Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

THƠ VIẾT CHO EM - trích tiểu thuyết "Cơn lũ đen" - Trọng Bảo

THƠ VIẾT CHO EM
(Trích chương 11 và 12 tiểu thuyết "Cơn lũ đen" của Trọng Bảo)



Mai quê ở Yên Phong, Hà Bắc. Tôi quen Mai từ ngày em nhập ngũ. Đó là đầu năm 1978, khi ấy tôi còn ở cơ quan trung đoàn bộ. Tôi được đi cùng các cán bộ đại đội thông tin về Hà Bắc tuyển quân. Đơn vị tôi nhận tân binh ở huyện Yên Phong. Trong số các nam nữ chiến sĩ sẽ biên chế về đại đội thông tin của trung đoàn tôi chú ý đến một cô bé nhỏ có khuôn mặt trái xoan và đôi mắt rất sáng. Nhận quân trang mới, mặc dù cô bé này đã phải xắn lên một gấu, ống quần vẫn dài quét đất. Tôi trêu:
- Hay là cho em về để mẹ cắt bớt nửa ống quần đi cho vừa!
- Đừng coi thường nhé! Vào bộ đội vài hôm là em sẽ lớn thôi!
Cô bé láu lỉnh cự lại. Lúc giục mọi người lên xe để hành quân về đơn vị, tôi thấy cô bé này đang đứng với một chị phụ nữ. Nhìn hai người rất giống nhau, tôi đoán là hai chị em. Lúc các chiến sĩ mới chuẩn bị lên xe hành quân về đơn vị tôi bảo:
- Đồng chí nữ tân binh thôi khóc nhè, chùi mũi rồi chào chị gái đi để còn lên đường về đơn vị nào!
Cô bé trợn mắt:
- Đây là mẹ em đấy chứ!
Tôi đang lúng túng vì sự nhầm lẫn tai hại thì mẹ cô gái cười dặn:
- Nhờ chú quan tâm giúp đỡ em Mai với nhé! Tính nó còn trẻ con lắm…
Mai nũng nịu giật giật tay mẹ. Hai mẹ con cùng lau mắt khi chia tay nhau.
Từ đó tôi và Mai thân nhau. Mỗi lần gặp nhau Mai thường hay “đe” tôi: “Phải luôn nhớ giúp đỡ em Mai! Anh đã hứa với mẹ rồi đấy nhé!”. Hết thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, Mai được điều động về bộ phận đảm bảo thông tin liên lạc thuộc ban tham mưu trung đoàn ở gần bộ phận văn thư bảo mật của Nhung. Nhung thì là đồng hương và cùng nhập ngũ với tôi.
Trung đoàn hành quân lên tuyến trước, các tiểu đoàn đóng quân cách xa trung đoàn bộ. Mỗi lần có việc lên trung đoàn tôi đều tạt qua thăm Mai. Gặp nhau, Mai khoe đủ chuyện. Nhất là chuyện quê hương. Mai vẫn bảo: “Khi nào ra quân anh về thăm quê em vào dịp đầu mùa Xuân, em sẽ đưa anh đi hội Lim nghe hát quan họ”.
Từ khi cơ quan trung đoàn bộ rút lui lên Lũng Mật, tình hình lương thực, nước uống càng thêm khó khăn. Chúng tôi phải vừa củng cố trận địa phòng ngự vừa tổ chức đột nhập xuống chỗ bọn bành trướng Trung Quốc đã chiếm để tìm kiếm lương thực, lấy nước uống.
Một đêm, đơn vị tổ chức một bộ phận bí mật xuống một bản dưới chân núi tìm lương thực. Mai và một số anh chị em cơ quan trung đoàn cũng cùng đi. Trăng đêm mờ đục bởi mây mù dày đặc. Chúng tôi tổ chức đội hình thành từng tốp nhỏ đi cách nhau một đoạn đề phòng bị địch phục kích. Khu làng bản cùa đồng bào hoang tàn sau những trận pháo kích và đốt phá của bọn địch. Trong những căn nhà sập đổ, tìm được thứ gì chúng tôi lấy thứ nấy, gạo, ngô, đậu tương, lúa của đồng bào bó để trên gác bếp. Lúc quay trở về, theo sự phân công của người chỉ huy chung, tôi lùi lại phía sau chờ mọi người lên dốc mới rút theo. Tôi ôm súng nép vào hòn đá to bên bờ suối cảnh giới cho mọi người rút lên núi.
Mọi người vượt qua con suối nhỏ, bắt đầu leo lên dốc. Chờ một lát, ước chừng tất cả đã vượt qua khỏi đoạn dốc trống trải, tôi mới khoác cái ba lô đựng ngô lên vai rời khỏi vị trí cảnh giới. Vừa định băng qua suối thì có tiếng gọi nho nhỏ ngay sau mô đá, sát chỗ tôi đang đứng:
- Anh Hà ơi!
Nhận ra tiếng người gọi, tôi quay lại:
- Mai hả! Sao tụt lại xa đội hình thế! Mau vượt lên dốc đi. Ba lô nặng quá đưa anh mang bớt cho!
- Không nặng đâu! Nhưng anh chờ em một tý nhé!
- Có việc gì vậy! Rút nhanh kẻo nó bắn pháo sang nguy hiểm lắm!
Tôi vừa nói vừa nhìn về phía thị trấn, nơi những căn nhà đang cháy rừng rực, thỉnh thoảng ánh lửa đầu nòng pháo của địch lại lóe lên.
Mai thì thào:
- Anh... cảnh giới cho em... em tắm một tý nhé! Đã mấy ngày rồi... trên núi làm gì có nước?
Đúng là trên núi đá vôi cằn cỗi nước uống còn chả đủ làm gì có nước mà tắm. Có vị trí tổ chức việc phòng ngự rất tốt, dễ đánh chặn đánh bọn địch tấn công lên núi nhưng mạch nước cạn mất đơn vị đành phải rút đi chỗ khác.
Nghe Mai nói vậy, tôi vội gàn:
- Nước suối lạnh lắm. Đi thôi em!
- Mặc kệ!
Mai nói và trút hết quần áo, để trên mô đá rồi lội xuống suối ngay sát chỗ tôi đang đứng. Bất ngờ mặt trăng ló ra chỗ mây thưa. Cơ thể ngọc ngà của Mai lồ lộ lấp lóa dưới ánh trăng. Mai đưa hai bàn tay bưng lấy ngực rồi từ từ dìm người xuống dòng nước lạnh. Ánh trăng phủ sáng ngời trên đôi vai trần của em.
Một lát sau Mai bước lên đứng cạnh tôi, lặng lẽ mặc quần áo. Xong xuôi cô khẽ hích nhẹ vào vai tôi:
- Chúng mình đi thôi!
Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng trước vẻ đẹp thanh khiết, tròn đầy của cô gái giữa một đêm chiến tranh nơi góc rừng biên giới. Tiếng súng bên kia cánh đồng bỗng rộ lên. Tôi kéo Mai hối hả vượt qua khoảng dốc trống trải, lẩn nhanh vào sau những mô đá nhấp nhô như hình người đang đứng im phăng phắc thẫn thờ trên sườn núi.
*
Tôi và Mai lần theo lối mòn ngược lên đỉnh núi. Ánh trăng tuy xuyên qua làn sương mù dày đặc nhưng vẫn soi rất rõ con đường ngược dốc nên chúng tôi đi không đến nỗi khó khăn lắm. Chỉ có điều là Mai sức yếu, lại chưa quen leo dốc núi cao gần như dựng đứng nên em đi rất chậm. Cứ đi được vài bước tôi lại phải dừng lại đợi. Cái ba lô của Mai chỉ có hơn chục bắp ngô lấy được ở bản và vài thứ nhẹ tênh nhưng em kêu mỏi vai. Tôi phải chuyển dần các thứ của em sang ba lô của tôi. Lên đến đỉnh dốc thì Mai chỉ còn đeo độc một khẩu súng trên vai.
Về đến gần vị trí trú quân thì Mai giữ tôi lại và bảo:
- Sắp sáng rồi! Chúng mình vào chỗ nào ngồi với nhau một lát đi anh. Ngày mai bộ phận của chúng em sẽ rút lui sang Nguyên Bình trước rồi. Từ hôm gặp nhau đến giờ, anh em mình chưa ngồi nói chuyện với nhau lần nào!
Tôi và Mai tạt vào một hẻm núi đá gần bên lối đi. Chúng tôi cùng ngồi dựa lưng vào một hòn đá lớn. Gió lạnh luồn qua từng khe đá. Đêm đã chuyển dần về sáng nên không gian tĩnh lặng hơn. Tiếng súng của bọn địch cũng lắng đi. Đang thì thầm kể đủ thứ chuyện thì Mai chợt kêu lên:
- Anh ơi! Em lạnh quá!
- Đã bảo là nước lạnh lắm lại không nghe! Khéo mà bị nhiễm lạnh, cảm ốm ra trong lúc này thì nguy.
Tôi vừa càu nhàu vừa quờ chiếc ba lô của mình tìm cái vỏ chăn choàng lên vai Mai. Mai quấn chặt cái vỏ chăn ngồi thu lu trông nhỏ bé và yếu ớt quá. Hình như Mai vẫn chưa hết lạnh, em nói giọng run run:
- Vẫn lạnh lắm! Anh… anh... ôm em đi cho ấm!
Thấy tôi lúng túng chần chừ, Mai giục:
- Ôm em thật chặt vào… đi anh…
Tôi lúng túng ngồi sát lại gần Mai. Mai mở cái vỏ chăn đang quấn quanh người cho tôi cùng trùm lên cho đỡ lạnh. Rụt rè một lúc tôi mới dám vòng tay trái luồn qua lưng Mai ôm lấy bờ vai em. Tôi hơi bất ngờ vì Mai không lạnh như em đã nói. Người Mai nóng rực.
Mai ngả đầu vào vai tôi. Em nói, giọng buồn buồn:
- Chiến tranh ác liệt quá! Bao nhiêu người ngã xuống rồi! Hôm trước, khi địch tập kích vào hang giữa lúc em đang đi lấy nước nên còn sống. Bọn chúng đánh sập cửa hang. Cứ nghĩ đến chuyện chị Nhung và mọi người vẫn còn sống mà bị đá bịt kín mất cửa hang không ra được, chết đói, chết khát trong đó là em lại muốn khóc. Thương họ quá anh ơi…
Vai Mai rung rung. Tôi biết em đang cố nén để khỏi bật ra tiếng khóc. Tôi cũng không biết nói câu gì để an ủi Mai bây giờ. Không khí như loãng ra. Tôi cảm thấy hụt hơi khi nghĩ về một ngày mai cuộc chiến đấu sẽ còn rất khốc liệt. Tương lai càng mù mịt khi đơn vị bị đánh bật lên núi cao, không đường tiến, chẳng đường lùi và hoàn toàn mất liên lạc và sự chi viện của cấp trên. Mai lại thủ thỉ:
- Em vẫn nhớ hôm trước anh và anh Lâm lên trung đoàn công tác đến chỗ em chơi. Em hứa là bao giờ chúng mình ra quân em sẽ đưa các anh về quê đi trẩy hội Lim…
- Nhất định rồi! Mùa Xuân sang năm chúng mình sẽ cùng về quê em đi hội Lim nhé?
- Nhưng mà… chiến tranh chả biết thế nào!
Nghe giọng nói Mai của sao mà buồn thế. Hai chúng tôi cùng im lặng hồi lâu. Mỗi người thả lòng mình vào sự suy tư khác nhau nhưng chắc chắn rằng Mai cũng như tôi đang xao động, trăn trở về cuộc chiến này. Mai vẫn ngoẹo đầu dựa vào vai tôi. Hơi thở của em nhè nhẹ phả vào cổ tôi âm ấm. Tôi nghĩ chắc Mai mệt quá đã ngủ thiếp đi. Chợt có một tiếng nổ khá lớn dưới thị trấn vọng lên. Mai hơi giật mình. Bàn tay em lần tìm bàn tay phải của tôi nắm chặt. Tôi thấy thương Mai quá. Con gái trong chiến tranh sao mà lẻ loi và khốn khổ đến thế. Mai vẫn giữ chặt tay tôi trong tay mình như sợ tôi đột nhiên biến mất. Bàn tay nhỏ nhắn của em như có lửa. Bàn tay Mai run rẩy. Và thật bất ngờ, Mai kéo bàn tay tôi lên áp chặt vào khuôn ngực bên trái của mình. Tôi hốt hoảng khi nhận ra khuy ngực áo của Mai đã mở từ lúc nào. Bàn tay tôi chạm vào bầu ngực mịn màng, tròn trịa, ấm nóng của Mai. Tôi run cầm cập, định rụt tay lại. Nhưng Mai kéo giữ chắc bàn tay tôi áp chặt vào ngực mình. Mai cứ giữ mãi bàn tay tôi như thế. Khi định thần, bình tĩnh lại, tôi cảm nhận được trong lòng bàn tay của mình con tim nhỏ bé của Mai đang đập nhoi nhói.
Hai chúng tôi cùng thiếp đi vì quá mệt mỏi sau bao ngày gian khổ, ác liệt. Khi tôi sực tỉnh thì trời đã sáng bạch. Mai vẫn ngủ rất ngon. Bàn tay em giữ tay tôi hơi lỏng ra. Tôi khẽ lựa rút bàn tay ra khỏi ngực Mai. Tôi run lên khi lần đầu nhìn thấy bầu vú tròn vo, trắng hồng của người trinh nữ. Trên đó còn in hằn dấu bàn tay tôi đã giữ chặt suốt đêm qua.
Một cơn gió bắc ào vào thung lũng. Cái lạnh thốc vào hẻm núi làm Mai bừng tỉnh. Em ngước nhìn vào mắt tôi rồi nhìn xuống ngực mình. Đoạn em khẽ khàng gài lại khuy áo. Sương tan dần. Đôi mắt Mai lặng lẽ nhìn chăm chăm về phía trước như vô định. Đôi mắt em trân trân không chớp. Tôi hiểu em đang “nhìn” vào chính mình, nhìn vào thân phận của người lính trong cuộc chiến tranh khốc liệt này…
Đến lúc chúng tôi phải về đơn vị. Mai cứ nắm chặt tay tôi mãi không muốn rời.
Tối hôm ấy, các bộ phận cơ quan trung đoàn bộ rút đi. Hai ngày sau tôi nhận được một tin đau xót là Mai và một số chiến sĩ đã hy sinh trong đêm vượt vây tại huyện Thông Nông. Bọn địch phát hiện truy kích, Mai và mấy người nữa đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng chặn địch cho đơn vị rút lui.
Tôi bần thần, ngơ ngác mất mấy ngày liền. Tôi không tin là sẽ không bao giờ còn được gặp lại Mai nữa. Nhớ đến Mai từ lần gặp đầu tiên em đứng bên mẹ hôm mới nhập ngũ và nghĩ về cái chết anh dũng của em, tôi viết tặng Mai bài thơ “Tiếng gọi”.
TIẾNG GỌI
Trước lúc hy sinh em cố gọi:“Mẹ ơi!”
Tiếng gọi chìm trong tiếng súng.
Tiếng gọi tắt nửa trên môi.
Người em gái tuổi chớm đôi mươi
Chưa một lần hò hẹn
Chưa biết đến nụ hôn
Em mang cả trinh nguyên về với đất.
Trái tim em đạn thù găm nát
Nỗi đau từ đó vỡ ra,
Tình yêu từ đó vỡ oà
Em gửi lại cho những người ở lại.
Chúng tôi đứng sát bên nhau
Nòng súng vươn cao lặng lẽ cúi đầu
Phút cuối cùng tiễn đưa người em gái.
Đặt một cành lá xanh
Trên nấm mộ gió mưa tê tái
Tôi chợt nghe như em vẫn còn gọi mãi:
“Mẹ… mẹ ơi..”.
Cuối tháng bảy năm ấy, tôi và Lâm có quyết định về tập trung tại trường văn hoá của quân khu để ôn thi đại học. Sau trận đánh nhử địch vào bãi mìn ở mỏm Đầu Bò, Lâm chạy thoát được về phía nam điểm cao 505. Gặp một đơn vị của tiểu đoàn 2, Lâm đã theo đơn vị này chiến đấu. Khi rút lên Lũng Mật, Lũng Vài, Lâm tìm về đơn vị cũ về đơn vị cũ.
Trước khi rời Cao Bằng về xuôi, tôi và Lâm tìm đến thăm nơi Mai đang yên nghỉ. Chúng tôi nhặt những chiếc lá khô rơi trên nấm mộ. Quỳ trước nấm mộ của Mai, tôi đọc bài thơ thứ hai này cho em nghe.
THÔI EM Ở LẠI
Vậy thôi em ở lại,
Bọn anh ngày mai về xuôi.
Hôm lên chúng mình có ba người
Một mình em con gái
Quê em ở bến sông Cầu.
Em nói ngày ra quân năm sau
Đưa bọn anh về làng Lim đi hội
Nghe quan họ hát thâu đêm…
Thế mà bây giờ chỉ một mình em
Ở lại đây với núi rừng biên giới.
Trận đánh ấy vô cùng dữ dội
Giữa vòng vây quân giặc trùng trùng
Quả lựu đạn cuối cùng
Trên tay em chớp lửa
Quân thù kinh hoàng, tơi tả,
Em hoá thân vào trời đất bao la,
Nên ngày về xuôi chẳng còn đủ ba
Khuyết mất người em gái nhỏ.
Hai đứa anh ngồi bên nấm mộ
Bùi ngùi dặn em trước lúc chia tay:
“Thôi em ở lại đây
Với chập trùng núi đá
Với bạt ngàn hoa lau,
Để mùa Xuân trên bến sông Cầu
Thiếu một người đội nón quai thao đi hội…”.
Đọc xong, tôi liền châm lửa đốt tờ giấy chép bài thơ thay một nén nhang tưởng nhớ người liệt nữ. Bài thơ cháy bỏng trên tay tôi, tàn tro vương rơi trên mặt đất.
Đúng một năm sau, tôi về học tại một trường sĩ quan ở Bắc Ninh. Lần đầu tiên đi Hội Lim, giữa dòng người trẩy hội đông nghẹt, tôi lại nhớ đến Mai. Tôi cứ nghĩ là em đang đưa tôi đi xem hội, nghe hát dân ca. Em vẫn ở đâu đó quanh đây, giấu khuôn mặt xinh đẹp sau vành nón nhỏ và sẽ bất ngờ xuất hiện ngay bên cạnh tôi với ánh mắt sáng long lanh, nụ cười tinh nghịch trên môi… Và, tôi đã viết cho em bài thơ thứ ba này.
HỘI LIM TÔI LẠI ĐI TÌM
Hội Lim tôi lại đi tìm
Mong sao gặp ánh mắt em hôm nào,
Trốn sau vành nón quai thao
Thoảng nghe câu hát ngọt ngào: “Người ơi…”
Hội đông, người chạm vai người
Không em tôi vẫn lẻ loi một mình
Cô đơn khóm trúc đầu đình
Buồn trông liền chị, liền anh dập dìu
Đêm cho câu hát liêu xiêu
Tay nâng vạt áo bao nhiêu hẹn hò.
Riêng tôi mong sự bất ngờ
Biết đâu hội tự bao giờ đã tan...?.
Hà Nội - 2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét