộ.
          Giờ nghỉ hưu, thơ ông nào có kém gì thơ của mấy cụ ở câu lạc bộ phường. Nhưng khốn nỗi ông không thể hoà nhập được với họ, đành chịu. Ông buồn. Ông luôn tự hỏi tại sao lại khó bắt nhịp lại với cộng đồng đến thế. Phải chăng ông là cán bộ cấp cao. Khi đã lên cao, vào hàng quan chức lúc về hưu khó hạ xuống thứ dân, trở lại đời thường. Cũng chưa hẳn là thế. Có lẽ là tại quá trình phấn đấu đi lên ông đã tự đánh mất dần những gì mình vốn có. Đó chính là bản ngã của con người...
*
           Ngày còn chiến tranh, thanh niên trai tráng luôn luôn sẵn sàng nhập ngũ, rời quê hương lên đường ra mặt trận. Ông Xuyên cũng trong lớp người đó. Nhưng khi súng nổ ở xa thì tất cả còn hăng hái. Thậm chí có người còn cắt tay lấy máu viết đơn xung phong nhập ngũ. Song lúc bom rơi ở gần thì người dũng cảm, kẻ yếu hèn thường bộc lộ bản chất. Ông Xuyên đã vô cùng hoảng sợ khi lần đầu tiên nhìn thấy máu.
           Đó là hôm máy bay Mỹ ném bom trúng bến phà sông Tương lúc đông người. Ông cùng đội thanh niên xung kích có mặt sau trận bom. Nhìn cảnh người chết, người bị thương nằm la liệt, máu me đỏ lòm ông run cầm cập, xé mãi không nổi cuộn băng để bó buộc cho một thằng bé bị thương gẫy tay. Giữa khi ấy lại có tiếng ù ù rồi ai đó hét lên: "Máy bay... Mỹ... lại... đến... đấy!". Hoảng quá, ông vội cuống cuồng xốc thằng bé lên vai chạy như điên vượt qua bờ đê vào xóm.
          Thằng bé được ông cứu lại chính là con trai duy nhất của đồng chí bí thư huyện uỷ. Thế là, ông được đồng chí bí thư để mắt quan tâm, cất nhắc. Ông được bổ nhiệm vào chức bí thư đoàn xã. Cứ ngỡ đó chỉ là chân sai vặt, xung kích thi đua cho có phong trào. Ngờ đâu lại do "cơ cấu" mà nên. Cơ cấu thường gấp vạn lần phấn đấu, hy sinh. Tuy có người chỉ vì bi kịch "cơ cấu" mà hỏng cả đời. Song phần lớn là nhờ cơ cấu mà nhiều người dù chỉ vào hạng "tầm tầm bậc trung" lại vượt hẳn lên. Là bí thư đoàn, ông được cơ cấu vào đảng uỷ xã, tham gia hội đồng nhân dân. Từ cấp xã ông dần lên đến huyện.
          Cũng chỉ bằng con đường đoàn thể ông lại được vào "cơ cấu" cấp lãnh đạo huyện. Huyện ông thời ấy là một trọng điểm nên được trên chú ý, tập trung xây dựng thành điển hình. Đã là một đơn vị điển hình thì mọi mặt phải toàn diện. Song thời buổi chiến tranh nhiều khi chỉ tiêu kinh tế, công nông nghiệp tăng trưởng vài phần trăm, dân no ấm thêm đôi chút lại chẳng gây ấn tượng bằng cảnh trống giong, cờ mở, mít tinh rầm rộ, khẩu hiệu băng rôn rợp trời.
          Là cán bộ phong trào, ông Xuyên cũng có chút tài năng tổ chức. Những diễn đàn "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù" hay hội thảo "Sống như anh" ông đều làm khá rầm rộ. Các xã nô nức thi đua với nhau. Thanh niên hăng hái xung phong ra trận, phụ nữ đăng ký ba đảm đang, thiếu nhi làm nghìn việc tốt. Phong trào thi đua của huyện ông không bao giờ ngừng nghỉ. Mà ở chỗ nào cũng có bóng dáng, vai trò của ông. Ông Xuyên được đánh giá là con người năng động, là cán bộ có năng lực, được cất nhắc lên mãi. Ông trở thành một nhân cốt được giữ lại để xây dựng phong trào ở hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn.
          Chiến tranh thường như vậy. Nó là thử thách cam go làm rõ trắng đen, yếu hèn, dũng cảm. Tuy nhiên cũng có những người nhờ chiến tranh mà che giấu được khiếm khuyết của mình. Khi đất nước còn cơ chế bao cấp ông Xuyên cũng như tất cả các cán bộ khác, đều chung cảnh ngóng chờ hàng phân phối, gom góp tem phiếu mua gạo thịt hay tìm cách móc ngoặc với nhân viên mậu dịch quốc doanh bớt xén, tuồn hàng hóa ra bán ngoài chợ đen ăn chênh lệch giá. Từ khi ông Xuyên đảm nhận một chức vụ có liên quan đến tài chính kinh tế của tỉnh thì cuộc sống gia đình ông khá giả hẳn lên. Ông không còn phải lo đói rách, thiếu thốn. Tuy thế ông luôn căn dặn vợ con quần áo đẹp vẫn phải mặc lẩn vào trong, có tiền thì chôn xuống đất thà bị mối xông còn hơn là gửi tiết kiệm lấy lãi, lộ mặt tư bản chủ nghĩa. Khi đất nước, quốc dân còn nghèo, ông đã thoát nghèo. Nhưng ở cơ quan chả ai biết là ông giàu.
          Đến thời cơ chế thị trường tình hình lại khác. Giàu nghèo phân chia, phân cực. Cán bộ đi xe hơi đời mới, xây biệt thự, chi tiêu xa xỉ dần dần cũng trở thành bình thường, đỡ bị những con mắt nhòm ngó, soi mói. Nếu so vào bảng lương thì bốn mươi năm phục vụ của ông chả mua nổi một chiếc xe máy loại tốt. Nhưng thời buổi chính thu chẳng bằng phụ thu này, chỉ qua một nhiệm kỳ đã có tiền tỷ trong tay. Ông vẫn nhớ như in cái cảm giác lần đầu tiên cầm tờ tiền của nước Mỹ. Sao nó cứ như tiền giả. Chỉ mấy tờ mỏng tang mà bằng cả đống tiền Việt Nam đồng. Vợ con ông cũng mở mày, mở mặt. Tiền vào cửa sau nhiều hơn cửa trước. Có nhiều việc được giải quyết ở phía hậu trường. Chả trách mà ngày xưa hậu cung thao túng được cả triều đình. Một hôm, ông vừa ở cơ quan về, bà vợ ông hỏi ngay:
          - Cơ quan ông đang khuyết một chức phó phòng phải không?
          - Sao bà biết?
          Bà vợ ông không trả lời mà lại bảo:
          - Thằng Bản nó vừa đi học về, có bằng cấp hẳn hoi đấy! Ông nhớ là phải chú ý đến nó đấy!
          Thế là ông hiểu. Thằng này nó đã "làm việc" với mụ vợ ông rồi. Ông đành nghĩ cách bố trí cho nó vào vị trí ấy. Được đề bạt, nó quay sang phục vụ ông tốt hơn. Dần dà, ông rút ra một kinh nghiệm sử dụng cán bộ ở cơ quan mình. Ông chia họ ra làm hai loại "xa và gần". Cán bộ xa chính là những người làm được việc, giúp ông hoàn thành chức trách, nhiệm vụ cấp trên giao. Cơ quan có thực hiện được chỉ tiêu, kế hoạch hay không là nhờ các cán bộ này. Loại "cán bộ gần" là những người chẳng làm được việc gì theo chức trách cho ra hồn nhưng lại biết cách quan tâm đến thủ trưởng. Thủ trưởng chỉ húng hắng ho đã biết tìm dầu gió. Thủ trưởng đi chơi ten nít biết lo sân bãi. Thủ trưởng vi hành thì chuẩn bị cơ sở, nơi ăn nghỉ, gái gủng, phong bì phong bao. Hai loại cán bộ này bây giờ ở cơ quan nào cũng có. Và bao giờ cũng vậy, công việc thì thủ trưởng đưa cho loại cán bộ xa, ăn chia cho bọn ở gần, vừa kín tiếng, đỡ lộ.
          Ông Xuyên  rất tâm đắc giải pháp sử dụng cán bộ theo kiểu "xa và gần" thấy mọi việc đều xuôi chảy. Nhưng chuyện đời là vậy, cảnh kẻ làm người ăn, cốc mò cò xơi mãi thì chóng hay chầy cũng sinh mâu thuẫn. Những người có năng lực, làm được việc đâm ra chán nản, bê trễ công việc. Những kẻ bất tài thì lên mặt. Nhưng khi mâu thuẫn phát sinh tất sẽ có cách giải quyết. Ông Xuyên áp dụng triệt để biện pháp luân chuyển cán bộ. Bướng ư? Làm việc thiếu chuyên tâm ư? Khó gì, cho đi cơ sở, vùng sâu vùng xa, tiếng là thử thách, rèn luyện cán bộ, thực ra là hạ phóng đày ải cho biết. Bao nhiêu cán bộ đã được "hạ phóng" về cơ sở, ông không nhớ hết.
          Một hôm, trên đường đi công tác ở miền núi, ông nghỉ ở một nhà hàng đặc sản thú rừng cạnh đường. Ông và đám tuỳ tùng đang ăn uống ngon lành chợt nghe "choang" một tiếng rất to. Đó là tiếng vỡ của thuỷ tinh. Có một giọng lè nhè phía sau. Ông Xuyên giật mình ngoái lại. Một gã đầu tóc bù xù tay cầm lăm lăm một đoạn vỏ chai vỡ, giọng sặc mùi men rượu:
          - Còn nhớ không! Còn... nhớ... không! Chiến sỹ thi đua ba năm liền đấy nhé! Thế mà nỡ đày ải ở chốn khỉ ho, cò gáy thế này hả... hả...?...
          Ông Xuyên nhổm dậy, lùi lại. Cậu lái xe lập tức giơ thân ra che cho thủ trưởng. Ông Xuyên cố nhớ. Hoá ra hắn tên là Khoa. Hắn là cái thằng hay cãi, làm thì được việc nhưng chẳng chịu phục ai. Một lần hắn còn dám đứng lên phê bình ông về công tác cán bộ. Thế là hắn đi đời luôn. Ông hạ phóng hắn về cơ sở phụ trách một trạm ươm cây giống giữa rừng. Trạm ươm ấy mấy năm liền ông không đầu tư, chỉ rót kinh phí cầm chừng. Hắn chán nản, thối chí, đâm ra rượu chè bê tha lè nhè suốt ngày. Sau vụ này có người ám chỉ, gọi chệch tên ông là "Xiên" (ý là xỏ xiên). Ông tức tối muốn truy tìm xem đứa nào dám cả gan gọi ông như thế nhưng đành chịu. Nhiều việc vừa mới xảy ra ở cơ quan đã thành chuyện dân gian, truyền miệng, hơi đâu mà truy tìm nguồn gốc. Mà truy sao cho được. Sau ông rút ra kinh nghiệm là cứ làm ngơ, mặc kệ, thế gian nói mãi mỏi mồm.
*
          Ông Xuyên bị đột quỵ phải nhập viện. Ông hoảng. Ông lo cái chuỗi thời gian "ba hồi" của mình bị trục trặc, chưa kịp “hồi ký” đã sang “hồi sức”, áp sát “hồi kèn” thì nguy. Tuy nhiên, ông chỉ bị xuất huyết não nhẹ. Bệnh viện lưu ông lại để theo dõi, bồi bổ vì ông nguyên là cán bộ cao cấp.
           Khu điều trị bệnh nhân VIP vắng vẻ. Mấy hôm đầu buồng bệnh ba giường chỉ có một mình ông. Ông nằm xem ti-vi, đọc báo suốt ngày cũng buồn bởi chẳng có người trò chuyện. Vài ngày sau thêm một bệnh nhân nữa đến nằm cùng phòng. Anh ta là trưởng ban tổ chức chính quyền tỉnh. Lập tức buồng bệnh tập nập hẳn lên. Người ra, người vào liên tục, quà cáp ùn ùn. Tay này bị chứng đau lưng nên lên bệnh viện trung ương kiểm tra rồi nằm lại mấy hôm dưỡng bệnh. Nhưng ông Xuyên hiết tỏng tâm địa của hắn. Hắn nắm sinh mệnh của nhiều cán bộ hàng tỉnh. Nằm viện cũng là dịp để hắn tranh thủ thu hoạch cuối năm. Những túi quà, hoa quả, sữa đường chỉ là phương tiện để những người đến thăm nhét phong bì vào cho đỡ ngại phải đưa trực tiếp. Sau khi rút lấy phong bì trong những túi quà, hắn xếp đầy hoa quả, đường sữa trên cái giường trống giữa hắn và ông Xuyên. Hắn bảo ông dùng được thứ gì thì cứ lấy mà dùng.
          Ông Xuyên im lặng vừa buồn lại vừa tức. Giá mà ông còn đương chức thì thằng này đã là gì. Ông Xuyên tự ái nhìn mấy quả cam chua loét để lỏng chỏng ở cái tủ nhỏ trên đầu giường. Mụ vợ mải đề đóm, mua vội. Cô con gái út thì bận đi picníc với đám bạn bè. Ông nằm ở bệnh viện mấy ngày mà chẳng ai buồn ngó ngàng đến. Bà vợ bảo: "Ôi dào! Cứ ở bệnh viện mà nghỉ ngơi, vừa đỡ cơm nhà, vài bữa ngớt việc tôi đến đón hẵng về". Cô con gái út nghe tin bố ốm thì điện về: "Thank bố! Cái xe Spacy bố mới mua cho con chạy bốc lửa lắm. Chúc bố chóng khoẻ nhé!".
          Giá mà đương chức ông vào viện thế này thì đám đệ tử "cán bộ gần" hoạt động rộn ràng phải biết. Chúng sẽ túc trực vo ve quanh ông cả ngày. Rồi chúng nhanh nhảu thông báo cho các địa chỉ cần phải cử người đến thăm, nhân tiện kiếm chút phụ thu khi thủ trưởng ốm. Bây giờ ông đã nghỉ hưu, hết lộc, "thớt hết tanh tao", tự dưng đám ấy tản hết.
           Ông Xuyên nằm trùm chăn kín đầu để khỏi chứng kiến cái cảnh nhộn nhịp ở giường bên cạnh. Thời gian một ngày ở bệnh viện sao thật là lê thê. Ông mong cho chóng tối. Nhưng buổi tối vẫn có nhiều người đến thăm tay trưởng ban tổ chức chính quyền. Ông nghe loáng thoáng họ nói với nhau khi ra khỏi phòng: "Sao cái lão nằm giường bên cạnh trông quen quen thế nhỉ?". Ông nghĩ thầm: "Ngày đương chức tao hay xuất hiện trên ti-vi làm gì mà chả quen".
          Cuối cùng ông Xuyên cũng có người đến thăm.
          Khi người đó bước vào phòng nhìn quanh, tay trưởng ban đã lập cập chạy ra đón, giọng líu đi:
          - Chào anh! Anh...
          - Ơ! Cậu cũng phải đi viện à? Bệnh gì thế?
          - Dạ! Thế anh...
          - Mình vào thăm một người đang nằm điều trị ở đây!
          - Thế người đó là thế nào với anh ạ?
          - Bác ấy tên là Xuyên... thủ trưởng cũ của tôi... Biết tin bác ấy ốm, mình vội về ngay!
          Nghe vậy, ông Xuyên lật chăn ngồi nhỏm dậy. Ông chưa nhận ra là ai thì người ấy đã túm tay ông vì vui mừng, hối vội hỏi thăm sức khoẻ. Nghe ông nói chỉ bệnh nhẹ, người đó mới yên tâm ngồi xuống giường trò chuyện với ông. Ông Xuyên vẫn chưa nhận ra người đến thăm mình. Ông hơi băn khoăn, sợ hỏi tên thì khiếm nhã. May lúc ấy, tay trưởng ban nhanh nhảu:
          - Bác ạ! Đồng chí phó chủ tịch tỉnh em bận thế mà còn xuống tận đây thăm bác đấy!
          Ông Xuyên đã lờ mờ nhớ ra. Sau lại nghe hai người nói chuyện với nhau ông nhận ra đó là anh phó phòng thuộc cơ quan ông ngày trước. Anh ta là người làm được việc nhưng bộc trực. Chính anh cũng bị ông "hạ phóng" về một tỉnh miền núi xa xôi. Nhưng không như nhiều người khác, anh này vẫn kiên trì vươn lên bằng chính tài năng, sự phấn đấu của mình. Từng là một người lính phục viên, anh rất quen với việc có lệnh là đi nhận nhiệm vụ ở những nơi khó khăn, gian khổ. Anh không nghĩ là bị "đày" đi cơ sở mà coi là một dịp tốt để rèn luyện, thử thách để khẳng định mình. Bây giờ anh là một phó chủ tịch tỉnh khi tuổi còn rất trẻ.
          Lúc chia tay ông Xuyên, anh phó chủ tịch tỉnh cứ năn nỉ: "Hè tới mời bác lên chỗ em. Tỉnh em có khu nghỉ dưỡng, suối nước khoáng nóng hay lắm bác ạ!".
          Ông Xuyên hơi ngường ngượng khi bắt tay anh phó chủ tịch tỉnh.
          Sau lần anh phó chủ tịch tỉnh đến thăm, trong lòng ông Xuyên tự dưng nhen lên một thứ tình cảm mới, rất khác với những gì đã sẵn có trong ông bấy lâu nay. Ông chợt nhận ra, ai rồi cũng sẽ đến ba hồi cuối của đời mình. Nhưng mấy ai sẽ thanh thản và không xa lạ với đồng loại khi đã về chiều nếu suốt cuộc đời chỉ biết sống vị thân.
                                                                                             Hà Nội, mùa Đông 2005