Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

Truyện ngắn vui NGƯỜI THÀNH PHỐ KHỔ QUÁ

NGƯỜI THÀNH PHỐ KHỔ QUÁ
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và ngoài trời

Lão Cốc vừa đi Hà Nội về. Thỉnh thoảng lão lại xuống thủ đô khi thì thăm con, khi thì khám bệnh, khi thì có chút nhuận bút còm những bài thơ trào phúng được đăng báo lão về tận tòa soạn nhận tiền và lấy báo biếu luôn. Lần nay là lão đi lĩnh nhuận bút. Bài thơ của lão đoạt giải khuyến khích một cuộc thi thơ châm biếm. Về đến nhà lão liền điện thoại ngay cho ông Tô. Ông Tô đang rảnh rỗi nên ra đầu làng chơi với lão Cốc-nhà thơ Cốc Vũ.
Lão Cốc lôi trong góc nhà ra một chai rượu. Lão rót ra hai cái chén nhỏ. Thêm một đĩa lạc rang nữa hai ông vừa nhâm nhi vừa nói đủ chuyện trên trời, dưới biển, chuyện trong nước quốc tế đến chuyện làng chuyện xã. Lão Cốc bảo:
- Đúng là người thành phố khổ thật ông ạ!
- Sao lại khổ... ở thành phố phải sướng chứ! Nếu không mọi người cứ nhao ra thành phố, nhao ra Hà Nội để sinh sống làm gì?
- Sướng gì mà sướng? Đấy Hà Nội hết ô nhiễm không khí thở không được, giờ lại đến ô nhiễm nguồn nước uống không được... suốt đêm phải xếp hàng chia nhau từng xô nước sạch. Ở chung cư cao tầng không có nước nhà vệ sinh ứ đọng thối um lên đấy...
- Thế à?
- Họ còn nhiều cái rất khổ và nguy hiểm nữa ông ạ! Họ làm nhà cao tầng cao hun hút mà rất mất an toàn, trẻ con và cả người lớn thường xuyên bị ngã từ tầng cao xuống nguy hiểm lắm.
- Chuyện ấy tôi đọc báo biết rồi... vừa có ông thứ trưởng cùng ngành giáo dục với tôi bị ngã từ tầng 8 xuống tử vong... nhưng ngoài thành phố chắc sẽ ít có chuyện trộm cắp như ở làng ông ạ!
- Ôi giời... ngoài ấy trộm cắp thì đầy... ông lên xe buýt không cẩn thận có gì nó móc sạch... một mét vuông có một thằng trộm đấy... he... he...
- Ông nói thế nào ấy chứ... ở thành phố làm gì có trộm... của cải để đầy ai thèm lấy...
Lão Cốc lại cười he he và bảo:
- Ôi... ông giáo ơi... lâu rồi ông không ra khỏi cổng làng nên không "cập nhật" được tình hình rồi. Bây giờ ở thành phố nhà nào cũng như một pháo đài kiên cố. Cửa đóng then cài rất hiện đại, có các loại khóa chống trộm, người lạ sờ vào là nó kêu ầm ĩ lên đấy ông ạ!
- Thế sao tôi đọc báo thấy viết ông cựu bộ trưởng cái bộ "ba tê", à quên là bộ "bốn tê" nhận 3 triệu đô-la tiền "lại quả AVG" để ngay ngoài ban công trộm nó cũng không thèm lấy cơ mà?
- Ông này nghi binh rất giỏi nên bọn trộm nó bị bất ngờ không biết. Nếu mà biết thì bọn trộm chúng nó lại tha cho à... Mấy ngày hôm nay bọn trộm ở khu vực Lý Nam Đế, Hà Nội đọc báo rồi cứ tiếc ngơ, tiếc ngẩn mãi đấy ông ạ!
- Có lẽ vậy... nhưng số tiền khổng lồ ấy vẫn bị mất đấy ông ạ!
- Đúng thế... ông cựu bộ trưởng ấy cho con gái... giờ nó cãi bay bảo không nhận, vây là mất toi luôn... Thế là "không mất cắp vì người ngoài cũng mất cắp vì người nhà"... Mà cũng lạ thật, cả một đống tiền lớn như thế nó biến mất cứ như không ấy...
- Đấy cũng là chuyện lạ ở thành phố ông ạ!
- Thành phố sao lắm chuyện lạ, chuyện khốn khổ thế nhỉ?
- Thì... tại ở thành phố "đông người. lắm chuyện" mà lại... À, có một chuyện nữa tôi thấy người thành phố khổ hơn nông thôn chúng ta ông ạ!
- Còn chuyện gì nữa thế?
-Thì chuyện uống... rượu chẳng hạn... Hôm trước, tôi vào một nhà hàng thấy có hai ông uống một chai rượu bé tý, chả bằng nửa chai rượu 20 ngàn mà tôi với ông đang uống đây mà phải trả những hai triệu đồng... tính ra bằng mấy tạ... phân đạm, mấy chục tấn phân chuồng ở quê ta đấy ông ạ!
- Hề... hề... - Đến lượt ông Tô cười: - Đấy là loại rượu đặc biệt ông ơi... Thôi tôi về đây... đúng là người thành phố sao mà khổ thế... khổ thế...?.
Hà Nội, ngày 21-10-2019

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019

Truyện ngắn vui ĐIỂN HÌNH THỜI 4.0

ĐIỂN HÌNH THỜI 4.0
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Không có mô tả ảnh.

Trưởng thôn Trần Kính quyết định thành lập một đoàn đại biểu của làng đi tham quan các điển hình tiên tiến về kinh tế, xã hội ở các xã trong huyện để học tập kinh nghiệm. Vài năm nay, tình hình kinh tế, xã hội trong làng kém phát triển nên cần có thêm nhiều kinh nghiêm mới để đột phá. Trong đoàn tham quan có cả ông Tô và lão Cốc. Hai ông là tham mưu đắc lực cho trưởng thôn trong việc ghi chép, đúc rút kinh nghiệm để về giải thích cho bà con trong làng áp dụng làm theo.
Đoàn tham quan đi xem các mô hình chăn nuôi, làm trang trại, mô hình tổ đội hỗ trợ giống vốn, cây trồng và các mô hình xây dựng đời sống văn hóa ở nhiều nơi trong huyện. Về đến làng, ông Tô vào nhà lão Cốc cùng ngồi uống nước và bàn cách học tập, làm theo. Lão Cốc nêu ý kiến trước:
- Cái mô hình trang trại chăn nuôi ở xã Hoàng Gia ta khó mà học tập làm theo. Họ đầu tư lớn và hoành tráng quá. Lợn ở trong chuồng trại sạch sẽ, có cả chăn bông đắp mùa đông, máy điều hòa nhiệt độ mùa hè... Bố ai mà theo nổi?
- Cái mô hình họ gọi là 4.0 ấy hình thức quá! Hình như chỉ để tham quan, chiêm ngưỡng thôi...
Ông Tô lên tiếng, lão Cốc gật gù:
- Chắc là họ đầu tư “xây dựng điển hình” đấy ông ạ! Trang trại chăn nuôi gì mà có cả hướng dẫn viên chuyên trách việc giới thiệu với khách như thế?
Ông Tô nói tiếp:
- Tôi thấy cái mô hình “góp vốn đầu tư kinh doanh” ở xã Đại Đồng có khi hay đấy ông ạ!
- Ôi dào... cái trò góp vốn hụi họ để kinh doanh ấy là trá hình của bán hàng đa cấp đấy ông ạ! Khi nó mà vỡ nợ thì cả làng cùng khóc luôn!
- Vậy thì làng ta biết làm theo mô hình nào bây giờ?
- Làm theo mô hình nào thì cần suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ ông ạ! Cái kiểu “xây dựng điển hình tiên tiến” như thế này nguy hiểm lắm!
- Hay là ta học theo các “điển hình tự phát” có khi lại thực chất và hay ông ạ!
Nghe ông Tô nói như vậy, lão Cốc cười cười nói thêm:
- Đúng! Tôi thấy cái “mô hình cả nhà làm quan” ở Hà Giang và “mô hình cả cơ quan làm sếp” ở Hải Dương có khi lại hay đấy ông ạ?
- Hừ... hay gì mà hay?
- Thì “cả nhà làm quan” thì đều là người nhà thì đỡ chuyện mất đoàn kết, kèn cựa tranh giành chức tước lẫn nhau. Còn “cả cơ quan làm sếp” thì đỡ hẳn khâu quản lý, giáo dục nhân viên. Ai cũng được ký, ai cũng được đóng dấu cũng đỡ phiền hà cho dân... Dân đến công đường là gặp toàn các quan ngay, giải quyết công việc cũng nhanh chóng...
- Chưa chắc như thế đâu ông ạ!
- He... he... tôi nói vậy cho vui thôi chứ cái kiểu “mô hình tự phát” như thế này thì làng ta khó mà có thể học theo?
Ông Tô trầm ngâm:
- Mô hình tự phát thì lệch hướng, mô hình xây dựng lên thì không bền vững...
- Đúng thế, mô hình tự phát thì hay lệch hướng. Mô hình, điển hình bồi dưỡng, xây dựng lên thì hay tan nhạt. Tôi còn nhớ trước đây, mỗi khi cần định hướng phong trào, phục vụ công tác tuyên truyền thì họ dồn cho nhân vật những chiến công thành tích, đưa vào đầu họ tư tưởng xung kích tiên tiến, gắn vào mồm họ những câu nói bất hủ mang hàm ý khẩu hiệu tuyên truyền, rồi trao cho những danh hiệu này nọ. Thế là họ thành một điển hình tiên tiến đi nói chuyện, tuyên truyền khắp nơi, lâu lâu rồi thành quen nói dối cứ cứ tưởng mình là mình đang nói thật. Mọi người chán vì đều biết hết cả mà họ thì vẫn không biết... Cái kiểu mô hình, điển hình như thế hiện nay không học tập được nữa đâu ông ạ!
Ông Tô lẩm bẩm:
- Tạo nên những mô hình như thế là trách nhiệm, là lỗi của những người làm công tác tuyên truyền đấy ông ạ!
- Thì ai chả biết thế. Nhưng thôi... chuyện làng ta đi tham quan học tập các mô hình làm kinh tế giỏi, xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp lần này coi như... thất bại!
Ông Tô lắc đầu:
- Thất bại là thế nào? Làng ta cũng được một bài học để tiếp tục đi tìm kiếm những mô hình mới ông ạ! Nhất định chúng ta sẽ tìm được một mô hình, điển hình thời 4.0 ông ạ!
Hà Nội, ngày 16-10-2019

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

Truyện ngắn vui TỨ HỢI DU HÀNH

TỨ HỢI DU HÀNH
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Không có mô tả ảnh.

Ông Tô bị ốm. Vóc dáng ông có vẻ gầy yếu nhưng lâu lâu mới bị ốm nhẹ một lần. Ông thấy hoa mắt chóng mặt nên không thể ngồi để đọc báo hay xem ti vi để nắm bắt tình hình thời sự cập nhật. Nghe tin ông Tô ốm lão Cốc lò dò sang chơi. Lão xách một nải chuối tiêu chín vàng làm quà. Thấy lão Cốc đến, ông Tô ngồi dậy nói chuyện. Ông trả lời qua quýt chuyện ốm đau rồi hỏi lão Cốc:
- Tình hình thời sự có gì mới không! Tôi mệt quá không đọc báo xem ti vi được ông ạ?
Lão Cốc bảo:
- Thời sự thì lúc nào chả có! Chỉ có chuyện lạ mới đáng nói thôi ông ạ!
- Lại có chuyện lạ gì thế?
- Thì... những chuyện rất lạ như một nữ nhân tên là Ái Sa mới học hết cấp 2, mượn bằng cấp 3 của chị để xin vào cơ quan đơn vị rồi đi học đại học rồi vươn lên đến chức trưởng phòng ở Đắk Lắk, chuyện một nữ nhân khác chỉ mới là nhân viên hợp đồng mà đã được bổ nhiệm đến ba chức trưởng phòng ở cái tỉnh gì trong Nam mà tôi quên béng nó mất...
Ông Tô băn khoăn:
- Tại sao các tổ chức quản lý cán bộ nơi đó họ lỏng lẻo thế nhỉ?
- Họ lỏng lẻo đến nỗi không thèm đi xác minh lý lịch vẫn kết nạp Đảng cho cái cô Ái Sa này đấy ông ạ!
- Chết... chết... thế này thì kẻ gian, bọn xấu nó “chui sâu, leo cao” khó mà tránh khỏi ông ạ!
- Chưa chắc là họ lỏng lẻo đâu ông ạ! Có khi họ được “chén” ngon cái món “âm phần” rồi nên “nâng đỡ không trong sáng” đấy... he... he...
Giữa lúc ông Tô và lão Cốc đang bàn luận thì chợt có tiếng gào khóc kêu la thảm thiết ở phía đầu làng. Lão Cốc đứng bật dậy nói:
- Ông mệt cứ nghỉ đi. Tôi ra ngoài đó xem có chuyện gì xảy ra nhé?
Ông Tô dặn với theo:
- Có chuyện gì ông về đây thông báo cho tôi biết với nhé!
Lão Cốc ậm ừ rồi rảo bước đi ngay. Ông Tô ngả người nằm xuống giường cho đỡ mệt. Lão Cốc đi khá lâu. “Chắc lão ấy đi ra đầu làng rồi về nhà luôn” - Ông Tô nghĩ thầm như vậy. Nhưng rồi lão Cốc đã quay lại. Lão vừa bước vào nhà vừa tủm tỉm cười. Ông Tô hỏi ngay:
- Có chuyện gì thế?
- Chuyện vui lắm ông ạ!
- Chuyện gì mà... vui thế? Tôi nghe thấy tiếng gào khóc thảm thiết cơ mà?
- Thì... cái chuyện... tụt quần ấy mà...
- Chuyện tụt quần là thế nào hả?
Lão Cốc chưa hết buồn cười... Lão ngắc ngứ lục cục trong cổ họng mãi mới kể lại cụ thể câu chuyện vừa xảy ra ở đầu làng:
- Ở khu giãn dân đầu làng trên cắt 3000 mét vuông đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng. Diện tích này chia làm 30 suất nền nhà. Huyện, xã “lém” mất 10 suất, còn 20 suất, chia lại thành ba mươi nền đất đã phân cho ba mươi gia đình tách hộ làm nhà. Bà Thêm có mảnh ruộng bị thu hồi một nửa, nửa còn lại khoảng ba mươi mét vuông vẫn là đất nông nghiệp. Bà Thêm liền làm quán bán hàng luôn trên mảnh ruộng ba mươi mét vuông còn lại. Hôm nay, xã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ hàng quán làm trái phép của bà Thêm. Bà ấy gào khóc ầm ĩ, dọa sẽ... lao đầu xuống sông quyết chết. Xã cứ xua người xông vào dỡ nhà, phá quán. Bà ấy liền... tụt luôn quần ra đứng giữa nhà kêu cứu inh ỏi làm đám công an, dân quân xã tham gia cưỡng chế hoảng hốt bỏ chạy tán loạn... he... he... he...
Ông Tô nhăn mặt:
- Bà ấy làm nhà trên đất nông nghiệp là sai rồi. Nhưng xã cũng phải vận động thuyết phục trước khi tổ chức cưỡng chế chứ. Mà cái bà Thêm này cũng đáo để thật...
Lão Cốc lại bật cười:
- Hề... hề... Bây giờ cũng hay thật, hơi một tý là người ta dọa chết, dọa tụt quần ra đấy ông ạ! Cái bà gì ở trên Hà Giang làm nhà hàng, nhà nghỉ vi phạm khu danh thắng di sản quốc gia Mã Pí Lèng cũng dọa chết nếu bị cưỡng chế đấy ông ạ!
Ông Tô nói:
- Sao cái tỉnh Hà Giang này xảy ra lắm chuyện thế ông nhỉ? Mấy năm trước đây là chuyện hiệu trưởng, cán bộ tỉnh mua dâm học trò cấp 3, năm ngoái là chuyện mua điểm, sửa điểm thi tốt nghiệp THPT, bây giờ thì lại là chuyện xây nhà trái phép trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng nữa...
- Thì... rừng xanh lắm chuyện động trời mà lại... À mà ở Hà Giang hôm qua lại vừa mới xảy ra câu chuyện “Tứ hợi du hành” rất kỳ quái đấy ông ạ!
Ông Tô ngạc nhiên:
- “Tứ hợi du hành” là cái chuyện gì vậy?
- Là chuyện có bốn ông giữa ban ngày cởi trần trùng trục, lông lá xồm xoàm, bòi dái tồng ngồng ngồi xe máy diễu hành dọc đường lên đèo Mã Pí Lèng tuyên bố là “khỏa thân để bảo vệ môi trường” đấy ông ạ!
Ông Tô nhăn mặt:
- Có mà họ phá hoại, làm vấy bẩn môi trường thì đúng hơn...
- Đúng thế! Họ còn chụp ảnh, quay phim, tường thuật trực tiếp cảnh cởi trần trông rất bẩn thỉu tung lên mạng... Dân mạng rất bất bình, căm ghét, nhiều người bảo nhìn họ giống con... hợi hơn là giống người đấy ông ạ...
Thì ra câu chuyện “Tứ hợi du hành” là như vậy. Ông Tô cảm thấy buồn vì xã hội ngày càng lắm chuyện buồn quá. Lão Cốc ngồi chơi nói chuyện với ông Tô một lúc lâu mới về. Giữa lão Cốc và ông Tô không bao giờ hết chuyện...
Hà Nội, ngày 9-10-2019

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

Truyện ngắn vui NÚP VÁY ĐÀN BÀ

NÚP VÁY ĐÀN BÀ
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Không có mô tả ảnh.

Cô con dâu lão Cốc -vợ thằng Bất là công nhân ở khu công nghiệp. Từ khi làng quê bán hết ruộng đất để người ta xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất thì dân làng nhiều người, nhất là những người còn trẻ, có khả năng được tuyển dụng vào làm công nhân. Thằng Bất cũng đã từng vào làm công nhân trong khu công nghiệp nhưng vì thấy thời gian giờ giấc, cường độ làm việc căng thẳng quá đành phải bỏ việc làm lao động tự do. Tính nó quen tự do thoải mái rồi.
Đường từ công ty vợ thằng Bất làm về đến nhà phải đi qua một cánh đồng và khu đồi hoang là nghĩa địa của xã. Nhưng hôm vợ thằng Bất làm ca đêm nó thường phải đi đón. Vợ thằng Bất làm đến 12 giờ đêm mới tan ca. Thằng Bất ăn cơm tối xong, xem xong phim truyện trên VTV1 rồi mới phóng xe máy đi đón vợ. Tối hôm nay cũng thế. Khi thằng Bất phóng xe đi rồi lão Cốc cũng chưa đi ngủ. Lão ngồi uống chè ngâm nga một đoạn thơ chờ các con về để ra mở cổng. "Sao hôm nay chúng nó về muộn quá thế? 12 giờ tan ca đêm thì đi chậm cũng chỉ sau ba mươi phút là đã phải về đến nhà rồi chứ” - Lão Cốc đang lẩm bẩm như vậy thì có tiếng cổng sắt loảng xoảng. Lão Cốc liền bật cái bóng điện sáng ngoài sân rồi chạy ra. Lão hốt hoảng thấy hai vợ chồng thằng Bất quần áo tơi tả lao xe máy vào sân. Con vợ cầm lái còn thằng Bất ngồi phía sau. Khi thằng Bất ngã vật ra giữa sân lão Cốc bàng hoàng thấy mặt mũi nó đầy máu. Lão vội hỏi:
- Có chuyện gì thế?
- Chúng con bị... cướp bố ạ!
- Ối trời... có sao không?
Lão Cốc vội lao ra đóng cổng. Thằng Bất lúc này mới hoàn hồn nói:
- Không sao đâu bố ạ! Con chỉ bị nó đâm sượt vào mặt chảy máu chút thôi...
- Bị... bị... cướp ở đâu... đã báo công an chưa?
- Chúng con chạy được về đến nhà là may lắm rồi làm sao còn báo công an nữa?
Vợ thằng Bất nói. Lão Cốc lại hỏi:
- Thế... bọn cướp chúng chạy rồi à?
- Chúng nó bị con đánh cho phải tháo chạy rồi bố ạ. Mấy thằng choai choai chuyên hút xách, chơi games ngoài thị trấn chặn chúng con ở giữa cánh đồng định cướp xe máy...
Cô con dâu vừa băng bó lại viết thương cho chồng vừa nói. Lão Cốc ngạc nhiên khi nghe con dâu nói như vậy. Lão hỏi:
- Sao lại thế...?
- Thì vừa thấy bọn cướp anh Bất đã hoảng sợ rồi, bị nó đâm cho cũng không biết cách chống đỡ. May con kịp tước con dao của nó đấy...
- Thế hóa ra thằng Bất lại kém cỏi thế à... núp váy vợ cũng không xong?
Thằng Bất càu nhàu:
- Bố ngồi ở nhà thì biết cái gì? Hai thằng ấy nó có dao lại rất hung hăng. Vợ con nó là chiến sĩ tự vệ giỏi của xí nghiệp đấy. Nó được học cả môn võ thuật rồi, bố đừng tưởng...
Lão Cốc ậm è cố nói thêm:
- Nhưng mày thì chỉ được cái hung hăng ở làng, ở nhà thôi... ra ngoài đường đúng chỉ là đồ... đồ chuyên... núp váy vợ...
Thằng Bất vừa nhăn mặt vì đau vừa lủng bủng:
- Bây giờ khối kẻ phải núp váy vợ đấy bố ạ!
- Ai mà lại hèn thế... hay là chỉ có mỗi mày thôi?
- Thế bố đọc báo mấy hôm nay không thấy chuyện cái ông lãnh đạo tên là “Triệu Tử Vi” gì đó ở trên tỉnh vùng cao phía Bắc phải đưa vợ ra thế mạng, nhận khuyết điểm vụ gian lận điểm thi của mình đấy thôi... Đấy chả phải là đang núp váy vợ là gì?
Lão Cốc bảo:
- Mày đúng là chả biết cái mẹ gì cả! Ông ấy tên là “Triệu Tài Tử”, không phải là Triệu Tử Vi... Ông ấy chịu ê mặt núp vào váy vợ để còn giữ cho cả nhà làm quan, để tiến lên cao cao hơn nữa. Còn mày mà núp vào váy vợ thì chỉ có mạt vận cả đời đi xuống thôi! Đi xuống tận bùn đen kịt đấy con ơi...
Thằng Bất im lặng. Lão Cốc không nói thêm nữa. Vợ thằng Bất thì lặng lẽ đi vào trong buồng tụt ngay cái váy bẩn thỉu bùn đất do đánh nhau với hai thằng cướp để đem đi giặt...
Hà Nội, ngày 4-10-2019

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

Truyện ngắn vui CHUYỆN LẠ KHẮP NƠI

CHUYỆN LẠ KHẮP NƠI
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Không có mô tả ảnh.

Ông Tô chăm chú đọc báo. Là người cao tuổi nên ông được trên tặng cho một tờ báo tỉnh hằng ngày. Làng ở xa thành phố nên buổi chiều ông mới được đọc tờ báo ra buổi sáng để đọc. Thằng cháu họ làm việc ở trên tỉnh thỉnh thoảng ôm về cho ông thêm một đống báo nó xin được của các lãnh đạo nên ông thoải mái đọc. Đống báo nó đem về nguyên tập hằng ngày, toàn báo hay mà chưa ai mở ra đọc. Lãnh đạo bây giờ ít đọc báo nhưng vẫn có tiêu chuẩn báo chí, nhận xong xếp ở gầm bàn, ở góc nhà hằng tháng thanh lý cho lao công cơ quan lấy đem bán giấy vụn…
Ông Tô mải đọc báo đến nỗi lão Cốc vào tận sân nhà mà không biết. Lão ta lên tiếng trước:
- Ông chăm chỉ đọc báo thế! Có tình hình gì mới không?
- Toàn thông tin thời sự đáng quan tâm cả…
- Tin tức thì hằng ngày tôi lướt mạng đều nắm được cả… Biển Đông thì Trung Quốc đang quấy rối bãi Tư Chính, chuẩn bị duyệt binh lớn với hình lưỡi bò bành trướng. Còn trong nước thì bao nhiêu tin nóng, hai cựu bộ trưởng bị đề nghị khai trừ, rồi chuyện cướp, giết, hiếp diễn ra khắp nơi…
- Tôi mắt kém nên ngại xem báo trên mạng, chỉ đọc báo in thôi.
- Báo in hơi chậm nhưng cũng có cái hay. Ngày xưa tôi rất thích cái mục “Chuyện lạ đó đây” đấy ông ạ!
Ông Tô bảo:
-Ngày trước ít thông tin nên có khi có những câu chuyện lạ trên báo chúng ta đều rất thích, đều chú ý sưu tầm để kể cho nhau, kể cho học sinh nghe… Bây giờ chuyện lạ xảy ra hằng ngày rồi ông ạ!
- Hì… đúng vậy! Như cái vụ “camera thường vụ” ở cái tỉnh gì gì trong Nam ấy đúng là một chuyện rất lạ đấy ông ạ!
- Họ nói là lắp camera cho ủy viên thường vụ là nằm trong kế hoạch chống… khủng bố ấy mà?
- Chống như thế nào?
- Tôi đoán là hệ thống “camera thường vụ” ấy sẽ được nối với các trung tâm chỉ huy chống khủng bố, với cơ quan công an, các chuyên gia tâm lý tội phạm và các nhà ngoại cảm ông ạ!
Nghe lão Cốc nói, ông Tô ngạc nhiên lắm. Nhưng ông lại nói:
- Chắc chả phải thế đâu! Camera chỉ đề phòng bọn trộm cắp thôi. Nhưng sao lại nối camera với cả các nhà ngoại cảm hả?
- Thế này nhé! Để bảo vệ cán bộ camera sẽ quan sát nhà họ 24/24 giờ trong ngày. Ai đến là biết ngay, mang theo cái gì là thấy ngay. Camera sẽ chụp ảnh và lập tức phân tích sinh trắc học khuôn mặt để các nhà chuyên nghiên cứu tâm lý tội phạm, nhà ngoại cảm phán đoán. Nếu nghi ngờ cảnh sát sẽ ập luôn đến bắt giữ ngay.
- Thế cơ à? Thế còn người bình thường đến thì sao?
- Đây là hệ thống camera đặc biệt. Nếu người thường đến hệ thống cũng sẽ phân tích kỹ. Nếu đến để trao đổi công việc, có chút quà biếu thì báo cho chủ nhà ra tiếp đón. Đến đưa đơn khiếu nại tố cáo thì tự động thông báo chủ nhà đi vắng…. he… he… Camera đặc biệt cơ mà. Theo dự toán lắp có hơn chục cái mà tốn đến cả tỷ VND, đắt gấp chục lần giá camera loại tốt trên thị trường hiện nay đấy?
- Chắc chả phải đâu! Họ chi nhiều tiền thế vì tôi nghe thiên hạ họ bảo có ông có đến mấy nhà nên phải lắp liền mấy chiếc đấy. Nhưng tôi băn khoăn là sắp mãn khóa rồi, lỡ sang năm vị nào không trúng vào ban thường vụ nữa hoặc quá trình công tác bị thi hành kỷ luật không còn chân trong thường vụ nữa thì có bị gỡ bỏ camera không nhỉ?
- Gỡ chứ! Lúc ấy ông ấy đâu còn tiêu chuẩn camera nữa, cứ mắc ở đấy dân họ chưởi cho thối mũi à?
- Nhưng… trong ban thường vụ nếu có người đang còn ở nhà tập thể, nhà trọ thì lắp camera thế nào được. Lắp vào chả hóa cả khu tập thể, cả nhà trọ đều được hưởng “tiêu chuẩn camera thường vụ” à?
Đến lượt lão Cốc trố mắt nhìn ông Tô:
- Ông nói như vậy thì đúng là một chuyện lạ nhất đấy. Họ làm đến “thường vụ” mà còn chịu ở nhà trọ, nhà tập thể à? Mà thôi… không nói về câu chuyện lạ này nữa. Họ đã phải hủy bỏ cái kế hoạch này rồi vì bị dư luận phê phán rất gay gắt mấy ngày qua.
Ông Tô và lão Cốc thôi bàn về câu chuyện “camera thường vụ”. Họ cùng ngồi nhâm nhi chén trà nóng vừa nghe tiếng chim hót líu lo trên cành cây bưởi trong vườn. Chợt ông Tô lại thốt lên:
- Mà sao lại lạ thế ông nhỉ?
- Lại có chuyện gì lạ nữa hả ông?
Ông Tô biết mình lỡ lời nhưng thấy lão Cốc hỏi dồn nên đành ậm ừ nói tiếp:
- Tôi thấy lạ là… là… cái vụ gian lận thi cử năm ngoái các tỉnh Sơn La, Hòa Bình họ xử lý, kỷ luật cán bộ ầm ầm mà mà trên Hà Giang lại im ắng thế nhỉ? Hay là…
Lão Cốc gật gù:
- Đúng đây quả là một chuyện lạ… Nhưng thôi, chúng ta đành chờ xem chắc chắn sẽ còn nhiều chuyện rất lạ nữa sẽ xảy ra đấy ông ạ…
Hà Nội, ngày 1-10-2019

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Truyện ngắn vui MÓN NGON MỖI NGÀY

MÓN NGON MỖI NGÀY
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Không có mô tả ảnh.

Lão Cốc và thằng Bất cùng nhau đi ra phía đầu làng nghe ngóng tình hình. Hôm nay, có đoàn công tác của huyện và xã về tiến hành khảo sát, đo đạc, phân chia khu ruộng đất nông nghiệp ở ngay đầu làng. Khu ruộng chuyên trồng cây nông nghiệp này đã được chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất thổ cư. Hôm nay họ sẽ chia thành các lô nền để phục vụ chủ trương giãn dân. Gia đình lão Cốc cũng thuộc diện đông nhân khẩu hy vọng lần này sẽ được tham gia đấu giá một suất đất nền. Thằng Bất muốn có suất đất nền ở đầu làng để ra ở riêng và làm quán bán hàng hoặc tiệm sửa chữa xe máy đỡ phải đi làm thuê. Nghe nói theo quy hoạch thì con đường tránh thị xã sẽ đi qua phía trước khu đất giãn dân này.
Lão Cốc và thằng Bất ra đến đầu làng thì gặp ông Tô và nhiều người đang đứng túm tụm bàn luận sôi nổi. Thằng Lố đang nói oang oang:
- Có 3000 mét vuông chia làm 30 nền nhà, một suất 100 mét vuông. Năm suất dành cho "công tác đối ngoại", năm xuất là của cán bộ xã, còn hai chục suất trong khi làng ta đến năm chục hộ có nhu cầu thì còn lâu mới đến lượt nhé...
Lão Cốc và thằng Bất vội chen vào đám đông nghe ngóng. Thằng Bất càu nhàu:
- Đất "đối ngoại" là đất gì?
- Thì... họ duyệt cho ta chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư thì họ cũng phải kiếm một vài suất nền nhà chứ?
Ông Tô thắc mắc:
- Đây là đấy dành cho làng ta, họ có là người của làng ta đâu mà đến đây để ở chứ?
Thằng Lố kêu to:
- Ối... cụ giáo ơi! Sao cụ ngây thơ thế! Họ từ thị trấn phố huyện về đây ở làm gì. Họ luân chuyển nhượng lại cho người khác kiếm chênh lệch giá, biến thành tiền, thành vàng rồi đút túi đấy. Đất bây giờ chính là vàng ròng đấy cụ giáo ạ!
Ông Tô ớ người lẩm bẩm: "Thì ra thế!".
Lão Cốc thì bực bội nói:
- Có một tý đất ở nơi khỉ ho cò gáy này mà cũng xâu xé, vụ lợi. Thế này thì kế hoạch giãn dân của làng ta còn triển khai làm sao được chứ?
Thằng Nhỡ có vẻ am hiểu:
- Vẫn giãn được ông ạ! Cháu nghe nói xã và huyện có "sáng kiến" là hai mươi suất đất còn lại sẽ chia nhỏ thành ba mươi xuất, mỗi suất chỉ hơn sáu chục mét vuông thôi. Như vậy là kế hoạch cấp đất, giãn dân cho ba mươi hộ mới của làng ta vẫn đảm bảo... he... he...
Đám đông bàn tán sôi nổi. Đến gần trưa, khi những cán bộ huyện, xã, cán bộ địa chính về đo đạc kéo nhau lên xe đi ăn thì đám đông dân làng cũng mới giải tán.
Lão Cốc và thằng Bất về đến nhà bụng đói meo. Vừa vào đến cổng hai người đã nghe thấy tiếng vợ thằng Bất đang quát mắng con lớn ầm ĩ:
- Mày học hành ngu dốt thế này thì chỉ có bốc đất, bốc cát mà ăn thôi con ạ!
Thằng Bất vội hỏi:
- Có chuyện gì thế?
- Đây anh xem bài toán làm sai bét, học hành ngu dốt, kém cỏi quá thế này thì lớn lên chỉ ăn đất thôi...
Thằng Bất cầm cuốn vở toán của con lên xem rồi cáu kỉnh:
- Láo... cô dám bảo tôi ăn... đất à?
- Tôi bảo anh ăn đất bao giờ... là tôi mắng thằng con đấy chứ!
- Nhưng... bài toán này là tôi... làm cho nó đấy hiểu không?
Vợ thằng Bất vội im bặt. Thằng Bất càng cáu:
- Mà tôi nói cho cô biết tôi... tôi... đang mong được "ăn đất" đây. Ăn đất bây giờ là ngon lành nhất đấy hiểu không?
Lão Cốc cũng gật gù:
- Đúng "ăn đất" là ngon lành nhất...
Vợ thằng Bất trố mắt ngạc nhiên và sợ hãi không hiểu tại sao bố chồng và chồng lại nói như vậy. Thằng Bất nói tiếp:
- Cô thấy không! Bây giờ thiên hạ khắp nơi họ "ăn đất" rào rào như tằm ăn dỗi, là món ngon mỗi ngày đấy. Họ chén hết bán đảo Thủ Thiêm một cách ngon lành, họ ăn cả sân Chi Lăng ở Đà Nẵng cùng bao nhiêu đất váng công sở đến bội thực, họ còn gặm cả đất sân bay, bến cảng, đất quốc phòng nữa... Rồi họ lập ra cái công ty gì đó mà là thiên hạ họ gọi là "Alibaba và 40 tên cướp" đem miếng mồi bằng đất ra mà lừa được hàng ngàn người, kiếm được hàng ngàn tỷ đồng đấy...
Vợ thằng Bất lúc này mới hoàn hồn nói vớt vát một câu để bố và chồng đỡ bực vì chuyện mắng mỏ con lúc nãy:
- Nhưng... khối ông to, cả các cấp tướng tá mải ăn to mà bị "hóc đất" đấy bố ạ...
Lão Cốc gật gù:
- Đúng vậy... Thôi bưng cơm ra đi, suốt buổi sáng đi xem đất mãi tao đói lắm rồi...
Hà Nội, ngày 30-9-2019