Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

Truyện ngắn vui HUYỆN THẬT LẮM CHUYỆN


HUYỆN THẬT LẮM CHUYỆN
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo


Ông Tô và lão Cốc mãi vẫn chưa thống nhất được với nhau là có nên ra quán mụ Béo uống rượu hay không. Phần vì lo dịch covid-19, phần vì ngại phải ký nợ. Giữa lúc đó thì ngoài cổng có tiếng người gọi rất to:
- Ông Tô ơi! Mời ông ra ngoài đình làng gấp ngay nhé!
Ông Tô ngạc nhiên hỏi lại:
- Có việc gì mà phải ra đình gấp gáp thế?
Thằng Lố chạy vào sân. Nhìn thấy lão Cốc cũng đang ở nhà ông Tô nó hổn hển nói:
- Ông Cốc cũng ở đây ạ? Mời hai ông ra ngoài đình làng ngay. Chúng cháu đã bắt được con mối chúa chuyên chỉ huy bọn mối đục khoét phá hoại đình làng ta rồi. Nó to bằng ngón tay ấy hai ông ạ! Mời các ông ra xem rồi để chúng cháu “xử tội” nó luôn nhé!
- Thế hả! Tốt quá rồi. Chúng ta cùng ra đình làng đi!
Ông Tô, lão Cốc và thằng Lố vội vàng kéo nhau ra đình làng. Giữa sân đình có mấy người đang xúm xít quanh một cái xô tôn chỉ chỏ, bàn tán. Thấy ông Tô và lão Cốc đi vào mọi người liền giãn ra để hai ông xem con mối chúa. Ông Tô nhìn vào cái xô tôn. Có ba con mối khá to đang bò lổm ngổm. Con nào cũng to gần bằng đầu đũa và béo tròn chùng trục. Ông Tô ngạc nhiên hỏi:
- Những ba con to thế này thì con nào mới là con mối chúa?
Thằng Lố chỉ vào một con mối rồi nói:
- Con này chắc chắn là chúa mối. Trông nó có vẻ nhỉnh hơn và nghênh ngang hơn hai con kia...
- Thế hai con còn lại?
- Hai con kia đều là cấp phó của tên mối chúa nên cũng mới to béo như thế chứ!
Mọi người tranh nhau nói. Lão Cốc lắc đầu hỏi mấy thằng thanh niên:
- Thế chúng mày đào được bọn nó ở chỗ nào?
Thằng Lố đáp:
- Hai con có vẻ trắng hơn này là tìm được trong một ổ mối phía nam đình làng. Con có vẻ to hơn và nghênh ngang này là đào được ở gần bể nước mưa phía bắc đình làng.
Nghe thằng Lố nói như vậy lão Cốc lắc đầu bảo:
- Nếu thế thì trong ba con này chưa có con nào là mối chúa đâu. Con mối chúa vẫn đang nằm dưới cái bệ thờ thành hoàng cơ mà. Nó lúc ẩn, lúc hiện song tung tích đã lộ rõ rồi nhưng chưa bắt được vì các cụ bô lão trong làng chưa cho đào tìm ở chỗ bệ thờ.
- Thế còn ba con này có đúng đều là "cấp phó" của chúa mối không hả cụ?
Một thằng thanh niên hỏi lão Cốc. Lão Cốc ậm è mãi rồi mới giải thích:
- Mấy con này tuy không phải là mối chúa nhưng đều là những con lãnh chúa cai quản một vùng, vì thế cho nên chúng mới to béo như thế chứ. Chúng nó chui rúc gặm nhấm trong đất, ăn chặn nhiều của lũ mối con nên to béo, trắng trẻo hơn những con khác...
- Thế còn con hơi đen và có vẻ nghênh ngang kia?
- Con này cũng chưa phải là mối chúa, nhưng chắc nó chuyên trách việc chỉ huy chiến đấu phòng vệ của đàn mối nên trông nó có vẻ hung hăng dữ tợn hơn những con khác... he... he... he...
Mọi người cùng phá lên cười với cách giải thích ngộ nghĩnh của lão Cốc. Riêng thằng Lố lầu bầu chửi thề và nói:
- Mẹ kiếp! Tổ cha bọn mối mọt bất lương. Dù chúng mày lãnh chúa hay là chỉ huy chiến đấu mà đục khoét, phá hoại đình làng thì cũng cứ phải tiêu diệt hết, đốt cháy hết...
Nói đoạn, nó bật lửa châm một nắm rơm khô cháy rần rật ném luôn vào cái xô đựng mấy con mối to. Ba con mối cháy đen nổ lép bép.
Ông Tô không tin những chuyện lão Cốc vừa nói về lũ mối mọt lắm. Ông lững thững đi ra phía cổng. Lão Cốc cũng đi theo. Ông Tô cười bảo:
- Ông cũng nghĩ ra lắm chuyện hay nhỉ?
Lão Cốc tặc lưỡi:
- Chuyện thường ngày ở huyện ấy mà...
Nghe lão Cốc nói vậy ông Tô liền thông tin ngay:
- Chuyện ở huyện Yên Định, Thanh Hóa mà cán bộ ăn uống ngoài hàng quán ào ào, ký ghi sổ nợ lên đến những 52 tỷ đồng tôi vừa đọc báo thấy có tin viết là ủy ban kiểm tra trung ương đã vào cuộc yêu cầu báo cáo rồi đấy ông ạ!
- Ôi giời... ở huyện thì còn bao nhiêu là chuyện nữa, kiểm tra xử lý đến bao giờ cho hết hả ông?
Ông Tô hỏi:
- Còn những chuyện gì nữa thế?
- Thì... ông thấy báo chí đã đăng rồi à! Chuyện ông phó bí thư huyện Ia Súp, Đắk Lắk đi hát karaoke rồi sờ ti nữ tiếp viên, chuyện bí thư huyện Long Phú, Sóc Trăng ít hơn em ruột những hai tuổi, chuyện chủ tịch huyện Đức Cơ, Gia Lai chiếm đoạt 524 triệu đồng xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, chuyện phó chủ tịch huyện Đắc Hà, Kon Tum xẻ thịt công viên cho tư nhân thuê và vừa mới đây là chuyện trưởng phòng giáo dục huyện Sìn Hồ, Lai Châu cùng một số cán bộ chiếm đoạt 26 tỷ đồng tiền hỗ trợ chính sách cho học sinh nghèo miền núi...
Ông Tô có vẻ lo lắng:
- Ở huyện bây giờ sao mà lắm chuyện buồn quá ông nhỉ?
Lão Cốc cũng băn khoăn:
- Đúng thế ông ạ! Ở huyện thì không bao giờ hết chuyện. Mà chuyện nào cũng đáng lo. Cũng như chuyện ở làng ta biết đến bao giờ mới diệt hết được bọn mối mọt ấy mà?
Hà Nội, ngày 19-3-2020

Truyện ngắn vui CHUYỆN THỜI CÔ-VÍT


CHUYỆN THỜI CÔ-VÍT
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo


Đúng hẹn, lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm đạp xe từ đầu làng vào nhà ông Tô. Lão vừa thong thả đạp xe vừa ngắm cảnh xóm làng mùa dịch. Nhà nào nhà nấy đều cổng đóng then cài, không cho lũ trẻ con chạy ra nô đùa ngoài đường làng. Công tác phòng dịch là phải rất nghiêm túc mới dập được cái con cô-vít mất nết này.
Ông Tô mở cổng đón lão Cốc. Hai người vừa đeo băng khẩu vừa nói chuyện. Khi nào uống trà mới bỏ khẩu trang ra. Lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ bảo:
- Bài thơ tôi viết về phòng chống dịch cô-vít đưa cho trưởng thôn xem, hắn bảo không "phổ biến" rộng rãi được nên không cho đọc trên loa truyền thanh của làng ta nên hôm nay tôi đọc cho ông nghe nhé!
- Thơ chống dịch cô-vít tốt quá tại sao lại "không phổ biến rộng rãi" được nhỉ? Ông đọc tôi nghe thử xem nào?
Lão Cốc rút trong túi ra một tờ giấy nhàu nhàu, gấp làm tư. Lão mở ra rồi vừa đọc, vừa ngâm nga:
TÂM SỰ MÙA CÔ-VIT
Chết mẹ tao rồi cô-vít ơi
Tao qua Anh quốc mấy ngày thôi
Mà mày lại nỡ làm tao nhiễm
Tao về gặp toàn chuyện dở hơi,
Biệt thự liền kề là cái tép?
Tấm vé sân gôn mấy tỷ còi!
Ăn ở Đai-u là chuyện vặt
Nếu thích tao lên được cả... trời.
Ông Tô nghe lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ đọc xong cũng lắc đầu:
- Bài thơ của ông đúng là không thể "phổ biến rộng rãi" được thật. Trưởng thôn không cho đọc trên loa truyền thanh là đúng!
Lão Cốc trầm ngâm rồi nói:
- Đúng là thời ôn dịch này nó làm cho xã hội ta bật ra nhiều chuyện thật... Mà toàn những chuyện chớ trêu ông ạ. Thôi thì cái chuyện đoàn công tác xong việc rồi kéo nhau đi chơi vòng vèo, tốn tiền công tác phí lại còn mang dịch bệnh về đáng phê phán đã đành. Chuyện anh "ăn theo" đàn bà không chịu đi cách ly, chuyện ông giám đốc ở Quảng Trị cử nhân viên đi "cách ly thay". Chán nhất là mấy con buôn, mấy đứa vàng đeo đầy cổ chạy dịch bán sống bán chết từ nước ngoài về lại còn vênh váo khoe nhiều tiền đòi được cách ly trong khách sạn 4, 5 sao nữa chứ?
Ông Tô cũng bức xúc:
- Họ khoe thế thôi nhưng họ vẫn nhận xuất ăn 57 ngàn đồng miễn phí của các chiến sĩ quân đội đem cho hằng ngày đấy! Có thấy họ đóng góp được gì cho đất nước này đâu mà vênh mặt lên như bánh đa nướng quá lửa thế nhỉ?
- Đấy... cái con gì còn nói rất bậy "Không có lũ nước ngoài như tụi tao thì tụi bay hốt cứt mà ăn"...
Giữa lúc ấy thì thằng Bất đi vào tìm bố. Nó liền lên tiếng:
- Các cụ ơi! Không phải nó nói chúng ta bốc phân ăn đâu. Vì nó đi nước ngoài làm ra nhiều tiền, vàng đeo đầy cổ như xích chó nhưng có thấy nó đóng góp được một xu, một cắc nào cho Tổ quốc ta đâu? Nó nói như vậy chắc chắn là nó đang nói với anh em người nhà của nó thôi. Người nhà nó mà không có nó thì có mà bốc cứt...
Lão Cốc bảo:
- Sao nó lại láo lếu quá như thế nhỉ? Nó có phải là một con người không?
Ông Tô nói:
- Nó vẫn nghĩ nó là người đấy ông ạ!
- Là người nhưng không có nhân cách thì làm người làm gì? Đúng là không bằng bà nông dân chân đất ở Bắc Giang chẳng giàu đến nỗi đeo vàng đầy cổ nhưng cũng có 50 tấn gạo ủng hộ chống dịch... Ấy là tôi chưa nói đến chuyện nhiều người như các doanh nhân, ca sĩ, diễn viên, người mẫu, hoa hậu ủng hộ hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng góp phần chống dịch nữa...
Ông Tô lại bảo:
- Ở đời là thế! Loại người vô ơn, chẳng cho người khác cái gì bao giờ cũng to mồm nói bậy...
Thằng Bất vừa đưa cho lão Cốc chùm chìa khóa nhà vừa bảo:
- Nói láo mà gặp con, con vả vào mồm cho chả còn cái răng nào trong miệng mà gặm bánh mỳ, húp bơ sữa ngoại quốc nữa...
Thằng Bất đi rồi lão Cốc bảo ông Tô:
- Tôi với ông ra quán mụ Béo gọi đĩa lòng lợn nhắm rượu đi?
Ông Tô lắc đầu:
- Đã có chỉ thị không tụ tập ăn uống đông người để phòng dịch cơ mà?
- Quán mụ ấy từ khi có quy định có "nồng độ cồn" không được điều khiển xe máy đã vắng hoe rồi, mùa dịch thế này lại càng vắng có ai đâu mà đông người chứ?
- Nhưng lấy tiền đâu mà ăn nhậu mãi thế! Ông mới có nhuận bút thơ à?
- Làm gì có nhuận bút! Mụ Béo vẫn cho ký nợ cơ mà...
Ông Tô vội xua tay:
- Có tiền hẵng ăn uống. Đừng ký nợ mà như các lãnh đạo huyện gì đó ở trong Thanh Hóa nợ các quán ăn lên đến những 52 tỷ đồng đấy!
Lão Cốc phì cười:
- Ông ơi! Hai chúng ta uống vài chén rượu, làm một đĩa lòng lợn giỏi lắm là hết vài chục ngàn chứ mấy?
- Tích tiểu thành đại ông ơi! Cán bộ cấp huyện mà các ông bà ấy cứ ăn dần ăn mòn ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, ngày nào cũng ăn, cái gì cũng ăn, như tằm ăn dỗi, tích tụ lại lên đến những 52 tỷ thì quả là khủng khiếp thật...
Lão Cốc gật gù:
- Các cụ ngày xưa vẫn bảo "miệng ăn- núi lở" quả là không sai... Nhưng đúng là bây giờ tôi cũng mới được chứng kiến chuyện "núi lở" ở Thanh Hóa như thế này đấy ông ạ!
Hà Nội, ngày 18-3-2020


Bình luận


Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

Truyện ngắn vui BÌNH TĨNH ÔNG GIÁO ƠI

BÌNH TĨNH ÔNG GIÁO ƠI
Truyện ngắn vui của Trọng Bảo
Không có mô tả ảnh.
Do dịch cúm corona nên làng năm nay tạm dừng lễ hội. Ông Tô và lão Cốc được mời cùng các bô lão trong làng ra đình thắp hương bái tạ thành hoàng. Câu lạc bộ thơ ca của làng cũng tạm dừng sinh hoạt. Cụ nào sáng tác được bài thơ nào thì ra nhà văn hóa đọc lên loa truyền thanh để cả làng cùng thưởng thức. Thế lại hóa hay. Cả làng phút chốc đều biến thành các nhà thơ và các nhà phê bình thơ?
Ông Tô và lão Cốc lâu không gặp nhau vì cũng sợ tụ tập đồng người vi phạm quy định của làng thời ôn dịch và cũng còn phải quản lý đàn cháu nghỉ học ở nhà. Hôm nay gặp nhau ở đình làng, ông Tô hỏi:
- Tình hình dịch bệnh thế này sao không thấy ông sáng tác bài thơ nào đọc trên đài truyền thanh của làng ta thế?
- Sáng tác làm sao được hả ông? Bốn thằng cháu nó đùa ầm ầm, phá phách, lục tung cả nhà lên, suốt ngày phải quát tháo chúng nó thì còn thi hứng nào nữa mà sáng với chả tác. Con gái út lấy chồng trên thành phố hôm qua gọi điện về trên ấy cũng đã “mắc dịch” rồi, khả năng đưa hai thằng cháu ngoại về quê “lánh nạn”. Thế là sáu đứa cả thảy đấy ông ạ!
- Tôi xem ti vi thấy Hà Nội hôm qua đổ xô đi mua gạo, thực phẩm, mì tôm, giấy vệ sinh dự trữ. Có ông mua liền một lúc cả chục thùng mì tôm đấy!
Lão Cốc bảo:
- Cái tâm lý sợ hết lương thực khi dịch bệnh xảy ra nên mới như thế đấy!
Ông Tô băn khoăn:
- Ngày xưa chiến tranh cũng không đến nỗi thế ông ạ!
Lão Cốc gật đầu:
- Đúng là thời chiến tranh máy bay bom đạn đầy trời cũng không đến nỗi hoang mang tích lũy lương thảo như thế này ông ạ?
Ông Tô bật cười:
- Ngày ấy thì làm gì có siêu thị đầy hàng hóa, lương thực thực phẩm dồi dào đầy chợ như bây giờ mà đi mua tích trữ chứ?
Lão Cốc cũng ngạc nhiên:
- Chiến tranh bom đạn, thiếu đói, lương thục thực phẩm không có nhiều nên không thể tích trữ còn bây giờ lương thực, hàng hóa đầy ứ, siêu thị, chợ búa khắp nơi thế này thì còn lo tích trữ làm gì chứ?
Ông Tô gật đầu bảo:
- Cái tâm lý mất bình tĩnh khi có tình huống xảy ra nên mới hoảng lên như thế đấy ông ạ!
Lão Cốc nói thêm:
- Vì thế phải bình tĩnh ông giáo ạ! Bình tĩnh và sáng suốt, đừng bị tâm lý đám đông chi phối. Đừng chủ quan nhưng cũng đừng nên quá cực đoan, máy móc. Chuyện chủ quan đi nước ngoài chơi bời qua vùng dịch rồi đem virrus bệnh tật về Việt Nam là rất đáng chê trách. Thế mà còn đi hội họp, ăn nhậu đánh gôn làm lây nhiễm, cách ly khắp nơi nữa chứ. Nhưng chuyện vội vàng hoảng hốt tranh nhau mua khẩu trang, mua lương thực, thực phẩm chỉ làm rối loạn thị trường gây thêm khó khăn cho điều hành của chính phủ. Rồi chuyện xử lý anh giáo bán 20 cái khẩu trang, lãi được hơn 8000 đồng lại càng không nên...
Ông Tô nói tiếp:
- Rồi chuyện tỉnh gì đó ở miền Trung cho học sinh nghỉ học luôn 1000 năm nữa, đến tận năm 3020, có lẽ cũng là do virus Covid-19 nó làm cho hoảng lên mất bình tĩnh à?
Lão Cốc cười to:
- Đấy lại là một loại virus khác nó đã nhiễm vào cán bộ ta từ rất lâu rồi. Đó là con “virus quan liêu” đấy ông ạ! Nhưng con virus này nó khôn lắm, khi bị người ta truy trách nhiệm thì nó đổ luôn là lỗi tại con “virus đánh máy” đấy... he... he...
Ông Tô gật gật đầu vẻ đồng tình. Lão Cốc-nhà thơ Cốc Vũ vừa đeo cái khẩu trang vừa nói với ông Tô:
- Nói chuyện với ông khiến tôi vừa nghĩ ra một “tứ thơ” mới. Tôi phải về để sáng tác ngay đây. Lúc nào làm xong bài thơ mới này tôi sẽ sang chơi đọc cho ông nghe nhé?
Nói xong, lão Cốc quảy quả đi ngay. Ông Tô nhìn theo Lão Cốc-nhà thơ Cốc Vũ tự dưng thấy trong lòng có phần tĩnh tâm hơn. Mọi thông tin, sự xáo động ngoài thiên hạ khi về đến làng bỗng trở nên lắng xuống, bình tĩnh hơn.
Hà Nội, ngày 9-3-2020

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020

Truyện ngắn TẤM VẢI LIỆM

TẤM VẢI LIỆM
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: 3 người

1- Tôi và Nam cùng nhập ngũ, lại là người cùng làng. Nam kém tôi một tuổi. Nếu xét về họ hàng xa bắn "ba tầm súng đại bác" thì Nam còn phải gọi tôi là anh họ. Nhưng vì cùng lớn lên chung ngõ, học với nhau từ lớp một cho đến hết cấp ba nên chúng tôi cứ mày tao quen rồi. Khi cùng học phổ thông, Nam học môn toán rất giỏi. Nhiều lần nếu không có nó cho nhìn bài thì chỉ còn nước nộp giấy trắng.
Tôi chỉ bực tính tình Nam nhút nhát, hay sợ ma. Ngày xưa ở làng quê không có điện. Đêm đến quanh năm ánh đèn dầu lù mù. Buổi tối ngồi học chúng tôi cũng chỉ có ánh sáng của những cái đèn dầu nhỏ như hạt đỗ. Tối nào học nhóm nếu tôi đi qua cổng không gọi thì Nam không dám đi vì con đường sang xóm bên với các bạn cùng nhóm phải đi qua một bãi tha ma chi chít mả cũ, mả mới có những con đom đóm to bằng hạt ngô bay chập chờn xanh lét.
Vào bộ đội tôi và thằng Nam vẫn ở cùng tiểu đội. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, nhờ năng nổ, xông xáo, xung phong nhận các nhiệm vụ nên tôi được bổ nhiệm giữ chức vụ tiểu đội phó. Còn thằng Nam đã là quân nhân rồi mà mãi cũng không bớt được cái tính nhút nhát. Những ca gác đêm một mình một vị trí, hay đi chuyển công văn khẩn qua cánh rừng hoang vắng là nó rất ngại. Nhiều lần tôi phải đổi phiên gác cho nó, tránh bớt những thời điểm đêm khuya thanh vắng hay các vị trí đứng gác gần bãi tha ma hoặc chỗ ngôi miếu cổ cạnh doanh trại.
Thằng Nam vẫn có ước mơ làm sinh viên đại học. Đi bộ đội nó còn đem theo đến nửa ba lô sách giáo khoa lớp 10 để ôn tập. Nó bảo tôi: "Khi nào ra quân nhất định sẽ thi vào đại học. Em sẽ học ngành nông nghiệp để tìm ra một giống lúa mới có năng xuất thật cao phù hợp với vùng đất phèn chua, lầy thụt quê mình". Tôi bảo: "Mày chỉ viển vông, chiến tranh đến nơi rồi còn học hành gì nữa! Vứt mẹ mấy cuốn sách đi mà đeo thêm vài cân gạo...". Thằng Nam im lặng không tranh cãi với tôi nữa.
Tình hình biên giới căng thẳng, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mọi sự chuẩn bị cho cuộc chiến đều rất khẩn trương. Để phòng tình huống xấu xảy ra trong chiến đấu, mỗi người chúng tôi đều có một mã số riêng thêu trên nắp túi áo bên trái và in vào mảnh giấy nhỏ bằng ba đầu ngón tay ép plastic để trong túi quần, túi áo. Một hôm nhận quân trang chiến đấu gồm các loại tăng, võng, bi đông về, tiểu đội trưởng Quân tập trung cả tiểu đội lại cấp phát cho mọi người. Còn một cuộn vải cuối cùng anh bảo:
- Đây là hai tấm vải dùng để khâm liệm liệt sĩ! Tiểu đội giao cho đồng chí Nam và đồng chí Tuấn mỗi người giữ một cái.
Nghe vậy cả tiểu đội đều lặng đi. Thằng Nam mặt cắt không còn giọt máu. Tôi cũng hơi thảng thốt nhưng định thần được ngay. Chiến tranh là như vậy. Khi nó chưa nổ ra thì công tác chuẩn bị phải thật chu đáo, tỷ mỷ đến mức tối đa để người chiến sĩ khi vào trận có thể chiến đấu tốt nhất.
Nghe tiểu đội trưởng giao nhiệm vụ, thằng Nam chối đây đẩy:
- Em không... không giữ cái đấy đâu...
Nhìn mặt nó tái dại, đôi mắt hoảng hốt và như sắp phát khóc tôi thấy thương nó quá. Anh em khác trong tiểu đội cũng ngại phải giữ tấm vải liệm nên tìm cách lảng đi. Tôi bảo:
- Thôi được! Không ai muốn giữ tấm vải này thì để tôi giữ cả cho?
Tôi nhận vì tôi là tiểu đội phó phải có trách nhiệm về công tác hậu cần của cả tiểu đội. Tôi trải hai tấm vải liệm ra để gấp lại cho gọn. Đó là những tấm vải mỏng gần giống cái vỏ chăn đơn nhưng người ta chỉ may kín hai cạnh, để hở hai cạnh. Tấm vải có đính sẵn ba giải dây vải ở giữa và hai đầu. Khi dùng khâm liệm liệt sĩ chỉ cần gấp lại và dùng ba giải dây đó để bó buộc.
Tôi nhét hai tấm vải liệm vào ba lô đeo về nhà ở.
Tôi mang cái ba lô về nhà ở, thằng Nam vội ôm chăn chiếu chuyển ra một góc nhà sàn nằm. Lâu nay nó vẫn nằm cạnh tôi. Cũng từ ấy không bao giờ nó lục ba lô của tôi tìm lương khô hay lấy kem đánh răng nữa.
2- Chiến tranh nổ ra. Những trận đánh vô cùng ác liệt. Quân địch bị tiêu diệt nhiều sinh lực nhưng đơn vị chúng tôi cũng bị nhiều tổn thất. Sau một tuần bị bao vây trong thị trấn Sóc Giàng, tiểu đoàn chúng tôi gần cạn hết đạn dược, lương thực, quân số bị tiêu hao. Đến ngày thứ tám, chúng tôi được lệnh chuẩn bị rút lui lên núi. Tiểu đội trưởng Quân căn dặn từng người:
- Nhớ là cố gắng đem hết súng đạn, lương thực. Cái gì không cần thiết thì bỏ lại vì khi vượt vòng vây chúng ta sẽ phải vượt qua suối và leo lên một vách núi dựng đứng rất khó đi và nguy hiểm.
Chúng tôi khẩn trương chuẩn bị. Quần áo ngoài bộ đang mặc trên người thì thêm một bộ để thay đổi, chỉ đem theo tăng võng, chăn màn vứt bớt, hai cái khăn mặt, hai đôi tất vừa mới phát cũng vứt một, giữ một cho đỡ nặng. Giấy tờ, nhật ký, sổ sách ghi chép chúng tôi đốt hết để đề phòng khi phá vây bị bắt lọt vào tay bọn địch. Trong túi quần, túi áo, trong ba lô chỉ còn có những mảnh giấy ghi mã số riêng của từng người.
Trong đêm tối, sau những đợt pháo địch bắn cầm canh, từng tốp nhỏ, chúng tôi tụt khỏi hang đá trên sườn ngọn núi giữa thị trấn băng qua cánh đồng lên dãy núi trùng điệp nơi mà bọn địch chưa chiếm được. Tôi được giao giao nhiệm vụ chỉ huy bộ phận đi cuối cùng khoá đuôi đơn vị, sẵn sàng lập thành một chốt đánh chặn địch truy kích cho đơn vị rút lui an toàn. Tôi bảo anh em trong bộ phận:
- Nhớ bám sát nhau! Lúc qua bản Nà Liền phải hết sức nhẹ nhàng tránh gây tiếng động chó sủa, bọn địch phát hiện.
Tôi kéo tay thằng Nam khẽ dặn:
- Đi sát ngay sau tao nhé!
- Vâng! A... n...h... cứ... yên... tâm.
- Sao mày có vẻ run lập cập thế?
- Em thấy hơi sợ...
- Không việc gì đâu, đừng lo.
Tôi động viên thằng Nam. Suốt tuần vừa rồi nó là chiến sỹ thông tin 2W chưa trực tiếp đánh trận nào.
Đúng như chỉ huy tiểu đoàn đã tính toán. Đơn vị chúng tôi bí mật vượt qua vòng vây của địch một cách an toàn. Chúng tôi phải mất gần như suốt đêm mới vượt qua được vách núi cheo leo, đá tai mèo sắc như dao để lên lũng Mật. Trời sáng rõ. Sương mù tan. Nhìn xuống dưới cánh đồng thấy rõ cả xe tăng và bộ binh địch đang lúc nhúc hành quân. Thỉnh thoảng tiếng pháo lại nổ chói tai vì bắn vào vách đá và gây nên những vọng âm mãi mới tan làm màng nhĩ tai u u rất khó chịu.
Chúng tôi được lệnh dừng lại nghỉ. Trời rét lắm lại ở núi đá nên càng thêm lạnh buốt. Tôi vội cùng anh em tìm những khe đá hơi bằng phẳng rải tăng võng ra để nằm tranh thủ ngủ để tối đến còn hành quân tiếp hoặc xuống bản tìm kiếm lương thực. Chợt thấy thằng Nam ngồi co ro ở một góc khe đá tôi hỏi:
- Mày tìm chỗ phẳng nằm mà ngủ một lát đi chứ! Tối nay còn đi lấy gạo đấy.
- Lúc vượt qua suối vì đỡ anh thương binh trượt ngã, cái ba lô của em bị trôi mất rồi.
- Thế thì nằm vào đây với tao cho khỏi rét mà ngủ.
Thằng Nam vừa chui vào nằm xuống cạnh tôi đã bật ngay dậy hốt hoảng:
- Anh... anh... đắp bằng tấm vải liệm à?
Thì ra nó vừa nằm xuống thì cái dây buộc của tấm vải liệm loằng ngoằng vướng ngay vào cổ. Tôi phì cười:
- Nó chỉ là một tấm vải thôi, việc gì mà sợ! Nằm xuống đi cho ấm!
- Thôi... thôi... anh ngủ đi... em chịu thôi...
Tôi cáu vì cái tính nhút nhát của nó:
- Thế thì mặc xác mày!
Nói vậy nhưng tôi cũng không ngủ được. Tôi ngồi dậy lột cái võng đang rải ném cho nó. Đoạn tôi chui hẳn vào trong tấm vải liệm, nửa rải, nửa đắp rồi ngủ thiếp đi vì mệt.
3- Đơn vị chúng tôi cứ ban ngày thì ẩn nấp trong các thung lũng, khe đá, buổi tối thì chuyển quân sang vị trí khác tránh sự truy kích của bọn địch và tổ chức cho các bộ phận đột nhập xuống bản tìm lương thực. Nhiều hôm chạm địch không lấy được lương thực mà còn tổn thất thêm lực lượng. Quân số của đơn vị cứ vơi dần sau những chặng hành quân gian khổ trên vách đá núi cao đói rét và bị địch đuổi đánh. Một số anh em lực lượng thanh niên xung phong bị thất lạc chạy lên núi cũng nhập luôn vào đội hình đơn vị chúng tôi.
Sau trận đơn vị bị lực lượng tinh nhuệ của địch tập kích vào đội hình trú quân thì cả hai tấm vải liệm của tiểu đội tôi đều được sử dụng hết. Cũng từ sau hôm ấy thằng Nam mới dám nằm gần tôi. Hai đứa đắp chung một cái võng mỏng manh. Lúc tạnh thì tăng rải làm chiếu, võng làm chăn cho ấm. Lúc mưa thì rải võng làm chiếu, tăng làm chăn đắp cho khỏi ướt. Mùa Xuân năm ấy sao mà mưa rét đến thế. Cái rét, cái đói hành hạ chúng tôi ngày càng khốn khổ. Rồi cả cái võng hai đứa đắp chung ấy cũng không còn. Chúng tôi không nỡ để một cô thanh niên xung phong nằm xuống không có cái gì bó buộc.
Một buổi sáng còn sương muối còn mù mịt thì tiểu đội trưởng Quân gọi tôi:
- Hà ơi đi ngay!
- Đi đâu!
- Đi xuống bản Cốc Nghịu! Bộ phận của thằng Nam tối hôm qua xuống bản lấy lương thực đến giờ vẫn chưa thấy về! Có chuyện không hay rồi.
Tôi vội vàng xách súng cùng tiểu đội trưởng Quân và một chiến sĩ trinh sát tiểu đoàn tụt xuống dốc núi. Chúng tôi tìm được chiến sĩ Lai nằm gục ở chân dốc. Cái ba lô gạo đeo trên lưng thấm máu. Lai bị thương nhẹ vào đùi nhưng vì đói quá nên lả đi không leo lên núi được. Lai thều thào cho chúng tôi biết hai người vào bản lấy được gạo, ngô quay ra thì gặp địch. Nam đã quay chặn địch và bảo Lai rút lui. Nam đã dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Nam bị bọn địch bắn chết bên bờ suối.
Mãi đến tối chúng tôi mới tiếp cận được chỗ Nam hy sinh. Chúng tôi đưa Nam qua suối, rửa mặt cho Nam. Chúng tôi lang thang dùng dây võng buộc chặt Nam vào người cõng nó lên núi.
Chúng tôi dùng xẻng bộ binh đào một cái rãnh trong khe đá đặt Nam xuống. Không còn một tấm vải liệm nào, tôi rút cái khăn mặt duy nhất của mình trong ba lô ra phủ lên mặt cho Nam.
4- Ba mươi năm qua rồi, Nam đã được đưa về quê hương. Hài cốt của nó được gói trong tấm lụa đặt trong hộp gỗ sạ hương phủ quân kỳ và mai táng trong nghĩa trang liệt sĩ. Nhưng câu chuyện về Nam và tấm vải liệm bây giờ tôi mới viết...
Hà Nội, tháng 3-2009

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

Truyện ngắn MÙA XUÂN LẠNH LẼO

MÙA XUÂN LẠNH LẼO
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng, ngoài trời và thiên nhiên

Mưa phùn lất phất. Gió bấc thổi ù ù. Tôi phải giảm tốc độ xe máy cho đỡ rét buốt và đỡ bị những giọt mưa lạnh lẽo bay táp vào mặt. Cái rét khiến tôi như thấy con đường về quê như kéo dài ra xa hơn.
Qua thị trấn Hương Canh tôi dừng lại ở chỗ bán đồ gốm sứ ven đường. Tôi tính mua một cái chậu nhỏ để trồng cây phong lan rừng mà anh bạn đi Điện Biên về mới cho. Đang nhấc một cái chậu đất nung lên xem thì một ông mặc bộ quần áo mưa cũ kỹ, bám bẩn đầy bùn đất tay ôm một cái bát cắm nhang cứ ngó tôi trừng trừng rồi reo lên:
- Ôi… anh Hà! Đúng là anh rồi…
- Ơ… ơ… ông… - Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao ông ta lại biết tên mình. Tôi chăm chú nhìn ông ta một lúc rồi reo lên: - Ông là… À… à… tao… tao nhận ra rồi. Mày là thằng Thứ!
- Vâng! Đúng là em đây!
- Sao mày lụ khụ thế này hả?
- Thì em là nông dân, quanh năm lăn lê, bò toài ngoài ruộng, khổ hơn cả thời lính tráng ấy thì làm gì mà chả lụ khụ?
Nghe nó giải thích, tôi chợt nhớ là đã ba mươi mấy năm rồi còn gì. Thì ra trong tâm trí tôi lúc nào cũng cứ nghĩ nó còn trẻ như là ngày nhận cánh lính mới đưa lên biên giới dạo nào.
- Thế mày đi mua bát nhang đem về chuẩn bị bàn thờ tết à?
- Tết nhất gì! Em mua cái bát nhang này để đem ra mộ thằng Hào đây!
- Thằng Hào nào! Có phải thằng Hào cùng cánh lính bảy tám với mày phải không?
- Đúng là nó đấy!
- Thế đã tìm thấy và đưa nó về quê rồi à?
- Vâng…
- Mộ nó ở đâu?
- Ở gần đây thôi anh ạ!
Tôi quyết định:
- Thế thì mày dẫn tao đi thăm nó luôn nhé!
- Vâng anh đi với em! Anh em mình qua thị trấn mua ít hoa quả, kiếm lấy một cân xi-măng. Ta đem cái bát nhang này ra gắn trên mộ nó. Hôm trước, nhân dịp kỷ niệm ngày nhập ngũ em đến thăm mộ nó thấy cái bình cắm nhang bị đám trẻ con nghịch hay trâu bò phá đã bị vỡ rồi…
- Ừ…
Chúng tôi mua ít hương hoa, gói bánh quy và cân xi măng rồi ra mộ thằng Hào. Mộ nó ở chôn ở sườn một quả đồi nhỏ cạnh hai ngôi mộ khác. Đó là mộ của bố mẹ nó. Cả ba ngôi mộ đều đã được xây gạch cẩn thận. Thằng Thứ đốt một nén nhang rồi lầm rầm khấn khứa câu gì đó. Đoạn nó dùng con dao găm cũ kỹ nạy bỏ cái bát nhang vỡ gắn phía dưới mộ thằng Hào. Nó đặt cái bát nhang mới vào rồi trộn tý xi-măng gắn lại. Tôi thắc mắc là tại sao lại không đưa hài cốt thằng Hào vào nghĩa trang liệt sĩ. Thằng Thứ giải thích tại nhà nó tự ý đem nó từ biên giới về, giấy tờ không đủ nên địa phương chưa cho đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Bây giờ thì người thân nó không còn ai nên mọi giấy tờ, thủ tục vẫn chưa hoàn chỉnh. Với lại ý nguyện của bố mẹ thằng Hào muốn nó nằm bên cạnh mình ở nơi sườn đồi lộng gió này.
Châm mấy nén nhang cắm lên mộ thằng Hào và mộ của bố mẹ nó, tôi lại thấy lạnh thêm khi nhớ về những ngày đã qua ấy.
*
Cuối năm 1978. Tôi được giao nhiệm vụ đi tuyển quân ở tỉnh Vĩnh Phúc, quê hương của mình. Chúng tôi nhận tân binh ở Bình Xuyên. Bọn thằng Thứ và thằng Hào ở trong số tân binh chúng tôi đã nhận và đưa về đơn vị huấn luyện. Khi biên chế hai thằng ở trung đội 3, cùng đại đội với tôi. Tôi là cán bộ trung đội 1. Do đồng hương, lại quen nhau từ khi mới nhập ngũ nên hai thằng hay sang chơi với tôi. Được phân phối cân đường đỏ tôi sẻ cho mỗi thằng vài lạng pha nước uống khi đi tập về mệt nhọc.
Sau thời gian huấn luyện ở Ngân Sơn, đơn vị chúng tôi hành quân lên biên giới. Tình hình rất căng thẳng. Chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ phòng thủ ở khu vực biên giới huyện Hà Quảng. Khi chiến tranh biên giới xảy ra đơn vị chúng tôi đã đối mặt đánh nhau với bọn xâm lược ngay từ ngày đầu tiên. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt. Đến ngày thứ chín thì tiểu đoàn tôi bị bọn địch bao vây, chia cắt. Các đại đội trong đội hình tiểu đoàn đều bị nhiều tổn thất. Quá nửa quân số thương vong. Người chết, người bị thương vãn cả đội hình chiến đấu. Đạn dược, lương thực cũng đã cạn kiệt dần. Đơn vị nhận được lệnh phá vòng vây rút lui. Đại đội chúng tôi dồn đội hình lại còn hai trung đội. Lúc nhận các chiến sĩ về trung đội mình tôi khẽ reo lên:
- Thứ đấy hả! Vẫn còn sống là tốt rồi.
Thằng Thứ thì thào:
- Thằng Hào bị thương nhẹ vào phần mềm tay trái, vẫn cầm súng đánh nhau tốt anh ạ!
- Thế nó đâu rồi?
- Nó đi bảo vệ đưa thương binh về phía sau, nửa đêm sẽ quay lên!
- Thế tốt rồi! Nhưng hai đứa về bộ phận của tao là nguy hiểm lắm, chúng mày phải thật cẩn thật đấy!
- Bộ phận của anh làm nhiệm vụ gì ạ?
- Bộ phận này có nhiệm vụ đi trước mở đường. Khi bị địch truy đuổi thì sẽ dừng lại chốt chặn địch để đơn vị rút đi.
- Chúng em sẽ cố gắng!
- Tình huống nào cũng không được bỏ chạy hiểu không?
- Anh cứ yên tâm…
Nghe thằng Thứ nói vậy nhưng tôi không thấy yên tâm chút nào. Nói là một trung đội nhưng quân số chỉ có mười bốn thằng, chỉ bằng một tiểu đội tăng cường. Súng thì sắp hết đạn, lương thực thì cạn kiệt. Nhìn những bóng người nhỏ bé xác xơ sau gần mười ngày chiến đấu, đói ăn, không ngủ, tôi cảm thấy lo lắng. Gần sáng hôm sau thì thằng Hào trở về. Nó tìm đến chỗ tôi báo cáo việc một chiến sĩ cùng đi bảo vệ đoàn tải thương binh với nó về tuyến sau đã bỏ trốn luôn theo xe thương binh không trở lại đơn vị nữa. Tôi thở dài. Thế là trung đội của tôi chỉ còn có mười ba người. “Sẽ có một thằng chết! Con số 13 sui lắm!”. “Hay là một thằng nào xin chuyển sang bộ phận khác đi!”. - Tôi nghe có tiếng thì thào bàn tán phía sau gộp đá. Tôi không mê tín nhưng cũng chợt thấy hơi xao xuyến khi nghe chuyện của mấy chiến sĩ. Nhưng rồi tôi không thấy ai xin chuyển sang bộ phận khác cả. Anh em theo tôi đi chuẩn bị trinh sát đường và rải quân để đêm mai đưa đơn vị vượt vòng vây quân giặc.
Chúng tôi cử một tổ bám đường từ lúc chập tối. Trên đường quốc lộ bộ binh, xe tăng, xe kéo pháo của bọn địch qua lại tấp nập. Nhìn những toán quân xâm lược hăng hái rầm rập tiến sâu vào đất ta chúng tôi rất lo lắng. Thông tin liên lạc giữa tiểu đoàn tôi với cấp trên đã bị cắt đứt hoàn toàn. Không hiểu tình hình đang diễn ra thế nào. Tiếng súng vẫn rền vang ở xung quanh. Có lẽ những trận đánh lớn vẫn xảy ra ở phía Nguyên Bình, Mỏ Sắt và hướng thị xã Cao Bằng.
Quá nửa đêm thì tổ trinh sát bám mặt đường trở về. Thằng Thứ vẻ mặt buồn bã, hốc hác gặp tôi báo cáo:
- Thằng Hào hy sinh rồi anh ạ!
- Nó… nó chết thế nào?
- Bọn em đang vượt sang đường thì bị địch phát hiện. Thằng Hào đi trước liền nhào sang phía bên kia đường rồi nổ súng dụ bọn địch đuổi theo. Em và thằng Sùng Mí De còn nằm dưới rãnh thoát nước phía bên này nhờ thế không bị bọn địch phát hiện. Em nhìn thấy bọn địch lôi thằng Hào ra giữa đường. Hình như lúc ấy nó đã chết rồi anh ạ! Bọn chúng soi đèn rọi vào mặt thằng Hào. Mặt nó đẫm máu, nó nằm không thấy nhúc nhích cựa quậy gì nữa!
Tôi rùng mình thấy lạnh buốt trong lòng. Tôi dặn thằng Thứ trở về vị trí của mình chờ tôi đi báo cáo tình hình với chỉ huy đại đội. Thằng Thứ bảo:
- Em và một thằng sẽ trở lại chỗ thằng Hào hy sinh. Phải tìm cách lấy xác nó đưa lên trên núi mai táng anh ạ!
- Phải hết sức cẩn thận. Đề phòng bọn địch phục kích và gài mìn để bẫy ta đến lấy xác liệt sĩ. Nhớ là cảnh giới bảo vệ, chi viện cho nhau thật cẩn thận hãy hành động nhé!
- Vâng…
Giao nhiệm vụ cho thằng Thứ xong tôi trèo lên phía bên kia dốc núi, nơi chỉ huy đại đội và đội hình của tiểu đoàn đang ém quân. Nhìn xuống con đường, bọn địch đã bớt đi lại, anh đèn xe và tiếng gầm rú của xe tăng lắng hẳn.
Khi tôi quay trở lại đã gần sáng. Trời đã tan bởt mây mù, ánh trăng sáng lờ mờ. Thằng Thứ đón tôi ở ngay lối mòn. Nó bảo:
- Đưa được xác thằng Hào lên sườn núi rồi anh ạ! Nhưng…
- Thế thì ổn rồi! Chúng ta phải khẩn trương chôn cất cho nó rồi trở về đội hình của đại đội nhận nhiệm vụ mới ngay!
Thằng Thứ im lặng. Nó dẫn tôi đến chỗ hốc đá đang để xác thằng Hào. Thằng Hào đã được gói trong một tấm tăng rách. Thằng Thứ kể nó và thằng Sùng Mí De phải cột thằng Hào lên lưng để vừa bò lên dốc núi vừa sẵn sàng đánh trả bọn địch. Thằng Sùng Mí De quê ở Hà Giang, là người dân tộc Mông có tài leo núi nhanh nhẹn như con sóc. Nó là một người chiến đấu rất dũng cảm trong những trận đánh vừa qua.
Tôi rờ rẫm sờ tay kiểm tra thi thể của thằng Hào. Chợt tôi giật mình hốt hoảng hỏi:
- Đầu của thằng Hào đâu rồi?
Thằng Thứ hổn hển nói, giọng nó nghẹn ngào xúc động:
- Bọn giặc chặt đầu nó ném đi đâu mất rồi anh ạ!
- Vậy làm thế nào bây giờ… hay…
Thằng Thứ trấn tĩnh lại:
- Phải quay lại tìm đầu nó anh ạ!
- Nhưng chúng ta chỉ còn có gần ba tiếng nữa là phải hành quân về vị trí tập kết rồi. Bọn địch sẽ đánh ác liệt vào khu vực này sáng sớm ngày mai đấy!
- Ba tiếng vẫn kịp! Để em đi…
- Thôi được! - Tôi quyết định: - Tao với mày sẽ cùng xuống chân núi một lần nữa!
Nghe tôi nói vậy, thằng Sùng Mí De liền đề nghị:
- An cho en cùn xuốn tìn an Hao vơi nhe! (Anh cho em cùng xuống tìm anh Hào với nhé!)
Thằng Sùng Mí De nói tiếng Kinh chưa sõi. Tôi đồng ý vì nó nhanh nhẹn và dũng cảm. Ba chúng tôi lại lần xuống chân núi. Tôi phán đoán chỗ thằng Hào bị địch giết phía ta-luy dương là vách núi dốc, bọn chúng không thể ném đầu nó lên trên. Nhất định bọn giặc sẽ ném đầu thằng Hào xuống phía ta-luy âm, nơi có con suối cạn. Điều khó khăn là ban đêm, ánh trăng lờ mờ không soi rõ mọi vật và việc tìm kiếm dưới lòng con suối cạn phía bên kia đường rất dễ bị địch phát hiện. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tìm cách vượt qua đường quốc lộ sang phía bên kia. Tôi bảo thằng Sùng Mí De nằm lại ở trên lề đường cảnh giới rồi cùng thằng Thứ tụt xuống suối. Con suối cạn dưới ánh trăng lổn nhổn những hòn đã tròn tròn rất khó phân biệt. Mò mẫm mãi hai chúng tôi vẫn không tìm được đầu của thằng Hào. Trời đã sắp sáng. Có tiếng gà gáy eo óc trong một bản gần đấy vọng ra. Thằng Thứ thì thào: “Làm thế nào bây giờ anh nhỉ? Nếu không tìm thấy đầu của nó thì sau này về gặp bố mẹ nó em biết ăn nói thế nào!”.
Tôi định động viên nó là chiến tranh biết làm sao được thì chợt nhớ đến câu chuyện mình đã từng nghe ở ngã ba Đồng Lộc có cô thanh niên xung phong bị bom Mỹ vùi mất tích nhờ một anh đọc lên bài thơ gọi hồn mà đã tìm thấy xác. Tôi liền lẩm bẩm khẽ gọi:
“Hào ơi Hào
Đầu mày ở chỗ nào?
Hãy gọi cho tao một tiếng!”
Thế là vừa tiếp tục rờ rẫm dưới lòng con suối cạn tôi vừa lẩm bẩm mãi cái câu mình chợt nghĩ ra ấy: “Hào ơi Hào/Đầu mày ở chỗ nào?/Hãy gọi cho tao một tiếng!”.
Thật bất ngờ khi quờ tay vào một vũng nước giữa hai hòn đá tôi chạm tay vào mái tóc của thằng Hào. Thật linh nghiệm. Tôi khẽ kêu lên: “Thấy rồi!”. Thằng Thứ liền nhào đến. Nó đỡ cái đầu của thằng Hào lên vuốt mái tóc xuôi về phía sau rồi thốt lên: “Hào ơi! Sao mày lại khốn khổ thế này!”. Đoạn nó để cái đầu thằng Hào vào cái ba lô lép kẹp đang đeo trên lưng. Tôi và thằng Thứ bò lên mặt đường khều thằng Sùng Mí De cùng vượt đường rút nhanh lên núi. Đã có tiếng xe tăng quân giặc gầm rú ở hướng biên giới.
Bộ phận ở lại dùng xẻng bộ binh đã đào xong một cái hố nông choèn trong khe đá và đặt phần thân thể của thằng Hào xuống. Trên sườn núi đã mà khoét được một cái hố như thế này cũng thật khó khăn. Thằng Thứ cẩn thận đặt cái ba lô xuống. Nó nhẹ nhàng nhấc cái đầu của thằng Hào ra. Một thằng đỡ lấy đặt vào phần thân thể của nó rồi định gấp tấm tăng gói lại. Thằng Thứ vội ngăn:
- Khoan, để rửa mặt cho nó đã!
Thằng Thứ lấy ra cái khăn mặt và cái bi-đông đựng đầy nước suối vừa múc lúc nãy. Nó đưa cái bi-đông cho một thằng bảo đổ nước ra để vò chiếc khăn. Một người từ phía sau len lên nói:
- Để em lau mặt anh ấy cho!
Tôi ngạc nhiên. Đó là tiếng con gái. Tôi vừa định hỏi cô gái này ở đâu đến thì một chiến sĩ cho biết cô ấy tên là Hằng ở đơn vị thanh niên xung phong. Đơn vị thanh niên xung phong bị địch đánh tan tác, cô bé thất lạc chạy lên núi may gặp bộ đội liền xin đi theo. Cô bé thanh niên xung phong lau chùi mặt cho thằng Hào rất cẩn thận.
Chúng tôi vun đất xuống cái hố. Phải moi đất xung quanh mới đắp được cho thằng Hào một nấm mộ nhỏ, đánh dấu cẩn thận. Không có hương nhang. Không có hoa. Cô bé thanh niên xung phong khẽ khàng đặt lên nấm mộ mới đắp một cành lá xanh. Thế là thằng Hào và bao chiến sĩ trẻ nữa chưa đủ một tuổi quân đã thành liệt sĩ. Đến giờ hành quân. Các chiến sĩ lục tục trèo qua gộp đá lên con đường mòn vắt ngang lưng chừng dãy núi. Mười ba người chúng tôi, mười hai khẩu súng đã gần hết đạn, ai nấy quần áo tả tơi, người còn ba-lô, người thì buộc túm cái quần dài lại đeo sau lưng để đựng đạn và lương thực thay cho ba-lô. Hai ống quần căng ra trông giống như một nửa thân người. Cô bé thanh niên xung phong đi gần cuối đội hình không có súng, cũng không có ba-lô. Tôi đưa cho cô một quả lựu đạn. Thế là quân số bộ phận chúng tôi lại đủ mười ba người...
Trời đã sáng nhưng sương mù vẫn bay mù mịt, che khuất bóng người đi. Chúng tôi lặng lẽ bám sát theo nhau trên con đường dài thăm thẳm của cuộc chiến tranh khốc liệt.
Mùa Xuân năm ấy sao mà lạnh lẽo đến thế?
Hà Nội, tháng 2-2012