Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Tạp văn CHUYỆN HOA PHONG LAN

 CHUYỆN HOA PHONG LAN

Tạp văn của Trọng Bảo
Sau khi hoàn thành công việc, sách đã in xong tôi trở về vườn quê với hoa phong lan. Một mùa hoa lan rừng đang bắt đầu nở tưng bừng nơi chốn vườn xưa. Ngắm hoa phong lan, tôi lại nhớ về thời chiến sĩ giữa rừng sâu. Ngày ấy, chúng tôi lao động làm doanh trại ở Văn Chấn, Yên Bái. Đại đội Thông tin 17, Trung đoàn 246 đóng quân dã ngoại ở các gia đinh công nhân lâm trường chè Trần Phú. Tôi và Hiên Giang Bảo ở nhà chị Thuyết, Đội sản xuất số 1. Chị chủ nhà cứ băn khoăn “Tại sao không cho hai chú ở hai gia đình khác nhau, ở cùng thế này gọi một người thì cả hai cùng thưa!”. Anh chủ nhà là cán bộ về nghỉ phép thì nói đùa: “Hai chú này giống như hai con dê, cùng tên tuổi, ở cùng nhau, luôn “húc nhau” nhưng vẫn thân thiết với nhau thế…”. Đúng như anh chủ nhà nhận xét. Hai thằng chúng tôi cùng tên, cùng tuổi, cùng nhập ngũ, cùng ở một tiểu đội, chỉ khác quê quán. Giang Bảo quê ở Thái Nguyên, còn tôi ở Vĩnh Phúc. Điểm khác thứ hai là tôi là người Việt, còn Giang Bảo là người Việt gốc Hoa. Ngày còn là tân binh chúng tôi cũng cùng ở đơn vị huấn luyện ở Đại Từ, Thái Nguyên, cách nhà Giang Bảo hơn một cây số. Mỗi khi được nghỉ, Giang Bảo hay nháy tôi: “Trọng Bảo ơi! Về nhà kiếm cái gì ăn đi!”. Thời ấy lính đói lắm. Mỗi khi được nghỉ tôi hay theo Giang Bảo về nhà. Bà mẹ Giang Bảo có cái gì ăn đều để phần chờ chúng tôi về. Khi thì vài củ sắn, bắp ngô, hai cái bánh bao hoặc hai nắm bột mỳ luộc. Nhà nghèo nhưng mỗi lần thấy chúng tôi về bà mẹ Giang Bảo vui lắm. Bà mẹ nghèo rưng rưng nhìn hai thằng lính chúng tôi chia nhau đồ ăn.
Khi đi lao động ở Yên Bái chỉ huy phân công hai chúng tôi ở cùng một nhà. Hai chúng tôi hay tranh luận, ý kiến luôn trái ngược nhau nhưng rất thân nhau. Chúng tôi có một điểm chung là đều thích hoa phong lan. Lính tráng lao động rất vất vả, ăn uống thì thiếu thốn. Chúng tôi làm việc suốt ngày đêm cuốc đất, san nền nhà, chặt nứa đan tranh lợp nhà, đan sạp làm giường ngủ. Những ngón tay đan tranh cà vào vỏ cây nứa nhiều đến nỗi các móng tay bị mòn thấu đến thịt chảy máu, rất đau phải dùng giẻ buộc lại để tiếp tục đan. Làm việc vất vả vậy nhưng hôm nào được nghỉ là chúng tôi lại rủ nhau đi tìm phong lan. Ngày ấy rừng già còn nhiều, phong lan cũng nhiều nhưng trên cây cao rất khó lấy. Một lần, tôi và Giang Bảo trèo lên một cái cây chết khô để lấy một giò lan rừng đang nở hoa rất đẹp. Lúc leo lên đã khó, lấy được lan rồi xuống còn khó hơn. Cái cây mục đung đưa khi gió mạnh như sắp đổ. Giang Bảo đạp vào một cành cây khô mục. Cành cây gãy nó ngã nhào xuống đám dây leo chằng chịt khiến tôi hoảng sợ quá. May mà nó không sao. Lần ấy lấy được khóm lan đẹp về ghép vào cành nhãn vườn chủ nhà. Đi rừng khai thác tre nứa, gỗ lấy được lan chúng tôi đều đem về ghép vào những cây nhãn trong vườn. Chị chủ nhà bảo: “Không chăm được đâu!”. Nhưng lan rừng sức sống rất khỏe, chẳng cần chăm sóc vẫn phát triển tốt. Cũng tôi và Giang Bảo mải lấy hoa lan ven suối khi nước lũ bất ngờ đổ về đánh tan bè nứa trên Ngòi Lao, suýt nữa bị nước cuốn xuống vực. Cuối năm 1978, tình hình quan hệ hai nước Việt-Trung căng thẳng, Hoa kiều và người gốc Hoa chạy về nước. Giang Bảo được cho ra quân. Gia đình Giang Bảo không chạy về Trung Quốc mà vẫn ở lại Việt Nam. Do đó mà tôi và Giang Bảo không xảy ra tình huống “chĩa súng vào nhau” khi chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979 nổ ra. Sau chiến tranh biên giới tôi về Thái Nguyên ôn thi đại học Giang Bảo còn đến thăm. Vài năm sau đó Giang Bảo mất vì một căn bệnh hiểm nghèo.
Trở về vườn quê, ngắm hoa phong lan rừng tôi lại nhớ tới người bạn cũ cùng tên và bao nhiêu đồng đội từ thời chiến sĩ gian lao giữa rừng Yên Bái, Hà Giang. Về vườn quê tôi vẫn có thể trồng lan, hằng ngày làm việc trực tuyến qua Internet, hoàn thành công việc được giao và bắt đầu cho một sáng tác mới. Đó là viết cho xong cuốn tiểu thuyết “Hai nửa cuộc đời” viết về một nhân với hai nửa cuộc đời sáng - tối. Khi còn là người lính anh tỏa sáng trong chiến tranh với nhiều chiến tích. Nhưng nửa cuộc đời còn lại trong thời bình của anh là bóng tối. Trong chiến tranh kẻ thù ở phía trước mặt dễ nhận biết. Thời bình thì kẻ thù ở sau lưng, ở xung quanh và ở chính trong ta rất khó phân biệt. Chiến tranh với các mặt trận ác liệt, cam go nhưng làm nên anh hùng, còn thời bình lại là những "ma trận" của quyền lực, tham vọng và sự êm ái cám dỗ người ta sa ngã…
Hương hoa phong lan thơm miên man quá khiến tôi cũng quá lan man. Xin dừng bút tại đây để mời các bạn ngắm hoa phong lan đang nở ngập tràn trong vườn nhà tôi hôm nay…
Vĩnh Phúc, ngày 11/4/2022
Ảnh: Hoa lan rừng trong vườn nhà tôi.






Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

SÁCH ĐÃ IN XONG

    SÁCH ĐÃ IN XONG

Tiểu thuyết NĂM NGƯỜI CÙNG LÀNG - tác giả Trọng Bảo do Nhà xuất bản Văn học cấp phép xuất bản đã in xong cuối tháng 3-2022. “Năm người cùng làng” viết về thời hậu chiến. Đất nước trải qua bao năm tháng dài của các cuộc chiến tranh đầy đau thương, mất mát nhưng thời hậu chiến với những với những di chứng, nỗi đau của người lính, người dân còn dài hơn rất nhiều. Thời chiến đã khốc liệt song thời hậu chiến cũng không kém phần khốc liệt, gian lao. Có những điều phi lý tưởng chỉ xảy ra trong chiến tranh nhưng không ngờ lại đầy rẫy ở thời bình.
Ở một cái làng nhỏ ven sông có năm người bạn cùng sinh một năm, cùng học với nhau cho đến hết lớp 10 (lớp cuối cấp 3 ở miền Bắc trước đây). Câu chuyện xoay quanh số phận của năm nhân vật ấy. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều giống nhau ở một điểm là đều là những học trò nghịch như quỷ - nên còn gọi là nhóm "ngũ quỷ" làng Vực. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ba người lên đường nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu, một người đi thanh niên xung phong, chỉ có một người xuất ngoại du học ở nước ngoài. Hết chiến tranh, một người lính (nhân vật Thưởng) và cô thanh niên xung phong (nhân vật Nhiên) từ mặt trận trở về làng. Nhân vật Hiến đi học nước ngoài cũng đã trở về và thành danh là một cán bộ nhà nước.
Câu chuyện bắt đầu khi một trong hai liệt sĩ làng Vực đột ngột trở về làng. Đó là Vũ Phương. Hóa ra anh vẫn còn sống. Anh chỉ bị thương sọ não, bị thất lạc đơn vị chứ không chết. Vũ Phương trở về với một câu hỏi luôn luôn thường trực trong đầu: "Tao chết rồi à! Tại sao tao lại chết?". Sự trở về của người "liệt sĩ" khiến nhiều chuyện ở làng xáo trộn. Trước tiên là việc đi tìm "chứng nhận là người còn sống" của Vũ Phương. Hóa ra là không đơn giản bởi một bộ máy chính quyền quan liêu, nhũng nhiễu, nhiều thủ tục nhiêu khê.
Hành trình để từ một "liệt sĩ" trở lại làm một người còn sống của Vũ Phương thật gian nan, phiền phức. Nhiều sự trớ trêu khác cũng xuất hiện kể từ khi “người chết” sống lại. Người mẹ già ốm yếu đã bao năm rồi nhận tiêu chuẩn tiền tuất hàng tháng của gia đình liệt sĩ, nhận vài viên thuốc giá rẻ miễn phí ở trạm y tế xã nay phải trở về làm một người dân bình thường, không còn những đãi ngộ ấy nữa. Một "liệt sĩ" từ cõi chết trở về luôn được đám trẻ tung hô là “anh hùng” như Vũ Phương giờ phải gian nan kiếm sống mưu sinh giống như số phận của bao nhiêu người lính thời hậu chiến. Nhưng dù gian nan, vất vả họ vẫn giữ gìn được phẩm giá và nhân cách của mình, không bao giờ sa ngã trước cám dỗ của tiền bạc. Nhân vật Thưởng trở về từ mặt trận B3-Tây Nguyên. Anh bị sốt rét và nhiễm chất độc da cam, không lấy vợ, thay mẹ chèo đò chở khách sang sông. Đứa con nuôi (cái Sương) chính là con đẻ của người yêu cũ lén bỏ lại trên thuyền cho anh nuôi để không vướng bận khi xuất ngoại với người chồng ngoại quốc. Anh Thưởng đã phải gian nan nuôi nấng cái Sương. Nhưng anh đã có được niềm vui hạnh phúc khi đứa con gái nuôi lớn khôn, học giỏi. Cái Sương suýt nữa bị ông chủ cưỡng hiếp và đẩy vào cạm bẫy của một đường dây buôn bán đưa người ra nước ngoài. Cái đường dây tội lỗi ấy do vợ chồng ông chủ doanh nghiệp trá hình mà người vợ lại chính là người yêu cũ của anh Thưởng, mẹ đẻ của cái Sương lập ra. Người mẹ buôn người ấy đã nhận ra con gái của mình khi cái Sương để lại giấy tờ trong túi xách khi chạy thoát ra khỏi động quỷ. Người gác cổng doanh nghiệp ấy cũng là một người lính cũ ở mặt trận B3 đã cứu cái Sương. Sau vụ ấy người cựu chiến binh gác cổng bị mất việc trong khi vợ ốm yếu, con nhiễm chất độc da cam. Nhưng bản lĩnh của người lính chiến vẫn thể hiện qua câu nói của ông: "Mất việc thì mất, tôi cóc cần! Hôm ấy, nếu biết thằng giám đốc định hại con bé thì tôi đã đạp cửa xông vào đâm luôn cho nó một nhát. Mẹ kiếp! Đi tù thì đi tù, chiến tranh, bom đạn còn chẳng sợ, sợ đéo gì nhà tù!".
Trong năm người cùng làng người thành đạt nhất là nhân vật Hiến. Hiến được ông chú ruột là cán bộ cấp to nâng đỡ. Hiến đã tích cực hỗ trợ ông chú trong việc loại bỏ nhiều "địch thủ" để vươn lên với những thủ đoạn vô cùng tinh vi, hèn hạ. Trong đó có món "đòn văn nghệ", dùng văn nghệ để ám sát đối thủ chính trị của mình. Thằng Hiến thì tìm cách "bẫy" cấp trên trực tiếp của mình để đoạt chức trưởng phòng, vươn lên làm phó giám đốc sở công nghiệp tỉnh. Con đường công danh của nó rộng mở tưởng là thênh thang, mỹ mãn. Nhưng luật đời nhân quả. Bọn tham ô, tham nhũng, khó tránh khỏi lưới trời lồng lộng. Khi biết số mình đã tận, thằng Hiến đã lặng lẽ trở về làng Vực để gieo mình kết thúc cuộc đời ở dòng sông quê nhà, nơi nó từng vẫy vùng tắm mát một thời tuổi trẻ.
Các nhân vật khác trong tiểu thuyết “Năm người cùng làng” như mẹ con chị Hường bán rau, lão Vận quét chợ, ông Nghĩa, thằng Nhân "thợ xây", cụ thủ từ Đền Vực. Họ là những nhân vật phụ trong tiểu thuyết nhưng cũng có những số phận, những mối liên hệ gắn với các nhân vật chính trong nhóm "ngũ quỷ" làng Vực nơi vùng trung du nghèo khó…
Tôi xin được chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Văn học, cảm ơn những người làm công tác biên tập, làm sách đã giúp cho cuốn tiểu thuyết này ra đời. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tiểu thuyết “Năm người cùng làng” của Trọng Bảo.
Hà Nội, tháng 3-2022
TRỌNG BẢO
Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'TRỌNG BẢO Năm cùng mười Liểu thuyết làng vh NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC'