Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 15)

             
      
       NQUỶ
          Truyện dài của Trọng Bảo

           Ông chú thằng Hiến đang bừng bừng khí thế thăng thiên. Sau đại hội này ông trúng chức phó bí thư thì nhất định sẽ vào ghế chủ tịch tỉnh. Cái tỉnh miền núi tuy nghèo nhưng tiềm năng dồi dào. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đang trong quy trình khảo sát, hình thành dự án. Chỉ cần làm chủ tịch một nhiệm kỳ là đủ ăn đến hết đời. Có lẽ vì thế nên việc nhất định phải trở thành người đứng đầu tỉnh càng thôi thúc ông. Ông tích cực hoạt động để tạo uy tín trước thềm đại hội. Ông năng đi thăm nhà trẻ mồ côi SOS, đi đôn đốc việc đắp đê, làm thuỷ lợi, tặng quà gia đình liệt sĩ, tránh để ít tham gia các hội hè, liên hoan, chiêu đãi... Ông muốn hình ảnh của mình luôn gắn liền với phong trào của công-nông toàn tỉnh.
          Vậy mà gần sát ngày đại hội dư luận trong tỉnh lại nổi lên nhiều vấn đề đáng quan tâm. Có nhiều luồng thông tin trái chiều đến tai ông. Có thông tin cho rằng ông trưởng thành từ “chân” chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp thời bao cấp, trình độ thấp, quen hô hào, tổ chức phong trào hành động bằng khẩu hiệu hơn là năng lực, trình độ kiến thức khoa học kỹ thuật. Chuyện ấy chỉ phù hợp với giai đoạn quá độ, chiến tranh. Tình hình hiện nay đòi hỏi người lãnh đạo phải có tri thức, phải là con người khoa học. Đúng là ông trưỏng thành từ một chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp thời bao cấp thật. Nhưng khi đã được đề bạt lên cán bộ cấp huyện rồi cấp tỉnh ông cũng đã kịp hoàn thiện nhiều loại bằng cấp rồi còn gì. Bây giờ trong tay ông đã có bằng kỹ sư nông nghiệp, bằng chính trị cao cấp. Ông đang hoàn thiện chương trình đào tạo thạc sĩ. Tuy đều là các loại bằng cấp tại chức, bổ túc (có chương trình ông phải nhờ người viết luận án tốt nghiệp) nhưng ông còn hơn hẳn ông chủ tịch sắp mãn nhiệm chỉ có mỗi một cái bằng cao đẳng nông lâm từ thời tám hoánh nào rồi. Cùng với luồng thông tin về học vấn của ông nổi lên dư luận ca ngợi anh giám đốc sở Công nghiệp là một nhân vật đang lên. Tay này là một cán bộ trẻ, học vấn cao, năng nổ trong công việc. Trong tình hình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay mà lãnh đạo tỉnh là phù hợp nhất.
          Nghe anh trợ lý thân cận báo cáo cho biết những thông tin nhiều chiều ấy ông phó chủ tịch tỉnh ngồi lặng lẽ suy nghĩ hồi lâu. “Phải loại trừ nguy cơ này ngay!” - Ông nghĩ. Ông bóp trán. Có trăm phương, ngàn kế. Nhưng ông nghiệm ra một điều là mọi thủ đoạn để chống lại nhau, loại bỏ nhau không có thủ đoạn nào ghê gớm, thâm hiểm hơn thủ đoạn dùng văn hoá làm phương tiện. Văn hoá bao giờ cũng là nền tảng của sự phát triển, là báo hiệu sự suy tàn của xã hội. Ai biết lợi dụng nó sẽ tạo nên sức mạnh lớn lao, ai coi thường nó sẽ phải trả giá rất đắt. Một cái đơn tố cáo nặc danh, theo luật là không được xem xét. Nếu thanh tra có dựa vào đó để lần ra khuyết điểm thì đưa về xử lý nội bộ, rồi "phê bình nghiêm khắc" là xong. Nhưng một tác phẩm văn nghệ đăng báo, nhân vật hao hao giống đối thủ đang cạnh tranh chức vụ với mình thì lại có tác dụng hơn hẳn hàng chục cái đơn thư nặc danh hoặc kể cả đơn từ không nặc danh. Chuyện ám vào ai thì khó mà gột rửa hết tiếng ong ve xì xào. Chuyện văn nghệ biết thực hư thế nào. Rõ ràng là hư cấu nhưng nhiều người vẫn tin là thật. Nhà văn hư cấu thì cũng phải dựa trên hiện thực chứ! Dân gian vẫn thường nói "không có lửa làm sao có khói". Chuyện bán tín bán nghi biết đâu mà chứng minh giải thích. Uy tín của người hao hao giống nhân vật trong truyện tự dưng giảm dần, đúng kỳ đại hội mà kém phiếu hoặc trượt vỏ chuối thì coi như xong.
          Ông cho gọi thằng cháu là trưởng ban tuyên truyền lên hỏi:
          - Hiến này! Mày có quen tay nào chuyên viết lách gì không?
          - Để viết đơn thư khiếu nại, tố cáo ạ?
          - Không! Viết truyện... viết một truyện ngắn hoặc một tiểu phẩm!

          Thằng Hiến ngạc nhiên nhìn ông chú. Hắn thầm nghĩ: “Tại sao hôm nay ông chú của mình lại quan tâm đến văn học, nghệ thuật thế nhỉ!”. Hắn rụt rè hỏi lại:
          - Viết truyện để làm gì ạ?
          - Để đăng báo chứ còn làm gì nữa?
          Hắn càng ngơ ngác không hiểu. Ông chú hạ giọng:
          - Hiện nay đang có hai người có khả năng nhất là ứng viên chức chủ tịch tỉnh. Đó là tao và tay giám đốc sở công nghiệp. Mày phải giúp tao loại bỏ đối thủ nhé!
          Thằng Hiến hoang mang chưa hiểu. Ông chú giảng giải cho thằng cháu hiểu mọi chuyện và đường đi, nước bước cách dùng “đòn văn nghệ” rồi bảo:
          - Thuê viết một truyện ngắn nội dung sát sàn sạt hoàn cảnh, quê quán, tính cách của tay giám đốc kia, phịa thêm vài tình tiết như gái gú, ăn của đút lót, hống hách, nhất là cái chuyện đối xử nhạt nhẽo với bố mẹ, vợ con, láng giềng, anh em cơ quan...
          Thằng Hiến đã hiểu. Hắn có vẻ rất tâm đắc với phương pháp kế hoạch của ông chú ruột:
          - Vâng! Cháu rõ rồi. Cháu có quen một tay rất hay viết lách, thơ phú. Tay này chuyên nghề viết diễn văn và điếu văn thuê nhưng cũng biết viết truyện và kịch bản. Cháu sẽ đặt nó viết ngay một truyện ngắn theo đúng ý của chú.
          - Nhớ là phải tìm thằng nào gioi giỏi một chút để văn vẻ có tính nghệ thuật và sâu sắc. Ứng trước cho nó vài triệu đồng nhuận bút để nó hăng hái. Nhớ khi nó viết xong đưa tao xem lại rồi hẵng gửi cho tờ báo Văn nghệ của tỉnh đăng nhé.
          - Nhưng liệu tòa báo họ có đăng cho không ạ?
          - Việc ấy mày không phải lo. Nhớ là khi báo đã ra có in truyện ngắn ấy thì mua thêm lấy vài trăm tờ đưa bộ phận phát hành gửi cho tất cả các ban ngành, các huyện trong tỉnh nhé!
           Thằng Hiến nhận lệnh toan đứng dậy thì ông chú dặn thêm:
           - Sau khi báo đăng truyện ngắn, mày lập tức cho tổ chức hội thảo, trao đổi về tác phẩm, làm ầm ĩ lên, cũng là đúng chức năng của cơ quan tuyên truyền đấy hiểu không?
           - Vâng ạ!
           Quả nhiên "đòn văn nghệ" này thật hiểm. Tờ báo văn nghệ tỉnh được truyền tay nhau đọc đến nhàu nát. Có người còn phôtôcopy ra để cho nhiều người được đọc. Chuyện thực hư chả ai rõ, nó cứ rầm rì lan truyền khắp tỉnh. Chuyện văn chương hư hư, thực thực không ai thẩm tra kết luận, chỉ lưu tâm để ý thế thôi. Nhưng khi đại hội bầu cử thì anh giám đốc sở công nghiệp bị giảm phiếu. Ông chú thằng Hiến đương nhiên có phiếu tín nhiệm cao hơn. Và, cũng đương nhiên sau kỳ bẩu cử hội đồng nhân dân ông được bầu giữ chức chủ tịch tỉnh. Sau chuyện thành công này thằng Hiến cũng mát mặt. Việc chuyển sang đảm nhiệm chức vụ ở cơ quan kinh tế chỉ là chuyện thời gian. Mấy triệu đồng thư ký riêng của ông chú đưa để làm “nhuận bút” thằng Hiến chỉ chi cho gã viết thuê có tám trăm ngàn đồng. Như thế cũng đã gấp bốn lần nhuận bút rồi mà nhuận bút của báo thì nó vẫn lĩnh. Không những thế thằng viết thuê còn sướng lâng lâng cả tháng trời vì tác phẩm của mình được đăng báo, cả tỉnh đều biết tiếng tăm.
          (còn nữa)                                                                            Hà Nội, tháng 4-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét