Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Ghi chép CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 12

CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 12
Ghi chép của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng, mọi người đang đi bộ và ngoài trời

12-Tạm biệt Cao Bằng

Nhận được quyết định đi học tôi chuẩn bị lên đường. Đó là một ngày cuối tháng 8 năm 1979. Hôm trước ngày tôi về xuôi anh em trong tiểu đội vô tuyến điện cố tìm cách tổ chức một bữa liên hoan chia tay nhưng không thành. Không thể kiếm nổi một chút thực phẩm gì khác ngoài mớ rau thập cẩm cùng mấy quả cà chua xanh hái lượm được ở ngoài đồng. Tiểu đội phó Vũ Văn Tự cứ băn khoăn mãi. Tôi bảo: "Đừng bận tâm chuyện liên hoan làm gì. Mình được về xuôi ôn thi đại học là niềm vui hạnh phúc lắm rồi, anh em ở lại còn phải tiếp tục chịu đựng nhiều khó khăn, gian khổ, còn phải đối mặt với quân thù hằng ngày cơ mà?".
Chúng tôi ngồi trò chuyện với nhau đến khuya. Anh em trong tiểu đội vô tuyến điện của tôi qua chiến tranh có mặt ở các hướng vô cùng ác liệt như chốt cây đa của Đại đội 11, chốt "tọa-độ-lửa" trước cửa ngõ Sóc Giang của Đại đội 10 vậy mà vẫn trở về đủ cả. Đó là niềm vui lớn nhất của tôi trước khi về xuôi. Đêm ấy, tôi thao thức mãi không sao ngủ được. Tôi nhớ đến những ngày chiến tranh ác liệt, gian khổ, nghĩ đến những vui buồn trong thời gian ở biên giới. Vậy là từ lúc chúng tôi hành quân lên chiếm lĩnh trận địa nơi tuyến trước đến khi rời biên cương về xuôi vừa đúng tròn một năm. Một năm đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ.
Buổi sáng, tôi chào tạm biệt anh em trong trung đội thông tin để lên đường. Mọi người lưu luyến tiễn tôi ra tận con đường trước cửa bưu điện thị trấn. Vậy là chào nhé Sóc Giang tôi lên đường. Tôi đi qua cái thị trấn đổ nát còn hằn sâu vết dấu của cuộc chiến tranh tàn khốc. Tôi cảm thấy chân mình như vẫn còn đang dẫm trên đất bỏng. Lúc qua chỗ bụi tre dưới chân điểm chốt của Đại đội 10, nơi trung úy Trần Xuân Tương và hạ sĩ Nguyễn Công Tâm hy sinh tôi dừng lại một lát. Tôi thầm chào các anh để về xuôi. Nhìn lên điểm cao 505 những bụi cây lá bắt đầu lên xanh trông như đồng đội đang vẫy tay. Tôi giơ tay chào lại rồi xốc ba lô lên đường. Trong chiếc ba lô nhẹ tênh trên vai chỉ còn một bộ quần áo cũ, một chiếc bi-đông và cuốn nhật ký là kỷ vật của chiến trường. Cái võng, cái tăng và các loại quân trang dùng chung khác tôi đã phải giao nộp lại đầy đủ cho quân nhu tiểu đoàn. Trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi rất muốn xin quân nhu tiểu đoàn cho tôi cái võng vải bạt cũ làm kỷ niệm nhưng không được vì nó là quân trang dùng chung ghi trong danh mục vật tư trang bị biên chế của đơn vị. Cái võng ấy đã theo tôi suốt những ngày lang thang thất lạc trên triền núi đá cao. Nó là chăn đắp khi giá rét, là chiếu trải khi nằm trong hốc đá ẩm ướt, là cái cáng thương binh khi hành quân. Cái võng lấm lem bụi đất thấm máu đồng đội ấy là quân trang dùng chung nên vẫn phải bàn giao lại. Trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi cứ nắm tay tôi mãi hẹn ngày gặp lại. Vậy mà tôi đã không gặp lại được anh. Phạm Hoa Mùi quê ở Yên Sơn, Tuyên Quang. Từ khi chia tay nhau ở Sóc Giang tôi không biết gì về anh nữa. Đến khoảng năm 2015 thì tôi nghe tin Phạm Hoa Mùi đã mất vì mắc bệnh hiểm nghèo.
Tôi khoác ba lô cuốc bộ xuôi hướng ngã ba Đôn Chương. Dọc đường tôi gặp những đoàn chiến sĩ mới từ phía sau đang hành quân lên biên giới. Nhìn những khuôn mặt trẻ măng đang hăm hở đi lên tuyến trước tôi chợt thấy trong lòng dâng lên một nỗi buồn xa vắng. Bao giờ đất nước mình hết chiến chinh để những chàng trai trẻ tràn đầy sức sống thế kia không còn phải cầm cây súng trận nữa. Những người con của bao bà mẹ trên khắp đất này sẽ không còn phải ngã xuống nữa. Tôi chợt thấy lạnh người khi nghĩ cả đoàn quân trai tráng, ồn ào kia nếu chiến tranh lại xảy ra thì chỉ sau vài trận nhiều người sẽ chỉ còn là những nấm mồ lẫn vào cỏ cây nơi biên ải. Giá như đất nước mình hoà bình thì những chàng trai này sẽ là những sinh viên, những công nhân, trí thức trên công trường, nhà máy thì hay quá. Đất nước hoà bình sẽ phát triển, không phải nghèo, phải khổ mãi. Hôm qua bưng bát lên thấy cơm của người lính tuyến trước đã phải độn nhiều ngô sắn hơn rồi. Chiến tranh sẽ bòn rút hết tài nguyên, tiềm lực, làm xói mòn kiệt quệ kinh tế của đất nước, sẽ quàng cái ách nghèo, đói lên đầu lên cổ nhân dân.
Đến lối rẽ vào Pác Bó thì tôi đi nhờ được một chiếc xe vận tải chở vật liệu xây dựng lên biên giới cho bộ đội làm công sự. Đến gần Nà Giàng nơi trung đoàn bộ đóng quân tôi ghé một nhà dân ven đường nấu cơm nhờ. Buổi chiều tôi mới phải có mặt tại trung đoàn bộ. Chị chủ nhà nhìn tôi hỏi:
- Chú là lính cũ à?
- Vâng đúng thế ạ!
- Thảo nào nhìn mặt mũi hốc hác nhưng nhanh nhẹn lắm!
- Thế ạ?
- Thì chỉ có lính cũ nên chú mới thông thạo việc nấu nướng thế chứ!
Chị cho tôi một ít mỡ lợn, quả đu đủ xanh và nắm rau cải mới nhổ trên nương để làm thức ăn. Nấu cơm ăn xong tôi vào trung đoàn bộ thì đã đến giờ làm việc buổi chiều.
Trong đoàn các chiến sĩ về xuôi có nhiều người được cử đi đào tạo tại các trường sĩ quan. Tôi và mấy anh em nữa về trường văn hoá của quân khu. Chúng tôi sẽ ôn tập để thi vào các trường đại học. Nghĩ đến lúc được ra quân trở thành một sinh viên tôi lại thấy nao nao trong lòng. Khi còn đi học phổ thông tôi vẫn luôn ước mơ thi vào khoa văn của trường đại học tổng hợp Hà Nội. Nhưng sau cuộc chiến tranh biên giới này tôi lại muốn thi vào trường đại học nông nghiệp. Tôi muốn mình thành một kỹ sư trồng lúa. Tôi nghĩ đến đồng bào nơi biên giới thiếu đói quanh năm mà khi chiến tranh xảy ra vẫn giành gạo ngô tiếp tế cho bộ đội. Tôi nhớ đến cái đói run người những lần leo dốc hành quân. Cái đói khiến bao người lính gục ngã nơi chân dốc núi trong những trận đánh không cân sức. Cái đói, cái khát đã giết chết mấy chục cán bộ, chiến sĩ trong hang sâu khi họ bị bọn giặc bành trướng đánh sập cửa hang. Tôi chợt nhớ đến Nguyễn Văn Đam, một người bạn cùng quê luôn luôn ôm giấc mơ học hành mà nay đã trở thành mây khói ở nơi biên ải này.
Đoàn chúng tôi hành quân về sư đoàn bộ lúc này đang ở Bế Triều, Hòa An. Sau khi hoàn thiện các loại thủ tục giấy tờ chúng tôi tiếp tục cuốc bộ ra thị xã Cao Bằng tìm cách mua vé xe khách đi Thái Nguyên. Ngày ấy đi lại thật khó khăn. Chúng tôi vạ vật cả ngày ở bến xe mà không mua được vé xuôi Thái Nguyên.
Đang loanh quanh ở khu bến xe thì bất ngờ tôi gặp thiếu úy Nguyễn Quốc Hoàn, đại đội phó Đại đội 11, Tiểu đoàn 3. Anh Hoàn rất mừng khi biết tôi được cử về xuôi ôn thi đại học. Anh đang đi tập huấn tranh thủ về thăm nhà. Anh Hoàn rủ tôi về nhà mình chơi. Nhà anh ở ngoài ven thị xã Cao Bằng. Gia đình anh gốc gác quê Thái Bình lên đây định cư đã lâu. Tôi theo anh Hoàn về nhà. Vừa đi chúng tôi vừa vui vẻ nói chuyện, nhắc lại những kỷ niệm trong chiến tranh. Tôi nhớ hôm rút lui lên Lũng Vỉ gặp bộ phận của Đại đội 11. Nhìn thấy đại đội phó Hoàn đầu quấn băng kín vẫn đi lại nhanh nhẹn bình thường, tôi hỏi:
- Anh bị thương nặng không mà băng bó kín cả đầu trông ghê chết như thế?
Anh Hoàn bảo:
- Nặng quái gì đâu! Sướt da vớ vẩn ấy mà!
- Sao vậy?
- Tao đang chỉ huy chiến đấu ở chốt cây đa thứ nhất thì thấy bỏng rát bên má trái, máu chảy ròng ròng. Sờ tay lên thấy bay đâu mất mẹ nó một mẩu tai phải rồi. Mẹ kiếp, thằng giặc chỉ cần nhích mũi súng sang bên trái vài li thì viên đạn cắm thẳng vào giữa mặt tao rồi. Mấy thằng thấy mặt mũi tao be bét máu nên băng bó ngang dọc thế này chứ tao có bị gì nặng đâu.
Tôi bảo:
- Anh đừng chủ quan. Nó mà nhiễm trùng thì khốn…
- Đúng… đúng… nhưng nguy quá rồi mày ơi!
- Sao thế?
- Thì… sau trận này vác cái tai cụt về khéo người yêu tao nó bỏ chạy luôn một mạch mất mày ạ!
Tôi bảo anh:
- Không việc gì đâu anh ạ! Sau chiến tranh vào bệnh viện họ lắp cho một cái tai giả. Tai vẫn vẫy được, vẫn đẹp trai như thường…
- Mày chỉ được cái khéo động viên!
Tôi hỏi tiếp:
- Anh em đại đội 11 thế nào hả anh?
Đang tếu táo, anh Hoàn sầm ngay mặt lại ngậm ngùi:
- Gần như toàn bộ cả hai ban chỉ huy đại đội đều hy sinh cả rồi.
- Sao lại những hai ban chỉ huy?
- Thì mày tính, chiến đấu được hai ngày ban chỉ huy đại đội hy sinh gần hết. Chính trị viên Dương Đình Hà và trung úy Nguyễn Văn Lượng, học viên Trường sĩ quan Chính trị về thực tế đều hi sinh, các đại đội phó Diệp Văn Năm, chính trị viên phó Nguyễn Mộng Lân chết ở chốt cây đa thứ nhất. Dự kiến đề nghị đưa thằng Ngọc trung đội trưởng lên làm đại đội phó thì nó cũng hy sinh luôn. Còn mỗi tao sống sót thì lại bị cụt mẹ nó mất một tai, thật chả ra làm sao...
- Thế còn anh T. đại đội trưởng đâu?
- À… à… ông ấy á! Bom nguyên tử có ném trúng cũng chả việc gì!
- Tại sao vậy?
- Thì… ông ấy cứ ở lì trong hang đá thì việc quái gì chứ?
Thiếu uý Hoàn trả lời một cách quấy quá rồi lừ lừ đi mất. Anh Hoàn là một lính chiến ở mặt trận phía Tây Nam. Thành tích chiến đấu của anh khá dày dặn. Anh là một người chỉ huy gan lỳ. Hầu như suốt thời gian đại đội 11 chống chọi với các đợt tấn công ác liệt của địch, anh luôn luôn có mặt ở chốt cây đa thứ nhất chỉ huy bộ đội và trực tiếp bẻ gãy các đợt tấn công liên tiếp của chúng. Trong khi đó thì đại đội trưởng T. chui trong hang đá để tránh pháo rồi chỉ huy bằng điện thoại và qua liên lạc truyền đạt. Mệnh lệnh lúc tới được các trung đội, lúc thì không và chả đúng tý gì với tình huống chiến sự đang xảy ra. Đại đội 11 nếu không có một người chỉ huy như anh Hoàn thì bị mất trận địa ngay từ ngày đầu tiên bọn Trung Quốc tràn sang đông như kiến cỏ.
Bà mẹ anh Hoàn rất vui khi thấy hai chúng tôi về. Bà vội vã làm cơm. Suốt bữa bà cứ ngồi nhìn hai chúng tôi ăn. Cuộc chiến tranh vừa qua thật là khủng khiếp đối với một người như bà. Bà phải chạy vào trong rừng rồi về tận Bắc Cạn mà lòng như lửa đốt lo lắng cho con ở tuyến trước. Ăn cơm xong trời đã sẩm tối, tôi chào mẹ con anh Hoàn để ra bến xe. Chúng tôi sẽ chia nhau bám trụ ở bến xếp hàng cả đêm để chờ mua vé xe khách và ra đường quốc lộ xem có cái xe tải quân sự nào chạy về xuôi để đi nhờ. Kể từ lần ấy đã bốn mươi năm rồi tôi không gặp lại anh Hoàn lần nào nữa.
Về đến Trường Văn hóa Quân khu 1 tôi được biên chế về Đại đội 4 chuyên ôn thi vào đại học. Tại trường tôi gặp nhiều anh em ở các đơn vị chiến đấu cũng về đây học tập. Ở trường văn hóa có nhiều thầy dạy rất giỏi, có kinh nghiệm bồi dưỡng thi đại học. Tôi hi vọng mình sẽ thi đỗ vào đại học nông nghiệp như mong muốn. Nhưng rồi cuộc đời chiến sĩ không định trước. Chuẩn bị đến kỳ thi đại học thì tôi lại được cử về học tại Trường Sĩ quan Chính trị tại Bắc Ninh. Thời gian sau Nguyễn Xuân Hòa, thống kê chính trị và Cao Thành Văn, trợ lý quân khí Tiểu đoàn 3 cũng từ Cao Bằng về học tập tại Trường Sĩ quan Chính trị. Mỗi lần gặp nhau chúng tôi đều ôn lại những ngày chiến đấu gian khổ ở biên cương phía Bắc 2-1979. Tôi và Nguyễn Xuân Hòa hay cùng nhắc nhớ về một kỷ niệm ở Lũng Mật ngay sau khi Tiểu đoàn 3 đã rút lui lên núi. Hôm đó, chúng tôi vừa xuống Lũng Mật để lấy nước và lương thực thì bị bọn địch tập kích bất ngờ. Sương mù chưa tan hẳn thì tiếng súng nổ chát chúa khắp Lũng Mật. Đó là tiếng súng 12ly7 và tiếng đạn cối 60. Thung lũng mù mịt lửa khói. Tiếng kêu hoảng loạn của nhiều người dân trong bản vang lên. Chúng tôi vội vớ lấy súng đạn nhưng chưa biết quân địch ở phía nào mà bắn. Mọi người phải nằm ép người vào các mô đá, khe hốc núi để tránh đạn.
Khi xác định được hướng bắn của bọn địch chúng tôi càng lo lắng, sợ hãi. Bọn địch đã vác được súng 12ly7, đại liên và cối 60 lên một mỏm núi cheo leo dốc đứng ở đầu Lũng Mật. Từ đây chúng có thể khống chế toàn bộ thung lũng. Bọn này chắc chắn phải là lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của quân địch. Chúng chính là bọn lính sơn cước. Bọn này leo vách núi rất giỏi giống như một lũ tắc kè, kỳ nhông hoang dã trên núi.
Chúng tôi vội ép người sau các mô đá chống trả quân địch. Nhưng có nhiều người nấp sau mô đá vẫn bị trúng đạn của bọn địch đang ở trên cao. Những viên đạn bắn tỉa của chúng xỉa xuống khá chính xác. Chúng tôi được lệnh nhanh chóng vượt qua đoạn dốc giống như dây diều căng trên sườn núi để rút sang hướng Lũng Vài, Lũng Vỉ. Đoạn đường rất dốc và trống trải. Nếu không khống chế được hoả lực địch trên mỏm núi đầu Lũng Mật thì đội hình chúng tôi leo lên dốc sẽ làm những tấm bia sống cho bọn giặc thử súng.
Khi Đại đội 12 tổ chức được hỏa lực 12ly7 bắn trả, khống chế quân địch thì chúng tôi nhanh chóng vượt qua con dốc dây diều rút sang thung lũng bên cạnh. Chúng tôi chạy gằn trên đoạn dốc trống trải, vừa chạy vừa tránh đạn địch. Đó đúng là một cuộc chạy đua với cái chết thực sự. Cứ chạy một đoạn chúng tôi lại phải nằm sấp xuống mặt đường tránh đạn. Đạn địch vẫn bắn xối xả, khói bụi mù mịt, lá cây rừng ven con đường mòn rụng xuống tơi tả. Có những người bị trúng đạn chới với ngã gục xuống mặt đường hoặc lăn nhào xuống sườn núi.
Tôi đeo ba lô, xách súng chạy ngược lên dốc. Linh tính hay là sự may mắn đã giúp tôi thoát khỏi những loạt đạn bắn đuổi của bọn địch. Cứ chạy được một đoạn tôi lại lao người nằm úp xuống đường. Khi tôi vừa đổ người nằm ép xuống mặt đường thì đạn địch lại bắn chiu chíu ngay sát trên lưng, lá cây bên phía vách núi rụng xuống lả tả. Thật may, lần nào tôi cũng thoát cả. Thằng Hòa, thống kê chính trị tiểu đoàn chạy phía trước tôi. Nó lao lên nấp được sau một mô đá to khá an toàn.
Nhìn thấy tôi lúc chạy gằn, lúc nằm bẹp xuống mặt đường để tránh đạn thằng Hòa bèn gọi to:
- Bảo ơi! Cứ bình tĩnh mà chạy lên đây nhé. Tao sẽ yểm hộ cho…
Nó cầm khẩu M79 giơ giơ lên như để động viên tôi. Nghe nó gọi tôi vừa ngước lên nhìn thì bỗng "oành" một tiếng. Quả đạn cối 60 nổ trên vách núi ngay trên đầu dốc chỗ thằng Hoà đang nấp. Mảnh đá vụn văng rào rào, khói bụi mù mịt, lá cây bay tả tơi. Tôi hốt hoảng nghĩ: “Thôi chết. Không khéo thằng này tan tành thành từng mảnh mất rồi!”. Lợi dụng khi đạn địch vừa ngớt, tôi lại nhỏm ngay dậy lao lên. Khi tôi chưa kịp đổ người nằm xuống thì một quả cối 60 và một loạt đạn địch bắn trùm lên cả đoạn đường. Tôi bị hất văng vào vách đá. Tôi cố gượng lật người nằm úp xuống mặt đường, thu thân hình nhỏ nhất để tránh đạn bắn tỉa của bọn địch. Chợt thấy bụng mình ướt sũng tôi hoảng quá nghĩ: "Mình bị thương rồi! Nhưng tại sao lại không thấy đau và choáng nhỉ?". Tôi vội thò tay xuống bụng rồi đưa lên nhìn thấy bàn tay đỏ quạch. Không phải là máu mà là màu đất đỏ trên mặt đường. Hóa ra một viên đạn đã bắn trúng thủng cái bi-đông trong cóc ba lô, nước chảy ra ướt sũng áo khiến tôi tưởng là máu.
Lúc vượt lên tới đỉnh dốc, lăn được sang phía bên kia sườn núi, khuất hẳn tầm bắn của bọn địch thì tôi gặp thằng Hòa. Nó đang ngồi thu lu trong một hốc đá ngay sát bên lối đi. Thấy nó không bị sây sát gì tôi mừng lắm. Nó cũng rất mừng khi thấy tôi thoát lên được. Tôi bảo nó:
- Chờ mày yểm hộ thì tao toi mạng từ tám hoánh nào rồi?
Nó cười hề hề tuy mặt thì vẫn còn tái đi:
- Nói thế để cho mày yên tâm. Khẩu M79 của tao chỉ còn mỗi một viên đạn thì yểm hộ cái cóc khô gì được nữa chứ?
Tôi ngồi phịch xuống cạnh nó. Tôi vừa thở dốc vì mệt vừa nói:
- Thảo nào nó mới choang cho một quả cối cách xa đến cả trăm mét mà mày đã chuồn nhanh thế!
- Hì… suýt nữa thì tao tan xác vì quả cối ấy đấy! Mà này, mày đói chưa?
- Từ sáng đến giờ nó choảng cho tối mắt, tối mũi, đã kiếm được cái gì cho vào bụng đâu?
Thằng Hòa lục cóc ba lô lôi ra nửa con gà luộc. Nó xé đưa cho tôi cái đùi gà và bảo:
- Hôm qua xuống bản, bà con cho đấy! Mày ăn đi cho đỡ đói.
Hai thằng vừa lau mặt vừa ăn. Thịt gà ăn vã, không muối, nhạt bã ra trong miệng. Khi cùng về học tại Trường Sĩ quan Chính trị, mỗi lần gặp nhau tôi và Hòa lại nhắc đến kỷ niệm của lần suýt chết ở Lũng Mật sáng hôm ấy và càng xót thương cho biết bao đồng đội cùng lên biên cương nhưng không có ngày trở về như chúng tôi. Một thời gian sau, tôi liên lạc được với anh Hoàng Quốc Doanh, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3 nhờ có một học viên lớp sau là người cùng quê Văn Khúc, Cẩm Khê, Phú Thọ với anh. Nghe anh Doanh nói tôi đang học ở Trường Sĩ quan Chính trị cậu học viên này đã tìm tôi. Mãi đến năm 2014, trong một lần gặp mặt các cựu chiến binh Trung đoàn 246 tôi mới gặp lại anh Bùi Thế Thọ, nguyên trợ lý tham mưu của Tiểu đoàn 3. Anh Thọ lên đến chức trung đoàn trưởng và đã nghỉ hưu.
Bốn mươi năm đã qua, không biết những ai còn, ai mất? Nhưng chắc chắn những người còn sống chúng tôi sẽ không bao giờ quên những ngày gian khổ chiến đấu ở biên cương phía Bắc mùa xuân năm ấy...
(Hết) Hà Nội, 3-2019

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

Ghi chép CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 11

CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 11
Ghi chép của Trọng Bảo

11-Góc khuất của chiến tranh

Một buổi trưa, đi đào công sự về mệt quá, ăn cơm xong tôi lăn ra ngủ. Vừa chợp mắt được một lát thì có người lay gọi:
- Dậy… dậy… ngay…
- Dậy làm gì, đào công sự cả buổi mệt đứt hơi chưa kịp ngủ đã gọi... gọi cái gì… - Tôi càu nhàu.
- Dậy đi, có việc gấp đây!
Nghe rõ tiếng chính trị viên Hoàng Quốc Doanh, tôi liền ngồi bật dậy. Vốn lính chiến, quen những tình huống chiến đấu bất ngờ nên nghe tiếng gọi của cấp trên gọi là tôi tỉnh ngay. Tôi vội quờ tay vớ luôn khẩu súng để trên đầu giường. Đoạn, tôi nhảy xuống đất vội vàng đeo giày để phóng đi luôn. Anh Doanh phì cười:
- Mày định đi đâu đấy?
- Chắc lại có bọn thám báo nó mò sang ạ?
- Thám báo nào? Cất súng đi ra đây tao bảo...
Lúc này tôi mới nhìn kỹ chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh. Anh ăn mặc chỉnh tề, tay đang cầm một cuộn giấy, nét mặt vui vẻ. Anh cười vì cái tính hấp tấp của tôi, cứ có ai gọi thì việc đầu tiên là tìm ngay khẩu súng. Âu đó cũng là tác phong của những người lính ở nơi đối diện với quân thù hằng ngày. Chúng tôi đã có mặt ở biên giới từ những ngày còn cùng nhau mặc quần áo dân thường đi rào biên giới, tranh nhau từng tấc đất, ném đá, đánh nhau bằng tay chân và gậy gộc với bọn lấn chiếm đất đai cho đến lúc nổ ra chiến tranh đấu súng, đấu pháo với chúng cho nên ai cũng có cái tác phong luôn luôn sẵn sàng ấy.
Anh Doanh bảo:
- Đem ngay cuốn sổ ghi chép của mày ra đây!
Tôi ấp úng:
- Cuốn sổ nào ạ?
- Cuốn nhật ký mà mày vẫn ghi chép tình hình chiến sự hằng ngày trong thời gian đánh nhau ấy!
- Cuốn sổ ấy em đã đốt nó cùng các loại giấy tờ để đảm bảo bí mật theo lệnh của chỉ huy tiểu đoàn cái hôm trước khi phá vòng vây quân địch ở Thông Nông rồi còn đâu nữa ạ?
Anh Doanh trừng mắt:
- Mày đừng có nói dối! Hôm ấy, mày chỉ đốt mỗi cuốn sổ ghi các sáng tác văn thơ thôi. Còn cuốn nhật ký ghi chép về tình hình chiến sự thì mày vẫn lén giấu trong người đem đi. Mang nó ra đây ngay…
Tôi cười hì hì:
- Làm sao anh lại biết ạ?
- Tao biết! Có chết, mày không bao giờ đốt cuốn sổ ấy đâu. Đem nó ra đây ngay, có việc cần đấy!
- Có việc gì mà lại liên quan đến cuốn nhật ký của em ạ?
Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vừa đặt tập giấy xuống cái bàn ghép bằng mấy miếng ván kê giữa nhà vừa nói:
- Tiểu đoàn 3 chúng ta được đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Do đó, phải chuẩn bị một bản báo cáo thành tích trong cuộc chiến đấu vừa qua. Mày văn hay, chữ tốt, lại nắm được toàn bộ diễn biến của các trận đánh nên chiều nay không phải đi đào công sự nữa mà ở nhà giúp chỉ huy tiểu đoàn viết bản báo cáo thành tích trong chiến đấu vừa qua, hiểu không?
Tôi đã hiểu rồi. Tôi rút trong túi cóc ba lô ra một cuốn sổ nhỏ tự đóng bằng loại giấy đen mặt nhẵn, mặt trơn lấm lem bùn đất. Ngồi xuống bên cạnh anh Doanh, tôi đặt lên bàn trước mặt anh cuốn nhật ký của mình. Tay tôi run run lật từng trang ghi chép trong chiến đấu. Anh Doanh cùng tôi đọc lại những trang viết vội nguệch ngoạc, mỗi ngày vài dòng tóm tắt tình hình trong những ngày gian khổ ác liệt ấy. Mấy ngày đầu còn ít mực tím thì tôi ghi rất rõ ràng, những ngày sau ghi bằng bút chì, ở trên núi đá sương mù, mưa ẩm nên nhòe mờ, rất khó đọc. Chính trị viên Hoàng Quốc doanh lặng người đi khi đọc những câu văn cộc lốc, những con số ghi chép trần trụi trong cuốn nhật ký của tôi về những chiến công về sự hy sinh của đồng đội. Những thông tin này trong khi chỉ huy chiến đấu chúng tôi cũng đã biết rất rõ, nhưng bây giờ đọc lại vẫn thấy nhói lên trong tim...
Chúng tôi hoàn thành bản báo cáo thành tích trong cuộc chiến đấu để cấp trên đề nghị xét phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng cho Tiểu đoàn 3. Rồi đây Tiểu đoàn 3 chúng tôi trở thành một đơn vị anh hùng, nhưng tự dưng tôi lại không thấy vui mừng mà chỉ thấy man mác một nỗi buồn, một nỗi buồn sau thẳm trong lòng khi biết bao nhiêu anh em, đồng đội, bạn bè thân thiết đã không còn nữa để đón nhận sự vinh quang này. Chính trị viên tiểu đoàn dặn tôi không được "bép xép" chuyện tiểu đoàn trưởng bỏ vị trí chỉ huy hôm 20 tháng 2, ngày mà bọn giặc tấn công ác liệt nhất vào thị trấn Sóc Giang. Anh không giải thích gì thêm nhưng tôi hiểu nếu chuyện này lộ ra thì tiểu đoàn tôi sẽ không được phong tặng danh hiệu anh hùng. Không ai phong anh hùng cho một đơn vị mà người chỉ huy cao nhất của đơn vị ấy lại bỏ vị trí của mình khi tình huống chiến đấu cam go. Sau này tôi càng hiểu thêm, một người chỉ huy dũng cảm, mưu trí như anh Doanh cũng không thể được phong tặng danh hiệu anh hùng. Bởi vì nếu đề nghị tặng danh hiệu anh hùng cho anh Doanh thì anh sẽ phải báo cáo về trận đánh mà anh chỉ huy chiến thắng bọn Trung quốc xâm lược vang dội nhất ở thị trấn Sóc Giang ngày 20 tháng 2. Lúc ấy, cấp trên người ta sẽ đặt câu hỏi hôm đó tiểu đoàn trưởng đi đâu mà chính trị viên tiểu đoàn phải trực tiếp chỉ huy chiến đấu? Như vậy sẽ lộ ra chuyện tiểu đoàn trưởng bỏ vị trí chỉ huy khi ác liệt nhất. Và không khéo thì tất cả sẽ "xôi hỏng, bỏng không"... Đó là một góc khuất trong chiến tranh mà sau bốn mươi năm tôi không còn ngại khi đề cập đến. Bây giờ mọi việc đã qua lâu rồi dù sương khói và hồn liệt sĩ vẫn còn quẩn quanh nơi biên giới xa xôi...
Chính trị vên Hoàng Quốc Doanh đi rồi, anh em trong tiểu đội vẫn chưa đi đào công sự về, chỉ còn một mình tôi. Tự dưng nỗi buồn sâu thẳm ấy cứ dâng dâng lên mãi trong tôi.
Tôi bước ra khỏi lán ngước nhìn lên bầu trời. Có một cơn giông gió đang cuồn cuộn dâng lên từ phía Bắc. Mây đen vần vũ trên những đỉnh núi đá lởm chởm nơi biên thùy. Nơi mảnh đất cuối cùng Tổ quốc này tiếng súng vẫn chưa một ngày lắng im…
*
Sau chiến tranh nhiều việc phải làm. Tình hình biên giới vẫn căng như sợi dây đàn. Bọn địch vẫn liên tục tung thám báo sang đất ta trinh sát. Thỉnh thoảng hai bên lại xảy ra những vụ nổ súng lẻ tẻ. Vẫn có những người ngã xuống vì chạm súng hoặc vướng phải mìn chưa nổ. Phía biên giới Hà Giang vẫn tiếp tục xảy ra những trận đánh lớn ở Vị Xuyên. Quân xâm lược phương Bắc hôm nay giống như cha ông chúng ngày xưa chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính, đô hộ nước ta.
Tiểu đoàn 3 chúng tôi dần ổn định vị trí đóng quân. Những ngôi nhà nửa chìm nửa nổi trên chốt vừa là chỗ ăn nghỉ, vừa làm công sự chiến đấu khi cần thiết. Cùng với việc xây dựng trận địa, ổn định nơi ăn ở, các đơn vị bắt đầu việc bình xét, khen thưởng những người có thành tích trong chiến đấu. Nhiều người được tăng huân chương chiến công, được thăng quân hàm vượt cấp nhờ những chiến công đã lập được. Một số cán bộ cũng được bổ nhiệm chức vụ mới. Phần lớn là lên một chức. Bạn bè tôi đều được thăng quân hàm, bổ nhiệm chức vụ, được xem xét bồi dưỡng để kết nạp vào đảng. Duy chỉ có mình tôi là không được phong quân hàm và khen thưởng gì.
Thằng Lợi có vẻ thắc mắc cho tôi. Nó nói:
- Tại sao mày trong chiến đấu nhiệm vụ nào cũng hoàn thành tốt mà lại chả được khen thưởng, thăng quân hàm, cất nhắc chức vụ gì nhỉ?
Tôi bảo:
- Thôi thì... qua chiến tranh còn giữ được cái chỗ đội nón để mò về quê quán là tốt lắm rồi?
- Có nguyên nhân cả đấy! - Trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ vừa vào cửa nghe rõ câu chuyện của hai chúng tôi nên lên tiếng. Chúng tôi cùng quay ra cửa. Anh Thọ đeo ba lô bước vào. Anh được bổ nhiệm làm đại đội trưởng. Anh cũng đến chia tay với chúng tôi để về nhận nhiệm vụ tại đơn vị mới. Đặt cái ba lô xuống sạp, anh chìa tay nắm tay tôi bóp chặt khiến tôi nhăn mặt. Anh nói tiếp:
- Mày bị tố cáo là trong lúc thất lạc khỏi đội hình của tiểu đoàn rất vô kỷ luật, không chấp hành mệnh lệnh chỉ huy chung của người có quân hàm cao nhất, tự ý đưa bộ đội cùng dân quân chặn đánh địch ở Táp Ná, rồi vào bản bắt cá trộm, lấy ngô, lúa của dân…
- Ơ…
Tôi há hốc mồm ngỡ ngàng vì những điều mà anh Thọ nói. Trong lúc bị thất lạc, lang thang trong vòng vây của quân thù bộ phận nào chả phải xuống các bản làng để kiếm tìm lương thực, nhặt củ khoai, củ sắn, bắp ngô của dân để lại mà ăn có sức mà chiến đấu, mà tìm về đơn vị cũ. Nhưng nếu nói như thế này thì quả tôi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng thật rồi. Tôi chợt thấy hơi lo lắng hoang mang. Anh Thọ ngần ngừ một lát rồi nói tiếp:
- Nguy nhất là... mày còn bị tố cáo trong lúc đang bị quân địch bao vây còn sử dụng cả thuốc phiện nữa đấy!
Tôi càng thêm kinh ngạc khi anh Thọ cho biết là những sai phạm của tôi đã được đưa ra thảo luận tại một cuộc họp của chỉ huy lãnh đạo tiểu đoàn. Buổi họp để bình xét công lao, thành tích cuộc chiến đấu vừa qua. Tôi hiểu rồi. Người nêu ra những khuyết điểm của tôi chắc chắn không ai khác chính là đại đội trưởng T. Tôi chợt hiểu vì sao mọi chuyện anh ấy đều đổ hết cho tôi.
Tôi cũng không thể giải thích được vì có ai hỏi lại mình xem những chuyện ấy sai, đúng thế nào đâu mà phân bua. Mọi việc cứ âm thầm diễn ra ở đâu đó thế thôi. Đại đội trưởng T. cũng đã được thăng quân hàm thượng uý và bổ nhiệm giữ chức vụ tiểu đoàn phó. Hiện giờ thì anh ấy cũng đã đi nhận nhiệm vụ tại một đơn vị huấn luyện ở tuyến sau, mãi dưới tận dưới Hoà An, gần thị xã Cao Bằng.
Lúc tạm biệt để lên đường anh Thọ và thằng Lợi vẫn có vẻ còn ái ngại và băn khoăn cho tôi. Tôi cười cười động viên hai người:
- Thôi, chuyện đã qua rồi, chả việc gì phải suy nghĩ mãi. Chúc các vị lên đường nhận nhiệm vụ mới công thành danh toại, thăng quan tiến chức đều đều như diều gặp gió nhé.
Anh Thọ và thằng Lợi đi rồi tôi chợt thấy trống trải và buồn quá. Chính trị viên Hoàng Quốc doanh được đề bạt lên giữ chức phó chính ủy trung đoàn nhưng chưa đi vì còn một số công việc chưa bàn giao xong. Một hôm gặp tôi anh bảo:
- Mày ở lại phải cố gắng nhé! Tao sắp lên về trung đoàn rồi!
Tôi chúc mừng anh được thăng cấp, lên chức. Thực ra tôi cũng chả quan tâm nhiều nữa đến những việc đã xảy ra trong chiến tranh. Mọi sự đã an bài. Tôi nghĩ thế. Bởi vì có những chuyện chả bao giờ phân định sai đúng một cách thật rõ ràng được đâu. Nếu nâng quan điểm lên thì là tôi sai rõ ràng. Sai ở chỗ là đã không chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy cao nhất theo điều lệnh chiến đấu của quân đội. Khi bọn địch tấn công tôi không chịu rút lui ngay theo lệnh của đại đội trưởng T. còn cố ở lại cùng số dân quân hỗ trợ dân chạy giặc dẫn đến đã làm thêm tổn thất cho bộ đội. Sai nữa là ở chỗ lấy ngô lúa, bắt cá của dân. Bây giờ bà con dân bản có bỏ qua thì cũng vẫn là vi phạm kỷ luật dân vận. Nên nếu thẩm tra rõ thì mình có khi mình lại nặng tội thêm.
Tiểu đoàn bắt đầu nhận chiến sĩ mới, bước vào huấn luyện. Tôi được cử làm giáo viên huấn luyện môn học vô tuyến cho trung đội thông tin tiểu đoàn. Một buổi sáng, tôi đang hướng dẫn bộ đội thực hành thao tác máy vô tuyến điện ngoài thao trường thì có lệnh về gặp chỉ huy tiểu đoàn gấp ngay.
Tôi hơi hoảng nghĩ: “Hay là trên họ điều tra ra những vi phạm của mình trong chiến đấu nên triệu lên để thi hành kỷ luật”. (Thời gian này ở hướng Lạng Sơn đã có chiến sĩ phải ra toà án binh vì đã dùng súng bắn một con bò của nhân dân lấy thịt ăn). Tuy vậy, tôi cũng tự động viên chắc chỉ là thuyên chuyển công tác bình thường thôi, chả có chuyện gì đâu.
Đến nhà chỉ huy của tiểu đoàn tôi đang ngó nghiêng xung quanh thì có tiếng gọi:
- Thằng Bảo đấy à! Vào đi!
Tôi bước vào nhà, Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh đang ngồi sau bàn làm việc. Thấy tôi vào, anh bảo tôi ngồi xuống ghế. Anh Doanh rót ca nước đưa cho tôi rồi hỏi:
- Chú mày vẫn khoẻ chứ?
- Vâng ạ! Thì vẫn thế thôi ạ... Anh chưa lên trung đoàn nhậm chức vụ mới ạ?
- Chưa! Mai tao mới đi... mà mày vẫn còn bất mãn vì chuyện không được thăng quân hàm và khen thưởng chứ?
Tôi ậm ừ:
- Em là hạ sĩ quan, chiến sĩ hết nghĩa vụ thì về phục viên theo con trâu đi cày, quân hàm, quân hiệu có là cái gì đâu mà bất mãn ạ?
- Nhưng cùng nhập ngũ với mày nhiều thằng sau chiến tranh được phong cấp uý, lên đến chức đại đội phó rồi đấy!
- Thì họ có số làm quan, số em chỉ làm lính tráng thôi anh ạ!
Anh Doanh mỉm cười:
- Mày cũng lý luận gớm nhỉ?
- Thì em chỉ nói thật thế thôi chứ lý luận gì đâu ạ!
Anh Doanh im lặng một lát rồi đột nhiên nói sang chuyện khác:
- Việc của mày coi như đã xong rồi…
Tôi thấy hơi lo:
- Tiểu đoàn đã cho người đi Táp Ná thẩm tra rồi ạ?
- Không… chả cần thẩm tra làm gì nữa?
- Sao lại thế ạ! - Tôi hỏi lại, giọng hơi run: - Vậy em phải hình thức kỷ luật thế nào ạ?
- Kỷ luật gì?
- Thế em cứ tưởng…
Anh Hoàng bật cười:
- Tưởng cái gì! Sao chưa chi mặt mũi mày tái mét đi thế, lính chiến mà lại thế à? Mày chả phải kỷ luật, kỷ liệc gì cả đâu, yên tâm đi.
- Vậy là tiểu đoàn phó T. đã nói lại việc của em rồi ạ?
Anh Hoàng ngần ngừ một lát rồi nói:
- Nói gì… ông ấy đã… đã… đào ngũ rồi!
Tôi vô cùng sửng sốt. Tưởng là tai mình nghe nhầm, tôi thảng thốt hỏi lại:
- Anh ấy là cán bộ tiểu đoàn cơ mà, có phải chiến sĩ đâu mà lại đào ngũ?
- Thế đấy! Ông ấy bỏ đơn vị về nhà đã mấy tháng nay rồi. Trung đoàn đã gọi điện, rồi cử cán bộ mấy lần về tận nhà động viên nhưng ông ấy vẫn không chịu trở lại đơn vị. Thế chả là đào ngũ thì là gì nữa?
Tôi vẫn không hiểu. Sao có chuyện tày trời thế. Tôi chỉ mới ở quân ngũ dăm năm. Trong chiến tranh chống Mỹ thì chả nói làm gì còn bây giờ sao lại có sĩ quan đào bỏ ngũ chứ. Hay là có chuyện gì đã xảy ra đối với anh T. Anh ấy vừa được bổ nhiệm lên chức vụ tiểu đoàn phó, lại chuyển về tuyến sau huấn luyện chiến sĩ mới mà lại đào ngũ thì vô lý quá. Hơn nữa bây giờ chiến tranh đã tạm thời kết thúc rồi làm gì còn nguy hiểm, ác liệt, chết chóc nữa mà phải bỏ ngũ. Tôi thấy hoang mang và băn khoăn về chuyện này quá. Tôi hỏi lại anh Doanh:
- Hay là hoàn cảnh gia đình anh ấy đang có vấn đề gì khó khăn hả anh?
- Chả có vấn đề gì đâu! Ông ấy bỏ ngũ thật đấy, trung đoàn đã thẩm tra, xác minh chuyện này rất kỹ rồi. Kết luận về hành động của một người sĩ quan, cán bộ trung cấp trong quân đội phải rất thận trọng, cân nhắc kỹ. Nhưng thôi việc này mày nghe biết thế nhé, không nên nói cho ai biết nữa. Chỉ huy trung đoàn đang nghĩ cách xử trí việc ông ấy bỏ ngũ. Có thể làm chế độ để cho ông ấy ấy về phục viên. Dù sao ông ấy cũng là một người lính tham gia quân đội từ thời chống Mỹ...
Tôi vẫn không thể tin việc anh T. đã bỏ ngũ là sự thật. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh bảo:
- Ông ấy bỏ ngũ nên những việc ông ấy đã nói trong chiến đấu cũng cần phải xem xét lại. Chuyện ông ấy từng báo cáo về mày coi như là không thật chính xác. Vì thế chỉ huy tiểu đoàn mới gọi mày lên để thông báo là đã đề nghị cho mày về trường văn hóa của quân khu ôn thi vào đại học.
Tôi thở phào nhưng trong lòng không thấy nhẹ nhõm hơn chút nào. Tôi cứ bị ám ảnh mãi về việc anh T.- một sĩ quan trung cấp, một cán bộ tiểu đoàn mà lại đào ngũ. Thật chả còn hiểu ra làm sao. Thấy tôi lặng im suy nghĩ anh Doanh cũng im lặng. Chắc anh cũng đang trăn trở vì chuyện này. Một lát sau anh nói với tôi như nói với chính mình. Giọng anh chùng xuống vẻ xót xa: “Bản chất người lính chiến là thế! Sự hèn nhát không thể giấu kín mãi được đâu! Mày hiểu không?”.
Cũng phải đến mấy năm sau - lúc này tôi đã là học viên năm thứ 3 của Trường Sĩ quan Chính trị - một hôm được nghỉ tôi đạp xe tranh thủ về thăm nhà. Lúc đi qua thị trấn Phù Lỗ tôi chợt nhìn thấy một người đang thong thả đạp xe phía trước trông có vẻ quen quen. Ông ta vừa đạp xe vừa huýt sáo theo giai điệu bài hát "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới". Một bên ghi đông cái xe đạp tồng tộc của ông treo lủng lẳng cái thủ lợn và chiếc chân giò, bên kia treo xâu dồi lòng lợn. Tôi liền đạp rấn lên và nhận ra đó là đại đội trưởng T. Anh T. cũng nhận ngay ra tôi. Chúng tôi hỏi thăm nhau. Anh T. bảo tôi rẽ vào nhà anh chơi. Tôi liền đạp xe theo anh. Té ra anh mở quán bán cháo lòng tiết canh ở ngã ba Phù Lỗ, lối vào sân bay Nội Bài cũ. Anh đang đi chợ mua đồ về để làm hàng.
Tôi và anh ngồi nói chuyện với nhau khá lâu. Có lẽ anh T. không biết chuyện là tôi đã rõ cái việc anh tố cáo tôi trong buổi họp đảng uỷ tiểu đoàn sau chiến tranh năm nào nên anh nói chuyện với tôi rất tự nhiên, vô tư. Còn tôi thì chuyện cũ đã qua lâu rồi, cũng chả còn thấy bận tâm gì nữa. Tôi vui vẻ chén một loa cháo lòng nóng hổi anh bưng ra. Có lẽ đang đói nên tôi thấy loa cháo ấy thật là ngon…
(còn nữa) Hà Nội, 3-2019

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

Ghi chép CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 10

CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 10
Ghi chép của Trọng Bảo 

10- Ngày cuối cùng của chiến tranh

Đó là ngày 15 tháng 3 năm 1979. Ngày cuối cùng của một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Sở dĩ tôi viết như vậy vì từ ngày 5-3-1979, Trung Quốc đã tuyên bố rút quân khỏi nước ta. Đến ngày 15-3, bọn giặc mới cơ bản rút hết lực lượng qua khỏi đường biên trở về nơi chúng xuất phát sang xâm lược, tàn phá nước ta. Trong thực tế thì cuộc chiến tranh biên giới còn kéo dài thêm 10 năm nữa ở Vị Xuyên, Hà Giang. Hàng ngàn đồng đội của tôi tiếp tục ngã xuống sau "ngày cuối cùng của chiến tranh" ấy. Năm 1984, khi tôi làm cán bộ một đại đội ở Lạng Sơn thì máu chiến sĩ vệ quốc Việt Nam vẫn đổ ở bình độ 400, Cao Lộc, ở Bản Chắt, Đình Lập. Năm 1989, tôi dẫn các học viên sĩ quan đi thực tế tại Lạng Sơn còn chứng kiến sự hy sinh của những người lính chúng ta ở hướng Đồng Đăng...
Sở dĩ phần cuối cùng của ghi chép "Chúng tôi ở biên cương phía Bắc" hôm nay tôi mới đăng vì muốn đưa lên để ghi nhớ ngày này của 40 năm trước đây.
Ngày 15-3 của bốn mươi năm trước, là ngày bộ phận thất lạc lang thang trong vòng vây quân giặc của tôi gặp lại được đội hình của Tiểu đoàn 3. Buổi sáng hôm ấy, tôi dẫn ba chiến sĩ lần theo con đường độc đạo vượt dãy núi từ Thông Nông sang huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) để tìm đơn vị. Dọc đường đi tình hình có vẻ yên ắng. Tiếng súng chỉ thưa thớt ở đâu đó rất xa, dấu hiệu hành quân tác chiến của quân địch cũng không thấy. Tuy vậy, tôi căn dặn anh em phải hết sức cảnh giác, tránh đụng độ với quân địch thêm sự hy sinh, mất mát. Không biết thông tin bọn địch đã tuyên bố rút quân nên tôi rất thận trọng. Bốn anh em, mỗi người đi cách xa nhau một đoạn ngắn sẵn sàng chi viện cho nhau. Chiến sĩ đi đầu phải chú ý quan sát địch và dò đường, tránh vấp phải mìn của chúng gài bẫy. Chiến sĩ đi phải sau cũng phải cẩn trọng đề phòng địch phát hiện truy đuổi theo. Tôi đi giữa đội hình để chỉ huy. Do bị bọn địch, nhất là bọn lính sơn cước của chúng truy đuổi liên tục cả tháng qua nên tôi càng phải thận trọng.
Tôi vừa cố bước đi vừa thở dốc. Hôm trước do ăn uống thiếu vệ sinh, cơm ngô sống xít, uống lã ở nước khe suối nhiều xác động vật và cả xác người nữa nên tôi bị đau bụng dữ dội và đi ngoài liên tục gần lả đi. Sự việc từ cuối buổi chiều qua, vừa nhai một miếng cơm nắm xong thì bụng tôi bỗng quặn đau dữ dội. Sau đó, tôi bị "tào tháo" đuổi, đi ngoài ra toàn nước. Tôi đau bụng và đi ngoài liên tục không ngừng lại được. Người tôi mệt bã ra vì đau và mất nước. Tôi nằm rũ người trong một khe đá. Mệt đến nỗi chân tay không nhấc lên nổi. Cứ thế này thì nguy hiểm quá. Với sức khoẻ suy kiệt thế này chắc chắn ngày mai tôi không thể nào đi tiếp được nữa. Tôi đã nghĩ đến phương án phải ở lại Táp Ná với một số anh em dân quân của bản. Giữa lúc ấy thì anh dân quân bản và một người đàn ông vẻ gầy gò đến. Sau khi hỏi han tình hình của tôi, người đàn ông gầy gò nói:
- Chú phải uống một liều thuốc phiện thôi!
- Không được. Lỡ anh ấy bị sốc hay bị nghiện thuốc phiện thì làm thế nào?
Một chiến sĩ lập tức phản đối. Nó lo lắng cho tôi. Anh dân quân cũng đắn đo mãi rồi mới nói:
- Có lẽ không việc gì đâu!
Tôi vừa nghe họ bàn đến đấy đã phải ngồi dậy ôm bụng lần ngay ra phía sau gộp đá. Cơn đau vẫn quằn lên làm tôi chỉ muốn gục xuống. Người tôi hình như đã bị rút kiệt hết nước, hết sức lực rồi. Mệt quá, tôi phải bám vào vách đá mới đứng vững và lần bước đi từng bước. Quay về đến chỗ khe đá mọi người đang ngồi, tôi quyết định luôn:
- Đưa... thuốc phiện... cho tôi!
Thằng Châu và mấy chiến sĩ lo lắng. Nó cứ năn nỉ can ngăn tôi không nên uống thuốc phiện. Tôi vừa thở dốc vừa nói với nó và mọi người, cũng là tự trấn an mình:
- Điều quan trọng nhất bây giờ là khỏi bệnh thật nhanh để còn tiếp tục chiến đấu và hành quân theo anh em. Sống sót, thoát được ra khỏi vòng vây của bọn giặc rồi mọi chuyện tính sau!
Có lẽ mọi người đều hiểu đó là cách tốt nhất trong lúc này khi mà quân thù đang tiến đến rất gần, những người lính, người dân quân chỉ còn rất ít đạn, không có một cuộn băng cứu thương, một viên thuốc chữa bệnh trong tay.
Người đàn ông gầy gò, vừa trông đã biết ngay là một con nghiện nặng - thò tay vào túi lôi ra một gói nhỏ. Ông ta mở cái gói lấy ra một cục nhựa đen đen véo một mẩu nhỏ vê vê một lúc rồi đưa cho chúng tôi. Thằng Châu xiên mẩu thuốc phiện vào một cái que rồi bật lửa đốt. Mẩu thuốc phiện nhỏ bằng hạt đậu xanh bắt đầu cháy và toả khói xanh có mùi thơm rất lạ. Khi mẩu thuốc phiện đã phồng lên nở to bằng hạt ngô thằng Châu thả vào bát nước còn nóng rót từ trong bi-đông ra. Nó dùng cái que khoắng cho mẩu thuốc phiện tan hết rồi đưa cho tôi. Tôi run run bưng bát nước thuốc phiện đưa lên miệng rồi ngửa cổ uống một hơi hết sạch. Mọi người bảo tôi nằm xuống khe đá nghỉ một lát để lấy lại sức. Quả là một bài thuốc công hiệu. Tôi ngừng hẳn việc tiêu chảy. Bụng tôi sôi lên nhưng đã giảm và rồi hết hẳn những cơn đau quặn gan, quặn ruột.
Không biết bằng cách nào mà chập tối anh em đem cho tôi một bi-đông cháo còn nóng ấm. Ăn được chút cháo nóng tôi thấy mình như khoẻ lại. Đến nửa đêm tuy còn rất mệt nhưng tôi thấy có thể đeo khẩu súng đi theo đội hình hành quân được rồi. Thằng Châu và mấy chiến sĩ và anh em dân quân mừng lắm.
Sau này khi hành quân qua những triền núi toàn đá khô cằn gặp những dải đất hiếm hoi trồng loài cây anh túc đang trổ hoa lung linh huyền ảo tôi lại nhớ đến bát nước pha thuốc phiện mà mình đã uống hôm ở thung lũng Táp Ná giữa vòng vây trùng điệp của quân thù.
Nhưng chặng đường sang Nguyên Bình phải leo dốc tôi vẫn thấy chân tay rã rời, khẩu AK nặng trĩu trên vai. Đến gần trưa, chúng tôi mới vượt lên được dãy núi ngăn cách giữa hai huyện Thông Nông và Nguyên Bình mà không gặp bất cứ sự truy đuổi nào của quân giặc. Vậy là chúng tôi sắp gặp lại đơn vị cũ rồi. Khi lên đến đỉnh dốc của con đường mòn, chúng tôi nằm lăn ra cho đỡ mệt và để thở. Bầu trời trong trẻo. Nắng lấp loá trên những gộp đá xám lạnh. Buổi trưa nên cái rét cũng đã giảm hẳn rồi tuy những cơn gió vẫn còn se se lạnh.
Giữa lúc tôi đang mơ màng thì thằng Châu đang làm nhiệm vụ cảnh giới kêu lên:
- Có một đoàn người đông lắm từ phía Nguyên Bình đang đi lên dốc!
Tôi vội quờ khẩu súng ngồi bật ngay dậy lao vào nấp sau một mô đá. Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu. Tôi dặn anh em không được nổ súng. Nếu đúng là quân địch thì sẽ rút ngay vào trong khe đá phía sau.
Chúng tôi hồi hộp quan sát hàng quân đang bám theo con đường mòn tiến lên đỉnh núi. Thằng Châu chợt reo lên vui mừng:
- Quân ta! Quân... ta...
Đúng là quân ta rồi. Tôi nhận ra cái dáng đi luôn chúi người về phía trước của trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ và bước đi khoan thai của chính trị viên Hoàng Quốc Doanh ở tốp đầu hàng quân. Bọn chúng tôi cùng đứng bật dậy giơ súng lên trời khua khua làm hiệu. Các chiến sĩ trinh sát đi phía trước đội hình của tiểu đoàn cũng đã áp sát đến và nhận ra chúng tôi. Họ ào đến ôm lấy chúng tôi, tay bắt, mặt mừng. Tôi lập bập hỏi:
- Tiểu đoàn ta hành quân trở về để đánh chiếm lại Sóc Giang hả?
Mấy chiến sĩ trinh sát ngạc nhiên:
- Thế bọn mày không biết à? Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi nước ta từ mấy hôm trước rồi. Tiểu đoàn ta được lệnh quay về chiếm lĩnh, tổ chức xây dựng lại trận địa phòng ngự tại thị trấn Sóc Giang đấy!
Tôi ngơ ngác:
- Thế à! Bọn tao ở trong vòng vây có đài điện gì đâu mà biết. Thật khốn nạn quá! Bọn địch đang rút lui thế mà không hay. Mấy hôm trước gặp một toán giặc đang hành quân trở về, bọn tao còn tổ chức đánh một trận làm thêm mấy thằng trong bộ phận bị chết. Biết thế thôi đừng đánh nữa có phải chúng nó bây giờ vẫn còn sống không?
Tôi ngậm ngùi xót xa khi nghĩ tới những người vừa mới ngã xuống. Anh Thọ vỗ vỗ vào vai tôi an ủi:
- Chiến tranh ai biết thế nào mà nói trước…
Anh nắm chặt tay tôi. Tiểu đoàn trưởng Thiêm, chính trị viên Doanh cũng đã lên tới nơi. Mọi người xúm lại xung quanh chúng tôi hỏi han. Tôi cũng nhớn nhác nhìn mọi người. Vắng bóng mấy thằng quen biết, bạn thân. Tiểu đoàn rút sang Nguyên Bình tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ khu mỏ thiếc Tĩnh Túc. Vì thế có thêm nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống ở Minh Tâm, Hoàng Tung để chặn con đường quân xâm lược tiến công vào khu mỏ thiếc…
*
Chúng tôi quay trở lại trận địa ở thị trấn Sóc Giang.
Thị trấn Sóc Giang đổ nát hoang tàn. Một tháng trước, nơi đây chính là “tọa độ lửa”, là nơi bao nhiêu đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Máu của họ vẫn đọng trên mặt đất rưng rưng. Cũng chính tại nơi đây Tiểu đoàn 3 chúng tôi đã bẻ gãy bao nhiêu đợt tấn công vô cùng ác liệt của kẻ thù xâm lược, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy hơn chục xe tăng của chúng. Nhưng rồi, đơn vị chúng tôi đã phải rút lui để không bị tiêu diệt hoàn toàn trước sức tấn công ác liệt, liên tục của quân xâm lược với chiến thuật "biển người". Một cuộc rút lui còn gian lao, nguy hiểm hơn là một trận đánh mặt đối mặt với quân thù. Bây giờ chúng tôi, những người còn sống quay trở lại thị trấn biên giới Sóc Giang. Song hình như mọi người chúng tôi ai cũng có chung một tâm trạng bùi ngùi. Kẻ thù đã bị đánh lui, những tên bành trướng đã phải kéo nhau tả tơi tháo chạy về nước. Nhưng cái cảm giác chiến thắng, cảm giác tự hào trong những người lính chúng tôi rất mờ nhạt, hầu như không có. Không có cái niềm vui háo hức, tưng bừng của ngày 30-4 năm nào, chỉ có nỗi bàng hoàng, xót xa về sự tàn phá khủng khiếp, về sự mất mát quá lớn của chiến tranh. Một vùng biên cương hoang tàn. Chẳng còn một bóng người dân nào trong thị trấn, chẳng còn một tiếng gà gáy, chó sủa trong những bản làng dọc đường hành quân. Chúng tôi là những người đầu tiên trở về thị trấn Sóc Giang sau chiến tranh. Đoàn quân súng luôn cầm trong tay, cảnh giác, lầm lũi bước đi trong sự hoang vắng đến lạnh lẽo, thê lương sau trận chiến. Một đội hình cán binh quần áo tả tơi, bẩn thỉu. Nhiều người băng còn quấn trên đầu loang lổ màu máu, cánh tay bị thương gãy còn treo lên cổ.
Dọc con đường từ Quý Quân qua bản Nà Nghiềng vào thị trấn Sóc Giang in đậm những dấu vết khốc liệt của những trận đánh. Tất cả những căn nhà trong thị trấn đều bị đánh sập hoặc bị đốt cháy. Cây cối, cột điện gãy đổ ngổn ngang, các công trình dân sinh đều bị phá hủy. Mùi xác chết của người và động vật thối rữa khăn khẳn khắp nơi. Chỗ nào cũng gặp những quả mìn bọn địch gài lại trước khi rút đi. Bộ phận công binh đi trước mở đường. Chúng tôi phải rất cẩn thận đặt bước chân theo dấu đã vạch sẵn trên đường của công binh. Người đi sau bước đúng dấu chân của người đi trước để tránh dẫm vào bẫy mìn, vật nổ.
Đội hình hành quân một hàng dọc chậm chạp vừa đi vừa quan sát xung quanh. Không ai nói một câu nào chỉ nghe tiếng thở dốc của những người mang vác nặng ở bộ phận hoả lực, tiếng thì thào truyền đạt mệnh lệnh dọc hàng quân.
Đang đi bỗng một tiếng nổ “oành” ở phía sau đội hình. Đất cát bay mù mịt. Tất cả chúng tôi vội ngồi thụp xuống chĩa súng ra xung quanh, sẵn sàng chiến đấu. Những tiếng mở khoá nòng lách cách. Mọi người đều tưởng là bị bọn địch phục kích. Hoá ra không phải. Một quả mìn bọn giặc gài lại ngay bên cạnh lối đội hình đang hành tiến đi đã phát nổ. Người hy sinh là một chiến sĩ còn rất trẻ. Nguyên nhân là cậu ta đi giữa đội hình, lại có mấy cô gái ở đơn vị thanh niên xung phong đi ngay phía sau. Đang đi buồn tiểu tiện, cậu ta chỉ mới bước chệch có một bước định đứng khuất vào phía sau mô đá thế là đạp trúng luôn một quả mìn chống bộ binh của địch.
Sau vụ này, tiểu đoàn trưởng nổi cáu. Anh đi dọc hàng quân quát tháo ầm ĩ:
- Đánh nhau không chết, lại chết vì sĩ diện… ngu… ngu quá…
Quát tháo một lúc anh ra lệnh giọng vẫn còn gay gắt:
- Kể từ bây giờ cho đến lúc vào vị trí trú quân trong thị trấn, thằng nào buồn đái cứ đứng ngay giữa đường mà đái. Con gái cũng vậy. Ai xấu hổ thì nhắm mắt lại…
Tiểu đoàn trưởng nóng tính thì quát vậy thôi chứ tôi biết anh thương lính lắm. Cái chết của người chiến sĩ trẻ làm anh rất đau đớn. Sau một tháng chiến đấu, đơn vị tổn hao quá lớn, chỉ còn lại một nhúm người. Hôm tập trung đội hình toàn tiểu đoàn trên sườn núi để quán triệt nhiệm vụ lúc chuẩn bị xuống núi để chiếm lĩnh lại trận địa trông thưa thớt, thiếu vắng quá nhiều vị trí chiến đấu. Sau chiến tranh lại vẫn có người phải ngã xuống như vậy khiến ai cũng đau xót.
Đơn vị về đến vị trí đóng quân. Đó là đám ruộng ngay dưới chân mỏm núi có hang chỉ huy tiểu đoàn mà một tháng trước chúng tôi đã chiến đấu đánh lui bao đợt tấn công của bọn địch. Chúng tôi nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong khu nhà vốn là trụ sở làm việc của cơ quan huyện ủy và uỷ ban nhân dân huyện về dựng tạm những căn nhà một mái trông giống như những cái chuồng lợn để trú quân tạm thời và bảo vệ thị trấn và giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh. Các bộ phận lần mò lên các vị trí chiến đấu đào bới tìm kiếm liệt sĩ. Khắp nơi mùi thối rữa của tử thi, xác động vật bốc lên thật là kinh khủng. Việc xác định, phân biệt hài cốt đâu là quân ta, đâu là địch, đâu là dân cũng thật khó khăn. Mặc dù đã được chuẩn bị trước khi chiến tranh xảy ra, các bộ phận đều được cấp phát những tấm vải liệm may sẵn, mỗi người đều có mã số riêng của mình ghi trong một mảnh bìa cứng ép plastic để sẵn trong túi áo phòng khi hy sinh thì chôn theo sau này còn biết danh tính. Nhưng đánh nhau cả tháng trời nhiều người đã không giữ nổi mảnh bìa ghi mã số riêng của mình. Mà chớ trêu thay là người còn giữ được thì vẫn sống, người chết thì lại chẳng còn giữ được cái mã số để đánh dấu mộ chí của mình.
Mấy ngày sau, con đường xuôi về phía ngã ba Đôn Chương về thị xã Cao Bằng đã được khai thông. Chuyến xe chở hàng đầu tiên đã lên tới thị trấn Sóc Giang. Đơn vị chúng tôi được tiếp tế lương thực, thực phẩm. Có một chút thịt lợn kho ướp muối. Mỗi chúng tôi còn được phát một bộ quần áo mới, một đôi giày vải mới. Thằng nào cũng diện ngay quần áo mới, giày mới. Ăn uống cũng no hơn nên trông dáng vẻ lính tráng khoẻ khoắn hơn. Nhiều thằng trông hai má đỡ hóp hơn, mặt mũi đỡ hốc hác như hôm đầu về thị trấn nhưng chưa hết vẻ nhợt nhạt, hậu quả của dài ngày đói khát, gian khổ.
Song chúng tôi chưa kịp mừng thì xảy ra một chuyện. Thì ra nguyên do đơn vị mới chuyển về vị trí bản Kép Ké Ná này trú quân, tiểu đoàn trưởng cho quân y kiểm tra nguồn nước. Nguồn nước mà các máng dẫn về bản từ rất xa trên núi. Dân bản thường đắp các đập trên núi rồi bắc máng dẫn nước tự chảy về bản. Y sĩ đơn vị chỉ đi đến chân núi rồi quay lại vì sợ lên núi vướng phải mìn hoặc gặp bọn thám báo của địch. Do đó không phát hiện là trên bờ đập nước có mấy xác người chết đang bắt đầu thối rữa. Khi trời mưa xuống đã gây ô nhiễm nguồn nước. Thế là cả đơn vị chúng tôi gần một tháng nấu ăn, lấy uống đã dùng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thảo nào mà nước cứ có mùi hôi hôi. Bọn lính tráng chúng tôi lại toàn uống nước lã mới ghê chứ. Một số anh em trong đơn vị vì thế nên ngã nước, mặt bị sưng phù thũng lên chứ không phải là do sau chiến tranh bộ đội được ăn no nên béo khoẻ...
Đó là những ký ức của tôi về ngày cuối cùng của một cuộc chiến tranh. Chúng ta đã xây một tượng đài để ghi nhớ những liệt sĩ ở đảo Gạc Ma-Trường Sa năm 1988. Xin hãy xây dựng thêm những tượng đài, không cần đồ sộ, không cần hoành tráng mà chỉ cần làm những tấm bia bằng chính đá núi nơi địa đầu này, khắc lên đó những điều để ghi nhớ và tưởng niệm về sự hy sinh anh dũng của những người lính, của nhân dân trên tuyến biên cương phía Bắc trong cuộc chiến đấu chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc thân yêu tháng 2-1979.
(còn nữa) Hà Nội, 15/3/2019

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

TRÊN VÙNG BIỂN GẠC MA - thơ

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang ngồi, đại dương, nước và ngoài trời

TRÊN VÙNG BIỂN GẠC MA
Tàu neo trên vùng biển Gạc Ma
Chúng tôi thả vòng hoa xuống biển
Những cơn sóng ầm ào ập đến
Sóng dội lên từ đáy biển sâu…
Chúng tôi đứng lặng trên boong tàu
Cúi đầu nhớ về những người đã chết,
Sáu mươi tư công dân đất Việt
Máu đỏ loang trên biển một ngày.
Đạn quân thù xé nát ngực trai
Tay vẫn ôm chặt cờ Tổ quốc,
Biển gầm thét trước quân xâm lược
Sóng trào lên nỗi hận căm thù.
Các anh nằm dưới đáy biển đến giờ
Hồn phảng phất trên từng ngọn sóng
Máu vẫn đỏ ngầu khi biển động
Khi quân thù còn lảng vảng xung quanh.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hải trình
Tiếng còi tàu vang dài từ biệt,
Trường Sa ơi sao mà thân thiết
Bởi bao đồng đội mãi nằm đây…
Trường Sa, 3-2005

Ghi chép CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 10

CHÚNG TÔI Ở BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC - phần 10
Ghi chép của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời
Ảnh trên: Xe tăng Trung Quốc bị bắn cháy tại Cao Bằng 2-1979

10- Ngày cuối cùng của chiến tranh
Đó là ngày 15 tháng 3 năm 1979. Ngày cuối cùng của một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Sở dĩ tôi viết như vậy vì từ ngày 5-3-1979, Trung Quốc đã tuyên bố rút quân khỏi nước ta. Đến ngày 15-3, chúng mới cơ bản rút hết lực lượng qua khỏi đường biên trở về nơi chúng xuất phát sang xâm lược, tàn phá nước ta. Trong thực tế thì cuộc chiến tranh biên giới còn kéo dài thêm 10 năm nữa ở Vị Xuyên, Hà Giang. Hàng ngàn đồng đội của tôi tiếp tục ngã xuống sau "ngày cuối cùng của chiến tranh" ấy. Năm 1984, khi tôi làm cán bộ một đại đội ở Lạng Sơn thì máu chiến sĩ vệ quốc Việt Nam vẫn đổ ở bình độ 400, Cao Lộc, ở Bản Chắt, Đình Lập. Năm 1989, tôi dẫn các học viên sĩ quan đi thực tế tại Lạng Sơn còn chứng kiến sự hy sinh của những người lính chúng ta ở hướng Đồng Đăng...
Sở dĩ phần cuối cùng của ghi chép "Chúng tôi ở biên cương phía Bắc" hôm nay tôi mới đăng vì muốn đưa lên để ghi nhớ ngày này của 40 năm trước đây.
Ngày 15-3 của bốn mươi năm trước, là ngày bộ phận thất lạc lang thang trong vòng vây quân giặc của tôi gặp lại được đội hình của Tiểu đoàn 3. Buổi sáng hôm ấy, tôi dẫn ba chiến sĩ lần theo con đường độc đạo vượt dãy núi từ Thông Nông sang huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) để tìm đơn vị. Dọc đường đi tình hình có vẻ yên ắng. Tiếng súng chỉ thưa thớt ở đâu đó rất xa, dấu hiệu hành quân tác chiến của quân địch cũng không thấy. Tuy vậy, tôi căn dặn anh em phải hết sức cảnh giác, tránh đụng độ với quân địch thêm sự hy sinh, mất mát. Không biết thông tin bọn địch đã tuyên bố rút quân nên tôi rất thận trọng. Bốn anh em, mỗi người đi cách xa nhau một đoạn ngắn sẵn sàng chi viện cho nhau. Chiến sĩ đi đầu phải chú ý quan sát địch và dò đường, tránh vấp phải mìn của chúng gài bẫy. Chiến sĩ đi phải sau cũng phải cẩn trọng đề phòng địch phát hiện truy đuổi theo. Tôi đi giữa đội hình để chỉ huy. Do bị bọn địch, nhất là bọn lính sơn cước của chúng truy đuổi liên tục cả tháng qua nên tôi càng phải thận trọng.
Tôi vừa cố bước đi vừa thở dốc. Hôm trước do ăn uống thiếu vệ sinh, cơm ngô sống xít, uống lã ở nước khe suối nhiều xác động vật và cả xác người nữa nên tôi bị đau bụng dữ dội và đi ngoài liên tục gần lả đi. Sự việc từ cuối buổi chiều qua, vừa nhai một miếng cơm nắm xong thì bụng tôi bỗng quặn đau dữ dội. Sau đó, tôi bị "tào tháo" đuổi, đi ngoài ra toàn nước. Tôi đau bụng và đi ngoài liên tục không ngừng lại được. Người tôi mệt bã ra vì đau và mất nước. Tôi nằm rũ người trong một khe đá. Mệt đến nỗi chân tay không nhấc lên nổi. Cứ thế này thì nguy hiểm quá. Với sức khoẻ suy kiệt thế này chắc chắn ngày mai tôi không thể nào đi tiếp được nữa. Tôi đã nghĩ đến phương án phải ở lại Táp Ná với một số anh em dân quân của bản. Giữa lúc ấy thì anh dân quân bản và một người đàn ông vẻ gầy gò đến. Sau khi hỏi han tình hình của tôi, người đàn ông gầy gò nói:
- Chú phải uống một liều thuốc phiện thôi!
- Không được. Lỡ anh ấy bị sốc hay bị nghiện thuốc phiện thì làm thế nào?
Một chiến sĩ lập tức phản đối. Nó lo lắng cho tôi. Anh dân quân cũng đắn đo mãi rồi mới nói:
- Có lẽ không việc gì đâu!
Tôi vừa nghe họ bàn đến đấy đã phải ngồi dậy ôm bụng lần ngay ra phía sau gộp đá. Cơn đau vẫn quằn lên làm tôi chỉ muốn gục xuống. Người tôi hình như đã bị rút kiệt hết nước, hết sức lực rồi. Mệt quá, tôi phải bám vào vách đá mới đứng vững và lần bước đi từng bước. Quay về đến chỗ khe đá mọi người đang ngồi, tôi quyết định luôn:
- Đưa... thuốc phiện... cho tôi!
Thằng Châu và mấy chiến sĩ lo lắng. Nó cứ năn nỉ can ngăn tôi không nên uống thuốc phiện. Tôi vừa thở dốc vừa nói với nó và mọi người, cũng là tự trấn an mình:
- Điều quan trọng nhất bây giờ là khỏi bệnh thật nhanh để còn tiếp tục chiến đấu và hành quân theo anh em. Sống sót, thoát được ra khỏi vòng vây của bọn giặc rồi mọi chuyện tính sau!
Có lẽ mọi người đều hiểu đó là cách tốt nhất trong lúc này khi mà quân thù đang tiến đến rất gần, những người lính, người dân quân chỉ còn rất ít đạn, không có một cuộn băng cứu thương, một viên thuốc chữa bệnh trong tay.
Người đàn ông gầy gò, vừa trông đã biết ngay là một con nghiện nặng - thò tay vào túi lôi ra một gói nhỏ. Ông ta mở cái gói lấy ra một cục nhựa đen đen véo một mẩu nhỏ vê vê một lúc rồi đưa cho chúng tôi. Thằng Châu xiên mẩu thuốc phiện vào một cái que rồi bật lửa đốt. Mẩu thuốc phiện nhỏ bằng hạt đậu xanh bắt đầu cháy và toả khói xanh có mùi thơm rất lạ. Khi mẩu thuốc phiện đã phồng lên nở to bằng hạt ngô thằng Châu thả vào bát nước còn nóng rót từ trong bi-đông ra. Nó dùng cái que khoắng cho mẩu thuốc phiện tan hết rồi đưa cho tôi. Tôi run run bưng bát nước thuốc phiện đưa lên miệng rồi ngửa cổ uống một hơi hết sạch. Mọi người bảo tôi nằm xuống khe đá nghỉ một lát để lấy lại sức. Quả là một bài thuốc công hiệu. Tôi ngừng hẳn việc tiêu chảy. Bụng tôi sôi lên nhưng đã giảm và rồi hết hẳn những cơn đau quặn gan, quặn ruột.
Không biết bằng cách nào mà chập tối anh em đem cho tôi một bi-đông cháo còn nóng ấm. Ăn được chút cháo nóng tôi thấy mình như khoẻ lại. Đến nửa đêm tuy còn rất mệt nhưng tôi thấy có thể đeo khẩu súng đi theo đội hình hành quân được rồi. Thằng Châu và mấy chiến sĩ và anh em dân quân mừng lắm.
Sau này khi hành quân qua những triền núi toàn đá khô cằn gặp những dải đất hiếm hoi trồng loài cây anh túc đang trổ hoa lung linh huyền ảo tôi lại nhớ đến bát nước pha thuốc phiện mà mình đã uống hôm ở thung lũng Táp Ná giữa vòng vây trùng điệp của quân thù.
Nhưng chặng đường sang Nguyên Bình phải leo dốc tôi vẫn thấy chân tay rã rời, khẩu AK nặng trĩu trên vai. Đến gần trưa, chúng tôi mới vượt lên được dãy núi ngăn cách giữa hai huyện Thông Nông và Nguyên Bình mà không gặp bất cứ sự truy đuổi nào của quân giặc. Vậy là chúng tôi sắp gặp lại đơn vị cũ rồi. Khi lên đến đỉnh dốc của con đường mòn, chúng tôi nằm lăn ra cho đỡ mệt và để thở. Bầu trời trong trẻo. Nắng lấp loá trên những gộp đá xám lạnh. Buổi trưa nên cái rét cũng đã giảm hẳn rồi tuy những cơn gió vẫn còn se se lạnh.
Giữa lúc tôi đang mơ màng thì thằng Châu đang làm nhiệm vụ cảnh giới kêu lên:
- Có một đoàn người đông lắm từ phía Nguyên Bình đang đi lên dốc!
Tôi vội quờ khẩu súng ngồi bật ngay dậy lao vào nấp sau một mô đá. Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu. Tôi gào to dặn anh em không được nổ súng. Nếu đúng là quân địch thì sẽ rút ngay vào trong khe đá phía sau.
Chúng tôi hồi hộp quan sát hàng quân đang bám theo con đường mòn tiến lên đỉnh núi. Thằng Châu chợt reo lên vui mừng:
- Quân ta! Quân... ta...
Đúng là quân ta rồi. Tôi nhận ra cái dáng đi luôn chúi người về phía trước của trợ lý tham mưu Bùi Thế Thọ và bước đi khoan thai của chính trị viên Hoàng Quốc Doanh ở tốp đầu hàng quân. Bọn chúng tôi cùng đứng bật dậy giơ súng lên trời khua khua làm hiệu. Các chiến sĩ trinh sát đi phía trước đội hình của tiểu đoàn cũng đã áp sát đến và nhận ra chúng tôi. Họ ào đến ôm lấy chúng tôi, tay bắt, mặt mừng. Tôi lập bập hỏi:
- Tiểu đoàn ta hành quân trở về để đánh chiếm lại Sóc Giang hả?
Mấy chiến sĩ trinh sát ngạc nhiên:
- Thế bọn mày không biết à? Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi nước ta từ mấy hôm trước rồi. Tiểu đoàn ta được lệnh quay về chiếm lĩnh, tổ chức xây dựng lại trận địa phòng ngự tại thị trấn Sóc Giang đấy!
Tôi ngơ ngác:
- Thế à! Bọn tao ở trong vòng vây có đài điện gì đâu mà biết! Thật khốn nạn quá! Bọn địch đang rút lui thế mà không hay. Mấy hôm trước gặp một toán giặc đang hành quân trở về, bọn tao còn tổ chức đánh một trận làm thêm mấy thằng trong bộ phận bị chết. Biết thế thôi đừng đánh nữa có phải chúng nó bây giờ vẫn còn sống không?
Tôi ngậm ngùi xót xa khi nghĩ tới những người vừa mới ngã xuống. Anh Thọ vỗ vỗ vào vai tôi an ủi:
- Chiến tranh ai biết thế nào mà nói trước…
Anh nắm chặt tay tôi. Tiểu đoàn trưởng Thiêm, chính trị viên Doanh cũng đã lên tới nơi. Mọi người xúm lại xung quanh chúng tôi hỏi han. Tôi cũng nhớn nhác nhìn mọi người. Vắng bóng mấy thằng quen biết, bạn thân. Tiểu đoàn rút sang Nguyên Bình tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ khu mỏ thiếc Tĩnh Túc. Vì thế có thêm nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống ở Minh Tâm, Hoàng Tung để chặn con đường quân xâm lược tiến công vào khu mỏ thiếc…
*
Chúng tôi quay trở lại trận địa ở thị trấn Sóc Giang.
Thị trấn Sóc Giang đổ nát hoang tàn. Một tháng trước, nơi đây chính là “tọa độ lửa”, là nơi bao nhiêu đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Máu của họ vẫn đọng trên mặt đất rưng rưng. Cũng chính tại nơi đây tiểu đoàn 3 chúng tôi đã bẻ gãy bao nhiêu đợt tấn công vô cùng ác liệt của kẻ thù xâm lược, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy hơn chục xe tăng của chúng. Nhưng rồi, đơn vị chúng tôi đã phải rút lui để không bị tiêu diệt hoàn toàn trước sức tấn công ác liệt, liên tục của quân xâm lược với chiến thuật "biển người". Một cuộc rút lui còn gian lao, nguy hiểm hơn là một trận đánh mặt đối mặt với quân thù. Bây giờ chúng tôi, những người còn sống quay trở lại thị trấn biên giới Sóc Giang. Song hình như mọi người chúng tôi ai cũng có chung một tâm trạng bùi ngùi. Kẻ thù đã bị đánh lui, những tên bành trướng đã phải kéo nhau tả tơi tháo chạy về nước. Nhưng cái cảm giác chiến thắng, cảm giác tự hào trong những người lính chúng tôi rất mờ nhạt, hầu như không có. Không có cái niềm vui háo hức, tưng bừng của ngày 30-4 năm nào, chỉ có nỗi bàng hoàng, xót xa về sự tàn phá khủng khiếp, về sự mất mát quá lớn của chiến tranh. Một vùng biên cương hoang tàn. Chẳng còn một bóng người dân nào trong thị trấn, chẳng còn một tiếng gà gáy, chó sủa trong những bản làng dọc đường hành quân. Chúng tôi là những người đầu tiên trở về thị trấn Sóc Giang sau chiến tranh. Đoàn quân súng luôn cầm trong tay, cảnh giác, lầm lũi bước đi trong sự hoang vắng đến lạnh lẽo, thê lương sau trận chiến. Một đội hình cán binh quần áo tả tơi, bẩn thỉu. Nhiều người băng còn quấn trên đầu loang lổ màu máu, cánh tay bị thương gãy còn treo lên cổ.
Dọc con đường từ Quý Quân qua bản Nà Nghiềng vào thị trấn Sóc Giang in đậm những dấu vết khốc liệt của những trận đánh. Tất cả những căn nhà trong thị trấn đều bị đánh sập hoặc bị đốt cháy. Cây cối, cột điện gãy đổ ngổn ngang, các công trình dân sinh đều bị phá hủy. Mùi xác chết của người và động vật thối rữa khăn khẳn khắp nơi. Chỗ nào cũng gặp những quả mìn bọn địch gài lại trước khi rút đi. Bộ phận công binh đi trước mở đường. Chúng tôi phải rất cẩn thận đặt bước chân theo dấu đã vạch sẵn trên đường của công binh. Người đi sau bước đúng dấu chân của người đi trước để tránh dẫm vào bẫy mìn, vật nổ.
Đội hình hành quân một hàng dọc chậm chạp vừa đi vừa quan sát xung quanh. Không ai nói một câu nào chỉ nghe tiếng thở dốc của những người mang vác nặng ở bộ phận hoả lực, tiếng thì thào truyền đạt mệnh lệnh dọc hàng quân.
Đang đi bỗng một tiếng nổ “oành” ở phía sau đội hình. Đất cát bay mù mịt. Tất cả chúng tôi vội ngồi thụp xuống chĩa súng ra xung quanh, sẵn sàng chiến đấu. Những tiếng mở khoá nòng lách cách. Mọi người đều tưởng là bị bọn địch phục kích. Hoá ra không phải. Một quả mìn bọn giặc gài lại ngay bên cạnh lối đội hình đang hành tiến đi đã phát nổ. Người hy sinh là một chiến sĩ còn rất trẻ. Nguyên nhân là cậu ta đi giữa đội hình, lại có mấy cô gái ở đơn vị thanh niên xung phong đi ngay phía sau. Đang đi buồn tiểu tiện, cậu ta chỉ mới bước chệch có một bước định đứng khuất vào phía sau mô đá thế là đạp trúng luôn một quả mìn chống bộ binh của địch.
Sau vụ này, tiểu đoàn trưởng nổi cáu. Anh đi dọc hàng quân quát tháo ầm ĩ:
- Đánh nhau không chết, lại chết vì sĩ diện… ngu… ngu quá…
Quát tháo một lúc anh ra lệnh giọng vẫn còn gay gắt:
- Kể từ bây giờ cho đến lúc vào vị trí trú quân trong thị trấn, thằng nào buồn đái cứ đứng ngay giữa đường mà đái. Con gái cũng vậy. Ai xấu hổ thì nhắm mắt lại…
Tiểu đoàn trưởng nóng tính thì quát vậy thôi chứ tôi biết anh thương lính lắm. Cái chết của người chiến sĩ trẻ làm anh rất đau đớn. Sau một tháng chiến đấu, đơn vị tổn hao quá lớn, chỉ còn lại một nhúm người. Hôm tập trung đội hình toàn tiểu đoàn trên sườn núi để quán triệt nhiệm vụ lúc chuẩn bị xuống núi để chiếm lĩnh lại trận địa trông thưa thớt, thiếu vắng quá nhiều vị trí chiến đấu. Sau chiến tranh lại vẫn có người phải ngã xuống như vậy khiến ai cũng đau xót.
Đơn vị về đến vị trí đóng quân. Đó là đám ruộng ngay dưới chân mỏm núi có hang chỉ huy tiểu đoàn mà một tháng trước chúng tôi đã chiến đấu đánh lui bao đợt tấn công của bọn địch. Chúng tôi nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong khu nhà vốn là trụ sở làm việc của huyện ủy và uỷ ban nhân dân huyện về dựng tạm những căn nhà một mái trông giống như những cái chuồng lợn để trú quân tạm thời và bảo vệ thị trấn và giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh. Các bộ phận lần mò lên các vị trí chiến đấu đào bới tìm kiếm liệt sĩ. Khắp nơi mùi thối rữa của tử thi, xác động vật bốc lên thật là kinh khủng. Việc xác định, phân biệt hài cốt đâu là quân ta, đâu là địch, đâu là dân cũng thật khó khăn. Mặc dù đã được chuẩn bị trước khi chiến tranh xảy ra, các bộ phận đều được cấp phát những tấm vải liệm may sẵn, mỗi người đều có mã số riêng của mình ghi trong một mảnh bìa cứng ép plastic để sẵn trong túi áo phòng khi hy sinh chôn theo sau này còn biết danh tính. Nhưng đánh nhau cả tháng trời nhiều người đã không giữ nổi mảnh bìa ghi mã số riêng của mình. Mà chớ trêu thay là người còn giữ được thì vẫn sống, người chết thì lại chẳng còn giữ được cái mã số để đánh dấu mộ chí của mình.
Con đường xuôi về phía ngã ba Đôn Chương ra thị xã Cao Bằng đã khai thông. Chuyến xe chở hàng đầu tiên đã lên tới thị trấn Sóc Giang. Đơn vị chúng tôi được tiếp tế lương thực, thực phẩm. Có một chút thịt lợn kho ướp muối. Mỗi chúng tôi còn được phát một bộ quần áo mới, một đôi giày vải mới. Thằng nào cũng diện ngay quần áo mới, giày mới. Ăn uống cũng no hơn nên trông dáng vẻ lính tráng khoẻ khoắn hơn. Nhiều thằng trông hai má đỡ hóp hơn, mặt mũi đỡ hốc hác như hôm đầu về thị trấn nhưng chưa hết vẻ nhợt nhạt, hậu quả của dài ngày đói khát, gian khổ.
Song chúng tôi chưa kịp mừng thì xảy ra một chuyện. Thì ra nguyên do đơn vị mới chuyển về vị trí bản Kép Ké Ná này trú quân, tiểu đoàn trưởng cho quân y kiểm tra nguồn nước. Nguồn nước mà các máng dẫn về bản từ rất xa trên núi. Dân bản thường đắp các đập trên núi rồi bắc máng dẫn nước tự chảy về bản. Y sĩ đơn vị chỉ đi đến chân núi rồi quay lại vì sợ lên núi vướng phải mìn hoặc gặp bọn thám báo của địch. Do đó không phát hiện là trên bờ đập nước có mấy xác người chết đang bắt đầu thối rữa. Khi trời mưa xuống đã gây ô nhiễm nguồn nước. Thế là cả đơn vị chúng tôi gần một tháng nấu ăn, lấy uống đã dùng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thảo nào mà nước cứ có mùi hôi hôi. Bọn lính tráng chúng tôi lại toàn uống nước lã mới ghê chứ. Một số anh em trong đơn vị vì thế nên ngã nước, mặt bị sưng phù thũng lên chứ không phải là do sau chiến tranh bộ đội được ăn no nên béo khoẻ...
Đó là những ký ức của tôi về ngày cuối cùng của một cuộc chiến tranh. Chúng ta đã xây một tượng đài để ghi nhớ những liệt sĩ ở đảo Gạc Ma-Trường Sa năm 1988. Xin hãy xây dựng thêm những tượng đài, không cần đồ sộ, không cần hoành tráng mà chỉ cần những tấm bia làm bằng chính đá núi nơi địa đầu này để ghi nhớ và tưởng niệm về sự hy sinh của những người lính, người dân trên tuyến biên cương phía Bắc trong cuộc chiến tranh chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc thân yêu tháng 2-1979.
(Hết) Hà Nội, 15/3/2019

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2019

Truyện ngắn GIÓ NÚI

GIÓ NÚI
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

Sau cuộc chiến tranh biên giới 2-1979, phải đến hơn hai mươi năm rồi, tôi mới lại có dịp trở lại Cao Bằng. Cái thị xã đổ nát, lập loè ánh đèn dầu sau chiến tranh ngày ấy nay chỉ còn trong ký ức. Tôi nhớ in những đêm chuyển quân, cái rét miền biên ải cắt thịt, cắt da. Tôi cũng không quên cái đói, cái khát của những ngày chiến trận năm nào.
Thị xã Cao Bằng bây giờ đường xá dọc ngang, hàng quần đầy ắp, người bán, kẻ mua nhộn nhịp, xe máy phóng ào ào, gầm rú phun khói mù mịt, không còn thấy cảnh những cô gái cưỡi ngựa xuống chợ Nước Hai. Tiếng nhạc Tây xập xình, không còn nghe tiếng sáo Mông réo rắt lối về Quý Quân, Mỏ Sắt, Thông Nông...
Hỏi thăm mãi rồi tôi cũng tìm được xe về Hà Quảng. Làm việc với cơ quan quân sự xong, tôi ngỏ ý muốn lên thị trấn Sóc Gang cũ. Anh Tài - trợ lý chính sách chợt nhớ ra:
- Ồ! May quá, cậu Ngọc - chiến sĩ của ban là người trên đó. Cậu ấy được nghỉ phép về nhà hỏi vợ. Cậu ấy có xe máy, tiện thể đưa anh đi luôn.
- Thế thì tốt quá!
Anh Tài buông bút nhỏm dậy te tái đi về phía nhà tập thể. Một lát sau, anh quay lại cùng một chiến sĩ độ tuổi đôi mươi dắt chiếc xe máy Trung Quốc mới tinh. Anh bảo:
- May tóm được ở cổng. Suýt thì cu cậu chuồn mất. Đúng là về hỏi vợ có khác...
Người chiến sĩ đỏ mặt ngượng ngiụ. Cậu ta còn rất trẻ, đẹp trai. Cậu ta tháo gói đồ ra buộc lại lấy chỗ cho tôi ngồi.
Chúng tôi ngược lên biên giới. Trời đã về chiều, gió thu lành lạnh. Ngọc ít nói. Dọc đường hỏi chuyện tôi mới biết nhà Ngọc chỉ có hai mẹ con. Mẹ Ngọc ốm luôn. Vùng cao người ta thường dựng vợ, gả chồng sớm. Ngọc cũng muốn chiều ý để mẹ yên tâm, hỏi xong để hai nhà đi lại, còn lâu mới cưới. Ngọc sắp hết nghĩa vụ quân sự, được cử đi học một lớp trung cấp quân đội để chuyển quân nhân chuyên nghiệp.
Về đến đầu thị trấn Sóc Giang cũ, Ngọc hỏi:
- Chú định xuống chỗ nào? Hay là về nhà cháu đã, trời sắp tối rồi...
Tôi vỗ vai Ngọc:
- Yên tâm! Đây là địa bàn hoạt động cũ của chú, nhà nào cũng là nhà quen cả mà!
- Thế chú có biết mẹ cháu không ạ?
- Nhà cháu ở bản nào?
- Ở bản Nà Sao ạ!
- Nà Sao! Ở sát biên giới?
- Vâng ạ! Mẹ cháu tên là Ngân, Hoàng Thị Ngân...
Tôi giật mình, lờ mờ nhớ lại một điều gì đó. Tôi quyết định theo Ngọc về nhà. Tôi chủ quan, cứ nghĩ đến đầu bản sẽ nhớ được mọi chuyện. Bản Nà Sao bây giờ thay đổi rồi. Nhiều ngôi nhà tầng mới xen lẫn nhà sàn, đường đi lối lại cũng khác. Nhưng khi chiếc xe máy của Ngọc chở tôi ngoặt vào một hõm núi thì tôi mới chợt giật mình nhớ dần ra mọi chuyện.
*
Biên cương ngày ấy có biến.
Đơn vị chúng tôi lật cánh từ Hà Giang sang Cao Bằng. Trung đội thông tin chúng tôi đóng quân ở bản Nà Liền đảm bảo các hướng thông tin hữu tuyến và vô tuyến cho các điểm chốt phục vụ chỉ huy tác chiến.
Để chuẩn bị sẵn sàng các hướng thông tin, trung đội trưởng Mùi và tôi đi trinh sát địa hình khi cần thiết triển khai được ngay.
Chúng tôi thường cắt cơm nhà bếp, thanh toán lấy tiêu chuẩn tiền ăn và gạo đem đi trinh sát. Dọc đường tiện đâu chúng tôi sẽ ghé nhà dân nghỉ chân nấu nhờ cơm. Đồng bào dân tộc ở biên giới rất tốt, thịt bán cho bộ đội thường với giá rẻ hơn, rau thì ra vườn nhổ lên, anh em cần bao nhiêu cũng cho luôn, chẳng lấy tiền.
Bản Nà Sao sát đường biên nên khi tình hình căng thẳng, nhiều nhà đã đi sơ tán. Lúc dừng chuẩn bị bữa trưa, chúng tôi phải vào một nhà ở cách biệt tận trong hõm núi mới có người còn ở lại để nhờ nấu cơm. Nhà chỉ có hai cô gái. Cô chị tên là Kim chưa đầy hai mươi, cô em tên là Ngân mới mười bảy tuổi. Trung đội trưởng Mùi chắc đã biết rõ về gia đình này. Anh ra hiệu cho tôi không được hỏi thăm gia cảnh của họ. Hai chị em giành việc nấu cơm giúp chúng tôi. Tôi gỡ nắp ba lô đưa cho họ bao gạo và túi thức ăn gồm hộp thịt và bó rau.
Bữa cơm dọn ra, cơm gạo mới thơm phức, lại có cả thịt gà nữa. Hai chị em cùng ăn với chúng tôi. Họ ngồi ở đầu nồi xới cơm. Quả là hai cô gái rất đẹp. Con gái Tày đã đẹp lại thường có nước da rất trắng và đôi mắt sáng long lanh như ngọc. Suốt bữa, chị em Kim, Ngân ăn rất ít, họ lo tiếp thức ăn cho chúng tôi. Chúng tôi vui vẻ nói chuyện. Nhưng tôi vẫn nhận ra nét mặt, nhất là trong đôi mắt của hai chị em họ phảng phất ẩn chứa một nỗi buồn sâu thẳm.
Ăn cơm xong, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
Hai chị em Kim, Ngân khoác ba lô của chúng tôi tiễn ra tận đầu dốc. Nhận chiếc ba lô của mình từ tay bé Ngân tôi nhận thấy bao gạo buộc trên nắp ba lô vẫn còn nguyên.
Dọc đường, Mùi mới kể lại cho tôi nghe câu chuyện về hai chị em họ. Đó là một gia đình có những khoảng thời gian tràn ngập hạnh phúc. Nhà họ ngày xưa ở giữa bản, trâu ngựa, lợn gà đầy sân, thóc lúa đầy sàn. Hai cô con gái càng lớn, càng xinh đẹp. Đêm đêm bóng trai bản rập rình ngoài ngõ. Chẳng phải bỏ bùa yêu mà mãi tận những bản xa cũng có lũ con trai kéo đến thổi kèn lá gọi bạn thâu đêm ngoài bờ rào. ông bố của hai nàng phải đốt đuốc, gõ ống bương lốp cốp để xua bọn con trai si tình. Ông muốn để hai con học hành đến nơi, đến chốn.
Nhưng rồi tai hoạ đổ xuống đầu họ. Sau một lần khám bệnh, đoàn y tế trên tỉnh về phát hiện ông bố có triệu chứng của bệnh phong. ở vùng nũi xa xôi hẻo lánh này tin đó như một tiếng sét đánh gãy thân cây cổ thụ. Dân bản xa lánh dần, trai tráng không còn dập dìu trước ngõ nữa. Khi người ta xác định đúng là ông bố bị bệnh phong thì hai chị em Kim, Ngân không còn dám đến lớp nữa. Bệnh hủi khiến nhiều người ghê tởm, xua đuổi. Đêm đêm, người ta ném gà chết, chó mèo chết vào nhà. Gia đình họ phải dỡ nhà, khênh từng cây cột, cái kèo vào hẻm núi. Ông bố cố gắng dựng lại ngôi nhà cho vợ và hai con gái trước khi được gọi đi tập trung chữa bệnh ở một trại phong mãi dưới xuôi.
- Chuyện là như vậy đấy! - Mùi vừa xốc lại ba lô vừa hỏi tôi: - Ông có thấy ghê không?
Biết là bệnh phong không lây, không di truyền nhưng vốn là người yếu bóng vía nên tôi cũng thấy hơi sờ sợ. ở quê tôi người ta thường rất sợ căn bệnh này. Bố tôi đã hơn trăm tuổi. Ông thường kể cho tôi nghe chuyện ngày trước ở làng bên có một người bị bệnh hủi. Dân làng phát hiện xa lánh, họ muốn đuổi cả nhà người có bệnh đi khỏi làng. Nhất là khi người bệnh đã phát nặng mặt mũi sù sì, chân tay co quắp phá mủ chảy nước vàng hôi thối. Trước cảnh ngày nào dân làng cũng xua đuổi, lý trưởng, chánh tổng phạt vạ, uy hiếp, những người con của người bệnh đã phải đi đến một quyết định khủng khiếp nhất. Họ mổ gà, giết lợn làm cơm cho ông ăn. Sau bữa cơm li biệt ấy, người con cả chủ trì lễ tế sống bố. Họ để ông ngồi trên sập rồi vái lạy. Đến tối, cả nhà gạt nước mắt đưa ông lên chiếc thuyền nan nhỏ. Nước lũ từ thượng nguồn sông Đáy đang đổ về cuồn cuộn. Con thuyền nhỏ của những đứa con trong lòng rỉ máu ấy đưa ông bố tật bệnh ra một chiếc chòi nhỏ trên bãi bồi giữa sông. Họ để ông bố ở đấy rồi thả thuyền xuôi về phía hạ lưu chờ. Nước dâng ngập bãi bồi, dìm chết người cha bị bệnh hủi. Dân chài lưới phía hạ lưu giúp những người con tìm xác ông bố bị lũ cuốn trôi xuôi. Khi còn nhỏ tôi cũng thường nghe chuyện người hủi chết huyệt phải đào sâu 5 mét đổ vôi bột sống xuống rồi mới hạ quan tài, rắc thêm vôi bột lên trên xong mới lấp. Mả hủi thường phải ở xa những ngôi mộ khác.
Mùi còn kể cho tôi nhiều chuyện buồn của hai chị em Kim. Ngân. Họ không còn bạn bè, xóm giềng. Hai chị em lớn lên như hai bông hoa tươi tắn, xinh đẹp nhưng không một chàng trai nào đến tìm nữa. Họ phải lên núi cao tìm chỗ làm nương trỉa ngô. Nỗi đau cô đơn của họ thật là khủng khiếp. Người mẹ của họ đau buồn rồi ốm chết.
Một buổi tối, hai chị em vừa chuẩn bị đi ngủ thì có tiếng chân bước lên sàn. Hai chị em hoảng sợ ôm chặt lấy nhau. Bởi vì đã rất lâu không còn có ai dám vào nhà họ nữa. Có tiếng gọi nhỏ: "Các con ơi!". Bé Ngân reo lên: "Bố! Bố về...". Họ mở cửa đón bố. Biết tin vợ chết, ông trốn trại phong tìm về nhà. Hai đứa con vừa khóc vừa nấu cơm nếp, làm thịt gà cho bố ăn, gói cho bố đem đi đường. Họ van xin: "Bố phải ra đi ngay trong đêm, ngày mai sáng ra dân bản mà nhìn thấy sẽ xua đuổi, sẽ hắt hủi chúng con...". Ông nhìn hai đứa con gái nước mắt ròng ròng. Ông ra đi rồi biết tích từ đó. Có tin đồn ông đã chết đuối ở sông Bằng khi trèo mảng qua sông giữa đêm. Lại có người bảo ông đã lấy một người đàn bà cùng cảnh ngộ rồi được trợ giúp làm nhà chữa khỏi bệnh và ở ngay trong khu trại phong.
Khi chiến tranh biên giới xảy ra, hai chị em Kim, Ngân vẫn ở lại. Họ vác đạn lên trận địa, đưa thương binh về tuyến sau. Hơn chục ngày giao chiến với kẻ địch đông và mạnh ở thị trấn, chúng tôi rút lui lên núi. Đơn vị chia làm nhiều mũi đột phá vòng vây để rút đi. Về đến Lũng Mật, bất ngờ tôi gặp Ngân. Cô bé súng khoác trên vai chững chạc, dày dặn hẳn. Tôi hỏi ngay:
- Hai chị em thế nào rồi?
Ngân oà khóc:
- Chị Kim em chết rồi! Khi bọn địch phát hiện chỗ giấu thương binh chị ấy đã nổ súng và chạy ra bờ suối đánh lạc hướng. Khi bọn chúng xông đến định bắt sống thì chị ấy cho nổ quả lựu đạn cuối cùng...
Tôi cầm tay Ngân, muốn an ủi cô nhưng chẳng biết nói thế nào.
Một đêm, chúng tôi tổ chức một bộ phận bí mật xuống bản Nà Liền tìm lương thực. Ngân và một số anh chị em dân quân, thanh niên xung phong cũng cùng đi. Trong đêm trăng mờ đục chúng tôi phải đi từng tốp nhỏ để đề phòng bị địch phục kích. Tìm được thứ gì lấy thứ nấy, gạo, ngô, đậu tượng, lúa của đồng bào bó để trên gác bếp. Lúc quay trở về, tôi được giao đi sau cùng bảo vệ cho bộ đội và dân quân lên hết dốc mới rút theo. Tôi ôm súng nép vào hốc đá sát mép nước cảnh giới.
Mọi người lội qua con suối nhỏ, bắt đầu lên dốc. Chờ một lát, ước chừng mọi người đã vượt đoạn dốc trống trải, tôi mới nhấc ba lô lên vai, xách súng rời khỏi hốc đá. Giữa lúc đó thì có tiếng gọi nho nhỏ ngay sau một mô đá, sát chỗ tôi đứng:
- Anh Hà ơi!
Nhận ra tiếng người gọi, tôi quay lại:
- Ngân hả! Sao vẫn còn ở đây, mau vượt lên núi đi, nặng đưa tôi mang bớt cho...
- Không đâu! Nhưng anh... anh ... chờ em một tý.
- Có việc gì vậy! Rút nhanh không nó bắn pháo sang nguy hiểm lắm.
Tôi vừa nói vừa nhìn sang phía thị trấn, nơi những căn nhà đang cháy rừng rực, thỉnh thoảng ánh lửa đầu nòng pháo của địch lại lóe lên.
Ngân thì thào:
- Anh... cảnh giới, gác cho em... tắm một tý nhé, đã gần một tuần nay rồi... trên núi làm gì có nước ...
Đúng là trên núi đá vôi nước uống còn chả đủ làm gì có nước mà tắm. Có chỗ, trận địa phòng ngự rất tốt, chúng tôi đánh bật hàng chục lượt xung phong của địch nhưng hết nước đành phải rút đi chỗ khác. Tôi gàn:
- Đi thôi! Nước suối lạnh lắm.
- Mặc kệ!
Ngân trút hết quần áo, lội xuống suối ngay cạnh chỗ tôi đứng. Bất ngờ mặt trăng ló ra chỗ mây thưa. Cơ thể ngọc ngà của Ngân lồ lộ dưới ánh trăng. Ngân đưa hai bàn tay bưng lấy ngực rồi từ từ dìm mình xuống dòng nước lạnh. ánh trăng lấp loá trên đôi vai trần của em.
Một lát sau Ngân bước lên bờ, cô lặng lẽ mặc quần áo. Đoạn cô khẽ hích vào vai tôi:
- Chúng mình đi thôi!
Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng trước vẻ đẹp thanh khiết, tròn đầy của cô gái giữa một đêm chiến tranh nơi góc rừng biên giới. Tiếng súng bên kia cánh đồng bỗng rộ lên. Tôi kéo Ngân hối hả vượt lên đỉnh dốc núi, lẩn vào những mô đá nhấp nhô như hình người nơi biên ải.
Tối hôm sau chúng tôi được lệnh rút sang Nguyên Bình. Chúng tôi chia làm hai hướng rút quân. Tôi đi một hướng, Ngân đi hướng kia Từ đó, tôi không còn gặp lại Ngân nữa. Sau chiến tranh tôi về xuôi, đi học rồi chuyển về Hà Nội công tác. Đường tuy chẳng xa thế mà hai mươi mấy năm rồi, giờ tôi mới lại lên Cao Bằng.
Tôi và Ngọc bước lên sàn, một người đàn bà ra đón.
Tôi nhận ra Ngân ngay phần vì đã biết trước, phần vì Ngân vẫn đẹp như xưa. Ngân cũng sững lại, miệng hơi há ra muốn gọi nhưng chưa nhớ ra được tên tôi. Ngọc giới thiệu:
- Đây là chú Hà ở trên Bộ về công tác mẹ ạ!
- Đúng rồi! Anh Hà... sao mãi tận bây giờ anh mới về Nà Sao?
Tôi lúng túng. Ngân túm tay tôi chẳng ra cầm, chẳng phải bắt. Ngọc hơi ngạc nhiên:
- Thế mẹ cũng biết chú Hà ạ?
- Con phải gọi là bác! - Ngân sửa lại.
Mùa thu nhưng nhà gần núi đá nên lành lạnh. Khi đã ngồi yên bên bếp lửa rồi, thấy tôi cứ nhìn hai mẹ con vẻ thắc mắc, Ngân bảo con:
- Con xuống chuồng bắt con gà để mẹ làm thịt, sẵn xe xuống chở bác trưởng bản lên uống rượu luôn.
Ngọc đi rồi, Ngân mới bảo:
- Nó là con nuôi của em đấy!
- Vậy hả? - Tôi buột miệng: - Thế Ngân vẫn...
Ngân kể: Cái hôm rút sang Nguyên Bình, Ngân đi cùng hướng có nhiều bà con đồng bào các bản. Ngân đi phía sau đoàn người gồng gánh, bế bồng con cái vượt đường quốc lộ. Giữa lúc đoàn người đang âm thầm đi dưới chân điểm chốt của địch thì có tiếng trẻ con bật lên khóc. Người mẹ ấy sợ lộ địch phát hiện sẽ dẫn đến cái chết của hàng trăm người nên vội lấy khăn bịt miệng con không cho khóc. Lúc sang đến bên kia cánh đồng thì đứa bé ngừng thở. Tưởng đứa con chưa đầy tháng tuổi đã chết, người mẹ đặt con vào hốc đá rồi vội dắt hai đứa lớn chạy theo đoàn người. Đứa trẻ số không chết. Khi được đặt xuống đất lạnh, nó dần tỉnh lại. Ngân chợt nghe tiếng trẻ con khóc bèn quay lại tìm. Cô cởi áo bọc đứa trẻ ôm chạy theo bộ đội. Ngọc chính là đứa trẻ ngày ấy. Ngân đã nuôi nó gian nan, vất vả biết bao. Sau chiến tranh, Kim được công nhận là liệt sĩ. Dân bản không còn sợ và xa lánh ngôi nhà trong hẻm núi nữa Người ta đã được tuyên truyền, hiểu biết hơn về bệnh phong. Nhưng Ngân cũng chẳng lấy chồng, cô nuôi Ngọc lớn lên trở thành một người lính.
*
Đêm ấy, chúng tôi ngồi bên bếp lửa ôn lại chuyện cũ. Chén rượu vùng cao sóng sánh ánh trăng rừng. Ông trưởng bản vốn cũng là lính thời chống Mỹ nên càng đậm chuyện.
Sáng hôm sau, tôi chia tay mẹ con Ngân để theo tuyến biên phòng tiếp tục chuyến công tác. Ngân xách túi, tiễn tôi ra tận đầu dốc. Gió núi ào ào như ngàn đời nay vẫn thổi ở nơi biên ải này.
Hà Nội, tháng 12-2002