Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Truyện ngắn vui MÓN NGON MỖI NGÀY

MÓN NGON MỖI NGÀY
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo 

Không có mô tả ảnh.

Lão Cốc và thằng Bất cùng nhau đi ra phía đầu làng nghe ngóng tình hình. Hôm nay, có đoàn công tác của huyện và xã về tiến hành khảo sát, đo đạc, phân chia khu ruộng đất nông nghiệp ở ngay đầu làng. Khu ruộng chuyên trồng cây nông nghiệp này đã được chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất thổ cư. Hôm nay họ sẽ chia thành các lô nền để phục vụ chủ trương giãn dân. Gia đình lão Cốc cũng thuộc diện đông nhân khẩu hy vọng lần này sẽ được tham gia đấu giá một suất đất nền. Thằng Bất muốn có suất đất nền ở đầu làng để ra ở riêng và làm quán bán hàng hoặc tiệm sửa chữa xe máy đỡ phải đi làm thuê. Nghe nói theo quy hoạch thì con đường tránh thị xã sẽ đi qua phía trước khu đất giãn dân này.
Lão Cốc và thằng Bất ra đến đầu làng thì gặp ông Tô và nhiều người đang đứng túm tụm bàn luận sôi nổi. Thằng Lố đang nói oang oang:
- Có 3000 mét vuông chia làm 30 nền nhà, một suất 100 mét vuông. Năm suất dành cho "công tác đối ngoại", năm xuất là của cán bộ xã, còn hai chục suất trong khi làng ta đến năm chục hộ có nhu cầu thì còn lâu mới đến lượt nhé...
Lão Cốc và thằng Bất vội chen vào đám đông nghe ngóng. Thằng Bất càu nhàu:
- Đất "đối ngoại" là đất gì?
- Thì... họ duyệt cho ta chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư thì họ cũng phải kiếm một vài suất nền nhà chứ?
Ông Tô thắc mắc:
- Đây là đấy dành cho làng ta, họ có là người của làng ta đâu mà đến đây để ở chứ?
Thằng Lố kêu to:
- Ối... cụ giáo ơi! Sao cụ ngây thơ thế! Họ từ thị trấn phố huyện về đây ở làm gì. Họ luân chuyển nhượng lại cho người khác kiếm chênh lệch giá, biến thành tiền, thành vàng rồi đút túi đấy. Đất bây giờ chính là vàng ròng đấy cụ giáo ạ!
Ông Tô ớ người lẩm bẩm: "Thì ra thế!".
Lão Cốc thì bực bội nói:
- Có một tý đất ở nơi khỉ ho cò gáy này mà cũng xâu xé, vụ lợi. Thế này thì kế hoạch giãn dân của làng ta còn triển khai làm sao được chứ?
Thằng Nhỡ có vẻ am hiểu:
- Vẫn giãn được ông ạ! Cháu nghe nói xã và huyện có "sáng kiến" là hai mươi suất đất còn lại sẽ chia nhỏ thành ba mươi xuất, mỗi suất chỉ hơn sáu chục mét vuông thôi. Như vậy là kế hoạch cấp đất, giãn dân cho ba mươi hộ mới của làng ta vẫn đảm bảo... he... he...
Đám đông bàn tán sôi nổi. Đến gần trưa, khi những cán bộ huyện, xã, cán bộ địa chính về đo đạc kéo nhau lên xe đi ăn thì đám đông dân làng cũng mới giải tán.
Lão Cốc và thằng Bất về đến nhà bụng đói meo. Vừa vào đến cổng hai người đã nghe thấy tiếng vợ thằng Bất đang quát mắng con lớn ầm ĩ:
- Mày học hành ngu dốt thế này thì chỉ có bốc đất, bốc cát mà ăn thôi con ạ!
Thằng Bất vội hỏi:
- Có chuyện gì thế?
- Đây anh xem bài toán làm sai bét, học hành ngu dốt, kém cỏi quá thế này thì lớn lên chỉ ăn đất thôi...
Thằng Bất cầm cuốn vở toán của con lên xem rồi cáu kỉnh:
- Láo... cô dám bảo tôi ăn... đất à?
- Tôi bảo anh ăn đất bao giờ... là tôi mắng thằng con đấy chứ!
- Nhưng... bài toán này là tôi... làm cho nó đấy hiểu không?
Vợ thằng Bất vội im bặt. Thằng Bất càng cáu:
- Mà tôi nói cho cô biết tôi... tôi... đang mong được "ăn đất" đây. Ăn đất bây giờ là ngon lành nhất đấy hiểu không?
Lão Cốc cũng gật gù:
- Đúng "ăn đất" là ngon lành nhất...
Vợ thằng Bất trố mắt ngạc nhiên và sợ hãi không hiểu tại sao bố chồng và chồng lại nói như vậy. Thằng Bất nói tiếp:
- Cô thấy không! Bây giờ thiên hạ khắp nơi họ "ăn đất" rào rào như tằm ăn dỗi, là món ngon mỗi ngày đấy. Họ chén hết bán đảo Thủ Thiêm một cách ngon lành, họ ăn cả sân Chi Lăng ở Đà Nẵng cùng bao nhiêu đất váng công sở đến bội thực, họ còn gặm cả đất sân bay, bến cảng, đất quốc phòng nữa... Rồi họ lập ra cái công ty gì đó mà là thiên hạ họ gọi là "Alibaba và 40 tên cướp" đem miếng mồi bằng đất ra mà lừa được hàng ngàn người, kiếm được hàng ngàn tỷ đồng đấy...
Vợ thằng Bất lúc này mới hoàn hồn nói vớt vát một câu để bố và chồng đỡ bực vì chuyện mắng mỏ con lúc nãy:
- Nhưng... khối ông to, cả các cấp tướng tá mải ăn to mà bị "hóc đất" đấy bố ạ...
Lão Cốc gật gù:
- Đúng vậy... Thôi bưng cơm ra đi, suốt buổi sáng đi xem đất mãi tao đói lắm rồi...
Hà Nội, ngày 30-9-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét